Trở ngại chính cản trở bất kỳ tiến bộ nào trong việc thúc đẩy quan hệ nằm ở việc Việt Nam e ngại khiêu khích Trung Quốc mà không có lợi ích rõ ràng và hữu hình.
Sau sự hiện diện liên tục của Trung Quốc tại vùng lãnh thổ do Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã cử tàu sân bay USS Ronald Reagan đến thăm Đà Nẵng theo lời mời của Hà Nội – đây cũng là chuyến thăm thứ ba kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Chuyến thăm này không chỉ gửi đi thông điệp răn đe mạnh mẽ mà còn là biểu tượng cho sự phát triển vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua.
Chỉ năm mươi năm trước, Hoa Kỳ đã rút khỏi Việt Nam sau hơn một thập kỷ chiến tranh tàn khốc. Kể từ đó, mối quan hệ đã phát triển thành một quan hệ đối tác quan trọng, đặc biệt là trong những năm gần đây. Trước xu hướng đi lên của các mối quan hệ và hành động ngày càng mang tính đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, một số chuyên gia đã kêu gọi hoặc dự đoán một sự nâng cấp chính thức từ quan hệ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược – điều mà cả hai nước đều thể hiện mong muốn thực hiện. Tuy nhiên, với những lo ngại của Việt Nam về những hậu quả tiềm ẩn từ phía Trung Quốc, triển vọng nâng cấp quan hệ vẫn khó xảy ra.
Hoa Kỳ hiện diện ở Việt Nam như thế nào?
Từ 1954, Hoa Kỳ và Việt Nam đã có cuộc chiến tranh kéo dài cho đến khi Hoa Kỳ rút quân và Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản vào năm 1975. Cuộc chiến tranh đã dẫn đến cái chết của hàng triệu người và cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa hai nước với rất ít lạc quan về sự hòa giải.
Tuy nhiên, hoàn cảnh địa chính trị và kinh tế đang phát triển đã dẫn đến sự tái hợp tác giữa hai bên. Ngay sau chiến tranh, Việt Nam bắt đầu trải qua những khó khăn kinh tế nghiêm trọng một phần do nền kinh tế tập trung bị rối loạn chức năng, sự phụ thuộc vào Liên Xô non trẻ và sự cô lập về kinh tế với Hoa Kỳ sau cuộc giải phóng Campuchia của Việt Nam nhằm loại bỏ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979. Tuy nhiên, năm 1986 Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế thông qua cải cách (Đổi Mới).
Sự kiện này đã tạo cơ hội để hòa giải với Hoa Kỳ, cuối cùng dẫn đến việc bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Một trong những tác động tức thời nhất của quá trình bình thường hóa này là quan hệ thương mại, được củng cố thêm bằng việc ký kết một hiệp định thương mại song phương vào năm 2001. Do đó, từ năm 1995 đến năm 2022, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng từ 451 triệu USD lên 113 tỷ USD.
Đỉnh cao của những nỗ lực này là vào năm 2013 khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác toàn diện. Việc nâng cấp này đã thiết lập một khuôn khổ tổng thể để hai quốc gia Thái Bình Dương hợp tác về thương mại, an ninh, biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân.
Dựa trên đà này, năm 2015, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tới Nhà Trắng. Chưa đầy một năm sau, Tổng thống Barack Obama trở thành tổng thống đầu tiên kể từ Bill Clinton tới thăm song phương Việt Nam và là tổng thống thứ hai kể từ sau chiến tranh. Những chuyến thăm này đã dẫn đến quyết định của chính quyền Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đã tạo không gian cho cả hai nước nâng cao quan hệ an ninh. Kể từ năm 2016, hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã bao gồm nhiều chuyến thăm cấp cao và việc hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cập cảng nhiều lần, tham gia cuộc tập trận quân sự RIMPAC, chuyển giao các thiết bị quốc phòng trị giá hàng triệu đô la, đặc biệt là các thiết bị liên quan đến an ninh hàng hải như tàu tuần duyên Hamilton, máy bay huấn luyện T-6 và xuồng tuần tra Metal Shark 45 Defiant.
Nâng cấp như là bước hợp lý tiếp theo
Với xu hướng này trong quan hệ, nhiều người kỳ vọng cả hai nước sẽ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược, điều mà cả hai nước đều ủng hộ một cách công khai. Tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Antony Blinken đã tới Việt Nam và cả hai nước đều bày tỏ mong muốn phát triển quan hệ. Blinken nói: “Đây là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng tôi từng có… Nó đã có một quỹ đạo đáng chú ý trong vài thập kỷ qua. Niềm tin của chúng tôi là nó có thể và sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.” Tương tự, như Reuters đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hai nước “đang tìm cách nâng quan hệ lên một tầm cao mới”. Blinken thậm chí còn đề xuất thời gian dự kiến “hàng tuần và hàng tháng” cho một thông báo.
Theo những giá trị bề nổi, sự nâng cấp này trong các mối quan hệ có ý nghĩa. Khi Hoa Kỳ cố gắng tháo gỡ nền sự phụ thuộc nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc (“giảm thiểu rủi ro”), Việt Nam đã trở thành một nhà hảo tâm chính với vai trò thay thế một phần trong chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất lớn, chẳng hạn như Microsoft, Foxconn, Apple và Samsung, đã chuyển một số hoạt động của họ sang Việt Nam để giảm thiểu chi phí do các xung đột kinh tế trong tương lai giữa Trung Quốc và Mỹ hoặc các lệnh trừng phạt và hạn chế của Hoa Kỳ đối với các công ty hoạt động tại Trung Quốc. Động thái này đã làm sâu sắc thêm sự tham gia kinh tế của họ.
Quan trọng hơn, từ góc độ an ninh, cả hai đều có lợi ích tương đồng ở Thái Bình Dương trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ với sự hoài nghi về ý định của Trung Quốc. Chất xúc tác ban đầu cho sự hợp tác được cải thiện là sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi nước này có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, Trung Quốc đã xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam (kể cả trong tháng này), chiếm đóng vùng lãnh thổ rộng lớn do Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở cả hai quần đảo. Sự xâm lấn này đe dọa các nguồn tài nguyên, thương mại, quyền tự chủ chiến lược và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Nỗi sợ hãi này không phải là lý thuyết mà bắt nguồn từ lịch sử xâm lược và đô hộ của các triều đại Trung Hoa kéo dài hàng nghìn năm – điều mà Trung Quốc cũng đã tái khẳng định gần đây. Năm 1979, Việt Nam đã tham gia một cuộc chiến chống lại nạn diệt chủng, tuy ngắn nhưng đẫm máu, hi sinh hàng triệu người, Trung Quốc đã xâm chiếm lãnh thổ phía Bắc của Việt Nam để gây áp lực buộc Hà Nội phải rời khỏi Campuchia. Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 2014, xảy ra khi Trung Quốc di chuyển một giàn khoan dầu và ba tàu dịch vụ dầu khí vào lãnh thổ do Việt Nam tuyên bố chủ quyền, bế tắc đã kéo dài hàng tháng khiến mâu thuẫn hai nước bị đẩy lên cao trào.
Mối quan tâm này vẫn còn được cảm nhận rõ đối với người Việt Nam. Tổ chức nghiên cứu, tư vấn ISEAS (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore, tiến hành một cuộc khảo sát hàng năm về các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính sách ở Đông Nam Á, cho thấy chỉ 1,5% số người được hỏi tin tưởng vào việc Trung Quốc sẽ lãnh đạo duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hoa Kỳ chia sẻ mối quan ngại này về ý định của Trung Quốc và có lợi ích nhất định trong việc đảm bảo Trung Quốc không kiểm soát Biển Đông. Lợi ích chủ yếu của Mỹ trong các tranh chấp xoay quanh luật pháp quốc tế – nếu Trung Quốc có thể loại bỏ UNCLOS, thì họ có thể bỏ qua các luật và quy tắc quốc tế khác. Ngoài ra, như Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã nói, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trung tâm của đại chiến lược Hoa Kỳ”. Trung Quốc đe dọa đại chiến lược này nếu họ có thể lấn át con đường giành quyền kiểm soát Biển Đông và đe dọa khả năng của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo tự do hàng hải và lực lượng đồn trú trên khắp khu vực.
Hướng về Trung Quốc
Bất chấp động lực của các mối quan hệ và lợi ích phù hợp, một sự nâng cấp vẫn chưa xuất hiện, mặc dù đã có cơ hội tốt. Đầu năm nay, Blinken đã đến thăm Việt Nam để kỷ niệm 50 năm kết thúc Chiến tranh Việt Nam và kỷ niệm 10 năm kể từ lần cuối cùng hai nước nâng cấp quan hệ. Tuy nhiên, chuyến thăm đến và đi không có gì ngoài lời hứa suông cho mong muốn cải thiện quan hệ của họ.
Sự thiếu tiến bộ này chủ yếu là do Hà Nội cẩn trọng không xoay trục quá gần với Washington để tránh mất lòng Bắc Kinh, vốn có lịch sử lựa chọn các biện pháp trừng phạt khi các quốc gia theo đuổi các chính sách mà Trung Quốc cho là không thể chấp nhận được. Ví dụ gần đây nhất xảy ra vào năm 2020 khi Trung Quốc áp dụng thuế quan đối với nhiều loại nông sản của Úc sau khi Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch coronavirus.
Với sự gần gũi về địa lý và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc, sự thận trọng của nó là có cơ sở. Quá khứ xâm phạm lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc và sự phụ thuộc của Việt Nam vào đối tác xuất khẩu của Trung Quốc càng làm tăng thêm rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt. Thực tế này khiến Việt Nam dễ bị tổn thương, đặc biệt khi tính đến sự hoài nghi của Việt Nam đối với cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Tương tự như vậy, mặc dù Trung Quốc có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt, nhưng vẫn chưa rõ kết quả cụ thể của việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ là gì. Các quan chức Việt-Mỹ đã lập luận rằng mối quan hệ này đã mang tính chiến lược trên thực tế. Nói cách khác, Việt Nam đánh giá cao Hoa Kỳ như một đối tác an ninh để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng việc phát triển quan hệ đối tác an ninh đó không đòi hỏi phải nâng cấp quan hệ. Do đó, bằng cách không nâng cấp quan hệ, Việt Nam tránh được kịch bản rủi ro cao, không có quá nhiều lợi ích tăng thêm và có thể tiếp tục phát triển quan hệ đối tác an ninh với Hoa Kỳ trong khi vẫn duy trì mối quan hệ tương đối lành mạnh với Trung Quốc.
Sự lo lắng của Việt Nam về phản ứng của Trung Quốc góp phần vào cách mỗi bên hình dung về việc nâng cấp quan hệ và cách nó sẽ phục vụ các mục tiêu chồng chéo nhưng khác biệt. Như biên tập viên khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat, Sebastian Strangio, đã viết trong phần mở đầu chuyến thăm Việt Nam của Blinken vào đầu năm nay, “Việt Nam muốn gì từ mối quan hệ với Hoa Kỳ (quyền tự chủ chiến lược, tăng trưởng kinh tế và duy trì sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam) khác với những gì Hoa Kỳ muốn… (một đối tác trong việc ngăn chặn sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc).”
Những trở ngại khác tồn tại. Ví dụ, Việt Nam có những lo ngại hiện hữu về việc xích lại gần Hoa Kỳ và những hậu quả sẽ có đối với sự tiến bộ dân chủ ở chính đất nước của mình – điều mà chuyên gia về Việt Nam – Bill Hayton lập luận rằng giới lãnh đạo Việt Nam coi là “mối đe dọa lớn nhất mà họ phải đối mặt”. Tương tự như vậy, Hoa Kỳ đang gặp rắc rối bởi môi trường chính trị của Chính phủ Việt Nam và mối quan hệ chặt chẽ với các cường quốc khác, chẳng hạn như Nga. Ngoài ra còn có những bất bình kéo dài từ chiến tranh, chẳng hạn như việc thống kê và trao trả hài cốt tù binh về phía Mỹ và việc tẩy rửa chất độc màu da cam ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trở ngại chính cản trở mọi tiến bộ trong việc thúc đẩy quan hệ nằm ở việc Việt Nam e ngại khiêu khích Trung Quốc mà không có lợi ích rõ ràng và hữu hình. Trừ khi Hoa Kỳ chủ động gây áp lực lên tình hình, nếu không hành vi gây hấn của Trung Quốc trong khu vực sẽ leo thang đến mức mà Việt Nam cho rằng cần phải tăng cường quan hệ để ngăn chặn các hành động của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta hiện đang ở xa một kịch bản như vậy, và sẽ là thiếu thận trọng nếu mong đợi bất kỳ sự nâng cấp chính thức nào ngay lập tức trong quan hệ./.
Biên dịch: Bùi Toàn
Tác giả: Vincenzo Caporale là Cử nhân Chính trị So sánh của Đại học California, Berkeley và bằng Thạc sĩ của Đại học Cambridge về Quan hệ Quốc tế. Ông hiện là Biên tập viên của Realist Review và Cộng tác viên tại Modern Diplomacy.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]