Hiện nay, khối ASEAN vẫn giữ thái độ quan sát và thận trọng đối với Sáng kiến An ninh toàn cầu (GIS). Giai đoạn tới, trong quá trình thực tiễn mà Trung Quốc phấn đấu đóng góp cho an ninh khu vực theo nguyên tắc cùng đàm phán, cùng xây dựng, cùng thụ hưởng, Trung Quốc cần có những động thái phản hồi tích cực, hiệu quả hơn trước một số hiểu lầm và lo ngại của các nước Đông Nam Á về “nghịch lý an ninh”. Trên cơ sở củng cố năng lực quân sự, an ninh của bản thân mình, Trung Quốc nên tiếp tục tăng cường đối thoại chiến lược với các nước láng giềng nhằm thúc đẩy lòng tin, xóa bỏ ngờ vực, không ngừng tìm kiếm những khuôn khổ, cơ chế chính sách hướng tới tạo lập niềm tin về quân sự và hợp tác an ninh song phương, đồng thời áp dụng những nguyên tắc an ninh mang tính khái niệm và lý luận thành bộ công cụ thực thi một cách cụ thể, từ đó từng bước kiến tạo cộng đồng chung an ninh khu vực trong cấu trúc hợp tác an ninh ngày càng bền vững.
Tháng 4/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu đưa ra Sáng kiến An ninh toàn cầu tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao. Sáng kiến này bao gồm “6 cam kết”, tức cam kết thực hiện quan niệm an ninh chung nhất, toàn diện, hợp tác và bền vững; cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước; cam kết tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc; cam kết coi trọng mối quan tâm chính đáng về an ninh của các nước; cam kết giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp giữa các nước bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán; cam kết đảm bảo đồng bộ an ninh trong lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống.
Ngày 21/02/2023, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ban hành Tài liệu khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu. Tài liệu đã trình bày chi tiết về quan điểm, tư tưởng, nguyên tắc cốt lõi và xác định rõ những lĩnh vực ưu tiên chính của “6 cam kết”. Cơ chế thực thi của Sáng kiến An ninh toàn cầu bao gồm các sáng kiến của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và quan hệ giao thiệp giữa Trung Quốc với các nước nam bán cầu qua các diễn đàn đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, khối BRICS, Hội nghị về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á, v.v… Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á xuất hiện ở vị trí đầu tiên trong số các khu vực thuộc phương hướng hợp tác trọng điểm được nêu trong Tài liệu, tiếp đến là Trung Đông, châu Phi, châu Mĩ Latinh – vùng Caribbean và các đảo quốc Thái Bình Dương.
Với các nước Đông Nam Á, Tài liệu cơ bản đã cho thấy một khuôn khổ an ninh hoàn toàn mới do Trung Quốc lãnh đạo bằng phương thức của riêng mình, cũng như nỗ lực to lớn của nước này nhằm phát huy vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn nữa trong các vấn đề an ninh toàn cầu. Vậy thì, điều đó có ảnh hưởng như thế nào tới khu vực ASEAN? Các nước Đông Nam Á nhìn nhận ra sao về Sáng kiến An ninh toàn cầu do Trung Quốc đề xuất và sự hợp tác an ninh dưới khuôn khổ sáng kiến này? Nội dung dưới đây nhằm phân tích thái độ của các nước Đông Nam Á đối với Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc và lý giải nguyên nhân, qua đó thảo luận về triển vọng hợp tác của hai bên trong các vấn đề an ninh của khu vực.
1. Thái độ của các nước Đông Nam Á đối với GIS
Hiện nay, mức độ tiếp nhận của các nước Đông Nam Á dành cho Sáng kiến An ninh toàn cầu không giống nhau, song phản ứng tổng thể là tương đối ôn hòa và thận trọng. Nhìn chung, ngoại trừ Việt Nam, các nước Đông Nam Á lục địa không có tranh chấp lãnh thổ – biển đảo và có xu hướng chiến lược nghiêng về phía Trung Quốc hầu như đều tỏ thái độ cởi mở hơn đối với Sáng kiến An ninh toàn cầu. Ví dụ, tháng 02/2023, Tuyên bố chung Campuchia – Trung Quốc được công bố nhân chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen có đoạn: “Campuchia ủng hộ Sáng kiến An ninh toàn cầu do Trung Quốc khởi xướng, sẵn sàng cùng Trung Quốc nỗ lực triển khai quản trị an ninh toàn cầu, hiện thực hóa mục tiêu an ninh chung nhất, toàn diện, hợp tác và bền vững.” Tháng 11/2022, trong chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại cuộc hội kiến giữa nguyên thủ hai nước, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ: “Thái Lan ủng hộ Sáng kiến Phát triển toàn cầu và Sáng kiến An ninh toàn cầu do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất, ủng hộ Trung Quốc phát huy vai trò lãnh đạo lớn hơn nữa trong các vấn đề của khu vực và quốc tế.” Ngoài ra, trả lời phỏng vấn riêng của Thời báo Hoàn cầu, Đại sứ Lào tại Trung Quốc Khamphao Ernthavan cho biết: “Chính phủ Lào hết sức coi trọng các sáng kiến hợp tác quốc tế do Trung Quốc khởi xướng, bao gồm Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Sáng kiến Phát triển toàn cầu và Sáng kiến An ninh toàn cầu.” Như vậy, các nước Đông Nam Á đại lục có cái nhìn tích cực hơn đối với Sáng kiến An ninh toàn cầu.
Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á hải đảo có tồn tại tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc giữ thái độ khá thận trọng về Sáng kiến An ninh toàn cầu. Tháng 7/2022, trong văn kiện hội kiến Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không hề nhắc đến Sáng kiến An ninh toàn cầu, mà nhấn mạnh vào Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI). Bên cạnh đó, theo Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc được công bố trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam chỉ thừa nhận Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời ủng hộ và sẵn lòng tham gia Sáng kiến Phát triển toàn cầu. Cùng với đó, Tuyên bố báo chí chung Indonesia – Trung Quốc nhân chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 7 năm ngoái của Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng chỉ thể hiện rằng Indonesia “chú ý đến Sáng kiến An ninh toàn cầu”, và trình bày nhiều hơn về vấn đề hợp tác song phương nhằm thực hiện Sáng kiến Phát triển toàn cầu, gồm hợp tác trên các phương diện tài chính, y tế, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, phát triển xanh và kinh tế số theo định hướng phát triển. Do những lo ngại về tranh chấp trên biển cũng như về sự phát triển quân sự và an ninh của Trung Quốc, các nước láng giềng ở khu vực Biển Đông này có thái độ mâu thuẫn và cẩn trọng hơn trước Sáng kiến An ninh toàn cầu.
Ngoài vấn đề Biển Đông, việc các nước Đông Nam Á nhìn nhận Sáng kiến An ninh toàn cầu một cách thận trọng cũng xuất phát từ mối lo về cạnh tranh chiến lược Mĩ – Trung. Theo Báo cáo Tình hình Đông Nam Á năm 2023 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), nỗi lo rằng Sáng kiến An ninh toàn cầu sẽ gây thêm căng thẳng cho cục diện cạnh tranh Mĩ – Trung và gia tăng áp lực buộc phải “chọn phe” của các nước trong khu vực chính là nguyên nhân lớn nhất khiến hầu hết các nước Đông Nam Á cẩn thận suy xét về Sáng kiến An ninh toàn cầu. Năm 2022, Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc có đề cập “quan tâm đến Sáng kiến An ninh toàn cầu do Trung Quốc đề xuất … và mong chờ những nội dung cụ thể hơn của Sáng kiến An ninh toàn cầu”, song mức độ hưởng ứng là thấp hơn so với Sáng kiến Phát triển toàn cầu.
Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, các nước Đông Nam Á tuân thủ chiến lược ngoại giao “cân bằng giữa các nước lớn” linh hoạt và thực tế, thiết lập nên cơ chế hợp tác khu vực đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Dù vậy, các yếu tố như mức độ dịch chuyển của cán cân quyền lực, sự biến đổi về tương quan sức mạnh, tương tác chiến lược và lựa chọn chiến lược của các nước đã cùng nhau cấu tạo nên trật tự an ninh khu vực, mà Đông Nam Á cũng không ngoại lệ. Bởi vị trí địa – chiến lược đặc biệt của mình, đồng thời là nơi tập trung các “điểm nóng” của khu vực như vấn đề hai bờ eo biển Đài Loan và vấn đề Biển Đông, Đông Nam Á đã trở thành khu vực trọng yếu của cạnh tranh chiến lược Mĩ – Trung. Những năm gần đây, do căng thẳng Mĩ – Trung ngày một leo thang, với vai trò là mục tiêu quan trọng trong triển khai chiến lược của cả Mĩ và Trung Quốc, áp lực về chiến lược mà các nước Đông Nam Á phải hứng chịu cũng càng thêm nặng nề. Không những vậy, đã từ lâu, đa số các nước Đông Nam Á có truyền thống chiến lược “kinh tế dựa vào Trung Quốc, an ninh dựa vào Mĩ”, vì thế sự hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực quân sự, an ninh là vô cùng thận trọng. Do vậy, giữa Sáng kiến Phát triển toàn cầu và Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á hiển nhiên thiên về phía Sáng kiến Phát triển toàn cầu nhiều hơn.
2. Triển vọng hợp tác an ninh Trung Quốc – ASEAN trong khuôn khổ GIS
Có thể thấy, Sáng kiến An ninh toàn cầu sử dụng những định nghĩa rộng mở về lĩnh vực an ninh, điều này nói lên rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có thể giữ quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực phi quân sự và an ninh phi truyền thống. Là khu vực láng giềng với phạm vi kết nối, liên thông không ngừng được mở rộng, hợp tác chấp pháp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á là một lĩnh vực trọng điểm mà Trung Quốc có khả năng và nguồn lực dồi dào để vận dụng. Ví dụ, cần tăng cường các hoạt động tuần tra chung trên sông Mekong giữa 4 nước Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, cùng đấu tranh chống lại tội phạm xuyên biên giới và xúc tiến hợp tác cảnh vụ.
Đối với một số nước Đông Nam Á có năng lực còn hạn chế, nhu cầu đảm bảo an ninh chung khiến quan hệ hợp tác cảnh vụ giữa các nước này và Trung Quốc ngày càng chặt chẽ. Từ năm 2021, hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc trên các phương diện phòng chống rủi ro an ninh chính trị, phòng chống ma túy và nâng cao năng lực chấp pháp đã gặt hái được những thành quả nhất định. Tại Myanmar, sau cuộc chính biến năm 2021, chính phủ quân đội nước này đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc nhằm củng cố công tác giám sát và quản lý không gian mạng. Tại Lào, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với quyền sở hữu nhiều đặc khu kinh tế và tuyến đường sắt cao tốc Viêng Chăn – Côn Minh vừa đi vào sử dụng gần đây. Trên nền tảng đó, hai nước đã đồng ý đẩy mạnh hợp tác an ninh trong khuôn khổ các dự án “Vành đai và Con đường”, bảo vệ an ninh quốc gia và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, gồm cả chuyển giao trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực từ Trung Quốc. Ở góc độ này, Sáng kiến An ninh toàn cầu là minh chứng đầy sống động cho thực tiễn kiến tạo nền an ninh khu vực của Trung Quốc hiện nay, giúp truyền tải thông điệp về quan niệm an ninh “chung nhất, toàn diện, hợp tác, bền vững”, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung an ninh của khu vực, mang lại lợi ích cho nhân dân các nước trong khu vực.
Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine trước mắt, qua Sáng kiến An ninh Toàn cầu, việc Trung Quốc nhấn mạnh rõ ràng lập trường phản đối chiến tranh hạt nhân cũng có thể trở thành một cơ sở hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Xét cho cùng, Trung Quốc là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân duy nhất đồng ý ký kết Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) một cách vô điều kiện. Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong việc ủng hộ các nước Đông Nam Á ứng phó đại dịch COVID-19 như viện trợ vắc xin và hỗ trợ phát triển kinh tế, nhờ đó nâng cao năng lực trở thành nhà lãnh đạo và nhà cung cấp các sản phẩm công cộng của khu vực trong các lĩnh vực phi truyền thống, phi quân sự. Động thái cùng lúc đưa ra Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Phát triển toàn cầu cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề phát triển và vấn đề an ninh dưới góc nhìn của Trung Quốc là phù hợp để nhân rộng ra phạm vi toàn cầu.
Dẫu vậy, trên thực tế, việc triển khai hợp tác an ninh ở các phương diện có liên quan giữa Trung Quốc và ASEAN trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh toàn cầu vẫn còn tồn tại những khó khăn, trở ngại. Trong Tài liệu khái niệm về Sáng kiến An ninh toàn cầu, có một đoạn văn có nội dung đề cập đến ASEAN đã kêu gọi ủng hộ cơ chế hợp tác an ninh khu vực mà ASEAN đóng vai trò trung tâm, cam kết duy trì biện pháp hiệp thương thống nhất của ASEAN. Do xung đột lợi ích và tranh chấp lãnh hải thường xuyên xảy ra, đối với các nước Đông Nam Á, nguyên tắc được đề ra trong Sáng kiến An ninh toàn cầu không hoàn toàn trùng khớp với thực tiễn chính sách ngoại giao của Trung Quốc những năm gần đây. Trước mắt, Tài liệu khái niệm còn bỏ ngỏ những chi tiết cụ thể về phương hướng xử lý vấn đề Biển Đông – vấn đề nan giải nhất giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, chính điều này sẽ trở thành mối lo ngại rất lớn của các nước Đông Nam Á trong việc tiến hành hợp tác an ninh với Trung Quốc.
Đối với các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, khái niệm “an ninh không thể tách rời” vẫn còn khá mơ hồ và chủ quan, không có nhiều tác dụng để giải quyết vấn đề thiếu tin tưởng trong khu vực cũng như làm thuyên giảm những nguy cơ an ninh đang tiếp tục gia tăng giữa hai bên. Tuy sự tồn tại về quân sự của Mĩ và việc nước này tạo lập hệ thống đồng minh với các đối tác châu Á đã gây tổn hại tới an ninh khu vực, nhưng vì vị trí địa lý kế cận, những động thái xây dựng quân sự dù là hợp lý của Trung Quốc cũng sẽ khiến các nước ven Biển Đông cảm thấy bị đe dọa. Trước một Trung Quốc không ngừng lớn mạnh, các nước Đông Nam Á này sẽ nảy sinh tâm lý không tin tưởng do lo sợ sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự chủ chiến lược của mình bị xâm phạm. Bởi vậy, với các nước này, những câu chữ như “coi trọng mối quan tâm chính đáng về an ninh của các nước” trong Sáng kiến An ninh toàn cầu vẫn chỉ là những phán đoán và thao tác mang tính chủ quan của Trung Quốc, từ đó hoài nghi liệu rằng sáng kiến trên có thực sự hiệu quả trong việc xoa dịu nỗi lo bị xâm hại chủ quyền của các nước. Thêm vào đó, do các nước thành viên ASEAN có khả năng giữ quan điểm khác nhau về Sáng kiến An ninh toàn cầu, ASEAN cũng lo ngại điều này sẽ phá vỡ cơ chế quyết sách dựa trên nhận thức chung của khối, làm cho khối ASEAN ngày càng bị chia rẽ và mất đi quyền tự chủ trong các vấn đề an ninh khu vực, gây nên những ảnh hưởng bất lợi tới vị thế trung tâm của ASEAN.
Tóm lại, thái độ thận trọng của các nước Đông Nam Á dành cho Sáng kiến An ninh toàn cầu hiện nay cho thấy sự tương phản rõ rệt so với sự ủng hộ dành cho Sáng kiến Phát triển toàn cầu của Trung Quốc. Điều đó nói lên rằng quan điểm về nền quản trị toàn cầu do Trung Quốc đề xướng của các nước ASEAN vẫn không hề vượt ra ngoài tư duy nhị phân của “chiến lược cân bằng”, tức một mặt vừa cẩn trọng quan sát những bước đi của Trung Quốc trong vai trò người đảm bảo an ninh của khu vực, mặt khác vừa tán thưởng những đóng góp của Trung Quốc trong vai trò đối tác hợp tác kinh tế. Thời gian tới, trong quá trình thực tiễn mà Trung Quốc phấn đấu đóng góp cho an ninh khu vực theo nguyên tắc cùng đàm phán, cùng xây dựng, cùng thụ hưởng, Trung Quốc cần có những động thái phản hồi tích cực, hiệu quả hơn trước một số hiểu lầm và lo ngại của các nước Đông Nam Á về “nghịch lý an ninh”. Trên cơ sở củng cố năng lực quân sự, an ninh của bản thân mình, Trung Quốc nên tiếp tục tăng cường đối thoại chiến lược với các nước láng giềng nhằm thúc đẩy lòng tin, xóa bỏ ngờ vực, không ngừng tìm kiếm những khuôn khổ, cơ chế chính sách hướng tới tạo lập niềm tin về quân sự và hợp tác an ninh song phương, đồng thời áp dụng những nguyên tắc an ninh mang tính khái niệm và lý luận thành bộ công cụ thực thi một cách cụ thể, từ đó từng bước kiến tạo cộng đồng chung an ninh khu vực trong cấu trúc hợp tác an ninh ngày càng bền vững.
Biên dịch: Hoàng Thị Hạnh Trang
Tác giả: Trương Đinh, Trương Lạc Từ – trợ lý nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Quốc tế Dân trí (Bắc Kinh, Trung Quốc)