BBT: Thổ Nhĩ Kỳ là một nhân tố đặc biệt trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Sự thay đổi chiến lược của Ankara có thể tạo ra những xáo trộn đặc biệt lớn trong quan hệ Đông - Tây cũng như quan hệ Bắc Bán Cầu - Nam Bán Cầu hiện nay. Việc Tổng thống Erdogan tái đắc cử có thể đảm bảo quá trình duy trì các chính sách hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những đồn đoán về khả năng sẽ sớm có một cuộc chuyển giao quyền lực mới ở Ankara đã và đang đặt ra những vấn đề chiến lược cần phải làm rõ. Cụ thể, việc lựa chọn người kế thừa quyền lực của ông Erdogan sẽ được thực hiện như thế nào? Các chính sách quan trọng, đặc biệt là chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được định hình ra sao? Những vấn đề này sẽ phần nào được hé mở qua những nội dung nghiên cứu dưới đây:
Kế hoạch chuyển giao quyền lực của Tổng thống Erdogan[1]
Nhận định về kế hoạch chuyển giao quyền lực của ông Erdogan, Shcheglovin Yu.V., chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Trung Đông (Nga) cho biết, một số phương tiện truyền thông đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra rằng, Tổng thống Erdogan đang ngày càng lo ngại về vấn đề sức khỏe của mình và đang xây dựng các kế hoạch hành động nhằm chuẩn bị cho con trai mình lên “kế vị”. Necmettin Bilal Erdogan, 42 tuổi, con trai út của Tổng thống Erdogan, hiện không nắm giữ bất kỳ chức vụ chính thức nào trong chính phủ. Tuy nhiên, ông được coi là người có sức ảnh hưởng nhất đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Bilal ngày càng được xuất hiện chính thức nhiều hơn cùng Tổng thống Erdogan và được quyền tham dự các cuộc họp quan trọng của chính phủ. Ông cũng tháp tùng cha mình trong các chuyến thăm chính thức, bao gồm cả chuyến công du của ông Erdogan tới vùng Vịnh thời gian vừa qua. Trong những chuyến thăm như vậy, Bilal được giao một vai trò quan trọng, ngồi ngay sau cha mình trong các cuộc họp cấp cao.
Tổng thống Erdogan đã bổ nhiệm những người thân cận của mình vào các vị trí quan trọng sau cuộc bầu cử hồi tháng 5 và cuộc cải tổ nội các sau đó, nhằm đảm bảo lợi ích của con trai. Việc bổ nhiệm Ali Yerlikay làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Yılmaz Tunç làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong nội các mới cho thấy một động thái đáng chú ý của Tổng thống Erdogan nhằm thiết lập một đội ngũ tinh hoa chủ chốt thân cận. Đây đều là những nhân vật sẽ trung thành với Bilal. Các vấn đề pháp lý, quản lý tư pháp và hoạt động của cảnh sát ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục vận động xoay quanh lợi ích của gia đình Erdogan. Việc loại bỏ quyền hành pháp của Hulusi Akar – cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Suleiman Soylu – cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có thể được coi là một động thái chiến lược khác của Tổng thống Erdogan nhằm đảm bảo cho sự nghiệp chính trị của con trai ông.
Được biết, cả Akar và Soylu đều có tham vọng chính trị và định vị mình là những người kế vị tiềm năng của Erdogan. Bằng cách loại bỏ họ khỏi các vị trí nội các, Tổng thống Erdogan đã làm giảm đi những nguy cơ ảnh hưởng tới cơ hội kế nhiệm của Bilal. Việc bổ nhiệm Ibrahim Kalin, cựu trợ lý của Tổng thống Erdogan, làm người đứng đầu mới của Tổ chức Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) là một bước quyết định trong việc hỗ trợ khả năng kế vị của Bilal. MIT là một tổ chức quan trọng để duy trì chế độ hiện tại và có ảnh hưởng đáng kể đối với tư pháp, cảnh sát và quân đội. Việc bổ nhiệm Kalın rất đáng chú ý do lòng trung thành của ông với Tổng thống Erdogan và thực tế là ông là họ hàng xa với họ ngoại của Bilal. Mối quan hệ gia đình này, cùng với lòng trung thành vô điều kiện của ông ấy, cho thấy rằng, Kalın có khả năng lãnh đạo MIT theo mong muốn của Tổng thống Erdogan. Điều này có thể bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc kế thừa quyền lực của Bilal.
Mặc dù không rõ liệu Erdogan có ý định tự nguyện rút lui khỏi chính trường hay không, nhưng với tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi (liên quan tới các bệnh ung thư, động kinh và chứng mất trí nhớ tạm thời), Erdogan có thể cần phải lập kế hoạch kế nhiệm sớm trong trường hợp bất trắc. Con trai út – Bilal được coi là thái tử không được tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdogan dường như đang dựa vào sự kế vị của người con trai để bảo vệ gia đình khỏi những rắc rối pháp lý tiềm ẩn khi ông rời đi. Bilal được coi là thành viên đáng tin cậy nhất trong gia đình và cống hiến cho hệ tư tưởng chính trị Hồi giáo. Ông ta có quan hệ chặt chẽ với các giáo phái và mạng lưới tôn giáo khác nhau ủng hộ sự cai trị và chương trình nghị sự chính trị của cha mình. Ngoài ra, Bilal đóng một vai trò quan trọng trong việc điều phối các nỗ lực tiếp cận với các giáo sĩ có ảnh hưởng và tạo điều kiện tham gia với các mạng lưới tôn giáo toàn cầu, bao gồm cả Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Tổng thống Erdogan đã giao Bilal phụ trách tuyển dụng cho các vị trí chủ chốt của chính phủ và ông sử dụng nhiều quỹ hàng đầu khác nhau như Tổ chức Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ (TÜGVA) làm công cụ để tuyển dụng các vị trí trong chính phủ, đặc biệt là ở cấp trung và cấp thấp. Hệ tư tưởng chính của TÜGVA dựa trên Hồi giáo chính trị, đôi khi có liên quan đến các phần tử gần với chủ nghĩa thánh chiến bạo lực. Bilal thậm chí còn làm việc với cựu nhà tài trợ của al-Qaeda (bị cấm ở Nga) Yassin al-Qadi, nhận hàng triệu USD từ ông ta và thay mặt ông ta thành lập một công ty bình phong ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong các cuộc điều tra hối lộ năm 2013, các công tố viên nhà nước đã chỉ đích danh al-Qadi và Bilal là những kẻ tình nghi vi phạm một số luật Thổ Nhĩ Kỳ. Chính sự can thiệp bất hợp pháp của Erdogan vào cuộc điều tra đã cứu con trai ông khỏi những cáo buộc hình sự nghiêm trọng và tất nhiên là phải ngồi tù vì vi phạm pháp luật. Rõ ràng, Bilal có tham vọng nối gót cha mình và tiếp tục câu chuyện chống phương Tây ở trong nước.
Ngoài ra, trong 20 năm cầm quyền, Tổng thống Erdogan đã có động thái loại bỏ những nhân vật quyền lực trong Đảng Công lý và Phát triển (AKP) nhằm tạo cơ hội cho con trai trở thành người kế vị ông trong đảng. Các đại biểu và thành viên quốc hội của đảng AKP còn lại hầu hết bao gồm các cộng sự và những người ủng hộ, những người không có khả năng thách thức các quyết định của Erdogan hoặc lựa chọn người kế nhiệm của ông. Sự củng cố quyền lực trong đảng này cho thấy ảnh hưởng của gia đình Erdogan trong nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được củng cố. Việc bổ nhiệm Abdullah Güler, một nhà lập pháp từ tỉnh Sivas, làm người đứng đầu nhóm nghị sĩ AKP vào tháng 6 dường như phù hợp với kế hoạch của tổng thống về khả năng kế vị. Sự tham gia trước đây của Güler với tư cách là thành viên hội đồng quản trị của Okçular Vakfı (Quỹ bảo tồn nghệ thuật bắn cung truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ) từ năm 2016 đến 2018 rất có ý nghĩa, vì quỹ này được biết đến là dự án tâm đắc của Bilal Erdogan. Ông đã sử dụng quỹ này để thúc đẩy ý tưởng phục hồi Đế chế Ottoman dưới chiêu bài khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia các môn thể thao truyền thống như bắn cung. Việc lựa chọn Güler cho một vị trí quan trọng như vậy của AKP cho thấy động thái chiến lược của Tổng thống Erdogan nhằm bổ nhiệm những cá nhân có quan hệ thân thiết với con trai ông vào những vị trí quyền lực trong đảng. Điều này có thể cho thấy nỗ lực tận tâm để đảm bảo thực hiện hiệu quả kế hoạch kế nhiệm liên quan đến Bilal.
Và cuối cùng là việc chuyển dòng tài chính vào trong tay cậu con trai, vốn là nhân tố quan trọng giúp Tổng thống Erdogan nỗ lực đảm bảo sự trung thành và ủng hộ của Bilal. Người con trai út được giao nhiệm vụ quản lý một số tiền đáng kể, hầu hết số tiền này có được thông qua các phương thức bất hợp pháp như lại quả và hối lộ, trị giá vài trăm tỷ đô la. Mối liên hệ của Bilal với nhiều giáo sĩ cấp tiến và mạng lưới tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý các khoản tài chính này. Những khoản tiền bất chính ấy đã được các mạng lưới tôn giáo và những người ủng hộ chính trị biện minh một cách hiệu quả như một “chiếc rương chiến tranh” cần thiết để hỗ trợ phong trào Hồi giáo toàn cầu và các chế độ Hồi giáo, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới[2]
Theo Starodubtsev I.I., chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và quan hệ quốc tế khu vực Trung-Cận Đông, Viện Trung Đông (Nga), cùng với quá trình chuyển giao quyền lực, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới cũng có nhiều thay đổi đáng kể.Việc bổ nhiệm Ngoại trưởng Hakan Fidan, người từng có nhiều năm đứng đầu Tổ chức Tình báo Quốc gia (MİT), là một trong những thay đổi nhân sự đáng chú ý nhất trong ngành ngoại giao kể từ chiến thắng của Recep Tayyip Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển của ông ở cuộc bầu cử vừa qua.
Vai trò và mối liên hệ giữa Erdogan và Fidan được thể hiện rằng: Erdogan đóng vai trò hình thành ý nghĩa, xác định chiến lược và tham gia vào việc chỉ định mục tiêu đối ngoại; trong khi đó, Fidan là một người giàu kinh nghiệm trong việc hiện thực hóa một cách hiệu quả các ý định này. Murat Yesiltas là Giáo sư Chính trị Quốc tế tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội Ankara, trong bài viết đăng trên tờ Daily Sabah nhận định rằng: “Chính sách đối ngoại tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ được thể hiện ở sự kết hợp giữa học thuyết của Erdogan và tầm nhìn mới của Bộ trưởng Ngoại giao Fidan, kết hợp mong muốn ảnh hưởng toàn cầu với việc thực thi chiến lược, tạo điều kiện chuyển đổi từ đối đầu sang hợp tác”.
Có niềm tin rộng rãi rằng, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trải qua những thay đổi đáng kể. Đặc biệt, sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5, một quá trình đáng chú ý đã diễn ra, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ tích cực nỗ lực cải thiện quan hệ với châu Âu. Điều này đã thể hiện ở việc làm sống lại mong muốn chiến lược trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và trong nỗ lực quyết tâm hơn nhằm giải quyết các vấn đề hiện có với Hoa Kỳ. Việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tán thành tư cách thành viên NATO của Thụy Điển tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius, hay phản ứng trước các cuộc đàm phán với Hy Lạp và giọng điệu dè dặt trong quan hệ với các đối tác châu Âu đã thể hiện phần nào những thay đổi trong quan điểm chính sách đối ngoại của Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có những động thái nhằm hàn gắn, tăng cường mối quan hệ với các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh và Bắc Phi.
Trong số những diễn biến sau bầu cử này, cũng có suy đoán về việc điều chỉnh lại quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, thường được hiểu là sự quay trở lại cách tiếp cận ngoại giao truyền thống của Ankara.
Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp những khó khăn kinh tế đáng kể. Đó cũng là một động lực khiến trong ngắn hạn, chỉ có thể ngăn chặn bằng cách – “tái điều chỉnh”, “bình thường hóa” và chuyển đổi từ “đối đầu” sang “hợp tác”. Tuy nhiên, đó có thể không phải là mấu chốt của vấn đề. Mục tiêu có lẽ là nhằm cung cấp đòn bẩy tài chính cần thiết để vừa giải quyết các thách thức kinh tế vừa thực hiện cái gọi là “thế kỷ Thổ Nhĩ Kỳ”. Chính sách đối ngoại của Ankara đang được điều chỉnh lại theo hướng quyết đoán hơn. Nó có xu hướng trở lại chính sách đối ngoại truyền thống, tức là quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-phương Tây sẽ được đặt ở trung tâm của chính sách đối ngoại và quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sẽ mang tính vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Chính nhờ việc tái cấu trúc lại hệ thống quốc tế mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể thay đổi vị thế của mình và thực hiện “Thế kỷ Thổ Nhĩ Kỳ”. Nói cách khác, đối với giới lãnh đạo nước này, việc tình hình trở lại một “trật tự như cũ” là không có lợi – cần phải phá bỏ triệt để hệ thống hiện có, và xu hướng ngoại giao những năm tới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hướng đến mục tiêu này. Một kịch bản lý tưởng cho phía Thổ Nhĩ Kỳ là họ sẽ được đưa vào danh sách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với quyền “phủ quyết” trong tương lai.
Bốn mục tiêu cụ thể trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ được Ngoại trưởng Fidan nêu ra bao gồm: Giảm xung đột nhằm thiết lập hòa bình và an ninh trong khu vực (Trung Đông, Bắc Phi, Kavkaz, Biển Đen, Đông Địa Trung Hải, v.v.); đặt quan hệ quốc tế trên một nền tảng mới và thể chế hơn; cải thiện điều kiện phúc lợi; đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nước có vai trò toàn cầu, có khả năng đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế.
Tiếp đó, môi trường chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đang thay đổi nhanh chóng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại và an ninh của nước này. Chẳng hạn, cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đang gây áp lực nhiều mặt lên chính sách đối ngoại của Ankara, ảnh hướng tới các vấn đề từ quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-NATO, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga cũng như các mối lo ngại về an ninh Biển Đen. Tình hình bất ổn ở Syria cũng đang định hình các định hướng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp tất cả những thách thức an ninh trong môi trường chiến lược, Ankara vẫn coi đó là bàn đạp để hiện thực hóa tầm nhìn chính sách đối ngoại của Erdogan và củng cố vai trò toàn cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực thực hiện các kế hoạch nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình theo hướng Nam toàn cầu, bao gồm các hướng Châu Phi, Mỹ Latinh và Châu Á. Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực trở thành một thế lực trong một trật tự thế giới mới, đứng cùng với thế giới phương Tây, Trung Quốc, Nga và các nước Nam Bán cầu. Góc độ này cũng cho thấy một phần của cuộc cạnh tranh với Moskva của Ankara. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược mang tính hợp tác bình đẳng hơn với Nam Bán cầu.
Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa chính sách đối ngoại và đối nội là một phần không thể thiếu trong học thuyết chính sách đối ngoại của Erdogan. Điều này mang lại cho Tổng thống Erdogan cơ hội thiết lập ưu thế diễn ngôn trước các đối thủ trong nước, cũng như khả năng gây bất ngờ chiến lược cho các đối thủ nước ngoài. Nỗ lực của Erdogan nhằm sử dụng tư cách thành viên NATO và vai trò của Ankara đối với Liên minh châu Âu (EU) để gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Và lợi ích có được từ chính sách đối ngoại như vậy sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích kinh tế trong nước.
Sự kết hợp giữa học thuyết của Erdogan và tầm nhìn chính sách đối ngoại của Fidan đã được thể hiện rõ. Trong khi Erdogan lãnh đạo chính sách đối ngoại với khát vọng về vai trò toàn cầu, sự quyết đoán, chủ nghĩa thực dụng chiến lược và trọng tâm kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thì Fidan đóng vai trò là người thực thi hiệu quả với kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình trong thời kỳ lãnh đạo lực lượng tình báo. Sự kết hợp này cho phép Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vị thế quyền lực ngày càng tăng của mình.
Về cơ bản, sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là việc chuyển đổi từ chiến lược thù địch sang chiến lược hợp tác. Điều này sẽ giúp Ankara xây dựng được hình ảnh là một trong những kiến trúc sư về an ninh cũng như các vấn đề khác trong khu vực và toàn cầu. Việc điều chỉnh chiến lược như vậy sẽ có lợi đối với tính toán của ông Erdogan đối với người kế nhiệm trong tương lai. Một hình ảnh tích cực về Thổ Nhĩ Kỳ trong mắt tất cả các đối tác trên thế giới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự nghiệp chính trị của con trai ông Erdogan, đặc biệt là trong những năm đầu tiên của quá trình chuyển giao quyền lực./.
Tổng hợp, lược dịch: Bùi Toàn
[1] Bài viết của tác giả Shcheglovin Yu.V., chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Trung Đông (Nga). Nguồn: Щегловин Ю.Б (2023), “К вопросу о преемственности власти в Турции”, Институт Ближнего Востока, 09.8.2023
[2] Bài viết của tác giả: Starodubtsev I.I, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và quan hệ quốc tế khu vực Trung-Cận Đông, Viện Trung Đông (Nga). Nguồn: Стародубцев И.И (2023), “О внешней политике Турции в новую каденцию президента Р.Т.Эрдогана”, Институт Ближнего Востока, 18.6.2023.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi ý kiến phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập qua mail: [email protected]