Phần lớn thời gian dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte (2016 – 2022), quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines đã có những rạn nứt khá lớn khi Tổng thống Duterte quyết định “ngả” sang Trung Quốc và “xa rời” đồng minh Mỹ. Ông Duterte đã có nhiều tuyên bố không nhất quán nhưng khá cứng rắn nhằm vào Mỹ cũng như các quyết định gây tranh cãi trong quan hệ với đồng minh lâu đời như đơn phương tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) vào tháng 02/2020[1], vốn là một phần không thể tách rời của Hiệp ước Phòng thủ chung (MTD) mà hai nước đã ký từ năm 1951 và là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng phối hợp tác chiến giữa quân đội Philippines với quân đội Mỹ, giúp Philippines có thêm các trang thiết bị, phương tiện quân sự và hỗ trợ quân sự lớn từ Mỹ. Thậm chí có lúc ông Dutere còn có ý định chấm dứt cả Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) được Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino III ký năm 2014 cũng như vô hiệu hóa Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) bằng cách không cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại đất liền cũng như các vùng biển của Philippines. Tuy nhiên, sau 05 năm “cơm không lành, canh không ngọt”, ông Duterte đã quyết định làm “tan băng” quan hệ với đồng minh Mỹ khi quyết định khôi phục lại hoàn toàn VFA vào tháng 7/2021, nối lại nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác quốc phòng và tập trận chung với đồng minh Mỹ[2]. Đáng chú ý, từ khi tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. lên nắm quyền vào tháng 6/2022 đến nay, Philippines đã có những điều chỉnh chính sách theo hướng cân bằng hơn trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời nỗ lực thúc đẩy các bước đi thực chất hơn nhằm hàn gắn quan hệ với đồng minh Mỹ. Việc ngày 02/02/2023, Philippines và Mỹ đạt thỏa thuận về việc cho phép Mỹ tiếp cận thêm 04 căn cứ quân sự của Philippines theo EDCA nâng cao cho thấy những bước tiến mới trong quan hệ đồng minh lâu năm giữa hai nước; đồng thời cho thấy rõ các tính toán chiến lược của cả Manila và Washington trong bối cảnh tình hình địa chính trị khu vực và thế giới có những chuyển động vô cùng phức tạp và khó lường.
Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 04 căn cứ quân sự
Ngày 02/02/2023, Chính phủ Mỹ và Philippines thông báo hai nước đã đạt được thỏa thuận mới cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 04 căn cứ quân sự của Philippines nhằm thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) đã ký năm 2014. EDCA cho phép các hoạt động huấn luyện chung giữa quân đội Phippines và Mỹ; đồng thời cho phép Mỹ có thể bố trí trước thiết bị và xây dựng các cơ sở như đường băng, kho chứa nhiên liệu và nhà ở quân sự ở Philippines. Thỏa thuận mới này đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin[3].
Ngay sau khi thông tin về thỏa thuận mới được công bố, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh, đây không phải là “thỏa thuận đồn trú vĩnh viễn, nhưng thực sự là một thỏa thuận lớn”; đồng thời cho biết thêm đó chỉ là “một phần trong các nỗ lực của hai nước nhằm hiện đại hóa liên minh”, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có các hành động nhằm khẳng định các “yêu sách chủ quyền” ở Biển Đông. Giới chức Mỹ cũng nói rằng, việc được tiếp cận 04 căn cứ mới này sẽ cải thiện khả năng hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai ở Philippines cũng như việc ứng phó với các thách thức chung của hai nước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr từ chối tiết lộ vị trí cụ thể của 04 căn cứ trên và lưu ý thêm rằng chính phủ Philippines vẫn cần tham vấn người dân địa phương. Phía Philippines cũng khẳng định, tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ “là tín hiệu tốt cho thế trận phòng thủ” nhưng khẳng định nỗ lực này “không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào” và Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đang “theo dõi chặt chẽ diễn biến” ở eo biển Đài Loan và Biển Đông[4].
Trước đó, vào tháng 11/2022, Tướng Bartolome Vicente Bacarr, khi đó là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Philippines cho biết, Washington đã xác định 5 địa điểm tiềm năng để đặt căn cứ, gồm hai ở Cagayan (Đông Bắc đảo Luzon), một ở Isabela, một ở Palawan và một ở Zambales. Cagayan và Isabela đều nằm ở miền Bắc Philippines, trong đó Cagayan nằm rất gần đảo Đài Loan. Trong khi đó, Palawan là một đảo nằm ở phía Tây Nam Philippines và ngăn cách Biển Đông với biển Sulu.
Thỏa thuận mới này giúp nâng tổng số căn cứ quân sự ở Philippines mà quân đội Mỹ được quyền tiếp cận lên 9. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ EDCA, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Philippines hiện đại hóa quân đội. Chính quyền Tổng thống Joe Biden trước đó đã phân bổ hơn 82 triệu USD cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng tại 05 căn cứ khác của Manila theo thỏa thuận EDCA; hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận triển khai hơn 500 hoạt động chung trong năm 2023. Dự kiến, từ ngày 24 – 27/4/2023, 16.000 binh sĩ Philippines và Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên Balikatan.
Các chuyên gia đánh giá, thỏa thuận mới là một tín hiệu tích cực cho mối quan hệ đồng minh Mỹ – Philippines vốn rạn nứt những năm gần đây dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte. Mỹ hy vọng mối quan hệ với đồng minh Philippines sẽ được cải thiện nhiều dưới thời chính quyền Tổng thống Ferdinand Marcos. Hơn nữa, việc Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép đối với Đài Loan và đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông cũng tạo động lực để Philippines thúc đẩy hàn gắn và tăng cường quan hệ với đồng minh Mỹ.
04 căn cứ quân sự Mỹ có thể tiếp cận của Philippines (Đồ họa: Lực lượng Vũ trang Philippines)
Ông Gregory Poling – Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ nhận định, 04 địa điểm trên sẽ nằm trong “các khu vực chiến lược”, khả năng sẽ bao gồm cả các căn cứ hải quân và thủy quân lục chiến của Philippines[5].
Tuy nhiên, thỏa thuận quân sự trên của Washington và Manila đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gọi việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là “hành động làm leo thang căng thẳng và gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định của khu vực”[6]. Một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc cho rằng, các căn cứ mới của Mỹ có thể “tiềm ẩn mối đe dọa lớn với Trung Quốc” nếu chúng nằm rất gần đảo Đài Loan cũng như Biển Đông. Chuyên gia Phú Quảng Sao của Trung Quốc đánh giá, sức ép với Trung Quốc sẽ rất lớn nếu Mỹ được phép triển khai tên lửa tầm trung ở các căn cứ được quyền tiếp cận. Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình ở Hong Kong cho rằng, việc Mỹ được tiếp cận các căn cứ trọng yếu của Philippines như ở Palawan sẽ cho phép họ giám sát các hoạt động quân sự của máy bay, tàu chiến, tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông.
Động lực thúc đẩy Philippines “hàn gắn” quan hệ với Mỹ
Mối quan hệ đồng minh Philippines và Mỹ đã được thiết lập từ lâu và Philippines nằm trong nhóm đồng minh thân cận mà Mỹ thiết lập ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Mối quan hệ đồng minh thân cậu và lâu đời giữa Washington và Manila được ràng buộc bởi: (1) Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) được ký năm 1951, trong đó quy định hai bên sẽ bảo vệ nhau trong trường hợp một bên bị lực lượng nước ngoài tấn công; (2) Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) được ký năm 1998, có hiệu lực từ năm 1999; (3) Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) được ký năm 2014, trong đó cho phép quân đội Mỹ sử dụng 05 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines. Đây chính là cơ sở pháp lý để hàng nghìn binh sĩ Mỹ cùng các phương tiện luân phiên đồn trú trên đất Philippines; đồng thời cho phép quân đội hai nước triển khai các hoạt động thăm viếng, tập trận quân chung thường niên, tổ chức các hoạt động đào tạo, huấn luyện quân sự và hỗ trợ nhân đạo…
Chính vì mối quan hệ đồng minh lâu đời này, Washington luôn có những ưu tiên về mặt quân sự cho Manila trong nhiều năm qua và Manila luôn là nước Đông Nam Á nhận được nhiều hỗ trợ nhất về mặt quân sự từ Mỹ. Tuy nhiên, trải qua 05 năm không mấy suôn sẻ, “cơm không lành, canh không ngọt” với Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, Washington đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các hoạt động quân sự tại Philippines; đồng thời cũng khiến sức mạnh quân sự của Philippines bị suy giảm đáng kể, thậm chí còn là vấn đề gây chia rẽ trong chính nội bộ Philippines về việc điều chỉnh mối quan hệ sao cho cân bằng với Mỹ và Trung Quốc.
Chính vì vậy, đến giữa năm 2021, sau hơn 01 năm quyết định đơn phương hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), ông Duterte đã bất ngờ quyết định khôi phục hoàn toàn thỏa thuận này vào tháng 7/2021 trước sự ngỡ ngàng của không ít người. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, việc này cũng không nằm ngoài dự liệu của nhiều người vì chính sách và các tuyên bố nhiều lần bất nhất của ông Duterte khi còn tại vị. Động thái này cũng cho thấy, Philippines đã “rục rịch” quay trở lại mối quan hệ với đồng minh truyền thống Mỹ bởi đã đến lúc họ nhận ra việc thiếu vắng Mỹ để lại những khoảng trống không thể bù đắp về cả kinh tế, an ninh và quốc phòng…; nhất là trong bối cảnh các kỳ vọng của chính quyền ông Duterte trong việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc không được như mong muốn.
Sau khi ông Duterte hết nhiệm kỳ (6/2022), nhiều người hy vọng tân Tổng thống Philippines sẽ mang luồng gió mới vào trong mối quan hệ với đồng minh Mỹ, vốn được người dân Philippines và nhiều chính khách nước này ủng hộ. Từ khi lên nhậm chức vào ngày 30/6/2022 đến nay, tân Tổng thống Ferdinand Marcos đã có những động thái làm “ấm” quan hệ với Mỹ, đồng thời có những bước điều chỉnh nhất định theo hướng cân bằng hơn quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc. Chỉ khoảng 05 tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Marcos đã có một loạt cuộc gặp cấp cao song phương với tốc độ chưa từng thấy như cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman vào tháng 6/2022, tiếp Ngoại trưởng Antony Blinken tại Manila vào tháng 8/2022, gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Joe Biden vào tháng 9/2022 bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Đáng chú ý, trong chuyến thăm Philippines của Phó Tổng thống Kamala Harris hồi tháng 11/2022, hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng và một lần nữa Mỹ tái khẳng định mối quan hệ lâu đời giữa hai nước, nhấn mạnh cam kết mang tính kiên định của Washington với Manila.
Trong chuyến thăm của bà Harris, 21 dự án hợp tác do Mỹ tài trợ đã được hai bên thảo luận triển khai cùng với lời cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ bất cứ khi nào xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào Philippines. Bên cạnh thắt chặt hợp tác an ninh, hai bên còn tìm cách thúc đẩy quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực như biến đổi khí hậu, hợp tác hạt nhân, an ninh lương thực, kinh tế kỹ thuật số, hợp tác trong lĩnh vực y tế, hàng hải.
Kenneth Faulve-Montojo – chuyên gia về chính trị Philippines, đồng thời là giảng viên Đại học Santa Clara đánh giá, bản thân Philippines không thể đương đầu với Trung Quốc nên họ cần sự hỗ trợ của Mỹ. Vì vậy, “từ quan điểm của Mỹ và Philippines, có vẻ như đây là một tình thế cùng thắng”[7]. Hơn nữa, theo quan điểm của Giáo sư Diane A. Desierto – Đại học Quốc gia Philippines, thỏa thuận này giúp củng cố “sự thay đổi triệt để trong chính sách đối ngoại” của Tổng thống Ferdinand Marcos, đó là sự báo hiệu cho một chính sách cân bằng hơn và gợi lại lịch sử hợp tác chiến lược lâu dài giữa Mỹ và Philippines.
Sự điều chỉnh trong chính sách đối ngoại này của Tổng thống Marcos không phải là “chọn bên” trong quan hệ với các cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc trong giai đoạn đầy biến động hiện nay mà là sự quay trở lại với đồng minh lâu đời sau thời kỳ “rạn nứt”; từ đó giúp củng cố và hiện đại hóa hơn nữa hệ thống phòng thủ của Manila trước các mối đe dọa về an ninh ngày càng tăng. Những bài học và kinh nghiệm nhãn tiền trong thời kỳ “băng giá” với Mỹ cũng như các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đã khiến Tổng thống Marcos nhận thấy sự cần thiết phải củng cố hơn nữa mối quan hệ với đồng minh lâu đời Mỹ, tăng cường hợp tác và hướng tới tương lai vì lợi ích của riêng Philippines cũng như lợi ích của đồng minh chiến lược. Trở lại quỹ đạo đồng minh với Mỹ không đồng nghĩa với việc Manila sẽ không coi trọng đối thoại thân thiện với Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Philippines hiện nay.
Tính toán của Mỹ
Ngay sau Thế chiến thứ 2, Quân đội Mỹ đã triển khai lực lượng đồn trú quy mô lớn tại Philippines, trong đó có hai căn cứ từng là căn cứ lớn nhất của họ ở nước ngoài là Subic và Clark. Tuy nhiên, năm 1991, giới chức Philippines đã chấm dứt thỏa thuận và yêu cầu Mỹ trả lại toàn bộ căn cứ quân sự. Theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) ký năm 2014, Mỹ có quyền tiếp cận 04 căn cứ không quân và 01 căn cứ lục quân tại Philippines với hình thức triển khai lực lượng đồn trú luân phiên. Không có căn cứ nào trong số 05 căn cứ trên nằm ở đảo Luzon, miền Bắc Philippines. Do vậy, việc Mỹ đạt được thỏa thuận với Philippines về tiếp cận thêm 04 căn cứ quân sự của nước này được coi là một lợi thế chiến lược của Washington trong việc triển khai hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ nhất, nếu Mỹ được quyền tiếp cận căn cứ quân sự của Philippines ở khu vực phía Bắc đảo Luzon sẽ tạo điều kiện để họ đảm bảo vị trí chiến lược khi triển khai hoạt động trong trường hợp nổ ra xung đột ở khu vực. Đảo Luzon của Philippines nằm án ngữ khu vực mà các tàu chiến Mỹ từ Thái Bình Dương thường di chuyển qua để vào Biển Đông.
Thứ hai, đây là một bước tiến quan trọng trong mục tiêu của Lầu Năm Góc nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện của Mỹ ngày càng lớn tại Philippines cũng góp phần ngăn chặn các động thái “thái quá” của Bắc Kinh đối với đảo Đài Loan. Trong trường hợp xung đột nổ ra ở đảo Đài Loan, Mỹ muốn có được sự chuẩn bị kỹ càng để đối phó kịp thời. Cuối tháng 01/2023, Đại tướng Mike Minihan – Chỉ huy Bộ tư lệnh Không vận Mỹ (AMC) cảnh báo rằng xung đột Đài Loan có thể nổ ra vào năm 2025, khi cả Đài Loan và Mỹ đều tổ chức bầu lãnh đạo vào năm 2024. Tướng Minihan kêu gọi quân đội Mỹ chuẩn bị các năng lực cần thiết để đối phó với cuộc xung đột này.
Nhà khoa học chính trị cấp cao Jeffrey Hornung tại Tổ chức tư vấn RAND Corp chuyên về chính sách đối ngoại và quốc phòng Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đánh giá, việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Philippines sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc và đóng vai trò rất quan trọng về mặt chiến lược, đặc biệt nếu các căn cứ được đặt ở phía bắc Luzon.
Thứ ba, việc đạt được thỏa thuận mới này với Philippines góp phần giúp Washington củng cố quan hệ với đồng minh chiến lược, hàn gắn những rạn nứt không mong muốn xảy ra trong thời gian qua, từ đó, củng cố hơn nữa vị thế, tầm ảnh hưởng và sức mạnh của Mỹ trong khu vực.
Chuyên gia Zack Cooper – Viện Doanh nghiệp Mỹ đánh giá, việc quân đội Mỹ tăng cường hiện diện ở Philippines còn có tác dụng trấn an và củng cố niềm tin cho đồng minh Philippines “trong bối cảnh an ninh nhiều rủi ro như hiện nay”.
Đối với Mỹ, việc cải thiện quan hệ với đồng minh Philippines trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng. Các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden cùng đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia đánh giá tân Tổng thống Philippines Marcos là đồng minh chiến lược có thể cùng hợp tác để giải quyết những thách thức đối ngoại hàng đầu tại khu vực, trong đó có vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc.
Nỗi lo của người Philippines
Trong khi nhiều người tỏ ra vui mừng vì sự hiện diện ngày càng tăng của Quân đội Mỹ tại Philippines thì không ít người dân Philippines tỏ ra lo lắng về điều này. Một bộ phận người Philippines lo ngại về các tác động xã hội của việc trao cho quân đội Mỹ quá nhiều quyền lực trên đất nước họ.
Chuyên gia Kenneth Faulve-Montojo cho biết, những người biểu tình phản đối việc Philippines cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 04 căn cứ quân sự vì lo ngạiđây là biểu thị của sự xâm phạm mới với quyền tự trị của Philippines. Hơn nữa, nhiều người cũng coi đây là “con dao hai lưỡi” bởi sự hiện diện gia tăng của Mỹ sẽ mang lại động lực cho nền kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ xung đột lớn hơn giữa quân đội và người dân địa phương mà thường rất khó được kiểm soát. Bên cạnh đó, cựu nghị sĩ Hạ viện Philippines Casiño cảnh báo, việc Mỹ triển khai thêm lính và cơ sở ở Philippines sẽ kéo nước này vào cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, phần lớn người dân Philippines đều ủng hộ sự hiện diện của Mỹ trên đất nước mình vì họ coi Mỹ sẽ mang lại lợi ích tốt nhất và sẽ bảo vệ họ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Tác động với khu vực và Việt Nam
Nhiều chuyên gia và học giả lo ngại, việc Philippines cho phép Mỹ tiếp cận thêm 04 căn cứ quân sự sẽ làm gia tình hình khu vực, trong đó có Biển Đông thêm phần phức tạp, đồng thời “chọc giận” Trung Quốc và khiến nước này có thể triển khai một số bước đi cứng rắn hơn nữa nhằm củng cố các “tuyên bố chủ quyền” phi lý ở Biển Đông. Tuy nhiên, một số học giả cũng cho rằng, việc Mỹ và Philippines thắt chặt liên minh quân sự cũng có thể mang lại một số lợi ích nhất định cho các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ông Greg Poling – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ nhận định, hợp tác quân sự ngày càng chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Philippines cũng mang lại lợi ích nhất định cho Việt Nam. Càng ngày càng có nhiều quốc gia và đối tác trong và ngoài khu vực có các tuyên bố và hành động thể hiện sự phản đối với các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam có thể hưởng những lợi ích nhất định từ việc vấn đề Biển Đông ngày càng được quốc tế hóa như thế này.
Kết luận
Nhờ vị trí địa lý của mình, Philippines có giá trị chiến lược với Mỹ trong tham vọng khu vực cũng như trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng giống như phần lớn các nước ở khu vực Đông Nam Á, Philippines hiểu rõ tầm quan trọng của việc làm sao phải duy trì được sự cân bằng trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai siêu cường ngày càng sâu sắc. Sự “xa rời” đồng minh Mỹ trong 05 năm dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte có lẽ chỉ là phép thử lớn cho sự bền vững của quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước. Tuy nhiên, những thử thách mà hai bên đã trải qua trong thời gian đầy sóng gió vừa qua cũng để lại những khoảng trống nhất định, khiến hai nước buộc phải nhìn lại và nhận thấy sự cần thiết phải có sự điều chỉnh, nhất là trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng. Giờ đây, sóng gió đã qua đi, Philippines đang rất cần Mỹ và Mỹ cùng rất cần Philippines, nhất là trong bối cảnh Mỹ ngày càng càng đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do rộng mở và tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc. Quan hệ đồng minh lâu dời giữa Mỹ và Philippines đang bước vào thời kỳ “gương vỡ lại lành” bởi việc khôi phục quan hệ này có ý nghĩa rất lớn với cả hai nước.
Tất nhiên, sự điều chỉnh trong chính sách của Philippines với Mỹ không phải là việc “chọn bên” trong quan hệ với các cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực mà nó thể hiện sự phù hợp với tuyên bố của Tổng thống Ferdinand Marcos về việc theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Cho đến nay, Tổng thống Marcos vẫn xử lý tốt quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, khi vừa tìm cách duy trì và phát triển quan hệ đồng minh với Mỹ để nỗ lực củng cố và hiện đại hóa năng lực quốc phòng và hệ thống phòng thủ của đất nước, vừa tiếp tục hợp tác về kinh tế với Trung Quốc mà không quá phụ thuộc vào siêu cường nào. Thúc đẩy hợp tác với cả Mỹ và Trung Quốc, theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập sẽ giúp Philippines tránh bị lôi kéo vào sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và là chìa khóa để tồn tại và phát triển trong một thế giới đầy rẫy những sự biến động khôn lường như hiện nay.
Tác giả: Nguyên Long
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.theguardian.com/world/2020/feb/11/philippines-to-terminate-troop-agreement-with-us
[2] https://www.aljazeera.com/news/2021/7/30/duterte-fully-restores-troop-pact-with-united-states
[3] https://edition.cnn.com/2023/02/01/asia/us-philippines-base-access-agreement-intl-hnk-ml/index.html
[4] https://www.rappler.com/nation/carlito-galvez-statement-edca-sites-united-states/
[5] https://news.abs-cbn.com/spotlight/02/06/23/military-base-access-deal-an-inflection-point-in-us-ph-alliance-analyst
[6] https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/202302/t20230202_11018861.html
[7] https://time.com/6252750/philippines-us-military-agreement-china/