Ngày 26/12/2022, tân Ngoại trưởng Trung Quốc đã đăng bài viết có tựa đề “Trung Quốc nhìn nhận thế giới như thế nào?” trên tạp chí National Interest. Đáng chú ý, tại thời điểm bài viết được đăng tải, ông Tần Cương vẫn đang giữ cương vị là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Trung Quốc tại Mỹ. Sau đó ít ngày, ông đã được bổ nhiệm thay thế vị trí của cựu Ngoại trưởng Vương Nghị. Dưới đây là toàn văn bài viết của tân Ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang):
Là cư dân của cùng một thế giới, chúng ta nên và có thể lắng nghe lẫn nhau, thu hẹp khoảng cách trong nhận thức về thế giới và khám phá cách để hòa hợp dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình, hợp tác cùng có lợi.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), CPC đã bắt đầu một hành trình mới và sự phát triển của Trung Quốc cũng vậy. Tư duy của những người Cộng sản Trung Quốc như đã nêu tại Đại hội Đảng lần này, không chỉ quyết định hướng đi của Trung Quốc mà còn chắc chắn tác động đến tương lai thế giới.
Giống như thế giới quan của mọi người về cơ bản định hình cách họ chọn để tương tác với thế giới, điều này cũng đúng đối với các quốc gia và các đảng phái chính trị. Đại hội Đảng đã tái khẳng định rằng Trung Quốc cam kết thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại là duy trì hòa bình thế giới và thúc đẩy sự phát triển chung, đồng thời vẫn tận tâm xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại. Một tuyên bố chính thức, cởi mở như vậy về thế giới quan của ĐCSTQ đã làm sáng tỏ cách thức nó tương tác với thế giới.
Nhìn thế giới như một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai đương nhiên dẫn đến con đường cải cách, mở cửa và hợp tác cùng có lợi. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thành lập 21 khu thương mại tự do thí điểm và tăng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước này đã ký từ 10 lên 19, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – FTA lớn nhất trên thế giới. Các nhà đầu tư nước ngoài đã được tạo điều kiện một cách toàn diện, danh sách các hạng mục tiêu cực đã được giảm xuống còn 31 thay vì 93 như ban đầu. Các chủ thể thị trường của Trung Quốc đã tăng vọt lên hơn 160 triệu. Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đứng thứ 31 toàn cầu trong Bảng xếp hạng Mức độ thuận lợi kinh doanh, tăng 65 bậc trong 10 năm. Với thành tích này, mọi người nên suy nghĩ thật kỹ về tính xác thực và mục đích thực sự khi nghe những lời phàn nàn về việc Trung Quốc “đi lùi” trong cải cách và mở cửa hoặc đã “để mất nước Mỹ”.
Nhìn thế giới như một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai đương nhiên sẽ dẫn đến con đường phát triển hòa bình. Sự phát triển của Trung Quốc có nghĩa là một lực lượng mạnh mẽ hơn cho hòa bình, chứ không phải là một cường quốc đang phát triển sẵn sàng “phá vỡ hiện trạng” như một số người gọi. Căng thẳng trên eo biển Đài Loan không phải do Trung Quốc Đại lục phá vỡ nguyên trạng tạo ra, mà do những kẻ ly khai “Đài Loan độc lập” và các thế lực bên ngoài liên tục thách thức nguyên trạng của chính sách “một Trung Quốc”. Trong trường hợp Biển Hoa Đông, chính Nhật Bản đã nỗ lực “quốc hữu hóa” đảo Điếu Ngư cách đây 10 năm, làm thay đổi “hiện trạng” giữa Trung Quốc và Nhật Bản về việc đồng ý gác lại những khác biệt. Ở Biển Đông, hiện trạng là các nước trong khu vực đang tham khảo ý kiến về một Bộ Quy tắc ứng xử sẽ dẫn đến các quy tắc có ý nghĩa và hiệu quả cho khu vực.
Trung Quốc hết sức lo ngại về tình hình ở Ukraine. Mặc dù vô cùng đau buồn, nhưng những gì đã xảy ra ở đó cho thấy một số bài học quan trọng: xung đột và chiến tranh không tạo ra người chiến thắng; không có giải pháp đơn giản cho một vấn đề phức tạp; phải tránh đối đầu giữa các nước lớn. Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cũng như đối thoại giữa Mỹ, EU, NATO và Nga. Về lâu dài, mọi người phải nhận ra rằng đặt nền tảng an ninh của mình trên nền tảng an ninh của các quốc gia khác sẽ không hiệu quả; cần phải thiết lập một khuôn khổ an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững. Không có lựa chọn nào khác ngoài điều này.
Nhân loại đã trải qua nhiều ngã rẽ trong thế kỷ XX. Bây giờ chúng ta đã đi đến ngã rẽ đầu tiên của thế kỷ XXI: đại dịch vẫn chưa kết thúc sau ba năm; các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và năng lượng toàn cầu lần lượt xuất hiện; một cuộc suy thoái kinh tế đang rình rập; và nhiều xung đột dường như sắp xảy ra. Vào thời điểm như vậy, liệu thế giới sẽ tiếp tục đón nhận một thế kỷ dũng cảm mới, hay sẽ chịu khuất phục trước lối mòn của thế kỷ trước? Điều này phụ thuộc vào sự lựa chọn của người dân các nước, trong đó có người dân Mỹ.
Nếu mọi người chọn nhìn thế giới từ quan điểm “dân chủ so với chủ nghĩa độc đoán”, rất có thể họ sẽ mở ra một thế giới đầy chia rẽ, cạnh tranh và xung đột; nhưng nếu họ coi thế giới là một cộng đồng có chung tương lai, thì sự cởi mở, hợp tác và kết quả đôi bên cùng có lợi sẽ là thành quả của sự lựa chọn này. Như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh trong cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Bali vào tháng trước, thế giới đủ lớn để hai nước cùng phát triển và thịnh vượng. Quan hệ Trung Quốc – Mỹ không nên là một trò chơi có tổng bằng không, trong đó một bên cạnh tranh với bên kia hoặc phát triển mạnh bằng cái giá phải trả của bên kia. Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện chia sẻ nhiều lợi ích chung hơn chứ không phải ít hơn. Đây là cách khái niệm về một cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại phản ánh trong quan hệ Trung Quốc – Mỹ.
Sự khác biệt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ – về lịch sử, văn hóa, hệ thống xã hội và con đường phát triển – rất có thể sẽ tồn tại trong 100 năm nữa. Nhưng với tư cách là cư dân của cùng một thế giới, chúng ta nên và có thể lắng nghe nhau, thu hẹp khoảng cách trong nhận thức về thế giới và khám phá cách để hòa thuận dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi.
Người dân Trung Quốc đang trông đợi người dân Mỹ đưa ra lựa chọn đúng đắn./.
Biên dịch: Hoàng Hải
Nguồn bài viết: Qin Gang, “How China Sees the World”, The National Interest, 26.12.2022.