Tác giả Yu Sui (俞邃)là nghiên cứu viên cao cấp Quỹ Nghiên cứu vấn đề Quốc tế Trung Quốc, Viện sĩ Viện Khoa học Tự nhiên và Xã hội Quốc tế. Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của một học giả Trung Quốc, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Việc mở rộng thành viên của các nước BRICS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Nó thể hiện tinh thần của thời đại phát triển hòa bình với động lực mạnh mẽ. Với ảnh hưởng to lớn sâu rộng của mình, BRICS thúc đẩy tính đa cực của thế giới, toàn cầu hóa kinh tế và thúc đẩy dân chủ hóa hợp tác quốc tế.
Cuộc họp các nhà lãnh đạo cấp cao nhóm các nước BRICS lần thứ 15 được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi vào cuối tháng 8. Ngày 24/8 đã ra tuyên bố, quyết định mời Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất trở thành thành viên chính thức nhóm BRICS kể từ ngày 01/01/2024. Ngoài ra, theo một số báo cáo đã có hơn 40 quốc gia hy vọng được tham gia cơ chế hợp tác BRICS, trong đó có 23 nước đã chính thức nộp đơn gia nhập. Điều thu hút sự quan tâm của thế giới là có tới hơn 50 nhà lãnh đạo quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này, thể hiện sức hút và sức hấp dẫn của các nước nhóm BRICS. Xu thế mở rộng thành viên các nước BRICS có ảnh hưởng to lớn và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.
BRICS thể hiện tinh thần của thời đại phát triển hòa bình bằng động lực mạnh mẽ
Trong những năm gần đây, do chủ nghĩa bá quyền ngang ngược của Mỹ cộng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và các yếu tố xã hội khác đã làm cho tình hình thế giới bất ổn. Cùng với đó là sự bùng phát của dịch Covid mới, biến đổi khí hậu và các nhân tố tự nhiên khác khiến xu hướng chung của hòa bình và phát triển thế giới phải chịu tác động tiêu cực. Ngay cả chủ đề về kỷ nguyên hòa bình và phát triển cũng bị nghi ngờ ở một mức độ nào đó.
Trên thực tế, điều mà những người chân chính trên thế giới luôn theo đuổi chính là hòa bình và phát triển, coi đó là hướng đi chủ đạo của thời đại ngày nay. Việc mở rộng thành viên các nước nhóm BRICS lần này và hiệu ứng mà nó tạo ra đã khẳng định một khía cạnh quan trọng rằng: chủ đề về thời kỳ hòa bình và phát triển là không thể đảo ngược.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ ra tại cuộc họp các nhà lãnh đạo BRICS rằng các nước BRICS phải kiên trì theo định hướng chung là phát triển hòa bình. Việc mở rộng thành viên lần này là điểm khởi đầu mới cho sự hợp tác BRICS, sẽ tiếp thêm sức sống mới cho cơ chế hợp tác BRICS và tăng cường hơn nữa sức mạnh của hòa bình và phát triển thế giới.
Sau khi mở rộng, các nước BRICS đóng vai trò không hề nhỏ. Với diện tích chiếm 36% tổng lãnh thổ toàn thế giới và 45% tổng dân số thế giới. Các thành viên mới và cũ của các nước BRICS đều kiên định giữ vững tinh thần phát triển hòa bình và nỗ lực cùng nhau tìm kiếm sự phát triển chung trong việc thiết lập môi trường quốc tế hòa bình. Điều này được phản ánh đầy đủ trong “Tuyên bố Johannesburg của Hội nghị Lãnh đạo BRICS lần thứ 15”. Đây cũng là định hướng chủ đạo của thời đại để các nước đang phát triển và các nước thị trường mới nổi khẳng định hướng đi hàng đầu về hòa bình và phát triển bằng những hành động cụ thể thông qua vị thế ngày càng tăng và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn.
Thúc đẩy thế giới đa cực
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đánh giá về cục diện chiến lược thế giới luôn tồn tại hai khuynh hướng cực đoan. Một là, Mỹ với tư cách siêu cường duy nhất, cố tình theo đuổi lợi ích cá nhân và gây bất ổn trên toàn thế giới, khẳng định địa vị bá chủ thế giới của mình nên lý thuyết “thế giới đơn cực” đã giành được thị phần nhất định. Mặt khác do Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và động lực phát triển hòa bình của nước này rất mạnh mẽ nên một số người đã cường điệu hóa điều này một cách không phù hợp, trong nhất thời lý thuyết Mỹ – Trung “thế giới lưỡng cực” được lan truyền. Hai xu hướng xấu này chắc chắn là sự đánh giá sai về tình hình chiến lược thế giới và là sự phủ nhận có chủ ý xu hướng khách quan của thế giới đa cực.
Phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị quyền lực, thúc đẩy đa cực hóa và phát triển trật tự quốc tế theo hướng công bằng và hợp lý hơn là mong muốn chung của các nước đang phát triển. Các nước BRICS vốn là một tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong tiến trình đa cực thế giới. Ví dụ, việc thành lập các tổ chức tài chính mới như Ngân hàng Phát triển Mới BRICS ở một mức độ nhất định đã phá vỡ trật tự tài chính do các nước phương Tây thống trị và làm cho hệ thống kinh tế quốc tế trở nên công bằng và hợp lý hơn. Việc mở rộng lần này của các nước BRICS sẽ làm tăng đáng kể ảnh hưởng của họ và khiến thế giới trở nên đa cực hơn. Xu hướng phát triển của các nước BRICS là phủ nhận lý thuyết “thế giới đơn cực” (dựa trên sự ngạo mạn thừa nhận ảnh hưởng quốc tế của mình), đồng thời cũng là phủ định lý thuyết “thế giới lưỡng cực” của Mỹ và Trung Quốc (dựa trên các lực lượng khác với mức độ ảnh hưởng toàn cầu khác nhau hoặc coi nhẹ vai trò trung tâm của quyền lực).
Điều đáng nói là trên trang web Nhật báo “Công chúng” của Tây Ban Nha ngày 25/8 có bài viết với tựa đề “Con đường tơ lụa mới của các nước BRICS xuyên lục địa Á-Âu, Châu Phi và Nam Mỹ” đã chỉ ra: “Trong thời đại hỗn loạn và thay đổi này, Miền Nam toàn cầu hy vọng tiếng nói của mình được lắng nghe và làm cho tiếng nói đó có vai trò quyết định”.
Thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế theo một mô hình mới
Trong những năm gần đây, cùng với việc Mỹ sử dụng tràn lan các biện pháp cực đoan, bao gồm cả biện pháp kinh tế, để kiềm chế sự phát triển hòa bình của Trung Quốc, làm gián đoạn chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa “tách rời” kinh tế và đưa ra “các lệnh trừng phạt”. Điều này đã kích thích sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, dẫn đến toàn cầu hóa kinh tế gặp nhiều trở ngại. Có một thời gian, những luận điệu như “Nước Mỹ cuối cùng đã chôn vùi toàn cầu hóa”, “Toàn cầu hóa kinh tế không còn tồn tại” đã lan tràn. Nhưng sự thật là gì? Năm 2021, giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đạt kỷ lục hơn 750 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu năm 2022 cho thấy thương mại xuất nhập khẩu giữa hai bên trong cả năm là 759,427 tỷ USD, đạt mức cao kỷ lục chưa từng có. Mới đây ngày 28 tháng 08 Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo đã đến thăm Trung Quốc, hai bên đã thu hút sự quan tâm rộng rãi về việc thiết lập các kênh liên lạc mới để ổn định quan hệ kinh tế và thương mại. Vương quốc Anh, vốn luôn đi theo Mỹ, mới đây đã cử Ngoại trưởng Cleverley tới thăm Trung Quốc vào ngày 30/8. Ông nói rằng “sẽ là một sai lầm nếu cố gắng cô lập Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.
Các nước BRICS chưa bao giờ để ý đến luận điệu sai lầm cho rằng toàn cầu hóa kinh tế không còn tồn tại. Mỹ và phương Tây tham gia vào các “vòng tròn nhỏ” và “tập đoàn nhỏ”, không những không thể đẩy lùi toàn cầu hóa kinh tế, ngược lại còn bị toàn cầu hóa kinh tế kìm hãm. Giờ đây, khi các nước BRICS đang mở rộng, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tự hào tuyên bố: “Các nước BRICS cùng nhau chiếm giữ 1/4 nền kinh tế thế giới và 1/5 thương mại thế giới”. Ở đây cũng cần nói thêm rằng các nước BRICS chiếm 1/3 tổng sản lượng lương thực thế giới và nắm giữ 44,35% trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Phải chăng tất cả những điều này không mang lại sức mạnh to lớn để thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế? và có nghĩa là toàn cầu hóa kinh tế là không thể phá vỡ?
BRICS thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế theo một phương thức đặc trưng
Sự phát triển mạnh mẽ của các nước BRICS thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của các giá trị quan chung của nhân loại – hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ và tự do. Đồng thời cũng chứng tỏ sự hợp lý trong nguyên tắc quan hệ quốc tế do Trung Quốc đề xướng đó là bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau học hỏi, hợp tác cùng có lợi. Đây chính là nền tảng của quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, người chủ trì cuộc họp của các nhà lãnh đạo BRICS lần này đã tuyên bố: “Nỗ lực của các nước BRICS nhằm xây dựng một thế giới công bằng, bình đẳng, toàn diện và thịnh vượng đã mở ra một chương mới”. Đúng vậy, các quốc gia BRICS đã trải qua 17 năm phát triển, ngày nay càng trở thành một lực lượng mang tính xây dựng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, cải thiện quản trị toàn cầu và thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế.
Các nước thành viên BRICS có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng tại sao lại có thể đoàn kết họp thành một nhóm được với nhau? Janan Ganesh, nhà báo của tờ “Financial Times” (Anh) đã giải thích rằng đó là “sự bất mãn, phản đối chủ nghĩa tối cao của phương Tây, phản đối sự khinh thị trong quá khứ”. Đáp lại, ngày 26/8 trên trang web báo “Hoa Nam buổi sáng” (South China Morning Post) của Hồng Kông giải thích rằng những bất mãn này bao gồm những lo lắng về việc Mỹ ngày càng ưu tiên “giải quyết” tranh chấp một cách đơn phương. Vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại đang dần biến mất. Việc vũ khí hóa đồng đô la trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt tài chính. Ngoài sự bất mãn, còn có danh sách các mục tiêu và mối quan tâm chung, trước hết là phát triển “chủ nghĩa đa phương thực sự” và quyết tâm chung tái cơ cấu khuôn khổ tài chính toàn cầu.
Trên website Nhật báo “Công chúng” (Public) của Tây Ban Nha ngày 25/08 có bài viết với tựa đề “Con đường tơ lụa mới của các nước BRICS đi qua lục địa Á Âu, châu Phi và Nam Mỹ” còn đặc biệt chỉ rõ rằng Iran và Saudi Arabia là những nước sản xuất dầu lớn trên thế giới. Thành tựu vĩ đại này đã đưa hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu xích lại với nhau. Sau cuộc họp ở Johannesburg, tầm nhìn đã thay đổi: tất cả các quốc gia đều có thể có tiếng nói hiệu quả trên trường quốc tế.
BRICS đang thay đổi và hoàn thiện trật tự quốc tế bằng quy tắc ứng xử của mình
Các nước BRICS là một lực lượng quan trọng trong việc định hình bối cảnh quốc tế. Rất nhiều nước đang phát triển đã nộp đơn xin gia nhập cơ chế hợp tác nhóm BRICS. Như vậy có thể tập hợp trí tuệ, tập trung lực lượng nỗ lực thúc đẩy quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn. Ngoài các quốc gia thành viên hiện có và các quốc gia thành viên mới của sự mở rộng lần này, còn có nhiều nước cũng rất công nhận các khái niệm cơ bản về chủ nghĩa đa phương toàn diện của BRICS. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia cơ chế hợp tác BRICS, cơ chế này sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc quản trị khu vực và toàn cầu trở nên công bằng và hợp lý hơn.
Xoay quanh kết quả cuộc họp của các nhà lãnh đạo BRICS lần này, dư luận nhìn chung đều tin rằng các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã thu được tiến triển quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy thiết lập một hệ thống quản trị toàn cầu công bằng và hợp lý.
Trong bài phát biểu được truyền hình toàn quốc, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố rằng các nước BRICS đang tìm kiếm “một thế giới bình đẳng, cân bằng hơn và được điều hành bởi một hệ thống quản trị toàn cầu toàn diện”. Tổng thống Brazil Lula da Silva nêu rõ: “Sự hiện diện của hàng chục các nhà lãnh đạo quốc gia đến từ Nam bán cầu tham dự hội nghị cấp cao BRICS cho thấy thế giới phức tạp hơn tâm lý Chiến tranh Lạnh mà một số người muốn khôi phục lại”. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng việc loại bỏ đồng Đô-la Mỹ trong các giao dịch và chuyển giao tiền giữa các nước BRICS là một tiến trình “không thể đảo ngược”.
Thông tấn Pháp (AFP) ngày 24/8 đưa tin BRICS sẽ kết nạp sáu nước thành viên mới bắt đầu từ năm sau. Câu lạc bộ các nền kinh tế mới nổi này bao gồm các nước lớn có dân số đông đang tìm cách định hình lại trật tự toàn cầu. Trang web “Báo Độc lập” (Independence) của Anh ngày 27/8 có bài viết chỉ ra rằng “Sự mở rộng của BRICS có đồng nghĩa với sự xuất hiện của một trật tự toàn cầu mới?” Hiện nay cơ chế BRICS đang từng bước được mở rộng nhằm cung cấp lực lượng đối trọng kiềm chế vị thế thống trị chủ đạo của liên minh phương Tây trong các vấn đề toàn cầu. Mục đích của nhiều quốc gia ứng cử viên gia nhập cũng là bởi mong muốn xóa bỏ sự bất công gây bất lợi cho họ trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Swaran Singh, Giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru của Ấn Độ, cho biết động thái này cũng nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng của BRICS với tư cách là người bảo vệ các quốc gia ở “miền Nam toàn cầu” khi nhiều quốc gia đang cảm thấy bị các tổ chức quốc tế do Mỹ và các nước phương Tây giàu có giữ vai trò chủ đạo đối xử bất công.
Bằng nỗ lực không ngừng của các quốc gia thành viên BRICS, nhóm này đã và đang tạo ra một mô hình hợp tác hoàn toàn mới, phần nào khắc phục được những hạn chế của các trật tự kinh tế quốc tế cũ. Dư luận quốc tế có nhiều ý kiến khác nhau về những thành tựu của BRICS: Một bài viết trên trang “Hoa Nam buổi sáng” (South China Morning Post) của Hong Kong ngày 29/8 cho rằng, ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi đã suy yếu. Trong mối quan hệ với phương Tây, người châu Phi nên đặt câu hỏi: ngoài việc các nguồn tài nguyên lục địa bị cướp đi, liên minh với phương Tây mang lại cho họ những lợi ích gì? Một bài viết trên tờ Moskovsky Komsomolets ngày 27/8 chỉ ra rằng, hiện nay hầu hết các nước ở “Miền Nam toàn cầu” đều mong muốn trở thành thành viên của tổ chức BRICS vì uy tín cực kỳ cao của các nước sáng lập tổ chức này.
Những kết quả đạt được từ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi trong tháng 8 vừa qua đã cho thấy một tiềm năng phát triển rất lớn của nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi. Trong tương lai, các thiết chế hợp tác kinh tế cũ sẽ đứng trước áp lực hoặc là phải cải tổ hoặc sẽ bị thay thế bởi vai trò của BRICS./.
Lược dịch: Nguyễn Phượng
Mọi trao đổi học thuật cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]