Gần đây, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và an ninh thuộc Đại học Thanh Hoa và Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải đã mời một số chuyên gia, học giả đến từ Bắc Kinh và Thượng Hải cùng biên soạn Báo cáo nghiên cứu có tiêu đề “Một trăm ngày xung đột Nga-Ukraine: Thế giới sẽ đi về đâu?”. Báo cáo đã nghiên cứu và đánh giá nguồn gốc, tác động và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine từ các khía cạnh như trật tự quốc tế, quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ Trung-Âu, quan hệ Trung-Nga, kiểm soát vũ khí và kinh tế quốc tế, hy vọng tăng thêm tiếng nói hợp lý và hòa bình cho các cuộc thảo luận có liên quan trong nước, cung cấp cho độc giả bên ngoài Trung Quốc tiếng nói của Trung Quốc.
I. Đối với quan hệ Trung-Mỹ
Một năm trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, mô hình tương tác của quan hệ Trung-Mỹ đã có sự chuyển dịch quan trọng – Washington cho rằng quan hệ Trung-Mỹ đã đi vào một cuộc chiến kéo dài của cuộc đọ sức chiến lược: Chính quyền Joe Biden quan tâm nhiều hơn đến việc làm thế nào để xây dựng môi trường quốc tế có lợi cho việc kiềm chế Trung Quốc so với Chính quyền Donald Trump, nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải ngăn chặn cạnh tranh chiến lược. Tương ứng, Bắc Kinh cũng ngày càng cho rằng quan hệ Trung-Mỹ đã bước vào thế giằng co của cuộc đọ sức chiến lược, cuộc đọ sức với Mỹ về quyền lực, chế độ và quan niệm sẽ xuyên suốt toàn bộ quá trình phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Cạnh tranh và đấu tranh đã trở thành những từ trọng tâm thường xuyên được Washington và Bắc Kinh sử dụng khi xử lý quan hệ song phương.
Sự leo thang nhanh chóng của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã mang đến nhiều khó khăn hơn cho quan hệ Trung-Mỹ vốn đã rất khó khăn và mong manh.
1. Sự thù địch gia tăng
Cuộc khủng hoảng và xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng sự hoài nghi và thù địch lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ. Washington và Bắc Kinh có những bất đồng sâu sắc xoay quanh nguồn gốc và nguyên nhân của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bản chất của điều này là sự khác biệt lớn giữa hai bên về tính chất của trật tự quốc tế hiện tại và tầm nhìn phát triển trong tương lai. Washington lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Moskva đối với Kiev là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế; cáo buộc Trung Quốc không công khai lên án hành vi xâm lược của Nga. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine không chỉ có lịch sử phức tạp, mà còn liên quan tới sự mở rộng liên tục về phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ sau Chiến tranh Lạnh, xem nhẹ mối quan tâm an ninh hợp lý của Nga.
Cùng với việc Mỹ viện trợ quân sự mạnh mẽ cho Ukraine, thông qua dự luật viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho nước này, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao chưa từng có đối với Nga, các quan chức chính phủ và lãnh đạo đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa của Mỹ cũng liên tiếp cho biết phải nhân cơ hội này làm cho nước Nga suy yếu toàn diện. Trên cơ sở này, Trung Quốc chỉ ra rằng Mỹ và NATO đang tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga, và mục tiêu chiến lược thực sự của Mỹ là khiến Nga sụp đổ bằng cách kéo dài cuộc chiến ở Ukraine. Ngoài ra, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng cũng nhiều lần tái khẳng định xung đột Nga-Ukraine sẽ không thay đổi nhận định của Mỹ về việc Trung Quốc là đối thủ chiến lược chủ yếu nhất của nước này. Đối với Bắc Kinh, Mỹ và phương Tây muốn thông qua cuộc chiến này để khôi phục sự thống trị đã suy yếu của họ đối với trật tự quốc tế, đảo ngược quỹ đạo phát triển “phương Đông trỗi dậy, phương Tây suy yếu” mà Bắc Kinh thường nhắc đến.
Mặt khác, sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, việc Mỹ thổi phồng “thuyết về trục Trung-Nga” cũng khiến Bắc Kinh tăng cường cảnh giác chiến lược và đối đầu với Washington. Đối với Trung Quốc, mục đích của việc nhà lãnh đạo của Mỹ và NATO trích dẫn câu “hợp tác Trung-Nga không có giới hạn” trong Tuyên bố chung Trung-Nga được công bố ngày 4/2/2022 là nhằm quy kết Trung Quốc là đồng phạm của Nga khi phát động chiến tranh.
Sau khi Mỹ và phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính quy mô lớn đối với Nga, Washington còn đe dọa Trung Quốc không được giúp Nga thoát khỏi khó khăn, nếu không sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng. Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã thông qua cái gọi là Đạo luật trục chính, trong đó yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ gửi báo cáo thường xuyên lên Quốc hội về hợp tác Trung-Nga và việc Trung Quốc giúp Nga tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trung Quốc lại cho rằng Mỹ không chỉ có ý định lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để kiếm tiền, mà còn cố gắng sử dụng luận điệu “nền dân chủ chống lại chế độ độc tài” để thiết lập liên minh quốc tế chống Trung Quốc và Nga. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ đã tăng cường hợp tác với các đồng minh quân sự ở châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương với Trung Quốc và Nga là kẻ thù giả tưởng. Bắc Kinh cho rằng việc NATO do Mỹ lãnh đạo có xu hướng châu Á-Thái Bình Dương hóa, thậm chí là toàn cầu hóa đã phản ánh ý đồ chiến lược của Mỹ nhằm gia tăng sự kiềm chế kép đối với Trung Quốc và Nga và thúc đẩy một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Sự thù địch chiến lược giữa chính phủ Trung Quốc và Mỹ do xung đột Nga-Ukraine ngày càng leo thang đã tác động hơn nữa đến tâm lý đối lập giữa người dân hai nước. Theo cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện ngày 28/4, hơn 90% người Mỹ được hỏi tin rằng quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga là một vấn đề nghiêm trọng, và 82% số người được hỏi có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Mặc dù người Trung Quốc có quan điểm khác nhau về nguyên nhân và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, nhưng cùng với xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, hầu hết người dân Trung Quốc đều cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine đã phát triển thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm của phương Tây nhằm vào Nga, và mục đích thực sự của Mỹ và NATO là cố gắng làm suy yếu cùng lúc cả Trung Quốc và Nga.
2. Sự tách rời và “bức tường lửa” tài chính
Xung đột Nga-Ukraine không những khiến tình hình kinh tế và an ninh tổng thể giữa Trung Quốc và Mỹ xấu hơn, mà còn đẩy nhanh mức độ tách rời về công nghệ và chuỗi sản xuất then chốt giữa hai bên. Một mặt, xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng và khủng hoảng lương thực, khiến tình hình kinh tế thế giới vốn đã mong manh và mất cân bằng sau đại dịch gặp nhiều khó khăn hơn, hai nền kinh tế được coi là động lực chính cửa nền kinh tế thế giới Trung Quốc và Mỹ cũng bị tác động nghiêm trọng. Giá hàng hóa tăng cao đã khiến Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa các lựa chọn chính sách nhằm kiềm chế lạm phát cao và ngăn chặn suy thoái. Nhiều tổ chức phân tích kinh tế quốc tế đã đưa ra cảnh báo nước Mỹ sẽ xảy ra tình trạng lạm phát đình trệ, thậm chí là lại rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Đối với nền kinh tế Trung Quốc, sự tiếp diễn của cuộc chiến Nga-Ukraine và các biện pháp trừng phạt với quy mô chưa từng có mà Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lên Nga đã trực tiếp cản trở đầu tư và trao đổi kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Ukraine, hạn chế các hoạt động thương mại và đầu tư bình thường trước chiến tranh giữa Trung Quốc và Nga. Ngoài ra, còn làm tăng rủi ro an ninh lương thực của Trung Quốc.
Mặt khác, xung đột Nga-Ukraine không chỉ đẩy nhanh xu hướng tách rời giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ và chuỗi sản xuất chủ chốt, mà còn tác động đáng kể đến quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính. Bắc Kinh đặc biệt lo ngại về hai bước mà Mỹ đang thực hiện: Một là, gần đây Thượng viện Mỹ thông qua phiên bản sửa đổi của Đạo luật cạnh tranh Mỹ, đánh dấu bước tiến nhanh của cơ quan lập pháp Mỹ nhằm tách rời về công nghệ và chuỗi sản xuất chủ chốt với Trung Quốc; hai là, việc Tổng thống Biden tuyên bố chính thức khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương (IPEF) đánh dấu Mỹ đang đẩy nhanh quá trình xây dựng liên minh chuỗi cung ứng then chốt nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc.
Xung đột Nga-Ukraine không chỉ khiến Bắc Kinh phải đối mặt với áp lực lớn khi Trung Quốc và Mỹ tách rời về công nghệ và chuỗi sản xuất then chốt, Mỹ và phương Tây đã phát động một cuộc chiến tài chính chưa từng có nhằm vào Nga, bao gồm cả việc đóng băng tài sản ngoại hối trị giá hơn 300 tỷ USD của Nga. Điều này khiến Bắc Kinh ngày càng nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của việc ngăn chặn và phản đối toàn diện Mỹ thực hiện cuộc chiến tài chính đối với Trung Quốc. Làm thế nào để nâng cao một cách toàn diện khả năng phòng ngừa và tấn công “vũ khí tài chính” của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh với Mỹ đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ Trung Quốc phải tập trung xây dựng. Điều này cũng bao hiệu xu hướng “tách rời” của quan hệ kinh tế Trung-Mỹ đang lan rộng từ nền kinh tế thực như công nghệ và chuỗi sản xuất then chốt sang nền kinh tế ảo với đại diện là tài chính và ngân hàng.
3. Eo biển Đài Loan lại gióng lên hồi chuông báo động
Một mặt, trước khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, Chính quyền Biden đã kế thừa chiến lược “lấy Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc” của người tiền nhiệm, tức là trong khuôn khổ chiến lược cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc, Mỹ đẩy mạnh vai trò chính trị, kinh tế và an ninh quân sự của Đài Loan trong chiến lược toàn cầu và khu vực của mình, Chính phủ Mỹ liên tục không tuân thủ cam kết về chính sách “một Trung Quốc”.
Hai động thái thể hiện sự thụt lùi quan trọng của Chính quyền Biden trong vấn đề Đài Loan khiến Trung Quốc phải cảnh giác và bất mãn. Thứ nhất, về cơ bản, Biden đã kế thừa những điều chỉnh của Chính quyền Trump tiền nhiệm trong chính sách đối với Đài Loan, đặt Đạo luật quan hệ Đài Loan và “Sáu đảm bảo” của Mỹ đối với Đài Loan ngang hàng với Ba thông cáo chung Trung-Mỹ để làm nền tảng cơ sở pháp lý và chính trị khi xử lý vấn đề Đài Loan và quan hệ hai bờ eo biển, nâng cao ý nghĩa chính trị và chiến lược của quan hệ Mỹ-Đài. Thứ hai, các hành vi của Chính quyền Biden như tiếp tục làm lẫn lộn sự định vị của Mỹ đối với Đại lục và Đài Loan trong chính sách “một Trung Quốc”, cũng như Mỹ thường xuyên đe dọa và gây áp lực với các quốc gia đang có quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng lại muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh… đều bị Bắc Kinh cho là những động thái khiêu khích nghiêm trọng nhằm ủng hộ chính sách “một Trung Quốc, một Đài Loan” mà đảng Dân tiến đang thúc đẩy trên thực tế.
Chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ và nguyên tắc “một Trung Quốc” mà Trung Quốc nhấn mạnh đã không còn nhiều tương đồng về chính sách, và cơ sở để hai nước bình thường hóa quan hệ đang bị xói mòn nghiêm trọng. Chính phủ Mỹ không những không tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, mà còn ngăn cản Trung Quốc đại lục thống nhất Đài Loan bằng cách tăng cường hợp tác chính trị, quân sự và kinh tế với Đài Loan. Trong nước Trung Quốc hiện đang tranh luận về khả năng liệu thời gian thống nhất hòa bình còn nằm trong tay Trung Quốc nữa hay không? Nhận thức này của Trung Quốc về quan hệ Mỹ-Đài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xu hướng chính sách của chính phủ và người dân Trung Quốc đối với việc giải quyết vấn đề Đài Loan.
Mặt khác, sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, chính sách của Chính phủ Mỹ đối với eo biển Đài Loan có xu hướng “rõ ràng về mặt chiến lược” hơn, khiến Trung Quốc và Mỹ khó quản lý hiệu quả vấn đề Đài Loan hơn. Mặc dù trong những năm gần đây, ở Mỹ có nhiều cuộc tranh luận xoay quanh việc có nên từ bỏ “sự mơ hồ chiến lược” trong chính sách đối với eo biển Đài Loan hay không, nhưng nhìn chung nó chỉ giới hạn trong phạm vi thảo luận của các chuyên gia tư vấn. Sau xung đột Nga-Ukraine, không chỉ có các chuyên gia của Mỹ tập trung thảo luận về tác động của xung đột Nga-Ukraine đối với eo biển Đài Loan, mà chính phủ và Quốc hội Mỹ cũng liên tục đưa ra cảnh báo về viễn cảnh và hậu quả của việc Bắc Kinh tấn công quân sự Đài Loan. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Trung Quốc đại lục sẽ học hỏi từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Đài Loan trong tương lai, đồng thời tái khẳng định cam kết an ninh của Mỹ đối với Đài Loan. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh tương tự như đối với Nga nếu Trung Quốc đại lục sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Đối với Mỹ, việc nước này và phương Tây cùng trừng phạt toàn diện để cô lập Nga, hỗ trợ Ukraine thực hiện cuộc chiến kéo dài chống lại Nga không chỉ có thể làm suy yếu Nga mà còn tăng hiệu ứng răn đe đối với việc Bắc Kinh sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Điều nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong thời gian qua, nhất là khi Biden đến thăm Nhật Bản vào ngày 23/5. Biden đã công khai tuyên bố nếu chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Mặc dù Nhà Trắng và bản thân Biden sau đó đã nói rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan vẫn không thay đổi, nhưng sự tin tưởng của Bắc Kinh đối với Chính quyền Biden, bao gồm cả các chính sách của ông về vấn đề Đài Loan, cũng đã giảm xuống mức thấp mới. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tư vấn của Washington cũng khuyến khích Đài Loan học hỏi thêm kinh nghiệm từ chiến lược quân sự phi đối xứng và linh hoạt của Ukraine đối với Nga nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc đại lục. Ngoài ra, Washington còn khuyến khích các đồng minh như Nhật Bản và Australia gây sức ép với Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan bằng cách tăng cường liên minh quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đối với Trung Quốc, việc Washington cố tình so sánh Ukraine, một quốc gia có chủ quyền, với một Đài Loan không có chủ quyền, đã phơi bày sự giả tạo “không ủng hộ Đài Loan độc lập” và là sự chuẩn bị pháp lý để can thiệp vào tiến trình thống nhất của Trung Quốc trong tương lai. Sau xung đột Nga-Ukraine, thông báo chính sách mới nhất của Chính phủ Mỹ về vấn đề eo biển Đài Loan càng chứng tỏ rằng Mỹ đang không ngừng tăng cường mức độ sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc, và càng cho thấy rõ hơn xu thế chính sách của Mỹ trong việc dùng vũ lực để ngăn hai bờ thống nhất. Cùng với sự bất mãn và không tin tưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Washington trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, cộng thêm cơ chế đối thoại và trao đổi hiện tại giữa hai bên đang gặp trở ngại, tính khó đoán định và nguy cơ khủng hoảng xoay quanh vấn đề eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai, tình hình chắc chắn sẽ tác động nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ và thậm chí cả hòa bình và ổn định toàn cầu.
(Còn tiếp)