Trong những năm gần đây, Mỹ đã coi cơ sở hạ tầng như một công cụ để tiến hành cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tại châu Phi. Họ liên tục thúc đẩy việc xây dựng “Hành lang Lobito” và lôi kéo các quốc gia dọc theo tuyến đường này. Tuy nhiên, việc xây dựng hành lang này đang phải đối mặt với nhiều thách thức thực tế và khả năng thành công của nó vẫn còn nhiều nghi ngờ.
“Thủ đoạn và chiêu trò” thúc đẩy dự án
“Hành lang Lobito” chủ yếu là mạng lưới đường sắt kết nối ba quốc gia Angola, Cộng hòa dân chủ Congo (DRC) và Zambia, được chia thành hai phần là tuyến chính và tuyến nhánh. Tuyến chính bắt đầu từ cảng Lobito ở bờ biển Đại Tây Dương của Angola, đi về phía đông qua Cộng hòa dân chủ Congo (DRC) và cuối cùng đến phía bắc Zambia. Về cơ bản nó được nâng cấp và cải tạo từ tuyến đường sắt cũ. Tuyến nhánh còn được gọi là tuyến “đường sắt xanh,” là một tuyến quy hoạch hoàn toàn mới. Nó bắt đầu từ mạng lưới đường sắt trong lãnh thổ Angola và kéo dài đến phía bắc Zambia. Tổng chiều dài của hai tuyến này vượt quá 2000 km. Hành lang này được Tổng thống Biden gọi là “khoản đầu tư đường sắt lớn nhất của Mỹ vào châu Phi từ trước đến nay.” Đối mặt với dự án khổng lồ như vậy, Mỹ thúc đẩy bằng mô hình hỗn hợp “chính phủ thúc đẩy, hợp tác công tư, nhiều bên tham gia.”
Thứ nhất, hợp tác với các đồng minh để cùng thúc đẩy
Để giảm thiểu rủi ro đầu tư, đồng thời tận dụng kinh nghiệm cùng công nghệ hỗ trợ của các đồng minh, ngay từ khi đề xuất kế hoạch “Hành lang Lobito,” Mỹ đã lôi kéo các đồng minh cùng tham gia thúc đẩy. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5 năm 2023, Mỹ cùng với các đồng minh trong G7 đã đưa ra ý tưởng xây dựng các hành lang kinh tế quan trọng, và lần đầu tiên đề xuất kế hoạch xây dựng “Hành lang Lobito.” Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ đã cam kết đầu tư 250 triệu USD để tài trợ cho việc nâng cấp và mở rộng tuyến đường sắt chính. Vào tháng 10 cùng năm, trong khuôn khổ Diễn đàn “Cửa ngõ Toàn cầu” lần thứ nhất của Liên minh Châu Âu, Mỹ đã phối hợp với EU và các quốc gia châu Phi ký bản ghi nhớ về việc phát triển chung. Đề xuất dựa trên thỏa thuận hợp tác mà Angola, Congo (DRC) và Zambia đã ký vào tháng 1 năm 2023 để khởi động việc xây dựng tuyến chính và nghiên cứu khả thi cho tuyến nhánh.
Thứ hai, điều phối sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực
Ngay từ năm 2013, Angola, Cộng hòa dân chủ Congo (DRC), và Zambia đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc phát triển “Hành lang Lobito,” nhưng dự án đã phá sản do thiếu vốn và sự phối hợp không hiệu quả giữa ba nước. Để giải quyết những bất đồng giữa ba quốc gia này và tăng cường sự phối hợp, Mỹ đã đưa hành lang này trở thành “dự án hàng đầu” trong sáng kiến “Đối tác Đầu tư và Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu” (PGII), qua đó điều phối nguồn lực và hỗ trợ chính sách. Mỹ cũng tăng cường sự đồng thuận thông qua các cuộc họp song phương và đa phương với ba quốc gia trên, củng cố niềm tin của lãnh đạo các nước. Vào tháng 2 năm 2024, Diễn đàn Đầu tư Tư nhân Hành lang Lobito thuộc sáng kiến “Đối tác Đầu tư và Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu” đã được tổ chức tại Zambia. Đây là lần đầu tiên sáng kiến này tổ chức một diễn đàn bên ngoài nước Mỹ.
Thứ ba, “lấy điểm làm mẫu” thúc đẩy phát triển bền vững
Khi lần đầu tiên đề xuất “Hành lang Lobito,” Mỹ đã nhấn mạnh rằng giai đoạn đầu của hành lang sẽ đầu tư vào việc mở rộng đường sắt. Sau đó sẽ mở rộng sang các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, viễn thông, thực phẩm và y tế. Về phương thức tài trợ, Mỹ kết hợp các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức tài chính phát triển và nguồn vốn tài chính song phương, đa phương để duy trì tính bền vững của việc đầu tư và tài trợ cho dự án.
Hiện nay, chính phủ Mỹ, Liên minh Châu Âu, Ngân hàng Phát triển Châu Phi và Tập đoàn Tài chính Châu Phi đã cùng nhau đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho giai đoạn đầu của dự án, tức nâng cấp và mở rộng tuyến đường sắt chính. Trong các lĩnh vực như năng lượng và khai thác khoáng sản, cầu đường, nông nghiệp, viễn thông, v.v..Mỹ cũng cam kết hỗ trợ hơn 1 tỷ USD cho các quốc gia như Angola, Zambia, Congo (DRC) và các quốc gia khác.
Mục tiêu nhằm tăng cường cạnh tranh giữa các cường quốc
Với việc khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng. “Hành lang Lobito” là một tuyến đường sắt “từ hầm mỏ đến cảng,” đi qua vùng mỏ đồng và coban nổi tiếng nhất của châu Phi, với 80% trữ lượng coban toàn cầu, 25% trữ lượng đồng và trữ lượng đất hiếm lớn. Mỹ và châu Âu đã thiết lập “Quan hệ đối tác Tài nguyên Khoáng sản Quan trọng” với Cộng hòa dân chủ Congo (DRC) và Zambia. “Hành lang Lobito” sẽ đảm bảo việc đẩy nhanh hơn nữa xuất khẩu tài nguyên khoáng sản quan trọng từ khu vực này vào Mỹ và châu Âu. Hiện nay, các công ty mỏ phương Tây như Toco Group, Ivanhoe Mines đã ký kết thỏa thuận sử dụng hành lang này để xuất khẩu khoáng sản đồng.
Giành ưu thế trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Kể từ khi sáng kiến “Vành đai và Con đường” được đề xuất và phát triển. Mỹ và các nước phương Tây ngày càng cảm thấy “đỏ mắt” với thành tựu hợp tác cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và châu Phi. Từ sáng kiến “Tái thiết thế giới tốt đẹp hơn” của Mỹ, sáng kiến “Đối tác Đầu tư và Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu,” cho đến kế hoạch “Cửa ngõ Toàn cầu” của Liên minh Châu Âu. Các kế hoạch cơ sở hạ tầng của Mỹ và phương Tây liên tục xuất hiện nơi đây, châu Phi đã được liệt kê như một khu vực trọng điểm. Mỹ và phương Tây đang lên kế hoạch cho “Hành lang Lobito,” sử dụng hệ thống liên minh và khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế, cổ vũ tiêu chuẩn xây dựng cơ sở hạ tầng kiểu phương Tây. Có ý định sử dụng “tiêu chuẩn mềm” để đối đầu với “sức mạnh cứng” của Trung Quốc trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, và tìm kiếm chiến thắng trước Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Đạt được lợi thế địa chính trị. Trong những năm gần đây, nổi lên làn sóng “chống phương Tây “ ở châu Phi. Việc Mỹ và Pháp buộc phải rút quân khỏi vùng Sahel là một minh chứng. Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược sang Đông Nam châu Phi. Angola và Zambia đều là những quốc gia trọng điểm trong chiến lược của Washington. Chính phủ Biden tăng cường nỗ lực ngoại giao với Angola. Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ đã lần lượt đến thăm Angola, cũng như việc Tổng thống Angola được mời thăm Mỹ. Kể từ Hội nghị Mỹ – châu Phi tổ chức vào năm 2022, Angola đã nhận được khoản vay hơn 1 tỷ USD từ Mỹ. Đồng thời, Mỹ sử dụng hợp tác trong an ninh và quản trị dân chủ làm nòng cốt để tăng cường quan hệ Mỹ – Zambia. Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ đã thành lập Văn phòng hợp tác an ninh tại Zambia. Mỹ cùng với Zambia và các quốc gia khác đã tổ chức Hội nghị Dân chủ lần thứ hai. Xây dựng “Hành lang Lobito” sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và ba quốc gia này.
“Ý đồ” có thể sẽ thất bại
Thực tế việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Từ khi đề xuất “Hành lang Lobito” cho đến nay, mặc dù đã có nhiều cuộc họp lớn nhỏ và các thỏa thuận hợp tác được ký kết, nhưng tiến triển quan trọng nhất về xây dựng đường sắt vẫn diễn ra chậm chạp. Cameron Anderson, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Vấn đề Quốc tế của Mỹ, nói “Mỹ cho đến nay vẫn chưa xây dựng được một inch đường sắt nào.” Một phần của vấn đề này là khó khăn trong việc tài trợ cho dự án đường sắt. Số tiền đầu tư ít ỏi mà Mỹ và phương Tây cam kết chủ yếu được cung cấp bởi chính phủ hoặc các tổ chức đa phương, trong khi vốn tư nhân chiếm phần lớn vẫn đang đứng ngoài quan sát, dự án gặp phải khoản thiếu hụt vốn lớn. Một phần khác là do dự án sửa chữa đường sắt trong lãnh thổ của Cộng hòa dân chủ Congo (DRC) quá lớn, với chi phí vận hành cao. Do đó các nhà thầu khó có thể đảm bảo tài chính cho việc triển khai.
Sự cạnh tranh độc quyền khó có thể thực hiện. Các dự án cơ sở hạ tầng đa quốc gia lớn có tính chất của một sản phẩm công cộng quốc tế, rất khó để chỉ có một hoặc một vài công ty độc lập hoàn thành. Sau khi hoàn thành, người sử dụng thực tế càng nhiều, càng có thể sớm thu hồi chi phí đầu tư. Việc một số doanh nghiệp Trung Quốc tham gia một phần nào đó vào việc xây dựng đường sắt Lobito là bên sử dụng tiềm năng. Điều này là một thách thức mà Mỹ khó thực hiện trong việc mượn hành lang để loại bỏ doanh nghiệp Trung Quốc.
Sẽ gia tăng việc khai thác tài nguyên châu Phi. Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang được đẩy nhanh tốc độ, tầm quan trọng của các khoáng sản then chốt tăng lên. Châu Phi hy vọng có thể tận dụng cơ hội này, thông qua việc gia công tài nguyên khoáng sản và sản xuất pin, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thoát khỏi tình trạng “ Nước xuất khẩu sản phẩm sơ cấp” của mình. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của dự án “Hành lang Lobito,” hầu như không có mục tiêu cụ thể về điều này. Nhu cầu khổng lồ của Mỹ và phương Tây đối với các tài nguyên khoáng sản có thể làm gia tăng trầm trọng việc “cướp bóc” tài nguyên châu Phi, tăng nguy cơ trở thành “kẻ phá hoại” môi trường ở các khu vực dọc theo hành lang và gây ra sự bất mãn của người dân châu Phi.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Chung Trác Duệ là Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Châu Phi hiện đại (Trung Quốc)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]