Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận “bao vây Đài Loan”, mục đích là nhằm ngăn Đài Loan tách khỏi Trung Quốc Đại lục hơn nữa. Trong video của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) về cuộc tập trận này, Đại úy hải quân Trung Quốc Zu Guanghong tuyên bố: “Chúng tôi đang duy trì trạng thái cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu mọi lúc, bất cứ khi nào… Chúng tôi có quyết tâm và khả năng tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp chống lại bất kỳ kẻ xâm lược nào phá hủy sự thống nhất của đất mẹ, và sẽ không khoan nhượng”.
Tuy nhiên, ngay cả khi hành động quân sự của Trung Quốc có thể ngăn cản các chính trị gia phương Tây khác làm theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, người đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi đến thăm Đài Loan, thì hy vọng thống nhất hòn đảo này thông qua đàm phán cũng ngày càng ít. Chiến thuật gây sốc của Bắc Kinh có thể khiến Đài Loan hoài nghi về một giải pháp hòa bình và lâu dài với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tập Cận Bình cho thấy ông sẵn sàng sử dụng một “cây gậy quân sự” để đánh lại phe mà Bắc Kinh cho là liên minh nguy hiểm giữa Đài Loan và Mỹ. Các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc tại 6 khu vực xung quanh Đài Loan, trong đó có các cuộc tập trận chung trên không và trên biển nhằm tăng khả năng không kích tầm xa, cho phép quân đội Trung Quốc phong tỏa hòn đảo này trong trường hợp tiến hành xâm lược.
Trước những áp lực liên tiếp, “chính sách cà rốt” mà Trung Quốc sử dụng để lôi kéo Đài Loan tiến tới thống nhất có lẽ sẽ càng suy yếu. Trong các thời kỳ quan hệ tốt đẹp trước đây, Trung Quốc hoan nghênh các khoản đầu tư, hàng nông sản và nghệ sĩ của Đài Loan. Hiện nay, sự ngờ vực có thể sẽ gia tăng. Một số chuyên gia cảnh báo nếu tình hình trở nên cực đoan hơn, Bắc Kinh và Washington sẽ bị cuốn vào một cuộc xung đột toàn diện.
Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd cho biết: “Một vụ nổ sẽ không xảy ra ngay ngày mai, nhưng nguy cơ khủng hoảng, xung đột hoặc thậm chí chiến tranh với Mỹ về vấn đề Đài Loan sẽ tăng lên”.
Đài Loan chưa bao giờ thuộc quyền cai trị của ĐCSTQ, nhưng Bắc Kinh khẳng định đây là phần lãnh thổ lịch sử và hợp pháp của Trung Quốc. Lực lượng Quốc dân đảng Trung Quốc, chạy sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi thua trong cuộc nội chiến, cũng khẳng định rằng hòn đảo này là một phần của Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi Đài Loan nổi lên như một nền dân chủ vào những năm 1990, ngày càng có nhiều người dân tự nhận thấy mình khác biệt rất nhiều về giá trị và văn hóa so với Trung Quốc. Sự hoài nghi chính trị đối với Trung Quốc độc tài đã tồn tại và thậm chí còn trở nên sâu sắc hơn khi mối quan hệ kinh tế của Đài Loan với Đại lục ngày càng mở rộng.
Wu Jieh-min, nhà khoa học chính trị tại Academia Sinica – học viện nghiên cứu hàng đầu của Đài Loan – nhận định: “Sức hấp dẫn của ‘củ cà rốt’ trong chính sách Đài Loan, đó là kích thích kinh tế, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc… Lá bài mà họ nắm giữ hiện nay là nâng cao các mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan và tiếp tục chuẩn bị sử dụng vũ lực, cho đến ngày mà cuộc tấn công quân sự toàn diện nhằm vào Đài Loan trở thành một lựa chọn thuận lợi”.
Tập Cận Bình đã cam kết với Đài Loan về thỏa thuận nguyên tắc “Một nước, hai chế độ” và có thể trở lại cung cấp các ưu đãi về kinh tế và chính trị cho Đài Loan, nếu ông có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống của hòn đảo này vào đầu năm 2024. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 vào năm đó. Người kế nhiệm từ Đảng Dân Tiến (DPP) của bà có thể sẽ từ chối nguyên tắc “Một Trung Quốc” và ủng hộ độc lập, tỏ ra kiên cường hơn khi đối phó với Bắc Kinh.
Nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc Wang Hsin-hsien, giáo sư tại Đại học Quốc lập Chính trị ở Đài Bắc, cho biết trong những năm sau cuộc bầu cử, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể “muốn đạt được một số bước tiến đối với Đài Loan, không nhất thiết phải thống nhất, mà là một số kết quả ở đó… Tập Cận Bình là kiểu người sẽ báo đáp lòng tốt, nhưng khi báo thù thì sẽ đòi lại gấp đôi”. Một câu hỏi còn tồn tại đối với Đài Loan là liệu Tập Cận Bình có dự tính về thời gian thực hiện hay không. Ông đã đề xuất tầm nhìn về công cuộc “chấn hưng” Trung Quốc thành một cường quốc toàn cầu thịnh vượng, hùng mạnh và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc thống nhất với Đài Loan. Ông nói rằng công cuộc này sẽ hoàn thành vào giữa thế kỷ, vì vậy một số người coi đó là thời điểm để ông hiện thực hóa tham vọng Đài Loan.
Trong bài phát biểu thiết lập nghị trình về chính sách Đài Loan năm 2019, Tập Cận Bình tái khẳng định rằng Trung Quốc hy vọng thống nhất với Đài Loan một cách hòa bình, nhưng sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực. Ông cũng kêu gọi tìm ra các cách để dàn xếp nguyên tắc “Một nước, hai chế độ” đối với Đài Loan. Hiện chính phủ Trung Quốc đã chỉ định các học giả tham gia dự án này. Tập Cận Bình cho rằng các kế hoạch như vậy “phải xem xét đầy đủ thực tế của Đài Loan, đồng thời phải có lợi cho trật tự và ổn định lâu dài ở Đài Loan sau khi thống nhất”.
Tuy nhiên, những đề xuất mà các học giả Trung Quốc đưa ra càng cho thấy sự khác biệt giữa toan tính của Bắc Kinh và những điều mà hầu hết người dân Đài Loan có thể chấp nhận. Các nghiên cứu về Trung Quốc đề xuất cử các quan chức nước này duy trì quyền kiểm soát ở Đài Loan, đặc biệt nếu Bắc Kinh giành được quyền kiểm soát bằng vũ lực; số khác cho rằng Trung Quốc phải áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Đài Loan – giống như luật mà họ đã áp dụng đối với Hong Kong vào năm 2020 – để trừng phạt những người chống lại sự cai trị của Trung Quốc.
Trong bài “Đề cương thống nhất Trung Quốc”, Zhou Yezhong – giáo sư luật nổi tiếng tại Đại học Vũ Hán – đã viết: “Cần thừa nhận rằng việc quản lý Đài Loan sẽ khó hơn nhiều so với Hong Kong, bất kể phạm vi địa lý hay điều kiện chính trị”. Cũng theo bài viết này, xã hội Đài Loan phải được “tái thống nhất” để tiếp nhận các giá trị chính thống của Trung Quốc và để “chuyển đổi cơ bản môi trường chính trị đã được định hình từ lâu bởi tư tưởng ‘Đài Loan độc lập’”.
Các cuộc thăm dò ý kiến của người dân Đài Loan cho thấy rất ít người mong muốn thống nhất theo các điều kiện của Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát ý kiến mới nhất của Đại học Quốc lập Chính trị, 1,3% người được hỏi ủng hộ thống nhất càng sớm càng tốt, 5,1% muốn độc lập càng sớm càng tốt. Phần còn lại hầu hết đều muốn duy trì trạng thái mơ hồ như hiện nay./.