Trong khi thế giới đang tập trung sự chú ý vào Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine thì một Chiến dịch quân sự đặc biệt khác do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện trên lãnh thổ Syria có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Câu hỏi đặt ra là liệu chiến dịch này có cần thiết không? Nếu được triển khai nó sẽ tạo ra những hệ quả gì?
Căng thẳng tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria gia tăng
Những diễn biến căng thẳng tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria thời gian qua là một yếu tố quan trọng khi nói về tính cần thiết của một chiến dịch quân sự.
Ngày 21/11/2022, tờ Times of Israel đưa tin lực lượng người Kurd tại Syria đã bắn rocket qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 10 người khác bị thương. Theo hãng thông tấn Anadolu, rocket đã bắn trúng một trường trung học và 2 căn nhà ở thị trấn Karkamis thuộc tỉnh Gaziantep và 1 xe tải gần cửa khẩu Thổ Nhĩ Kỳ – Syria. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, ông Suleyman Soylu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp trả các cuộc tấn công này theo cách mạnh mẽ nhất có thể.
Trước sự kiện này, khu vực biên giới giữa hai nước Thổ Nhĩ Kỳ – Syria từ sau chiến dịch tiêu diệt nhà nước tự xưng IS vẫn luôn là nơi tranh giành quyền kiểm soát của nhiều lực lượng vũ trang. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát tình hình an ninh của một dải lãnh thổ Syria, một phần khác do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát. Điều khó chịu đối với Thổ Nhĩ Kỳ ở chỗ, SDF có thành phần chủ yếu là nhóm các Đơn vị bảo vệ Nhân dân (YPG), các nhóm này có mối liên hệ mật thiết với Đảng Công nhân Kurd. Lực lượng này luôn duy trì trạng thái đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, thường xuyên có các hoạt động tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Đáp trả lại các hoạt động thù địch của lực lượng người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên tổ chức tấn công khu vực biên giới Syria nhằm vào các nhóm vũ trang người Kurd. Đặc biệt, trong năm 2019, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tổ chức một cuộc càn quét quy mô lớn trên toàn biên giới với Syria. Tuy nhiên, các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là chưa đủ để loại bỏ kẻ thù của họ. Các cuộc tấn công phá hoại tại biên giới vẫn tiếp tục nổ ra.
Căng thẳng gia tăng nhanh chóng khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ rằng ông lo ngại trước việc đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây đã chuyển hàng nghìn xe tải chở đầy đạn dược và vũ khí tới các địa phương ở Syria, nơi những kẻ khủng bố hoạt động. Là một thành viên kỳ cựu của NATO, các hành động của tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đứng đầu là Mỹ có thể coi là hành động “đâm sau lưng” Thổ Nhĩ Kỳ.
Triển khai Chiến dịch quân sự tại Syria lúc này là một thời điểm phù hợp?
Hiện tại, thế giới đang có không ít những vấn đề được ưu tiên quan tâm, đó có thể là một lợi thế đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ nhất, thế giới đang dồn sự quan tâm tới Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Tâm điểm chính trị toàn cầu trong thời gian qua hiển nhiên là tình hình chiến sự tại Ukraine. Quân đội Nga đã có những động thái gây khó hiểu đối với phương Tây. Kiev đang giành lại những phần đất trong khi không có bất cứ một chiến thắng quân sự đáng kể nào. Điều đó gây ra bất an đối với phương Tây nhiều hơn là niềm vui vào một chiến thắng thực sự. Sự khó đoán định về tình hình Ukraine sẽ giữ chân các nước châu Âu và cả NATO. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm bớt được mối lo về sự can thiệp từ các nước phương Tây.
Thứ hai, thế giới Arab hiện đang dồn lực cho World Cup tại Qatar. Họ sẽ thận trọng trong việc can thiệp tại khu vực nhằm tránh làm phức tạp thêm tình hình an ninh. Điều này góp phần làm giảm áp lực từ phía Nam.
Thứ ba, áp lực năng lượng cho mùa đông có thể hỗ trợ mặt trận ngoại giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc triển khai chiến dịch quân sự. Hiện nay, dòng chảy năng lượng Á – Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng khi dòng chảy trực tiếp từ Nga vào châu Âu đang tạm thời đóng băng. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thêm nhiều phương án để mặc cả trên mặt trận ngoại giao.
Trên thực tế, ý định mở một chiến dịch quân sự đã được Tổng thống Erdogan đề cập từ hồi tháng 5/2022, tuy nhiên từ đó cho tới nay, nước nay chỉ thực hiện các cuộc không kích đơn thuần vào các cứ điểm của lực lượng người Kurd trên lãnh thổ Syria. Đến thời điểm hiện tại, khi các yếu tố đều trở nên ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, việc triển khai một chiến dịch quân sự tại Syria là điều hoàn toàn phù hợp với các bài toàn lợi ích của nước này.
Vai trò của hệ thống phòng không S-400
Nga chính thức bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không tầm xa S-400 và bắt đầu giao từ trung tuần tháng 9/2019. Tháng 8/2022, các nguồn tin quân sự cho biết, Nga tiếp tục chuyển thêm một tổ hợp S-400 nữa cho Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ vậy, khả năng phòng thủ của Thổ Nhĩ Kỳ được gia tăng đáng kể.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là S-400 để làm gì khi năng lực tấn công trên không của người Kurd là rất yếu, không đáng kể?
Cần nhìn lại lịch sử quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây để trả lời vấn đề này. Năm 2016, một bộ phận trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã “dàn xếp” một phi vụ tấn công nhằm vào Su-24 của Nga trên không phận Syria. Theo đó, tiêm kích F-16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công, bắn hạ một cường kích Su-24 của Nga sau khi máy bay Nga đang trên đường trở về căn cứ. Vụ việc được cho là nhằm kích động chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng trái với kỳ vọng của một số thế lực, quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ diễn biến căng thẳng sau vụ việc, nhưng không đi tới đổ vỡ. Nga nhận ra đứng đằng sau cuộc tấn công không phải là chính quyền Tổng thống Erdogan. Các động thái ngoại giao giữa hai nước sau đó đã xóa bỏ được nguy cơ chiến tranh.
Không kích động được chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra nhằm phế truất Tổng thống Erdogan. Sau khi thoát nạn, dẹp yên được lực lượng đảo chính, Tổng thống Erdogan nhận ra được nguy cơ đến từ chính những người được coi là đồng minh của mình.
S-400 xuất hiện sau các sự kiện này là minh chứng cho niềm tin lung lay của Erdogan đối với NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cần một giải pháp tự bảo vệ mình và không phụ thuộc vào NATO. Thậm chí, có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ cần có kế hoạch phòng thủ đối với chính những đồng minh NATO của họ. Hệ thống phòng không S-400 của Nga đến với Thổ Nhĩ Kỳ là để đáp ứng được nhu cầu đó.
Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được nhận thêm được các tổ hợp S-400, họ hoàn toàn có thể yên tâm đối với nhiệm vụ phòng thủ đất nước. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để triển khai các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ.
Quan điểm của Syria và Nga
Liên quan đến căng thẳng tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria, Đại sứ Nga tại Syria Alexander Lavrentyev cho biết quan điểm của Nga rằng: Thổ Nhĩ Kỳ cần tránh sử dụng không quân “quá mức” ở Syria, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề người Kurd. Rõ ràng, Nga không phản đối một hành động quân sự cụ thể mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện. Họ chỉ mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ “kiểm soát” được các hoạt động tấn công bằng không quân của mình, tránh những thương vong không cần thiết đối với các bên.
Một chiến dịch quân sự nếu được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại khu vực biên giới trên lãnh thổ Syria sẽ có nhiều điểm tương đồng với “Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga đang triển khai tại Ukraine. Do vậy, việc ngầm đồng tình với các hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Đối với Syria, nước này có lí do để có thể ngầm chấp nhận một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi kể từ sau cuộc chiến với nhà nước tự xưng IS, Syria vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ, nhất là khu vực người Kurd kiểm soát, chiếm đóng. Việc để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các lực lượng vũ trang người Kurd hoàn toàn có lợi đối với Chính quyền Assad. Tuy nhiên, khả năng Syria cũng cần có những động thái ngoại giao không ủng hộ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi dù sao đây vẫn là một hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Syria. Có thể thấy, nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai một chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria nhằm tấn công các nhóm vũ trang người Kurd, Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngoài mặt sẽ có động thái phản đối, nhưng thực chất một chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd cũng là điều mà Syria mong muốn.
Hệ quả tiềm tàng
Chưa thể đánh giá tổng thể những hệ quả có thể có đối với một sự kiện chưa xảy ra. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, một chiến dịch quân sự tại Syria có thể tạo ra nhiều hệ quả đối với khu vực. Tuy nhiên, khác với Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, quy mô của chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện nhỏ hơn đáng kể. Các hệ quả mà chiến dịch này không tác động sâu sắc, lâu dài giống như chiến dịch mà Nga đang thực hiện. Cụ thể:
Một là, chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể triển khai trong thời gian tới sẽ làm khắc sâu thêm mâu thuẫn giữa các thành viên NATO mà trước hết là mâu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ – Mỹ. Mâu thuẫn này không phải bây giờ mới xuất hiện, nhưng chắc chắc sẽ đẩy mâu thuẫn lên một nấc thang mới. Các lực lượng người Kurd vốn có vai trò quan trọng trong chiến lược can thiệp vào Syria của Mỹ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một đồng minh NATO lại trực tiếp đe dọa tới lợi ích của Mỹ, đó là một vấn đề khó có thể chấp nhận đối với siêu cường số 1 thế giới.
Hai là, tác động của chiến dịch quân sự sẽ làm dòng người di cư tại Trung Đông diễn biến phức tạp, đe dọa tới tình hình an ninh tại khu vực – nơi đang diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất thế giới – World Cup. Đây là điều mà tất cả các nước trên thế giới đều không mong muốn.
Ba là, chiến dịch quân sự này có thể sẽ làm gián đoạn dòng chảy năng lượng giữa hai lục địa Á – Âu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Khi đó, giá cả tiêu dùng, chi phí sinh hoạt của châu Âu sẽ tiếp tục tăng lên, đe dọa tới đời sống của người dân có thu nhập trung bình và thấp tại lục địa già.
Bốn là, tạo thế thuận lợi cho Nga trong tình hình chiến sự tại Syria. Chiến dịch quân sự tại Syria nếu được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai sẽ đe dọa tới nhiều lợi ích của các nước phương Tây. Buộc các nước này phải dành sự quan tâm tới chiến trường Syria, điều đó có lợi cho Nga phát triển thế trận tại chiến trường Ukraine.
Đối với Syria, mặc dù sẽ có những tuyên bố phản đối hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chiến dịch này mang đến nhiều lợi ích cho Chính quyền Assad. Thế và lực của người Kurd suy giảm sẽ giúp Chính quyền Syria mở rộng quyền kiểm soát trên lãnh thổ của họ.
Nhìn chung, một chiến dịch quân sự tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria đang có nguy cơ nổ ra bất cứ lúc nào. Quyết tâm của Ankara đã và đang được bộc lộ rõ qua các động thái ngoại giao thời gian vừa qua. Chiến dịch này nếu được thực hiện mặc dù không làm đảo lộn trật tự thế giới, nhưng nó có thể làm khắc sâu hơn các rạn nứt trong hệ thống quan hệ Đông – Tây hiện tại; làm quá trình phân tuyến Đông – Tây diễn ra nhanh hơn. Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nếu được thực hiện sẽ không diễn ra lâu dài như chiến sự tại Ukraine nhưng những hệ quả mà nó có thể tạo ra sẽ khiến cả thế giới phải chú ý tới./.
Hoàng Hải