Lập trường cứng rắn của Trump đối với Ukraine và NATO đặt ngành công nghiệp quốc phòng Anh trước những lựa chọn khó khăn, trong khi Ngoại trưởng David Lammy nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác đa phương để bảo vệ an ninh châu Âu.
Khi ông Keir Starmer, Thủ tướng Anh cam kết “tái xây dựng ngành công nghiệp trên khắp đất nước” bằng đầu tư công để “cung cấp việc làm tốt, ổn định và kỹ năng cho thế hệ tiếp theo,” nhiều người có thể nghĩ ông đang nhắc đến nỗ lực thúc đẩy năng lượng sạch – nền tảng trong bản tuyên ngôn kinh tế của Đảng Lao động. Nhưng không, chính phủ của ông đang nhanh chóng chuyển hướng từ màu xanh của năng lượng tái tạo sang màu xám chiến hạm của quốc phòng, đặt lĩnh vực này làm trung tâm trong chiến lược công nghệ và sản xuất. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc châu Âu phải tự bảo vệ với ít sự hỗ trợ hơn từ Washington, khiến các ưu tiên của Vương quốc Anh thay đổi rõ rệt.
Sự chuyển dịch được thể hiện qua việc Starmer công bố tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2027, với tham vọng đạt 3% trong nhiệm kỳ quốc hội tiếp theo. Điểm nhấn rõ ràng hơn xuất hiện vào cuối tuần trước khi Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves tuyên bố Quỹ Tài sản Quốc gia sẽ mở rộng phạm vi, cho phép đầu tư vào quốc phòng bên cạnh các ưu tiên xanh ban đầu. Chi tiêu quốc phòng không chỉ là mệnh lệnh chính trị và an ninh mà còn mang sức hấp dẫn tương tự năng lượng sạch như một trọng tâm công nghiệp, đặc biệt với một chính quyền được công đoàn hậu thuẫn. Ngành này tạo ra nhiều việc làm sản xuất – từ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, máy bay chiến đấu đến sản xuất đạn dược – chủ yếu ở các khu vực ngoài London và đông nam.
Quốc phòng cũng mang lợi thế gắn liền trực tiếp với tăng trưởng kinh tế, thay vì chỉ là một quá trình chuyển đổi. Trong khi đầu tư vào trang trại năng lược gió hay năng lượng hạt nhân tạo việc làm, việc hạn chế khai thác dầu khí ở Biển Bắc hay giảm sản xuất xe động cơ đốt trong lại có nguy cơ gây tác dụng ngược. Hiện tại, các ngành hàng không vũ trụ, quốc phòng, an ninh và không gian hỗ trợ 430.000 việc làm, với năng suất cao hơn 42% so với mức trung bình của Anh. Nếu chi tiêu quốc phòng đạt 3% GDP, điều này sẽ “thay đổi hoàn toàn,” theo Malcolm Chalmers, Phó Tổng Giám đốc Viện Dịch vụ Hợp nhất Hoàng gia. Một cựu chiến binh trong ngành nhận định: “Tôi lạc quan hơn so với một thập kỷ qua,” dù bỏ qua vấn đề đạo đức sản xuất vũ khí – yếu tố khiến một số nhà đầu tư e ngại – quốc phòng vẫn là chiến lược công nghiệp đầy triển vọng.
Tuy nhiên, trước khi nguồn tiền chảy vào, những câu hỏi hóc búa đã xuất hiện.
Thứ nhất, Anh nên giảm phụ thuộc vào Mỹ đến mức nào, không chỉ về chính sách mà còn về sự đan xen công nghiệp? BAE Systems, nhà thầu lớn nhất Anh, là ví dụ điển hình: công ty con tại Mỹ chiếm 44% doanh thu năm ngoái, vượt xa hoạt động trong nước, với các dự án như tàu ngầm hạt nhân và linh kiện máy bay F-35 của Lockheed Martin. Việc Mỹ tạm dừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine làm dấy lên lo ngại về khả năng Washington vô hiệu hóa F-35 hay các hệ thống NATO khác trong tương lai. Dù Anh hợp tác với Ý và Nhật Bản phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới qua BAE, việc thoát hoàn toàn khỏi công nghệ Mỹ là bất khả thi và quá tốn kém.
Thứ hai, liệu Bộ Quốc phòng Anh có thể mua sắm vũ khí hiệu quả? Lịch sử ghi nhận nhiều lần vượt ngân sách và mối quan hệ căng thẳng với nhà thầu. Chính phủ gần đây chỉ ra “thiết kế quá tinh xảo” và việc tích trữ tài sản trí tuệ là rào cản cho đổi mới công nghệ. Điều này dẫn đến câu hỏi thứ ba: Anh nên tiếp tục tập trung vào các hệ thống vũ khí đắt đỏ, tùy chỉnh cao, hay học từ Ukraine để đầu tư nhiều hơn vào máy bay không người lái và công nghệ mới? Đơn cử, Anh vừa đặt hàng 30 triệu bảng từ Anduril – công ty khởi nghiệp Mỹ sản xuất máy bay không người lái – thông qua chi nhánh tại Anh.
Những câu hỏi này không có đáp án rõ ràng, buộc chính phủ phải đối mặt với các đánh đổi khó khăn: ưu tiên công ty lớn hay khởi nghiệp, hợp tác với Mỹ hay châu Âu, giữ chủ quyền tuyệt đối hay tiết kiệm bằng cách mua từ nước ngoài. Chính phủ Anh may mắn sở hữu dàn nhà thầu mạnh như BAE, Rolls-Royce, Babcock International và Thales UK, nhưng phải vừa tái xây dựng lực lượng, vừa bổ sung đạn dược, vừa mở rộng trong khi thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu đã giảm so với Mỹ, Pháp, Đức và Ý trong thập kỷ qua. Một thế giới biến động đòi hỏi cải cách sâu rộng và lựa chọn khôn ngoan – điều khiến quá trình chuyển đổi năng lượng dường như đơn giản hơn nhiều.
Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng David Lammy nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương. Ông cho rằng cần một quỹ đa phương mới để bảo vệ an ninh châu Âu và xác nhận Anh “cởi mở” với tài trợ chung cho chi tiêu quân sự. Trong chuyến công du Nhật Bản, ông nói với Financial Times: “Chúng ta sẽ cần thêm cơ chế đa phương trong lĩnh vực này. Anh cởi mở với các sáng kiến vì đây là an ninh châu Âu.” Lammy hoan nghênh động thái của EU tuần này khi xem xét huy động vốn lớn cho quốc phòng, đồng thời ủng hộ một tổ chức hoặc hệ thống có Anh tham gia – từ ngân hàng tái vũ trang châu Âu đến liên minh với các nền dân chủ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
Phát biểu của ông được đưa ra khi Ukraine chịu áp lực từ Trump, người đã cắt viện trợ quân sự và tình báo cho Kyiv, đồng thời thúc ép châu Âu tự tái vũ trang. Trong một cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo EU và thành viên NATO ngoài EU như Starmer và Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store, vấn đề hợp tác thúc đẩy ngành quốc phòng châu Âu đã được thảo luận. Quan hệ Mỹ-Ukraine rạn nứt sau cuộc đụng độ giữa Trump và Zelensky tại Nhà Trắng – khoảnh khắc Lammy gọi là “không phải điểm cao trong ngoại giao”. Ông nói: “Lẽ ra đó là cuộc thảo luận riêng tư, nhưng lại công khai giữa hai lãnh đạo và Phó Tổng thống JD Vance.”
Starmer đang nỗ lực hàn gắn rạn nứt đó, theo Lammy. “Thật tuyệt khi tuần này Zelensky cam kết thỏa thuận khoáng sản, bày tỏ tiếc nuối về sự cố Nhà Trắng, đề xuất ngừng bắn một phần được Nhà Trắng đón nhận, và Trump công nhận sự thay đổi giọng điệu,” ông nói. Trump trở lại Phòng Bầu dục tháng Một, cùng chính sách mới về Ukraine, mở ra “kỷ nguyên mới” trong địa chính trị, nhưng Lammy khẳng định: “Tôi không đồng tình với những ai nói về sự sụp đổ của phương Tây.”
Ông kiên quyết rằng Anh và châu Âu sẽ không “bán rẻ Ukraine” bằng cách ép Kyiv ký vào thỏa thuận hòa bình với Nga. Anh và Pháp đang thúc đẩy lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu, được Mỹ hậu thuẫn, để đảm bảo hòa bình tại Ukraine. Khi được hỏi liệu thỏa thuận khoáng sản đất hiếm Mỹ-Ukraine có đủ làm “bảo đảm” từ Trump, Lammy cho rằng điều này quan trọng vì “Mỹ rất nghiêm túc bảo vệ lợi ích kinh tế,” nhưng cần thận trọng để không giúp Putin trong đàm phán. Ông cũng xác nhận Bộ Ngoại giao Anh đang lập kế hoạch cho mọi kịch bản, bao gồm khả năng Mỹ rút lực lượng khỏi châu Âu, đòi hỏi châu Âu cam kết quốc phòng mạnh mẽ hơn.
Tại Tokyo, cùng Bộ trưởng Kinh doanh Jonathan Reynolds trong đối thoại kinh tế “2+2” với Nhật Bản, Lammy nhấn mạnh: “Anh và Nhật Bản chia sẻ cam kết mạnh mẽ với trật tự dựa trên luật lệ, là đồng minh G7 quan trọng và quyết tâm hợp tác.” Tuần trước, ngân sách viện trợ của Bộ Ngoại giao bị cắt từ 0,5% xuống 0,3% thu nhập quốc dân để tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP vào 2027. Lammy bác bỏ ý kiến rằng cắt viện trợ gây thiệt hại cho các nước đang phát triển, lập luận: “Đầu tư vào răn đe cứu sống người,” và phân biệt với cắt giảm trước đây của Đảng Bảo thủ.
Ông muốn đảo ngược cấu trúc Bộ Ngoại giao – hiện hai phần ba nhân viên ở London – và dùng AI giảm quan liêu, hỗ trợ đàm phán và phản ứng thảm họa. Là nhân vật chủ chốt tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, Lammy đã thăm Trung Quốc năm ngoái và ủng hộ đại sứ quán mới của Trung Quốc tại London. Ông nhấn mạnh Anh cần hành động “với đôi mắt mở” trước bất đồng về Hồng Kông và trừng phạt, nhưng hoan nghênh thương mại không liên quan an ninh quốc gia vì lợi ích tăng trưởng./.
Dịch, tổng hợp: Bùi Toàn
Các tác giả:
Lucy Fisher là biên tập viên của tờ Thời báo Tài chính, lĩnh vực chuyên môn của cô tập trung vào các vấn đề chính trị, quốc phòng và đối ngoại của Anh.
John Gapper là chuyên gia kinh doanh của tờ Thời báo Tài chính.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]