Sau sự kiện tháng 2/2021, bối cảnh xã hội Myanmar trở nên vô cùng phức tạp, cuộc xung đột giữa chính quyền quân sự và Đảng Dân chủ ở Myanmar đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình an ninh của nước này trên nhiều lĩnh vực. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, chính phủ quân sự Myanmar đang hướng sự quan tâm của mình đến với các “chương trình hạt nhân”. Vậy chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân của Myanmar trong thời gian tới là gì? Và đâu là những vấn đặt ra cho Việt Nam?
Tình hình khủng hoảng năng lượng hiện nay của Myanmar
Hiện trạng các ngành năng lượng của Myanmar
Ngành năng lượng ở Myanmar hiện nay đang rơi vào suy thoái nặng nề, biến Myanmar từ quốc gia có tiềm năng phát triển cao ở khu vực Đông Nam Á trở thành một quốc gia chìm trong “bóng tối” và bất ổn chính trị. Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, Myanmar vốn dĩ có thể trở thành một quốc gia phát triển trong ngành năng lượng, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác biệt, ngành năng lượng hiện nay ở quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia bên ngoài.
Với lĩnh vực khí đốt, khi phát hiện ra mỏ khí Yadana vào năm 1980 ở bờ biển Tây Nam Myanmar, trên vịnh Martaban, thay vì phát triển các công trình nhà máy điện, đường dây mới để tăng cường khả năng tiếp cận, phục vụ cho người dân, thì chính quyền quân đội cầm quyền ở Myanmar đã “bán thẳng” 80% lượng khí đốt ở khu mỏ khí này cho Thái Lan, điều tương tự cũng lặp lại với mỏ khí Shwe nằm ngoài khơi biển bang Rakhine vào năm 2010, có điều lần này, Myanmar lại bán cho “người bạn” Trung Quốc.
Trong lĩnh vực thủy điện, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất điện, nhưng ở quốc gia này, thủy điện hoàn toàn không có sự chuyển biến nào. Thiếu hụt nguồn nước do tình trạng “mùa khô” kéo dài đã phần nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện của quốc gia này.
Bên cạnh đó, ngành năng lượng ở Myanmar hiện nay là một nơi để các tập đoàn, doanh nghiệp xuyên quốc gia tham gia “cày bới”, sự bất ổn an ninh, chính trị trong nước đã tác động không nhỏ, khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như các nguồn năng lượng đang dần mất đi hoặc không thể phát huy hết tiềm năng.
Tình hình thiếu hụt điện trầm trọng của Myanmar
Ngành năng lượng ở Myanmar hiện nay không đủ khả năng phục vụ nhu cầu của người dân cũng như sự phát triển của đất nước. Các đập thủy điện được Myanmar xây dựng đã bán đến 80% sản lượng sản xuất cho Trung Quốc. Tình trạng thiếu hụt điện thường xuyên xảy ra ở quốc gia này, người dân vùng nông thôn chỉ được sử dụng nguồn điện từ 3-4 tiếng buổi tối và chủ yếu dùng để lấy nước sinh hoạt.
Chính quyền quân sự Myanmar đã áp đặt chế độ “bốn giờ làm, bốn giờ nghỉ” cho người dân Myanmar khi chỉ phát điện bốn giờ một ngày. Một Giám đốc của hàng thiết bị điện tử ở thị trấn Kyautadar cho biết: “Mọi chuyện đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể, từ đầu năm 2023 và là điều tồi tệ nhất từng xảy ra với Thingyan (Tết té nước của Myanmar) trong năm nay”. Và ở các thị trấn vùng ngoại ô thành phố, việc cắt điện không báo trước là điều xảy ra thường xuyên với các khu vực này.
Một thực trạng khác, việc hoàn thành bốn chuyến xe buýt chạy bằng CNG cũng là trở ngại rất lớn với những tài xế xe buýt tại khu vực Yangon, khi hầu hết các xe buýt chạy bằng CNG đều phải xếp hàng dài để có thể sử dụng CNG – một loại khí được thay thế cho xăng dầu và dùng điện để sản xuất[1].
Có thể thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn điện đang ảnh hưởng vô cùng lớn đối với người dân cũng như các ngành kinh tế của Myanmar. Năng lượng điện đang là nguồn năng lượng chủ yếu trong mọi hoạt động của người dân, đóng góp vào sự phát triển của tất cả các lĩnh vực trên thế giới, nhưng đối với Myanmar điện đang là một nguồn năng lượng vô cùng “xa xỉ”.
Tác động của cuộc khủng hoảng chính trị tới khủng hoảng năng lượng [2]
Năm 2021, chính quyền quân sự do Tướng Min Aung Hlaing đứng đầu đã lật đổ chính phủ dân sự, điều này dẫn đến tình trạng mất giá tiền tệ, chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng lên. Hoạt động của mạng lưới điện trong cuộc xung đột giữa chính quyền quân sự và chính quyền dân chủ đã bị gián đoạn, xảy ra tình trạng mất điện kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh tế.
Sau cuộc đảo chính, hàng loạt lệnh cấm vận từ Mỹ và các đồng minh được đưa ra nhằm hạn chế việc nỗ lực buôn bán và mua sắm vũ khí của Myanmar, điều đó dẫn đến tình trạng dự trữ ngoại hối ở quốc gia này không đủ để mua nguyên liệu. Một thực trạng khác, sau khi giành được quyền kiểm soát chính phủ, chính quyền quân sự Myanmar phải “vật lộn” với tình trạng nhập khẩu khí hỏa lỏng để cung cấp cho các nhà máy điện ở các thành phố.
Tình trạng thiếu hụt điện, một phần nguyên nhân đến từ cuộc xung đột diễn ra năm 2021 nhưng bên cạnh đó cũng đến từ ý chí của người cầm quyền tại quốc gia này khi chính quyền Myanmar đồng ý để cho hai quốc gia láng giềng là Trung Quốc, Thái Lan đến khai thác nguồn tài nguyên cũng như nguồn năng lượng trong nước. Ở dự án Myitsone, mặc dù các con đập trong phạm vi dự án chưa được đưa vào khai thác, nhưng theo kế hoạch sẽ có đến 85% sản lượng sản xuất điện từ dự án này sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan và Trung Quốc.
Có một điểm chung giữa cả chính quyền dân sự trước đây và chính quyền quân sự của tướng Min Aung Hlaing đó là trong lĩnh vực khí đốt, mặc dù là quốc gia xuất khẩu khí đốt và nguồn tài nguyên này mang lại giá trị lớn cho Myanmar nhưng chính phủ Myanmar đã làm cho quốc gia này bị phụ thuộc vào Thái Lan và Trung Quốc, khi cả Bắc Kinh và Bangkok đang không ngừng đa dạng hóa nguồn cung khí đốt. Tuy nhiên, Myanmar chỉ đáp ứng được 1,3% nhu cầu khí đốt của Trung Quốc và 13% của Thái Lan.
Cả hai chế độ lãnh đạo Myanmar đều không mang lại quá nhiều thay đổi, khi Myanmar dưới sự lãnh đạo của chính quyền nào đi nữa, nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia này đều được đem bán cho các quốc gia láng giềng. Điều đó khiến Myanmar sẽ khó có thể phát triển khi ngành năng lượng của quốc gia bị phụ thuộc vào các quốc gia bên ngoài.
Mong muốn phát triển năng lượng hạt nhân hiện hay của Myanmar
Những hạn chế của ngành năng lượng
Myanmar đối mặt với tình trạng thiếu nguồn năng lượng điện từ năm 2019 và khoảng cách cung cầu đã mở rộng kể từ năm 2021. Hai nhà máy điện khí hóa lỏng cỡ lớn đã tạm dừng hoạt động khiến cho công suất phát điện sẵn có để điều động giảm hơn 2,5 GW. Đầu năm 2022, tình trạng khô hạn kéo dài dẫn đến việc thiếu nguồn nước để duy trì các đập thủy điện cũng là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng này.
Myanmar hiện nay có 20 nhà máy điện chạy bằng khí đốt và 62 nhà máy thủy điện cũng như một số nhà máy nhiệt than nhưng vẫn không thể đáp ứng số lượng nhu cầu ngày càng tăng dù rằng còn nhiều tiềm năng để khai thác.
Bên cạnh đó, năng lượng điện ở Myanmar tiếp tục chịu ảnh hưởng tài chính, khi tình trạng mất giá tiền tệ, tăng chi phí bảo trì mạng lưới điện và giảm doanh thu. Cuộc đảo chính năm 2021 đã phá hủy hệ thống điện và làm cho chi phí bảo trì tăng lên.
Ngành điện ở quốc gia này có thể tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhu cầu ngày càng tăng trong việc tiêu thụ nguồn điện đã mở rộng khoảng cách về cung cầu cho thấy rằng Myanmar không có đủ khả năng cung cấp điện. Duy trì mạng lưới điện ổn định cũng là thách thức vô cùng lớn do những hạn chế về tài chính và nhân lực. Việc khó khăn trong huy động nguồn vốn đầu tư trong trung và dài hạn có thể đẩy ngành công nghiệp điện của quốc gia này vào “thảm cảnh”.[3]
Tiềm năng phát triển năng lượng hạt nhân của Myanmar
Năng lượng hạt nhân đã được Myanmar “nung nấu” từ lâu, có những tin đồn cho rằng Myanmar đã lên kế hoạch cho một lò phản ứng hạt nhân từ những năm 2000. Hiện nay, năng lượng hạt nhân đang nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền quân sự Myanmar, khi các tập đoàn đầu tư nước ngoài đã rút khỏi những kế hoạch phát triển tại quốc gia này vì những lý do liên quan đến khủng hoảng chính trị.
Myanmar là quốc gia giàu tài nguyên và có các nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, việc phát triển năng lượng hạt nhân ở quốc gia này là hoàn toàn khả thi, các dự án được lên kế hoạch xây dựng từ lâu, vào ngày 06/02/2023, Trung tâm Công nghệ Nguyên tử (ICAT) đã được khánh thành tại Yangon trong đó đáng chú ý là sự góp mặt của sinh viên Myanmar có chuyên ngành về lĩnh vực hạt nhân.
Tình trạng thiếu hụt nguồn điện trầm trọng do hạn hán kéo dài cùng với việc khai thác năng lượng không có kế hoạch, dẫn đến tình trạng nguồn năng lượng điện ở Myanmar không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như các hoạt động sản xuất kinh tế. Vì vậy phát triển năng lượng hạt nhân là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ Myanmar nhằm cải thiện đời sống xã hội.
Đã từ lâu, trong ý chí của các nhà cầm quyền chính quyền quân sự Myanmar luôn mong muốn phát triển năng lượng hạt nhân ở quốc gia của mình, một số nguồn tin được tiết lộ từ một sỹ quan đảo ngũ của quân đội Myanmar cho biết, Myanmar đang phát triển năng lượng hạt nhân dưới sự giúp đỡ của quốc gia láng giềng và một số nước có thế mạnh về năng lượng hạt nhân [4].
Đối tác tiềm năng
Trong thông tin của Sai Thein Win- – một cựu sỹ quan trong chính quyền quân sự Myanmar cung cấp cho Đài Tiếng nói Dân chủ Myanmar, báo cáo của vị sỹ quan này không chỉ ra bất cứ tài liệu nào liên quan đến mối quan hệ hợp tác giữa Myanamr và Triều Tiên trong lĩnh vực hạt nhân nhưng thông qua số liệu cũng như các hình ảnh liên quan đến “dự án hạt nhân” bí mật này của Myanamar cho thấy sự giúp đỡ của Triều Tiên trong lĩnh vực tên lửa đạn đạo.
Chính quyền quân sự Myanmar cũng hợp tác chặt chẽ với Nga trong quá trình phát triển năng lượng hạt nhân của nước này. Một dự án với mong muốn mua lại một lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ của Nga cũng đã được Myanmar lên kế hoạch từ lâu nhưng nhiều lần bị trì hoãn do những bất ổn chính trị.
Gần đây nhất, đối tác tin cậy và đầy tiềm năng của Myanmar là Rosatom – một công ty của Nga đã lên kế hoạch xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ở Myanmar. Trước khi đến tham dự Atomexpo, phái đoàn Myanmar đã đến thăm các nhà máy hạt nhân và các cơ sở nghiên cứu hạt nhân tại Nga. Hai bên đã nhất trí thành lập Trung tâm Công nghệ hạt nhân ở Yangon, Myanmar[5].
Trong thảo thuận tháng 7 liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, hai bên đã nhất trí đưa cán bộ Myanmar sang Nga đề đào tạo về lĩnh vực hạt nhân và trong bản ghi nhớ tháng 9 hai bên thống nhất lộ trình hợp tác vì mục đích dân sự.
Các thách thức đối với tham vọng phát triển năng lượng hạt nhân của Myanmar
Tin đồn từ phía Phương Tây về việc phát triển vũ khí hạt nhân của Myanmar gây sức ép lớn cho ngành năng lượng này[5]
Sự nghi ngờ của Phương Tây đối với Myanmar trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân là điều không thể tránh khỏi. Mục tiêu về chương trình hạt nhân của Myanmar chưa bao giờ là rõ ràng, nhưng cộng đồng quốc tế đang đề cập đến tình trạng cung cầu gia tăng mạnh mẽ của ngành năng lượng điện nước này, song với những tiềm năng phát triển về thủy điện và nhiệt điện, lý do phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích dân sự không thực sự đủ sức thuyết phục.
Dù có nhiều sự nghi ngờ đặt lên ngành năng lượng hạt nhân của Myanmar, song phản ứng của cộng đồng quốc tế không thực sự mạnh mẽ khi Myanmar hợp tác với Nga trong lĩnh vực hạt nhân thời gian qua. Chính phủ Mỹ bày tỏ mối quan ngại của mình, nhưng điều họ quan tâm đến hơn đó là lý do tại sao Myanmar lại không chọn Mỹ mà thay vào đó lại chọn Nga.
Một điều đáng chú ý đó là không có một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào lên tiếng và đưa ra những giả thuyết về vũ khí hạt nhân ở Myanmar. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế vẫn chưa tiết lộ liệu lò phản ứng mới của Myanmar có được xây dựng theo các biện pháp đảm bảo an toàn hay không. Có lẽ bài học trong quá khứ vẫn còn in đậm trong các nhà phân tích quốc tế và họ không muốn kết luận bất cứ điều gì khi chưa có bằng chứng về một chương trình quan trọng như vậy, nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản những cảnh báo được đưa ra từ các nhà phân tích.
Một mối lo ngại khác được đặt ra xoay quanh việc Myanmar xây dựng lò phản ứng hạt nhân, nhiều nhà phân tích nếu mối quan ngại nếu Myanmar có vũ khí hạt nhân thì có thể đảm bảo an ninh cho khu vực Đông Nam Á và Nam Á hay không, khi ngày 25/08/2017, quân đội Myanmar đột kích và sát hại người Rohingya. Những hành động này đã thổi bùng lên một suy luận trong cộng đồng quốc tế “nếu Myanmar sử dụng vũ khí hạt nhân thì liệu rằng Myanmar hay Triều Tiên nguy hiểm hơn”.
Những khó khăn về kinh tế, chính trị, công nghệ [6]
Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021, nền kinh tế Myanmar rơi vào khủng hoảng trầm trọng, mất giá đồng tiền, nguồn dự trữ ngoại hổi bị suy giảm đã làm cho nền kinh tế quốc gia rơi vào tình trạng “báo động”. Hiện nay, trải qua 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Myanmar đã có những chuyển biến tích cực nhưng đấy chỉ là những sự phục hồi “mong manh”. Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế Myanmar thì vẫn còn đó những khó khăn vô cùng lớn, thu nhập hộ gia đình vẫn còn yếu, doanh nghiệp chịu rất nhiều khó khăn khi bị hạn chế về xuất nhập khẩu, tình trạng mất điện kéo dài làm cho các hoạt động kinh tế không mang lại nhiều hiệu quả.
Những chính sách mà chính quyền quân sự Myanmar tạo ra không chắc chắn và gây trở ngại cho các hoạt động kinh doanh. Với tình trạng xuất khẩu giảm và nhập khẩu ổn định Myanmar đã quay trở lại “thời kỳ” thâm hụt thương mại trong 6 tháng kể từ tháng 3 năm 2023.
Khủng hoảng chính trị cũng dẫn đến nhiều thực trạng tồi tệ cho Myanmar. Việc thay đổi hệ tư tưởng cầm quyền liên tục của quốc gia này tạo ra sự bất ổn về tình hình chính trị trong nước. Các dự án phát triển đất nước không có sự thống nhất liền mạch. Điều này đã biến Myanmar từ một quốc gia có tiềm năng phát triển cao ở Đông Nam Á trở thành quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội ở mức “nghèo đói”.
Thay đổi hệ tư tưởng cầm quyền dẫn đến tình trạng kích động và bạo loạn trong nước. Bên cạnh đó, những hành động mang tính “thiết quân luật” của chính quyền quân sự Myanmar dẫn đến các nguồn vốn, dự án đầu tư của nước ngoài bị giảm mạnh. Đồng thời, các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh cũng đã làm suy kiệt quốc gia này.
Chính sự khủng hoảng chính trị đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng công nghệ của Myanmar, hệ thống viễn thông đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau cuộc đảo chính năm 2021, điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài e ngại và rút khỏi thị trường Myanmar.
Myanmar được đánh giá xếp hạng thấp nhất trong ASEAN về 4 chỉ số ở mức độ sẵn sàng kỹ thuật, phát triển công nghệ thông tin, chính phủ điện tử và mức độ sẵn sàng của an ninh mạng. Mặc dù đã có nhiều chương trình, chiến lược nhằm phát triển công nghệ kỹ thuật số được quốc gia này đưa ra nhưng do thiếu khung pháp lý và chính sách công nghệ thông tin nên những chính sách được đưa ra cũng không thể triển khai một cách có hiệu quả.
Thiếu hụt nguồn năng lượng điện cũng làm cho các lĩnh vực công nghệ ở quốc gia này không thực sự có hiệu quả, người dân hoàn toàn không thể tiếp cận được với các “làn sóng” công nghệ mới, bên cạnh đó các lĩnh vực cần phải có nguồn năng lượng điện để cải thiện và phát triển, đây cũng là một bài toán cần các nhà lãnh đạo Myanmar giải quyết trong thời gian tới để đảm bảo đời sống cho nhân dân và phát triển kinh tế đất nước.
Một số vấn đề đặt ra đối với ngành năng lượng ở Việt Nam
Vấn đề Myanmar là bài học của nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Thứ nhất, từ góc nhìn về an ninh chính trị, Việt Nam cần phải giữ vững được sự ổn định chính trị từ trong nước, phát triển nội lực của đất nước và thông qua đó thu hút được nguồn đầu tư từ nước ngoài, nhưng đồng thời cũng cần phải tiếp tục cải thiện những cơ chế chính sách, một mặt để tăng cường thu hút đầu tư, mặt khác có thể giám sát và quản lý được những luận điệu sai trái cũng như các hoạt động kinh doanh của các công ty xuyên quốc gia này.
Thứ hai, việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ba cường quốc trên thế giới là Mỹ, Trung, Nga cũng là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển ngành công nghệ năng lượng trong đó có lĩnh vực hạt nhân. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải duy trì đường lối đối ngoại hợp lý, khéo léo, triển khai, áp dụng có hiệu quả chính sách “Ngoại giao cây tre”.
Thứ ba, tăng cường quản lý chặt chẽ các lĩnh vực thuộc ngành năng lượng, duy trì sự giám sát của Nhà nước trong các lĩnh vực trọng yếu, trong đó đặc biệt là năng lượng hạt nhân. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia trên thế giới nhằm nâng cao trình độ cũng như chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ năng lượng. Đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước nhằm đáp ứng được sự phát triển của ngành công nghệ năng lượng ở Việt Nam./.
Tác giả: Hoàng Trần Minh Trí
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi về Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Thai PBS World (2023), Myanmar struggles to supply power to its largest economic hub, https://www.thaipbsworld.com/myanmar-struggles-to-supply-power-to-its-largest-economic-hub/
2. Guillaume de Langre (2022), “The military is the main obstacle to Myanmar’s energy security”, Frontier Myanmar, https://www.frontiermyanmar.net/en/the-military-is-the-main-obstacle-to-myanmars-energy-security/
3. The World Bank, In the Dark: Power sector challenges in Myanmar, https://www.worldbank.org/en/country/myanmar/publication/in-the-dark-power-sector-challenges-in-myanmar?
4. Andrew Selth (2023), “Myanmar Accused of Nuclear Weapons Ambitions-Again”, Asialink, https://asialink.unimelb.edu.au/insights/myanmar-accused-of-nuclear-weapons-ambitions-again
5. Andrew Selth (2023), “Is Myanmar about to go nuclear”, The Strategist, https://www.aspistrategist.org.au/is-myanmar-about-to-go-nuclear/
6. The World Bank, Myanmar Economic Monitor June 2023: A fragile recovery. Key Findings, https://www.worldbank.org/en/country/myanmar/publication/myanmar-economic-monitor-june-2023-a-fragile-recovery-key-findings