Dù Nga phải gánh chịu hậu quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, gần 1/5 lãnh thổ của Ukraine vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của Nga. Nếu Liên minh châu Âu tiếp tục phải chịu đựng những tổn thất kinh tế nghiêm trọng trong khi hành động gây hấn của Nga vẫn tiếp tục được tiến hành thì các biện pháp trừng phạt Nga của châu Âu dường như đang trở thành chiêu “gậy ông đập lưng ông”.
Theo quan niệm chung, các biện pháp trừng phạt – một công cụ ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại của phương Tây – sẽ gây ra tổn thất đáng kể cho các đối tượng bị áp dụng mà không khiến các quốc gia áp đặt chúng phải trả giá đắt. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga – nhằm trừng phạt nước này vì cuộc chiến nhằm vào Ukraine – lại không đáp ứng điều kiện này.
Trọng tâm trong kế hoạch trừng phạt Nga của EU là nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, nguồn cung cấp năng lượng hỗ trợ cho sự phát triển của EU từ lâu, thay thế bằng cách tăng cường sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ và các nơi khác. Nhưng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ lâu đã được coi là một giải pháp thay thế đắt đỏ (và thải nhiều carbon) so với khí ga thông thường: trước khi Nga tấn công Ukraine, LNG đắt gấp 4-5 lần so với khí đốt tự nhiên. Hiện tại, giá LNG thậm chí còn có đắt cắt cổ hơn: kể từ khi chiến tranh bắt đầu, giá LNG đã tăng hơn gấp đôi.
Nhưng với việc Chính phủ Nga cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu, để đảm bảo rằng Nga – chứ không phải EU – là bên quyết định thời hạn của các nỗ lực loại bỏ dần nguồn cung cấp của Nga, các nước châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu LNG. Điều này đang tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với cơ sở sản xuất của châu Âu, đến mức một số công ty châu Âu hiện đang xem xét chuyển sản xuất sang Mỹ, nơi không chỉ cung cấp nhiên liệu rẻ hơn mà còn cung cấp các khoản trợ cấp và tín dụng thuế lớn theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mới.
Quyết định quay lưng lại với khí đốt của Nga của châu Âu đã làm tăng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế trầm trọng. Giá xăng tăng vọt – cao gấp 14 lần so với hai năm trước – đã thúc đẩy lạm phát và gây bất ổn thị trường tài chính khu vực đồng euro. Do đó, trong khi các nền kinh tế của Châu Âu đang trên bờ vực suy thoái và chi phí sinh hoạt đang tăng vọt, nguy cơ mất điện luân phiên đang dần rõ ràng hơn.
Việc các nhà hoạch định chính sách châu Âu áp dụng các biện pháp tuyệt vọng như áp giá trần và thuế quan theo quy định có thể làm trầm trọng thêm tình hình. Để tiết kiệm khí đốt, một số chính phủ châu Âu thậm chí đã chuyển sang sử dụng than đá. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo châu Âu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cầu xin Tổng thống Mỹ Joe Biden giảm bớt áp lực lên nền kinh tế châu Âu bằng cách điều chỉnh một số điều khoản gây tranh cãi của IRA. Nhiều tháng sau khi thông qua thỏa thuận củng cố và mở rộng NATO, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang bắt đầu rạn nứt.
Một điều mà EU dường như không muốn xem xét là thay đổi lộ trình về các biện pháp trừng phạt. Chỉ riêng trong tháng này, EU đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga và cùng với các đối tác G7 đưa ra mức trần giá 60 USD/thùng.
Các biện pháp trừng phạt của châu Âu gợi lại Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley năm 1930 của Mỹ, đạo luật này đã tăng đáng kể thuế nhập khẩu đối với hơn 20.000 hàng hóa. Thay vì bảo vệ được ngành công nghiệp Mỹ, thuế quan đã khiến các quốc gia khác trả đũa, làm sâu sắc thêm cuộc Đại suy thoái và góp phần vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan chính trị, đặc biệt là ở châu Âu.
Ngày nay, nền chính trị của nhiều nước châu Âu cũng đang lảo đảo dịch chuyển thiên về cánh hữu. Đảng cầm quyền hiện tại của Ý bắt nguồn từ phong trào Phát xít của Benito Mussolini; tương tự như vậy, Đảng Dân chủ Thụy Điển có nguồn gốc tân Quốc xã. Ở Ba Lan và Hungary, các chính phủ cánh hữu thể hiện xu hướng độc tài ngày càng tăng. Nếu giá năng lượng tăng vọt và lạm phát phi mã làm xấu đi các điều kiện kinh tế – một kịch bản có thể xảy ra trong ngắn hạn – thì các lực lượng cực hữu có thể giành được nhiều vị thế hơn nữa trên khắp châu Âu.
Có thể có ý kiến cho rằng cái giá quá lớn khi thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga vẫn có thể chịu được, nếu các biện pháp trừng phạt này gây cản trở đáng kể đối với nỗ lực tiến hành chiến tranh của Nga. Nhưng trong khi Nga chắc chắn đã chịu tổn thất, Ukraine đã đạt được một số chiến thắng quân sự nhất định, thì gần 1/5 lãnh thổ Ukraine vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của Nga. Nếu EU cũng đang phải chịu quá nhiều tổn thất, trong khi hành động gây hấn của Nga vẫn tiếp tục diễn ra, thì các biện pháp trừng phạt sẽ đồng nghĩa với việc EU đang tự trừng phạt mình. Đây là lý do tại sao sự phẫn nộ mang ý nghĩa đạo đức, dù hợp lý đến đâu, không bao giờ nên là nguyên nhân chính để đưa ra các chính sách.
Chắc chắn rằng, EU từ lâu đã nổi tiếng với hình ảnh quốc tế là một lực lượng đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và một trật tự dựa trên luật lệ. Điều này đã củng cố cho quyết định đưa ra các phản ứng táo bạo, song tốn kém, đối với sự gây hấn của Nga. Tuy nhiên, nếu EU đưa ra quyết định dựa trên những cái đầu lạnh thay vì những trái tim nóng, thì EU chắc chắn sẽ hiểu rõ rằng sự chuyển đổi nhanh chóng khỏi nguồn cung cấp năng lượng của Nga sẽ làm suy yếu vị thế toàn cầu của EU khi làm sứt mẻ các cam kết và quan niệm về tính bền vững của khối này – điển hình là việc chuyển sang sử dụng than đá – và gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đồng thời gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn với các nước nghèo.
Với việc EU chiếm 11% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu, nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung cấp thay thế chắc chắn sẽ phá vỡ toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Rốt cuộc, các nguồn cung cấp thay thế mà EU đảm bảo không hề có sẵn. Nguồn cung cấp dầu mỏ và LNG quốc tế đã cạn kiệt và không có đủ năng lực sản xuất để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung cấp của Nga.
Kết quả là, khi EU từ chối năng lượng của Nga, thế giới đột nhiên phải đối mặt với tình trạng khan hiếm năng lượng, khi các quốc gia ở châu Á, châu Mỹ Latinh và nhiều nơi khác mất khả năng tiếp cận một số nguồn cung cấp mà họ từng phụ thuộc. Trên thực tế, giá khí đốt ở châu Âu tăng cao đã khuyến khích một số chủ hàng chuyển hướng vận chuyển LNG từ châu Á sang châu Âu.
Trong một thời gian dài, EU đã tin rằng các mối quan hệ kinh tế và thương mại có thể được quản lý mà không cần quan tâm đến các cân nhắc về chính sách đối ngoại và an ninh. Chiến tranh Ukraine khiến cách tiếp cận này không thể thực hiện được. Nhưng điều này lẽ ra phải thúc đẩy một cuộc tranh luận được cân nhắc nhiều hơn về những gì sẽ xảy ra tiếp theo, thay vì một sự chuyển đổi đột ngột khỏi nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Đây là một quyết định lớn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh kinh tế xã hội của Châu Âu; thông qua việc thực hiện các biện pháp trên một cách hấp tấp, EU đã phạm phải một sai lầm chiến lược lớn.
Hành động của Nga ở Ukraine rõ ràng là phi lý và vô lương tâm. Nhưng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu châu Âu phản ứng bằng cách làm tổn hại khả năng cạnh tranh và vị thế toàn cầu của chính mình. Có thể sẽ mất nhiều năm để châu Âu phục hồi sau cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có mà EU đã góp phần tạo ra.
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả
Brahma Chellaney là GS. Nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi, nhà nghiên cứu tại Học viện Robert Bosch ở Berlin; đồng thời là tác giả của cuốn sách “Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis” (Rowman & Littlefield, 2013).