Trước thềm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva), 9 chuyên gia châu Âu và Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhận định quan trọng, góp phần hé mở tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong thập kỷ tới. Nghiên cứu Chiến lược giới thiệu tới quý độc giả quan điểm của các chuyên gia này qua bài viết: "NATO trong thập kỷ tới" với hai phần: Phần 1 - Tìm kiếm giải pháp cho vấn đề xung đột Ukraine và Phần 2 - Mở rộng, thích ứng với nhiệm vụ chiến lược mới.
Trước khi Nga tấn công Ukraine, NATO là gì? Một tàn tích của Chiến tranh Lạnh đang tìm kiếm một mục tiêu, nhằm duy trì một đối trọng với Moskva trong khi Washington tiến hành xoay trục sang châu Á. Đó là một sự khiêu khích không cần thiết đối với một nước Nga vốn không phải là mối đe dọa – hay đại loại như thế, các chuyên gia học thuật và truyền thông đã nói như vậy. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng từng gọi liên minh này là một tổ chức đã “chết não”.
Tất nhiên, các quốc gia láng giềng với nước Nga lại có quan niệm khác và không ngừng cảnh báo các đồng minh phương Tây của họ rằng liên minh này (NATO) vẫn phục vụ một mục đích quan trọng. Ngày nay, theo nhiều khía cạnh, NATO đã quay trở lại vai trò chủ đạo của mình là một bức tường chắn của phương Tây xuyên qua Đại Tây Dương, chống lại một điện Kremlin theo chủ nghĩa bành trướng. Vũ khí đang chuyển hướng về phía Đông, và quân đội đang được triển khai sẵn sàng. Phần Lan đã gia nhập NATO nhằm tìm kiếm sự bảo trợ của tổ chức này. Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng ở trong giai đoạn chuẩn bị gia nhập và con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine sẽ được thảo luận khi các nhà lãnh đạo của tổ chức này gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm của họ ở Vilnius, Litva ngày 11-12/7/2023. Với những điều kiện đã nêu ra thì thật bất ngờ là chúng ta lại đang nói về một liên minh phát triển công nghiệp quốc phòng.
Nhưng điều này không thể lặp lại như đã xảy ra trong quá khứ, ngay cả khi một số người có thể hoài niệm về sự đoàn kết vì mục đích chung đã định hình phương Tây trong Chiến tranh Lạnh. Có thể nói rằng, việc kết thúc cuộc ganh đua đó trong hòa bình mà không xảy ra xung đột lớn đã khiến NATO trở thành liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, ngày nay NATO hoạt động trong một thế giới rất khác, nơi mà Moskva chỉ là một trong nhiều thách thức. Với tư cách là các đồng minh của Nga, Trung Quốc và Iran hiện đang có những tác động trực tiếp đến an ninh châu Âu; Ngược lại, NATO đang chú ý đến các mối đe dọa mới ở phía Đông.
Với sự kết hợp không đồng bộ giữa công nghệ thế kỷ XXI và chiến tranh chiến hào đã bị lãng quên từ lâu, các trận chiến trên bộ ngày nay đã có những kịch bản rất khác so với quá khứ, cùng nhiều bài học dành cho NATO đã được rút ra từ Ukraine. Nước Nga ngày nay nhỏ hơn và yếu hơn so với Liên Xô trước kia – đặc biệt là sau khi nhiều lực lượng của họ bị tổn thất ở Ukraine – nhưng nước này vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân. Như cuộc hành quân của Nhóm Wagner tới Moskva cho thấy, đất nước này cũng kém ổn định và khó đoán hơn so với Liên Xô trước đây, khiến NATO cần chuẩn bị đối phó với một loạt kịch bản hoàn toàn mới về Nga. Và không giống như thời kỳ hưng thịnh của NATO, những thế lực vẫn được gọi là “Thế giới thứ ba” không muốn đứng ngoài mọi chuyện mà ngày càng muốn thể hiện tiếng nói trong việc quản lý xung đột.
Để cho chúng ta biết một NATO hồi sinh có thể giải quyết những thách thức này và những thách thức khác như thế nào, Foreign Policy đã phỏng vấn chín chuyên gia nổi tiếng từ Châu Âu và Hoa Kỳ về quan điểm của họ. Dưới đây, là một số chủ đề quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo NATO phải đối mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Vilnius và trong tương lai, từ tư cách thành viên của Ukraine đến vai trò của khối trong việc đối mặt với Trung Quốc.
Đảm bảo an ninh và là cầu nối cho mong muốn trở thành thành viên của Ukraine
Anders Fogh Rasmussen – cựu Tổng thư ký NATO
Các nhà lãnh đạo NATO họp tại Vilnius cần phải nhận ra rằng hòa bình, ổn định ở châu Âu phụ thuộc vào một Ukraine an toàn và độc lập. Điều đó có nghĩa là đưa Ukraine vào NATO. Cá nhân tôi tin rằng các nhà lãnh đạo nên đưa ra lời mời chính thức với Ukraine tại Vilnius – nhưng thật không may, một số nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên NATO vẫn do dự đưa ra cam kết trong khi chiến tranh đang diễn ra. Đây là một sai lầm. Nếu bạn cho rằng tư cách thành viên phụ thuộc vào việc chấm dứt chiến sự, thì điều đó sẽ tạo động lực cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục kéo dài cuộc chiến vô thời hạn.
Nếu không có thỏa thuận nào về lời mời gia nhập NATO, lựa chọn tốt thứ hai sẽ là vạch ra con đường trở thành thành viên theo ba bước. Đầu tiên, cần phải xác nhận rằng một khi Ukraine được mời, nước này có thể theo bước Phần Lan và Thụy Điển trên con đường gia nhập NATO nhanh chóng bằng cách loại bỏ về đề xuất kế hoạch hành động để trở thành thành viên, một thủ tục mà có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Thứ hai, cam kết xem xét lại vấn đề mở rộng NATO tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh ở Washington vào năm tới. Cuối cùng, thành lập một hội đồng NATO-Ukraine với nhiệm vụ làm việc về các điều kiện cần phải đáp ứng để Ukraine gia nhập liên minh.
Những bước đi này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Putin: Sớm muộn gì Ukraine cũng sẽ trở thành thành viên của NATO và không thể ngăn chặn quá trình này.
Trở thành thành viên của NATO là mục tiêu cuối cùng, nhưng để đạt được điều đó, người Ukraine cần sự ổn định và an ninh. Đó là lý do tại sao họ cần tới bước thứ tư: đảm bảo an ninh ngay bây giờ. Ngay cả trước thềm hội nghị thượng đỉnh vào ngày 11-12/7/2023, nhóm các đồng minh của Ukraine nên ủng hộ các đảm bảo dựa trên Hiệp ước An ninh Kiev mà tôi là đồng tác giả (cùng với Chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky), Andriy Yermak.
Việc đảm bảo an ninh không thể được đưa ra chỉ bởi một văn bản. Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 đảm bảo biên giới và chủ quyền của Ukraine – và hóa ra lại trở nên vô giá trị khi cần viện dẫn. Thay vào đó, các đối tác của Kiev phải đảm bảo rằng Ukraine có thể tự bảo vệ mình cho đến khi được điều chỉnh bởi Điều 5 của NATO. Điều này phải liên quan đến một cam kết mở từ một nhóm các quốc gia bảo lãnh cung cấp vũ khí, huấn luyện chung dưới lá cờ của Liên minh châu Âu và NATO bên ngoài Ukraine, chia sẻ thông tin tình báo, cũng như đầu tư bền vững vào cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine. Điều này nên được mô hình hóa dựa trên sự hỗ trợ quân sự lâu dài của Hoa Kỳ dành cho Israel.
Bản thân các đảm bảo an ninh không phải là mục đích cuối cùng, nhưng chúng có thể tạo cầu nối để Ukraine trở thành thành viên chính thức của cả NATO và EU. Họ có thể cung cấp sự an toàn cần thiết để nền kinh tế Ukraine phục hồi, bắt đầu tái thiết và hàng triệu người Ukraine có thể trở về nhà của họ.
Các nhà lãnh đạo gặp nhau ở Vilnius không được lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Họ phải hỗ trợ đảm bảo an ninh mạnh mẽ và đặt Ukraine trên con đường trở thành thành viên NATO. Nếu họ không làm như vậy, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn và xung đột không có hồi kết tại châu Âu.
Ukraine gia nhập NATO sẽ giúp châu Âu an toàn hơn
Dmytro Kuleba – Ngoại trưởng Ukraine
Khi Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius đến gần, cuộc tranh luận về việc liệu Ukraine có được mời gia nhập NATO hay không đang diễn ra sôi nổi. Trong khi đó, người Ukraine đang chiến đấu trong cuộc chiến đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ năm 1945 – họ mất đi những người thân, với mục tiêu đánh bại Nga và giải phóng quê hương của họ. Hiện tại, các chỉ huy, binh lính và toàn thể xã hội Ukraine đang tích lũy những kinh nghiệm cần thiết trong việc phòng thủ trước mối đe dọa từ Nga. Trong tương lai, họ có thể đóng góp kinh nghiệm và bản lĩnh của mình để đảm bảo an toàn cho toàn bộ NATO.
Ai lại không muốn có một đồng minh với sức mạnh, lòng can đảm và sự bền bỉ như Ukraine? Đó là một thực tế mới so với năm 2008, lần cuối cùng một Hội nghị Thượng đỉnh NATO chính thức thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine. Ukraine không còn chỉ tìm cách đứng dưới chiếc ô an ninh tập thể. Ukraine ngày nay là một quốc gia đóng góp lớn cho an ninh, bảo vệ chính họ và cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương khỏi một nước Nga hùng mạnh và theo chủ nghĩa phục thù.
Khi Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến và gia nhập NATO, các lữ đoàn Ukraine – chứ không phải của Mỹ hay Đức – sẽ bảo vệ sườn phía đông của NATO. Các đơn vị thiện chiến của Ukraine sẽ đóng quân tại các quốc gia đồng minh để tìm kiếm sự bảo vệ khỏi mối đe dọa từ Nga. Không thành viên NATO nào khác có kinh nghiệm và kỹ năng như vậy, kể cả cách phản ứng và đẩy lùi một cuộc tấn công trong vòng vài giờ. Điều đó giải quyết một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của liên minh – đó là thời gian phản công nhanh chóng – đồng thời tăng cường an ninh tập thể.
Chúng tôi không tìm kiếm đồng minh ngay lập tức. Chúng tôi sẽ không kéo NATO vào cuộc chiến này. Chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu quân đội nước ngoài hỗ trợ trên các mặt trận ở Ukraine. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đối tác, chúng ta sẽ tự mình đánh bại Nga. Cuộc chiến này là của chúng ta để chiến đấu.
Nhưng cuộc chiến tiếp theo có thể tránh được bằng cách kết nạp Ukraine vào NATO. Do đó, những gì chúng tôi đang yêu cầu là một bước tiến mạnh mẽ hướng tới tư cách thành viên chính thức trong tương lai của Ukraine. Tại Vilnius, chúng tôi yêu cầu NATO nhận ra ba điều rõ ràng: Thứ nhất, NATO cần Ukraine cũng như Ukraine cần NATO; thứ hai, Ukraine là một phần không thể tách rời của an ninh châu Âu-Đại Tây Dương; và thứ ba, Ukraine nên được mời gia nhập NATO ngay bây giờ, với tư cách thành viên chính thức khi các điều kiện cần thiết được đáp ứng.
Một lời mời như thế này sẽ không khiêu khích Tổng thống Nga Vladimir Putin – ngược lại, nó sẽ ngăn cản ông ta khỏi những hành động gây hấn trong tương lai. Khi đối đầu với sức mạnh, ông ta luôn lùi bước, như tất cả chúng ta đã thấy khi Tổ chức Wagner tiến về Moskva. Với việc Putin bị suy yếu bởi cuộc binh biến, đó là một cơ hội để mời Ukraine gia nhập NATO.
Nếu các nhà lãnh đạo NATO chưa sẵn sàng đưa ra lời mời ở Vilnius, họ nên nói rõ khi nào điều đó sẽ diễn ra. Với tư cách thành viên thì cần có các yêu cầu chính thức, nhưng lời mời thì không. Tất cả những gì cần thiết là tầm nhìn chiến lược và ý chí chính trị.
Khối quyền lực mới của NATO
Kristi Raik – Phó Giám đốc Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế (ICDS)
Một trong những hậu quả chiến lược lâu dài của cuộc chiến Nga – Ukraine là NATO đang ngày càng lớn mạnh hơn ở Đông Bắc châu Âu – vòng cung dài từ các nước Bắc Âu đến các nước vùng Baltic đến Ba Lan. Sự thay đổi quyền lực này sẽ thay đổi liên minh trong thập kỷ tới, giúp liên minh có nhiều khả năng hơn trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ Nga. Khả năng phòng thủ ngày càng tăng ở phía Đông Bắc của NATO là cơ sở để biến châu Âu trở thành một đồng minh nghiêm túc hơn của Hoa Kỳ, đồng thời đặt nền móng cho việc Hoa Kỳ có thể giảm thiểu ảnh hưởng của mình đối với an ninh châu Âu trong tương lai.
Đặc biệt, Ba Lan đang xây dựng một trong những quân đội mạnh nhất ở châu Âu. Warsaw đã tiến hành mua sắm rầm rộ và có kế hoạch chi 4% GDP cho quốc phòng vào năm 2023. Các quốc gia vùng Baltic cũng đang tiến hành tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, hướng tới mục tiêu 3% GDP trong những năm tới.
Sự gia nhập của Phần Lan và có thể sắp tới là Thụy Điển sẽ đánh dấu một sự thay đổi chiến lược thậm chí còn lớn hơn, mang lại sức mạnh mới cho NATO, bao gồm lực lượng bộ binh chất lượng cao của Phần Lan và năng lực hàng hải mạnh mẽ của Thụy Điển. Hai thành viên mới này sẽ tăng thêm chiều sâu chiến lược cho việc bảo vệ khu vực Baltic. Thay vì trở thành điểm yếu của NATO và là nam châm có thể thu hút sự gây hấn của Nga, Biển Baltic sẽ trở thành một cái hồ ảo của NATO. Chưa bao giờ trong lịch sử, tất cả các quốc gia này đều thuộc về cùng một liên minh quân sự.
Có lẽ điều quan trọng nhất mà khối Đông Bắc mới trong NATO sẽ mang lại là sự rõ ràng về mặt chiến lược cho các cuộc tranh luận về an ninh châu Âu. Các nước Bắc Âu, các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan nằm trong số những người ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, trên hết là vì các nước này có lợi ích hiện hữu khi chứng kiến Nga bị đánh bại ở Ukraine. Tương tự như vậy, họ rất quan tâm đến các đảm bảo an ninh đáng tin cậy cho Ukraine sau chiến tranh – giải pháp đáng tin cậy và hiệu quả nhất là trở thành thành viên của NATO. Việc Ukraine gia nhập liên minh phương Tây – điều mà hầu hết các đồng minh đều đồng ý là vấn đề khi nào chứ không phải liệu – sẽ khiến Kiev trở thành một phần trong quá trình chuyển giao quyền lực của liên minh. Khả năng quân sự và khả năng phục hồi trong toàn xã hội mà người Ukraine đã thể hiện kể từ tháng 2 năm 2022 đã cho thấy chắc chắn rằng NATO sẽ được củng cố đáng kể bởi một thành viên mới như vậy.
Lý do rõ ràng để các thành viên trục Đông Bắc của NATO tập hợp lại với nhau là để chống lại một nước Nga hùng mạnh với mục đích khôi phục lại phạm vi ảnh hưởng cũ của mình. Các quốc gia này không mong đợi mối đe dọa từ Nga sẽ sớm giảm bớt. Ngay cả khi Nga thua ở Ukraine, nước này sẽ có khả năng xây dựng lại lực lượng của mình trong thời gian vài năm. Điều quan trọng là Nga khó có thể từ bỏ tham vọng mở rộng ảnh hưởng nhằm thiết lập lại quyền kiểm soát đối với các nước láng giềng. Sườn phía Đông Bắc của NATO sẽ được đảm bảo an toàn và liên minh sẽ coi Nga là mối đe dọa lâu dài một cách nghiêm túc.
Đồng thời, các thành viên trục phía Đông Bắc của NATO đang thực hiện những nỗ lực nghiêm túc nhất để củng cố trong việc đảm bảo an ninh của chính mình. Họ không thích nói về việc Hoa Kỳ có thể giảm bớt cam kết, vì họ nhận thức rõ vai trò không thể thiếu của người Mỹ trong việc bảo vệ họ. Không giống như một số nhà lãnh đạo Tây Âu, những người thuyết giảng về “quyền tự chủ chiến lược” của châu Âu và nhu cầu được cho là phải giữ khoảng cách với Hoa Kỳ, các quốc gia Đông Bắc châu Âu đang tập trung vào các hành động thực tế bằng cách đảm nhận phần lớn trách nhiệm đối với an ninh của châu Âu – trong suốt thời gian đó và hi vọng rằng, điều này sẽ giúp gìn giữ quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ.
NATO đã sẵn sàng cho sự hỗn loạn ở Nga?
Angela Stent, tác giả cuốn Thế giới của Putin: Nước Nga chống lại phương Tây và với phần còn lại
Cuộc binh biến ngắn ngủi của lãnh đạo Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin và đội quân đánh thuê của ông ta chống lại chính phủ Nga đã nhắc nhở thế giới rằng các nhà độc tài có vẻ ổn định – cho đến khi họ không ổn định. Khi các nhà lãnh đạo NATO nhóm họp tại Vilnius, họ sẽ tập trung vào thách thức trước mắt của cuộc chiến Nga-Ukraine và cách duy trì cũng như tăng cường hỗ trợ cho Kiev trong những cuộc phản công. Nhưng liên minh phương Tây chắc chắn sẽ phải đối mặt với một nước Nga trang bị vũ khí hạt nhân kém ổn định hơn. NATO đã quay trở lại sứ mệnh ngăn chặn ban đầu của mình – Liên Xô khi đó, một nước Nga ngày càng hùng mạnh. Nhưng khả năng hoàn thành sứ mệnh đó sẽ phụ thuộc vào việc ai có thể lên nắm quyền sau Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong trường hợp khó có thể xảy ra là Putin sẽ lựa chọn một quá trình chuyển đổi có kiểm soát – giống như cách ông lên nắm quyền vào năm 1999 – thì ông có thể sẽ bổ nhiệm một người kế nhiệm, người ban đầu sẽ tiếp tục các chính sách của ông, bao gồm cả việc tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine. Trong trường hợp đó, NATO sẽ tập trung vào các chính sách kép hiện tại là hỗ trợ Ukraine và ngăn chặn việc Nga gia tăng căng thẳng. Nhưng một quá trình chuyển đổi quyền lực có thể không hiệu quả nếu nhà lãnh đạo mới quyết định không bảo vệ lợi ích của các tầng lớp đặc quyền của Putin. Trong trường hợp đó, hoặc nếu Putin đột ngột rời khỏi chính trường mà không chọn được người kế vị, thì một cuộc tranh đấu quyền lực sẽ xảy ra, tương tự như những gì đã xảy ra sau khi người lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin qua đời. Một nước Nga bất ổn hơn với các thành phần khác nhau của cơ quan an ninh hỗ trợ các phe đối lập có thể làm dấy lên những lo ngại mới về việc bố trí các đầu đạn hạt nhân. Châu Âu có thể sẽ chứng kiến một làn sóng người tị nạn mới.
Để chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau về một nước Nga hậu Putin bất ổn, khó đoán, NATO cần khuyến khích các thành viên tăng cường khả năng phòng thủ, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan. Điều này bao gồm vũ khí quân sự thông thường và phòng vệ trên mạng, nhưng các thành viên NATO cũng cần lường trước một loạt các mối đe dọa khác thường từ một nước Nga kém ổn định hơn, chẳng hạn như biến năng lượng hạt nhân thành vũ khí. Trong trường hợp quá trình chuyển giao không ổn định hoặc tệ hơn, liên minh sẽ phải tái khẳng định tầm quan trọng và sự thích ứng trong các điều kiện mới của Điều 5 phòng vệ tập thể. Và nó sẽ phải tương tác với quân đội Nga để đảm bảo rằng có sự liên lạc và đối thoại khả thi về các vấn đề hạt nhân.
Kịch bản tốt nhất của NATO cho một nước Nga thời hậu Putin sẽ là một nhà lãnh đạo bác bỏ tư duy bành trướng của Điện Kremlin hiện tại, đồng thời nhận ra rằng sự phát triển và hiện đại hóa trong nước quan trọng hơn đối với tương lai của một cường quốc, sẵn sàng nối lại các cuộc thảo luận về tính ổn định chiến lược và an toàn hạt nhân. Tuy nhiên, không rõ tầng lớp nắm quyền của nước Nga và công chúng Nga, những người đã được nuôi dưỡng tư tưởng bài ngoại, chủ nghĩa dân tộc trong nhiều năm, sẽ phản ứng thế nào trước sự thay đổi triệt để như vậy trong cách nhìn của Moskva. Ngoại trừ một số diễn biến không lường trước được – và Nga luôn có thể gây bất ngờ – Tuy nhiên kịch bản này vẫn còn xa vời, thách thức trước mắt vẫn là sự bất ổn bên trong biên giới Nga.
(Còn tiếp)
Biên dịch: Nguyên Nguyễn
Nguồn: Foreign Policy, NATO’s Next Decade: Nine thinkers assess the alliance’s future ahead of a historic summit, 6.7.2023.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]