(*) Tiêu đề bài viết do BBT đặt
Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) của Trung Quốc cho thấy nỗ lực của nước này trong việc thể hiện vai trò an ninh ngày càng tăng và xác định cách tiếp cận của nước này đối với trật tự quốc tế. Cụ thể, GSI có thể mang đến cho Trung Quốc cơ hội xây dựng các liên minh không chính thức gồm các quốc gia có cùng chí hướng, đồng thời thiết lập vai trò định hình các cuộc đối thoại trong tương lai. Chuyên gia Andrew Cainey thuộc Viện nghiên cứu an ninh Hoàng gia Anh gần đây có bài viết cho rằng sẽ là một sai lầm nếu đánh giá thấp Sáng kiến an ninh toàn cầu này của Trung Quốc và đã đến lúc phương Tây cần phải xem xét kỹ lưỡng sáng kiến này. Nội dung bài viết như sau:
Bằng cách kết hợp ba từ “sáng kiến”, “an ninh”, và “toàn cầu” tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vào tháng 4/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố về sự can dự hơn nữa trên toàn cầu của Trung Quốc. Vào thời điểm mà nhiều người nói về việc Trung Quốc đang hướng nội, đây là một dấu hiệu khác cho thấy Trung Quốc tiếp tục nuôi dưỡng tham vọng trên trường quốc tế. Sáu tháng sau, xuất hiện các thông tin về các đơn vị cảnh sát Trung Quốc trái phép ở nước ngoài tại Anh, Ireland và các nơi khác. Đây có phải là dấu hiệu ban đầu của GSI hay một điều gì đó hoàn toàn khác?
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã mô tả sáu “cam kết cốt lõi” trong GSI. Như thường lệ, với những tuyên bố như vậy, cách diễn đạt rất đáng khen ngợi và khó có thể không đồng ý. Chẳng hạn, ai sẽ không đồng ý với ‘tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững’, hay ‘tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia’? Trong sáu cam kết, cam kết duy trì “an ninh không thể chia cắt” đã thu hút nhiều thảo luận nhất. Nga đã sử dụng cụm từ này để biện minh cho cuộc chiến với Ukraine. Tuy nhiên, thuật ngữ này bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh và được các đối tác NATO nhất trí trong Hiệp ước Helsinki năm 1975. Theo đó, an ninh của mỗi quốc gia trong một khu vực gắn bó chặt chẽ với an ninh của mọi quốc gia khác. Khi nhiều người lo sợ rằng thế giới đang ở trong hoặc tiến gần tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, công thức này có thể rất phù hợp.
Như mọi khi, không phải từ ngữ – vốn có thể được sử dụng linh hoạt với ý nghĩa mơ hồ – mà là cách giải thích chúng và các hành động mới là vấn đề. Làm thế nào để lập trường của Trung Quốc về Ukraine phù hợp với việc tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết hòa bình các khác biệt và tranh chấp? Ai sẽ quyết định áp dụng vấn đề chủ quyền và ở khu vực nào, có thể là ở Đài Loan hay biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)?
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã muốn tăng cường “sức mạnh diễn ngôn” của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới. Họ tìm cách định hình các câu chuyện và ý nghĩa của các từ theo cách hiểu của Trung Quốc hơn là của phương Tây. Tại Liên hợp quốc, Trung Quốc đang tìm cách sửa đổi định nghĩa đã được chấp nhận về nhân quyền. GSI là một phần trong nỗ lực nhằm thay đổi quan điểm về an ninh vào thời điểm toàn thế giới đang gia tăng mối quan ngại về Trung Quốc. Chúng ta hãy xem xét từng từ một để làm sáng tỏ ý nghĩa của GSI.
An ninh
Tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố an ninh nhân dân là “mục tiêu cuối cùng”, với an ninh chính trị – duy trì sự cai trị của Đảng và ổn định xã hội – là “nền tảng”. Định nghĩa của ông về “an ninh” bao gồm tất cả các khía cạnh và lĩnh vực. “Khái niệm an ninh quốc gia toàn diện” của Tập Cận Bình hiện bao gồm 16 khía cạnh khác nhau. Bên cạnh an ninh quân sự và lãnh thổ là an ninh văn hóa, kinh tế, xã hội, sinh thái và tài nguyên. Ngoài ra, còn có an ninh vùng cực, an ninh biển sâu, an ninh không gian và an ninh cho các lợi ích ở nước ngoài, vốn dĩ nằm ngoài biên giới của Trung Quốc.
GSI đánh dấu một sự thay đổi rõ ràng khỏi lập trường phát triển kinh tế của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), mặc dù sáng kiến đó cũng có các khía cạnh an ninh. Phạm vi của GSI có khả năng là bao gồm “mọi thứ” – từ phòng chống đại dịch và biến đổi khí hậu đến bảo vệ công dân Trung Quốc ở nước ngoài và hành động chống lại “sự can thiệp của nước ngoài” vào các vấn đề của Trung Quốc. Trọng tâm là bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc – bằng cách hành động đơn phương khi cần thiết hoặc bằng cách hợp tác với các bên khác về các vấn đề an ninh chung, chẳng hạn như không phổ biến vũ khí hạt nhân hoặc biến đổi khí hậu. Chỉ khi đó, Trung Quốc mới có tiềm năng trở thành nhà cung cấp an ninh, dù theo một cách hạn chế. Trung Quốc không đề xuất thành lập một chiếc ô an ninh cho nước khác; tuy nhiên, Trung Quốc có thể cung cấp kinh nghiệm về an ninh nội bộ, kiểm soát trật tự công cộng và kiểm duyệt Internet cho các chính phủ khác có quan tâm.
Sáng kiến
GSI không phải là một liên minh cũng không phải là một tổ chức chính thức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Sáng kiến này chưa có chi tiết cụ thể hay một kế hoạch hoặc một chương trình. Đó là một “sáng kiến” được xác định một cách mơ hồ và có thể thay đổi hình thức, nhưng nó vẫn không kém phần quan trọng và có tính lâu dài. Thông qua BRI, chúng ta có thể thấy các dấu hiệu về cách GSI có thể phát triển ở bốn khía cạnh quan trọng.
Đầu tiên, thuật ngữ này đóng vai trò là một hình thức xây dựng thương hiệu cho các hành động của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và có thể bao gồm hầu hết mọi lĩnh vực. Thứ hai, các hoạt động đã có từ trước được giới thiệu lại như một phần của sáng kiến nhằm chứng minh GSI có nội dung thực chất đằng sau các từ ngữ. GSI đã được thêm vào các thỏa thuận hiện có của Trung Quốc với châu Phi như Tầm nhìn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi 2035. Thứ ba, sáng kiến đóng vai trò là lời kêu gọi hành động đối với các quan chức trên khắp Trung Quốc để tìm cách biến GSI thành hiện thực, để thể hiện cam kết chính trị và cũng để sử dụng tên gọi này nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của Bắc Kinh. Những đơn vị cảnh sát ở nước ngoài của Trung Quốc không đại diện cho kế hoạch tổng thể lớn nào nhằm thiết lập sự hiện diện của cảnh sát Trung Quốc ở nước ngoài. Chúng dường như là những sáng kiến cấp tỉnh, đã được tiến hành trước khi Tập Cận Bình công bố GSI. Tuy nhiên, một số quan chức đầy tham vọng chắc chắn có thể biện minh rằng đây là một phần của sáng kiến. Cuối cùng và cũng rất quan trọng, bản chất thực sự của GSI sẽ thay đổi tùy thuộc vào các ưu tiên chính sách, nguồn lực sẵn có và phản ứng của các quốc gia khác.
Toàn cầu
Từ “toàn cầu” có vẻ có ý nghĩa rõ ràng nhất. Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc mong muốn đóng góp tầm nhìn của riêng mình về quản trị toàn cầu. Liên hợp quốc có vai trò trung tâm trong tầm nhìn này, bao gồm tất cả các quốc gia trên thế giới và đại diện cho cái mà Trung Quốc gọi là “chủ nghĩa đa phương thực sự”. Điều này trái ngược với những gì Trung Quốc gọi là “chính trị nhóm, độc quyền…” hoặc áp đặt “các quy tắc do một số quốc gia đưa ra với cái cớ là chủ nghĩa đa phương” – nói cách khác là ám chỉ phương Tây, NATO, G7 hoặc các nhóm tương tự.
Nhưng ý nghĩa “toàn cầu” trên thực tế là không rõ ràng. Mỗi quốc gia nhìn thế giới với quan điểm riêng dựa trên địa lý, văn hóa, kinh tế và ý thức hệ của riêng mình. Một số quan điểm sẽ dễ dàng phù hợp hơn những quan điểm khác trong GSI. Tại cuộc họp của nhóm SCO vào tháng 9/2022, Azerbaijan, Belarus, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan là những nước ủng hộ GSI nhiều nhất. Pakistan cũng đã có tuyên bố ủng hộ tương tự. Tại cuộc họp tháng 6/2022 của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tập Cận Bình đã kêu gọi các quốc gia ủng hộ GSI, nhưng không có cam kết nào được đề cập trong bản thông báo nội dung cuộc họp. Một GSI gồm các bên ủng hộ mạnh mẽ nhất là các thành viên SCO sẽ rất khác với một GSI tập trung vào biến đổi khí hậu, phòng chống đại dịch, không phổ biến vũ khí hạt nhân và các hàng hóa công toàn cầu khác. Và kết hợp cả hai nhiệm vụ này sẽ là điều khó khăn.
Phương Tây nên phản ứng như thế nào
Đánh giá thấp hoặc coi thường GSI chỉ vì sáng kiến này quá rộng và khó xác định sẽ là một sai lầm. Điều quan trọng là phải theo dõi xem sáng kiến được phát triển như thế nào: Trung Quốc đầu tư vào đâu và nỗ lực như thế nào; và sự ủng hộ mà nước này nhận được từ các quốc gia khác nhau. Chính vì quy mô của GSI nên các nước phương Tây khó có thể tham gia và cũng không nên tham gia toàn bộ sáng kiến, giống như cách mà một số nước đã làm với BRI. Tương tự, từ chối bất kỳ can dự nào về các mối quan tâm chung toàn cầu là phản tác dụng.
Một cách tiếp cận tốt hơn là làm việc trong các lĩnh vực cụ thể. Cách tiếp cận như vậy sẽ phân biệt rõ ràng giữa các lĩnh vực cần hợp tác đa phương lớn hơn (ví dụ: biến đổi khí hậu, sức khỏe toàn cầu), các lĩnh vực cần đạt được thỏa thuận về các yêu sách và cách tiếp cận cạnh tranh (ví dụ: không gian, khả năng tiếp cận vùng cực), và các lĩnh vực mà Trung Quốc và phương Tây có cách tiếp cận khác biệt rõ rệt (ví dụ: an ninh nội bộ, quản lý Internet). Tiến bộ đáng kể về những vấn đề này sẽ xảy ra thông qua thảo luận về các chi tiết cụ thể hơn là những lập luận khoa trương. Thêm từ “an ninh” sau mỗi vấn đề mà thế giới phải đối mặt sẽ không giúp ích gì nhiều để thúc đẩy các giải pháp. Mặc dù điều này có thể phù hợp với một thế giới kém an toàn, nhưng làm vậy sẽ lại kết hợp những rủi ro chung mà chúng ta có với những rủi ro mà các quốc gia, tổ chức và cá nhân gây ra cho nhau. Trong môi trường hiện tại, sự kết hợp giữa “Trung Quốc” và “an ninh” có nguy cơ dẫn đến một cách giải thích mang tính đối đầu ngay từ đầu. Nó gợi nhớ đến “các đơn vị cảnh sát Trung Quốc ở nước ngoài” hơn là nỗ lực ngăn chặn đại dịch tiếp theo.
Cạnh tranh để thiết lập các điều khoản và ngôn ngữ của cuộc tranh luận chính sách toàn cầu đã thực sự trở nên khốc liệt hơn. GSI có khát vọng được nhiều nước coi là mang tính chào đón tất cả các quốc gia. Nhiều quốc gia hoan nghênh cơ hội xem xét lại một loạt vấn đề chính sách. GSI mang đến cho Trung Quốc cơ hội xây dựng các liên minh không chính thức gồm các quốc gia có cùng chí hướng (thường là các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp) đồng thời thiết lập vai trò định hình cuộc đối thoại. Các nước phương Tây cần đảm bảo rằng họ cũng đang định hình và đóng góp vào những cuộc tranh luận này và luôn chú ý đến các giải pháp thiết thực cho các vấn đề cấp bách./.
Tác giả: Andrew Cainey
Biên dịch: Trần Thị Quyên
Về tác giả: Andrew Cainey đã sống và làm việc trong gần 25 năm qua ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore để tư vấn cho các doanh nghiệp và chính phủ. Các lĩnh vực trọng tâm cụ thể của ông liên quan đến sự phát triển của Trung Quốc, vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trên khắp châu Á và trên toàn cầu, sự phát triển của ngoại giao kinh tế và sự phát triển của quản trị toàn cầu. Ông từng là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Toàn cầu Fung ở Hồng Kông; thành viên liên kết trong Chương trình châu Á-Thái Bình Dương của Chatham House; thành viên cao cấp trong Chương trình Quản lý Khủng hoảng và An ninh (Trung tâm Quốc tế) tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. Ông Cainey có bằng Thạc sĩ Kinh tế của Đại học Clare, Cambridge và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Trường Kinh doanh Harvard.