Ngày 15/11/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2023 tại thành phố San Francisco, tiểu bang California, Mỹ nhằm thảo luận về hàng loạt các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung sau cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 11 năm ngoái bên lề Hội nghị G20 tại Bali, Indonesia và nhất là sau thời gian tưởng như quan hệ song phương đã ấm lên nhưng lại lao dốc vì những căng thẳng liên quan đến vấn đề địa kinh tế và địa chính trị.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được coi “phá băng” quan hệ song phương và thắp lên hy vọng mới về khả năng mối quan hệ song phương “quan trọng nhất thế giới” sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, liệu quan hệ Mỹ – Trung có tiến triển một cách thực chất hay không hay chỉ mang tính biểu tượng thì cần phải có thời gian để kiểm chứng.
Một số nội dung đáng chú ý của cuộc gặp thượng đỉnh
Mối quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ – Trung đã “chạm đáy” vào đầu năm 2023 sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu khí tượng của Trung Quốc và ban hành một loạt biện pháp hạn chế đối với các công ty Trung Quốc nhằm ngăn cản việc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến, với lý do an ninh quốc gia. Do đó, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 15/11 bên lề Hội nghị APEC 2023 chính là cuộc gặp cần thiết để hai nhà lãnh “hiểu nhau hơn” với kỳ vọng mang lại nhiều tín hiệu tích cực giúp phá băng quan hệ song phương và tạo cơ sở cho mối quan hệ cũng như tạo ra tiền đề hợp tác giữa hai nước cho dù còn nhiều khác biệt.
Phát biểu mở đầu cuộc gặp tại điền trang Filoli nằm ở Woodside, cách thành phố San Francisco khoảng 40 km về phía Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, hai nước cần đảm bảo cạnh tranh không biến thành xung đột và cần quản lý quan hệ song phương một cách có trách nhiệm; khẳng định điều quan trọng nhất là sự hiểu nhau giữa các lãnh đạo, không có quan niệm sai lầm hay thông tin sai lệch. Tuy nhiên, ông Biden cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục đấu tranh cho lợi ích và giá trị của mình, tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì các cam kết của mình ở khu vực; nhấn mạnh ưu tiên đầu tư lâu dài trong nước trong khi cùng các đối tác và đồng minh nước ngoài ứng phó với các thách thức của thời đại cũng như sự cần thiết bảo vệ người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ trước các hoạt động kinh tế và thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định “Trái đất đủ lớn để cả hai quốc gia thành công” và rằng “thế giới đã thay đổi rất nhiều” kể từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng 11 năm ngoái. Ông Tập coi quan hệ Trung – Mỹ là quan hệ song phương “quan trọng nhất trên thế giới”; khẳng định lãnh đạo hai nước mang trên mình trách nhiệm nặng nề đối với người dân hai nước, thế giới và lịch sử; đồng thời nhấn mạnh Trung – Mỹ có lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực truyền thống như kinh tế, thương mại và nông nghiệp cũng như các lĩnh vực mới nổi như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo. Do đó, điều quan trọng là phải tận dụng tối đa các cơ chế trong chính sách đối ngoại, kinh tế, tài chính, thương mại, nông nghiệp và các lĩnh vực khác, thực hiện hợp tác về chống tội phạm ma túy, tư pháp và thực thi pháp luật, trí tuệ nhân tạo, khoa học và công nghệ. Ông Tập nhấn mạnh, xung đột và đối đầu sẽ chỉ mang lại những hậu quả lớn cho cả hai bên, do đó, Mỹ – Trung cần “tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình, hợp tác cùng thắng”; đồng thời bày tỏ sẵn sàng cùng với Tổng thống Biden đạt được đồng thuận và thực hiện các hành động tích cực để đưa quan hệ song phương phát triển theo hướng tích cực.
Một số nội dung đáng chú ý trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung có thể kể đến bao gồm:
Về mặt tích cực: Cuộc gặp thượng đỉnh đã gặt hái thành quả trên nhiều mặt khi đạt được hơn 20 đồng thuận trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giao lưu nhân dân, văn hóa, quản trị toàn cầu và an ninh quân sự: (1) Hai bên nhất trí Mỹ sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng Trung Quốc và Trung Quốc sẽ mua thêm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. (2) Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng nhau hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. (3) Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng. (4) Hai nước quyết định nối lại hợp tác về chống ma túy; trong đó hai nhà lãnh đạo đạt đồng thuận về việc giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn gốc của fentanyl (thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid), nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Mỹ. Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ trực tiếp điều tra các công ty hóa chất sản xuất tiền chất fentanyl. (5) Hai bên nhất trí nối lại các liên hệ quân sự mà Bắc Kinh đã cắt đứt vào tháng 8/2022 sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan (Trung Quốc). Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, ông Biden đã yêu cầu hai nước thể chế hóa các cuộc đối thoại cấp quân sự và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc khi vị trí này được bổ nhiệm.
Về những điểm còn khác biệt: Mặc dù đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề nhưng hai bên vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Biển Đông và nhân quyền. Trong khi phía Mỹ vẫn tiếp tục chỉ trích Trung Quốc về các hành vi kinh tế, nhân quyền và quân sự thì phía Trung Quốc lại chỉ trích các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và cấm đầu tư công nghệ cao mà Washington đang áp dụng và gọi đó là “tước đoạt quyền phát triển” của người dân Trung Quốc. Ông Tập đề nghị Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương và tạo môi trường “công bằng, chính đáng, không phân biệt đối xử” cho các công ty đại lục. Ngược lại, Mỹ cáo buộc Trung Quốc trao cho Nga huyết mạch kinh tế, giúp Moscow giảm nhẹ tác động từ cuộc chiến ở Ukraine. Ông Biden cũng kêu gọi ông Tập sử dụng ảnh hưởng của mình với Iran để thúc giục nước này và các lực lượng ủy nhiệm tránh hành động khiêu khích có thể làm xung đột Israel – Hamas lan rộng ra ngoài khu vực.
Về tình hình Đài Loan, ông Tập coi đây là vấn đề “quan trọng và nhạy cảm nhất” trong quan hệ Trung – Mỹ, đồng thời đề nghị Washington thể hiện lập trường không ủng hộ Đài Loan độc lập bằng các hành động cụ thể như ngừng trang bị vũ khí cho hòn đảo này. Trong khi đó, ông Biden khẳng định, lập trường của Mỹ là duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, chỉ trích Trung Quốc bố trí quân đội quy mô lớn xung quanh Đài Loan, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng cuộc bầu cử sắp tới ở Đài Loan. Tuy nhiên, ông Tập cũng đã tìm cách trấn an ông Biden khi nói rằng Bắc Kinh không có kế hoạch hành động quân sự chống lại Đài Loan trong những năm tới nhưng vẫn nhấn mạnh ông đã đặt ra các điều kiện có thể sử dụng vũ lực.
Với những kết quả đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài 04 tiếng vừa qua có thể đánh giá, đây là một trong những cuộc thảo luận mang tính xây dựng và hiệu quả nhất trong thời gian qua giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung. Tuy nhiên, ngay sau cuộc gặp, mối quan hệ song phương đã vấp phải thách thức đầu tiên khi trong cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Biden lặp lại điều ông từng phát biểu hồi tháng 6 đó là ông Tập là một nhà lãnh đạo “chuyên quyền”. Điều này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh, phát biểu này “cực kỳ sai trái”, là một “hành động chính trị vô trách nhiệm” và “Trung Quốc kiên quyết phản đối”. Điều này khiến người ta nghi ngại rằng liệu bầu không khí nồng ấm hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể duy trì lâu dài hay chỉ là tạm lắng trước những cơn sóng ngầm tiếp theo có thể bùng phát bất kỳ lúc nào?
Đánh giá về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung
Năm 2022, thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đạt gần 760 tỷ USD, tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2023, thương mại song phương Mỹ – Trung đã giảm 14,5% do các biện pháp thuế quan và kiểm soát xuất khẩu mà Mỹ đã đưa ra từ hồi đầu năm. Rõ ràng, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung là một cuộc cạnh tranh lâu dài, khó có thể có hồi kết bởi bất đồng giữa hai nước là quá nhiều từ các vấn đề liên quan đến các quy tắc cơ bản về cạnh tranh kinh tế công bằng đến các vấn đề địa chính trị như Đài Loan, Biển Đông… Tuy nhiên, kinh tế vẫn là nền tảng của mối quan hệ Mỹ – Trung và là mối quan tâm hàng đầu của hai nước hiện nay. Chính vì vậy, cả Bắc Kinh và Washington đã dành nhiều tháng cho hoạt động ngoại giao con thoi nhằm đặt nền móng cho cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua tại San Francisco. Chính trong cuộc gặp ngày 15/11 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong rằng: “Mỹ không có mong muốn tách khỏi Trung Quốc. Sự tách biệt hoàn toàn giữa các nền kinh tế của hai nước sẽ là thảm họa kinh tế cho cả hai nước và thế giới”.
Các chuyên gia và học giả quốc tế đánh giá, có đủ lý do thuyết phục để hai nhà lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua những trở ngại, bất đồng và khác biệt để cùng ngồi lại với nhau trong một hội nghị thượng đỉnh được kỳ vọng sẽ thắp lên hy vọng về việc cải thiện mối quan hệ song phương “quan trọng nhất thế giới”. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc và Mỹ sẽ khó có thể giải quyết được các lĩnh vực tranh chấp địa chính trị.
Một là, cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc trong tâm trạng lạc quan, với nhiều vấn đề được thảo luận dù chưa có sự đồng thuận thực sự. Tuy nhiên, điều này mở ra cánh cửa cho đối thoại và liên lạc trong tương lai giữa hai bên. Thông điệp từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung cho thấy, hoặc là hai nước hợp tác cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng, hoặc áp dụng áp dụng tâm lý tổng bằng không, kích động xung đột giữa các phe phái và chia rẽ thế giới dẫn đến hỗn loạn. Lựa chọn của hai nước sẽ ảnh hưởng rất lớn nếu không muốn nói là quyết định tương lai của nhân loại.
Hai là, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung diễn ra vào thời điểm rất nhạy cảm và quan trọng, có thể coi là cơ hội cuối cùng dành cho hai nhà lãnh đạo trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024. Ông Biden muốn tập trung vào chương trình nghị sự trong nước để có thể chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới với điều kiện thuận lợi hơn khi mối quan hệ giữa Mỹ – Trung ổn định hơn. Tương lai địa chính trị trong 12-18 tháng tới có thể là lý do thúc đẩy Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp này.
Giáo sư Ang Yuen Yuen tại Đại học Johns Hopkins đánh giá, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi không như kỳ vọng hậu đại dịch Covid-19, ông Tập cần cải thiện quan hệ với Mỹ để ổn định nền kinh tế. Hơn nữa, sự thù địch giữa hai nước gây ra tổn hại vô cùng lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc và cuộc gặp này được coi là nỗ lực phá vỡ vòng luẩn quẩn thông qua trao đổi “thẳng thắn” ở cấp cao nhất như lời phát biểu của Tổng thống Biden.
Ba là, những kết quả đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung vừa qua thực chất là việc hai nước nối lại các hợp tác mà Trung Quốc đã đơn phương hủy bỏ sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi hồi tháng 8/2022, tuy nhiên, kết quả đạt được khá khiêm tốn. Do đó, nhiều người nghi ngại liệu đây có phải kết quả thực chất trong tiến triển quan hệ Mỹ – Trung hay chỉ mang tính biểu tượng. Hơn nữa, các kết quả đạt được chưa đủ “sức nặng” để đảm bảo sự ổn định cho quan hệ song phương khi hàng loạt các vấn đề quan trọng vẫn còn bỏ ngỏ. Đã không có cuộc thảo luận nào về vấn đề Triều Tiên và nỗ lực của ông Biden nhằm thuyết phục ông Tập giúp hạn chế ảnh hưởng của Iran đã không được đáp lại. Bên cạnh đó, vấn đề Đài Loan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung khiến các chuyên gia chính trị lo ngại, cuộc bầu cử tại Đài Loan vào tháng 01/2024 có thể sẽ là “chất xúc tác” khiến quan hệ Mỹ – Trung lao dốc.
Bốn là, với các diễn biến địa chính trị trên thế giới hiện nay thì cả Mỹ và Trung Quốc đều có động lực mạnh mẽ để hạ nhiệt căng thẳng. Chính quyền Tổng thống Biden vừa đệ trình Quốc hội Mỹ yêu cầu bổ sung gói viện trợ khổng lồ trị giá 105 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine và Israel, điều này đồng nghĩa với việc Washington hiện không đủ khả năng để mở mặt trận thứ ba và đang cần nối lại đối thoại với quân đội Trung Quốc nhằm ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng. Hơn nữa, các quan chức cấp cao của cả Mỹ và Trung Quốc đều xem mục tiêu của hai bên trong cuộc gặp là tìm ra cách quản lý quan hệ song phương một cách có trách nhiệm. Từ lâu, Tổng thống Biden đã lo ngại một bước đi sai lầm có thể dẫn tới leo thang căng thẳng vượt tầm kiểm soát với cả hai bên. Kịch bản này có thể được ngăn chặn khi lãnh đạo cao nhất của hai nước có thể liên lạc với nhau một cách cởi mở và tức thời.
Năm là, thông điệp mà ông Tập đưa ra tại cuộc gặp đã cho thấy những ưu tiên kép, đôi khi trái ngược nhau của ông trong chuyến công du tới Mỹ. Một mặt, ông Tập muốn thuyết phục Washington và thế giới rằng ông sẵn sàng hợp tác với Mỹ, một phần là để thu hút đầu tư nước ngoài quay trở lại nhằm củng cố nền kinh tế đang suy giảm của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, ông cũng muốn chứng minh cho người dân Trung Quốc thấy rằng ông đang bảo vệ mạnh mẽ lợi ích của Bắc Kinh, đồng thời muốn thế giới thấy được hình ảnh về Trung Quốc như một cường quốc ngang hàng với Mỹ chứ không phải ở “kèo dưới”.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Fei Ling Wang tại Viện Công nghệ Georgia đánh giá, ông Tập đã đưa ra tầm nhìn quyết đoán của mình về việc Mỹ phải chấp nhận Trung Quốc như một nước bình đẳng. Việc ông Tập nói rằng “Trái Đất đủ lớn để cả hai quốc gia thành công” là tín hiệu rõ nhất cho thấy, nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thể hiện tham vọng ngày càng lớn của mình. Diễn ngôn này khác hẳn với các diễn ngôn trong các cuộc gặp giữa ông Tập với các tổng thống Mỹ tiền nhiệm như Barack Obama và Donald J. Trump bởi khi đó ông đã nói rằng “Thái Bình Dương đủ rộng để chứa cả hai nước”. Đồng quan điểm, Giáo sư khoa học chính trị Cheng Chen Đại học Albany, New York nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy ông Tập đang coi Trung Quốc là một cường quốc toàn cầu chứ không phải chỉ giới hạn trong khu vực và nó hoàn toàn phù hợp với chính sách đối ngoại cứng rắn của ông những năm trở lại đây. Việc định hình mối quan hệ theo hướng này cũng là cách để ông Tập thể hiện mình là một nhà lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm, quan tâm đến lợi ích của tất cả các quốc gia. Điều này phản ánh nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hút các nước đang phát triển để tạo đối trọng với Mỹ và định hình lại trật tự địa chính trị toàn cầu theo hướng có lợi và phù hợp hơn với các lợi ích ngày càng tham vọng của Trung Quốc.
Sáu là, thử thách cho quan hệ Mỹ – Trung vẫn còn tồn tại. Các thảo luận ngắn về những vấn đề an ninh trong khu vực không thể khỏa lấp thực tế là hai nhà lãnh đạo đã không đưa ra tuyên bố chung. Bà Bonnie Glaser – Giám đốc Chương trình châu Á tại German Marshall Fund của Mỹ đánh giá, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh chiến lược có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Có thể sẽ còn có nhiều thăng trầm trong mối quan hệ song phương nhưng có vẻ sẽ dễ đoán hơn (mặc dù không biết sẽ kéo dài được bao lâu).
Triển vọng quan hệ Mỹ – Trung thời gian tới
Khi nghi kỵ còn tồn tại dai dẳng và lòng tin chiến lược còn quá ít ỏi, không khó hiểu khi cuộc gặp và những nội dung thảo luận của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung chỉ mang tính hình thức thay vì chạm vào vấn đề cốt lõi trong quan hệ hai nước. Cho dù thế giới vẫn đủ lớn cho hai siêu cường nhưng đó lại là thế giới mà chỉ trích và nghi ngại vẫn nhiều hơn sẻ chia và hợp tác. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, cử chỉ sẵn lòng của các nhà lãnh đạo cao nhất của hai quốc gia nhằm cải thiện và ổn định mối quan hệ bản thân nó đã là một thành tựu lớn và thắp lên vọng mới về khả năng mối quan hệ song phương “quan trọng nhất thế giới” sẽ được cải thiện. Do vậy, trong thời gian tới, khuôn khổ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc về cơ bản sẽ không bị thay đổi. Trung Quốc hy vọng sẽ thúc đẩy Mỹ xác định lại quan hệ giữa hai bên từ góc độ chiến lược, tuy nhiên Mỹ sẽ vẫn tập trung hơn vào định hướng các vấn đề cụ thể.
Khả năng xảy ra một đợt suy giảm nhanh chóng khác trong quan hệ Trung – Mỹ trong ngắn hạn là rất thấp. Hồi tháng 11 năm ngoái, tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, các cơ chế đối thoại trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là liên lạc cấp cao, chưa được nối lại nhưng trong cuộc gặp lần này tại San Francisco, động lực đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ đã được nhen nhóm lại. Việc cải thiện quan hệ một cách nhanh chóng sẽ không hề dễ dàng, tuy nhiên, cả hai bên sẽ có thể tránh được tình trạng quan hệ xấu đi nhanh chóng. Cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thức một cách rõ ràng rằng và chấp nhận rằng cạnh tranh vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng họ có mối quan tâm chung là việc ổn định quan hệ song phương. Cả Mỹ và Trung Quốc đều là những thành viên của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu, chứ không phải là hai nước đối lập rõ ràng như thời kỳ Chiến tranh Lạnh cũ. Hơn nữa, việc hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung có thể ngồi xuống đối thoại và thảo luận để cùng nhau giải quyết các bất đồng đã phát đi tín hiệu lạc quan thắp sáng lên bức tranh toàn cầu đang nhuốm màu u ám bởi suy thoái kinh tế và xung đột địa chính trị chưa có hồi kết. Thay vì những biện pháp “ăn miếng trả miếng”, cái bắt tay giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực trên nhiều lĩnh vực, ở cấp độ toàn cầu. Ngoài ổn định quan hệ Mỹ – Trung, cuộc gặp thượng đỉnh được kỳ vọng đặt nền móng cho sự hợp tác song phương mang tính xây dựng trong việc giải quyết một số vấn đề lớn của thế giới, đặc biệt là các vấn đề toàn cầu cấp bách nhất như Trung Đông, Ukraine. Việc quản lý hiệu quả các mâu thuẫn, đối đầu, cũng như tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của hai nước mà cả thế giới.
Có thể nói, hiện nay Mỹ và Trung Quốc đang ở trong thời kỳ có thể được coi là “thời đại mơ hồ” và cả hai nước vẫn đang thích ứng và học cách đối phó với sự mơ hồ đó.
Một số hàm ý chính sách với Việt Nam
Cạnh tranh nhưng không tách rời” sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của quan hệ Mỹ – Trung thời gian tới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng, trong đó có Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách của cả Mỹ và Trung Quốc.
Về bản chất, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là cạnh tranh về ngôi vị và trật tự thế giới mà còn là cạnh tranh về hệ giá trị và quản trị các đểm nóng trên toàn cầu. Chính vì vậy, để có thể xử lý một cách khéo léo mối quan hệ của Việt Nam với cả Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh hiện nay không phải là chuyện dễ dàng. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam tranh thủ thời cơ thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường hợp tác với tất cả các nước, bao gồm cả quan hệ chiến lược với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ…, đồng thời thúc đẩy phát triển quan hệ với các nước khá. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực tự chủ sao cho phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại và yêu cầu phát triển của Việt Nam trong dài hạn với việc quy hoạch một cách tổng thể, có tính toán một cách hợp lý, khéo léo, hài hòa để không bị kéo vào cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Hơn nữa, với xu hướng điều chỉnh chính sách của các nước lớn liên quan đến cạnh tranh Mỹ – Trung, Việt Nam cần đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế để, tránh phụ thuộc vào bất kỳ bên nào, tiếp tục nâng cao năng lực tự chủ trong tiến trình phát triển đất nước.
Tác giả: Nguyên Long
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược (NCCL), vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Jeff Moon, The Biden-Xi summit proved how far U.S.-China relations have fallen, 16/11/2023, https://thehill.com/opinion/international/4313859-the-biden-xi-summit-proved-how-far-u-s-china-relations-have-fallen
2. Trevor Hunnicutt và Jeff Mason, Biden calls Xi a dictator after carefully planned summit, 17/11/2023. https://www.reuters.com/world/biden-calls-xi-dictator-after-carefully-planned-summit-2023-11-16/
3. Aljazeera, Five takeaways from the Biden-Xi summit at California’s Filoli Estate, 16/11/2023, https://www.aljazeera.com/news/2023/11/16/five-takeaways-from-the-biden-xi-summit-at-californias-filoli-estate
4. The Guardian, China responds to Biden calling Xi Jinping a ‘dictator’ – video, 16/11/2023: https://www.theguardian.com/us-news/video/2023/nov/16/china-responds-to-biden-calling-xi-jinping-a-dictator-video
5. Peter Nicholas and Megan Lebowitz – Biden says ‘real progress’ was made after meeting with China’s Xi Jinping, 16/11/2023: https://www.nbcnews.com/politics/joe-biden/biden-chinas-xi-jinping-meet-effort-smooth-tensions-rcna124924
6. New York Times, In Talks With Biden, Xi Seeks to Assure and Assert at the Same Time, 16/11:2023, https://www.nytimes.com/2023/11/16/world/asia/china-biden-xi-summit.html
7. Han Yong Hong và Wong Siew Fong, Xi-Biden meeting ends on positive note: A better tomorrow, 17/11/2023, https://www.thinkchina.sg/xi-biden-meeting-ends-positive-note-better-tomorrow
8. New York Times, For Biden, a Subtle Shift in the Power Balance With China’s Xi Jinping, 17/11/2023, https://www.nytimes.com/2023/11/16/us/politics/biden-xi-china-power-balance.html