Thời gian vừa qua, bên cạnh sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột của 2 quốc gia Nga và Ukraine, thế giới còn đang chứng kiến nhiều biến động khiến dư luận đặt nhiều sự quan tâm. Nhìn nhận cục diện thế giới từ góc độ ngoại giao và quan hệ quốc tế, có thể thấy thế giới vẫn nằm trong “trật tự Mỹ”, trong đó các “luật chơi” hiện hành đều do Mỹ đóng vai trò chính. Nhưng cục diện thế giới sẽ có những thay đổi khi bước vào giai đoạn hậu Covid 19; hậu chính quyền Trump và hậu chiến tranh Nga – Ukraine… Trong đó, quan trọng nhất là sự thay đổi của tương quan lực lượng và chính sách của các cường quốc. Kết thúc năm 2022, thế giới có thể học được điều gì từ một năm 2022 đầy biến động, để bước tiếp vào năm 2023?
Tiêu đề và các đề mục do Ban Biên tập đặt.
Một điều chúng ta đã học được trong năm 2022 là chiến tranh giữa các quốc gia, từng được giới chuyên gia, học giả coi là ý tưởng lỗi thời, hoàn toàn có thể xảy ra. Và điều đó khác xa so với kỳ vọng hoặc giả định về các mối quan hệ quốc tế hiện nay.
Chỉ có số ít cá nhân nhìn lại năm 2022 với một cái nhìn tích cực, một năm bị che phủ bởi màn đêm của hậu đại dịch, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ, lạm phát tăng cao, tăng trường kinh tế trì trệ, và nghiêm trọng hơn cả là sự bùng nổ của một cuộc chiến đầy tổn thất tại châu Âu cũng như các quan ngại rằng xung đột vũ trang có thể sớm nổ ra tại châu Á. Trong các vấn đề trên, một số sự kiện đã được dự đoán trước, song phần lớn đều hết sức bất ngờ, có khả năng sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu chúng ta không rút kinh nghiệm từ những bài học trong năm nay.
Dưới đây là 10 bài học chúng ta có thể rút ra được từ năm 2022 đầy biến động.
Bài học 01: Chiến tranh giữa các quốc gia, được nhiều chuyên gia, học giả cho rằng đã lỗi thời, là hiện thực hoàn toàn có thể xảy ra. Những gì chúng ta đang chứng kiến tại châu Âu là chiến tranh đế quốc kiểu cũ, trong đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng chấm dứt, xóa sổ chủ quyền và sự tồn tại của Ukraine trên danh nghĩa là một quốc gia. Mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin là đảm bảo một quốc gia dân chủ, được định hướng bởi thị trường và đang tìm kiếm mối quan hệ thân thiết với phương Tây không thể tồn tại và phát triển sát biên giới với Nga, đồng thời lấy Ukraine làm ví dụ điển hình đối với người dân Nga.
Tất nhiên, thay vì đạt được chiến thắng nhanh gọn và dễ dàng như dự báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát hiện rằng, quân đội Nga không hề mạnh và phía Ukraine không hề thiếu ý chí chiến đấu như ông – và nhiều quan điểm ở phương Tây – đã dự kiến. Sau 10 tháng, cuộc chiến tiếp tục diễn biến phức tạp mà không có dấu hiệu chấm dứt.
Bài học 02: Quan điểm cho rằng đảm bảo sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ là rào cản hiệu quả để ngăn chặn chiến tranh, vì các bên đều không hưởng lợi nếu gây gián đoạn các hoạt động thương mại và đầu tư cùng có lợi, đã không còn đúng. Các cân nhắc về chính trị được coi trọng hơn các lợi ích về kinh tế. Trên thực tế, sự phụ thuộc nặng nề của Liên minh châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga nhiều khả năng đã củng cố quyết định tấn công Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin, khiến ông tin rằng châu Âu sẽ không dám đứng lên chống lại Nga.
Bài học 03: Hội nhập, được coi là nền tảng trong chính sách của phương Tây đối với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, cũng đã thất bại. Chiến lược này cũng dựa trên lòng tin rằng quan hệ kinh tế – cùng với trao đổi về văn hóa, học thuật và các lĩnh vực khác – sẽ thúc đẩy sự phát triển về chính trị, dẫn đến sự trỗi dậy của một Trung Quốc rộng mở, được định hướng bởi thị trường hơn, có đường lối chính sách đối ngoại trung dung.
Tất cả những điều này đã không xảy ra như mong muốn, tuy nhiên có thể và nên xem xét lại về việc sai lầm xuất phát từ ý tưởng hay từ cách thực hiện. Song, điều không thể chối cãi là hệ thống chính trị của Trung Quốc đã tăng cường tính đàn áp với người dân, nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng sự kiểm soát của nhà nước và chính sách ngoại giao ngày càng hung hãn.
Bài học 04: Trừng phạt về kinh tế, đã được coi là công cụ chính của phương Tây và các đối tác trong đối phó với các hành vi vi phạm nhân quyền cũng như các hành vi hung hãn ở ngoài nước của các Chính phủ khác, hiếm khi dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong chính sách của các đối tượng. Ngay cả các hành vi hung hãn rõ ràng và tàn khốc như quyết định tấn công Ukraine của Nga cũng đã không thiết phục được phần lớn các Chính phủ trên thế giới cô lập Nga về ngoại giao hay kinh tế. Và dù các lệnh trừng phạt về kinh tế do phương Tây dẫn đầu đang dần “bào mòn” các cơ sở kinh tế của Nga, các lệnh trừng phạt cũng chưa thể đạt được hiệu quả trong việc thuyết phục Tổng thống Vladimir Putin đảo ngược quyết định của mình.
Bài học 05: Cần chấm dứt việc sử dụng cụm từ “cộng đồng quốc tế”, bởi khái niệm trên không tồn tại. Quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an đã vô hiệu hóa Liên hợp quốc, trong khi đó cuộc nhóm họp của các nhà lãnh đạo thế giới tại Ai Cập để thảo luận về cách đối phó với biến đổi khí hậu cũng đã thất bại hoàn toàn.
Bên cạnh đó, cũng không có nhiều sự phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Covid-19 cũng như không có sự chuẩn bị được tiến hành ở qui mô toàn cầu để đối phó với đại dịch tiếp theo. Chủ nghĩa đa phương tiếp tục duy trì được tầm quan trọng, song tính hiệu quả của chủ nghĩa đa phương sẽ phụ thuộc vào sự thiết lập của các thỏa thuận hạn hẹp hơn là giữa các Chính phủ có cùng chung lý tưởng. Chủ nghĩa đa phương đề cao sự tham gia của tất cả các bên nhiều khả năng sẽ không đem lại được bất kỳ kết quả gì.
Bài học 06: Các nền dân chủ rõ ràng là đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; song những vấn đề mà các hệ thống chuyên chế đối mặt có thể còn lớn hơn. Hệ tư tưởng và sự tồn vong của chế độ thường thúc đẩy quá trình ra quyết định trong các hệ thống trên, và các nhà lãnh đạo chuyên chế thường chống lại việc từ bỏ các chính sách thất bại hoặc thừa nhận sai lầm, vì sợ rằng điều này sẽ bị coi là dấu hiệu của sự yếu kém và khiến công chúng kêu gọi thay đổi lớn hơn. Những chế độ như vậy phải liên tục tính đến mối đe dọa của các cuộc biểu tình rầm rộ, như ở Nga, hoặc thực tế, như chúng ta đã thấy gần đây ở Trung Quốc và Iran.
Bài học 07: Tiềm năng của Internet trong việc trao quyền cho các cá nhân đứng lên chống lại chính quyền lớn hơn tại các nền dân chủ so với các hệ thống khép kín. Các chính phủ chuyên chế như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên có thể đóng cửa xã hội cũng như theo dõi, kiểm duyệt các nội dung. Khái niệm về “splinternet” – hàng loạt các mạng lưới internet tách biệt – đã nổi lên. Đồng thời, mạng xã hội ở các quốc gia dân chủ cũng phải đối phó với các hoạt động tung tin giả, tăng cường sự phân cực trong xã hội và khiến các nỗ lực quản lý nhà nước ngày càng khó khăn.
Bài học 08: Khái niệm phương Tây (một khái niệm phụ thuộc nhiều hơn vào các giá trị chung thay vì dựa trên các yếu tố địa lý) vẫn còn hợp lý, và các liên minh vẫn là công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy trật tự. Mỹ và các đối tác xuyên Đại Tây Dương ở NATO đã phản ứng hiệu quả với cuộc tấn công Ukraine của Nga. Mỹ cũng đã thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đối phó với các mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quôc, đặc biệt là qua nhóm Quad (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ), AUKUS (Australia, Vương quốc Anh và Mỹ) đã được tăng cường chú trọng cũng như sự gia tăng hợp tác ba bên của Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bài học 09: Sự lãnh đạo của Mỹ tiếp tục là yếu tố quan trọng. Mỹ không thể hành động một cách đơn phương nếu muốn duy trì, đảm bảo tầm ảnh hưởng trên thế giới. Tuy nhiên, thế giới không thể cùng hợp tác đối phó với các thách thức về an ninh và các lĩnh vực khác nếu Mỹ có quan điểm bị động, đứng bên lề. Sự quyết tâm của Mỹ về lãnh đạo tuyến đầu thay vì đứng sau thường sẽ là yếu tố cần thiết.
Bài học 10: Chúng ta cần phải tỏ ra khiêm tốn hơn về những gì chúng ta có thể biết. Việc một vài dự đoán đã được đưa ra vào một năm trước đã trở thành hiện thực là một kết quả tốt xong cần duy trì tính khiêm tốn. Những gì chúng ta đã học được trong năm nay không chỉ cho thấy rằng lịch sử đã trở lại mà còn là lịch sử luôn có khả năng khiến chúng ta ngạc nhiên. Đây là điều cần ghi nhớ khi bước tiếp vào năm 2023!
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả
Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nguyên Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ (2001-2003), từng đảm nhiệm vai trò đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ireland và Điều phối viên cho Tương lai của Afghanistan. Richard Haass là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “The Bill of Obligations: The Ten Habits of Good Citizens” (Penguin Press, tháng 1/2023).