IV. Đối với việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế
Xung đột Nga-Ukraine một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cộng đồng quốc tế cần có những hành động tích cực để thay đổi trạng thái tiêu cực và không hành động về việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế từ lâu nay, tận dụng đầy đủ các cơ chế và nền tảng hiện có để tái tạo động lực nội sinh có lợi cho việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân. Trung Quốc ủng hộ cơ chế giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc tế và luôn theo đuổi chính sách hạt nhân hết sức kiềm chế.
1. Năm nguy cơ hạt nhân
Mặc dù xung đột Nga-Ukraine chưa thực sự chứng kiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, nhưng có ít nhất 5 kịch bản về nguy cơ hạt nhân do cuộc xung đột này.
Thứ nhất, nguy cơ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù việc sử dụng vũ khí hạt nhân từ lâu được coi là điều không thể tưởng tượng trong thực tế. Mặc dù tháng 1/2022, 5 cường quốc hạt nhân đã đưa ra Tuyên bố chung về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang, nhưng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine lần này, lực lượng răn đe chiến lược của Nga đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, điều này khiến thế giới cảm nhận được khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân. Vì vậy, chúng ta cần phải xác nhận lại khái niệm và văn hóa không được sử dụng vũ khí hạt nhân.
Thứ hai, nguy cơ các cơ sở hạt nhân ở các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân bị phá hủy. Xét từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine đã trở thành nguy cơ hạt nhân khác bởi ba khía cạnh sau: Một là, xảy ra rò rỉ hạt nhân do bị các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc không sở hữu hạt nhân tấn công quân sự. Hai là, các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân có nhà máy điện hạt nhân sử dụng các cơ sở hạt nhân để thực hiện răn đe hạt nhân. Ba là, trong những điều kiện nhất định, các cơ sở hạt nhân bị phá hủy bởi các tổ chức phi chính phủ như tổ chức khủng bố. Mặc dù các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế rất coi trọng những nguy cơ trên, nhưng rất khó để ứng phó và đưa ra các đảm bảo an ninh ngay từ đầu. Việc quản lý các cơ sở hạt nhân sử dụng cho mục đích dân sự của cộng đồng quốc tế sẽ gặp không ít khó khăn.
Thứ ba, nguy cơ ngày càng có nhiều quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân vượt qua ngưỡng hạt nhân. Do phải đối mặt với cục diện rất bị động trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, nên Ukraine đã tuyên bố công khai rằng họ cảm thấy hối tiếc vì đã từ bỏ vũ khí hạt nhân vào năm 1994. Ngoài ra, tình cảnh của Ukraine đã khiến một số quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân phải suy nghĩ lại về việc liệu có nên sở hữu hạt nhân hay không. Điều đáng chú ý là xu hướng các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc muốn có được vũ khí hạt nhân nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng nhiều quốc gia đang tái đề xuất yêu cầu phát triển vũ khí hạt nhân đều là các đồng minh của Mỹ. Tình hình này khác với trước đây khi các nước tìm cách có được vũ khí hạt nhân đa phần đều không phải là đồng minh của Mỹ. Trong bối cảnh hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế hiện nay thường xuyên bị tác động, nếu Mỹ tiếp tục để cho các đồng minh thực hiện các hành động phổ biến vũ khí hạt nhân thì sẽ giáng một đòn chí mạng vào hệ thống không phổ biến hạt nhân quốc tế hiện nay.
Thứ tư, nguy cơ tiến trình đàm phán về kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế rơi vào cục diện bế tắc. Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, một vấn đề vẫn chưa được nhận điều nhiều sự quan tâm là tương lai không chắc chắn của Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga. Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga có quy mô tương đương nhau và số lượng đầu đạn hạt nhân của hai nước chiếm gần 90% tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Việc Mỹ hoặc Nga không tham gia kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế sẽ có tác động tiêu cực đến an ninh toàn cầu. Nếu Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga không được nối lại trong một thời gian tới, đồng thời Mỹ và phương Tây tiếp tục tăng cường và củng cố các biện pháp trừng phạt và bài xích đối với Nga, thì Nga sẽ đóng vai trò như thế nào trong các vấn đề kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế ở tương lai là điều đáng theo dõi.
Thứ năm, nguy cơ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân gia tăng thêm vũ khí hạt nhân. Cho đến nay, xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa thể làm cho cấu trúc an ninh châu Âu phát triển theo hướng cân bằng và bao trùm hơn. Trái lại, Mỹ lại đang lợi dụng cuộc xung đột Nga-Ukraine để củng cố hơn nữa NATO, tăng cường triển khai quân sự ở Trung và Đông Âu, hối thúc các nước châu Âu tăng chi tiêu quân sự, và chứng minh thêm tính hợp lý của việc phát triển và triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa. Hiển nhiên, những hành động này của Mỹ và NATO sẽ kích thích hơn nữa sự đáp trả của Nga. Như vậy, sự tương tác giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước liên quan khác trong lĩnh vực hạt nhân, phòng thủ tên lửa và các lĩnh vực liên quan khác sẽ trở thành nội dung mà việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế không thể không quan tâm trong giai đoạn tiếp theo.
2. Những khó khăn chính trong quá trình kiểm soát các nguy cơ hạt nhân
Mặc dù xung đột Nga-Ukraine cho đến nay vẫn mang tính khu vực và sử dụng các lực lượng thông thường, nhưng nó đã đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để ngăn chặn nguy cơ hạt nhân và liệu nó có thể tiếp tục đảm bảo an ninh hạt nhân hay không. Các vấn đề liên quan gồm có: Chính sách hạt nhân của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, tính hiệu quả của các cơ chế kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế, vai trò của các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân và mối quan hệ giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thứ nhất, chính sách hạt nhân của các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong hơn 70 năm kể từ khi vũ khí hạt nhân ra đời, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác ngoại trừ Trung Quốc lấy lý do “răn đe hạt nhân” hoặc “răn đe mở rộng” vẫn từ chối áp dụng chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” và “không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân”, đặt thế giới trong nguy cơ chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Điều nghiêm trọng hơn là một số yếu tố thúc đẩy Mỹ và Liên Xô duy trì sự ổn định chiến lược trong Chiến tranh Lạnh hiện không còn phù hợp. Trong bối cảnh này, việc quản lý kiểm soát nguy cơ hạt nhân đòi hỏi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân phải xác nhận lại ý đồ chiến lược của nhau và đưa ra các cam kết chính sách mới.
Thứ hai, tính hiệu quả của các cơ chế quốc tế. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các quốc gia tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục tăng, và Mỹ liên tục rút khỏi các hiệp ước quốc tế về kiểm soát và giải trừ quân bị quan trọng dưới thời Chính quyền Bush và Chính quyền Trump, điều này khiến tính hiệu quả và tính quyền uy của cơ chế không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế bị hoài nghi. Xung đột Nga-Ukraine càng làm nổi bật tính chất nghiêm trọng của vấn đề này. Cộng đồng quốc tế cần thực hiện các biện pháp để định hình lại tính quyền uy và tính hiệu quả của cơ chế kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế.
Thứ ba, vai trò của các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Xung đột Nga-Ukraine đã khiến người ta nhận thấy một khía cạnh khác của các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân trong vấn đề nguy cơ hạt nhân. Đó là các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân có thể sử dụng các cơ sở hạt nhân dân sự trong biên giới của mình để thực hiện răn đe hạt nhân trong những tình huống bất ngờ. Hơn nữa, các cơ sở hạt nhân dân sự ở các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân cũng có thể rơi vào tay các tổ chức phi chính phủ nguy hiểm. Do đó, các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân cũng cần có trách nhiệm lớn hơn trong việc quản lý và kiểm soát nguy cơ hạt nhân, đưa ra các cam kết và thực hiện các hành động cụ thể để quản lý và kiểm soát các cơ sở hạt nhân dân sự trong biên giới của họ trong những tình huống bất ngờ.
Thứ tư, mối quan hệ giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Hiện tại, mối quan hệ giữa các cường quốc còn nhiều thách thức. Một là, tiến trình đàm phán ổn định chiến lược Mỹ-Nga rõ ràng đã bị tác động bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hai là, Chính quyền Biden đã thể hiện khuynh hướng ý thức hệ mạnh mẽ trong chiến lược đối ngoại của mình, điều này khác hẳn với những gì đã xảy ra khi Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí trong lịch sử. Ba là, quan hệ nước lớn lại chuyển sang cuộc đọ sức địa chiến lược. Trên cơ sở này, làm thế nào để các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục duy trì sự hợp tác trong các vấn đề kiểm soát và giải trừ vũ khí quốc tế kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã trở thành một vấn đề nan giải.
3. Các con đường để tăng cường quản lý và kiểm soát nguy cơ hạt nhân
Xung đột Nga-Ukraine một lần nữa làm nổi bật nhiều nguy cơ hạt nhân mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt. Tổng hợp tác động của những rủi ro này đối với an ninh toàn cầu và hệ thống kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế và các khả năng có thể xảy ra, bài viết này cho rằng cộng đồng quốc tế nên coi những nguy cơ hạt nhân mà cuộc xung đột Nga-Ukraine tạo ra là cơ hội để khôi phục quản trị hạt nhân toàn cầu bằng các kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế với mục tiêu ngăn chặn hơn nữa phổ biến vũ khí hạt nhân, đảm bảo an ninh cơ sở hạt nhân và tránh xung đột hạt nhân.
Thứ nhất, tận dụng triệt để Hội nghị rà soát lần thứ 10 của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân để xác định lại các mục tiêu về không phổ biến và kiểm soát vũ khí hạt nhân. Do tác động của các yếu tố như đại dịch COVID-19, sau nhiều lần bị trì hoãn, hiện Hội nghị rà soát lần thứ 10 của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân dự kiến được tổ chức vào tháng 8/2022, điều này tạo cơ hội cho cộng đồng quốc tế tái kích hoạt hợp tác kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân. Cộng đồng quốc tế cần mở ngay các kênh khác nhau để tích cực thiết lập một chương trình nghị sự mang tính xây dựng cho Hội nghị rà soát lần thứ 10, đồng thời thúc đẩy các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có nhiều đóng góp hơn vào việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế.
Thứ hai, tái thúc đẩy hợp tác an toàn hạt nhân, tiếp tục tăng cường vai trò của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế trong việc kiểm soát và quản lý nguy cơ từ các cơ sở hạt nhân dân sự. Có ít nhất hai diễn đàn quan trọng để tăng cường bảo vệ an ninh cho các cơ sở hạt nhân dân sự, đó là các kết quả mà Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân đạt được trong giai đoạn 2009-2016 và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Trong đó, Trung tâm bảo đảm an ninh hạt nhân Trung-Mỹ được thành lập tại Phòng Sơn, Bắc Kinh là một trong những thành quả quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, có thể cung cấp giáo dục và đào tạo về an ninh hạt nhân một cách hệ thống và toàn diện cho các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ ba, hối thúc các cường quốc hạt nhân tiếp tục đảm nhận trách nhiệm kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân. Mỹ có trách nhiệm rất đặc biệt trong việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế. Cộng đồng quốc tế vẫn cần hối thúc các cường quốc hạt nhân thực hiện trách nhiệm của mình trong vấn đề này, cắt giảm mang tính thực chất và nhiều hơn nữa vũ khí hạt nhân, giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia, kiểm soát chặt chẽ động thái tìm cách nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân của các đồng minh, cũng như áp dụng các biện pháp để cải thiện môi trường an ninh quốc tế có nguy cơ gây ra nguy cơ hạt nhân.
Thứ tư, thúc đẩy các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân xây dựng lại lòng tin chiến lược. Một là, các lực lượng hạt nhân lớn cần khẳng định lại ý đồ chiến lược của nhau. Hai là, cần có các cuộc thảo luận nghiêm túc giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân về việc làm thế nào để đạt được sự ổn định chiến lược. Trong thời đại ngày nay, làm thế nào để đạt được sự ổn định chiến lược giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cũng đòi hỏi một tầm nhìn rộng mở hơn. Ba là, các lực lượng hạt nhân chính cũng cần đàm phán về các biện pháp kiểm soát và quản lý khủng hoảng như ngăn chặn các vụ phóng bất ngờ.
Trước nhiều vấn đề mà việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế phải đối mặt, Trung Quốc cần tiếp tục thúc đẩy việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân quốc tế để tạo ra một con đường mới có thể duy trì hòa bình và ổn định lâu dài trên thế giới./.