Trang mạng asiatimes.com ngày 18/8 đăng bài viết với tiêu đề “Sự hiện diện lịch sử không biện minh cho cách hành xử của Mỹ ở Biển Đông” của tác giả Mark Valencia – học giả người Mỹ có quan điểm thân Trung Quốc và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia Trung Quốc về Biển Đông, trong đó nhận định rằng chuyên gia Gregory Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã cố biện minh cho chính sách và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông bằng cách nêu chi tiết về “khoản đầu tư” lịch sử của Mỹ ở khu vực này.
Theo Valencia, mặc dù ông Poling đã công khai thừa nhận thành kiến của mình khi nói rằng nhiệm vụ của ông là “thúc đẩy lợi ích của Mỹ”, nhưng việc đưa ra phân tích thiên lệch về các vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách của Mỹ trong khu vực này không có lợi cho chính nước Mỹ. Vì lý do đó, cần phải phản bác lại bài viết của ông Poling trên Tạp chí “Foreign Policy”.
Bài tranh luận của chuyên gia Poling bắt đầu bằng cách cho rằng, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6 không nhận được sự đồng cảm của các nước và ngược lại ca ngợi bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Greg Austin.
Tuy nhiên, ý tưởng của Bộ trưởng Austin về việc “Mỹ tập trung vào các liên minh và các quy tắc quốc tế như một nguồn để đảm bảo sự ổn định” cũng không nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia Đông Nam Á, những nước muốn cả Mỹ và Trung Quốc “giảm nhiệt” cuộc canh tranh quân sự của họ và nỗ lực của cả hai nước này nhằm buộc các quốc gia Đông Nam Á phải chọn bên.
Sau đó, trong một ví dụ điển hình thể hiện sự thiếu trung thực, bài báo khẳng định rằng, Trung Quốc đang đe dọa “tự do hàng hải”. Bài báo viết rằng “các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, đặc biệt là đối với các quyền lịch sử trên toàn bộ ‘Đường 9 đoạn’, đe dọa cam kết hàng thế kỷ của Mỹ về tự do trên biển”.
Trước hết, nếu tác giả biết chính xác những gì Trung Quốc tuyên bố, anh ta nên chia sẻ điều đó và đưa ra bằng chứng chứng minh điều đó cho những người vẫn chưa hiểu rõ. Rõ ràng, ông Poling cho rằng đây là một yêu sách chủ quyền đối với vùng biển và lãnh thổ nằm trong “Đường 9 đoạn”. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng, đó nhiều nhất chỉ là một tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ và một phần tài nguyên bên trong ranh giới đó. Mặc dù tuyên bố đó không được tòa án quốc tế công nhận, nhưng tuyên bố như vậy không đe dọa đến quyền tự do hàng hải.
Thật vậy, cho dù Trung Quốc tuyên bố điều gì, chúng cũng không đe dọa tự do hàng hải thương mại ở khu vực và điều đó cũng khó có thể xảy ra trong thời bình. Ngược lại, họ lo lắng rằng, Mỹ, trong thời kỳ thù địch, có thể cắt đứt các tuyến thương mại và họ đang chuẩn bị để bảo vệ các tuyến đường này.
Theo Valencia, Mỹ và rõ ràng là cả tác giả của bài viết đã kết hợp quyền tự do hàng hải thương mại với “quyền tự do” của quân đội trong việc theo dõi và đe dọa hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc không phản đối việc các tàu quân sự thông thường qua lại Biển Đông, nhưng họ phản đối bằng lời nói và cả hành động đối với một số hoạt động quân sự mà họ cho rằng vi phạm yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) về việc phải tôn trọng quyền và nghĩa vụ của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc.
Bài báo tiếp tục nói rằng, cam kết của Mỹ đối với tự do trên biển giúp “giảm bớt căng thẳng liên quan tới hải quân”. Tuy nhiên, ngược lại, cam kết đó làm trầm trọng thêm căng thẳng khi Mỹ sử dụng tàu chiến và máy bay chiến đấu để ép buộc các nước phải chấp nhận cách giải thích của Mỹ về “tự do hàng hải”, theo đó quân đội Mỹ được phép theo dõi và đe dọa các hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.
Mối quan tâm của Đông Nam Á
Quả thực, tuyên bố này không nhận được sự đồng cảm của các nước Đông Nam Á. Do các tuyên bố chủ quyền của tất cả các thành viên ven biển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – ngoại trừ Singapore và Brunei – cũng đều là mục tiêu bị nhắm tới của các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ, có thể nói rằng họ không tán thành chính sách ngoại giao pháo hạm này. Họ cũng lo sợ rằng điều đó sẽ gây mất ổn định.
Ngay cả Singapore – quốc gia tích cực ủng hộ Mỹ – cũng do dự. Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen của Singapore đã nói: “Một số sự cố (trên Biển Đông) bắt nguồn từ việc khẳng định các nguyên tắc, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng cái giá của bất kỳ sự cố nào để khẳng định hoặc chứng minh cho lập trường của mình là quá cao và không cần thiết”. Sự chỉ trích này dường như nhắm vào việc Mỹ sử dụng tàu chiến để khẳng định lập trường pháp lý của nước này.
Một số nhà hoạch định chính sách Indonesia từ lâu đã nghi ngờ ý định của Mỹ và lo ngại rằng, việc gia tăng cạnh tranh và đối đầu quân sự Mỹ-Trung sẽ có nguy cơ gây mất ổn định. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu từng gợi ý rằng “nếu các nước trong khu vực có thể tự quản lý Biển Đông thì không cần tới sự tham gia của các nước khác”. Luhut Pandjaitan, cựu Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, luật pháp và an ninh của Indonesia, đã từng tuyên bố trong một chỉ trích ngầm đối với cả Mỹ và Trung Quốc rằng “chúng tôi không thích bất kỳ động thái triển khai sức mạnh nào”.
Cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng phát biểu rằng “mối đe dọa đối đầu và rắc rối trên tuyến đường thủy này đến từ bên ngoài khu vực”. Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng lập luận “các tàu chiến lớn (ở Biển Đông) có thể gây ra sự cố và điều đó sẽ dẫn đến căng thẳng”.
Thật vậy, năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia khi đó – Hishammuddin Hussein – đã nói: “Mặc dù luật pháp quốc tế đảm bảo quyền tự do hàng hải, sự hiện diện của các tàu chiến và tàu thuyền ở Biển Đông có khả năng làm gia tăng căng thẳng, từ đó dẫn đến những tính toán sai lầm có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Về câu hỏi liên quan tới “tự do hàng hải”, bài báo của Poling khẳng định rằng “đối với mọi người Mỹ có liên quan tới các vấn đề hàng hải, dù là hải quân, thương mại hay nghiên cứu khoa học, UNCLOS thực sự là luật của nước Mỹ”.
Tuyên bố mạnh mẽ này đã dễ dàng bỏ qua thực tế rằng Mỹ và rõ ràng là cả tác giả của bài viết có cách giải thích riêng của họ về các điều khoản quan trọng của UNCLOS, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến tự do hàng hải, khác với cách giải thích của các quốc gia khác như Trung Quốc.
Chúng bao gồm “các hoạt động sử dụng biển khác phù hợp với luật pháp quốc tế”, “nghiên cứu khoa học biển”, “lạm dụng quyền”, “tôn trọng” và “mục đích/sử dụng một cách hòa bình”. Tệ hơn nữa, Mỹ sau đó ủng hộ các diễn giải của mình về ngoại giao pháo hạm khi thách thức các tuyên bố chủ quyền của các nước khác bằng hành động đe dọa sử dụng vũ lực, hay còn gọi là FONOP. Poling cũng bỏ qua thực tế rằng, Mỹ không phải là một bên tham gia UNCLOS và do đó không có tính hợp pháp hoặc đáng tin cậy khi đơn phương giải thích các điều khoản như vậy theo hướng có lợi cho mình.
Theo bài viết, “mạng lưới liên minh của Mỹ, cùng với các vùng lãnh thổ của Mỹ trong khu vực, đã đưa nước này trở thành một cường quốc luôn hiện diện và giúp duy trì sự ổn định ở châu Á”. Đây sẽ là điều mà nhiều quốc gia Đông Nam Á chưa được biết đến. Poling có ý gì khi nói tới “các lãnh thổ trong khu vực” của Mỹ?
Việc Mỹ tiếp tục chiếm đóng theo kiểu thực dân mới đối với các hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương khó có thể khiến Mỹ được coi là “cường quốc hiện diện” ở Đông và Đông Nam Á. Hơn nữa, sức mạnh và tính liên quan của các liên minh của Mỹ với Thái Lan và Philippines đang nhanh chóng giảm sút.
Tuy nhiên, chính sự khẳng định rằng Mỹ đã giúp duy trì sự ổn định ở châu Á mới thực sự thu hút sự chú ý. Những nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì quyền bá chủ của mình là một nhân tố quan trọng trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, sự ủng hộ của Mỹ đối với việc thay đổi chế độ và đối với các lãnh đạo độc tài ở Đài Loan, Indonesia và Philippines cũng dẫn đến bất ổn khi người dân của họ nổi dậy.
Ông Valencia kết luận cuộc tranh luận này của Poling, với những giả định phiến diện và sai lầm, không có chỗ đứng trên một tạp chí uy tín như “Foreign Policy”./.
Người dịch: Lê Ni Na