Ngày 21 tháng 4, Trung Quốc và Indonesia đã khởi động vòng đối thoại đầu tiên theo cơ chế “2+2” giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng tại Bắc Kinh. Đây là cơ chế “2+2” cấp bộ trưởng đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập trên thế giới. Việc thiết lập cơ chế này không chỉ là một sáng kiến đổi mới trong ngoại giao khu vực của Trung Quốc, mà còn là một nước cờ then chốt của Trung Quốc tại Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh và hợp tác giữa Trung Quốc – Mỹ. Việc ra đời cơ chế này đánh dấu sự nâng cấp sâu sắc về lòng tin chiến lược giữa hai nước, đồng thời mang đến cho các quốc gia thuộc “Phương Nam toàn cầu” một phương án quản trị kiểu mới, vượt lên trên sự đối đầu phe nhóm. Qua đó thúc đẩy thực chất tiến trình định hình trật tự đa cực tại khu vực Đông Nam Á. Điều quan trọng hơn, nó đánh dấu sự chuyển mình sâu sắc trong ngoại giao khu vực của Trung Quốc, từ “ứng phó khủng hoảng” sang “kiến tạo thể chế”. Trong bối cảnh cục diện địa chính trị Đông Nam Á đang tái cấu trúc nhanh chóng, Trung Quốc đang thông qua đổi mới thể chế để phá vỡ tình thế lưỡng nan “an ninh dựa vào Mỹ, kinh tế phụ thuộc Trung Quốc”, âm thầm tái định hình trật tự khu vực .
Ngày 21 tháng 4 năm 2025, Trung Quốc và Indonesia đã khởi động vòng đối thoại đầu tiên theo cơ chế “2+2” giữa Bộ trưởng bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng tại Bắc Kinh. Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, trong cuộc họp báo chung sau phiên họp cấp bộ trưởng đầu tiên của cơ chế đối thoại “2+2”, đã nhấn mạnh rằng: Đây là cơ chế “2+2” cấp bộ trưởng đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập trên toàn cầu. Sự kiện này đánh dấu một chương mới trong hợp tác an ninh chính trị và niềm tin chiến lược giữa hai quốc gia láng giềng lớn, hai nền kinh tế mới nổi quan trọng và hai cường quốc đang phát triển.
Việc thiết lập và khởi động cơ chế đối thoại “2+2” giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Trung Quốc – Indonesia không chỉ là một sáng kiến đột phá trong ngoại giao khu vực của Trung Quốc, mà còn là một nước cờ chiến lược mà Trung Quốc dày công sắp đặt tại Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong tình hình căng thẳng leo thang xoay quanh “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và việc Mỹ liên tục áp đặt các biện pháp thuế quan “có đi có lại”, sự ra đời của cơ chế đối thoại “2+2” giữa Trung Quốc và Indonesia tuyệt đối không phải là điều ngẫu nhiên.
Cơ chế “2+2” cấp bộ trưởng đầu tiên của Trung Quốc đặt tại Đông Nam Á.
Cơ chế đối thoại “2+2” trong thực tiễn thường có tiêu chuẩn thể chế hóa cao, về bản chất là cơ chế phối hợp liên ngành giữa các quốc gia có chủ quyền nhằm giải quyết các vấn đề chiến lược. Ngoại giao và quốc phòng vốn là hai lĩnh vực cốt lõi thể hiện chủ quyền quốc gia. Khi thiết lập được khuôn khổ đối thoại thường xuyên, không chỉ cho thấy quan hệ song phương đã có một cơ chế kịp thời xử lý các cọ xát trong quá trình giao lưu, mà còn phản ánh nỗ lực xây dựng hiệu ứng phối hợp chiến lược trong các vấn đề khu vực. Những cơ chế phối hợp chính sách chuyên sâu như vậy thực chất là biểu hiện có tính cấu trúc của việc củng cố lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế.
Cơ chế đối thoại “2+2” bắt nguồn từ sự hợp tác quân sự giữa các nước đồng minh NATO vào những năm 1950, và từ thế kỷ 21 đã dần phát triển thành công cụ phối hợp chiến lược giữa các cường quốc. Dựa trên hệ thống đồng minh toàn cầu của mình, Mỹ đã thiết lập cơ chế “2+2” thường niên với 12 quốc gia bao gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ và nhiều nước khác. Các cơ chế này chủ yếu xoay quanh các vấn đề liên quan đến liên minh quân sự và hợp tác chiến lược, là sự mở rộng của trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt trong lĩnh vực ngoại giao.
Sự đột phá đối với mô hình ngoại giao truyền thống kiểu phương Tây đã được Trung Quốc chuyển hóa sáng tạo vào năm 2023. Trước đó, dù Trung Quốc đã thiết lập nhiều cơ chế đối thoại với các nước khác, nhưng trong một thời gian dài vẫn chưa xây dựng được cơ chế “2+2” cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Ngày 28 tháng 7 năm 2023, Tổng thống Indonesia đương nhiệm Joko Widodo đã thăm Trung Quốc, dự lễ khai mạc Đại hội thể thao sinh viên thế giới mùa Hè lần thứ 31, và thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc. Trong cuộc hội đàm,lãnh đạo hai nước đã đạt được sự đồng thuận về việc sẽ khởi động cơ chế đối thoại “2+2” giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng nhằm tăng cường lòng tin chiến lược ở cấp cao giữa hai bên. Đồng thời đây được kỳ vọng sẽ trở thành chìa khóa tháo gỡ thế bế tắc cho vấn đề Biển Đông. Đến tháng 10 cùng năm, hai nước chính thức thiết lập cơ chế đối thoại “2+2”. Việc thiết lập cơ chế này với Indonesia là một đột phá lớn trong thực tiễn ngoại giao của Trung Quốc.
Vì sao Trung Quốc chọn Indonesia làm đối tác “2+2” đầu tiên?
Việc Trung Quốc lựa chọn Indonesia làm đối tác đầu tiên cho cơ chế “2+2” hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Indonesia là nền kinh tế lớn nhất trong ASEAN, với GDP năm 2024 đạt 1.4 nghìn tỷ USD, tăng 5,03% so với năm trước và chiếm khoảng 37% tổng GDP của cả khối ASEAN, một sức ảnh hưởng kinh tế không thể xem nhẹ. Đồng thời, Indonesia cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất là thành viên của Nhóm các nền kinh tế lớn (G20), nắm giữ tiếng nói đặc biệt cả trong khu vực lẫn trên trường quốc tế. Trung Quốc đã liên tục giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia suốt 10 năm liên tiếp. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương của hai nước đạt 147,8 tỷ USD, tăng gần 90% so với năm 2013, thời điểm Trung Quốc khởi xướng sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Chiến lược “Trục hàng hải toàn cầu” của Tổng thống Joko Widodo đã tạo nên sự cộng hưởng chiến lược với “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc. Dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên tại Đông Nam Á, đã thiết lập mô hình “tài chính liên kết” điển hình. Theo đó, phía Trung Quốc cung cấp khoản vay trị giá 4,5 tỷ USD, còn ngân sách quốc gia Indonesia chiếm tới 60% tổng vốn đối ứng. Mô hình hợp tác này đã mở ra một kiểu mẫu mới cho việc hợp tác cơ sở hạ tầng giữa các nước đang phát triển. Chính những thành quả hợp tác thiết thực như vậy đã tạo nền tảng vật chất vững chắc cho việc thiết lập cơ chế “2+2”.
Khác với Philippines bị ràng buộc bởi “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines”, Indonesia luôn kiên trì theo đuổi chính sách ngoại giao “tự do tích cực” và duy trì cấu trúc quốc phòng đa phương cân bằng. Tháng 12 năm 2024, sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Indonesia mới đắc cử Prabowo Subianto, quân đội hai nước đã tổ chức lại cuộc diễn tập cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai “Peaceful Garuda-2024” sau 6 năm gián đoạn, nhằm tạo không gian cho việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương.
Về vấn đề Biển Đông, mặc dù Indonesia không phải là quốc gia có yêu sách chủ quyền, nhưng tranh chấp ranh giới đặc quyền kinh tế ở quần đảo Natuna vẫn là một điểm nóng tiềm ẩn gây căng thẳng. Tháng 6 năm 2021, hai nước đã ký kết “Bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác hàng hải”, đưa hợp tác hàng hải vào khuôn khổ đối thoại cấp cao giữa Trung Quốc và Indonesia. Tháng 9 năm 2023, hai nước ký kết “Hiệp định hợp tác thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc và Bộ Biển và Nghề cá Indonesia”. Lần đầu tiên đưa phát triển tài nguyên thủy sản và hợp tác nghiên cứu biển vào khuôn khổ hợp tác chính thức.
Sự đột phá này trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống và quyết định thiết lập cơ chế “2+2” vào thời điểm này chính là giá trị sáng tạo của cơ chế “2+2”, nhằm quản lý những bất đồng thông qua đối thoại cấp cao và tăng cường hợp tác toàn diện. Cơ chế đối thoại “2+2” giữa Trung Quốc và Indonesia có ảnh hưởng sâu rộng đến quan hệ song phương và ngoại giao khu vực.
Việc thiết lập cơ chế đối thoại “2+2” đánh dấu sự nâng cao sâu sắc về lòng tin chiến lược giữa hai nước. Thông qua cơ chế phối hợp cấp cao giữa ngoại giao và quốc phòng, hai bên đạt được sự kết nối chính sách chính xác, đưa quan hệ song phương bước vào giai đoạn hợp tác hệ thống mới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Cơ chế này không chỉ thiết lập kênh đối thoại thường xuyên nhằm ngăn ngừa sai lầm chiến lược và củng cố đồng thuận an ninh, mà còn với vị thế của Indonesia là quốc gia trụ cột then chốt ở Đông Nam Á và đầu mối địa chính trị ở Biển Đông, đã tạo ra một kênh quan trọng giúp Trung Quốc thúc đẩy hợp tác toàn diện với ASEAN. Biến hai nước từ đối tác song phương truyền thống thành những người đồng kiến tạo và tham vấn trong việc quản trị khu vực.
Đóng vai trò là nền tảng thực tiễn quan trọng để giải quyết vấn đề Biển Đông, cơ chế này thông qua việc trực tiếp giải quyết các vấn đề nhạy cảm như an ninh hàng hải, phối hợp khai thác tài nguyên, đã khám phá ra những lộ trình khả thi để giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua đàm phán đa phương. Đồng thời, cơ chế này cũng xuất khẩu kinh nghiệm hợp tác an ninh khu vực theo mô hình “Trung Quốc – Indonesia”, góp phần gia tăng sự ổn định cho khu vực có địa chính trị đầy biến động.
Hành động này không chỉ thể hiện sự chủ động chiến lược của Trung Quốc trong việc vượt qua sự bao vây và cạnh tranh giữa các cường quốc, mà còn thông qua việc củng cố sự phối hợp với cường quốc tầm trung như Indonesia, tái cấu trúc quyền lực diễn ngôn trong trật tự an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này cũng mở ra một mô hình quản trị mới, vượt qua đối đầu giữa các phe phái, cung cấp giải pháp quản trị kiểu mới cho các quốc gia thuộc “Phương Nam toàn cầu”, thúc đẩy sự hình thành trật tự đa cực tại Đông Nam Á.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, lập trường trung lập và chính sách ngoại giao đa phương của Indonesia đã mang lại cho Trung Quốc một vùng đệm chiến lược và cơ hội hợp tác tại Đông Nam Á. Việc Trung Quốc thiết lập cơ chế “2+2” vào thời điểm này chính là để thích ứng với xu thế hợp tác khu vực. Nắm bắt thế chủ động chiến lược, dùng đối thoại và hợp tác để ứng phó với sự cạnh tranh giữa các cường quốc.
Việc thiết lập cơ chế “2+2” giữa Trung Quốc và Indonesia đánh dấu sự chuyển mình sâu sắc trong ngoại giao khu vực của Trung Quốc, từ “ứng phó khủng hoảng” sang “kiến tạo thể chế”. Sự chuyển mình này vừa bao hàm điều chỉnh thích ứng với các quy tắc quốc tế do phương Tây dẫn dắt, vừa thể hiện sự chủ động trong chính sách ngoại giao của một cường quốc mang đặc sắc Trung Quốc. Trong bối cảnh cục diện địa chính trị Đông Nam Á đang tái cấu trúc nhanh chóng, Trung Quốc đang thông qua đổi mới thể chế để phá vỡ tình thế lưỡng nan “an ninh dựa vào Mỹ, kinh tế phụ thuộc Trung Quốc”. Khi đoàn tàu cao tốc Jakarta-Bandung lao vun vút qua những khu rừng nhiệt đới trên đảo Java, cơ chế “2+2” Trung Quốc – Indonesia cũng đang âm thầm định hình lại luật chơi của trật tự khu vực. Sự thay đổi này, có lẽ còn đáng để thế giới lắng nghe hơn cả tiếng va chạm của những thanh ray đường sắt cao tốc.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Phan Nguyệt là Phó nghiên cứu viên Viện Quan hệ Quốc tế/Viện Nghiên cứu Hoa kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Indonesia, Đại học Tế Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]