- Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, với xu hướng thiếu hụt và mong manh trong chuỗi cung ứng năng lượng của EU. Năm 2022, châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, cần tính toán các giải pháp đối phó, điều chỉnh các chính sách năng lượng ở cả cấp độ Liên minh và thành viên.
- Điều gây khó khăn trong việc đưa ra giải pháp chung là sự khác biệt trong quan điểm của các nước thành viên EU. Những yếu tố bên ngoài như cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng đã gây ảnh hưởng đáng kể đến giá năng lượng và tình hình an ninh.
- Thị trường năng lượng toàn cầu tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc xung đột Nga – Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Tình hình này đã thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp đối phó với thiếu hụt năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự hợp tác và cam kết từ tất cả các bên liên quan để đảm bảo an ninh năng lượng và ổn định kinh tế trong tương lai.
1. Đặt vấn đề
Năng lượng đã trở thành vấn đề của hầu hết các quốc gia trong Liên minh châu Âu, buộc các quốc gia thành viên phải giải quyết ở cả 2 cấp độ: Liên minh và Quốc gia. Năng lượng là yếu tố cần thiết cho mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân châu Âu nhất là trong mùa đông, khi nhiệt độ ở đây có thể âm nhiều độ C. Mặc dù nhu cầu sử dụng lớn nhưng khả năng tự chủ năng lượng của các quốc gia EU còn hạn chế khiến sự phụ thuộc của Liên minh này vào nguồn cung bên ngoài cao.
Trong nhiều năm, EU đã tranh luận về sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ bên ngoài nhất là từ Nga, một quốc gia sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị. EU đã thông qua nhiều chính sách liên quan để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga, khi nước này chiếm tới 40% nguồn cung năng lượng ở EU[1].
Chính sách năng lượng luôn là một vấn đề địa chính trị và điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nổ ra. Căng thẳng giữa Nga – Ukraine bắt đầu từ năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và đến 2022 khi Nga sáp nhập các vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine, đã tác động mạnh đến thị trường năng lượng toàn cầu khiến cho giá năng lượng ở EU và trên toàn thế giới đã tăng mạnh. Châu Âu là trung tâm của cuộc khủng hoảng này nhưng nó cũng đang có những tác động lớn đối với thị trường, chính sách và nền kinh tế trên toàn thế giới.
Việc tăng giá tiếp tục kéo dài cho đến nay và càng trở nên trầm trọng hơn do Nga đơn phương quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho một số nước EU đẩy giá khí đốt lên mức cao kỷ lục. Giá khí đốt tăng nhanh làm cho giá điện tăng mạnh trên thị trường năng lượng của Liên minh Châu Âu, điều này đang dẫn đến nhu cầu đánh giá lại về các chính sách và sự ưu tiên năng lượng. Mối quan hệ giữa EU và Nga đang bị rạn nứt, đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của các cơ sở hạ tầng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các quyết định đầu tư được xây dựng trên nền tảng này trong nhiều thập kỷ qua. Các nước EU đang phối hợp chặt chẽ các hành động để giải quyết tình trạng tăng giá và khan hiếm nguồn cung.
2. Các nhân tố tác động đến sự thay đổi chính sách năng lượng của EU trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine giai đoạn 2014 – 2022
Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với những yếu tố mới tác động. Các yếu tố này bao gồm những vấn đề bên trong và bên ngoài, đặt ra sự cần thiết của việc thay đổi chính sách năng lượng của EU.
Sự mong manh trong chuỗi cung ứng
Năm 2022, châu Âu đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng, nhiều doanh nghiệp đóng cửa và kinh tế suy thoái. Báo cáo từ Viện nghiên cứu kinh tế Bruegel (Bỉ) được công bố vào tháng 9/2022 cho thấy, giá bán buôn điện và khí đốt đã tăng từ 5-15 lần kể từ đầu năm 2021 tại nhiều nước châu Âu. Chi phí để chính phủ các nước bù lại mức tăng giá điện và khí đốt trước khi thị trường tìm thấy điểm cân bằng mới với giá thấp hơn, là khoảng 1.000 tỷ Euro (1.070 tỷ USD)[2]
Theo Giám đốc điều hành của IEA – Fatih Birol, trong năm 2023, chênh lệch cung cầu khí đốt của châu Âu được dự kiến lên tới 27 tỷ m3. Khối lượng thiếu hụt này chiếm khoảng 6,8% nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên của châu Âu năm 2023. Theo Báo cáo thị trường dầu mỏ vào tháng 12/2022, IEA dự báo, quý III/2023 sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt dầu thô nghiêm trọng và có thể lại có một đợt tăng giá mới.[3]
Những số liệu này cho thấy, với tình trạng khan hiếm tài nguyên, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ năng lượng nhập khẩu và tốc độ phát triển của các ngành kinh tế của các nước thành viên EU, tình trạng mất an ninh năng lượng trở thành nguy cơ rõ ràng, buộc EU phải tính đến các giải pháp đối phó, trong đó có việc điều chỉnh các chính sách năng lượng ở cả cấp độ Liên minh và thành viên.
Sự khác biệt trong quan điểm của các nước thành viên EU
Một yếu tố khác trong việc thay đổi chính sách năng lượng của EU là sự khác biệt trong quan điểm giữa các nước thành viên.
Trước những hành động đáp trả giữa EU và Nga, cuộc khủng hoảng năng lượng đã xảy đến với các nước thành viên Liên minh châu Âu. Trong bối cảnh đó, nhiều nước châu Âu chưa tìm ra được tiếng nói chung về giải pháp tháo gỡ vấn đề này:
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã đặt ra thách thức lớn đối với EU trong việc duy trì sự đoàn kết và sự thống nhất trong chính sách năng lượng. Các quốc gia thành viên có quan điểm và quyết định khác nhau trong việc đối phó với Nga. Một số quốc gia đặc biệt quan ngại về an ninh năng lượng đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa và khả năng độc lập trong vấn đề nguồn cung cấp năng lượng.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu dầu thô đã gây ra rạn nứt với một số quốc gia thành viên bày tỏ sự bất lực trong việc tuân theo các mốc thời gian do Liên minh áp đặt. Bốn quốc gia thành viên – Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Bulgaria – đã phản đối mốc thời gian ban đầu mà Ủy ban châu Âu dự kiến về việc loại bỏ hoàn toàn tất cả dầu thô của Nga trong sáu tháng và tất cả các sản phẩm dầu tinh chế vào cuối năm 2022 với lập luận rằng họ không thể chuyển sang các nhà cung cấp khác trong một khoảng thời gian ngắn như vậy mà không gây nguy hiểm cho nền kinh tế quốc gia của họ. Do những phản đối này, các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng một cách tương đối hạn chế hơn những gì được tưởng tượng. Lệnh cấm vận chỉ tập trung vào việc ngăn chặn hàng nhập khẩu bằng đường biển, trong khi vẫn cho phép các nguồn cung cấp qua đường ống hoạt động. Điều này cũng làm nổi bật sự chia rẽ trong EU về chính sách đối với nước Nga của Liên minh châu Âu.
Về mức trần giá khí đốt của Nga, Đức, nền kinh tế lớn nhất EU và là nước phản đối áp trần giá năng lượng, đã bày tỏ sự ủng hộ với giải pháp mua chung khí đốt, cắt giảm tiêu thụ năng lượng và đa dạng hóa các nguồn cung. Áo và Hà Lan đã cảnh báo rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể khiến khí đốt không còn được bán cho châu Âu và hoạt động của các thị trường năng lượng bị gián đoạn. Các nước khác, bao gồm Hy Lạp, Bỉ, Ý và Ba Lan, lại yêu cầu mức trần mà họ cho rằng sẽ bảo vệ nền kinh tế của mình trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
Tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng
Kể từ khi cuộc xung đột diễn ra, Nga đã đưa ra hàng loạt những chính sách có ảnh hưởng lớn tới thị trường năng lượng toàn cầu và ở EU. Ngày 14/3/2022, Nga ký sắc lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ, lúa mạch, tới các quốc gia láng giềng. Đến ngày 1/5/2022, Ký dự luật yêu cầu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng ruble. 28/2/2022, Nga cấm các hãng hàng không của 36 quốc gia trong đó có Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Canada sử dụng không phận. Và đến ngày 2/9/2022, Nga đơn phương tạm ngưng hoàn toàn đường ống dẫn dầu Nord Stream 1.
Trong khi đó, EU thông qua 10 gói trừng phạt dành cho Nga, cụ thể bao gồm:
(i) Cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga, cấm nhập khẩu sắt, thép, gỗ, xi măng, thủy sản và rượu từ Nga; cấm nhập khẩu vàng từ Nga bao gồm cả đồ trang sức.
(ii) EU ra lệnh loại khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu) đối với 10 ngân hàng Nga. Hạn chế Nga tiếp cận thị trường vốn và tài chính của EU; cấm giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga và cấm cung cấp tiền giấy mệnh giá Euro cho Nga.
(iii) Đóng cửa không phận EU đối với tất cả máy bay do Nga sở hữu. Đóng cửa các cảng EU đối với tàu Nga; cấm các nhà khai thác vận tải đường bộ của Nga; cấm xuất khẩu hàng hóa và công nghệ trong lĩnh vực hàng không, hàng hải, vũ trụ sang Nga.
(iv) Hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa lưỡng dụng cũng như các biện pháp chống lại các thực thể hỗ trợ cuộc xung đột, hạn chế vận chuyển máy bay không người lái được Nga sử dụng.
(v) Đối với năng lượng, EU cấm nhập khẩu than, dầu từ Nga; cấm xuất khẩu hàng hóa và công nghệ trong lĩnh vực lọc dầu sang Nga; cấm đầu tư vào ngành năng lượng Nga.
Cuộc chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung hiện có và khiến các chính phủ trên khắp châu Âu phải vật lộn để bảo vệ người tiêu dùng khỏi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh đã ước tính rằng nếu không có sự can thiệp của chính phủ, chi phí năng lượng có thể tăng 40% trên toàn khu vực đồng Euro vào năm 2022, tăng từ mức tăng 13% vào năm 2021 của cuộc xung đột tiếp tục ở châu Âu.[4]
Căng thẳng Nga – Ukraine đã tác động đến nhiều vấn đề như:
Sự ảnh hưởng đến giá năng lượng: Xung đột ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến giá năng lượng trên thị trường toàn cầu, ảnh hưởng đến chi phí năng lượng của EU và các quốc gia thành viên của nó.
Tăng cường an ninh năng lượng: Cuộc khủng hoảng năng lượng đã phá vỡ mối quan hệ năng lượng lâu đời của các quốc gia châu Âu với Nga, đồng thời dẫn đến việc đánh giá lại nhu cầu an ninh năng lượng ở nhiều quốc gia. Nó cũng thúc đẩy một loạt các biện pháp nhằm tăng cường an ninh năng lượng…
Tăng cường hợp tác vùng Baltic và biển Đen: Các nước vùng Baltic và biển Đen cảm thấy bị ảnh hưởng nặng nề bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Châu Âu đã tăng cường hợp tác với các quốc gia này để đảm bảo an ninh năng lượng và nguồn cung cấp đáng tin cậy.
Sự ảnh hưởng đến dự án dẫn đường khí đốt: Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng có tác động đáng kể đến các dự án dẫn đường khí đốt từ Nga qua Ukraine đến châu Âu, như dự án Nord Stream và TurkStream. Sự tranh cãi về các dự án này đã gây ra sự chia rẽ và ảnh hưởng đến chính sách năng lượng của châu Âu.
Tóm lại, căng thẳng Nga – Ukraine đã thay đổi chính sách năng lượng của châu Âu bằng cách thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung cấp, tăng cường an ninh năng lượng, đẩy mạnh năng lượng tái tạo và khả năng lưu trữ, cũng như tác động đến các dự án dẫn đường khí đốt quan trọng.
Sự thay đổi trong tình hình năng lượng, địa chính trị toàn cầu
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể tác động đến thị trường dầu khí toàn cầu. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu đều có thể ảnh hưởng đến giá khí đốt trên toàn cầu. Nó cũng có thể dẫn đến sự biến động của thị trường và sự không chắc chắn trong lĩnh vực năng lượng. Do đó, EU cần phải làm việc với các quốc gia khác để giải quyết vấn đề này.
Xung đột đã gây ra một sự chia rẽ trong hỗ trợ và phát triển ngành năng lượng toàn cầu. Một số quốc gia vẫn tiếp tục hỗ trợ các nguồn cung cấp năng lượng truyền thống, trong khi các quốc gia khác đang thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine có ý nghĩa địa chính trị rộng lớn hơn. Nó đã làm gia tăng mối lo ngại về việc Nga sử dụng năng lượng như một công cụ để gây ảnh hưởng chính trị, đặt ra câu hỏi về các chiến lược đa dạng hóa và an ninh năng lượng ở các quốc gia khác nhau.
Tóm lại, xung đột Nga – Ukraine trong lĩnh vực năng lượng có tác động đáng kể đến thị trường năng lượng quốc tế và mối quan hệ địa chính trị giữa các quốc gia. Nó là một vấn đề quan trọng và đòi hỏi sự quan tâm, sự can thiệp của cộng đồng quốc tế để tìm giải pháp hòa bình và đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.
3. Tính tất yếu của sự điều chỉnh chính sách năng lượng của EU trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine
Tính tất yếu của sự thay đổi chính sách năng lượng của Liên minh châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine giai đoạn 2014-2022 rất rõ ràng và quan trọng. Xung đột này đã tạo ra nhiều tác động đối với năng lượng và an ninh năng lượng của EU dẫn đến sự thay đổi trong chính sách năng lượng của liên minh này. Chính sách năng lượng của EU tất yếu thay đổi với các khía cạnh như sau:
Đa dạng hóa và giảm sự phụ thuộc vào Nga: Xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự cơ động trong ngành năng lượng, đặc biệt là khí tự nhiên. EU đã nhận thức rõ rằng sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung cấp từ Nga có thể gây rủi ro cho an ninh năng lượng của họ. Do đó, tính tất yếu của thay đổi chính sách năng lượng là tăng cường việc đa dạng hóa nguồn cung cấp và giảm sự phụ thuộc vào Nga.
An ninh năng lượng: Xung đột Nga-Ukraine đã khiến EU nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của an ninh năng lượng. Họ đã phải tăng cường hợp tác và quan hệ với các đối tác năng lượng đáng tin cậy, cùng với việc đa dạng hóa nguồn cung cấp để đảm bảo an ninh, ổn định năng lượng.
Đổi mới và nâng cao hiệu suất năng lượng: Sự xung đột đã thúc đẩy EU nghiên cứu và đầu tư vào các công nghệ năng lượng mới nhằm nâng cao hiệu suất. Tính tất yếu của thay đổi chính sách năng lượng là tăng cường nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, tăng cường hiệu suất làm việc trong các ngành công nghiệp.
Điều chỉnh giá cả và thị trường năng lượng: Xung đột đã tạo ra sự không ổn định trong thị trường năng lượng, gây ảnh hưởng đến giá cả và các thỏa thuận năng lượng. Tính tất yếu của thay đổi chính sách năng lượng là điều chỉnh lại thị trường và tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực lên tiêu dùng và doanh nghiệp.
Như vậy, xung đột Nga – Ukraine đã tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi chính sách năng lượng của EU, thúc đẩy việc đa dạng hóa nguồn cung cấp, tăng cường an ninh năng lượng, đổi mới và tăng cường hiệu suất năng lượng, và điều chỉnh lại giá cả và thị trường năng lượng. Những thay đổi này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn EU tiến tới mục tiêu năng lượng bền vững và ổn định trong tương lai.
4. Một số vấn đề đặt ra đối với EU
Như vậy, sự mong manh trong chuỗi cung ứng năng lượng của EU và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã làm tăng giá bán buôn điện và khí đốt. Điều này đe dọa sự ổn định kinh tế và an ninh năng lượng của EU. Do đó, EU cần tính đến các giải pháp để đảm bảo an ninh và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Điều này bao gồm việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng nguồn cung cấp năng lượng đa dạng.
Các nước thành viên EU có quan điểm và quyết định khác nhau về việc đối phó với Nga và khủng hoảng năng lượng. Điều này tạo ra sự chia rẽ và thiếu đoàn kết trong EU. Để đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả, EU cần tìm ra tiếng nói chung và các giải pháp chung để giải quyết tình trạng mất an ninh năng lượng và phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Theo đó, các khuyến nghị được đưa ra để EU đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine:
Thứ nhất là đẩy mạnh nỗ lực tiết kiệm năng lượng: EU cần khuyến khích việc sử dụng công nghệ hiệu quả năng lượng, thúc đẩy những thay đổi về thói quen tiêu dùng năng lượng trong cộng đồng. Điều này có thể bao gồm việc tăng cường hiệu suất năng lượng của các ngành công nghiệp, xây dựng nhà cửa tiết kiệm năng lượng và khuyến khích việc sử dụng phương tiện giao thông sạch – hiệu quả.
Thứ hai là đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng: EU cần khuyến khích đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, bằng cách thúc đẩy sự phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng khác nhau như khí đốt tự nhiên, điện hạt nhân, năng lượng từ biển. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào một nguồn năng lượng duy nhất và tăng cường sự ổn định trong chuỗi cung ứng.
Thứ ba là tăng cường hợp tác quốc tế: EU nên thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác và tổ chức quốc tế để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng. Điều này có thể bao gồm việc xây dựng các liên kết năng lượng vùng lãnh thổ, thúc đẩy trao đổi công nghệ và kinh nghiệm, tăng cường quyền lực đàm phán với các nhà cung cấp năng lượng.
Và cuối cùng đó là thúc đẩy nghiên cứu và phát triển: EU cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng mới và tiên tiến. Điều này có thể giúp tạo ra những giải pháp sáng tạo, hiệu quả hơn trong việc sử dụng và sản xuất năng lượng.
Những khuyến nghị này có thể giúp EU tăng cường an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung cấp ổn định và bền vững, đồng thời góp phần vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động năng lượng đến môi trường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quyết định, chính sách cụ thể sẽ cần được xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để đảm bảo sự hiệu quả và thích ứng với tình hình cụ thể của từng quốc gia thành viên trong EU./.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với BBT Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tham khảo:
[1] The European External Action Service (2022), Energy policy is at the centre of EU foreign policy, https://www.eeas.europa.eu/eeas/energy-policy-centre-eu-foreign-policy_en, truy cập ngày 26/7/2023.
[2] Bộ Công Thương (2023), Tiền của châu Âu không đủ “xoa dịu” thị trường năng lượng, khủng hoảng kéo dài đến bao giờ?”, moit.gov.vn, https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-nang-luong/tien-cua-chau-au-khong-du-xoa-diu-thi-truong-nang-luong-khung-hoang-keo-dai-den-bao-gio-.html, truy cập ngày 26/7/2023.
[3] Bộ Công Thương (2023), Tiền của châu Âu không đủ “xoa dịu” thị trường năng lượng, khủng hoảng kéo dài đến bao giờ?”, moit.gov.vn, https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-nang-luong/tien-cua-chau-au-khong-du-xoa-diu-thi-truong-nang-luong-khung-hoang-keo-dai-den-bao-gio-.html, truy cập ngày 26/7/2023.
[4] Alex Lawson (2022), Windfall taxes and an ‘anti-Putin shield’: how Europe is tackling energy crisis, The Guardian, https://www.theguardian.com/business/2022/may/03/windfall-taxes-price-caps-and-vat-cuts-how-nations-are-addressing-europes-energy-crisis, truy cập ngày 26/7/2023.
[5] Minh Châu (2009), Châu Âu và các chính sách về tiết kiệm năng lượng, Tạp chí Công nghiệp, kỳ 2 số tháng 8, 40-41.
[6] T. Hải (1997), Các nguồn và mạng lưới năng lượng Châu Âu – Địa Trung Hải, Hà Nội: Thông tấn xã Việt nam, 45, 18-19.
[7] Nguyễn Thị Hòa Mai (2016), Tình hình năng lượng ở Liên minh Châu Âu: Các nhân tố tác động và các giải pháp, Nghiên cứu châu Âu, 01, 22-28.
[8] Ankita Dutta (2022), Europe’s Energy Security in the Aftermath of Ukrainian Crisis, Indian Council of World Affairs, https://www.icwa.in/show_content.php?lang=1&level=3&ls_id=7471&lid=5009&fbclid=IwAR0-6HrbDD-TwribS9bh9ma1YNXID8QKFpSEx-AL3OHJyZ-_L0Cq_2NDv4I, [17/5/2023].
[9] Ankita Dutta, (2022), A Look at EU-Russia Relations, Indian Council of World Affairs, https://www.icwa.in/show_content.php?lang=1&level=3&ls_id=6679&lid=4581&kval=EU%20energy, [17/5/2023].
[10] Alex Lawson (2022), Windfall taxes and an ‘anti-Putin shield’: how Europe is tackling energy crisis, The Guardian, https://www.theguardian.com/business/2022/may/03/windfall-taxes-price-caps-and-vat-cuts-how-nations-are-addressing-europes-energy-crisis, [27/2/2023].
[11] Bassam Fattouch, Andreas Economou (2022), Russia’s invasion of Ukraine and oil market dynamics, https://www.oxfordenergy.org/publications/russias-invasion-of-ukraine-and-oil-market-dynamics/, [9/3/2023].
[12] Caroline Kuzemko, Mathieu Blondeel et al (2022), Russia’s war on Ukraine, European energy policy responses & implications for sustainable transformations.Fella Stefano (2022), The EU Response to the Russian Invasion of Ukraina, United Kingdom : The House of Commons Library, United Kingdom.
[13] Galytska Karina (2021), European-Russia Energy Relations: From Dependence to Interdependence, Firenze University Press, Fizenze
[14] Guivarch Céline (2014), Would climate policy improve the European energy security?, University Paris Dauphine, Paris.
[15] Gerben Hieminga (2022), Is REPowerEU too focused on renewables as a way to cut out Russian gas?, ING Global Markets Research, https://think.ing.com/articles/is-repowereu-too-focused-on-renewables-as-a-way-to-cut-out-russian-gas, [20/2/2023].
[16] Giovanni Sgaravatti, Simone Tagliapietra (2023), National fiscal policy responses to the energy crisis, Bruegel, https://www.bruegel.org/dataset/national-policies-shield-consumers-rising-energy-prices, [20/2/2023].
[17] Gubad Ibadoghlu (2022), What the EU’s new gas deal with Azerbaijan could mean for Europe’s energy security, EUROPP, https://blogs.lse.ac.uk/europpblog/2022/08/03/what-the-eus-new-gas-deal-with-azerbaijan-could-mean-for-europes-energy-security/, [13/3/2023].
[18] McGowan Francis (1996), European Energy policies in a Changing Environment, New York : Springer, New York.
[19] Mike Bradshaw (2022), The EU’s global scramble for gas, UK Energy Research Centre, https://ukerc.ac.uk/news/the-eus-global-scramble-for-gas/, [5/3/2023].
[20] Maria Pastukhova (2022), Europe’s energy diplomacy in times of crises, E3G, https://www.e3g.org/news/europe-s-energy-diplomacy-in-times-of-crises-stronger-through-solidarity/, [6/3/2023].
[21] Nikos Tsafos (2022), Russia’s days as an energy superpower are coming to an end, CNN Business, https://edition.cnn.com/2022/03/24/perspectives/global-energy-russia-europe/index.html, [3/3/2023].
[22] Nils Rokke (2022), How Ukraine Invasion Is Changing Europe’s Energy Plans, Forbes, https://www.forbes.com/sites/nilsrokke/2022/05/30/how-ukraine-invasion-is-changing-europes-energy-plans/?sh=761d68456d17, [15/2/2023].
[23] Naomi Lloyd & Guillaume Desjardins (2022), Europe’s energy future: the plan to cut Russian fossil fuels and speed up the green transition, Euronews, https://www.euronews.com/next/2022/07/06/europes-energy-future-the-plan-to-cut-russian-fossil-fuels-and-speed-up-the-green-transiti, [8/3/2023].
[24] Pieter de Pous (2022), Germany’s bold and ambitious 100% renewable power plan, E3G, https://www.e3g.org/news/germany-s-bold-and-ambitious-100-renewable-power-plan/, [2/3/2023].
[25] Richard Youngs (2009), Energy Security: Europe’s New Foreign Policy Challenge, Routledge Taylor and Fracis Group, Newyork.
[26] Sripathi Narayanan (2022), Southeast Asia and the Ukrainian Crisis, Indian Council of World Affairs, https://www.icwa.in/show_content.php?lang=1&level=3&ls_id=7447&lid=4997&kval=EU%20energy, [16/5/2023].