Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc đã và đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực với phạm vi ảnh hưởng bao trùm hầu hết các khu vực trên toàn cầu. Trong đó, Đông Nam Á với vị trí địa chiến lược đặc biệt, đã trở thành một trong số ít trọng tâm chính của cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường. Vốn là không gian sinh tồn của Việt Nam, việc nghiên cứu khu vực Đông Nam Á trong cuộc đua tranh Mỹ - Trung có ý nghĩa thực tiễn lớn đối với các nhà khoa học trong nước. Các tác giả của những bài viết dưới đây cũng không phải ngoại lệ. Nghiên cứu Chiến lược trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết có chủ đề "Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung" với phần 1: Mỹ tham vọng đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và phản ứng của ASEAN của tác giả Nguyễn Minh Hạnh và phần 2: Chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc hiện nay và một số thách thức đặt ra với Việt Nam của tác giả Tấn Anh.
Đông Nam Á vốn là khu vực có lợi thế về mặt địa chính trị, kinh tế và chiến lược với cả châu Á – Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Khu vực này cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa 2 cường quốc Mỹ – Trung Quốc hiện nay. Tại Đông Nam Á, Mỹ và Trung Quốc đều đang chạy đua tìm cách gia tăng tầm ảnh hưởng. Trong đó, Trung Quốc vốn có lợi thế hơn Mỹ về mặt địa lý gần gũi và lịch sử gắn bó với Đông Nam Á. Giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đã hình thành mối quan hệ đầu tư, thương mại lâu đời. Tuy nhiên, Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm đối với khu vực này trong chiến lược đối ngoại. Washington đã tích cực đầu tư và duy trì mối quan hệ chặt chẽ về mặt an ninh với khu vực.
Hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược với khu vực Đông Nam Á, mỗi chính quyền tổng thống Mỹ trong thế kỷ 21 đều đưa ra những chính sách nhằm gia tăng mối quan hệ và tương tác với khu vực này. Nổi bật nhất là chính sách dưới 3 đời Tổng thống gần đây của Mỹ gồm các ông: Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden. Theo đó, các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines đều có tiềm năng tăng cường quan hệ với Mỹ.
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á
Các nước Đông Nam Á có nhiều lợi ích trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Vấn đề này đã và đang được nhắc tới nhiều trên các trang mạng xã hội, các kênh truyền thông, trong các cuộc thảo luận của chính phủ và giữa cộng đồng các chuyên gia của từng quốc gia.
Dưới sự bảo trợ của Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đang triển khai nhiều dự án kinh tế quy mô lớn ở Đông Nam Á, bao gồm xây dựng nhà máy thủy điện, đường ống dẫn dầu và đường sắt. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tích cực thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực an ninh hàng hải và thực thi pháp luật.
Hiện tại, Malaysia, Việt Nam và Indonesia nhận được nhiều nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhất từ Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Theo đó, nước này đã bắt đầu một dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khuôn khổ “Hợp tác Mekong – Lan Thương”, hướng tới phát triển cơ sở hạ tầng các quốc gia ở lưu vực sông Mekong – bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Mục tiêu chính của dự án là phát triển công nghệ và công nghiệp của khu vực, phát triển thương mại, nông nghiệp, cùng với cuộc chiến chống đói nghèo.
Tuy nhiên, Trung Quốc và các quốc gia cũng đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn, tranh cãi liên quan tới việc Bắc Kinh xây dựng các đập ở thượng nguồn sông. Việc này đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền nông nghiệp các quốc gia ở khu vực hạ nguồn sông Mekong.
Tại Đông Nam Á, Campuchia và Lào đang là 2 quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc cả về mặt kinh tế và chính trị. Cho đến nay, đây là những quốc gia duy nhất đã ký “kế hoạch hành động” song phương với Bắc Kinh, dựa trên “khái niệm về vận mệnh chung” của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tương tác sâu rộng với các cấu trúc chính thức của Đông Nam Á, chẳng hạn như Diễn đàn Khu vực (ARF). Đối với tất cả các nước ASEAN, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Năm 2020, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc sau Liên minh châu Âu (EU).
Mỹ và tham vọng tranh giành ảnh hưởng
Đối với Mỹ, Đông Nam Á được xem là trọng tâm trong chiến lược xoay trục châu Á – Thái Bình Dương. Nền tảng của mối quan hệ này được thể hiện trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một dự án lớn của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, giúp tạo ra các khu vực thương mại tự do giữa Washington và các nướcĐông Nam Á. Tuy nhiên, việc Indonesia và Thái Lan từ chối tham gia TPP lại tạo cảm giác có sự chia rẽ trong ASEAN về hiệp định này.
Trên thực tế, Mỹ đã duy trì ảnh hưởng mức độ cao trong khu vực. Về tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Đông Nam Á, Washington vẫn luôn dẫn đầu. Giá trị này xấp xỉ bằng các chỉ số kết hợp của Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Thương mại của Mỹ với các nước ASEAN cũng rất ấn tượng: Mỹ là đối tác lớn thứ hai của Đông Nam Á về thương mại song phương. Một số lượng lớn các công ty Mỹ đã đăng ký kinh doanh tại các nước ASEAN. Về hợp tác an ninh, Mỹ dẫn đầu nhờ có mối quan hệ đồng minh với một số quốc gia và mối liên hệ chặt chẽ giữa các quân đội. Ảnh hưởng của Washington ở Đông Nam Á liên quan đến “quyền lực mềm” cũng rất mạnh.
Dưới thời ông Obama, khu vực Đông Nam Á nhận được sự quan tâm ngoại giao chưa từng có từ Mỹ. Đồng thời, một trong những ưu tiên chính của chính quyền là tạo quan hệ và tương tác với các tổ chức quốc tế, điều này cũng được phản ánh trong quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á.
Năm 2009, Mỹ cùng ASEAN đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác. Ngoài ra, Mỹ đã cử một đại sứ đến tham gia một số hội nghị cấp cao dành riêng cho quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia ASEAN. Mỹ cũng tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á, bắt đầu tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus).
Tiếp đó, trong giai đoạn 2011-2015, Mỹ đã được thông qua kế hoạch hành động về hợp tác trong lĩnh vực an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải, và việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, cũng như các vấn đề khác với Đông Nam Á.
Về quan hệ với từng quốc gia trong khu vực, chính quyền ông Obama đã nỗ lực cải thiện quan hệ với các đối tác mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chính sách đối ngoại Mỹ, chính quyền một tổng thống cho thấy sự tích cực trong nỗ lực thiết lập quan hệ với Lào. Ông B. Obama là người đầu tiên trong số 3 tổng thống Mỹ gần đây nhất đến thăm đất nước này. Trong chuyến công du ấy, lãnh đạo của hai nước đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Năm 2011, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Myanmar trong 50 năm. Năm 2016, dưới thời cựu Tổng thống Obama, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, vốn đã tồn tại từ năm 1984. Tuy nhiên, những hạn chế nghiêm trọng về tài chính đã ngăn cản chính quyền ông Obama thực hiện tất cả các sáng kiến ông đã lên kế hoạch.
Với việc Mỹ xoay trục chính sách đối ngoại như vậy, nhiều nước bên ngoài châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm châu Âu, cũng đang dần thay đổi quan điểm và hướng sự quan tâm của họ tới khu vực này.
Tới thời Tổng thống D. Trump, Mỹ có phần rời xa khu vực Đông Nam Á so với thời kỳ Tổng thống B. Obama, khiến một số nước tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Cụ thể, quan điểm của ông Trump khi ấy chỉ quan tâm đến những lĩnh vực hợp tác thực sự cần thiết giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á.
Trong giai đoạn này, các tài liệu học thuyết của Mỹ tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với Đông Nam Á. Dù vậy, trên thực tế, các quan chức chủ chốt trong chính quyền không phải lúc nào cũng tham gia các cuộc họp trong các diễn đàn khu vực. Ngoài ra, quan hệ hợp tác giữa Washington với các nước trong khu vực trở nên rời rạc. Khác với chính quyền B. Obama, các nhân viên của ông D. Trump đã bày tỏ sự hoài nghi về các quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị đa phương. Thay vào đó, chính quyền ông Trump hướng tới sự phát triển của quan hệ song phương. Đây cũng là giai đoạn Mỹ tăng cường chủ nghĩa bảo hộ trong chính sách kinh tế.
Quan điểm “nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã khiến Đông Nam Á e ngại. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, quan điểm này bao gồm ý tưởng không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, phù hợp với các nguyên tắc mà các nước ASEAN đã đề ra và đang tuân thủ.
Dưới thời D. Trump, quan điểm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở được chính thức tuyên bố trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới Đà Nẵng năm 2017. Theo nhiều khía cạnh, quan điểm này được hiểu là một chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc và vai trò của Đông Nam Á đối với Mỹ tỏ ra mơ hồ.
Cùng với những luận điệu về vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc, trong các tài liệu mang tính học thuyết như Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng, chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở bắt đầu được coi là một nỗ lực nhằm buộc các nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đứng về một phe.
Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống D. Trump, nhiều nước Đông Nam Á nhận định sự can dự của Mỹ vào các vấn đề của khu vực có sự giảm sút liên tục. Theo các cuộc thăm dò năm 2019, 68% số người được hỏi ở các nước ASEAN đã đưa ra quan điểm trên.
Nỗ lực đưa Đông Nam Á trở lại trọng tâm
Việc ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ năm 2021 đã khiến một số quốc gia ASEAN lo ngại, đặc biệt là những nước đang cảnh giác với Trung Quốc. Những nước này cho rằng chính sách của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm đối với Bắc Kinh sẽ mềm mỏng hơn và hai cường quốc này sẽ bắt đầu những tương tác tích cực.
Trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Biden đã dành nhiều sự quan tâm cho ASEAN. Các quốc gia trong khu vực được đề cập trực tiếp trong tài liệu của chính phủ. Trong đó Philippines và Thái Lan là đồng minh hiệp ước quân sự với Mỹ. Indonesia, Malaysia và Singapore được coi là những đối tác hàng đầu trong khu vực. Đồng thời, vai trò trung tâm của ASEAN cũng được ghi nhận và Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ với “những nỗ lực của ASEAN nhằm đưa ra các giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực”. Đồng thời, các tài liệu cũng nêu rõ ý định của Mỹ trong việc tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài và thực hiện các biện pháp cho phép Đông Nam Á “thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tiêu chuẩn cao, quản lý nền kinh tế kỹ thuật số… hợp tác đầu tư vào cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn cao, minh bạch và xây dựng kết nối kỹ thuật số”.
Việt Nam cũng được đặc biệt chú ý trong tất cả các tài liệu học thuyết của Mỹ, tiêu biểu như Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời của ông Biden. Singapore và Việt Nam là điểm đến chiến lược trong chuyến công du đầu tiên của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Hoạt động này được thiết kế để tăng cường quan hệ với Đông Nam Á nói chung. Trong chuyến thăm, Mỹ và Đông Nam Á đã đạt được các thỏa thuận trong lĩnh vực an ninh mạng và chống biến đổi khí hậu. Đến cuối năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thực hiện các chuyến thăm tới Indonesia và Malaysia.
Dù nhiều quan chức từ thời cựu Tổng thống B. Obama được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền Tổng thống J. Biden, việc đưa Đông Nam Á trở lại trọng tâm chính sách như trước đây là khó thành hiện thực do nhiều nguyên nhân như: cán cân quyền lực đã thay đổi; hành động của Trung Quốc trong khu vực; ưu tiên mới của các nước ASEAN và bản thân nước Mỹ. Chính quyền của ông J. Biden cũng không thể hiện sự quan tâm đặc biệt vào việc tham gia các hiệp định kinh tế đa phương, cho thấy Mỹ có thể mất vị trí trong cơ cấu kinh tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong khi đó, chính quyền ông J. Biden, giống như chính quyền trước đây, đang tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Quan điểm của Đông Nam Á
Một trong những thách thức chính đối với các quốc gia Đông Nam Á vẫn là ảnh hưởng ngày càng tăng về ngoại giao, kinh tế, công nghệ và quân sự của Trung Quốc. Đại dịch Covid-19 cũng như việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đang khiến các nước trong khu vực lo ngại.
Mục tiêu chính trong chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á vẫn là duy trì một trật tự quốc tế có lợi cho nước này, thường được gọi là “trật tự dựa trên luật lệ”, bao gồm cả việc bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ các thể chế dân chủ. Đây là một trong những khía cạnh chính của cuộc đối đầu Mỹ-Trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhìn chung, có thể nói chính sách của Washington đối với Đông Nam Á sẽ có tác động đa chiều hướng. Hiện tại, các lợi ích này bao gồm phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư cho nhu cầu khu vực, duy trì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.
Các quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ mong muốn tham gia nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mối quan tâm chính của các quốc gia trong khu vực vẫn là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và hành vi của nước này ở Biển Đông. Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực được cho là sẽ kiềm chế sự phần nào các động thái của Trung Quốc. Đồng thời, trong một số thời điểm nhất định, các quốc gia Đông Nam Á không coi cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung như một cái cớ để xây dựng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Chính sách đối ngoại linh hoạt của các nước ASEAN làm cho sự tương tác với khối này trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong việc duy trì ổn định khu vực. Bất chấp sự miễn cưỡng của giới lãnh đạo Philippines hiện tại trong việc tăng cường hợp tác với Mỹ, đây vẫn là một trong những đồng minh quan trọng của Washington, do mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về mặt quân sự giữa giới lãnh đạo hai nước. Mặt khác, Việt Nam tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc hiện nay. Việt Nam và Mỹ có nhiều triển vọng tăng cường hợp tác không chỉ ở góc độ song phương, mà còn trong khuôn khổ các cấu trúc đa phương dưới sự bảo trợ của Washington.
Dù nhận thức được mối đe doạ từ Trung Quốc nhưng các quốc gia Đông Nam Á hiện không vội vàng thiết lập quan hệ đồng minh chặt chẽ với Mỹ, bởi họ không coi một chiến lược toàn diện của Mỹ là phù hợp. Hơn nữa, các nước trong khu vực chưa sẵn sàng tham gia vào một cuộc xung đột trực tiếp với Trung Quốc. Các nước này vẫn phụ thuộc vào Bắc Kinh về thương mại và đầu tư, đồng thời cũng không muốn sự cạnh tranh giữa các cường quốc lan sang khu vực của mình. Các nước ASEAN không muốn trở thành trung tâm cuộc đối đầu giữa hai cường quốc mà muốn tạo thế cân bằng và thu hút các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và các nước EU cùng hợp tác.
Sự hình thành của các cơ chế hợp tác như QUAD và AUKUS đã làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN. Xu hướng thiết lập các liên kết mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Mỹ và các đồng minh của họ đóng vai trò chủ đạo đã khiến các nước ASEAN cảm thấy Washington đang ưu tiên quan hệ với các trung tâm quyền lực khác. Các chuyến thăm ngày càng hiếm hoi của các quan chức cấp cao Mỹ tới khu vực càng khiến quan điểm này được củng cố.
(Còn tiếp)
Tác giả: Nguyễn Minh Hạnh
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]