Sau gần hai năm lên nắm quyền, vào ngày 12/10/2022 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mĩ Joe Biden đã công bố Chiến lược an ninh mới, với sự đồng ý của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng hoà, vốn đang bị chia rẽ sâu sắc. Đây là sự kiện đặc biệt gây chú ý với cộng đồng quốc tế. Tài liệu Chiến lược an ninh mới của Mỹ gồm 48 trang, chia làm 4 phần lớn, đề cập đến nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, dịch bệnh, công nghệ…, trong đó, đặc biệt là chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc – “đối thủ cạnh tranh duy nhất” trong thập kỉ này và cả trong tương lai xa hơn nữa.
Đâu là bước đi của Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng Trung Quốc trong tương lai?
Chiến lược an ninh mới của Mĩ đã 46 lần nhắc tới “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và dành riêng một mục để đề cập đến Trung Quốc. Ngay trong câu đầu tiên đã khẳng định “ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng tăng sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm điều đó” và cạnh tranh Mĩ – Trung ngày càng gia tăng là cuộc cạnh tranh đáng chú ý nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và có ảnh hưởng tới toàn cầu. Mĩ tố cáo Trung Quốc đang tìm cách tăng cường sự phụ thuộc của thế giới vào nền kinh tế Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thế giới. Trung Quốc cũng phải chịu trách nhiệm chia sẻ những thách thức chung như biến đổi khí hậu hay y tế cộng đồng. Để đối phó với Trung Quốc, Chiến lược an ninh mới của Mỹ đề ra 03 bước đi chính: Thứ nhất là đầu tư vào nền tảng sức mạnh quốc gia như khả năng cạnh tranh, sự đổi mới, khả năng phục hồi và tính dân chủ. Thứ hai, đặt nước Mĩ cùng các đồng minh vào những hành động có mục đích chung. Thứ ba, tranh đua một cách có trách nhiệm với Trung Quốc. Chiến lược cũng khẳng định sẽ cạnh tranh với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực, tiêu biểu là về công nghệ, kinh tế, chính trị, quân sự. tình báo và quản trị toàn cầu. Cụ thể một số bước đi mà Mĩ sẽ tiến hành thực hiện để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc như sau:
Thứ nhất, thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghiệp hiện đại. Chiến lược an ninh mới của Mỹ xác định đầu tư chiến lược vào lĩnh vực công là xương sống của nền công nghiệp, chú trọng đầu tư vào các ngành công nghiệp tư nhân hiện chưa được huy động để bảo vệ lợi ích kinh tế cốt lõi và an ninh quốc gia như các cơ sở hạ tầng, năng lượng, chips và chất bán dẫn, nhằm thúc đẩy và triển khai các công nghệ, giải pháp mới cho phép Mĩ có thể tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu thế giới đồng thời tạo ra các thị trường mới.
Thứ hai, sử dụng ngoại giao để xây dựng, củng cố các liên minh mạnh mẽ nhất có thể. Mỹ sẽ tiếp tục củng cố và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác trong khuôn khổ NATO, AUKUS, G7…; kêu gọi các đồng minh thực hiện hiện đại hoá quân đội và củng cố nền dân chủ trong nước tương tự như cách Mỹ đang làm. Mỗi liên minh sẽ cùng Mĩ giải quyết những vấn đề ở từng khu vực nhất định. NATO là các vấn đề ở Châu Âu, đặc biệt là vấn đề liên quan đến Nga. AUKUS và Nhóm Bộ tứ cùng phối hợp giải quyết các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ ba, hiện đại hoá và củng cố quân đội. Chiến lược phòng thủ quốc gia dựa trên khả năng răn đe tích hợp, có nghĩa là sự kết hợp liền mạch các khả năng có thể khiến cho các đối thủ tiềm năng của Mỹ thấy rằng, chi phí khi tiến hành các hoạt động thù địch đối với Mỹ của họ sẽ lớn hơn lợi ích mà họ có thể thu được. Mỹ sẽ tích hợp khả năng răn đe trong các lĩnh vực quân sư (kết hợp giữa lực lượng hải, lục, không quân, an ninh mạng và lực lượng không gian) và phi quân sự (kết hợp giữa các lĩnh vực kinh tế, công nghệ thông tin…). Bên cạnh đó, Mỹ cũng tiến hành tích hợp các khu vực phạm vi xung đột để ngăn chặn đối thủ cạnh tranh thay đổi hiện trạng, phối hợp với các đồng minh để tăng khả năng tương tác, phối hợp và năng lực tác chiến chung.
Có thể thấy, xuyên suốt Chiến lược an ninh mới của mình, Mỹ thực sự không muốn và có thể là chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Do đó, ngoài việc thực hiện chiến lược cạnh tranh, hạn chế tầm ảnh hưởng, Mĩ cũng mong muốn hợp tác với Trung Quốc ở các lĩnh vực có lợi ích chung của các bên, đề nghị Trung Quốc phối hợp, chia sẻ những thách thức toàn cầu chung như biến đổi khí hậu, qua đó hạn chế nguy cơ đối đầu và gia tang căng thẳng.
Bên cạnh đó, ngoài những nhận định, đánh giá và chiến lược về kinh tế, quân sự hay ngoại giao để chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc, Mĩ nhắc nhiều lần tới sự cần thiết phải phối hợp hành động cùng với các đồng minh và đối tác. Nhưng một phần nào đó còn thể hiện ý đinh “trói chặt” đồng minh vào lợi ích của Mỹ, khiến các nước đồng minh này phụ thuộc sâu hơn và nằm dưới sự ảnh hưởng của Mĩ nhiều hơn. Đơn cử dễ thấy nhất là các nước EU trong cuộc xung đột Nga-Urkraine đang diễn ra, các nước EU phải dựa vào nguồn cung khí hoá lỏng (LNG) của Mĩ sau khi bị Nga cắt nguồn cung khí đốt.
Như vậy, có thể thấy, chiến lược đối phó với Trung Quốc của Mỹ chú trọng vào thúc đẩy nội lực và hợp tác, gắn kết, tập hợp các đồng minh; đây là bước đi sáng tạo của chính quyền Tổng thống Joe Biden và cũng là điều mà Trung Quốc e ngại nhất, vì trên thực tế, 80% nền kinh tế Trung Quốc dựa vào thương mại quốc tế. Đây có thể xem là một điểm mới, tiến bộ hơn so với chiến lược an ninh dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Chiến lược đối phó với Trung Quốc dưới thời ông Trump đã gây ra cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, áp thuế lên hàng nhập khẩu gây thiệt hại cho Trung Quốc, nhưng cũng làm thiệt hại không nhỏ ngược lại đối với Mỹ. Thậm chí, một điều nghịch lý dưới thời ông Trump là, mặc dù diễn ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhưng nước này lại vượt Canada để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Chiến lược an ninh quốc gia 2022 của chính quyền Biden về cơ bản là dựa trên Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời được công bố hồi đầu năm 2021. Chiến lược này cũng là sự kế thừa Chiến lược an ninh quốc gia của các chính quyền cũ, tuy nhiên, có một số điểm khác biệt so với trước, đặc biệt là khi so sánh với Chiến lược An ninh quốc gia 2017 dưới thời chính quyền Tổng thống Trump. Điểm khác biệt rõ nhất đó là việc chiến lược mới nhấn mạnh đến chính sách đối nội hơn so với các chiến lược trước, như tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan, đó là xóa nhòa ranh giới giữa chính sách đối nội và chính sách đối ngoại. Trong chiến lược mới, chính quyền Biden vẫn kế thừa các mục tiêu cơ bản, xuyên suốt của các chính quyền cũ, đó tập trung củng cố và tăng cường sức mạnh, vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn và kiềm chế các đối thủ khác, đặc biệt là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, chiến lược mới có sự thay đổi về cách tiếp cận và các biện pháp triển khai cụ thể khi so sánh với Chiến lược 2017. Chiến lược an ninh mới đã nhấn mạnh đến sự trở lại của nước Mỹ trên trường quốc tế, đề cao vai trò của chính sách ngoại giao đa phương trong khi không tìm kiếm xung đột hoặc một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới cũng như tránh leo thang căng thẳng dẫn đến hình thành các khối đối đầu nhau trên phạm vi toàn cầu.
Những bước triển khai thực tế của Mĩ
Trên thực tế, Mỹ đã có nhiều bước đi cụ thể để triển khai nội dung Chiến lược an ninh mới, ví dụ như các khoản “đầu tư lịch sử” vào năm 2021 vào cơ sở hạ tầng giao thông, băng thông rộng, nước sạch, năng lượng. Mỹ cũng đã ban hành đạo luật khoa học và CHIPS cho phép đầu tư 280 tỷ đô la vào nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn và máy tính tiên tiến, công nghệ năng lượng sạch, công nghệ sinh học. Thông qua Sáng kiến Công nghệ sinh học và Sản xuất Sinh học Quốc gia (NBBI), Mỹ đã đầu tư hơn 2 tỷ đô la để khai thác toàn bộ tiềm năng của công nghệ sinh học và sản xuất sinh học, tập trung vào việc tăng năng lực sản xuất sinh học trong nước; đồng thời mở rộng cơ hội thị trường cho các sản phẩm Bio-based (có nguồn gốc sinh học). Trong năm 2022, Mỹ cũng ban hành Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD, tạo ra các khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Mỹ cho các lĩnh vực khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe. Trước đó, Mỹ đã đưa ra mục tiêu giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Những bước đi trên đều được thực hiện trước khi bản chiến lược an ninh quốc gia được công bố rộng rãi. Như vậy, có thể thấy rằng chiến lược thúc đẩy một nền công nghiệp hiện đại, tăng cường nội lực quốc gia đã được thực hiện từ lâu và bản chiến lược an ninh mới chỉ là bước khái quát hoá cụ thể bằng văn bản chính thức cho công chúng trong nước và quốc tế thấy mà thôi.
Về quan hệ đồng minh, tần suất các chuyến thăm của các quan chức cấp cao như Phó Tổng thống Mỹ Kamala Haris hay các quan chức chính quyền Biden tới các đồng minh truyền thống ở Châu Á – Thái Bình Dương như Nhật, Hàn, Úc và thậm chí là cả Đài Loan đã thể hiện chiến lược tập hợp đồng minh của Mỹ. Hợp tác giữa Mỹ, Anh và Úc trong liên minh AUKUS khi Mỹ cam kết chuyển giao công nghệ tầu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc cũng được xem là một trong nỗ lực tiêu biểu trong chiến lược tập hợp đồng minh của Mỹ.
Phản ứng của Trung Quốc
Ngay sau khi Mĩ công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó đánh giá Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với trật tự an ninh thế giới và Mĩ phải giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: “Thế giới ngày nay đang trải qua những thay đổi sâu sắc trong một thế kỷ qua, nhưng hoà bình và phát triển vẫn là trào lưu của thời đại và là nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc phản đối việc bám vào các khái niệm lỗi thời như tâm lý chiến tranh lạnh, “trò chơi có tổng bằng không”, cũng như phóng đại các xung đột địa chính trị và cạnh tranh nước lớn. Đây là những cách làm đi ngược với xu thế của thời đại và nguyện vọng của cộng đồng quốc tế và chắc chắn sẽ thất bại”. Mao Ninh nhấn mạnh rằng, “với tư cách là nước đang phát triển và nước phát triển lớn nhất, Trung Quốc và Mỹ phải gánh vác trách nhiệm duy trì hoà bình, ổn định thế giới, cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng, phát triển kinh tế. Hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ mang lại lợi ích, trong khi đối đầu sẽ gây tổn hại cho cả hai nước. Mỹ cần thực hiện các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hoà bình và hợp tác cùng có lợi, đưa quan hệ Trung – Mỹ trở lại đúng quỹ đạo, ổn định và phát triển”. Có thể thấy, Trung Quốc không đồng tình với cách tiếp cận của Mỹ khi coi nước này là đối thủ cạnh tranh duy nhất và bày tỏ mong muốn hợp tác, cùng phát triển vì các lợi ích chung và tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới có thể nổ ra.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về cơ bản tiếp tục giữ quan điểm từ thời người tiền nhiệm Donald Trump, với mục tiêu “hạn chế ảnh hưởng Trung Quốc và thêm khiêu khích về vấn đề Đài Loan”.
Cục diện an ninh khu vực trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt và hàm ý đối với Việt Nam
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong Chiến lược an ninh mới của Mĩ, đó là nhận định cho rằng thời kì hậu chiến tranh lạnh đã kết thúc. Điều này có nghĩa chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thừa nhận rằng trật tự thế giới đơn cực mà ở đó Mĩ là quốc gia lãnh đạo thế giới đã chấm dứt, thay thế là trật tự thế giới đa cực mà đối thủ lớn nhất và duy nhất đủ sức cạnh tranh với Mĩ là Trung Quốc. Như vậy, hiện nay trên thế giới không còn ai có đủ sức để cạnh tranh cùng với Mỹ: Châu Âu đang chia rẽ sâu sắc, Nhật Bản đang trì trệ và Ấn Độ thì còn rất lâu mới có đủ tiềm lực để có thể đứng ngang hàng với Mĩ. Do vậy, “khối G2” đang dần hình thành và cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường này có thể định hình tương lai thế giới trong những thập kỉ tới và có thể là cả thế kỉ 21. Đơn cử một số tiềm lực của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược như: Vào năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đã vượt Mĩ để đứng đầu thế giới về số các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng trên thế giới và các bằng phát minh, sáng chế. Trung Quốc hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của 38 quốc gia trên thế giới và được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”.
Thực tế, mặc dù cạnh tranh giữa 2 siêu cường Mỹ – Trung có thể ngày càng gia tang, nhưng khó có cơ hội dẫn tới một cuộc chiến tranh lạnh mới, bởi cả hai bên đều không mong muốn một cuộc đối đầu như vậy. Mĩ vẫn giữ vị thế là siêu cường hàng đầu thế giới dù không còn ở vị thế độc tôn khi nhiều lĩnh vực đã bị đánh mất vị trí số một vào tay các quốc gia khác. Tiềm lực của Mỹ vẫn còn nhưng nếu để đối đầu toàn diện và trực diện với Trung Quốc thì hiện tại Mĩ chưa sẵn sàng. Mĩ cũng chưa thực sự hiểu hết Trung Quốc. Trong khi đó, với Trung Quốc, nền kinh tế nước này hiện vẫn phụ thuộc lớn vào thế giới. Nếu xảy ra chiến tranh lạnh với Mỹ, “công xưởng của thế giới” chắn chắn sẽ hứng chịu những lệnh trừng phạt, cấm vận khủng khiếp từ Mĩ và các đồng minh; khi đó nền kinh tế Trung Quốc khó có thể đứng vững chứ chưa nói đến những điều lớn lao hơn như “Giấc mộng Trung Hoa” hay chiến lược “ Vành đai và con đường”.
ASEAN, trong đó có Việt Nam, nằm ở vị trí địa chiến lược khi đều nằm trong hai chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Hoa Kì và chiến lược “ Vành đai và con đường” của Trung Quốc.
Với Việt Nam có thể thấy ngay tầm quan trọng qua những hàng động của cả hai cường quốc khi vào tháng 9 năm 2021 chuyến thăm của phó Tổng thống Mĩ Kamala Haris đến Việt Nam với lời đề nghị nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện và thông báo xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mĩ tại Hà Nội có ngân sách lên tới 1,2 tỷ USD, lớn nhất thế giới vượt qua cả toà Đại sứ quán tại Anh – đồng minh thân thiết và lâu đời của Hoa Kì. Về Trung Quốc, chỉ hơn một tháng sau khi Đại hội XX kết thúc, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức và đồng thời cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên ông Tập tiếp đón sau khi tái đắc cử với những nghi thức ngoại giao tiếp đón trang trọng và cao nhất và đặc biệt là trao huân chương đối ngoại cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Về phía ASEAN, các hội nghị lớn của thế giới và khu vực đều diễn ra tại ASEAN và có sự góp mặt của các quan chức cấp cao của Trung Quốc. Như hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra ở Campuchia vừa qua đều có sự góp mặt của Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là sự góp mặt của tổng thống Mỹ Joe Biden và việc nâng cấp quan hệ Mỹ-ASEAN lên đối tác chiến lược toàn diện. Hội nghị APEC 2022 cũng diễn ra ở Thái Lan, đặc biệt là hội nghị G20 diễn ra ở Indonesia có sự góp mặt của hai nguyên thủ quốc gia của Mỹ và Trung Quốc, và ở đây đã diễn ra cuộc gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Joe Biden lên nhậm chức Tổng thống Mĩ. Tất cả những sự kiện trên đều cho thấy tầm ảnh hưởng và vị trí đặc biệt quan trọng của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong bàn cờ địa chính trị hiện nay.
Như vậy, để giữ được sự ổn định, hoà bình để phát triển, nhất thiết ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải giữ vị thế trung lập, cố gắng hài hoà lợi ích giữa các cường quốc và không chọn bên, chọn phe. ASEAN hiện đang là trung gian, là cầu nối giữa các trung tâm quyền lực của thế giới và nếu muốn ổn định phát triển thì rất cần sự đoàn kết nội khối của cả mười quốc gia thành viên. Nếu không giữ được sự tỉnh táo dưới sức ép phải chọn bên, rất có thể Việt Nam cũng như ASEAN sẽ trở thành con cờ dưới sự điều khiển của các cường quốc và phải hành động dựa trên các lợi ích của họ.
Tác giả: Phạm Quang Phúc (tổng hợp)