Bằng cách tài trợ cho tuyến đường biển phía Bắc, Nga và Trung Quốc đang nỗ lực nhằm khám phá một tuyến đường thương mại mới thay thế cho các tuyến thương mại truyền thống vốn bị các quốc gia phương Tây kiểm soát. Động thái này của Nga và Trung Quốc có thể mở ra một kịch bản tranh chấp mới trong thời gian tới.
Sự kiện Kênh đào Suez bị tắc nghẽn kéo dài 06 ngày vào năm 2021 do tàu container ‘Ever Green’, một con tàu container khổng lồ 250.000 tấn, mắc cạn, đã gây ra thiệt hại mỗi ngày khoảng 10 tỷ USD đối với thương mại toàn cầu. Trong khi thu nhập hàng năm của Ai Cập từ Kênh đào Suez là 08 tỷ USD, thì sự cố do tàu container dài 400 mét này gây ra đã khiến quá trình giao/nhận sản phẩm bị gián đoạn, khiến giá dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng lên, đồng thời, gây thiệt hại cho công ty quản lý kênh đào này ước tính khoảng 12 triệu USD đến 15 triệu USD mỗi ngày.
Vụ việc nêu trên tiếp tục đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc cần thiết lập một tuyến đường vận chuyển Tây-Đông thay thế. Trong bối cảnh đó, dư luận thế giới bắt đầu chú ý tới những nỗ lực của Nga nhằm phát triển một tuyến đường thương mại mới qua Bắc Băng Dương, với tên gọi phổ biến được biết đến là “Tuyến đường biển phía Bắc”. Tầm quan trọng chiến lược của giải pháp thay thế khả dĩ ấy đã tăng lên trong hai năm qua do gần đây, Nga đang tập trung nhiều nguồn lực cho việc thiết lập tuyến đường thương mại thay thế này trong bối cảnh bị Mỹ/phươngTây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, gây gián đoạn chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng cho nước này.
Những lợi ích của tuyến đường biển phía Bắc
Tuyến đường biển phía Bắc (NSR), hay Hành lang Đông Bắc (NEP), kết nối phần phía Đông và phía Tây của Bắc Băng Dương. Trong khi tuyến đường Kênh đào Suez (được mô tả bằng màu xanh lam trong hình bên dưới) kết nối giữa Châu Âu và Châu Á có khoảng cách 21.000 km, thì NSR (màu đỏ) có khoảng cách 13.000 km, giúp giảm thời gian đi lại từ một tháng xuống ít hơn hơn hai tuần giữa châu Âu và châu Á.
Với phần lớn NSR tiếp giáp với vùng lãnh thổ phía Bắc của Nga, nước này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của tuyến đường biển chạy qua Bắc Băng Dương. Tháng 08/2022, Nga đã phê duyệt kế hoạch phát triển trị giá 29 tỷ USD cho NSR, có hiệu lực đến năm 2035. Được coi là huyết mạch chính của Vùng Bắc Cực thuộc Nga, kế hoạch này dự kiến sẽ mang lại cho Nga ba lợi ích địa chiến lược và địa kinh tế cụ thể từ NSR, gồm:
– Trở thành một siêu xa lộ năng lượng quốc tế để xuất khẩu hydrocarbon và buôn bán các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác của Vùng Bắc Cực thuộc Nga;
– Hình thành chuỗi cung ứng mạnh mẽ đến Vùng Bắc Cực của Nga, đảm bảo quá trình cung cấp hàng hóa không bị cản trở cho các cảng và “điểm tăng trưởng kinh tế” mới;
– Giành được vị trí trung tâm trong quá trình vận chuyển thương mại quốc tế.
Do phụ thuộc nặng nề vào tuyến đường Kênh đào Suez để nhập khẩu năng lượng quan trọng và khoáng sản quý hiếm, Trung Quốc cũng đã nổi lên như một bên tham gia tích cực trong quá trình phát triển của NSR.
Bắc Băng Dương được biết đến với các lớp băng dày hoặc tảng băng trôi, cản trở các tàu chở hàng. Va chạm với một tảng băng trôi có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Tuy nhiên, sự thu hẹp lớp băng bao phủ do quá trình nóng lên toàn cầu trong những năm gần đây đã tạo cơ hội cho các quốc gia Bắc Cực khám phá tiềm năng của NSR như một tuyến đường thương mại quốc tế mới. Tuy nhiên, bất chấp nhiều nỗ lực, sự phát triển của NSR như một giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez vẫn còn hạn chế do môi trường tự nhiên khắc nghiệt của khu vực.
Với xu hướng tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, NSR có thể trở thành một giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí và thời gian cho Kênh đào Suez. Nga cũng đang chế tạo các tàu phá băng chở đầy hàng hóa để vượt qua các chướng ngại vật băng giá và tránh các tai nạn chết người.
Sự cố với tuyến đường hiện tại
Kể từ năm 1869, Tuyến đường Kênh đào Suez là tuyến đường chung cho thương mại quốc tế từ Tây Á đến Châu Âu, Bắc Mỹ và theo hướng ngược lại. Tuy nhiên, tuyến đường này cũng có các điểm nghẽn chính, nếu bị chặn, có thể làm gián đoạn thương mại thế giới. Các nghiên cứu đã định nghĩa “điểm thắt nút” là điểm có ba đặc điểm:
– Nó phải chiếm một vị trí chiến lược quan trọng.
– Vị trí được kiểm soát bởi một số ít quốc gia hoặc một quốc gia. Ví dụ, việc Ai Cập kiểm soát kênh đào Suez.
– Một số lượng lớn các quốc gia dựa vào lối đi đó.
Hàng hóa quốc tế sử dụng tuyến kênh đào Suez truyền thống phải đối mặt với ba nút thắt quan trọng giữa châu Âu và châu Á. Chúng bao gồm Kênh đào Suez, eo biển Bab el-Mandeb, còn được gọi là “Cổng đau buồn”, ở Tây Á và Eo biển Malacca ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Eo biển Bab el-Mandeb là mục tiêu của nhiều vụ cướp biển tấn công tàu kể từ năm 2005. Khu vực cũng bị thủy lôi do phiến quân Houthi rải ở Biển Đỏ đe dọa. Từ năm 2015-2018, các lực lượng liên minh quốc tế đã vô hiệu hóa gần 90 thủy lôi ở Biển Đỏ. Một số tàu chở hàng đã va vào các thiết bị nổ này ở Biển Đỏ và chúng cũng gây ra thương vong cho ngư dân địa phương.
Eo biển Malacca, ngoài khơi bờ biển Malaysia, cực kỳ quan trọng đối với các nước Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản, vì phần lớn nguồn cung cấp năng lượng của họ đi qua eo biển này. Bất kỳ sự tắc nghẽn nào cũng sẽ ảnh hưởng đến 25% thương mại thế giới và 33% thương mại dầu mỏ.
Các điểm nghẽn thương mại hàng hải trong tuyến đường Kênh đào Suez có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu và bẫy các tàu thương mại ở những vị trí dễ bị tổn thương trong các lối đi hẹp. Do đó, bắt buộc phải phát triển một tuyến đường thay thế không chỉ giảm thiểu khoảng cách và thời gian di chuyển mà còn giảm thiểu rủi ro tắc nghẽn. NSR có thể cung cấp một giải pháp thay thế hiệu quả.
Những thách thức chiến lược trong tương lai
Giống như cuộc tìm kiếm kéo dài hàng thế kỷ của Nga để tiếp cận các vùng nước ấm, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm những cách nhanh hơn để tiếp cận thị trường Châu Âu. Mặc dù không phải là thành viên của Hội đồng Bắc Cực, Trung Quốc đã thể hiện sự quan tâm lớn đối với NSR, vì tuyến đường này đưa ra một giải pháp hiệu quả để giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca, điểm thắt nút chính của châu Á đối với điểm cuối phía Đông của tuyến đường Kênh đào Suez. Việc phong tỏa eo biển Malacca có thể cản trở 90% tổng thương mại của Trung Quốc và 80% lượng dầu thô nhập khẩu của nước này.
NSR cung cấp cho Nga cùng Trung Quốc những lợi ích họ thường tìm kiếm ở lối đi phía Đông Bắc và cả hai đều cam kết thúc đẩy tuyến đường này phát triển. Trong Diễn đàn Hợp tác Quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai được tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 25/04/2019, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ sự quan tâm của Nga trong việc đánh giá khả năng tham gia NSR với “Con đường Tơ lụa” của Trung Quốc để tạo ra một tuyến đường toàn cầu và cạnh tranh kết nối Đông Á với Châu Âu.
Những diễn biến này cho thấy khả năng trong tương lai Nga và Trung Quốc sẽ giành được ảnh hưởng tập thể đối với NSR, đưa phần lớn thương mại thế giới vào tầm kiểm soát của họ. Xem xét mối quan hệ ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, khả năng ảnh hưởng của họ đối với NSR làm dấy lên mối lo ngại lớn hơn đối với phương Tây về sự thống trị toàn cầu và quyền bá chủ kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.
Kế hoạch phát triển NSR cũng được coi là một trong những chiến lược của Nga nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế của nước này bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Cùng với việc phi đô la hóa, việc kiểm soát một tuyến đường thương mại quan trọng sẽ cho phép Nga kiếm được doanh thu từ thuế do tuyến đường này đi qua Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Moscow.
NSR có tầm quan trọng không kém đối với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như đối với Trung Quốc và Nga. Cả hai nước đều là những quốc gia công nghiệp hàng đầu của phương Đông, ngày càng sử dụng nhiều lối đi phía Đông Bắc. Bất chấp sự hoài nghi của các công ty vận tải phương Tây, công ty vận tải có trụ sở tại Đan Mạch, AP Moller-Maersk, đã gửi tàu container đầu tiên của mình dọc theo tuyến đường này vào tháng 08/2018.
Theo dự đoán của các chuyên gia, NSR sẽ sẵn sàng sử dụng hết công suất vào khoảng năm 2030, thu hút phần lớn khối lượng thương mại quốc tế. Kênh đào Suez sẽ tiếp tục được sử dụng cho giao thông hàng hải, đặc biệt là giữa lưu vực Địa Trung Hải, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ với Nam và Đông Nam Á. Phản ứng của phương Tây đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc cùng với Nga trong tuyến đường mới vẫn chưa được ghi nhận. Trò chơi chiến lược đang diễn ra này trong một tuyến đường thương mại quốc tế chưa được khám phá cho đến nay làm tăng sự không chắc chắn về tương lai của thương mại thế giới. Điều này cũng mở ra một mặt trận tranh chấp mới giữa các cường quốc phương Tây truyền thống và Nga – quốc gia ngoại lai của châu Âu – và ảnh hưởng toàn cầu đang lên của Trung Quốc.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Kanishk Shetty là thực tập sinh của chương trình Địa kinh tế tại Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]