BBT: Tháng 10/2023 tiếp tục ghi nhận nhiều diễn biến mới đáng chú ý trên toàn cầu. Các sự kiện này thể hiện hai xu hướng đối nghịch nhau, giữa một chiều là sự gia tăng hợp tác giữa các nhóm quốc gia với nhau và chiều còn lại là tình hình khủng hoảng, xung đột xuất hiện tại những điểm nóng mới. Điều đó khiến thế giới ngày càng trở nên phức tạp, khó lường hơn. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 10/2023 và điểm qua những sự kiện sẽ diễn ra trong tháng tiếp theo. Qua đó, một số gợi mở nghiên cứu cũng đã được đề xuất gửi tới quý độc giả, các chuyên gia đa lĩnh vực cùng tham gia cộng tác.
MỘT SỐ SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý ĐÃ DIỄN RA TRONG THÁNG 9/2023
DIỄN BIẾN MỚI TRONG CẠNH TRANH NƯỚC LỚN
1. Mỹ bổ sung 42 thực thể Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Bộ Thương mại Mỹ ngày 6/10 cho biết bộ này sẽ bổ sung 42 công ty Trung Quốc vào một danh sách kiểm soát xuất khẩu của chính phủ do sự hỗ trợ của các công ty này đối với quân đội và các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.
2. Mỹ – Nga căng thẳng ngoại giao. Bộ Ngoại giao Mỹ đã trục xuất 2 quan chức Đại sứ quán Nga sau khi Nga trước đó trục xuất 2 nhà ngoại giao Mỹ khỏi Đại sứ quán nước này ở Moskva. Hãng thông tấn RIA (Nga) dẫn một nguồn tin giấu tên trong Bộ Ngoại giao Nga xác nhận vụ trục xuất, gọi đó là vô căn cứ và nói rằng Washington đã lấy việc Moskva trục xuất 2 nhà ngoại giao Mỹ “bị bắt quả tang tham gia hoạt động gián điệp” hôm 14/9 làm cái cớ.
3. Mỹ-Trung hội đàm trực tuyến về hợp tác quân sự Triều-Nga. Ngày 30/10, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên đã có cuộc hội đàm qua video với người đồng cấp Trung Quốc để thảo luận về hoạt động hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga, cũng như việc chính quyền Bắc Kinh hồi hương những người Triều Tiên trốn thoát.
4. Nga-Trung phủ quyết dự thảo nghị quyết của Mỹ tại LHQ về Israel, Gaza. Nga và Trung Quốc ngày 25/10 đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) do Mỹ soạn thảo về cuộc chiến giữa Israel và các tay súng Hamas ở Dải Gaza. Ngoài 2 nước trên, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng bỏ phiếu chống, trong khi có 10 thành viên bỏ phiếu thuận và 2 thành viên bỏ phiếu trắng./.
VIỆT NAM VÀ KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
5. Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Trung ương Tám khóa XIII
Hội nghị diễn ra trong 7 ngày, từ 2/10/2023 đến ngày 8/10/2023. Các nội dung bao gồm: Tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 và kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2024 – 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV, nhiệm kỳ 2026 – 2031 và một số vấn đề quan trọng khác.
6. Đại tướng Vong Pisen, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) thăm Việt Nam. Trong buổi làm việc với Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự nhằm duy trì hòa bình, ổn định và bảo vệ sự phát triển của hai nước láng giềng.
7. Xuất hiện liên minh chính trị mới ở Campuchia. Đảng Ánh nến đối lập tại Campuchia đã thành lập liên minh với 3 đảng thiểu số là Ý chí Khmer, Dân chủ Cơ sở và Cải cách Campuchia, vốn là những đảng không giành được ghế nào tại Quốc hội, nhằm tìm cách thách thức quyền lực của Đảng Nhân dân Campuchia.
Đáp lại, Đảng Nhân dân Campuchia thành lập liên minh chính trị giữa đảng cầm quyền CPP với 27 đảng phái đang hoạt động ở quốc gia Đông Nam Á này.
8. Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC lần đầu tiên được tổ chức. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN-GCC lần đầu tiên vào tháng 10/2023. Hai bên đã tích cực trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực cũng như toàn cầu và khả năng hợp tác giữa hai khu vực trong thời gian tới.
9. Các cuộc tập trận chung ở khu vực Biển Đông và Đông Nam Á
– 5 nước gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada và New Zealand đã tham gia cuộc tập trận chung mang tên “Noble Caribou” ở Biển Đông. Điều đáng chú ý là các nước Đông Nam Á không tham gia sự kiện này.
– Mỹ – Philippines tập trận chung: Mỹ và Philippines đã kết thúc cuộc tập trận hải quân chung Sama Sama gần Philippines vào ngày 18/10/2023. Cuộc tập trận tập trung vào hoạt động tiếp tế trên biển, chiến tranh hải quân, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa.
Các cuộc tập trận hải quân đa quốc gia ở khu vực diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Philippines về các tuyên bố chủ quyền hàng hải chồng chéo.
10. Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông thường niên lần thứ 15 được tổ chức. Hội thảo với chủ đề “thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh” đã diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh (Việt Nam) với sự tham gia của nhiều diễn giả và chuyên gia uy tín đến từ nhiều quốc gia và nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, trong đó có các học giả Trung Quốc, Mỹ, Anh, Australia…
11. Căng thẳng Trung Quốc – Philippines trên Biển Đông tiếp tục căng thẳng và có nguy cơ lan rộng. Phạm vi căng thẳng đã mở rộng từ bãi Cỏ Mây sang khu vực bãi cạn Scarborough và các khu vực lân cận khác. Các va chạm giữa các bên trên biển vẫn đang diễn ra phức tạp.
TRUNG QUỐC VÀ KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á
12. Trung Quốc tổ chức thành công Diễn đàn cấp cao Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ 3. Diễn đàn Hợp tác Quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRF) lần thứ ba tổ chức từ ngày 17-18/10 tại Bắc Kinh. Sự kiện này đã thu hút đại diện từ hơn 130 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế. BRF đã nêu bật những thành tựu đáng chú ý đã đạt được trong quá trình 10 năm cùng xây dựng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) – một tầm nhìn lớn về kết nối toàn cầu đã trở thành hiện thực, và cung cấp một nền tảng quan trọng để các quốc gia và tổ chức thảo luận về hợp tác BRI chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng đến phát triển xanh.
13. Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 10 được tổ chức tại Bắc Kinh. Trong các ngày 29/10/2023-31/10/2023, Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 10 được tổ chức với sự tham dự của các phái đoàn đại biểu đến từ hơn 90 quốc gia và tổ chức quốc tế. Chủ đề trọng tâm của Diễn đàn lần này là “An ninh chung, duy trì hòa bình lâu dài”.
14. Trung Quốc có sự thay đổi nhân sự đáng chú ý. Ngày 24/10/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký 3 sắc lệnh quan trọng của nước này (Sắc lệnh 12, 13, 14). Đáng chú ý trong đó là Sắc lệnh số 14, có nội dung như sau: Bãi nhiệm Lý Thượng Phúc khỏi các chức vụ Ủy viên Quốc vụ viện và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bãi nhiệm Tần Cương khỏi chức vụ Ủy viên Quốc vụ viện; Bãi nhiệm Vương Chí Cương khỏi chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, bổ nhiệm Âm Hòa Tuấn làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bãi nhiệm Lưu Côn khỏi chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, bổ nhiệm Lam Phật An làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.
15. Hàng loạt các cuộc tập trận chung được tổ chức ở khu vực Đông Bắc Á
– Từ ngày 10-20/10/2023, Hàn Quốc và Anh đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự kết hợp công nghệ cao nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước. Cuộc tập trận diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện Chiến đấu Hàn Quốc (KCTC), một cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến phục vụ các cuộc tập trận thực tế trên mặt đất, ở Inje, cách Seoul 165 km về phía Đông. Cuộc tập trận đã huy động hơn 4.000 binh sĩ, bao gồm một đại đội Vệ binh Scots của Quân đội Anh, cùng khoảng 270 thiết bị chiến đấu như xe tăng, máy bay trực thăng và máy bay không người lái.
– Ngày 14/10/2023, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn tại 2 tỉnh phía Đông Nam Nhật Bản là Kyushu và Okinawa cũng như đảo Hokkaido ở phía Bắc với nội dung diễn tập bảo vệ các đảo xa. Theo tin trên, cuộc tập trận chung này sẽ kéo dài đến cuối tháng, với sự tham gia của khoảng 6.400 binh sĩ. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, quân đội Mỹ lần đầu tiên sẽ đóng quân trên đảo Ishigaki của Nhật Bản, gần Đài Loan.
– Quân đội Hàn, Nhật, Mỹ lần đầu tiên tập trận chung trên không vào ngày 22/10/2023. Lực lượng tham gia có cả máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ cũng như máy bay chiến đấu của 3 nước. Cuộc tập trận được cho là động thái mới nhất của ba nước trong nỗ lực tăng cường quan hệ vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Triều Tiên và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
16. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản biến động thất thường:
– Ở Hàn Quốc, kết quả thăm dò dư luận do hãng Gallup Korea công bố ngày 20/10 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua. So với tuần trước, tỷ lệ đánh giá tích cực về công tác điều hành đất nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol giảm 3%, xuống mức 32,5%. Đây là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tuần thứ hai của tháng 4 với 27%. Trong khi đó, tỷ lệ đánh giá tiêu cực cũng tăng 3%, lên tới 61%.
Đến ngày 30/10, kết quả một cuộc thăm dò do hãng Realmeter tiến hành đối với 2.506 người trưởng thành cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tăng trở lại lần đầu tiên sau 3 tuần. Tỷ lệ đánh giá tích cực công tác điều hành đất nước của Tổng thống Yoon tăng 3,2%, lên 35,7%, trong khi tỷ lệ đánh giá tiêu cực giảm 2,2%, xuống còn 61,9%.
– Đối với Nhật Bản, tỷ lệ ủng hộ Nội các Thủ tướng Fumio Kishida không những không cải thiện sau đợt cải tổ tháng 9 mà còn có xu hưởng giảm thêm, đa số đều thấp ở mức kỷ lục kể từ thời điểm nhậm chức là tháng 10/2021. Báo “Yomiuri Shimbun” công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ Nội các của Thủ tướng Kishida ở mức 34%, không thay đổi nhiều so với mức 35% của cuộc thăm dò dư luận tháng 9, trong khi tỷ lệ không ủng hộ là 49%. Đối với các biện pháp kinh tế của Chính phủ đưa ra nhằm ứng phó với tình trạng giá cả tăng cao và thúc đẩy tăng lương, chỉ có 21% số người được hỏi bày tỏ ủng hộ, trong khi 73% nói không ủng hộ. Ngoài ra, 86% số người được hỏi cảm thấy gánh nặng tài chính gia đình ngày một tăng ở mức “rất nhiều” và “tương đối”, còn 75% trả lời bản thân không cảm thấy tiền lương thực tế tăng thêm kể từ khi ông Kishida nhậm chức thủ tướng vào tháng 10/2021.
NGA VÀ KHU VỰC TRUNG Á
17. Tổng thống Putin họp khẩn về mưu đồ của phương Tây hòng chia rẽ nước Nga. Ngày 30/10, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tổ chức cuộc họp với các quan chức cấp cao sau đó cùng ngày để thảo luận về điều mà Moskva xem là mưu đồ của phương Tây hòng “chia rẽ” xã hội Nga.
18. Quân đội Nga nhận lô tiêm kích Su-35S mới. Văn phòng báo chí của tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec ngày 24/10 cho biết Các Lực lượng Vũ trang Nga đã nhận được lô máy bay chiến đấu Su-35S thế hệ 4++ mới. Lô chiến đấu cơ này được Tổng công ty Máy bay Thống nhất (UAC) cung cấp cho quân đội từ nhà máy ở Komsomolsk-on-Amur.
19. Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG/CIS) được diễn ra tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan. Hội nghị do Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Nurgozhoevich Japarov chủ trì, tham dự Hội nghị có lãnh đạo của các nước: Nga, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
CHÂU ÂU
20. EU tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trong bối cảnh nhiều thách thức mới. Hội nghị Thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày 26-27/10/2023 tại Brussels, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã tập trung thảo luận toàn diện các vấn đề của châu Âu cũng như tình hình xung đột tại Ukraine, Trung Đông và cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở châu Phi.
21. EU thông qua khung pháp lý về trừng phạt chính quyền quân sự Niger. Ngày 23/10, EU tuyên bố đã thông qua một khuôn khổ pháp lý mà theo đó giờ đây họ có thể “trừng phạt các cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm về các hành động đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh của Niger”. Quan chức cấp cao EU về chính sách đối ngoại nhấn mạnh, động thái này “gửi thông điệp rõ ràng: các cuộc đảo chính quân sự phải trả giá”.
22. EU lần đầu thử nghiệm lực lượng ứng phó khủng hoảng. Liên minh châu Âu (EU) tổ chức cuộc tập trận chung trực tiếp đầu tiên (MILEX) từ căn cứ hải quân Rota ở miền Nam Tây Ban Nha. Đây cũng là một cuộc thử nghiệm đối với lực lượng ứng phó khủng hoảng mới được thành lập của khối. Mục đích của sự kiện này nhằm kiểm tra năng lực của Lực lượng phản ứng nhanh (RDC) với quân số 5.000 quân trong tương lai của khối.
23. EU thông qua luật mới liên quan tàu cá. Ngày 17/10, với 438 phiếu thuận, các nhà lập pháp EU đã thông qua quy định sửa đổi đối với các tàu đánh cá, yêu cầu các tàu lớn và từng vi phạm phải lắp đặt thiết bị định vị, camera để theo dõi sản lượng đánh bắt của họ.
24. Ngân sách EU đang cạn kiệt vì xung đột Ukraine. Thông báo trên trang mạng xã hội X (trước đây là Twitter) chính thức của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết xung đột ở Ukraine đã làm cạn kiệt ngân sách Liên minh châu Âu (EU). Thông cáo lưu ý rằng EU cần nhiều tiền hơn để có thể ứng phó với khủng hoảng.
TÌNH HÌNH XUNG ĐỘT TOÀN CẦU
25. Xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp
– Vòng đàm phán hòa bình thứ ba do Ukraine dẫn dắt đã diễn ra tại Malta vào ngày 28/10 với đại diện của hơn 60 quốc gia, nhưng không có Nga. Moskva đã lên án đây là một “sự kiện chống Nga trắng trợn”.
– Nga thông báo hạ 31 máy bay Ukraine trong vòng một tuần. Bộ Quốc phòng LB Nga tối 27/10 cho biết thực hiện hàng loạt cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác và máy bay không người lái (UAV) từ ngày 21-27/10. Tổng cộng có 19 cuộc tấn công nhóm được thực hiện nhằm vào các mục tiêu chiến lược khác nhau. Các hệ thống phòng không và không quân của Lực lượng Không quân Vũ trụ (VKS) Nga ghi nhận việc phá hủy 31 máy bay của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU). Trong số các máy bay bị phá hủy có 20 chiến đấu cơ MiG-29, 8 cường kích Su-25, 1 máy bay ném bom Su-24, 2 máy bay huấn luyện chiến đấu L-39, 3 trực thăng Mi-8.
– Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/10 đã công bố gói hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 150 triệu USD dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.
– Mỹ chính thức cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho Ukraine: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 17/10 xác nhận quân đội nước này lần đầu tiên sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp. Vụ việc không chỉ khiến xung đột Nga – Ukraine thêm phức tạp mà còn đẩy cao căng thẳng giữa Mỹ và Nga.
26. Ngọn lửa chiến tranh bùng nổ ở dải Gaza. Rạng sáng 7/10, cuộc tấn công gây choáng váng của Hamas nhằm vào các căn cứ và thành phố của Israel đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Yom Kippur vào tháng 10/1973. Israel đã ngay lập tức tấn công trả đũa, chiến tranh trên dải Gaza bùng nổ và có nguy cơ kéo dài.
27. Pháp rút quân khỏi Niger. Pháp ngày 5/10 thông báo việc rút các binh sĩ Pháp khỏi Niger sẽ được bắt đầu. Quan hệ giữa Niger và Pháp đã đổ vỡ kể từ khi các sĩ quan quân đội nắm quyền ở Niamey hồi tháng 7. Pháp đã duy trì sự hiện diện quân sự ở Niger – một nước thuộc địa cũ để giúp nước này chống lại các tay súng Hồi giáo nổi dậy.
MỘT SỐ SỰ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý DỰ KIẾN SẼ DIỄN RA TRONG THÁNG 10/2023
1. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Nhật Bản
Dự kiến Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng sẽ thăm Nhật Bản vào tháng 11 tới. Đây sẽ là chuyến thăm hứa hẹn nhiều bước tiến mới trong quan hệ song phương Việt – Nhật. Cũng nhân chuyến thăm này, khả năng nâng cấp quan hệ giữa hai nước cũng sẽ được trao đổi, thảo luận.
2. Thủ tướng Hà Lan thăm chính thức Việt Nam vào đầu tháng 11. Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1-2/11/2023.
3. Thủ tướng Nhật Bản có khả năng thực hiện chuyến công du Đông Nam Á
Một nguồn tin chính phủ cho biết Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang cân nhắc thăm Philippines và Malaysia vào đầu tháng 11, khoảng một tháng trước khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt với sự tham gia của lãnh đạo các nước ASEAN.
4. Lãnh đạo Mỹ-Trung có thể gặp nhau tại San Francisco vào tháng 11. Hãng tin Reuters ngày 6/10 dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ tổ chức một cuộc gặp song phương vào tháng 11 tới tại San Francisco, nhưng kế hoạch này vẫn đang để ngỏ.
5. Tổng thống Hàn Quốc dự kiến thăm Vương quốc Anh vào tháng 11. Ngày 26/9, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đến Vương quốc Anh vào tháng 11, nhân kỷ niệm 140 năm hai nước thiết lập quan hệ. Tổng thống Yoon Suk Yeol và phu nhân Kim Keon Hee sẽ là những vị khách cấp nhà nước đầu tiên của Anh kể từ khi Vua Charles III đăng quang hồi tháng 5 năm nay.
6. Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ thông tin về khả năng tái tranh cử vào tháng 11. Trước đó, tờ Kommersant số ra ngày 3/10 đưa tin vào tháng 11 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể gợi mở khả năng tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Động thái này mở đường cho nhà lãnh đạo đương nhiệm của Nga tiếp tục nắm quyền ít nhất tới năm 2030.
7. Hội nghị Bộ trưởng các nước nói tiếng Pháp, dự kiến diễn ra trong tháng 11 tại Yaounde, Cameroon, dưới sự chủ trì của Tổng thống Tunisia. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới khủng hoảng ở châu Phi cũng như tình hình xung đột ở các khu vực lân cận.
MỘT SỐ GỢI MỞ NGHIÊN CỨU TRONG THÁNG TIẾP THEO
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các Nhà Nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
- Tình hình căng thẳng ở Biển Đông thời gian vừa qua, tác động tới khu vực và toàn cầu, dự báo trong thời gian tới và những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
- Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
- Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
- Xu hướng phát triển của tình hình xung đột toàn cầu trong thời gian tới và tác động của nó
- Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./.
TM. BAN BIÊN TẬP
Thông tin các sự kiện được Nghiên cứu Chiến lược tổng hợp từ TTXVN, Reuters, AFP, Quốc hội TV, Tân hoa xã…