Cách tiếp cận mới của Chính phủ Italia đối với châu Phi tập trung vào vấn đề năng lượng sẽ giúp nước này củng cố an ninh năng lượng của chính mình và định vị mình là trung tâm khí đốt tự nhiên tiếp theo của châu Âu. Nhưng, những thách thức về cơ sở hạ tầng trong nước và rủi ro ở khu vực Bắc Phi sẽ là những trở ngại lớn để Chính phủ Thủ tướng Giorgia Meloni hoàn thành được mục tiêu đặt ra
Sau khi nhậm chức vào cuối năm 2022, Thủ tướng Giorgia Meloni đã thực hiện một loạt chuyến thăm cấp cao tới khu vực Bắc Phi và Địa Trung Hải nhằm củng cố quan hệ giữa Italia với các quốc gia này, trong đó, vấn đề năng lượng là một trong những nội dung chủ yếu. Chẳng hạn, Thủ tướng Meloni đã đến Thủ đô Tripoli của Libya vào ngày 27-28.01.2023 để thảo luận việc tăng cường hợp tác về năng lượng và vấn đề di cư với Abdul Hamid Dbeibah, Thủ tướng của Chính phủ Thống nhất Quốc gia của Libya, hiện đang được quốc tế công nhận. Tại đây, bà đã chứng kiến lễ ký kết một thỏa thuận khí đốt tự nhiên trị giá 8 tỷ USD giữa Tập đoàn Dầu khí Eni của Italia và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC), cũng như các thỏa thuận thực hiện các dự án thu hồi carbon và năng lượng mặt trời. Trước đó, Meloni đã đến thăm Thủ đô Algiers của Algeria vào ngày 22-23.01.2023 để thảo luận với Tổng thống Abdelmadjid Tebboune và Thủ tướng Aymen Benabderrahmane, đồng thời bà cũng chứng kiến lễ ký kết một loạt thỏa thuận mới nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế và năng lượng song phương. Trong chuyến thăm, Tập đoàn Eni và Tập đoàn Sonatrach (thuộc sở hữu nhà nước của Algeria) đã ký một loạt thỏa thuận mới nhằm tăng hơn nữa hoạt động xuất khẩu khí đốt của Algeria sang Italia, giảm lượng khí thải carbon và xây dựng đường ống khí đốt thứ hai nối hai nước.
+ Ngày 21-22.01.2023, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani đã đến thăm Ai Cập, gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Ahmed Aboul-Gheit để thảo luận về cuộc xung đột ở nước láng giềng Libya và các vấn đề hợp tác song phương khác nhau. Trước đó, ngày 16.01.2023, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Eni, ông Claudio Descalzi đã gặp Tổng thống al-Sisi để ký một biên bản ghi nhớ về việc tập đoàn này sẽ hỗ trợ Ai Cập trong việc giảm lượng khí thải carbon, tập trung vào việc sử dụng khí đốt.
+ Tajani cũng đã gặp Tổng thống Tunisia Kais Saied tại Tunis vào ngày 18.01.2023, gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara vào ngày 13.01.2023 và Thủ tướng Liban Najib Mikati tại Beirut vào ngày 23-24.12.2022.
+ Ngày 23.12.2022, bà Meloni đến Baghdad để gặp Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani. Hai nhà lãnh đạo đã thông báo ý định phát triển hợp tác kinh tế trên nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng.
Những chuyến thăm này khẳng định vai trò then chốt mà Tập đoàn Eni đã đảm nhận như một động lực thúc đẩy chính sách đối ngoại của chính phủ Meloni trong khu vực. Khi nhậm chức, Thủ tướng Meloni hứa sẽ tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Italia ở châu Phi và khu vực Địa Trung Hải rộng lớn hơn thông qua các thỏa thuận năng lượng song phương trên tinh thần hợp tác thực chất, như một phần của “Kế hoạch Mattei” mới cho châu Phi. Được đặt theo tên của người sáng lập quá cố của Tập đoàn Eni, Enrico Mattei, kế hoạch này nhằm mục đích tái triển khai chính sách đối ngoại theo “Công thức Eni” của Italia trong những năm 1950-60, theo đó Rome tìm cách tăng cường tiềm lực địa chính trị của mình bằng cách thiết lập các mối quan hệ song phương ở châu Phi và Trung Đông dựa trên giao dịch năng lượng đôi bên cùng có lợi. Trên thực tế, điều này có nghĩa, Tập đoàn Eni sẽ để lại một phần lớn tài nguyên khai thác được phục vụ thị trường nội địa và cho phép quốc gia đó đồng sở hữu cơ sở hạ tầng liên quan. Các thỏa thuận gần đây của Eni ở Algeria và Libya dường như tuân theo logic này, với việc Italia để lại phần lớn khí đốt tự nhiên của Libya cho thị trường nội địa và giúp Algeria tăng cường khối lượng xuất khẩu bằng cách đầu tư vào quá trình chuyển đổi và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
+ Trong những năm 1950-1960, Mattei (người ủng hộ nền độc lập của Algeria khỏi Pháp) đã tìm cách thúc đẩy sự độc lập về năng lượng của Italia trong khi áp dụng các chính sách đối với châu Phi, được cho là công bằng bất thường vào thời điểm đó. Ví dụ, ông đã đề nghị Tunisia và Algeria hợp tác bình đẳng để khai thác dầu của họ, trái ngược với lợi nhuận thấp hơn nhiều mà các công ty dầu mỏ lớn khác cung cấp cho các nước châu Phi.
+ Tập đoàn Eni cho biết, dự án của họ với NOC ở Libya sẽ bắt đầu khai thác vào năm 2026, mang lại khoảng 7,7 tỷ mét khối (bcm) dầu mỗi năm khi đạt công suất cao nhất, trong đó 30% sẽ được xuất khẩu sang Italia, 70% còn lại sẽ được chuyển đến Libya để phục vụ thị trường nội địa.
+ Trong thời gian tại vị, cựu Thủ tướng Italia Mario Draghi đã ưu tiên tăng nguồn cung cấp khí đốt của Algeria cho Italia để giúp bù đắp lượng khí đốt bị cắt giảm do tuân theo các lệnh cấm nhập khí đốt từ Nga. Trước khi diễn ra “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Nga đã cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của Italia. Vào năm 2022, Italia đã đạt được một thỏa thuận, theo đó, Chính phủ Algeria cam kết tăng 50% xuất khẩu khí đốt sang Italia. Draghi cũng đã đến thăm Angola và Cộng hòa Congo vào tháng 04.2022, nơi ông đã đạt được các thỏa thuận mới nhằm tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Italia.
Trong ngắn hạn, mục tiêu chính của Italia là tăng cường an ninh nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của chính mình khi nước này ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga. Khí đốt tự nhiên chiếm gần một nửa sản lượng điện ở Italia và là nguồn năng lượng chính cho các ngành công nghiệp, sưởi ấm cho các hộ gia đình, và tình trạng này sẽ duy trì như vậy trong ít nhất một thập kỷ nữa. Thỏa thuận với Algeria – quốc gia đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hàng đầu của Italia – sẽ giúp nước này bù đắp lượng khí đốt bị thiếu của Nga vào năm 2023 và 2024, tiến tới loại bỏ hoàn toàn vào năm 2025. Cho đến lúc đó, khối lượng bổ sung đã ký hợp đồng với tập đoàn khí đốt Sonatrach của Algeria sẽ được cung cấp cho thị trường Italia. Eni cũng sẽ tiếp tục tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên thông qua đường ống từ Azerbaijan và LNG từ Ai Cập, Angola, Cộng hòa Congo, Nigeria và Mozambique.
+ Vào năm 2022, khí đốt của Algeria chiếm 34,3% tổng nhu cầu của Italia, tăng từ 29,5% vào năm 2021. Ông Claudio Descalzi, người đứng đầu Tập đoàn Eni gần đây cho biết, con số này sẽ tăng lên 38% vào năm 2023. Điều này sẽ giúp Italia vượt qua mùa Đông 2023-2024 mà không gặp phải tình trạng gián đoạn. Đến năm 2024, Eni cho biết, họ sẽ nhập khẩu tổng cộng 18 bcm khí đốt từ Algeria, tăng từ 9 bcm vào năm 2021.
+ Theo tổ chức tư vấn ECCO của Italia, Algeria cũng có tiềm năng thu hồi khí đồng hành rất lớn, với ước tính khoảng 13,5 bcm mỗi năm, vốn trước đây bị đốt cháy trong khí quyển. Ngoài ra, thêm 3,7 bcm khí đốt có thể được dành ra để xuất khẩu nếu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện của Algeria tăng lên 15% (ví dụ: bằng cách thêm 14 gigawatt công suất năng lượng mặt trời và gió), mang lại tổng cộng 17,2 bcm khí đốt bổ sung có sẵn để xuất khẩu mà không cần phải tăng cường sản xuất.
+ Trong những tháng gần đây, Tập đoàn Eni đã công bố chuyến hàng LNG đầu tiên được sản xuất từ mỏ khí Coral ngoài khơi bờ biển Mozambique và một hợp đồng mới cho việc xây dựng và lắp đặt một đơn vị khí tự nhiên hóa lỏng nổi (FLNG) 2,4 triệu tấn mỗi năm ngoài khơi nước Cộng hòa Congo, cũng như những phát hiện mỏ khí đốt mới quan trọng ở phía Đông Địa Trung Hải ngoài khơi Ai Cập và Đảo Síp.
+ Đóng góp chung của khối lượng LNG bổ sung của Eni cho Italia dự kiến sẽ vượt quá 2 bcm từ năm 2022 đến 2023, dần dần đạt 7 bcm từ năm 2023 đến 2024, và cuối cùng là 9 bcm từ năm 2024 đến 2025.
Trong trung hạn, Italia có kế hoạch tái xuất khẩu lượng khí đốt dư thừa mà nước này nhập khẩu từ châu Phi sang châu Âu, biến bán đảo này trở thành trung tâm khí đốt của Lục địa châu Âu. Vị trí địa lý của Italia làm cho quốc gia này trở thành cầu nối đất liền tự nhiên giữa châu Âu và châu Phi, định vị Italia như một hành lang năng lượng lý tưởng giữa hai lục địa và một trung tâm tiềm năng để vận chuyển khí đốt tự nhiên về phía Bắc. Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu và những nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng từ Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Nga-Ukraine vào tháng 02.2022 đã thúc đẩy EU “cởi mở” hơn trong việc đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế. Italia hy vọng, bằng cách gắn lợi ích chiến lược của mình ở Bắc Phi với nhu cầu năng lượng của châu Âu, Brussels sẽ hỗ trợ tài chính và chính trị cho tham vọng của quốc gia này trong khu vực – chẳng hạn như thông qua REPowerEU, kế hoạch của Ủy ban Châu Âu nhằm làm cho EU độc lập khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, trong đó, sẽ phân bổ các nguồn ngân sách lớn để đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của khối. Nếu chiến lược của Italia thành công, điều này cũng sẽ giúp nước này gia tăng vị thế của mình trong EU, vì Rome sẽ đóng một vai trò thiết yếu trong an ninh năng lượng của khối.
+ Kế hoạch REPowerEU bao gồm khoảng 225 tỷ euro (242 tỷ USD) khoản vay chưa được giải ngân được cung cấp theo kế hoạch khắc phục đại dịch NextGenEU năm 2021 và thêm 20 tỷ euro (21,5 tỷ USD) tài trợ từ việc bán các khoản trợ cấp của hệ thống giao dịch khí thải.
+ Meloni đã xác nhận Italia định sử dụng các quỹ của EU theo kế hoạch REPowerEU để loại bỏ hoàn toàn sự phục thuộc của Italia khỏi khí đốt của Nga và biến nước này thành một trung tâm năng lượng cho khối trong một tuyên bố vào ngày 06.02.2023. Những bình luận này diễn ra sau cuộc họp với các bộ trưởng liên quan và Giám đốc Điều hành của Eni, nhà phân phối điện và khí đốt của Italia Enel, nhà điều hành mạng lưới khí đốt của Italia Snam và nhà điều hành hệ thống truyền tải của Italia Terna.
Các thỏa thuận cung cấp khí đốt và năng lực nhập khẩu của Italia sẽ cho phép nước này hiện thực hóa các tham vọng về hành lang khí đốt này theo thời gian. Sau khi các thỏa thuận cung cấp mới nhất có kết quả đầy đủ – với khối lượng theo hợp đồng từ Algeria ổn định vào năm 2024 và sản lượng từ hai mỏ dầu ngoài khơi mới của Libya dự kiến bắt đầu vào năm 2026 – và khi các thỏa thuận cung cấp bổ sung được ký kết, Italia có thể bắt đầu xem xét xuất khẩu khối lượng dư thừa. Quốc gia này đã có cơ sở hạ tầng cần thiết để tăng cường nhập khẩu hơn nữa và đã bắt đầu thực hiện các kế hoạch để mở rộng hơn nữa. Hơn nữa, Italia đã giảm mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong nước để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, một lĩnh vực sẽ là chìa khóa dẫn đến tình trạng dư cung. Nhìn chung, khả năng nhập khẩu hiện tại và tiềm năng trong tương lai của quốc gia vượt quá mức tiêu thụ nội địa – có nghĩa là, quốc gia này có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên.
+ Italia có ba điểm vào ở phía Nam kết nối với Algeria thông qua đường ống TransMed (35 bcm mỗi năm), với Libya thông qua đường ống Greenstream (12 bcm mỗi năm) và với Azerbaijan thông qua Đường ống xuyên Adriatic (TAP) (10 bcm mỗi năm).
+ Ngoài ra, Italia có thể nhập khẩu LNG thông qua ba thiết bị đầu cuối tái khí hóa ở các vùng Veneto, Liguria và Tuscany với tổng công suất tái khí hóa hàng năm là 15,25 bcm. Dự kiến, quốc gia này sẽ khánh thành một đơn vị lưu trữ và tái khí hóa nổi 5 bcm mới (FSRU) tại cảng Piombino ở 2023.
+ Ngoài ra, Italia đã bắt đầu làm việc để tăng gấp đôi công suất của TAP lên 20 bcm vào năm 2027 và đã đồng ý với Algeria tiếp tục công việc trong dự án đường ống dẫn khí đốt Algeria-Sardinia Galsi, sẽ mang lại công suất bổ sung hàng năm là 8 bmc.
+ Mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong nước của Italia ở mức 75 bcm vào năm 2021, với việc chính phủ đặt mục tiêu giảm 7% vào tháng 03.2023 để tuân thủ mục tiêu giảm nhu cầu của EU đã được thống nhất vào năm 2022.
Kết nối và cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên ở Italia
Tuy nhiên, để trở thành nhà xuất khẩu ròng khí đốt tự nhiên, Italia sẽ phải tăng cường năng lực vận chuyển trên bờ, đảm bảo cơ sở hạ tầng sẽ vẫn khả thi về mặt thương mại bằng cách đầu tư vào các công nghệ sử dụng kép. Mặc dù Italia có khả năng nhập khẩu để nhận nhiều khí đốt hơn mức tiêu thụ, nhưng nước này hiện thiếu cơ sở hạ tầng trung nguồn để vận chuyển khối lượng bổ sung nhập khẩu qua các điểm nhập cảnh phía Nam tới nhà máy công nghiệp của nước này ở phía Bắc và qua các đường ống xuất khẩu hướng Bắc với Áo, Thụy Sĩ tới miền Trung, cũng như tới các trung tâm công nghiệp có nhu cầu lớn của Tây Âu. Vì lý do này, Italia đã lên kế hoạch đầu tư 2,5 tỷ euro (2,7 tỷ USD) để hoàn thành một đường ống bổ sung trên bờ có tên là Tuyến Adriatic, sẽ bổ sung 10 bcm công suất vận chuyển cho các kết nối Nam-Bắc hiện có. Dự án sẽ giảm bớt tắc nghẽn trong lưới điện của đất nước và cho phép Italia đáp ứng nhập khẩu khí đốt bổ sung từ phía Nam. Rome cũng đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho dòng khí đốt ngược từ Italia sang Bắc Âu trong thập kỷ qua. Điều này có nghĩa, tất cả các đầu nối khí đốt phía Bắc mà nước này từng nhập khẩu khí đốt của Nga hiện có khả năng chảy ngược lại để xuất khẩu. Cuối cùng, tính khả thi của tham vọng xuất khẩu khí đốt của Italia sẽ phụ thuộc vào trạng thái hỗn hợp năng lượng của châu Âu và tốc độ khử cacbon. Điều này sẽ quyết định liệu việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng khí đốt cần thiết có còn hợp lý về mặt thương mại và chấp nhận được về mặt môi trường trong hai hoặc ba năm tới hay không. Tuy nhiên, bản chất sử dụng kép của cơ sở hạ tầng đang được xem xét và tiềm năng năng lượng tái tạo của chính châu Phi sẽ cho phép Italia và Eni được hưởng lợi từ châu Âu.
+ Tập đoàn năng lược Snam của Italia ước tính, việc triển khai Tuyến Adriatic mới có thể bắt đầu vào năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027. Dự án này đã được đưa vào danh sách các dự án có lợi ích chung của EU, giúp tuyến đường ống này đủ điều kiện nhận tài trợ của EU theo kế hoạch RePowerEU. Italia hiện đang chờ phê duyệt cuối cùng từ Brussels.
+ Các dự án mở rộng cơ sở hạ tầng khác cũng có thể đủ điều kiện nhận tài trợ của EU và có thời gian hoạt động thương mại lâu hơn nếu phù hợp với các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của châu Âu. Một số dự án đường ống hiện đang được xem xét là lưỡng dụng (có nghĩa là ban đầu dự kiến chúng sẽ vận chuyển khí đốt tự nhiên nhưng sau đó có thể được tái sử dụng để vận chuyển hydro và amoniac khi thị trường phát triển).
Bên cạnh những thiếu sót về cơ sở hạ tầng trước mắt, những rủi ro đáng kể ở Bắc Phi có thể làm phức tạp thêm tham vọng tái xuất khẩu khí đốt của Italia. Algeria – bất chấp những cải cách đáng kể đối với khả năng sản xuất hydrocarbon – đã cung cấp ít khí đốt hơn cho Italia so với khối lượng đã ký hợp đồng theo thỏa thuận cung cấp năm 2022 của Draghi do quản lý yếu kém và đầu tư không hợp lý, năng lực sản xuất hạn chế và cơ sở hạ tầng xuống cấp. Các vấn đề tương tự cũng có thể ảnh hưởng đến các thỏa thuận cung cấp được ký kết dưới thời chính phủ của Meloni. Trong khi đó, Libya – một quốc gia bị chiến tranh tàn phá và hiện đang chia thành hai chính phủ – sẽ mang đến những rủi ro rõ rệt hơn nhiều do nguy cơ biến động cao của môi trường chính trị và an ninh. Ở trong nước, bất kỳ thỏa thuận nào với một bên đều có nguy cơ không được bên kia công nhận và tranh chấp dai dẳng trong nội bộ chính phủ cũng có thể dẫn đến các thỏa thuận bị các nhân vật địa phương từ chối. Trên thực tế, kịch bản này đã trở thành hiện thực, với việc Bộ Dầu mỏ Libya ngay lập tức từ chối thỏa thuận Eni-NOC ngày 28.01.2023; cho rằng, thỏa thuận đã được ký kết mà không có sự chấp thuận của Bộ này. Sự phản đối trong nước như vậy có thể dẫn đến việc các tòa án Libya đình chỉ thỏa thuận này và/hoặc các thỏa thuận trong tương lai (tương tự như việc tòa án Tripoli ngày 10.01.2023 đình chỉ thỏa thuận thăm dò dầu ngoài khơi được ký vào tháng 10.2022 với Thổ Nhĩ Kỳ), cũng như làm tăng nguy cơ phản đối, phá hoại và tấn công vũ trang nhằm vào cơ sở hạ tầng trên bờ do Mellitah Oil and Gas, liên doanh giữa Eni tại Libya với NOC, điều hành.
+ Italia đã nhập khẩu 3,5 bcm khí đốt của Algeria vào năm 2022, theo dữ liệu từ Snam, tăng 2,4 bcm so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn mức 4 bcm mà Draghi đã ký.
+ Một kịch bản cực đoan ở Libya có thể liên quan đến các cuộc tấn công hủy diệt hoặc phá hoại các cơ sở trên đất liền, chẳng hạn như mỏ khí đốt Wafa và các đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho Greenstream hoặc khu phức hợp Dầu khí Mellitah chứa khí nén.
Biên dịch: Phương Thảo