Trung Đông từ lâu đã là vùng đất đầy biến động, nơi giao thoa giữa những toan tính địa chính trị của các cường quốc hợp cùng những mâu thuẫn nội tại phức tạp. Khu vực này liên tục bị cuốn vào vòng xoáy xung đột và chu kỳ phân tách tái định hình quyền lực. Từ cuộc nội chiến Syria, xung đột Yemen, đến căng thẳng Iran – Saudi Arabia và gần đây là chiến sự tại Dải Gaza. Trong bối cảnh cục diện thế giới đang biến đổi nhanh chóng, Trung Đông dần nổi lên như một bàn cờ lớn, nơi các nước lớn Mỹ, Trung Quốc và Nga không ngừng điều chỉnh chính sách để bảo vệ lợi ích chiến lược và cạnh tranh mở rộng ảnh hưởng. Washington nỗ lực duy trì sự hiện diện an ninh với hệ thống đồng minh quốc tế, Bắc Kinh lặng lẽ thâm nhập bằng sức mạnh kinh tế và ngoại giao mềm, còn Moscow tận dụng xung đột để khẳng định vị thế một thế lực đối trọng với phương Tây. Sau một thập niên nhìn lại, liệu Trung Đông có đang đứng ở ngưỡng cửa của những biến động khó lường, với nguy cơ trở thành đấu trường mới cho cuộc đối đầu toàn diện giữa các cường quốc.
Tình hình Trung Đông một thập kỷ qua (2015-2025)
Trong suốt thập kỷ qua, Trung Đông đã chứng kiến những sự thay đổi sâu sắc, không chỉ về mặt địa chính trị mà còn về mặt xã hội và kinh tế. Thời kỳ hậu “mùa Xuân Ả Rập” tạo ra hiệu ứng “Domino” đẩy tình hình nội bộ của một số quốc gia lần lượt rơi vào khủng hoảng kéo dài, làm nổi bật những vấn đề về tự do, nhân quyền đan xen giữa xung đột bên trong với sự can thiệp từ bên ngoài. Giai đoạn này được đặc thù bởi các cuộc nội chiến, chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy cùng sự xuất hiện vai trò của các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc. Dù có những hy vọng ban đầu về một tương lai tươi sáng thông qua các hiệp định được nước lớn đứng ra cam kết, song kết quả thực tế lại cho thấy rằng con đường dẫn đến hòa bình, ổn định ở Trung Đông vẫn còn đầy chông gai.
Giai đoạn 2015-2020
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong mốc thời điểm năm 2015 gắn với cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tổ chức khủng bố này đã nổi lên mạnh mẽ từ năm 2014 và nhanh chóng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài giữa Syria và Iraq. Trước mối đe dọa toàn cầu đặc biệt tới an ninh quốc gia của các nước phương Tây, một liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã phối hợp với lực lượng địa phương gồm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và quân đội chính phủ Iraq tiến hành chiến dịch quân sự quyết liệt. Đến năm 2017, IS đã mất hầu hết lãnh thổ chiếm đóng, bao gồm cả “thủ phủ khủng bố” Raqqa ở Syria và Mosul ở Iraq. Ngày 27/10/2019, Tổng thống Donald Trump khi đó xác nhận thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ[1]. Mặc dù bị đánh bại trên vùng lãnh thổ khởi phát, song IS không hoàn toàn biến mất mà tiếp tục tồn tại dưới hình thức các tế bào ngầm cho tới hiện nay. Điều này đặt ra thách thức lâu dài cho không chỉ với an ninh khu vực Trung Đông mà các châu lục khác cũng luôn cần cảnh giác với mối đe dọa phi truyền thống.
Song song với thách thức về khủng bố, các cuộc nội chiến tại Syria và Yemen tiếp tục diễn biến phức tạp với mức độ tàn khốc ngày càng gia tăng. Ở Syria, mặc dù khi đó chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad từng bị phương Tây đánh giá là cận kề sụp đổ nhưng từ năm 2015, dưới sự can thiệp trực tiếp của Nga, cục diện trên đã đảo chiều. Trước khi lực lượng quân sự Nga tham chiến, ước tính 70% lãnh thổ của Syria nằm trong tay các phe nhóm Hồi giáo thánh chiến và IS[2]. Trong khi đó, tại Yemen, nội chiến giữa quân chính phủ được Saudi Arabia hậu thuẫn với lực lượng Houthi do Iran ủng hộ đã gây ra một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới.
Đối chiếu với sự kiện Liên Xô đưa quân vào Afghanistan năm 1979, khoảng thời điểm năm 2015 có thể coi là thời kỳ huy hoàng của Nga tại Trung Đông. Việc duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài tại Syria (căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus) đã đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Nga như một cường quốc ảnh hưởng lớn trong khu vực. Từ đầu thế kỷ XXI, chính sách của Nga đối với khu vực Trung Đông được thể hiện cả trong những văn bản đối ngoại quan trọng nhất. Chính sự linh hoạt, không còn ràng buộc về ý thức hệ giúp Nga dễ dàng đóng vai trò trung gian hoặc đối tác chiến lược trong nhiều thể chế nhà nước khác nhau.

Tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân Iran thông qua nhóm P5+1* nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại để kiểm soát nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung Đông được tích cực thúc đẩy. Việc đạt được Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2015 là kết quả nổi bật của một tiến trình ngoại giao đa phương hiếm hoi mà ba cường quốc có thể phối hợp tương đối đồng thuận. Tuy nhiên, sự đồng thuận mong manh ấy nhanh chóng rạn nứt khi chính quyền Tổng thống Donald Trump vào năm 2018 đơn phương rút khỏi JCPOA. Động thái này khiến cấu trúc đối thoại đa phương bị phá vỡ, đồng thời đẩy Iran vào thế đối đầu với phương Tây.
Một bước ngoặt quan trọng khác về mặt ngoại giao trong giai đoạn này là việc ký kết Thỏa thuận Abraham năm 2020. Dưới sự bảo trợ của chính quyền Donald Trump, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc đã bình thường hóa quan hệ với Israel. Đây là sự kiện lịch sử phá vỡ nguyên tắc “đổi đất lấy hòa bình” từng được ủng hộ từ thập niên 1990 và làm thay đổi cục diện liên kết trong khu vực.
Trái ngược với thời điểm hiếm hoi mà cả ba cường quốc đều chấp nhận gác lại đối đầu để hợp tác vì lợi ích chung. Bên trong nội bộ thế giới Arab, mâu thuẫn giữa các quốc gia vẫn gay gắt, phần lớn bắt nguồn từ chia rẽ tôn giáo và cạnh tranh vị thế lãnh đạo khu vực. Về mặt tôn giáo, trục Sunni do Saudi Arabia dẫn đầu và trục Shia do Iran hậu thuẫn vẫn tiếp tục đối đầu căng thẳng tại nhiều mặt trận như Yemen, Syria, Iraq và Lebanon. Qatar, mặc dù là quốc gia Hồi giáo Sunni nhưng lại duy trì quan hệ chặt chẽ với Iran dẫn đến khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh năm 2017 khi bị các nước láng giềng cắt đứt quan hệ[3]. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Erdoğan theo đuổi tham vọng phục hồi ảnh hưởng lịch sử, đặc biệt tại Syria, Libya và Đông Địa Trung Hải, tạo thêm một lớp cạnh tranh mới trong khu vực vốn đã phức tạp[4].
Giai đoạn 2020-2025
Trong giai đoạn 2020 đến 2025, tình hình Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thay đổi đáng chú ý. So với giai đoạn trước, quan hệ giữa một số quốc gia trong khu vực có xu hướng ổn định hơn, đặc biệt giữa các quốc gia vùng Vịnh, tuy nhiên căng thẳng Israel với thế giới Arab lại gia tăng, mở ra một kỷ nguyên mới của xung đột trực tiếp và can dự nước ngoài vào khu vực.
Sau Thỏa thuận Abraham, có lúc tưởng chừng như mối quan hệ giữa Israel với thế giới Arab đã bước sang trang mới do Mỹ xây dựng. Tuy nhiên, xung đột giữa Israel và các tổ chức vũ trang Palestine, đặc biệt là Hamas leo thang mạnh mẽ mà đỉnh điểm ở Dải Gaza vào tháng 10/2023. Cuộc chiến này làm dấy lên làn sóng phản đối Israel mạnh mẽ trong thế giới Arab, khiến các mối quan hệ bình thường hóa trước đó bị lung lay. Một số quốc gia vùng Vịnh, dù không công khai cắt đứt quan hệ, đã giảm mức độ hợp tác và thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Tel Aviv.
Ngoài xung đột với Hamas, Israel còn phải đối mặt với các mối đe dọa xung quanh như Hezbollah ở Lebanon và các lực lượng dân quân thân Iran ở Syria. Từ đầu năm 2024, tình hình càng trở nên phức tạp khi chiến sự lan rộng ra cả Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi tại Yemen được Iran hậu thuẫn đang kiểm soát chính. Tình hình Biển Đỏ phản ánh một xu thế mới nơi các nhóm vũ trang phi nhà nước ngày càng đóng vai trò như những tác nhân khuấy động cục diện khu vực thay vì chỉ là “cánh tay nối dài” của các quốc gia hậu thuẫn. Trước sức ép từ Biển Đỏ, ngay sau khi nhậm chức đầu năm 2025, Tổng thống Trump đã lập tức lệnh tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn vào các cơ sở quân sự Houthi, mở rộng sự can thiệp trở lại khu vực sau một thời gian cố gắng rút bớt cam kết quân sự[5].
Bên cạnh các điểm nóng xung đột quân sự, tình hình chính trị tại Syria bất ngờ rơi vào tình trạng bất ổn lần nữa trong năm 2024. Chính biến nổ ra do xung đột nội bộ giữa các phe phái trong đảng Ba’ath và các lực lượng vũ trang địa phương hòa cùng làn sóng biểu tình lan rộng[6]. Phe nổi dậy tại miền Bắc (do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn) cùng các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc (được Mỹ ủng hộ) lợi dụng tình hình để củng cố quyền kiểm soát.
Sự kiện này cho thấy bản chất chưa bền vững của tiến trình tái thiết “hậu chiến” tại Syria, đồng thời cho thấy một thực tế, Nga đang dần đánh mất ảnh hưởng tại Trung Đông khi Moscow đang phải bận tâm với nhiều ưu tiên khác sau 3 năm chiến tranh với Ukraine.
Ngược lại, Trung Quốc nổi lên tại đây như một nhân tố thay thế toàn diện. Việc Bắc Kinh thành công hòa giải quan hệ Saudi Arabia với Iran năm 2023 đã gửi tín hiệu mạnh mẽ rằng Trung Quốc đang xây dựng vai trò “nhà môi giới hòa bình” tại Trung Đông, đối lập với hình ảnh can thiệp quân sự của Mỹ hay Nga. Các nhà phân tích chính trị đánh giá, đây không chỉ một bước phát triển theo chiều hướng tích cực giúp chấm dứt tình trạng rạn nứt quan hệ giữa Tehran và Riyadh mà còn cho thấy những bước phát triển mới đang dần định hình trong trật tự địa chính trị ở một khu vực vốn đầy những xung đột[7]. Sự hiện diện của Trung Quốc tạo ra một cán cân mới, nhất là khi Mỹ đang thận trọng hơn trong cam kết quân sự dài hạn và Nga dần sa sút ảnh hưởng.
Một thập niên trôi qua, Trung Đông vẫn giữ nguyên như một ví dụ điển hình để mô tả về hai mặt đối lập giữa thịnh vượng và đói nghèo. Sự can dự của các cường quốc bên ngoài, cùng với những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo dai dẳng tiếp tục định hình khu vực này trong vòng luẩn quẩn bất ổn. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của mười năm qua so với giai đoạn trước là sự nổi lên của các nhân tố mới như Trung Quốc tạo ra tam giác chiến lược giữa Mỹ – Trung – Nga. Kết cục của thế trận chân vạc này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cấu trúc an ninh của Trung Đông, cũng như trật tự thế giới trong những năm tiếp theo biến Trung Đông thành tâm điểm của quản trị toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Tái định hình lợi ích chiến lược của Mỹ-Nga-Trung tại Trung Đông
Trong bối cảnh trật tự quốc tế biến động mạnh mẽ, đặc biệt sau xung đột Nga – Ukraine và trong thời kỳ cạnh tranh Mỹ – Trung gia tăng, Trung Đông lại một lần nữa trở thành “điểm tựa” mà tam cường Mỹ, Nga, Trung Quốc buộc phải tái định hình lợi ích chiến lược để duy trì hoặc mở rộng ảnh hưởng của mình.
Trước hết, về lợi ích kinh tế, Trung Đông vẫn giữ vai trò then chốt trên thị trường năng lượng toàn cầu với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, đặc biệt tập trung tại Saudi Arabia, UAE, Iran, Kuwait[8]. Đối với Mỹ, lợi ích dầu mỏ nay không còn trực tiếp mang tính sống còn nhưng lại là công cụ chiến lược để điều phối thị trường năng lượng và duy trì vị thế địa kinh tế. Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo sự ổn định của dòng chảy dầu từ Trung Đông sang châu Âu và Đông Á, qua đó duy trì ảnh hưởng đối với các quốc gia tiêu thụ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc. Đồng thời, việc giữ giá dầu trong biên độ kiểm soát cũng giúp Mỹ ổn định thị trường trong nước, đặc biệt trong giai đoạn thuế quan đang trở thành điểm nghẽn kinh tế lớn của Mỹ dưới thời Trump 2.0.
Trong khi đó, dầu mỏ của Trung Đông với Nga không phải nhu cầu mà là đối thủ cạnh tranh, đặc biệt trong thị trường châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, điều đó không phải rào cản Nga tìm cách hợp tác với các nhà sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia trong khuôn khổ OPEC+ phục vụ điều phối nguồn cung toàn cầu, tạo ảnh hưởng đến giá dầu cũng như hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt phương Tây sau xung đột Ukraine.
Về phía Trung Quốc, trái ngược hoàn toàn với Mỹ và Nga, Bắc Kinh có nhu cầu về năng lượng khổng lồ nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Đông. Khoảng 40–50% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ các nước vùng Vịnh như Saudi Arabia, Iran, Iraq và UAE[9]. Do đó, Trung Quốc có lợi ích sống còn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định từ Trung Đông. Đây cũng là lý do vì sao Bắc Kinh không ngừng mở rộng quan hệ ngoại giao và kinh tế với các quốc gia trong khu vực, từ việc ký kết hợp đồng dầu dài hạn đến thúc đẩy đầu tư hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đài và Con đường (BRI).
Xét về lợi ích an ninh, vấn đề an ninh hàng hải vẫn được quốc gia có mạng lưới căn cứ quân sự dày đặc nhất trên thế giới nói chung và tại Trung Đông nói riêng. Hiện tại, Mỹ duy trì khoảng 40.000 binh sĩ ở Trung Đông, với các căn cứ lớn tại Qatar (Al Udeid), Hạm đội 5 ở Bahrain, Kuwait, Iraq[10]. Các căn cứ này không chỉ hỗ trợ Mỹ trong việc giám sát Iran, bảo vệ đồng minh Israel, mà còn giúp kiểm soát các tuyến vận chuyển dầu mỏ đồng thời duy trì khả năng phản ứng nhanh đối với lực lượng Houthi tại Biển Đỏ. Đối với Mỹ, sự hiện diện quân sự ở Trung Đông là một phần không thể thiếu với tổng thể cấu trúc an ninh toàn cầu mà Washington xây dựng. Nhìn chung, địa thế chiến lược của Vùng Vịnh giúp Mỹ kiểm soát các điểm nóng an ninh từ châu Âu, Trung Á đến Đông Phi chỉ từ một vị trí duy nhất.
Dù cuộc chiến với Ukraine khiến Moscow tạm thời giảm mức độ can thiệp quốc tế, nhưng không vì thế Nga đánh mất vai trò tại Trung Đông. Quy mô hiện diện quân sự của Nga so với Mỹ có phần khiêm tốn hơn, song lại mang tính biểu tượng cao, đặc biệt với Hải đội 5 – cơ sở ngoài khu vực hậu Xô Viết đầu tiên của Hải quân Nga. Ngoài ra, Nga còn giữ mức ảnh hưởng nhất định với các nhóm dân quân thân Iran tại Iraq và Lebanon.
Mặt khác, Trung Quốc chọn cách tiếp cận cẩn trọng với các mục tiêu an ninh ở nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2017 khi PLA thiết lập căn cứ hải quân tại Djibouti (Đông Phi) cho thấy Bắc Kinh đang dần thử nghiệm mô hình hiện diện an ninh ở Trung Đông – Bắc Phi. Dù không trực tiếp bố trí lực lượng chính quy, Trung Quốc lại đóng vai trò ngày càng rõ nét trong bảo vệ an ninh hàng hải, an toàn cho Hoa Kiều qua các “Công ty an ninh tư nhân” (SPC) ở môt số công đoạn hộ tống tàu, chống cướp biển.

Cuối cùng, về lợi ích kiểm soát địa chiến lược, Trung Đông không chỉ là trung tâm năng lượng, mà còn áng ngữ các tuyến vận tải biển quan trọng bậc nhất toàn cầu. Hơn 30% lượng dầu mỏ xuất khẩu toàn cầu đi qua eo biển Hormuz, trong khi kênh đào Suez nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ là tuyến huyết mạch của thương mại Á – Âu[11]. Do vậy, Mỹ rất cần đảm bảo khả năng kiểm soát các tuyến biển này thông qua lực lượng hải quân hùng hậu và qua các nước đồng minh thân cận.
Đối với Trung Quốc, Trung Đông đóng vai trò cầu nối xuyên châu lục trong sáng kiến BRI bởi không chỉ là điểm trung chuyển hàng hóa mà còn là nơi Bắc Kinh đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng như Duqm (Oman), Gwadar (Pakistan), Port Said (Ai Cập) đều nằm trong chuỗi hành lang hàng hải Á – Âu do Trung Quốc thiết kế. Trong tính toán chiến lược của Bắc Kinh, việc kiểm soát hoặc ít nhất đảm bảo quyền tiếp cận ổn định với các tuyến biển từ Đông Á đến châu Âu qua Trung Đông chính là “xương sống” cho mô hình phát triển kinh tế hướng ngoại của Trung Quốc trong kỷ nguyên cạnh tranh mới.
Điều chỉnh chính sách của ba nước lớn tại Trung Đông
Dựa trên việc tái định hình lợi ích chiến lược giữa chu kỳ vòng xoáy bất ổn tại Trung Đông từ sau cuộc xung đột Hamas – Israel vào năm 2023. Từ đây, các nước lớn buộc phải điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình để thích ứng với thay đổi nhanh chóng trong cấu trúc quyền lực và tình hình an ninh khu vực.
Đối với Mỹ, chiến lược “Đại Trung Đông” vẫn được duy trì xuyên suốt qua nhiều đời Tổng thống bất chấp những tuyên bố “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương. Sau sự kiện Hamas phát động tấn công Israel vào tháng 10/2023, Mỹ lập tức điều nhóm tàu sân bay đến Địa Trung Hải và công bố hỗ trợ quân sự cho Israel một cách toàn diện. Điều này cho thấy Washington vẫn coi Trung Đông là địa bàn chiến lược không thể từ bỏ[12]. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực được duy trì ổn định với mức độ không có thay đổi đáng kể mặc dù thất bại tại Afghanistan năm 2021. Mỹ vẫn đặt ra ba mục tiêu: (i) duy trì một trật tự khu vực dựa trên luật lệ do Mỹ chi phối; (ii) bảo vệ các đồng minh chủ chốt như Israel, UAE, Saudi Arabia; (iii) thực hiện chiến dịch trấn áp các lực lượng nổi dậy có khả năng đe dọa lợi ích Mỹ.
Tuy nhiên, chính sách của Mỹ với Trung Đông cũng đang gặp phải nhiều thách thức trước những diễn biến toàn cầu mới. Sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ đối với chính sách viện trợ chiến tranh tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm cho cuộc chiến mà người dân Mỹ lên tiếng phản đối mạnh mẽ như tại Gaza. Cùng với đó, việc một số quốc gia đồng minh lâu năm của Mỹ ngày càng có xu hướng “đa phương hóa” quan hệ đối ngoại khiến Mỹ không khỏi lo ngại mất dần vai trò người chơi duy nhất chi phối trật tự an ninh khu vực. Dù vậy, Washington vẫn cố gắng duy trì ảnh hưởng thông qua con đường “sức mạnh thông minh”. Ngoài chiếc ô bảo trợ an ninh truyền thống, Mỹ còn tăng cường tập hợp lực lượng bằng các sáng kiến ngoại giao như “Liên minh phòng thủ Trung Đông”, “Hiệp định Abraham” nhằm đối trọng với ảnh hưởng của trục Iran – Nga – Trung.
Trái ngược với cách tiếp cận điều chỉnh có chọn lọc lợi ích của Mỹ. Đối với Nga, trong những năm gần đây, Moscow đã áp dụng một chiến lược linh hoạt hơn nhằm duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông trong bối cảnh nguồn lực quốc gia bị phân tán đáng kể do cuộc chiến kéo dài tại Ukraine.
Nga tiếp tục xem các mối quan hệ với những quốc gia truyền thống như Iran, Syria và Ai Cập là trụ cột trong chính sách đối ngoại khu vực[13]. Những mối quan hệ này không chỉ đảm bảo Moscow duy trì các lợi ích địa chính trị cốt lõi mà còn tạo điều kiện để Nga hiện diện như một tác nhân gìn giữ ổn định. Việc UAE và Saudi Arabia chính thức gia nhập BRICS vào năm 2024 cho thấy các quốc gia vùng Vịnh đang chủ động tham gia vào trật tự thế giới đa cực mới[14]. Đây là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự thay đổi trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của các nước này, khi họ tìm kiếm các liên minh đa phương mới ngoài phương Tây.
Đáng chú ý nhất là sự nổi lên của Trung Quốc như một nhân tố mới trong cán cân quyền lực tại Trung Đông. Bắc Kinh không lấy sức mạnh quân sự làm định hướng chính sách đối ngoại mà kiên định với mô hình “ngoại giao mềm” với chủ trương không can thiệp nội bộ. Việc Trung Quốc đứng ra làm trung gian giúp Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ vào tháng 3/2023 trở thành dấu mốc thể hiện rõ chiến lược mới của nước này: không can thiệp trực tiếp vào xung đột, không ủng hộ phe phái, nhưng sẵn sàng làm bên thứ ba đáng tin cậy để thúc đẩy hòa bình. Thay vào đó, Trung Quốc tận dụng chính sự mệt mỏi do xung đột nhiều năm giữa các quốc gia Trung Đông để xây dựng hình ảnh đối tác ổn định và đặc biệt là không đặt điều kiện chính trị như phương Tây. Bằng cách trên, Bắc Kinh thành công duy trì các mối quan hệ cân bằng với cả Israel, Palestine, Iran với các nước vùng Vịnh. Mô hình này được phần lớn quốc gia Trung Đông đón nhận, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ, Nga đang giảm bớt cam kết với đồng minh khiến họ cần các đối tác mang lại sự ổn định hơn là ép buộc cải cách hay chọn phe.
Tóm lại, sau những biến động nghiêm trọng gần đây, Trung Đông một lần nữa trở thành không gian nơi các cường quốc phải điều chỉnh chiến lược để thích ứng. Mỹ vẫn là người chơi chủ đạo, nhưng ảnh hưởng ngày càng bị thách thức. Nga cố gắng duy trì địa bàn truyền thống bằng cách giảm thiểu đối đầu trực diện. Trung Quốc nổi lên như một bên trung gian hòa giải có tiềm năng lớn, tạo ra một thế chân kiềng mới giữa ba cường quốc tại khu vực. Cách tiếp cận khác biệt của mỗi nước đang làm đa dạng hóa các mô hình can dự vào Trung Đông, đồng thời phản ánh sự thay đổi trong trật tự an ninh toàn cầu hậu xung đột.
Cục diện cạnh tranh nước lớn tại Trung Đông thời gian tới
Trong bối cảnh cục diện chiến sự Nga – Ukraine đang bước vào tiền hòa hoãn, câu hỏi lớn đặt ra đối với các chiến lược gia quốc tế: liệu đâu sẽ là không gian phù hợp để khởi động lại các cơ chế đối thoại giữa Nga và Mỹ? Khi ấy, Trung Đông có thể trở thành sân khấu trung gian cho các kịch bản địa chính trị lớn giữa Nga, Mỹ thậm chí cả Trung Quốc nhằm định hình lại trật tự thế giới hay không.
Câu trả lời có lẽ sẽ được sáng tỏ dưới thời Trump 2.0, khi cục diện cạnh tranh nước lớn nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn đối đầu rõ nét hơn, với trọng tâm là cạnh tranh Mỹ – Trung và tái định hình quan hệ Mỹ – Nga. Trong bối cảnh đó, Trung Đông sẽ tiếp tục là một không gian cạnh tranh vừa trực tiếp vừa gián tiếp thông qua các chủ thể phi nhà nước. Nơi Mỹ vừa tìm cách duy trì ảnh hưởng, vừa kiểm soát sự trỗi dậy của các thế lực như Trung Quốc. Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Trump 2.0 đặt ra yêu cầu cho các nước Trung Đông cần linh hoạt hơn trong việc tái định hình chiến lược đối ngoại trong thế kẹt giữa các cường quốc, đồng thời thúc đẩy cải cách các thể chế khu vực sẵn có, phản ánh rõ hơn tính chất đa cực của môi trường quốc tế hiện nay.
Thứ nhất, trong kịch bản hòa dịu mà Nga Mỹ thành công nối lại đối thoại các cấp. Việc khôi phục kênh đối thoại không chỉ góp phần giảm thiểu tình trạng mất lòng tin chiến lược mà còn tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác về các vấn đề cấp bách trong khu vực như kiểm soát vũ khí, chống khủng bố và đảm bảo an ninh năng lượng. Tình trạng đối đầu kéo dài giữa hai cường quốc đã khiến nhiều tiến trình hòa bình tại khu vực bị đình trệ, đồng thời làm gia tăng ảnh hưởng của các bên thứ ba như Trung Quốc tới lợi ích cục bộ. Gần đây, việc khởi động lại đối thoại an ninh giữa Nga và Mỹ tại Trung Đông đã tạo tiền đề tích cực cho các nỗ lực tìm kiếm hòa bình tại Ukraine, Israel – Palestine. Do đó, nếu Nga và Mỹ sẵn sàng tạm gác một số bất đồng chiến lược để ưu tiên đối thoại an ninh ở Trung Đông, đây sẽ là tín hiệu tích cực cho ổn định khu vực, mở ra khả năng hình thành các cơ chế phối hợp đa phương mang tính xây dựng hơn trong tương lai.

Thứ hai, nếu Nga và Mỹ vẫn tiếp tục ở thế đối đầu toàn diện, Trung Đông có thể trở thành một chiến địa thứ hai ngoài Đông Âu, nơi cả hai nước lớn tìm cách gia tăng ảnh hưởng và cạnh tranh thông qua con bài năng lượng và an ninh. Nga có thể dùng các công cụ như OPEC+ để phối hợp kiểm soát sản lượng dầu, ảnh hưởng đến nguồn cung cho thị trường năng lượng phương Tây. Việc Nga và Saudi Arabia tìm được tiếng nói chung trong OPEC+ sau bão cấm vận Nga từ năm 2022 là ví dụ cho thấy Nga vẫn có ảnh hưởng thực tế trong các vấn đề dầu mỏ. Đối lại, Mỹ lựa chọn hướng đi an ninh hóa, tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Israel, trấn áp các đối thủ gây gián đoạn đến chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ. Bên cạnh việc Washington vẫn duy trì coi các quốc gia thân Nga như Iran – Iraq – Triều Tiên nằm trong “trục ma quỷ” đối địch. Khi đó, Trung Đông chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc trong cấu trúc an ninh khu vực, tái hiện cục diện “hai trục quyền lực” thời Chiến tranh Lạnh.
Thứ ba, nếu Nga và Trung Quốc tăng cường phối hợp chiến lược, Trung Đông sẽ là một điểm đến lý tưởng để thể hiện đối trọng với Mỹ. Sự hiện diện ngày càng rõ nét của Nga – Trung không chỉ thách thức vai trò lịch sử của Mỹ tại Trung Đông, mà còn phản ánh xu hướng chuyển dịch sang một trật tự quốc tế đa cực, nơi các cường quốc phi phương Tây ngày càng chủ động định hình luật chơi khu vực. Dù chưa hình thành liên minh chính thức, nhưng một cấu trúc “đa trục, đa trung tâm” với Nga và Trung Quốc là các trung tâm quyền lực thay thế Mỹ và phương Tây là hoàn toàn khả thi.
Thứ tư, ngược lại, trong kịch bản Mỹ – Trung tiếp tục đối đầu căng thẳng nhưng không mở rộng phạm vi xung đột sang Trung Đông thì tác động ảnh hưởng đến khu vực này sẽ tương đối hạn chế. Lý do bởi Trung Đông không phải là trung tâm trong ưu tiên lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, mà chủ yếu Bắc Kinh quan tâm bảo vệ lợi ích kinh tế và năng lượng. Trung Quốc né tránh can thiệp quân sự trực tiếp mà hướng đến các biện pháp mềm như ngoại giao kinh tế, xây dựng hình ảnh “nhà môi giới hòa giải”. Do đó, trong khi đối đầu Mỹ – Trung leo thang ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông, Trung Đông vẫn hoàn toàn có thể duy trì vai trò là “vùng đệm cân bằng”, nơi cả hai bên cùng tránh va chạm trực tiếp mà dành làm không gian đối thoại.
Về phản ứng của các nước Trung Đông, phần lớn các quốc gia trong khu vực sẽ chủ động tận dụng sự cạnh tranh giữa các cường quốc để mở rộng dư địa tối đa hóa lợi ích của mình. Dễ thấy ở cách thức tiếp cận của Saudi Arabia và UAE khi đã có xu hướng đa dạng hóa đối tác chiến lược, vừa hợp tác an ninh với Mỹ, vừa thúc đẩy kinh tế với Trung Quốc, vừa duy trì liên lạc với Nga trong khuôn khổ đa phương. Các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng nhận ra những hạn chế của trật tự thế giới đơn cực. Họ đã chứng kiến sự can thiệp của phương Tây vào khu vực này và các hậu quả tiêu cực mà nó mang lại. Điều đó đã thúc đẩy các nước Trung Đông đánh giá lại chiến lược chính sách đối ngoại của mình, chuyển hướng sang những liên minh mới để đảm bảo sự tự chủ và an ninh khu vực. Trong dài hạn, Trung Đông có xu hướng hình thành một “thế trận đa trung tâm”, nơi các nước vừa tranh thủ cơ hội, vừa sẵn sàng ứng phó trước những thách thức.
Trung Đông đang dần trở thành một bàn cờ địa chính trị, nơi các mâu thuẫn không chỉ tới từ xung đột lợi ích của các quốc gia khu vực mà còn do sự can dự sâu rộng của các nước lớn. Việc Mỹ, Trung Quốc và Nga cùng đồng thời tìm cách mở rộng ảnh hưởng chính trị có thể dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong các cấu trúc chính trị và quân sự hiện tại. Việc thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm các giải pháp ngoại giao và giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của các mâu thuẫn trở nên vô cùng quan trọng. Do đó, nếu các cường quốc có thể thay đổi cách tiếp cận và hướng tới một tương lai cùng thắng, khi đó Trung Đông hoàn toàn đủ khả năng trở thành hình mẫu mới cho động lực phát triển kinh tế và hòa bình toàn cầu./.
* Gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng với Đức.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Báo Nhân Dân (2019), Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) qua những dấu mốc cơ bản, https://nhandan.vn/to-chuc-nha-nuoc-hoi-giao-tu-xung-is-qua-nhung-dau-moc-co-ban-post375227.htm
[2] Tuấn Sơn (2020), Những dấu ấn quan trọng của Nga tại Syria, Báo Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nhung-dau-an-quan-trong-cua-nga-tai-syria-526132
[3] Trúc Quỳnh (2017), Nguồn cơn đẩy Qatar vào thế bị bao vây, Báo Tiền Phong. https://tienphong.vn/nguon-con-day-qatar-vao-the-bi-bao-vay-post956962.tpo
[4] Aspen Institute (2020), Turkey’s moves in Libya and the Eastern Mediterranean: Ambitions and Interests, Aspenia Online. https://aspeniaonline.it/turkeys-moves-in-libya-and-the-eastern-mediterranean-ambitions-and-interests
[5] Reuters (2025), Trump launches strikes against Yemen’s Houthis, warns Iran, Reuters. https://www.reuters.com/world/middle-east/trump-launches-strikes-against-yemens-houthis-warns-iran-2025-03-15
[6] Hoàng Phạm (2024), Chính quyền Syria sụp đổ làm thay đổi tính toán của các bên ở Trung Đông, VOV. https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chinh-quyen-syria-sup-do-lam-thay-doi-tinh-toan-cua-cac-ben-o-trung-dong-post1140662.vov
[7] Nguyên Long (2023), Trung Quốc củng cố vị thế tại Trung Đông khi Mỹ mất dần ảnh hưởng, Dân trí. https://dantri.com.vn/the-gioi/trung-quoc-cung-co-vi-the-tai-trung-dong-khi-my-mat-dan-anh-huong-20230523072038581.htm
[8] Vũ Thanh (2024), 5 mỏ dầu lớn nhất thế giới và tác động, Báo Tin tức. https://baotintuc.vn/the-gioi/5-mo-dau-lon-nhat-the-gioi-va-tac-dong-20240819230301003.htm
[9] U.S.–China Economic and Security Review Commission (2024), Chapter 5: China and the Middle East, USCC. https://www.uscc.gov/sites/default/files/2024-11/Chapter_5–China_and_the_Middle_East.pdf
[10] Hubbard, B. (2024), U.S. Troops Are Everywhere in the Middle East. Here’s a Map., The New York Times. https://www.nytimes.com/2024/10/02/world/middleeast/us-troops-middle-east-map.html
[11] Franck, T. (2024), Strait of Hormuz: What supply disruption could mean for oil markets, CNBC. https://www.cnbc.com/2024/10/08/strait-of-hormuz-what-supply-disruption-could-mean-for-oil-markets.html
[12] TTXVN (2023), Xung đột Hamas–Israel: Mỹ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai tới phía Đông Địa Trung Hải, Báo Quân đội Nhân dân. https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/xung-dot-hamas-israel-my-trien-khai-nhom-tac-chien-tau-san-bay-thu-hai-toi-phia-dong-dia-trung-hai-747162
[13] Lê Thị Hải Yến (2023), Quan hệ Nga – Trung Đông từ sau cuộc xung đột tại Ukraina, Tạp chí HSSK – Tạp chí Cộng sản. https://hssk.tapchicongsan.org.vn/bai-viet/chuyen-sau/quan-he-nga-trung-dong-tu-sau-cuoc-xung-dot-tai-ukraina-post416.html
[14] Vũ Thanh (2024), Nga cung cấp cho Trung Đông thứ mà phương Tây không thể, Báo Tin tức. https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nga-cung-cap-cho-trung-dong-thu-ma-phuong-tay-khong-the-20240917100658851.htm