Điểm chung giữa whisky – loại rượu nổi tiếng trong văn hoá đại chúng Mỹ và thuyết âm mưu, cụ thể là thuyết âm mưu chính trị là chúng đều rất gây nghiện. Nhưng nếu tiêu thụ nhiều, chúng đều có hại cho sức khoẻ của nước Mỹ.
Như đã đề cập trong bài viết trước về thuyết âm mưu chính trị[1], thuyết âm mưu chính trị đã trở thành một phần quan trọng của đời sống chính trị và xã hội Mỹ. Tuy nhiên, chúng cũng gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với chính trị và an ninh quốc gia Mỹ. Chúng trải dài từ phân cực chính trị, bạo lực súng đạn, khủng bố nội địa và thậm chí là suy giảm vị thế quốc tế của Mỹ. Nhưng không phải mọi thuyết âm mưu chính trị đều có sức mạnh huỷ diệt như vậy. Đa số thuyết âm mưu chính trị của Mỹ không có ảnh hưởng vượt ra khỏi nước Mỹ. Tuy nhiên, ba cặp thuyết âm mưu dưới đây sẽ là ba cặp thuyết âm mưu có ảnh hưởng vượt xa khỏi biên giới Hoa Kỳ.
QAnon và Illuminati – bộ đôi thuyết âm mưu phá hoại ổn định đối nội Mỹ
Bộ đôi thuyết âm mưu QAnon và Illuminati là bộ đôi thuyết âm mưu đại diện cho sự bất ổn về trật tự và niềm tin xã hội của Mỹ. Trong đó, chúng tồn tại những âm mưu được cho là để kiểm soát người dân Mỹ theo ý đồ của riêng một nhóm người. Những nội dung của hai thuyết âm mưu này đại diện cho sự bất ổn về trật tự và niềm tin xã hội của Mỹ với ba lý do sau: Thứ nhất, các nhân vật được đề cập trong hai thuyết ấy không chỉ giàu có bất thường, mà còn có quyền lực áp đảo gần như tuyệt đối. Thứ hai, những hành động được mô tả trong các thuyết âm mưu trên không những mờ ám và gây sốc, mà còn vượt qua những tiêu chuẩn đạo đức mà người bình thường có khả năng chịu đựng và chấp nhận. Vì thế, phản ứng của người nghe với những thông tin này sẽ rất cực đoan và khó đoán. Thứ ba, nội dung của các thuyết âm mưu này cho thấy hệ thống tam quyền phân lập – niềm tự hào của dân chủ kiểu Mỹ, thực chất chỉ là một cái “bánh vẽ”. Điều này sẽ gây ra phẫn nộ rất lớn trong dân chúng Mỹ, từ đó những người cực đoan sẽ dễ dàng nổi lên và gây ra căng thẳng chính trị trong lòng nước Mỹ.
Về phần nội dung, QAnon xoay quanh các nhóm ẩn danh hoạt động trên các website, chủ yếu là 4chan và Reddit lấy tên là QAnon. Mọi chuyện bắt đầu với một tài khoản bí ẩn tên Q, được phỏng đoán là “người trong cuộc” – ám chỉ tư cách quan chức trung – cao cấp trong chính quyền. Q đăng những bài viết với các từ ngữ và câu văn đậm tính bí ẩn, và mọi thông tin trong các bài viết chỉ được rõ ràng khi các người dùng khác bình luận và giải mã những bí ẩn trong nội dung mà Q đăng tải. QAnon bắt đầu hoạt động ở 4chan từ 2017 và đến nay, QAnon đã lan ra rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác.
Tuy nhiên, Illuminati lại là một câu chuyện khác. Illuminati là một hội kín có thật trong lịch sử. Illuminati – có nghĩa là sự khai sáng, đã tồn tại ở vùng Bayern (ngày nay thuộc Đức) từ năm 1775 đến bốn năm trước Cách mạng Pháp. Illuminati tuân theo tinh thần của thời kì Khai sáng – chống mê tín thần quyền, cổ vũ tự do học thuật và bình đẳng giới. Và đó là những gì lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, thuyết âm mưu về Illuminati lại rất khác. Chúng không chỉ có một phiên bản. Chúng có nhiều dị bản khác nhau. Trong số đó, có một giả thuyết phổ biến bậc nhất với nội dung như sau: thực tế thì Illuminati tại Bayern đã sống sót qua cả Cách mạng Pháp và trở thành một siêu chính quyền không những kiểm soát toàn bộ thế giới phương Tây mà còn có ảnh hưởng áp đảo bên ngoài phương Tây. Không chỉ như vậy, Illuminati còn bao gồm những chính trị gia nổi tiếng bậc nhất của phương Tây và Illuminati cũng có nhiều thiết bị bí ẩn có sức mạnh khủng khiếp.
Như vậy, từ nội dung về hai thuyết âm mưu trên, chúng ta có thể thấy rằng, chúng có ba điểm chung sau: thứ nhất, chúng chia sẻ nguồn gốc xuất hiện. Thứ hai, chúng chính là hệ quả của phân cực chính trị nội bộ của Mỹ. Thứ ba, chúng chính là tác dụng phụ của truyền thông đậm tính bè phái vốn phổ biến ở Mỹ từ lúc Internet trở nên phổ biến ở quy mô toàn cầu. Về phần nguồn gốc xuất hiện, sự lan truyền hai thuyết âm mưu này đều xuất hiện từ sự thiếu niềm tin của công chúng Mỹ vào chính quyền, đặc biệt là chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Việc thiếu đi niềm tin do phân cực chính trị đã tạo điều kiện cho các suy nghĩ cho rằng có thế lực lớn hơn đang điều khiển chính trường Mỹ phát triển. Đó chính là nguồn cơn cho QANon và Illuminati. Nói về phân cực chính trị tại Mỹ, bài trước đã nhấn rõ rằng từ thời ông Trump trở đi, phân cực chính trị tại Mỹ đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vì thế, sự phân cực này chia rẽ người dân sâu sắc và tạo ra một lớp người mất đi niềm tin vào chính quyền do đảng khác lãnh đạo. Từ đó, những thuyết QAnon và Illuminati càng phát triển hơn. Mà phân cực chính trị lại chính là hệ quả từ hệ thống truyền thông đậm tính tuyên truyền và bè phái của Mỹ khi Internet nở rộ. Vì vậy, truyền thông Mỹ cũng góp phần làm cho QANon và Illuminati trở nên nổi tiếng.
Tuy nhiên, QAnon và Illuminati vẫn có sự khác biệt không nhỏ. Điểm khác biệt thứ nhất chính là sự tồn tại trên thực tế. QANon chưa bao giờ được xác nhận là có thật. Còn Illuminati đã từng tồn tại trên thực tế, chỉ khác là Illuminati này không quyền lực như trong thuyết âm mưu. Điểm khác biệt thứ hai giữa QANon và Illuminati là sự liên quan đến chính sách đối ngoại Mỹ. Trong khi các nội dung của QANon thuần tuý liên quan đến các chính trị gia Mỹ và chính sách đối nội của Mỹ, nội dung của Illuminati lại dính dáng đến các chính trị gia nước ngoài và chính sách bá chủ toàn cầu của Mỹ.
Khi người Mỹ tiếp nhận những thuyết âm mưu này, họ đã sớm có sự chia rẽ sâu sắc giữa những người tin và không tin. Điều này đặc biệt sâu sắc khi phân cực chính trị tại Mỹ đã và đang trở nên sâu sắc hơn. Những người tin vào các giả thuyết này chủ yếu là những người ủng hộ và hâm mộ ông Trump – những người không thích ông Biden, bà Clinton và đảng Dân chủ. Những người này cũng có thiên hướng bảo thủ và mang đậm tính cách “Nước Mỹ trên hết” hơn. Ở phía ngược lại, những người không thích ông Trump và những người có tư tưởng gần với đảng Dân chủ lại không tin vào hai thuyết này và tích cực chỉ trích chúng, gây ra mâu thuẫn nặng nề hơn trong lòng nước Mỹ.
Hai thuyết này mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách đối ngoại cũng như vị thế quốc tế của Mỹ, chúng vẫn gây ra những thiệt hại cho vị thế quốc tế của Mỹ với tư cách là ngọn cờ đầu của dân chủ và tự do. Sự tồn tại của hai thuyết âm mưu này cho thấy rằng có thể nước Mỹ không minh bạch, dân chủ và tự do như những gì Mỹ hay tuyên truyền. Thêm vào đó, chúng còn ngụ ý rằng Mỹ đúng là đang tích cực can thiệp vào nội bộ các nước – điều trái ngược với các tuyên bố tôn trọng chủ quyền mà Mỹ đã nói. Từ đó, chúng khiến các nước khác dè dặt và nghi ngờ Mỹ nhiều hơn, làm giảm uy tín quốc tế của Mỹ.
Biden – Ukraine và Covid-19 – mối quan hệ phức tạp giữa đối nội và đối ngoại Mỹ
Bộ đôi thuyết Biden – Ukraine và nguồn gốc thực sự của Covid-19 là bộ đôi thuyết âm mưu đại diện cho mối quan hệ phức tạp giữa tình hình đối nội và đối ngoại của Mỹ. Trong đó, chúng tồn tại những âm mưu cho rằng một số chính trị gia và tướng lĩnh cấp cao Mỹ đã tạo ra Covid-19 để thanh lọc thế giới. Những nội dung của hai thuyết âm mưu này đại diện cho sự mối quan hệ phức tạp giữa tình hình đối nội và đối ngoại của Mỹ với ba lý do sau: Thứ nhất, các nhân vật được đề cập trong hai thuyết ấy không chỉ những quyền lực áp đảo gần như tuyệt đối, mà còn là những người được truyền thông và các lực lượng theo chủ nghĩa tự do ủng hộ. Thứ hai, những hành động được mô tả trong các thuyết âm mưu trên không những mờ ám và gây sốc, mà còn vượt qua những tiêu chuẩn đạo đức mà người bình thường có khả năng chịu đựng và chấp nhận. Vì thế, phản ứng của người nghe với những thông tin này sẽ rất cực đoan và khó đoán. Thứ ba, nội dung của các thuyết âm mưu này cho thấy tư tưởng bài Nga, bài Trung đã trở nên cực kì phổ biến trong tư tưởng chính trị Mỹ. Điều này sẽ gây ra không chỉ phẫn nộ rất lớn trong dân chúng Mỹ, mà còn kích động phản ứng từ các quốc gia khác, gây khó cho chính quyền Mỹ.
Về phần nội dung, thuyết Biden – Ukraine xoay quanh nội dung giữa gia đình của Tổng thống Mỹ Joe Biden với chính quyền Ukraine hậu Maidan. Cụ thể, con trai lớn của Tổng thống Mỹ – Hunter Biden là đại diện của các cơ quan quân sự, tình báo và tập đoàn Mỹ đầu tư vào nghiên cứu vũ khí sinh học tại Ukraine. Không những thế, Hunter Biden còn đại diện cho các quỹ phi chính phủ có nhiệm vụ viện trợ chính phủ hậu Maidan và xúc tiến chính sách bài Nga. Và từ tư cách này, Hunter cùng cha đã thu về được nhiều mối lợi kếch xù và quyền lực chính trị áp đảo đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – người vốn không có nền tảng kinh tế mạnh mẽ so với nhà Biden.
Thuyết âm mưu về nguồn gốc Covid-19 có rất nhiều. Tuy nhiên, thuyết âm mưu cho rằng Ukraine là nơi sản xuất Covid-19 hiện đang nổi bật hơn cả. Thuyết này cho rằng, nhà Biden cùng đảng Dân chủ đã phối hợp với chính quyền hậu Maidan nghiên cứu và sản xuất Covid-19 để truyền tải Covid-19 vào nước Nga để xoá sổ quốc gia này. Tuy nhiên, những hành vi trên cùng tài liệu đã bị quân đội Nga phanh phui vào tháng 3/2022 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Và các tài liệu này đã được đăng công khai lên Yandex và các trang Telegram của Bộ Quốc phòng Nga.
Như vậy, từ nội dung về hai thuyết âm mưu trên, chúng ta có thể thấy rằng, chúng có bốn điểm chung sau: thứ nhất, chúng đều xoay quanh Covid-19, nhà Biden và Ukraine. Thứ hai, chúng đều dính dáng đến vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Thứ ba, chúng xuất hiện trong đúng bối cảnh đối đầu giữa Mỹ và một nước nào đó có liên quan trực tiếp đến thuyết âm mưu, cụ thể ở đây là Nga. Thứ tư, chúng nhắm vào đảng Dân chủ. Về phần sự liên hệ giữa Ukraine, nhà Biden và Covid-19, sự lan truyền hai thuyết âm mưu này đều xuất hiện từ sự thiếu niềm tin của công chúng Mỹ vào chính quyền, đặc biệt là chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Thêm vào đó, mặc dù không có thiện cảm với nước Nga và người Nga, nhưng người dân Mỹ cũng đã chán nản khi nghe liên tục các tuyên truyền chống Nga của truyền thông Mỹ. Đó chính là nguồn cơn cho hai thuyết âm mưu trên. Nói về tính bài Nga, mặc dù tính chất bài Nga của chính trị Mỹ không thay đổi, người dân Mỹ vẫn hy vọng vào một lựa chọn ôn hoà và ngoại giao hơn với Nga. Vì thế, hai thuyết âm mưu này lại góp phần khiến người Mỹ lo sợ rằng Nga có thể đáp trả một cách mạnh tay hơn và sẵn sàng can thiệp chính trị Mỹ một cách công khai hơn. Từ đó, niềm tin vào thuyết Biden – Ukraine và các phòng thí nghiệm Covid lại mạnh mẽ hơn. Đó là chưa kể đến tình hình dân chủ tệ hại tại Ukraine – quốc gia được đảng Dân chủ và Biden ca tụng là “đầu tàu của tự do” cùng với kết quả điều tra về nguồn gốc Covid-19 càng khiến người Mỹ nghi ngờ về mối quan hệ giữa nhà Biden, Ukraine và Covid.
Tuy nhiên, Biden – Ukraine và Ukraine – Covid vẫn có sự khác biệt. Đó chính là đảng Cộng hoà không tích cực nói về thuyết Ukraine – Covid. Nga mới là thế lực tích cực nói về thuyết này. Từ tháng 3/2022 đến nay, các thông báo về Ukraine – Covid đã được phía Nga tích cực tung ra trên quy mô toàn cầu. Còn đảng Cộng hoà, đặc biệt là ông Trump hay nói về thuyết Biden – Ukraine hơn. Ông Trump đã từng đề cập đến Biden – Ukraine khi tranh cử Tổng thống vào năm 2020, với kết quả là bị đảng Dân chủ cho là tay trong của Nga.
Khi người Mỹ tiếp nhận những thuyết âm mưu này, sự chia rẽ không sâu sắc như khi tiếp nhận QANon – Illuminati. Lý do cho việc này chính là tư tưởng bài Nga rộng rãi trong chính trị Mỹ. Những người tin vào các giả thuyết này chủ yếu là những người ủng hộ và hâm mộ nước Nga, Liên Xô và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng với những người thực sự chán ghét chính trị Mỹ. Ở phía ngược lại, những người chống Nga và những người có tư tưởng gần với đảng Dân chủ lại không tin vào hai thuyết này và tích cực chỉ trích chúng.
Hai thuyết này mặc dù đã tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại cũng như vị thế quốc tế của Mỹ theo cách rất tàn nhẫn, gây thiệt hại cho vị thế quốc tế của Mỹ với tư cách là ngọn cờ đầu của dân chủ và tự do. Cách đó chính là cho Nga minh chứng để tạo thành lý do chính đáng cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sự tồn tại của hai thuyết âm mưu này không chỉ cho thấy rằng nước Mỹ không minh bạch, dân chủ và tự do như những gì Mỹ hay tuyên truyền mà còn bài Nga đến cực đoan. Thêm vào đó, chúng còn ngụ ý rằng Mỹ, chứ không phài Trung Quốc, mới là bên gây ra Covid-19. Từ đó, chúng khiến các nước khác dần dần xa rời Mỹ và phương Tây để cải thiện quan hệ với Nga.
Osama bin Laden và Edward Snowden – khủng hoảng đối ngoại của Mỹ
Bộ đôi thuyết bin Laden – Snowden là bộ đôi thuyết âm mưu đại diện cho khủng hoảng đối ngoại của Mỹ. Trong đó, chúng tồn tại những âm mưu cho rằng chính phủ Mỹ đã có một số hành động đánh tráo sự thật để giữ quyền lực siêu cường. Những nội dung của hai thuyết âm mưu này đại diện cho khủng hoảng giữa lý thuyết và thực tiễn thi hành chính sách đối ngoại của Mỹ với ba lý do sau: Thứ nhất, các nhân vật được đề cập trong hai thuyết ấy không chỉ được truyền thông chú ý mà còn nắm trong tay những bí mật gây sốc về chính trị quốc tế. Thứ hai, những hành động được mô tả trong các thuyết âm mưu trên không những mờ ám và gây sốc, mà còn vượt qua những tiêu chuẩn đạo đức mà người bình thường có khả năng chịu đựng và chấp nhận. Vì thế, phản ứng của người nghe với những thông tin này sẽ rất cực đoan và khó đoán. Thứ ba, nội dung của các thuyết âm mưu này cho thấy chính quyền Mỹ đã lừa dối người dân rất nhiều. Điều này sẽ gây ra không chỉ phẫn nộ rất lớn trong dân chúng Mỹ, mà còn kích động phản ứng từ các quốc gia khác, gây khó cho chính quyền Mỹ.
Về phần nội dung, thuyết về cái chết của Osama bin Laden xoay quanh thời gian Osama bin Laden thực sự đã chết. Cụ thể, thuyết này cho rằng Osama bin Laden thực sự đã chết vào năm 2003, chứ không phải năm 2010. Không những thế, bin Laden còn không chết trong cuộc đột kích của SEAL. Và thuyết âm mưu này nói rằng bin Laden thực sự là một điệp viên của CIA.
Edward Snowden sau khi được chính quyền Nga chấp nhận tị nạn đã tiết lộ về hệ thống thu thập thông tin của giới tình báo Mỹ. Những thông tin này đã dẫn đến sự hình thành của một thuyết âm mưu cho rằng nước Mỹ đang thực sự can thiệp vào nội bộ quốc gia các nước khác từ đằng sau thông qua hệ thống nghe lén và đọc trộm. Những hành động này đã đi trái ngược hoàn toàn với các tuyên ngôn của Mỹ về tự do, dân chủ và chủ quyền.
Như vậy, từ nội dung về hai thuyết âm mưu trên, chúng ta có thể thấy rằng, chúng có ba điểm chung sau: thứ nhất, chúng đều gây sốc cho công luận Mỹ. Thứ hai, chúng đều dính dáng đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Thứ ba, chúng xuất hiện từ những đồn thổi truyền miệng. Về phần sự gây sốc, sự sốc này mạnh mẽ không phải vì người dân mất niềm tin vào chính quyền Mỹ. Người dân Mỹ khi nghe những thông tin về thuyết âm mưu bin Laden và Snowden mất niềm tin vào giá trị Mỹ – giá trị của chủ nghĩa tự do, dân chủ, nhân quyền. Giá trị Mỹ chính làđiều mà người Mỹ luôn cố gắng để truyền bá ra ngoài giới. Và việc nghe được hai thuyết âm mưu này đã cho người Mỹ thấy thái độ của các quốc gia khác đối với giá trị Mỹ và cách người Mỹ truyền bá chúng. Vì thế, hai thuyết âm mưu này lại góp phần khiến người Mỹ mất đi niềm tự hào quốc gia, từ đó phản đối chính sách của chính phủ nhiều hơn. Nhưng điều còn phiền toái hơn là sự truyền miệng của các thuyết âm mưu này tuy nhỏ lẻ và phân tán, chúng lại dễ gây ra dị bản, từ đó càng khó kiểm soát hơn.
Tuy nhiên, cái chết của bin Laden và câu chuyện của Edward Snowden vẫn có sự khác biệt. Đầu tiên, đó chính là độ rõ ràng của hai thuyết này. Trong khi chính quyền Mỹ đã thừa nhận có mạng lưới nghe lén như Snowden mô tả, cái chết của bin Laden cho tới nay vẫn còn gây tranh cãi. Điểm khác biệt thứ hai là bin Laden từng tham gia chống Liên Xô trong những năm 1979-1989, còn Snowden lại chọn Nga làm điểm đến để kể lại câu chuyện.
Khi người Mỹ tiếp nhận những thuyết âm mưu này, sự chia rẽ không sâu sắc như khi tiếp nhận QANon – Illuminati. Lý do cho việc này khá tương tự với thuyết Biden – Ukraine – Covid – tư tưởng bài Nga và bài Hồi giáo mạnh mẽ ở Mỹ. Tuy nhiên, do mất niềm tin vào giá trị Mỹ, những người Mỹ tin vào các tuyết này vẫn có số lượng không nhỏ. Thêm vào đó, với ảnh hưởng từ thuyết QANon – Illuminati, không khó hiểu khi sự ngờ vực và phân cực chính trị từ hai thuyết này được tăng lên không ít.
Hai thuyết này đã tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại cũng như vị thế quốc tế của Mỹ theo với tư cách là ngọn cờ đầu của dân chủ và tự do. Cách đó chính là cho các nước khác thấy họ không tốt đẹp như tuyên truyền. Sự tồn tại của hai thuyết âm mưu này không chỉ cho thấy rằng nước Mỹ không minh bạch, dân chủ và tự do như những gì Mỹ hay tuyên truyền mà còn sẵn sàng can thiệp thô bạo vào nội bộ nước khác; từ đó, chúng khiến các nước khác dần dần xa rời Mỹ.
Tác giả: Nguyễn Trần Hoàng Anh