Cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường Mỹ – Trung ngày càng trở nên gay gắt trên nhiều lĩnh vực và chưa có dấu hiệu suy giảm. Trong đó, sự nổi lên của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao đặc biệt là trong ngành bán dẫn đe dọa thế nào đến Mỹ, và Mỹ đã làm những gì để ngăn Trung Quốc chiếm thế thượng phong? Và liệu đây chỉ đơn thuần là cuộc đối đầu về thương mại và công nghệ, hay đã chuyển thành một cuộc đối đầu chính trị và quân sự, với mục tiêu nhắm tới của Mỹ là Quân đội Trung Quốc? Những rủi ro mà Mỹ phải đối mặt khi thúc đẩy cuộc chiến trong lĩnh vực công nghệ sản xuất chip là gì? Bài viết của TS. Mihai Macovei đăng trên website của Viện Mises (tiếng Anh: Mises Institute), một viện chính sách phi lợi nhuận tại Mỹ, sẽ giúp trả lời những câu hỏi trên.
Tiêu đề do Ban Biên tập đặt
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, cuộc chiến thương mại và công nghệ tiếp tục leo thang với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu liên quan đến công nghệ. Mỹ hạn chế tiếp cận nguồn cung của Trung Quốc đối với chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc sử dụng công nghệ hiện đại cho mục đích quân sự. Các hạn chế như vậy dựa trên Đạo luật Chips và Khoa học (Chips and Science Act), được thông qua vào tháng 8 năm 2022, trong đó trợ cấp 52 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip của Mỹ và cấp hơn 200 tỷ đô la cho nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như tài trợ khoa học.
Mục đích của các động thái bảo hộ công nghiệp của Mỹ là tăng cường “an ninh quốc gia” được nêu ra trong Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố gần đây, trong đó chỉ ra Trung Quốc là kẻ thách thức chính đối với trật tự thế giới do Mỹ duy trì. Tổng thống Biden cảnh báo rằng Mỹ phải đối mặt với một “thập kỷ quyết định” trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài. Tuy nhiên, một phân tích sâu hơn cho thấy rằng chính sách của Mỹ nhằm mục đích ngăn chặn tiến bộ kinh tế và công nghệ nói chung của Trung Quốc. Nó cũng tiết lộ ý định của chính phủ Mỹ, là rời xa thị trường tự do để thúc đẩy nền kinh tế của mình, điều có thể làm giảm phúc lợi kinh tế và làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự trong tương lai.
Mỹ vẫn thống trị chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu
Quan điểm rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ cần được trợ cấp và bảo hộ thương mại đang bị hoài nghi. Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thị trường chất bán dẫn toàn cầu , với gần 50% doanh thu hàng năm kể từ cuối những năm 1990, mặc dù thị phần sản xuất chip giảm dần (biểu đồ 1). Quan trọng nhất, việc sản xuất từ nguyên liệu thô chiếm chưa đến 1/5 toàn bộ quy trình sản xuất chất bán dẫn và Mỹ hiện tại thống trị phần cuối của chuỗi cung ứng.
Mỹ nỗ lực để kiểm soát toàn bộ thị trường chất bán dẫn vì nước này tập trung vào các hoạt vừa thiên về nghiên cứu và phát triển (R&D) vừa mang lại lợi nhuận cao, chẳng hạn như thiết kế chip và sản xuất thiết bị. Ngược lại, các đối thủ châu Á của Mỹ chủ yếu tập trung vào các bước thâm dụng vốn và lao động của toàn bộ chuỗi sản xuất, chẳng hạn như cung cấp nguyên liệu thô và sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip (biểu đồ 2).
Khoảng 75% tổng sản lượng chất bán dẫn của thế giới hiện nay nằm ở châu Á, chủ yếu ở các đồng minh của Mỹ như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, hơn 40% công suất của các nhà sản xuất chất bán dẫn có nguồn gốc từ Mỹ, chiếm 12% sản lượng toàn cầu, vẫn được đặt tại quê nhà. Hơn nữa, bằng cách kiểm soát đầu cuối của chuỗi cung ứng giá trị, Mỹ có thể dễ dàng xây dựng năng lực sản xuất bổ sung nếu cần. Khi thị trường chip toàn cầu tăng gần năm lần trong hai thập kỷ qua (lên ước tính 630 tỷ USD năm nay), các công ty Mỹ đã nâng cao chuỗi giá trị bằng cách đầu tư ồ ạt vào R&D. Các công ty Mỹ đã chi khoảng 44 tỷ đô la cho R&D vào năm 2020, tính theo phần trăm doanh thu, nhiều hơn bất kỳ quốc gia khác (biểu đồ 3). Theo những số liệu này, lĩnh vực chip của Mỹ chắc chắn không phải là một “ngành công nghiệp non trẻ” có thể cần được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh nước ngoài.
Chính sách công nghiệp của Mỹ không thúc đẩy năng lực cạnh tranh
Chính sách công nghiệp thường được biện minh bằng lập luận rằng đây là “ngành công nghiệp non trẻ”, các ngành công nghiệp hoặc công ty “chiến lược” mới thành lập trong nước có thể cần được bảo vệ cho đến khi có thể bắt kịp các đối thủ nước ngoài. Các nhà phê bình chính sách công nghiệp nhấn mạnh rằng ta không thể biết trước liệu một ngành cụ thể có sinh lãi hay không. Nếu các ngân hàng, thị trường vốn và các doanh nhân trong và ngoài nước không thể lựa chọn những khoản đầu tư tiềm năng nhất, tại sao các quan chức chính phủ và chính trị gia phải cố làm hơn thế? Những lãnh đạo chính phủ vẫn có thể sai, nhưng họ chấp nhận rủi ro kinh doanh tương tự, nhưng lại bằng tiền của người khác. Như vậy, các nhà hoạt định chính sách nhận về ít trách nhiệm hơn, và các chính sách là kết quả từ các chuyển động chính trị chứ không từ thực tiễn.
Lịch sử cho thấy tại Mỹ chính sách công nghiệp phần lớn không có hiệu quả, và đã bị xem là “hiệu quả hoạt động kém và chi phí vượt mức”. Vô số thất bại của chính sách công nghiệp cũng có thể tìm thấy ở Mỹ Latinh, Anh, Châu Âu và Ấn Độ, trong khi “những thành công” của các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc dường như bị phóng đại. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế ấn tượng của các quốc gia châu Á không được thúc đẩy bởi chính sách công nghiệp và có thể đã thực sự bị chậm lại bởi chính sách đó. Ví dụ trong giai đoạn 1955-1980 – thời kỳ chính sách công nghiệp Nhật Bản chạm đỉnh, hơn 80% trợ cấp ngân sách ở Nhật Bản dành cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và rất ít dành cho R&D. Hơn nữa, bảo hộ nhập khẩu dường như đã làm giảm tăng trưởng năng suất công nghiệp ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc, vì nó làm cho đầu vào trung gian trở nên đắt đỏ hơn và giảm cạnh tranh trong nước.
Một câu hỏi khác về chính sách công nghiệp là liệu chính phủ có thể thành công trong việc lập kế hoạch tập trung chủ yếu vào kinh tế trong một lĩnh vực nhất định hay không. Chính sách công nghiệp như vậy phân phối lại lợi ích từ các công ty hoạt động hiệu quả sang những công ty hoạt động kém hiệu quả hơn, dù chưa chắc thu hồi vốn tương xứng.
Trong trường hợp của chất bán dẫn, chính phủ Mỹ đang ép buộc phần còn lại của nền kinh tế Mỹ trợ cấp cho một lĩnh vực vốn đã có lợi nhuận cao để thực hiện các hoạt động có giá trị gia tăng thấp hơn. Sự chuyển giao tài nguyên phi thị trường này ban đầu đã được ngành công nghiệp bán dẫn đón nhận nồng nhiệt, tuy nhiên ngành này đã có phản ứng không hài lòng với thông báo kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc sau đó. Các công ty Mỹ hiểu rất rõ rằng điều đó rất có thể sẽ gây tổn hại đến lợi nhuận cũng như khả năng đổi mới và duy trì vị trí lãnh đạo toàn cầu lâu dài của họ.
Mỹ có thể gián tiếp thúc đẩy tiến bộ công nghệ Trung Quốc
Mỹ không cần các biện pháp bảo hộ để cải thiện an ninh quốc gia vì Mỹ đã kiểm soát các công nghệ bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới. Nhưng chính phủ Mỹ hy vọng sẽ hưởng lợi gián tiếp bằng cách hạn chế quân đội Trung Quốc tiếp cận với công nghệ chip tiên tiến và ngăn chặn tiến bộ công nghệ của Trung Quốc nói chung.
Thực tế cho thấy rằng cả Trung Quốc và các quốc gia mới nổi khác thường rất nỗ lực để cung cấp cho quân đội của họ những công nghệ tiên tiến. Trung Quốc đã thành công trong việc chế tạo các máy bay chiến đấu tiên tiến trong khi nước này vẫn đang gặp khó khăn trong việc phát triển máy bay dân dụng nội địa. Bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề trong nhiều năm, Iran đã sản xuất máy bay không người lái chiến đấu hiệu quả bằng công nghệ kép của phương Tây, trong khi Triều Tiên vẫn liên tục thông báo về các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hạt nhân. Các biện pháp hạn chế quốc tế cũng có thể không hiệu quả, như việc Iran né tránh các lệnh trừng phạt dầu mỏ hay các công ty Trung Quốc tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ.
Quan trọng nhất, Trung Quốc có thể phát minh ra các giải pháp kỹ thuật để vượt qua sự phong tỏa nguồn cung chip, ngay cả khi các quy trình có thể kém hiệu quả hơn và đắt đỏ hơn. Ví dụ, xưởng đúc chip logic hàng đầu của Trung Quốc, SMIC, chỉ có thể sản xuất chip 14 nanomet trên quy mô lớn, tụt hậu so với các công ty đầu ngành khoảng 5 năm. Mặc dù phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và bị chặn mua các máy móc sản xuất chip EUV tiên tiến kể từ 2020, SMIC được cho là đã sản xuất thành công chip 7 nanomet tiên tiến bằng cách sử dụng công nghệ cũ. Tuy các chuyên gia cho rằng nỗ lực trên khó tạo ra các sản phẩm khả thi về mặt thương mại, đây mới chỉ khởi đầu cho các bước đi của Trung Quốc. Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc nằm trong danh sách đen, đã phải vật lộn để cứu vãn hoạt động kinh doanh thiết bị di động và 5G của mình bằng cách đổi mới sang cách “lắp ráp tiên tiến” chip để tăng hiệu suất của chúng.
Các hạn chế xuất khẩu của Mỹ không có khả năng ngăn cản Trung Quốc xây dựng quân đội và mục đích thực sự của Nhà Trắng vẫn là ngăn chặn sự ảnh hưởng kinh tế nói chung với Trung Quốc. Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã không ngại nỗ lực duy trì “sự dẫn đầu càng lớn càng tốt” về công nghệ, bởi vì sự tiến bộ của Trung Quốc trong khả năng sản xuất và đổi mới đã tăng tốc gần đây. Các công ty Trung Quốc đã trở nên rất cạnh tranh trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng và dẫn đầu thị trường về thiết bị năng lượng tái tạo như quang điện mặt trời, tua-bin gió và pin dung lượng cao, cũng được sử dụng để sản xuất xe điện (EV). Trung Quốc hiện vừa là thị trường xe điện hàng đầu thế giới vừa là nhà sản xuất xe điện lớn nhất. Hiện tại, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào phương Tây chỉ trong hai lĩnh vực chính – đó là chất bán dẫn và hàng không dân dụng.
Có thể hiểu rằng việc Trung Quốc bắt kịp nhanh chóng đã gây bất ổn cho giới chính trị Mỹ, nhưng việc coi bảo hộ công nghiệp và hạn chế thương mại là giải pháp có thể là sai lầm nghiêm trọng. Sự tiến bộ về kinh tế và công nghệ của Trung Quốc diễn ra đồng thời trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, đến nỗi nó không thể là kết quả của việc buộc phải phân phối lại các nguồn lực từ các lĩnh vực năng suất cao sang các lĩnh vực kém hiệu quả hơn trên quy mô lớn như vậy. Đó đúng hơn là kết quả của việc các công ty trong và ngoài nước tận dụng lợi thế thị trường năng động và môi trường kinh doanh thân thiện mà Trung Quốc đã tạo ra trong những năm gần đây. Không phải ngẫu nhiên mà vô số công ty phương Tây tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc, bất chấp chính sách Zero Covid có hại của nước này và những nỗ lực của chính phủ phương Tây nhằm tách rời các công ty trên với Bắc Kinh.
Kết luận
Sự can thiệp của chính phủ Mỹ vào thị trường chất bán dẫn không chỉ gây bất lợi cho bản thân ngành công nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng, mà còn cho thấy các nhà lãnh đạo Mỹ đã mất niềm tin vào sức mạnh của thị trường để thúc đẩy kinh tế. Điều này có thể rất nguy hiểm bởi vì, như George Reisman giải thích, chỉ có cạnh tranh thị trường tự do mới làm tăng năng suất lao động và lợi ích của phân công lao động quốc tế, trong khi việc hạn chế trao đổi quốc tế thường góp phần gây ra các cuộc chiến tranh trong tương lai.
Nếu các chính sách kinh tế sai lầm làm suy yếu vị thế cạnh tranh và tham vọng bá chủ toàn cầu của Mỹ, các nhà lãnh đạo Mỹ có thể ngày càng lún sâu hơn và leo thang cuộc đối đầu thương mại và công nghệ với Trung Quốc thành một cuộc đối đầu chính trị và quân sự. Và nếu Trung Quốc thấy các cơ hội kinh tế và lợi ích chiến lược của mình bị tổn hại nghiêm trọng thì cũng có thể trở nên hung hăng hơn. Điều này đặt ra hiểm họa khôn lường đối với hòa bình, thịnh vượng và tự do cá nhân trên toàn cầu.
Biên dịch: Lê Dân
Về tác giả
TS. Mihai Macovei là nhà nghiên cứu tại Viện Ludwig von Mises, Romania.