Trong những năm gần đây, các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều ở châu Phi. Về vấn đề này, trang mạng theconversation.com ngày 8/8 đã có bài đánh giá với nội dung như sau:
Các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc đã tìm thấy một thị trường ngách đầy triển vọng tại châu Phi, đó là bảo vệ các giám đốc điều hành và các công trường xây dựng của Trung Quốc tại châu lục này. Họ cũng đang đảm bảo an toàn cho các tàu hàng của Trung Quốc trước nạn cướp biển tại khu vực.
Sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc ở châu Phi diễn ra trong bối cảnh cấu trúc an ninh toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi. Những thay đổi này phản ánh việc Mỹ chuyển trọng tâm từ vai trò “sen đầm quốc tế” sang “cân bằng an ninh ở nước ngoài”. Mỹ đang tận dụng các liên minh chiến lược và chỉ can thiệp để bảo vệ lợi ích ở nước ngoài của mình khi cần thiết. Nhu cầu sử dụng dịch vụ an ninh của Trung Quốc ở châu Phi đã tăng lên đáng kể kể từ khi nước này khởi động Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) hồi năm 2013. Đây là kế hoạch chi tiết của Trung Quốc cho sự hiện diện tại châu lục này.
Nếu so với các công ty quân đội tư nhân và lính đánh thuê như Tập đoàn Wagner của Nga, thì các công ty an ninh tư nhân lại ít được chú ý hơn. Sự phát triển của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc diễn ra khi Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở châu Phi. Trung Quốc cũng đang đầu tư vào các dự án khai thác khoáng sản trên khắp lục địa này. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo, Sudan và Nam Sudan, tình trạng bất ổn chính trị đang tiếp diễn đồng nghĩa với việc cần phải có các dịch vụ an ninh của chính phủ.
Việc Trung Quốc phụ thuộc vào các quốc gia châu Phi để tìm nguồn tài nguyên là lý do tại sao nước này trở nên quan ngại về vấn đề an ninh ở châu Phi. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của những thỏa thuận song phương và đa phương về lĩnh vực an ninh tư nhân giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. Họ cần thỏa thuận về quy tắc ứng xử để giám sát, quy định và hợp tác. Việc tăng cường giám sát trong lĩnh vực này cũng sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển mất kiểm soát của các công ty an ninh tư nhân.
Ngoài ra, việc không thiết lập được các quy định như vậy có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực. Các công ty an ninh tư nhân có thể lạm dụng quyền hạn hoặc không hoạt động theo những định hướng không rõ ràng. Điều đó cũng có thể dẫn đến việc không kiểm soát được lính đánh thuê và phiến quân nước ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến người dân châu Phi và khả năng tồn tại của BRI.
Lĩnh vực an ninh tư nhân ở châu Phi được đặc trưng bởi ba đặc thù: Thứ nhất, lục địa này vẫn “kỳ thị” các hành động của lính đánh thuê trong những cuộc xung đột thời hậu thuộc địa. Những kẻ được trang bị vũ trang đã can dự trong ba thập kỷ qua có thể không còn nữa, nhưng sự kỳ thị vẫn tồn tại; Thứ hai, trước khi Bắc Kinh khởi động BRI và chú ý tới các công ty an ninh tư nhân, một số công ty Trung Quốc hoạt động ở châu Phi từ các cơ sở khai thác tài nguyên thiên nhiên đến những doanh nghiệp nhỏ đã tự thành lập các tổ vũ trang để bảo vệ tài sản của mình; Thứ ba, châu Phi đang chứng kiến sự trở lại của các công ty quân sự tư nhân quốc tế. Những công ty này hỗ trợ chính quyền địa phương và các lợi ích quốc tế. Do đó, sự mở rộng của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc – và tác động của chúng đối với bối cảnh an ninh của châu lục này – đã thu hút ít sự chú ý hơn.
Các công ty an ninh tư nhân không phải là điều mới tại châu Phi. Tuy nhiên, các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc vẫn đang xác lập tên tuổi của mình. Để đối phó với tình trạng bạo lực vũ trang, tội phạm ngày càng gia tăng đe dọa các cá nhân và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở nước ngoài, vai trò của các công ty an ninh tư nhân đang mở rộng từ việc bảo vệ các cấu trúc cố định sang cung cấp giám sát công nghệ cao.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nhận ra rằng chỉ dựa vào việc phát triển kinh tế của các nước châu Phi là không đủ để bảo vệ người lao động và các dự án của họ. Bùng nổ bạo lực và khủng bố từ Sahel đến Somalia đang khiến người lao động và các khoản đầu tư của Trung Quốc rơi vào tình thế nguy hiểm.
Vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một bộ quy định cho các công ty an ninh hoạt động ở nước ngoài. Theo đó, tài liệu phác thảo các yêu cầu về đào tạo, đánh giá tình hình an ninh và các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Những hướng dẫn này được hàng chục công ty an ninh tư nhân Trung Quốc đang hoạt động hiệu quả ở nước ngoài ủng hộ nhiệt tình. Nhưng vẫn chưa rõ khoảng 10.000 công ty Trung Quốc với kiến thức hạn chế về các yêu cầu an ninh quốc tế sẽ hoạt động như thế nào nếu họ muốn làm việc ở châu Phi. Trước khi các công ty Trung Quốc triển khai ra nước ngoài, họ cần phải có kế hoạch chi tiết và đánh giá rủi ro thì mới được chính phủ cấp phép hoạt động.
Điều quan trọng là phải xem xét cách các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc tương tác với lực lượng an ninh địa phương và sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc tại châu lục này.
Việc tích hợp hợp lý các dịch vụ an ninh tư nhân ra nước ngoài sẽ mang lại lợi ích cho các chính phủ nước sở tại, đặc biệt là khi các mối đe dọa an ninh gia tăng. Tuy nhiên, không dễ dàng trong việc nhận biết giữa công ty an ninh nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc. Việc kiểm soát và cân bằng là cần thiết để ngăn chặn các công ty an ninh tư nhân trở thành công cụ gây áp lực chính trị.
Hiện tại, các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc vẫn đang phát triển, nhưng không rõ trước khi ra nước ngoài hoạt động, họ có được đào tạo đầy đủ về kỹ năng cũng như kiến thức hiểu biết về địa bàn và các mối đe dọa hay không. Các công ty Trung Quốc hiện đang mở rộng mạng lưới ở các nước châu Phi như Mali, Djibouti, Ai Cập, Ethiopia, Nam Phi và Tanzania nhằm thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh. Để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại các nước châu Phi kể trên, các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc cần phải có sự hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ an ninh địa phương./.