Tại Mỹ, các tập đoàn công nghệ và quân đội ngày càng hợp tác với nhau nhiều hơn. Thực tế, mối quan hệ này đã bắt đầu từ rất lâu. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Lầu Năm Góc đã hỗ trợ xây dựng ngành tin học bằng cách nhượng lại các hợp đồng quân sự trong các lĩnh vực như điện từ vi sóng, sản xuất tên lửa và vệ tinh hay nghiên cứu linh kiện bán dẫn. Ý tưởng về việc một phát minh có thể được sử dụng cả cho mục đích hòa bình lẫn quân sự – nói cách khác, là những công nghệ lưỡng dụng – được phổ biến từ khi đó. Ngày nay, hợp tác giữa Lầu Năm Góc và Thung lũng Silicon vẫn rất phát triển, bất chấp một số quan điểm về việc cần phân định ranh giới giữa quân sự và dân sự. Như vậy, dường như tương lai của mối quan hệ giữa Lầu Năm Góc và Thung lũng Silicon có thể góp phần định hình lên tương lai của những cuộc chiến tranh ảo và chiến trường số.
Tháng 9/2011, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và quân đội nước này đã cùng tiến hành một cuộc tấn công bằng phương tiện bay không người lái (UAV hay drone) được tổng thống khi đó – Barack Obama phê chuẩn, kết quả là họ đã thành công trong việc tiêu diệt giáo sĩ Hồi giáo cuồng tín Anwar al Awlaki tại Yemen, kẻ vốn sinh ra ở Mỹ. Những người tổ chức cuộc công kích đã dựa trên dữ liệu định vị cá nhân của Awlaki trong khuôn khổ một chương trình giám sát do Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ kiểm soát. Hai tuần sau, một cuộc tấn công tương tự bằng máy bay không người lái của CIA đã sát hại một công dân Mỹ khác cũng bằng những dữ liệu tương tự: đó là người con trai 16 tuổi của Awlaki, Abdulrahman Awlaki.
Mặc dù Awlaki bị các lực lượng Mỹ triệt tiêu một cách có chủ ý, nhưng hàng nghìn thường dân tại Afghanistan và nhiều nơi khác tại Trung Á và Cận Đông đã bị máy bay không người lái “vô tình” giết hại. Những trường hợp này là dẫn chứng quan trọng trong cuộc tranh luận mới nhất về hình thái chiến tranh tự động: sự thiếu chính xác của các công nghệ và những biên độ sai sót lớn luôn đồng hành ngay cả với những hệ thống khí tài tối tân. Trong hình mẫu tân tiến nhất có các công cụ tin học hóa sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ học máy (Machine Learning), và sẽ sớm vươn tới khả năng tự chủ hoàn toàn.
Các thiết bị số cầm tay kết nối Internet đã biến hàng tỷ con người trên khắp thế giới thành những cỗ máy sản xuất dữ liệu, “làm ra” hàng trăm, nếu không phải hàng nghìn thuật toán mỗi ngày. Mặc dù chúng ta đã nhanh chóng tích hợp điện thoại thông minh và máy tính bảng vào cuộc sống của mình, ít khi chúng ta suy ngẫm tới khả năng những dữ liệu mà các bộ máy này lưu trữ và truyền tải có thể bị quân sự hóa một cách dễ dàng. Đơn cử, những báo cáo mới đây đã mô tả việc Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ, trực thuộc Bộ Quốc phòng nước này, thường xuyên sử dụng các dữ liệu định vị có sẵn trong các điện thoại cá nhân, mà trong nhiều trường hợp không có bất cứ yêu cầu hay lệnh cần thiết của tòa án. Các cơ quan quân sự và tình báo có thể sử dụng các dữ liệu này không chỉ để do thám mà còn để tái thiết các mạng xã hội và thậm chí định hướng cho các hành vi tấn công chết người.
Máy bay không người lái, các phần mềm định vị, các chương trình do thám và những công cụ khác dạng này là điển hình của các liên kết hợp tác kiểu mới giữa giới Đại công nghệ và khối quốc phòng. Trong 2 thập kỷ vừa qua, Bộ Quốc phòng và 17 cơ quan chính phủ, thường được gọi chung là cộng đồng tình báo Mỹ, đã nỗ lực nắm bắt những sáng kiến đổi mới công nghệ ngay tại cội nguồn của chúng: Thung lũng Silicon. Những cơ quan quân sự và gián điệp đã tạo ra những tiền đồn dọc Bờ Tây nước Mỹ; tổ chức các hội đồng cố vấn cấp cao liên kết Lầu Năm Góc với những doanh nghiệp công nghệ lớn; điều phối các cuộc họp thượng tầng, các diễn đàn và các cuộc gặp riêng với những nhà đầu tư có ảnh hưởng và các giám đốc điều hành doanh nghiệp; cũng như ủy quyền trực tiếp tới trái tim và khối óc của giới doanh nhân, kỹ sư, lập trình viên và các nhà nghiên cứu, những người vốn thường “dị ứng” trước giới quan chức cứng nhắc và quan liêu, đặc biệt từ Bộ Quốc phòng.
Dưới nhiều góc độ, sẽ không thể thấu hiểu hoàn toàn quân đội Mỹ ngày nay nếu không có một phân tích sâu rộng những liên kết của họ với ngành công nghệ. Những quan hệ qua lại chồng chéo giữa thế giới công nghệ mạng và giới quốc phòng trên thực tế đã bắt đầu từ hơn 50 trước. Ngay từ đầu thập niên 1960, Cơ quan các dự án nghiên cứu bậc cao (ARPA) của Bộ Quốc phòng Mỹ đã đóng vai trò then chốt trong việc tài trợ cho nghiên cứu tin học về mạng ARPANET, tiền thân của mạng Internet ngày nay. Những bước phát triển thủa sơ khai của Thung lũng Silicon cũng nhận phần lớn nguồn kinh phí từ các cơ quan quốc phòng và tình báo, và Lầu Năm Góc từng đầu tư rất nhiều vào các doanh nghiệp công nghệ theo kiểu liên kết ngoài trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Chiến tranh ảo là gì?
Rõ ràng, chiến tranh ảo mang những ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người. Không tồn tại một định nghĩa đồng thuận cho phép diễn giải khái niệm này theo nghĩa rộng, toàn phần hay mang tính nhân chủng học. Ở đây người viết áp dụng cách nhìn rộng, tập trung vào 4 yếu tố khác nhau: hệ thống vũ khí robot và tự động; một phiên bản công nghệ cao của các chiến dịch tâm lý; các chương trình tạo lập khuôn mẫu và giả định đoán trước mà một số chuyên gia gọi là “chống nổi dậy bằng vi tính”; và cuối cùng là chiến trang mạng, nói cách khác hoạt động tấn công và phòng thủ các cơ sở thiết yếu. Những công nghệ và kỹ thuật này dựa trên hoạt động sản xuất, cung cấp và phân tích khối lượng lớn các dữ liệu – thường là các dữ liệu giám sát – thu thập bằng UAV, tin nhắn, thư điện tử và các kênh liên lạc qua mạng di động và Internet khác.
Chúng ta có thể coi đây như một cuộc chiến các thuật toán. Càng ngày, các công nghệ mới càng sử dụng tỷ trọng lớn hơn trí tuệ nhân tạo để tự động hóa các quá trình ra quyết định. Sự phát triển vũ khí ảo phụ thuộc vào những nỗ lực tổng hợp của các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật thuộc những ngành rất đa dạng: không chỉ các nhà hóa học, vật lý, kỹ sư, lập trình viên tin học và phân tích dữ liệu, mà còn có cả các nhà nghiên cứu công nghệ sinh học, các nhà tâm lý, các nhà chính trị học và nhân chủng học. Phần lớn những công việc này tương đối vô vị và diễn ra tại các tòa nhà văn phòng dễ lẫn tại các vùng ngoại ô, các khu công nghệ hay phòng thí nghiệm các trường đại học. Thung lũng Silicon đã trở thành một trong những trung tâm lớn của mảng công việc này trong quốc phòng và tình báo.
Theo một góc nhìn nhất định, chiến tranh ảo là sự tiếp nối của cái gọi là Cách mạng các vấn đề quân sự hay RMA, một học thuyết do Văn phòng Đánh giá mạng của Lầu Năm Góc phát triển trong những năm 1980 và 1990, với thiên hướng mạnh mẽ là tìm giải pháp dựa trên công nghệ. Sau sự kiện 11/9/2001, khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, và bước vào cuộc chiến chống lại các mạng lưới các nhóm vũ trang nổi dậy trên khắp thế giới với công nghệ tương đối đơn giản như bom tự chế, súng trường và súng phóng lựu, RMA phần nào hụt hơi trong khi các hình thái chiến tranh chống nổi dậy lại trở nên thời thượng sau một thời gian dài lỗi mốt. Nhưng giờ đây, trong một chu kỳ được đánh dấu bởi cải tiến công nghệ chóng mặt, các mô hình cai trị bằng thuật toán và sự nổi lên của các quốc gia địch thủ như Trung Quốc và Nga – trong đó mỗi nước theo đuổi những công nghệ chiến tranh ảo của riêng mình – thì đấu trường tin học hóa đã chiếm lĩnh vị trí trọng tâm trong giới hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ.
Sự giao thoa giữa quốc phòng và công nghệ: DIUx
Thành phố Mountain View yên vị giữa vùng rừng núi của Santa Cruz và bờ biển phía Nam của vịnh San Francisco. Trong nửa đầu thế kỷ XX, đây là một thành phố yên bình với những nông trại gia súc, các vườn cây ăn trái và các khu phố trung tâm với vẻ đẹp nên thơ. Nhưng từ khi một nhóm các nhà khoa học do William Shockley đứng đầu sáng tạo ra mạch bán dẫn năm 1956, nơi đây đã tăng trưởng nhanh chóng cùng với phần còn lại của Thung lũng Silicon, và ngày nay là một khu ngoại ô sầm uất với hơn 80.000 cư dân.
Thoạt nhìn, dường như đây là địa điểm khá lạ lùng để đặt cơ sở cho các cơ quan quân sự và tình báo, khi Mountain View cách Lầu Năm Góc tới 4.024km, và thậm chí các chuyến bay thẳng từ San Francisco tới Honolulu còn mất ít thời gian hơn các chuyến bay tới thủ đô Washington.
Lầu Năm Góc và Thung lũng Silicon không chỉ xa cách về mặt địa lý, mà còn chứa đựng nhiều nét khác biệt nữa. Bộ Quốc phòng Mỹ thường bị coi là một khối quan liêu cồng kềnh, xa cách, cầu kỳ, với các cấu trúc tổ chức được phân cấp kỹ càng và những quy định lao động cứng nhắc. Ngược lại, doanh nghiệp có nhiều nhân công nhất tại Mountain View là Alphabet, công ty mẹ của Google – một trong những thương hiệu có giá trị nhất thế giới, sở hữu khuôn viên rộng 26 mẫu Anh mang tên Googleplex bao gồm 30 nhà hàng phục vụ đồ ăn và đồ uống miễn phí cho nhân viên, cùng phòng tập thể dục và bể bơi. Một mô hình bộ xương khủng long bạo chúa bằng sắt với kích cỡ thật mà các nhân viên Google thường gọi một cách trìu mến là Stan, chiếm vị trí nổi bật bên ngoài tòa nhà trụ sở chính.
Bất chấp những khác biệt này, hay đúng hơn là chính vì những khác biệt đó, mà Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter đã thiết lập một cách rất công khai một chi nhánh của Lầu Năm Góc chỉ cách Googleplex chưa đầy 3km. Đơn vị Sáng kiến Quốc phòng thí điểm, hay DIUx, ra đời tháng 8/2015 để xác định và đầu tư nhanh chóng vào các doanh nghiệp phát triển nhưng công nghệ mũi nhọn có thể hữu ích cho quân đội Mỹ. Với DIUx, Lầu Năm Góc đã tạo ra đơn vị khởi nghiệp của riêng mình để thực hiện các khoản đầu tư cụ thể vào các doanh nghiệp chuyên về trí tuệ nhân tạo, hệ thống robot, phân tích dữ liệu lớn (Big Data), an ninh mạng và công nghệ sinh học.
Tổ ấm mới của DIUx không nằm “ngoài luồng”. Trụ sở của đơn vị này nằm trong một tòa nhà thuộc Lực lượng Cảnh vệ quốc gia của Quân đội, trong các khu đất thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ames, trung tâm lớn nhất trong số 10 trung tâm nghiên cứu thực địa của NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ), và Moffett Field, trụ sở cũ của Đội Cứu hộ số 130 của Lực lượng Cảnh vệ quốc gia khu vực California. Những doanh nghiệp khổng lồ trong lĩnh vực quốc phòng như Lockheed Martin và Northrop Grumman đều có văn phòng trong vòng bán kính 3km từ trụ sở này. Năm 2008, chính Google đã “xâm chiếm” vùng đất của chính phủ: họ ký hợp đồng thuê đất thời hạn 40 năm với NASA Ames để xây dựng một khu nghiên cứu mới. Sau đó, doanh nghiệp này ký thỏa thuận có thời hạn 60 năm với NASA để thuê khoảnh đất rộng 1000 mẫu Anh tại Moffett Field, bao gồm 3 nhà kho máy bay khổng lồ. Hiện tại, Google sử dụng các nhà kho này để xây lắp các khinh khí cầu tầng bình lưu mà trong tương lai không xa sẽ cung cấp dịch vụ Internet cho cư dân các vùng nông thôn, nhưng cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ quân sự về giám sát từ độ cao lớn.
Văn phòng DIUx nằm rất gần các doanh nghiệp công nghệ khác: Phòng thí nghiệm Lab126 của Amazon (nơi quản lý phần mềm đọc Kindle, Amazon Echo và các thiết bị số khác); trụ sở của công ty LinkedIn; và trại nghiên cứu của Microsoft tại Silicon; trong khi các văn phòng của Apple nằm cách đó 8km, gần Cupertino. Như vậy các cơ sở mới này của Lầu Năm Góc theo nghĩa đen là nằm ở điểm giao cắt giữa khối Đại công nghệ và giới quốc phòng. Văn phòng DIUx, nằm trong một tòa nhà gạch, có những nét tương phản với Lầu Năm Góc tại Bờ Tây, một nhà quan sát nhận xét: “các hành lang ở đây cũng đơn điệu, các cánh cửa vẫn dùng mã khóa tổ hợp; nhưng bên trong những người mới tới đã cải tạo không gian với những bảng viết, các bàn làm việc xếp tùy hứng, đồng bộ với không khí thoải mái như một doanh nghiệp khởi nghiệp tại Thung lũng”.
Kế hoạch của Ash Carter rất tham vọng: tận dụng những bộ óc thông tuệ và sáng tạo nhất của ngành công nghệ phục vụ Lầu Năm Góc. Quan chức quê tại bang Pensilvania này đã công tác vài năm tại Đại học Stanford trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, và ông luôn ấn tượng với tinh thần đổi mới sáng tạo của các nhà tỷ phú đầu sỏ tại Khu Vịnh: “họ phát minh ra những công nghệ mới, tạo ra sự thịnh vượng, tính kết nối và tự do” – ông từng nhận định. Điều ngạc nhiên là Carter mới là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên thăm Thung lũng Silicon trong hơn 20 năm.
Lầu Năm Góc có cơ quan nghiên cứu và phát triển (I+D) của riêng mình, DARPA, nhưng cơ quan này theo đuổi những dự án kéo dài hàng thập kỷ, không phải hàng tháng. Carter muốn có một văn phòng gọn nhẹ và hợp lý có thể đóng một dạng vai trò trung gian, phân bổ hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD từ ngân sách khổng lồ của Bộ Quốc phòng vào các doanh nghiệp đầy hứa hẹn để hoàn thiện những công nghệ tối tân. Điều lý tưởng sẽ là DIUx trở thành một không gian liên kết, nơi thỏa hiệp những nhu cầu của các vị tướng 4 sao, các nhà lãnh đạo dân sự với những kỹ sư và doanh nghiệp tài năng nhưng đầy chất “bụi”. Rất nhanh, DIUx mở thêm các chi nhánh tại 2 thành phố nơi ngành công nghệ đang nở rộ: Boston và Austin.
Trong ngắn hạn, Carter chờ đợt DIUx thiết lập quan hệ với các doanh nghiệp bản địa mới, tuyển dụng những nhân tài nổi trội nhất, kết dính những quân nhân luôn dè dặt vào các dự án sáng tạo và giúp cho quy trình mua sắm hiện đang khá nhiêu khê của Lầu Năm Góc trở nên thanh thoát hơn. Những mục tiêu dài hạn của ông còn tham vọng hơn: đưa một số sĩ quan quân đội chuyên nghiệp vào làm việc trong những dự án hướng tới tương lai tại Thung lũng Silicon theo thời hạn vài tháng để “họ thẩm thấu văn hóa và những ý tưởng mới và mang chúng về lại Lầu Năm Góc… và mời một số chuyên gia kỹ thuật trải nghiệm một thời gian tại Bộ Quốc phòng”.
Tháng 3/2016, Carter tổ chức Hội đồng Sáng kiến Quốc phòng (DIB), một nhóm chuyên gia dân sự hàng đầu với nhiệm vụ cố vấn và đưa ra những lời khuyên chuyên môn cho những lãnh đạo Lầu Năm Góc. Ông bổ nhiệm Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Google và thành viên Hội đồng quản trị Alphabet, vào cương vị chủ tịch DIB, và thành viên của DIB còn bao gồm các nhà điều hành tiền nhiệm hoặc đương nhiệm của Facebook, Google và Instagram, cũng như của nhiều doanh nghiệp công nghệ khác.
3 năm sau khi khởi động DIUx, Carter đã đổi cách gọi đây là Đơn vị Sáng kiến Quốc phòng (DIU), nói cách khác đây không còn là một dự án thí điểm. Bất chấp những khó khăn ban đầu, Thứ trưởng Quốc phòng Patrick Shanaban mô tả DIUx như một “tài sản giá trị và đã được kiểm chứng”. Trong năm 2018, ông từng phát biểu: “tổ chức này về bản chất đã không còn là một thử nghiệm… DIU sẽ tiếp tục có vai trò sống còn để phát huy đổi mới trong cả cơ quan bộ và chuyển đổi cách thức để Bộ Quốc phòng gây dựng một lực lượng có tính sát thương cao hơn”. Vào đầu năm 2018, Chính quyền Donald Trump đã yêu cầu mức tăng ngân sách mạnh cho DIU trong năm tài khóa 2019, từ 30 triệu USD lên 71 triệu USD, và cho năm tài khóa 2020 mức đề nghị được nêu ra là 164 triệu USD, hơn gấp đôi con số của năm trước đó.
Quỹ đầu tư rủi ro của CIA
Mặc dù các quan chức Lầu Năm Góc giới thiệu DIUx như một tổ chức cách tân, trên thực tế nó đi theo mô hình của một doanh nghiệp trước đó từng được lập ra để cung cấp dịch vụ tương tự cho cộng đồng tình báo Mỹ. Vào cuối thập kỷ 1990, CIA lập ra một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Peleus nhằm nắm bắt những phát kiến đang phát triển trong khu vực tư nhân, với sự chú tâm đặc biệt dành cho Thung lũng Silicon. Ít lâu sau, tổ chức này đổi tên thành In-Q-Tel.
Tổng giám đốc đầu tiên của tổ chức này, Gilman Louie, từng mô tả việc thành lập trên là nhằm giải quyết “vấn đề các dữ liệu khổng lồ”: “Họ (các nhà lãnh đạo CIA) rất e sợ điều mà trong thời điểm đó họ gọi là một “Trân Châu Cảng kỹ thuật số”. Hiện tượng Trân Châu Cảng diễn ra khi mỗi cơ quan trong Chính phủ đều có một phần thông tin, nhưng không thể lắp ghép lại để đưa ra cảnh báo. Năm 1998, họ bắt đầu ý thức được rằng các thông tin nằm biệt lập tại tất cả các cơ quan tình báo và không thể gắn kết chúng với nhau. Họ bắt đầu giải quyết vấn đề của dữ liệu lớn: làm sao có thể ghép nối để có thông tin hoàn chỉnh?”
Thông qua việc phân bổ ngân sách của mình vào các doanh nghiệp mới ra đời chuyên về các công nghệ giám sát, tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu và chiến tranh mạng, CIA mong giành được lợi thế trước các đối thủ toàn cầu trong nhờ vào việc liên kết các kỹ sư, tin tặc, nhà khoa học và lập trình viên sáng tạo. Năm 2005, CIA đầu tư 37 triệu USD vào In-Q-Tel. Năm 2014, hạch toán hàng năm của tổ chức này vọt lên mức gần 94 triệu USD và họ đã thực hiện 325 khoản đầu tư vào một số lượng đáng kinh ngạc các loại hình doanh nghiệp công nghệ khác nhau.
Nếu In-Q-Tel giống như được lấy ra từ bộ phim James Bond, thì đúng là vì tổ chứng này lấy cảm hứng từ nhánh Q, văn phòng giả tưởng về mảng nghiên cứu và phát triển của cơ quan mật vụ Anh quốc, trở nên phổ biến qua các tiểu thuyết tình báo của Ian Fleming và trong chuỗi phim bom tấn của Hollywood. In-Q-Tel và DIUx được thành lập với định hướng công khai là để chuyển giao công nghệ mới nổi từ khối tư nhân vào cho các hoạt động tình báo và các cơ quan quân sự Mỹ. Nhưng có một cách diễn giải đôi chút khác biệt rằng các tổ chức này ra đời là để “thâu tóm các sáng kiến công nghệ và các ý tưởng mới”. Những người chỉ trích cho rằng In-Q-Tel là ví dụ điển hình của quá trình quân sự hóa ngành công nghệ.
Xét từ khía cạnh tiền tệ và công nghệ, có thể khoản đầu tư sinh lợi nhất của In-Q-Tel là Keyhole, một doanh nghiệp có trụ sở tại San Francisco khi đó phát triển các chương trình tin học phối kết các hình ảnh vệ tinh và các ảnh khu vực để tạo ra mô hình không gian 3 chiều về bề mặt Trái Đất. Chương trình này về cơ bản có thể tạo ra một bản đồ phân giải cao toàn bộ hành tinh. In-Q-Tel cung cấp tài chính cho chương trình này vào năm 2003, và chỉ ít tháng sau, quân đội Mỹ đã sử dụng nó để hỗ trợ binh lính triển khai tại Iraq.
Các nguồn tin chính thức không bao giờ tiết lộ In-Q-Tel đã đầu tư bao nhiêu vào Keyhole, nhưng năm 2004, Google mua lại dự án khởi nghiệp này và đặt lại tên cho nó là Google Earth. Vụ mua bán này mang nhiều ý nghĩa: nhà báo Yasha Levine viết rằng thỏa thuận Keyhole – Google “đánh dấu thời khắc doanh nghiệp này không còn là một công ty Internet thuần túy hướng tới người tiêu dùng mà bắt đầu hội nhập vào chính phủ Mỹ”. Năm 2007, Google tích cực tìm kiếm những hợp đồng chính phủ Mỹ phân chia đồng bộ cho các cơ quan quân sự, tình báo và dân sự.
Ngoài Google, danh mục đầu tư của In-Q-Tel còn bao gồm những doanh nghiệp với các dự án theo chủ nghĩa vị lai (Futurism) như Cyphy, đơn vị sản xuất máy bay không người lái có thể thực hiện các nhiệm vụ nhận diện trong thời gian dài nhờ vào nguồn năng lượng liên tục; Atlas Wearables, sản xuất các máy dò hoạt động vật lý có thể phát hiện các vận động cơ thể và các tín hiệu sống; Fuel3d – doanh nghiệp chào bán một thiết bị cầm tay có khả năng tạo ra các ảnh quét không gian 3 chiều chi tiết các kết cấu hoặc vật thể được chọn; và Sonitus, đơn vị phát triển một hệ thống liên lạc không dây kích cỡ nhỏ, tới mức một phần có thể được đặt ngay trong miệng người dùng. Nếu DIUx đặt cược vào các doanh nghiệp robot và trí tuệ nhân tạo, In-Q-Tel theo đuổi những đơn vị sáng tạo các công nghệ giám sát: các doanh nghiệp vệ tinh địa tĩnh, cảm biến tiên tiến, máy sinh trắc, phân tích ADN, thiết bị phiên dịch ngôn ngữ và hệ thống phòng thủ điều khiển học.
Gần đây hơn, In-Q-Tel đã hướng tới các doanh nghiệp chuyên về khai thác dữ liệu mạng xã hội và các nền tảng khác trên Internet. Trong số này, có thể kể đến Dataminr, đơn vị truyền tải các dữ liệu của Twitter để phát hiện các xu hướng và những mối đe dọa tiềm tàng; Geofeedia, công ty tổng hợp các tin nhắn trên mạng xã hội theo chỉ định địa lý có liên quan tới những tin tức nóng hổi nhất, như biểu tình phản đối; và TransVoyant, một doanh nghiệp tổng hợp các dữ liệu vệ tinh, radar, drones và các thiết bị cảm biến khác.
Một vài người có thể hoan nghênh thành công của việc quân đội và các cơ quan tình báo Mỹ giao thầu cho các doanh nghiệp công nghệ. Xét tới tốc độ phát triển và triển khai các hệ thống vũ trang và chương trình giám sát công nghệ cao của các nước đối thủ như Trung Quốc, những người bảo vệ hướng đi này thường khẳng định quân đội Mỹ không thể cho phép mình tụt hậu trong cuộc chạy đua vũ trang bằng trí tuệ nhân tạo. Nhưng những lập luận này không đề cập tới việc hòa trộn khối quốc phòng với một ngành kinh tế hàng đầu khác sẽ khiến nền kinh tế Mỹ nói chung càng gắn chặt với các cuộc chiến không bao giờ dứt bên ngoài lãnh thổ và xu hướng quân sự hóa cảnh sát.
Dự án Maven
Nhiều doanh nghiệp được In-Q-Tel và DIUx tài trợ là những đơn vị khởi nghiệp nhỏ rất cần thanh khoản. Nhưng sự quan tâm của Lầu Năm Góc dành cho Thung lũng Silicon cũng mở rộng sang các doanh nghiệp lớn hoạt động dựa trên Internet.
Hãy xem xét trường hợp Dự án Maven, được biết tới chính thức như Đội đa chức năng về Chiến tranh Thuật toán. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work lập ra chương trình này vào tháng 4/2017, và mô tả đây như “một nỗ lực để đẩy nhanh quá trình hội nhập của Bộ Quốc phòng vào dữ liệu lớn và học máy… đồng thời để biến khối lượng dữ liệu khổng lồ mà Bộ Quốc phòng nắm giữ thành thông tin tình báo và tri thức được xử lý tốc độ cao…”. Tờ Bulletin of the Atomic Scientists (Chuyên san Nhà Khoa học hạt nhân) đã trình bày vấn đề này một cách cô đọng như sau:
“Các máy bay do thám và những vệ tinh của Mỹ thu thập lượng dữ liệu thô nhiều hơn mức mà Bộ Quốc phòng có thể phân tích cho dù họ có vận dụng toàn bộ biên chế của mình và huy động họ làm suốt đời. Thật không may, phần lớn của hoạt động phân tích hình ảnh là những công việc tẻ nhạt: chuyên viên ngồi nhìn màn hình để đếm xe cộ, người hay hoạt động… và phần lớn các dữ liệu từ cảm biến sẽ biến mất mà không bao giờ được phân tích, cho dù Bộ Quốc phòng có dành nhiều năm để thuê nhiều nhà phân tích làm việc hết công suất.
Lầu Năm Góc đã tốn hàng chục tỷ USD vào các cảm biến, do vậy việc tạo ra thuật toán để phân loại và phân tích hình ảnh có được từ các cảm biến đó luôn có ý nghĩa cả từ góc độ kinh tế. Đồng thời, với chi phí ước tính chỉ khoảng 70 triệu USD, Dự án Maven rõ ràng là một món hời. Quy mô của công việc này thật đáng kinh ngạc. Với hiện trạng đang có, các hệ thống trí tuệ nhân tạo đòi hỏi những tập hợp dữ liệu đại trà khối lượng lớn để tiến hành “học máy chuyên sâu”, mà về cơ bản là cách học với ví dụ có sẵn. Trong nửa cuối năm 2017, những người làm việc trong Dự án Maven đã “dán nhãn” 150.000 hình ảnh để tạo ra tập hợp dữ liệu đầu tiên chạy thử thuật toán. Những hình ảnh này – ảnh xe cộ, người, vật thể, sự kiện – phải tính tới hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn điều kiện biến đổi khác nhau: độ cao, góc chụp, độ phân giải, điều kiện ánh sáng, v.v…
Tổ chức nào có thể đảm nhận nhiệm vụ này? Các quan chức Lầu Năm Góc không bình luận về những doanh nghiệp có liên quan, nhưng một số nguồn tin đã đưa ra những manh mối gián tiếp về sự tham gia của các công ty công nghệ quan trọng. Đại tá Thủy quân lục chiến Drew Cukor, người chỉ đạo Dự án Maven, chỉ ra rằng: “chúng ta đang trong một cuộc chạy đua vũ trang về trí tuệ nhân tạo. Điều này đang diễn ra trong ngành công nghệ và 5 doanh nghiệp lớn về Internet đang theo đuổi nó một cách hiệu quả”. Rất nhiều người đã ghi nhận việc Eric Schmitdt (khi đó là thành viên Hội đồng quản trị Alphabet, công ty mẹ của Google) gọi Google là doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo chứ không phải là doanh nghiệp dữ liệu”.
Chỉ 8 tháng sau khi Bộ Quốc phòng triển khai Dự án Maven, quân đội Mỹ đã sử dụng các thuật toán của chương trình này để hỗ trợ các nhiệm vụ bằng máy bay không người lái chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Tháng 3/2018, báo mạng Gizmodo đã đăng tải một loạt những mẩu tin tiết lộ việc Lầu Năm Góc đã lặng lẽ thuê Google thực hiện Dự án Maven vào tháng 9/2017. Theo những thư điện tử trong nội bộ ban giám đốc Google, thỏa thuận này có trị giá ban đầu tối thiểu là 15 triệu USD và được chờ đợi nâng lên mức 250 triệu USD.
Một số thư tín được công bố còn đề cập chi tiết tới các cuộc họp giữa những giám đốc của Google với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Jack Shanahan. Hơn 10 nhân viên Google được chỉ định vào dự án, và công ty này cũng liên kết với một vài công ty khác để thực hiện nhiệm vụ, trong đó có DigitalGlobe, chuyên về hình ảnh địa tĩnh, và CrowdFlower, chuyên về tìm kiếm nguồn lực từ đám đông (crowdsourcing). CrowdFlower – mà kể từ đó đổi tên thành Figure Eight – đã chi trả cho những “lao động đám đông” hay những người thực hiện các công việc lặp lại nhiều lần như nhận diện ảnh – để “dán nhãn” cho các hình ảnh phục vụ thuật toán “học máy chuyên sâu”. Bề ngoài, dường như những người lao động này không hề biết mình đang tham gia xây dựng gì hay ai là người hưởng lợi cuối cùng.
Một số thư điện tử nội bộ khác của Google cũng cho thấy doanh nghiệp này có những kế hoạch với tham vọng vượt quá những tuyên bố ban đầu của Lầu Năm Góc. Một trong những kế hoạch đó là việc tạo ra một hệ thống do thám “tương tự như Google Earth” cho phép người sử dụng “bấm click vào bất kỳ tòa nhà nào và xem được toàn bộ những gì liên quan tới nó”, bao gồm cả người và xe cộ ở trong.
Những ông chủ của Google từng lo ngại về vấn đề quan hệ công chúng nếu Dự án Maven bị rò rỉ. Li Fei-Fei, trưởng nhóm khoa học về trí tuệ nhân tạo của Google Cloud, từng viết trong một bức thư: “Tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện tốt các bước đi quảng bá hình ảnh về quan hệ hợp tác của Google với Bộ Quốc phòng trên phương diện công nghệ điện toán đám mây (lưu trữ, kết nối và an ninh mạng, v.v), nhưng bằng mọi cách phải tránh đề cập dưới bất kỳ hình thức nào những ám chỉ về trí tuệ nhân tạo”. Song cuối cùng, thông tin đó vẫn bị bung ra.
Những làn sóng ngược: Xu hướng phản đối ứng dụng dân sự vào mục đích quốc phòng
Tháng 2/2018, các thư điện tử nội bộ về Dự án Maven lan truyền rộng rãi trong giới nhân viên của Google, nhiều người trong số họ choáng váng và phẫn nộ trước những gì mà giới lãnh đạo công ty đã làm. Chỉ trong vòng vài tháng, hơn 4.000 nhà nghiên cứu của Google đã ký một thư ngỏ gửi Giám đốc điều hành Sundar Pichai, yêu cầu hủy bỏ hợp đồng Maven. Bức thư có chữ ký của một số kỹ sư hàng đầu của Google mở đầu như sau: “Chúng tôi tin rằng Google không nên góp phần vào việc kinh doanh chiến tranh”. Họ cũng yêu cầu Google phát triển “một chính sách rõ ràng rằng cả Google và những nhân viên của công ty không bao giờ tham gia phát triển công nghệ chiến tranh”. Cuối năm đó, hàng chục nhân viên đã xin nghỉ việc để phản đối những hợp đồng quân sự của công ty và sự thiếu minh bạch của giới lãnh đạo.
Đáng ngạc nhiên là giới nhân viên lại thành công, ít nhất là trước mắt. Vào đầu tháng 6, Google thông báo công ty sẽ chấm dứt phần việc trong Dự án Maven khi hợp đồng đáo hạn. Vài ngày sau đó, Google công bố một loạt hướng dẫn đạo đức hay “nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo”, trong đó khẳng định công ty này sẽ “không thiết kế hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo” cho các hệ thống vũ khí hay cho các hoạt động “giám sát vi phạm các quy định được quốc tế chấp nhận”, cũng như cho các công nghệ được sử dụng đi ngược lại luật pháp quốc tế và quyền con người.
Cam kết của Google về việc từ bỏ phần việc trong Dự án Maven là “quá tốt để là sự thật”. Tháng 3/2019, trang mạng The Intercept lấy được một thư điện tử nội bộ của Google cho thấy một doanh nghiệp ngoại vi tiếp tục làm việc cho Dự án Maven và sử dụng “Nền tảng điện toán đám mây có sẵn” (dịch vụ cơ bản dành cho máy tính, thay vì Điện toán đám mây trí tuệ nhân tạo hay các dịch vụ khác trong điện toán đám mây) để hỗ trợ một số công việc đặc thù”. Kent Walker, người phụ trách các vấn đề toàn cầu của Alphabet, sau đó phải giải thích: “Google đang làm việc với Bộ Quốc phòng để chuyển giao một cách hài hòa với những nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo của chúng tôi và những cam kết trong hợp đồng”.
Những báo cáo khác tiết lộ rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã khoán hợp đồng Dự án Maven cho công ty Anduril Industries, thường được biết tới là đơn vị sản xuất ra mũ thực tại ảo Oculus Rift. Một năm trước, Anduril đã thử nghiệm hệ thống giám sát dành cho nhân viên Hải quan và Biên phòng Mỹ. Hệ thống này sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện những người nhập cư trái phép muốn vượt biên vào Mỹ.
Cho dù các phương tiện truyền thông luôn đưa tin theo chiều hướng rằng Google – và sau này là Anduril – là những doanh nghiệp duy nhất nắm giữ một vai trò nhất định trong Dự án Maven, thực tế lại phức tạp và đáng ngại hơn nhiều. Một phân tích tỉ mỉ của tổ chức điều tra phi lợi nhuận Tech Inquiry đã ghi lại được sự liên đới sâu sắc của nhiều doanh nghiệp nhà thầu và nhà thầu thứ cấp. Lầu Năm Góc đã “khoán thầu chủ chốt” cho ECS Federal và Booz Allen Hamilton, và “giao thầu thứ cấp” cho một loạt các doanh nghiệp như Microsoft, Clarifai, Rebellion Defense, Cubic Corporation, GATR Technologies, Technical Intelligence Solutions, SAP National Security Services, và một vài tên tuổi khác. Những hợp đồng này chưa bao giờ được công bố.
Mặc dù số lượng nhân viên Google phản đối Dự án Maven chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong tổng số 70.000 nhân viên của doanh nghiệp khổng lồ này, họ đã thổi bùng lên được cuộc tranh luận về các hợp đồng quân sự trong ngành công nghệ và một tranh luận rộng rãi hơn về đạo đức trong trí tuệ nhân tạo.
Cuộc “nổi loạn” tại Google đã gây tiếng vang trong cả khối Đại công nghệ và tạo cảm hứng cho những tập thể khác theo bước họ. Ví dụ như vào tháng 2/2019, hơn 200 nhân viên của Microsoft đã yêu cầu công ty này hủy hợp đồng trị giá 480 triệu USD với Quân đội Mỹ để cung cấp 100.000 tai nghe tích hợp kính nhìn khuếch đại cảm giác HoloLens. Đơn hàng từ Lầu Năm Góc yêu cầu tích hợp thêm một màn hình lồng trong kính nhìn cho phép những người lính đeo thiết bị này có thể nhìn trong đêm, ngắm bắn âm thầm và tự động nhận biết nguy hiểm; nói cách khác như trong thông báo chính thức, điều lý tưởng là nó giúp những người lính Mỹ “nâng cao năng lực sát thương, tính cơ động và cảm nhận tình huống”.
Trong một thư ngỏ gửi Ủy viên hội đồng Microsoft, Satya Nadella, những người lao động này đã bày tỏ lo ngại vì, trong tay những quân nhân, HoloLens có thể “bị thiết kế để hỗ trợ giết người”, và “biến chiến tranh thành một trò chơi điện tử giả lập”. Những nhân viên này còn bổ sung: “Chúng tôi không ký hợp đồng làm việc để phát triển vũ khí, và chúng tôi đòi hỏi được có quyền có ý kiến về cách thức sử dụng kết quả lao động của mình”. Nhưng các giám đốc Microsoft đã từ chối hủy bỏ hợp đồng. Nadella tuyên bố: “chúng ta sẽ không thể ngăn cản công nghệ đến với các tổ chức mà chúng ta đã bầu lên trong chế độ dân chủ để bảo vệ những quyền tự do mà chúng ta đang hưởng thụ”.
Trong mùa hè năm 2018, khoảng 450 nhân viên của người khổng lồ công nghệ Amazon đã ký một bức thư chung yêu cầu công ty này không bán phần mềm nhận diện khuôn mặt Rekognition cho các lực lượng an ninh. Văn bản này cũng yêu cầu bộ phận Dịch vụ mạng của Amazon không cung cấp nền tảng mạng cho Palantir, một công ty công nghệ cung cấp phần mềm phân tích dữ liệu cho Sở Di trú và Kiểm soát Hải quan của Mỹ, vì cơ quan này khi đó đang trục xuất trẻ em nhập cư không có bố mẹ đi kèm. Ông chủ Amazon Jeff Bezos đã nhún vai trước bức thư của nhóm nhân viên và bình luận vào tháng 10/2018: “Một trong những công việc của nhóm lãnh đạo cấp cao là đưa ra những quyết định đúng đắn ngay cả khi chúng không được lòng người” và “nếu các doanh nghiệp công nghệ lớn quay lưng lại với Bộ Quốc phòng Mỹ, thì đất nước này sẽ có vấn đề”.
Trong khi những người lao động trong ngành công nghệ nghi ngại việc dính líu tới các dự án quân sự, các nhà điều hành vẫn bán các sản phẩm công ty mình cho những quan chức Lầu Năm Góc. Microsoft thông báo về Azure Government Secret, một dịch vụ điện toán đám mây cho các khách hàng của Bộ Quốc phòng và cộng đồng tình báo muốn “lưu và tải những tài liệu mật như US Secret”. Các trang mạng của Oracle tự hào về việc các sản phẩm của họ “giúp các tổ chức quân sự cải thiện hiệu quả, công tác chuẩn bị và triển khai các nhiệm vụ”. Và Amazon đã biên tập một đoạn phim quảng cáo dài 90 giây vào tháng 8/2018, với tiêu đề thật súc tích “Amazon – dịch vụ mạng cho các chiến binh”.
Ranh giới mong manh giữa quân sự-dân sự
Những công nghệ từ Thung lũng Silicon minh họa cho những hệ quả không thể lường trước của việc giải phóng những thiết bị hay chương trình tin học. Ý tưởng về việc một phát minh có thể được sử dụng cả cho mục đích hòa bình lẫn quân sự – nói cách khác, là những công nghệ lưỡng dụng – được phổ biến trong xã hội Mỹ trong thế kỷ trước. Nhà sử học Margaret O’Hara nhắc lại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh “Thung lũng là nơi làm ra những đồ công nghệ cỡ nhỏ: lò vi sóng và những radar liên lạc cao tần, transistor và bo mạch tích hợp. Thung lũng Silicon xây dựng những máy móc tinh xảo vừa có thể nuôi dưỡng các tên lửa, vừa có khả dụng cho các vật liệu trong đời sống như đồng hồ, máy tính, đồ điện gia dụng hay máy vi tính”.
Tương tự, những công nghệ ngày nay cũng có ứng dụng kép. Google Earth có thể được sử dụng trong khoa học bản đồ và nghiên cứu địa lý, nhưng cũng có thể được sử dụng bởi các Lực lượng đặc nhiệm để đột kích mạng lưới điện, cầu đường và các cơ sở hạ tầng khác. Microsoft lần đầu tiên thương mại hóa HoloLens như một thiết bị tăng cường cảm nhận thực tại cho người chơi các trò điện tử, nghệ sĩ và kiến trúc sư, nhưng rất có thể những người tiêu thụ mang lại nhiều lợi nhuận hơn sẽ là lính bộ binh. Chương tình nhận diện khuôn mặt của Amazon có thể được sử dụng cho các giao dịch ngân hàng hay ở những cây rút tiền tự động an toàn, nhưng cũng có thể được dùng như công nghệ giám sát của các tổ chức quân sự, tình báo hay cảnh sát, như từng diễn ra với Sở Di trú và Kiểm soát Hải quan Mỹ. Những nền tảng điện toán đám mây mà Amazon, Oracle, Microsoft hay Google cung cấp có thể là kho lưu trữ dữ liệu cho các nhà nghiên cứu khoa học, quan chức y tế hay công ty thương mại; nhưng nó cũng có thể tăng tính sát thương của các lực lượng quân sự.
Nhiều người giễu cợt những kỹ sư và nhà khoa học “bất đồng chính kiến” của Google là những kẻ ngây thơ: họ không biết mình đã “dây” vào ai ư? Nếu các nhà khoa học thường hiểu được rằng họ sẽ không kiểm soát được những tri thức mà mình tạo ra sẽ được sử dụng ra sao, thì họ cũng nên ý thức được rằng những thiết bị và ứng dụng mà họ làm ra vào lúc nào đó có thể trở thành vũ khí.
Rất có thể rằng nhiều nhà khoa học và kỹ sư mà giờ đây đang phản đối các hợp đồng quân sự tại Thung lũng Silicon chưa từng tưởng tượng rằng họ sẽ bị kéo vào tổ hợp quân sự-công nghiệp. Thậm chí có thể họ quyết định làm việc cho các doanh nghiệp công nghệ vì nghĩ rằng những đơn vị này không liên quan tới những thương vụ vũ khí, như những người phản đối tại Microsoft từng khẳng định trong thư ngỏ của mình: “Chúng tôi không ký hợp đồng để phát triển vũ khí”.
Cũng có thể rằng các nhà nghiên cứu đã đặt niềm tin quá mức vào các lãnh đạo doanh nghiệp. Tại Google, số nhân viên “nổi loạn” cảm thấy bị phản bội bởi những quyết định bí mật dẫn tới hợp đồng tham gia Dự án Maven. Nền báo chí kinh tế thường xuyên ca ngợi Google có “văn hóa doanh nghiệp” tốt nhất ở Mỹ, không chỉ bởi vì nhân viên ở đây có thể mang thú cưng tới nơi làm việc và được lựa chọn các món ăn lành mạnh do đầu bếp chuyên nghiệp chế biến, mà còn bởi vì công ty này có tiếng là tôn trọng tiếng nói của nhân viên.
Mặt khác, một khi Dự án Maven bị phơi bầy, thì tinh thần đấu tranh giả tạo của đa phần những nhân viên công nghệ cũng lập tức bốc hơi. Đồng lương lên tới 6 chữ số cho một kỹ sư hay lập trình viên mới ra trường khiến cho họ khó lòng suy nghĩ như một người vô sản, đặc biệt khi được hưởng thụ những biệt đãi mà nghề đặc thù mang lại, đơn cử như bữa trưa miễn phí tiêu chuẩn gourmet, phòng tập thể hình và nhà trẻ miễn phí. Dẫu sao đối với hàng nghìn nhân viên, việc bị gạt ra khỏi những cuộc tranh luận về việc công ty có nên hay không hợp tác với các chương trình phát triển vũ khí đã khơi dậy cảm giác thầm kín về đấu tranh giai cấp.
Cũng còn một vấn đề khác: những mối liên hệ lịch sử của Thung lũng Silicon với Lầu Năm Góc. Như đã trình bày trong bài viết này và như nhà sử học Margaret O’Hara đã chỉ ra “bất kể việc nhân viên của họ có nhận ra điều đó hay không, tất cả các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ hiện tại đều có chút gì đó gen di truyền của ngành công nghiệp quốc phòng… Điều này bao hàm một sự thừa nhận hoàn chỉnh hơn về lịch sử dài và phức tạp giữa Thung lũng Silicon cũng như ngành kinh doanh chiến tranh”.
Ngăn cách giữa Lầu Năm Góc và Thung lũng Silicon chỉ là một truyền thuyết: nó chưa bao giờ thực sự tồn tại, ít nhất là một cách đáng kể. Những khác biệt giữa hai bên chỉ là bề ngoài và mang tính phong cách. Trong gần một thế kỷ, nền kinh tế và văn hóa khu vực được quyết định bởi cái gọi là tổ hợp quân sự-công nghiệp-đại học. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Lầu Năm Góc đã hỗ trợ việc xây dựng ngành tin học bằng cách nhượng lại các hợp đồng quân sự trong các lĩnh vực như điện từ vi sóng, sản xuất tên lửa và vệ tinh hay nghiên cứu linh kiện bán dẫn.
Nhà sử học Thomas Heinrich nhắc nhở rằng những mô tả rộng rãi về “những nhà phát minh tài năng, những doanh nhân và nhà tư bản dám đương đầu với rủi ro để gây dựng một nền kinh tế năng động của ngành công nghệ cao không phụ thuộc vào bàn tay nặng nề của chính phủ” thường đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi vai trò then chốt của “nguồn tài chính từ Lầu Năm Góc cho công tác nghiên cứu và phát triển đã góp phần tạo dựng những cơ sở công nghệ cho một thế hệ doanh nghiệp mới” trong thế kỷ XXI. Từ những năm 1950 tới cuối thập niên 1990, doanh nghiệp cung cấp nhiều việc làm nhất tại Thung lũng Silicon không phải là Hewlett Packard, Apple, Ampex hay Atari, mà là công ty khổng lồ trong lĩnh vực quốc phòng Lockheed. Ngày nay khu vực này đối diện một liên kết quen thuộc, cho dù tầm vóc và quy mô của các doanh nghiệp công nghệ hiện tại đã vượt xa những công ty tin học trong quá khứ.
Rất có thể mối quan hệ này sẽ có những nội hàm quan trọng trong tương lai gần. Jack Poulson, cựu chuyên gia nghiên cứu khoa học của Google và người đồng sáng lập công ty Tech Inquiry, đã giải thích: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang là nhân chứng đối với sự chuyển biến của những doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu của Mỹ thành những nhà thầu quân sự và tôi dám dự đoán rằng trong vài năm tới họ sẽ mua lại các doanh nghiệp nhà thầu quân sự hiện tại, kiểu như Amazon thôn tính Raytheon”.
Ranh giới thực sự không nằm giữa Lầu Năm Góc và Thung lũng Silicon, mà nằm ngay trong lòng thung lũng này, khi một khối khá khiêm tốn các kỹ sư và nhà khoa học thức tỉnh về chính trị đã chống lại quá trình quân sự hóa công việc của họ. Nhưng liệu họ có đầu hàng khi phải đương đầu với một cuộc tấn công tổng lực từ những thông điệp quảng cáo, chiến dịch “nâng cao ý thức”, các cuộc tranh luận “mang tính hợp tác” và những cải thiện về lương thưởng và đãi ngộ. Cho dù vẫn còn sớm để biết được kết quả, nhưng ranh giới đó – cũng như tương lai của những cuộc chiến tranh ảo và chiến trường số – là quá mong manh./.
Biên tập và chuyển ngữ: Uyển My
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]