Trong bối cảnh vị thế của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng gia tăng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và địa chiến lược đối với các khu vực khác và toàn cầu, Ấn Độ – với tư cách là một nước lớn kết nối giữa hai đại dương, có vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc an ninh, thúc đẩy các hoạt động hợp tác và kết nối trong khu vực. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tạo cho Ấn Độ cả những thách thức lẫn những cơ hội để vươn lên, và Ấn Độ muốn sử dụng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một công cụ để thúc đẩy lợi ích chiến lược của mình và ứng phó với một môi trường an ninh đang thay đổi. Vậy những toan tính của Ấn Độ là gì và nước này sẽ làm gì để đạt những mục tiêu chiến lược của mình?
Bối cảnh Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khu vực địa chính trị trải dài từ bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ đến phía Tây Ấn Độ và ven biển Đông Phi, là một không gian rộng lớn kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thuật ngữ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã xuất hiện từ hơn 1,5 thế kỷ trước, tuy nhiên thuật ngữ này mới được sử dụng phổ biến theo nghĩa địa chính trị trong thời gian từ năm 2011 trở lại đây. Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có sự bao phủ rộng hơn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sự phát triển của nền kinh tế Ấn Độ đã kiến thuật ngữ “Châu Á – Thái Bình Dương” không còn thể hiện được hết trọng tâm của nền kinh tế thế giới, thay vào đó Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dần nổi lên và phổ biến trong quan hệ quốc tế. Khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở nên được chú ý đặc biệt từ sau Diễn đàn Hợp Tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, Việt Nam năm 2017 khi Tổng thống Mỹ Donald J. Trump đã liên tục sử dụng thuật ngữ này trong những phát biểu của ông.
Là một khu vực rộng lớn, bao hàm hai đại dương và khoảng 60% dân số thế giới, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị và địa chiến lược đối với các khu vực khác và toàn cầu.
Về mặt kinh tế, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang ngày càng trở thành trung tâm kinh tế của thế giới với sự hiện diện của các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nền kinh tế phát triển nhanh như ASEAN. Không gian hàng hải khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là trọng tâm của thương mại toàn cầu với những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, chiếm khoảng 65% thương mại thế giới và đóng góp 60% GDP toàn cầu[1]. Ấn Độ Dương kiểm soát các tuyến đường biển lớn chở một nửa số tàu container trên thế giới, một phần ba lưu lượng hàng hóa và hai phần ba số lô hàng dầu của thế giới[2]. Do đó, các tuyến đường hàng hải ở Ấn Độ Dương liên quan trực tiếp đến lợi ích của rất nhiều quốc gia phụ thuộc vào dòng chảy thương mại và năng lượng này. Điều này cũng là một trong những yếu tố chính đánh đấu tầm quan trọng của Ấn Độ Dương bên cạnh Thái Bình Dương.
Về mặt chiến lược, trong những năm đầu thế kỷ XXI, trọng tâm chiến lược toàn cầu dần chuyển dịch từ Đại Tây Dương sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Với nhiều vấn đề thời sự, điểm nóng an ninh, sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Ấn Độ, cùng sự phát triển của các tổ chức, cơ chế hợp tác đa phương về kinh tế, chính trị như ASEAN, APEC, CPTPP…, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dần trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia nhằm cạnh tranh, gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này, đặc biệt là các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ,…
Vai trò của Ấn Độ trong Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Trong bối cảnh vị thế của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng gia tăng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và địa chiến lược đối với các khu vực khác và toàn cầu, Ấn Độ – với tư cách là một nước lớn kết nối giữa hai đại dương, có vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc an ninh, thúc đẩy các hoạt động hợp tác và kết nối trong khu vực.
Thứ nhất, Ấn Độ có vai trò định hình cấu trúc khu vực. Sự khác biệt cơ bản nhất giữa hai khái niệm Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là sự hiện diện của Ấn Độ. Ấn Độ có một vị trí quan trọng ở Ấn Độ Dương, với hơn 2000km đường bờ biển giáp Ấn Độ Dương, sở hữu hai quần đảo Andaman và Nicobar nằm trên tuyến đường biển kết nối Nam Á với Đông Nam Á, vị trí địa lý chiến lược khiến Ấn Độ trở thành một phần không thể thiếu trên bản đồ địa lý Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Về kinh tế, Ấn Độ hiện tại là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức và được các chuyên gia dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới năm 2030[3]. Ấn Độ cũng được đánh giá là cường quốc về quân sự, là một trong những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và lực lượng quân đội hàng đầu thế giới. Vị trí địa lý đặc biệt cùng sức mạnh tổng hợp vượt trội khiến Ấn Độ trở thành một nhân tố quan trọng trong sự định hình cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng góp phần thúc đẩy sự công nhận đối khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong giới chiến lược và học thuật ở khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, vai trò cân bằng quyền lực trong cấu trúc an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một trong những động lực quan trọng dẫn đến sự đình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là nhu cầu cân bằng quyền lực trong khu vực. Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và quân sự cùng sự suy giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ, sự nổi lên của Ấn Độ về kinh tế và chính trị góp phần quan trọng vào việc tạo lập thế cân bằng sức mạnh trong khu vực, phá vỡ thế độc tôn của Trung Quốc. Trong bối cảnh đầy biến động của khu vực, Ấn Độ nổi lên là một quốc gia “trỗi dậy hòa bình” và được các nước hoan nghênh, trở thành chủ thể có vai trò cân bằng quan trọng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ ba, vai trò trong thể chế hóa và quản trị khu vực. Tuy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khu vực địa lý từ lâu đời, nhưng cấu trúc an ninh, chiến lược của khu vực chỉ mới được bắt đầu hình thành và đang trong quá trình xây dựng cấu trúc quản trị hợp lý. Ấn Độ nỗ lực tham gia vào quá trình này với những định hướng về việc thiết lập thể chế trong khu vực với trọng tâm chính là đảm bảo ranh giới trên biển, tôn trọng chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế, tự do và bình đẳng.
Thứ tư, vai trò “nhà cung cấp an ninh” trong khu vực. Ấn Độ tự gọi mình là “nhà cung cấp an ninh” và trên thực tế, Ấn Độ cũng đóng vai trò là chủ thể cung cấp an ninh cho các nước trong khu vực như Nepal, Bhutan, Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives. Với sức mạnh kinh tế và tiềm lực quân sự, Ấn Độ luôn công khai mục tiêu bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời khẳng định nguyện vọng và sẵn sàng trở thành “đối tác an ninh đáng tin cậy” đối với các nước trong khu vực để đảm bảo sự ổn định ở Châu Á.
Thứ năm, vai trò đảm bảo an ninh hàng hải. Ấn Độ luôn tuyên bố mục tiêu giữ cho các tuyến đường biển trong khu vực này luôn rộng mở. Sự hiện diện của Hải Quân Ấn Độ trên các vùng biển và các cuộc tập trận đa phương với các quốc gia ở Thái Bình Dương và các quốc đảo ở Ấn Độ Dương góp phần đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực, nhất là trong việc chống cướp biển, ứng phó với thiên tai và hỗ trợ nhân đạo.
Những thách thức địa chính trị mà Ấn Độ phải đối mặt.
Phần lớn thách thức của Ấn Độ trong khu vực đều bắt nguồn hoặc xoay quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thực tế là Ấn Độ phải đối mặt với những thách thức về an ninh khi ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước lân cận ngày càng tăng. Sự trỗi dậy và các sáng kiến của Trung Quốc đã làm suy yếu vai trò của Ấn Độ trong khu vực lân cận và làm thay đổi môi trường an ninh trong khu vực. Thông qua sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI), Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Nam Á và trên khắp Ấn Độ Dương. Những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc đã kiến các quốc gia thành viên phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, nhiều quốc gia đã rơi vào tình trạng nợ nần và phải trả giá bằng cách cho Trung Quốc thuê căn cứ quân sự hoặc quyền khai thác các công trình. Sri Lanka – quốc gia láng giềng của Ấn Độ, vì không thể trả khoản nợ 8 tỷ USD, đã phải đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm[4]. Ở cấp độ cao hơn, Djibouti – một quốc gia châu Phi, bên bờ tây Ấn Độ Dương đã chấp nhận cho Trung quốc thiết lập căn cứ quân sự để gán khoản nợ từ BRI. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nắm quyền khai thác các cảng khác xung quanh Ấn Độ như Gwadar ở Pakistan, Lamu ở Kenya, Maputo ở Mozambique, Colombo ở Sri-Lanka, Chittagong ở Bangladesh, tạo nên “Chuỗi Ngọc Trai” bao vây Ấn Độ ngay trong sân nhà của nước này. Việc các cảng biển, căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và gần Ấn Độ đã dẫn đến nhận thức cao hơn ở Ấn Độ về sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương không chỉ dừng lại ở ảnh hưởng chính trị đơn thuần mà hiện tại đã ở cấp độ cao hơn với việc tham gia vào dòng chảy hàng hải và sự tiềm năng sử dụng quân sự. Các quốc gia láng giềng của Ấn Độ như Sri Lanka, Maldives là những quốc đảo có vị trí địa lý quan trọng, gần các tuyến đường thương mại trọng yếu ở Ấn Độ Dương, là điểm tựa để mở rộng và duy trì sự hiện diện của hải quân trên các vùng biển rộng lớn. Việc Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc ngay trong khu vực Ấn Độ thống trị khiến Ấn Độ phải đặt ra một nhiệm vụ khó khăn và cạnh tranh với Trung Quốc để duy trì vai trò của mình ở Ấn Độ Dương trong khi các quốc gia láng giềng như Sri Lanka, Pakistan và Maldives đều có lập trường chống Ấn Độ và thân Trung Quốc rõ ràng.
Những lợi ích cốt lõi của Ấn Độ tại khu vực
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữ vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu . Sự phát triển của khu vực này mang đến một cơ hội địa chiến lược và địa kinh tế cho Ấn Độ. Ấn Độ Dương có vị trí địa lý ý nghĩa chiến lược rất lớn để hỗ trợ tham vọng quyền lực của Ấn Độ là trở thành quốc gia với tầm ảnh hưởng chính trị và kinh tế thống trị trên vùng đất rộng lớn của bờ biển phía đông Châu Phi, Tây Á và thậm chí là cả Đông Nam Á.
Thứ nhất, về kinh tế. Một nửa thương mại toàn cầu và 90% thương mại của Ấn Độ đi qua vùng biển này[5]. Là một quốc gia hàng hải, Ấn Độ có thể đạt được lợi ích kinh tế và thương mại bằng cách thúc đẩy kết nối hàng hải tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thông qua đó để đảm bảo an toàn hàng hải cho hàng hóa thương mại của mình khi đi qua khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một thị trường mở ở khu vực này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và vốn của Ấn Độ nói riêng và các quốc gia khác trong khu vực nói chung.
Thứ hai, về không gian chiến lược và tầm ảnh hưởng chính trị. Đối với Ấn Độ, địa chính trị đang phát triển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ cung cấp các giải pháp hợp tác cho các mối quan tâm chung đồng thời đảm bảo lợi ích của mình, mà còn là đêm lại cơ hội để mở rộng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ.
Thứ ba, đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường ảnh hưởng quân sự. Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và các quốc đảo nhỏ hơn tại khu vực đóng một vai trò lớn trong việc định hình môi trường an ninh của Ấn Độ. Sự hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và các quốc đảo Maldives, Mauritius Seychelles và Sri Lanka đe dọa vai trò của Ấn Độ trong khu vực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hợp tác ngày càng mở rộng trong khu vực lân cận của Ấn Độ đã làm dấy lên những lo ngại đối với các toan tính chính trị của Ấn Độ. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cung cấp một nền tảng để đẩy lùi bất kỳ hành động đơn phương cố gắng trở thành độc quyền, điều này đã cung cấp cho Ấn Độ một nền tảng chiến lược cân bằng đối với Trung Quốc.
Vị trí của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tư duy đối ngoại của Ấn Độ
Ấn Độ luôn coi mình là một chủ thế của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ đã có sự giác ngộ chiến lược về khu vực từ những năm đầu của thế kỷ XXI, tài liệu đầu tiên về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Ấn Độ đã được công bố vào năm 2006 bởi Bộ Tư Lệnh Hải Quân Miền Đông. Nhưng đến năm 2015, Báo cáo “Bảo đảm an ninh biển: Chiến lược an ninh biển của Ấn Độ” của Bộ Quốc Phòng Ấn Độ mới xác định chính thức sự chuyển dịch trọng tâm thế giới từ Châu Âu – Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời tái khẳng định sức mạnh kinh tế và quân sự của Châu Á đã dẫn đến những thay đổi đáng kể về chính trị, kinh tế và xã hội ở khu vực Ấn Độ Dương, cũng như tác động đến môi trường hàng hải của Ấn Độ. Ấn Độ cũng nhận ra triển vọng quốc gia đối với các vùng biển đã trở nên quan trọng và sự tương tác giữa nước này với các quốc gia ven biển khác trong khu vực Ấn Độ Dương sẽ trở thành nền tảng cho các sáng kiến đối ngoại khu vực.
Sự trình bày rõ ràng nhất từ Ấn Độ về tầm nhìn của nước này về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Thủ Tướng Narendra Modi phát biểu tại Đối thoại Shangri La năm 2018.
Thứ nhất, đối với Ấn Độ, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không phải là một chiến lược để kìm hãm bất cứ quốc gia nào – ám chỉ Trung Quốc, mà đây là một tầm nhìn về một khu vực tự do, cởi mở và toàn diện, là một câu lạc bộ mở cửa cho tất cả các nước cùng theo đuổi mục tiêu thịnh vượng và tiến bộ. Thủ tướng Modi nhấn mạnh an ninh và ổn định trong khu vực có thể được thực hiện dựa trên các nguyên tắc công bằng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Thứ hai, Ấn Độ coi ASEAN là điểm tựa và đóng vai trò trung tâm trong khu vực. Đông Nam Á là giao điểm kết nối Ấn Độ Dương Và Thái Bình Dương theo hướng Đông – Tây. Ở vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ASEAN trở thành một điểm quan trọng trong cấu trúc an ninh của cả khu vực. Quan điểm của Ấn Độ là ủng hộ việc củng cố các cấu trúc an ninh hiện có ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và nhắc lại sự cần thiết phải tăng cường hợp tác kỹ thuật chiến lược về an ninh hàng hải trong việc tạo ra nhận thức hàng hải tự do, rộng mở và tiên tiến.
Thứ ba, Ấn Độ quan tâm đến việc duy trì tự do hàng hải và hàng không ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đã và đang cố gắng thiết lập một không gian hàng hải tự do và rộng mở. Đối với Ấn Độ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là yếu tố tất yếu của trật tự như vậy, nơi tất cả quốc gia bất kể quy mô và sức mạnh được đối xử bình đẳng. Ấn Độ cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một bộ quy tắc chung về cách tiếp cận bình đẳng và sử dụng các không gian chung trên biển và trên không dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982). Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh từng phát biếu rằng “không có một quốc gia nào, dù lớn đến đâu, có thể được phép chiếm đoạt điểm chung toàn cầu hoặc loại trừ những quốc gia khác khỏi việc sử dụng hợp pháp của mình”.
Thứ tư, Ấn Độ ủng hộ việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế và phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các xung đột. Ấn Độ nhấn mạnh rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực là nhiệm vụ tiên quyết, bởi sự ổn định và hòa bình của khu vực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và hòa bình của của các quốc gia trong khu vực nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Thứ năm, Ấn Độ ủng hộ môi trường thương mại dựa trên luật pháp, cởi mở, cân bằng và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ sáu, Ấn Độ muốn trở thành quốc gia tiên phong thúc đẩy nền kinh tế xanh như một động lực tăng trưởng kinh tế chính ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua việc khai thác bền vững các tài nguyên đại dương. Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nghiên cứu phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp và công nghệ biển thân thiện với môi trường ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cuối cùng, Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết của sự kết nối vật lý, kỹ thuật số và kết nối giữa con người với nhau.
Theo quan điểm của Ấn Độ, nếu cấu trúc của trật tự thế giới đang thay đổi, Ấn Độ phải là một trong những trụ cột sáng lập của cấu trúc mới đó. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là nền tảng để Ấn Độ theo đuổi tham vọng chiến lược toàn cầu của mình. Đối mặt với sự chuyển giao quyền lực sang Châu Á và sự trỗi dậy của Trung Quốc, mục tiêu chính của Ấn Độ và duy trì khả năng tận dụng các tuyến đường biển để tiếp cận thương mại quốc tế, đảm bảo các lợi ích chính trị, kinh tế của mình, điều này cũng đồng nghĩa với mục tiêu hạn chế sự xâm phạm lãnh thổ biển của mình. Mặc dù tuyên bố chính thức của Ấn Độ mang hàm ý tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không phải là một phản ứng đối với Trung Quốc đang trỗi dậy, tuy nhiên, thực tế là Ấn Độ vẫn không thể thoát ra sự ám ảnh về những thách thức an ninh từ Trung Quốc. Đối với các quốc gia tầm trung hoặc nhỏ hơn, Ấn Độ muốn định vị mình là một người dẫn đầu trong việc ổn định môi trường an ninh thông qua hợp tác.
Nhìn lại, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tạo cho Ấn Độ cả những thách thức lẫn những cơ hội để vươn lên, và Ấn Độ muốn sử dụng khu vực này như một công cụ để thúc đẩy lợi ích chiến lược của mình và ứng phó với một môi trường an ninh đang thay đổi.
Những động thái triển khai chiến lược của Ấn Độ
Trước tiềm lực quân sự của Trung Quốc và những thách thức an ninh xung quanh Ấn Độ Dương, Ấn Độ đã và đang xây dựng sức mạnh quân sự của mình để cân bằng với Trung Quốc. Trong hơn mười năm qua, Ấn Độ đã nổi lên là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chi hơn 100 tỷ USD và chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu[6], trong đó bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay quân sự, tàu ngầm hạt nhân, mạng lưới radar biển, máy bay không người láy và các nền tảng tình báo, trinh sát khác… Các nền tảng này cho phép Ấn Độ thực hiện tốt hơn không chỉ các nhiệm vụ an ninh đường biển, nâng cao nhận thức hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, mà còn nâng cao khả năng chiến đấu nếu chiến tranh xảy ra. Ấn Độ cũng là một trong 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội đông thứ hai thế giới. Bên cạnh hiện đại hóa khí tài quân sự, Ấn Độ cũng tích cực thực hiện các hoạt động tập trận kết hợp với ngoại giao quân sự để tạo ra những cuộc tập trận nhiều bên.
Ấn Độ hiểu rõ tầm quan trọng của sức mạnh kinh tế và luôn nỗ lực tăng cường sức mạnh kinh tế của mình. Bên cạnh thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế truyền thống, là một cường quốc công nghệ, Ấn Độ chú trọng đến an ninh lĩnh vực bán dẫn và cố gắng thực hiện các kế hoạch thu hút và phát triển ngành công nghiệp này. Ấn Độ đã đưa ra chính sách trị giá 10 tỷ USD nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn[7]. Năm 2021, Ấn Độ cũng vừa công bố siêu dự án Gati Shakti trị giá 1200 tỷ Usd với mục đích biến nước này thành trung tâm sản xuất toàn cầu, thay thế vị trí của Trung Quốc[8].
Cùng với những thay đổi nội bộ, Ấn Độ đã chú trọng hơn nhiều đến việc cân bằng đối ngoại với các nước trong khu vực và các cường quốc trên thế giới. Một trong những biện pháp ban đầu mà chính phủ mà Thủ tướng Modi thực hiện là cử các phái đoàn cấp cao tới thăm các quốc gia chủ chốt trên toàn cầu. Những chuyến thăm lịch sử này đã dẫn đến sự hồi sinh quan hệ song phương của Ấn Độ với nhiều quốc gia trong một môi trường an ninh đang thay đổi.
Dưới thời Thủ tướng Modi, bắt đầu từ năm 2014, Ấn Độ đã điều chỉnh chiến lược của mình về khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là điều chỉnh chính sách Nhìn về phía Đông (Look East Policy) thành “Hành động phía Đông” (Act East Policy), thể hiện tâm thế chủ động và động thái sẵn sàng hoạt động nhiều hơn nhằm thiết lập sự hiện diện của mình ở khu vực phía Đông. Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với chiến lược “Hành động phía Đông” tập trung vào ba hướng chính: tăng cường hội nhập kinh tế, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường hợp tác quốc phòng với trọng tâm đặc biệt là an ninh hàng hải vưới các nước trong khu vực và kể cả những cường quốc ngoài khu vực. Năm 2015, Ấn Độ cũng đã công bố một kế hoạch mang tên SAGAR “An ninh và phát triển cho tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương” nhằm tăng cường hợp tác hàng hải, kinh tế và an ninh ở vùng biển lân cận.
Các sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ban đầu của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng nhằm đối trọng một số dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại Nam Á. Ấn Độ cũng lựa chọn cách thức hỗ trợ về kinh tế, phát triển cảng và cơ sở hạ tầng năng lượng cho các quốc gia trong khu vực. Ví dụ, năm 2017, Ấn Độ đã cung cấp hạn mức 4,5 tỷ USD cho Bangladesh, trong đó có việc nâng cấp các cảng biển. Trước đó, Ấn Độ cũng đã cung cấp 1 tỷ USD vào năm 2010 và 2 tỷ vào năm 2016. Ấn Độ cũng đầu tư 2 tỷ USD vào Sri Lanka để phát triển cảng biển và nhà máy lọc dầu tại Trincomalee, và đang đàm phán để đầu tư vào một sân bay gần Hambantota[9]. Ấn Độ đã cùng Nhật Bản tạo ra “Hành lang tăng trưởng Châu Á – Châu Phi” nhằm kết nối châu Á và Châu Phi qua khu vực Ấn Độ Dương, là giải pháp đối trọng với MSR – Con đường tơ lụa trên biển, một phần của BRI. Có thể thấy mặc dù Ấn Độ tuyên bố trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rằng đây không phải là một chiến lược để chống lại Trung Quốc, những hành động của nước này vẫn mang ý nghĩa đối trọng và giành lại ảnh hưởng của mình tại những nơi Trung Quốc đang hoạt động.
Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường vai trò của mình trong khu vực thông qua sự hợp tác ngày càng sâu rộng với các đối tác. Tham gia tích cực hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ấn Độ đã tăng cường mối quan hệ song phương giữa mình với các nước còn lại trong Bộ Tứ. Mỹ, Nhật Bản, và Úc là những đối tác truyền thống của Ấn Độ và trở thành trụ cột trong quan hệ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ. Sau đó Ấn Độ đã mở rộng sự hợp tác của mình tới các tiểu vùng khác, bao gồm các quốc gia ở Châu Phi và các tổ chức như ASEAN và EU.
Thắt chặt quan hệ Ấn Độ – Mỹ.Mối quan hệ Ấn Độ – Mỹ đã trở thành một trong những trụ cột chính trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được tăng cường qua nhiều các văn bản hợp tác như Bản ghi nhớ Thỏa thuận Trao đổi Hậu Cần (LEMOA) và Thỏa thuận An ninh và Tương thích Truyền thông (COMCASA). Thương mại quốc phòng Mỹ – Ấn Độ đã tăng mạnh lên 20 tỷ USD năm 2020 từ gần như bằng không năm 2008[10]. Mặc dù Mỹ vẫn đứng thứ hai sau Nga về nguồn cung vũ khí cho Ấn Độ, xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Ấn Độ đã tăng mạnh trong hơn 10 năm vừa qua, đưa hợp tác quốc phòng và an ninh trở thành một trong những trụ cột trung tâm của mối quan hệ đối tác Mỹ – Ấn Độ. Các cuộc tập trận quân sự giữa hai nước cũng được tăng cường, trong đó có thể kể đến Tiger Triumph vào năm 2019. Ấn Độ cũng thể hiện sự quan tâm đến mạng lưới Blue Dot do Mỹ dẫn đầu – một giải pháp đối trọng BRI của Trung Quốc tập trung vào “xây dựng và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng”.
Củng cố quan hệ với Nhật Bản. Nhật Bản và Ấn Độ chia sẻ mối quan ngại chung là sự trỗi dậy của Trung Quốc và tầm ảnh hưởng của nó trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong thời gian qua, hai nước đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ “Đối tác chiến lược toàn cầu”, thông qua việc tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thể kể đến đối thoại cấp cao quốc phòng, ngoại giao nhiều cấp bậc, hợp tác hàng hải… Đáng chú ý là cả hai quốc gia đều khẳng định tự do hàng hải và thương mại trên Biển Đông trên cơ sở các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.
Ấn Độ cũng đã cố gắng tăng cường phát triển mối quan hệ an ninh với Úc, tuy không có sự phát triển ngoạn mục, Ấn Độ vẫn giữ mức độ tương tác an ninh đáng kể với Úc, bao gồm các cuộc tập trận quân sự chung và tham vấn an ninh song phương ở nhiều cấp độ. Năm 2020, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Úc được nâng cấp lên “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” và kèm theo một thỏa thuận quan trọng trong hợp tác quốc phòng về tăng cường khả năng liên kết quân sự thông qua các cuộc tập trận và thỏa thuận Hỗ Trợ Hậu Cần giữa hai nước.
Cùng với đó, Ấn Độ đã tìm cách mở rộng hợp tác song phương về an ninh hàng hải và quốc phòng với nhiều quốc gia trong khu vực. Năm 2018, Hải quân Ấn Độ đã thiết lập “Trung tâm Hợp nhất Thông tin cho Khu vực Ấn Độ Dương” (Information Fusion Centre for the Indian Ocean Region IFC-IOR), đã hợp tác với 21 quốc gia trong đó có Mỹ, Úc, Pháp, Ý, Nhật Bản,… và thể chế đa quốc gia để chia sẻ thông tin trong khu vực ÂDD. Ấn Độ cũng đã thực hiện một dự án phát triển cảng đầy tham vọng mang tên Sagarmala, nhằm phát triển và kết nối cơ sở hạ tầng cảng biển tại một số quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hợp tác quốc phòng đã được mở rộng thông qua các thỏa thuận chia sẻ hậu cần, các cuộc tập trận chung sẽ cải thiện khả năng tương tác, phổ biến chiến lược và đối thoại.
Ấn Độ đã nỗ lực tiếp cận các quốc gia láng giềng để cải thiện hình ảnh của mình trong khu vực. Nước này hiện đang đầu tư khoảng 10 tỷ USD vào bốn quốc gia Nepal, Bangladesh, Afghanistan và Sri Lanka trong đó có việc giúp đỡ xây dựng nhà ở ở Sri Lanka, trường học tại Nepal và Bhutan[11].
Bờ biển châu Phi phía tây Ấn Độ Dương đã trở thành điểm đến chiến lược quan trọng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã nỗ lực đáng kể trong việc tiếp cận Châu Phi. Mặc dù sự hiện điện và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ tại châu Phi theo từ trước tới nay là yếu, nhưng cách tiếp cận hiện tại của Ấn Độ là nhằm mục đích đổi mới quan hệ đối tác cũ và thiết lập quan hệ đối tác mới. Ấn Độ không chỉ thực hiện các chuyến thăm cấp cao đến khu vực mà còn tuyên bố mở thêm 18 cơ quan đại diện ngoại giao Châu Phi nhằm tăng cường lợi ích chính trị và chiến lược của mình[12]. Thông qua lĩnh vực hàng hải, Hải quân Ấn Độ đã và đang gia tăng dấu ấn của mình ở phía Tây Ấn Độ Dương thông qua các sáng kiến nâng cao năng lực hàng hải và hỗ trợ nhân đạo. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã và đang đẩy mạnh sự kết nối giữa mình và các quốc gia vùng vịnh, đặc biệt là Ả Rập Xê-út và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Sự thay đổi mới trong tư duy chiến lược của Ấn Độ là coi trọng tầm quan trọng của các quốc đảo đã thúc đẩy Ấn Độ cố gắng tiếp cận và xây dựng sự hiện diện ngoại giao và chiến lược của mình trên các nước quốc đảo này. Ấn Độ đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh giữa các quốc gia này về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao để tăng cường mối quan hệ ngoại giao với các nước này và chia sẻ tầm nhìn và thúc đẩy hợp tác về những vấn đề an ninh trong khu vực. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã đưa ra một gói tín dụng ưu đãi trị gia 150 triệu USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương về các dự án năng lượng bền vững như điện mặt trời, năng lượng tái tạo và các dự án liên quan đến chống biến đổi khí hậu[13].
Cùng với sự gia tăng hoạt động ngoại giao tới các khu vực mới, Ấn Độ cũng phối hợp với các bạn bè và đối tác của mình để xác định các sáng kiến trên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ấn Độ và Pháp đã cùng nhau thành lập Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế trong nỗ lực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và giảm chi phí sản xuất năng lượng mặt trời. Tương tự, ủng hộ đề xuất của Ấn Độ về cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã trở thành thành viên sáng lập của Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai vào năm 2019.
Đặc biệt, Ấn Độ nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Coi trọng mối quan hệ với các nước Đông Nam Á. Ấn Độ mong muốn thông qua chính sách “Hành động phía Đông” để từng bước hòa nhập vào cấu trúc an ninh ở Đông Nam Á. Thủ tướng Manmohan Singh tại Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm Ấn Độ – ASEAN đã tuyên bố: “Tương lai của chúng ta có mối liên hệ mật thiết với nhau và một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ổn định, an toàn là rất quan trọng cho sự tiến bộ và thịnh vượng của chính chúng ta.” Nước này đã nỗ lực tăng cường hợp tác toàn diện về các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội với các nước Đông Nam Á. Quan hệ với ASEAN có ý nghĩa đặc biệt đối với Ấn Độ, vì 40% thương mại của nước này đi qua eo biển Malacca và ASEAN chiếm 11% trong thương mại của Ấn Độ, là đối tác thương mại lớn thứ tư của nước này[14]. Mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia hàng hải tại Đông Nam Á sẽ tăng cường kết nối hàng hải của Ấn Độ và thúc đẩy thương mại lớn hơn. Tháng 1/2018, Ấn Độ đã đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN – Ấn Độ, 15 năm tương tác cấp cao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Cũng tại hội nghị này, Ấn Độ đã thúc đẩy thiết lập cuộc tập trận định kỳ hai năm một lần Millan với sự tham gia của Indonesia, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Ấn Độ cũng đã đưa ra Kế hoạch Hành động Ấn Độ – Asean 2021-2025 với các mục tiêu thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đa lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chống khủng bố, cướp biển, hợp tác quốc phòng, phòng chống thiên tai… Trong ASEAN, Ấn Độ đã tìm cách xây dựng mối quan hệ an ninh với các quốc gia chủ chốt là Việt Nam, Singapore và gần đây là Indonesia. Ấn Độ xem Việt Nam là “quốc gia quan trọng trong chính sách Hành động Phía Đông” của mình. Quan hệ giữa hai quốc gia đã được nâng cấp lên thành “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” năm 2016, tạo động lực cho hợp tác quốc phòng Ấn Độ – Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, các cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của quân đội và hải quân của cả hai nước đã được triển khai. Ấn Độ cũng đã mở rộng khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD cho Việt Nam để mua thiết bị quân sự của Ấn Độ và đã đồng ý đào tạo phi công chiến đấu và thủy thủ đoàn tàu ngầm cho Việt Nam[15]. Ấn Độ và Singapore cũng đã xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc phòng lâu dài thông qua hàng loạt các thảo thuận như hợp tác quốc phòng năm 2015, đối thoại bộ trưởng Bộ quốc phòng 2016, thỏa thuận tiếp cận Căn cứ Hải quân Changi 2017 và thỏa thuận hậu cần hải quân 2018.
Ngoài ra, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Ấn Độ sẵn sàng đóng một vai trò lớn hơn và nỗ lực kêu gọi “cuộc chiến toàn cầu” chống lại đại dịch thông qua Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) và G20. Ấn Độ đã tạo điều kiện cung cấp các loại thuốc Hydroxychloroquine (HQC) và Paracetamol ra nước ngoài. Nước này đã cung cấp hỗ trợ y tế cho hơn 90 quốc gia với chi phí ước tính hơn 1 tỷ Rupee[16]. Ấn Độ đã triển khai các tàu hải quân của mình đến các quốc gia Mauritius, Maldives, Madagascar, Comoros và Seychelles, mang theo các đội hỗ trợ y tế và thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng dược phẩm[17], thể hiện khả năng và cam kết của Ấn Độ trong việc trở thành người phản ứng đầu tiên trong khu vực chiến lược cũng như toàn cầu.
Không những thế, Ấn Độ đã khởi xướng Dự án Mausam nhằm tăng cường kết nối văn hóa trong khu vực Ấn Độ Dương. Dự án được kỳ vọng sẽ ghi lại những liên kết trong văn hóa từ thời xa xưa giữa các nước trong khu vực, từ đó trở thành một nền tảng để kết nối các địa điểm văn hóa, di sản thế giới hiện diện trong Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách cung cấp các câu chuyện về văn hóa xuyên quốc gia.
Tác động của những chính sách và hành động triển khai của Ấn Độ
Những hành động của Ấn Độ trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này sẽ góp phần tạo ra một không gian địa chính trị chiến lược mới có ảnh hưởng to lớn đến kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Thứ nhất, những nỗ lực của Ấn Độ có thể đóng góp vào công cuộc chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa độc tài trong dài hạn, đồng thời thể hiện lập trường ủng hộ và góp phần thúc đẩy một thế giới đa cực. Việc nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN cho phép Ấn Độ theo đuổi và xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và toàn diện, nhất là khi Trung Quốc có những yêu sách bất hợp pháp về vùng lãnh thổ trên Biển Đông. Ấn Độ cũng thể hiện rõ quan điểm để tạo nên một khu vực tự do và bình đẳng, các quốc gia phải tôn trọng và giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982 – điều mà Việt Nam và các nước ASEAN theo đuổi để khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Điều này thể hiện lập trường của Ấn Độ rằng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là nơi không có cường quốc duy nhất nào thống trị, không có những hành động đơn phương độc tài, là một môi trường cởi mở, hợp tác để cùng phát triển và tiến bộ. Trong tầm nhìn của Ấn Độ, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ bao gồm tất cả các quốc gia trong khu vực địa lý mà còn có các quốc gia ngoài khu vực nhưng có sự ảnh hưởng đến khu vực như Nga. Bằng cách đặt ASEAN là trung tâm của tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ấn Độ đặt ASEAN như một nhân tố quan trọng sánh ngang cùng các cường quốc khác trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga,… Sự hiện diện của nhiều bên trong một khu vực nhất là các cường quốc với lợi ích và mục tiêu khác nhau có thể giúp khu vực tạo ra sự cân bằng trong cán cân quyền lực khi có nước này đối trọng nước khác.
Thứ hai, thúc đẩy tự do thương mại, tự do hàng hải. Những nỗ lực của Ấn Độ sẽ có những tác động tích cực đến việc duy trì môi trường hàng hải an toàn, thuận lợi cho việc giao thương. Hợp tác giữa Ấn Độ và các đối tác có thể thúc đẩy phát triển mạng lưới vận tải biển, nâng cao chất lượng hạ tầng cảng biển, hiệu quả hoạt động và tăng hiệu suất hàng hải dựa trên những cải tiến về công nghệ và số hóa. Mặc dù Ấn Độ cam kết mạnh mẽ về các nguyên tắc thương mại tự do với các nền kinh tế mở ở Ấn Độ Dương – Thai Bình Dương, tuy nhiên Ấn Độ vẫn đang là một quốc gia có nhiều hàng rào và chính sách bảo hộ nền kinh tế, và thường xuyên bị các cường quốc phương tây xem là nhân tố cản trở việc tự do hóa thương mại. Như vậy, để thực hiện chiến lược của mình, nền kinh tế Ấn Độ được kỳ vọng sẽ mở cửa hơn để thể hiện sự cam kết và tinh thần trách nhiệm về những tuyên bố của mình. Sự mở cửa của thị trường 1,4 tỷ dân của Ấn Độ có thể tạo ra một môi trường cho sự phát triển thương mại mạnh mẽ hơn trong khu vực.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trên toàn khu vực. Phát triển bền vững là mục tiêu chung trong dài hạn mà quốc gia nào cũng hướng đến, do đó tầm nhìn của Ấn Độ sẽ được đón nhận tích cực và góp phần tạo điều kiện cho các quốc gia nhỏ hơn xây dựng mô hình phát triển bền vững đồng thời thúc đẩy hợp tác khu vực cùng nhau ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Ấn Độ mang lại nhiều sự thay đổi tích cực trong hệ thống hạ tầng khu vực, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án trong khuôn khổ BRI của Trung Quốc không mang lại hiệu quả và gặp nhiều cảnh giác từ các quốc gia.
Hàm ý chính sách đối ngoại cho Việt Nam
Việt Nam là tuy là một nước nhỏ nhưng có nền kinh tế đang phát triển năng động và có vị trí địa lý chiến lược – “Trái tim khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” theo lời cựu Tổng thống Mỹ Donald J.Trump, là cửa ngõ đi vào Châu Á từ Thái Bình Dương, do đó, Việt Nam trở thành mục tiêu trong chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc trên thế giới. Là một chủ thể của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sự phát triển của khu vực và đường lối triển khai chiến lược của các nước trong đó có Ấn Độ sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức đan xen đến Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải định vị được vị trí của mình trong khu vực để chủ động tìm đối sách phù hợp, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro, củng cố và tăng cường tốt nhất các lợi ích của đất nước.
Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục kế thừa, phát huy tư tưởng đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn và các nước láng giềng, luôn phải “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mặc dù Ấn Độ luôn khẳng định không có ý định kiềm chế và đối phó với Trung Quốc, tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở ngoại vi Ấn Độ đẩy Ấn Độ vào thế bị bao vây ngay chính sân nhà và mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc với người hàng xóm Pakistan đã củng cố ý niệm của Ấn Độ rằng cố gắng xây dựng mối quan hệ đồng minh với Việt Nam để đối trọng với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam cần phải khéo léo xử lý mối quan hệ giữa hai quốc gia này, giữ sự cân bằng, không để Việt Nam phải rơi vào tình trạng phải chọn bên, cũng như không bị phụ thuộc và ràng buộc.
Thứ hai, tiếp tục triển khai chính sách kinh tế đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, để tránh phụ thuộc vào bất cứ thị trường nước nào, đặc biệt là làm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một quốc gia với thị trường tỷ dân rộng lớn, Việt Nam cần tận dụng và khai thác hơn nữa hiệp định thương mại tự do ASEAN – Ấn Độ để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại với Ấn Độ. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể thúc đẩy hợp tác với các thị trường khác để đa dạng thị trường xuất và nhập khẩu, nhất là các quốc gia giao thương bằng đường biển. Thông qua hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi để tạo ra những lợi ích đan xen cho đối tác, từ đó có thể tranh thủ quan hệ để nhận được sự ủng hộ trên biển Đông, góp phần tạo ra và duy trì môi trường an ninh thuận lợi để phát triển đất nước.
Thứ ba, tích cực, chủ động đóng góp và xây dựng ASEAN để xây dựng một ASEAN vững mạnh với Việt Nam là một trụ cột chính. Ấn Độ đề cao vai trò của ASEAN và tích cực thúc đẩy hợp tác trên cấp độ khu vực, đồng thời ASEAN sẽ phát triển như một nhân tố quan trọng trong khu vực, ngang hàng với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… ASEAN có cơ hội rất lớn đẻ vươn lên, khi ASEAN trở thành trọng tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, lợi ích của Việt Nam sẽ được tăng cường hơn, nhất là nếu Việt Nam có thể trở thành nước đóng vai trò dẫn dắt, lãnh đạo chủ chốt của ASEAN.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. Ấn Độ là một trong những quốc gia được đánh giá có tiềm lực quân sự mạnh mẽ nhất thế giới, và Ấn Độ cũng có thiện chí và hoan nghênh hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Do đó Việt Nam có thể cùng tham gia các cuộc diễn tập quân sự, hoặc thúc đẩy hợp tác huấn luyện, đào tạo quân sự với Ấn Độ, nhằm nâng cao năng lực quân sự, đồng thời thể hiện năng lực quốc phòng của nước ta. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế biển với Ấn Độ. Sự hiện diện của Ấn Độ về mặt hợp tác kinh tế tại Biển Đông sẽ trở thành một nhân tố đóng góp vào việc đảm bảo an ninh tại Biển Đông, kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc mà không trực tiếp thách thức Trung Quốc như hợp tác quốc phòng. Hiện tại, công ty dầu khí quốc gia ONGC Videsh của Ấn Độ đang tham gia vào hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Hoạt động đầu tư này cũng đồng nghĩa với việc Ấn Độ ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề chủ quyền với Trung Quốc. Đồng thời, phải đảm bảo Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ của Ấn Độ, tuy nhiên không được để mình trở thành quân cờ trong bàn cờ chiến lược của nước lớn.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế bền vững với Ấn Độ. Cả hai nước đều có chung mục tiêu trở thành nền kinh tế trung hòa Carbon vào năm 2050, do vậy hợp tác song phương dựa trên các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc là hợp lý và cần thiết. Trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thủ tướng Modi cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác phát triển bền vững trên toàn khu vực. Ấn Độ là quốc gia sản xuất năng lượng gió trên bờ lớn thứ tư thế giới, và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có triển vọng phát triển năng lượng gió khi có nguồn tài nguyên gió dồi dào trong đó có cả lượng gió ngoài khơi, đây là những nền tảng cơ bản và là cơ hội để hai bên thúc đẩy phát triển hỗ trợ lẫn nhau. Ấn Độ cũng là quốc gia đứng thứ năm trong bảng xếp hạng toàn cầu về sản lượng điện mặt trời[18] và là thành viên sáng lập Liên minh Năng lượng Mặt Trời Quốc tế. Việt Nam có thể học hỏi những chia sẻ các công nghệ tiên tiến thông qua hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất điện mặt trời.
Tác giả: Thi Thi
Tài liệu tham khảo
[1] Kajari Kamal and Gokul Sahni (2022), India in the Indo-Pacific: A Kautilyan Strategy for the Maritime Mandala, Observer Research Foundation – Issue Brief No.522
[2] Amrita Jash, India in the Indo-Pacific: Reining in China in the new theatre of great power rivalry, ThinkChina
[3] Linh Anh, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới?, Tạp chí Tài chính
[4] Trọng Hiếu, Giải mã “bẫy nợ” trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Báo VOV.VN
[5] Mukherjee, Rohan (2019), Looking West, Acting East: India’s Indo-Pacific Strategy, Southeast Asian Affairs. 2019, p43-51
[6] Sameer Lalwani, Reluctant Link? India, The QUAD, And The Free And Open Indo-Pacific, German Marshall Fund of the United States
[7] Bảo Ngọc, Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc về chip, Báo VnEconomy
[8] Đức Trung, Siêu dự án 1.200 tỷ USD có thể biến Ấn Độ thành ‘công xưởng thế giới’, Báo Vnexpress
[9] Roy-Chaudhury, Rahul de Estrada, Kate Sullivan (2020), India, the Indo-Pacific and the Quad, Survival Vol. 60 Issue 3, p181-194. https://doi.org/10.1080/00396338.2018.1470773
[10] Fact Sheet: U.S. Security Cooperation With India, Bureau of Political-Military Affairs – United States Department of State
[11] Akshobh Giridharadas, India’s Role in the Great-Power Struggle Over the Indo-Pacific Region, The National Interest
[12] Duy Hoàng, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Tầm nhìn và thực tiễn, Tạp Chí Cộng Sản
[13] Darshana M. Baruah (2020), Partnerships as a Central Pillar of Indiaʹs Indo-Pacific Strategy, : Carnegie Endowment for International Peace
[14] ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ, Thông Tấn Xã Việt Nam
[15] Roy-Chaudhury, Rahul de Estrada, Kate Sullivan (2020), India, the Indo-Pacific and the Quad, Survival Vol. 60 Issue 3, p181-194. https://doi.org/10.1080/00396338.2018.1470773
[16] Amrita Jash, India in the Indo-Pacific: Reining in China in the new theatre of great power rivalry, ThinkChina
[17] Vijay Gokhale, India: Competition over the Character of Order in the Indo-Pacific, Council for Security Cooperation in the Asia Pacific
[18] R. S. Aswani, Shambhu Sajith & Mohammad Younus Bhat, Realigning India’s Vietnam Policy Through Cooperative Sustainable Development: a Geostrategic Counterbalancing to China in Indo-Pacific, https://doi.org/10.1007/s12140-021-09371-0