Việt Nam - Mỹ đã nâng cấp quan hệ được 2 tháng kể từ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023 vừa qua. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng, đưa quan hệ Việt - Mỹ tiến lên một nấc thang mới khi xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, và đang tiếp tục được cụ thể hóa bằng những động thái hợp tác mới diễn ra sau đó. Không chỉ “tốn nhiều bút mực” của truyền thông hai nước, chuỗi sự kiện trên cũng thu hút mối quan tâm của dư luận quốc tế, đặc biệt là của giới học giả và báo chí Trung Quốc với nhiều phân tích, bình luận có chiều sâu được đưa ra xoay quanh bối cảnh, diễn biến, vị thế của các bên cũng như tác động đối với tình hình khu vực.
Bài viết dưới đây tổng hợp và có những phân tích đối với các quan điểm đáng chú ý của giới học giả Trung Quốc về nhiều góc cạnh trong quan hệ Việt Nam - Mỹ kể từ khi nâng cấp quan hệ. Các quan điểm này không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược.
Trước chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023, Mỹ đã nhiều lần thể hiện sự trọng thị dành cho Việt Nam trong năm nay khi các quan chức cấp cao từ Washington liên tục có những chuyến thăm tới Hà Nội, như chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken vào tháng 4 và chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen vào tháng 7. Ngoài ra, vào tháng 6, tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam. Sau chuyến thăm của ông Biden, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục theo sát những diễn biến mới nhất của quan hệ Việt – Mỹ – nhất là trước những đồn đoán về việc Việt Nam và Mỹ gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quân sự và vũ khí – nhằm đánh giá ảnh hưởng, tác động đối với bản thân Trung Quốc nói riêng và đối với khu vực nói chung, cũng như rút ra phương cách ứng xử thích hợp dành cho Bắc Kinh.
Nhận định của giới học giả về mục đích của Mỹ
Mặc dù đích thân Tổng thống Biden tuyên bố không hề có ý đồ gây tổn hại đến Trung Quốc, song nhận định từ phía Trung Quốc đa phần chỉ ra rằng, thái độ “săn đón” nồng nhiệt của chính quyền Tổng thống Biden đối với Việt Nam bao hàm mục đích này trên mọi khía cạnh.
Thứ nhất, đây là nước đi tiếp theo của Mỹ nhằm kiến tạo mạng lưới bao vây, kìm hãm Trung Quốc trong thế trận cạnh tranh chiến lược với đất nước tỷ dân tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc Mỹ tung ra tin tức về chuyến thăm Việt Nam ngay từ sớm vừa có dụng ý chia rẽ quan hệ Việt – Trung, vừa nhằm thể hiện sức ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Á. Thông qua những cam kết về tăng cường hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước như tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ, thúc đẩy hợp tác về chuỗi cung ứng, công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, khai thác đất hiếm, du lịch, v.v…, Mỹ mong muốn “lôi kéo” Việt Nam cùng “gây khó dễ” cho Trung Quốc bởi đối với Mỹ, Việt Nam là đối tác tiềm năng nhất để đối đầu với Trung Quốc tại Đông Nam Á do các mâu thuẫn lịch sử giữa hai nước và thái độ kiên quyết không nhượng bộ của Việt Nam trước Trung Quốc về vấn đề Biển Đông suốt nhiều năm qua.
Thứ hai, Mỹ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch từng bước tách rời khỏi mối liên hệ với Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ cao và tái xác lập chuỗi cung ứng chip bán dẫn không bao gồm Trung Quốc – điều phù hợp hơn với lợi ích của Mỹ hiện nay. Không ai khác, Việt Nam là đối tượng chính để chuyển dịch chuỗi cung ứng và là công xưởng sản xuất thay thế Trung Quốc mà Mỹ “chọn mặt gửi vàng”. Theo chuyên gia Đằng Kiến Quần – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngoại giao của Đại học Sư phạm Hồ Nam, Việt Nam rất quan trọng với Mỹ không chỉ về mặt chiến lược mà cả về kinh tế – thương mại. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden cũng nhằm gia tăng lợi ích kinh tế của Mỹ tại khu vực mà không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Đánh giá về lựa chọn chính sách của Việt Nam
các học giả Trung Quốc hầu hết đều nhận định, trước những “lời mời gọi” của Mỹ, Việt Nam luôn rất tỉnh táo và hiểu rõ động cơ bên trong cũng như cái giá phải đánh đổi. Như giáo sư Triệu Vệ Hoa – Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khẳng định, Việt Nam tuyệt đối sẽ không lựa chọn đứng về một phe.
Thứ nhất, xét về đường lối quốc phòng – ngoại giao, Việt Nam luôn kiên định chính sách quốc phòng “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh trong buổi họp báo sau khi đón Tổng thống Joe Biden ngày 10/9 tại Hà Nội. Thêm vào đó, Việt Nam đã và đang định hình phong cách “ngoại giao cây tre” với tinh thần cốt lõi là tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược và phương thức ứng xử trước từng tình huống và từng mối quan hệ trên cơ sở kiên trì nguyên tắc ngoại giao độc lập, tự chủ; ưu tiên đến mức cao nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc. Học giả Triệu Kiêu của Học viện Ngoại giao Trung Quốc đánh giá, đặc trưng của “ngoại giao cây tre” Việt Nam là vừa hợp tác vừa đấu tranh, giữ vững thế cân bằng giữa các bên và giữa quan hệ nước lớn, vì vậy Việt Nam hoàn toàn bắt tay với Mỹ là điều gần như không thể xảy ra.
Thứ hai, xét về phương diện kinh tế – thương mại, nửa đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có dấu hiệu chậm lại, đó là một trong những lý do Việt Nam cần tìm kiếm nguồn lực tăng trưởng mới từ quan hệ hợp tác với Mỹ và coi chuyến thăm của Tổng thống Biden cùng việc nâng cấp lên mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là bước đi chủ yếu nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ, Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực kinh tế – thương mại. Tờ Nhật báo Bắc Kinh dẫn lời phỏng vấn chuyên gia Trần Thị Thủy – Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, báo chí Việt Nam khi đưa tin về chuyến thăm của Tổng thống Biden phần lớn tập trung vào các nội dung hợp tác về kinh tế giữa hai nước. Các chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng đó là những dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam không có hứng thú và không mong muốn tham gia vào cạnh tranh chiến lược nước lớn hay một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới” do Mỹ phát động.
Thứ ba, xét về tương quan mối quan hệ Việt – Mỹ và Việt – Trung, nhiều chuyên gia Trung Quốc đánh giá, quan hệ Việt – Trung vẫn có vị thế đặc biệt hơn so với quan hệ Việt – Mỹ. Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2008, đến nay đã trải qua quá trình 15 năm phát triển với tình hữu nghị láng giềng khăng khít trên hầu khắp các phương diện từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội do hai Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất, và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Nhà phân tích Vu Trạch Viễn chỉ ra, kể từ Đại hội Đảng lần thứ XX của Trung Quốc diễn ra tháng 10/2022 tới nay, lãnh đạo cấp cao Việt – Trung đã tiến hành các cuộc gặp gỡ tiếp xúc thường xuyên hơn so với lãnh đạo cấp cao Việt – Mỹ. Tại các cuộc gặp đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đều khẳng định, quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu; thắt chặt, củng cố mối quan hệ này là lựa chọn chiến lược của Việt Nam. Trong chuyến thăm Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị cuối tháng 8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây lưu niệm hữu nghị Việt – Trung và bày tỏ, trên thế giới chỉ có một cửa khẩu quốc tế duy nhất được đặt tên là “Hữu Nghị”, là biểu trưng cho mối quan hệ gắn bó keo sơn của hai nước.
Ở một góc nhìn khác, giáo sư Triệu Vệ Hoa lại bày tỏ, truyền thông Việt Nam khi đồng thời nhắc đến cả Mỹ và Trung Quốc thường đặt Mỹ lên trước với cách gọi “Mỹ – Trung”, cho thấy trong tâm niệm của người Việt Nam, Mỹ vẫn luôn là cường quốc số một thế giới. Thêm vào đó, giai đoạn phát triển hiện nay, Việt Nam rất coi trọng quan hệ thương mại với các nước. Trung Quốc tuy là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, con số nhập siêu lớn từ Trung Quốc thường khiến người dân Việt Nam cảm thấy không hài lòng. Ngược lại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, vì thế Việt Nam có xu hướng xem trọng mức xuất siêu sang Mỹ nhiều hơn.
Thành quả và triển vọng của quan hệ Việt Nam – Mỹ từ khi nâng cấp quan hệ
Các học giả Trung Quốc cho rằng, mặc dù quan hệ Việt – Mỹ đã được tăng liền hai cấp so với quan hệ Đối tác Toàn diện được thiết lập tròn 10 năm trước, ngang bằng với quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga, song trên thực chất, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden chủ yếu mang tính hình thức và hứa hẹn nhiều hơn.
Trước hết, phía Trung Quốc thừa nhận, quan hệ Việt – Mỹ đang trên đà phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước. Giáo sư Trương Gia Đống của Đại học Phục Đán chỉ ra, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Mỹ đã đạt đến cấp độ cao nhất trong số quan hệ của Mỹ với các nước ngoài các đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà chỉ cần tiến thêm một bước nữa thì sẽ mang tính chất của quan hệ đồng minh quân sự. Mỹ quả thực đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để thực hiện bước nhảy vọt này và thu được thành quả nhất định. Nhằm tạo tiền đề và chuẩn bị tốt nhất cho chuyến thăm vỏn vẹn hai ngày của Tổng thống Biden, Mỹ đã dành suốt nửa năm xúc tiến với những chuyến thăm “dọn đường” của các lãnh đạo cấp cao đến Việt Nam trước đó. Mật độ tương tác giữa lãnh đạo cấp cao Việt – Mỹ thậm chí không thua kém lãnh đạo cấp cao Mỹ – Trung. Điều này nói lên rằng, cả Mỹ và Việt Nam đều có nhu cầu cấp thiết đối với việc nâng cấp quan hệ. Sau 10 năm thiết lập và vun đắp, quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước đã tích lũy được những nền tảng cần thiết và đã chờ đến thời cơ thích hợp để định nghĩa lại khuôn khổ quan hệ song phương.
Đồng thời, hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước đang không ngừng phát triển mạnh mẽ. Năm 2022, Việt Nam vượt qua Anh trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở ASEAN. Đồng thời, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo chuyên gia Đằng Kiến Quần, là nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh nhất năm 2022, Việt Nam mong muốn vươn lên trở thành một trong những trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn, và cũng được kỳ vọng sẽ là một mắt xích ngày càng quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng lúc đó, phía Mỹ cần hợp tác chặt chẽ Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn để dần giảm thiểu sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Học giả Lưu Tử Kinh của Đại học Vân Nam gọi đây là sự kết nối hài hòa, đúng lúc giữa nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và nhu cầu thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
Đối với Việt Nam, theo học giả Lưu Tử Kinh, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ là một nước đi quan trọng của Việt Nam trong công cuộc hội nhập quốc tế, bộc lộ rõ nét chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam, cho thấy chính sách ngoại giao đầy linh hoạt, khôn khéo mà Việt Nam thể hiện trên trường quốc tế. Trên tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam mong muốn nâng cao vị thế, tiếng nói của mình và nhận được nhiều sự công nhận hơn từ phương Tây. Vì thế, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam cũng sẽ hi vọng được Mỹ ủng hộ nhiều hơn sau khi hai nước nâng tầm quan hệ. Đặc biệt, trong tháng 8 và đầu tháng 9/2023, Việt Nam và Trung Quốc đã có các cuộc tiếp xúc cấp cao, trao đổi ý kiến về việc cùng xây dựng cộng đồng chung vận mệnh; chỉ ít lâu sau đó, Việt Nam đã thực hiện nâng cấp quan hệ với Mỹ. Trong vòng một tháng, ngoại giao Việt Nam cùng lúc đạt được những thành quả quan trọng trong quan hệ với hai cường quốc hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy sách lược linh hoạt của ngoại giao Việt Nam, giúp Việt Nam đảm bảo không gian lựa chọn chiến lược của riêng mình giữa cục diện cạnh tranh Mỹ – Trung. Tương tự, nhà phân tích Vu Trạch Viễn nêu quan điểm, việc Việt Nam phát triển quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ không những không hề mâu thuẫn, mà còn có thể mang lại lợi ích cho Việt Nam từ cả hai phía.
Đáng chú ý, các chuyên gia Trung Quốc hầu hết có chung nhận định rằng Mỹ và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác rõ rệt trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng. Truyền thông Trung Quốc chỉ ra, một trong những nội dung hợp tác trọng tâm giữa Mỹ và Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Biden là sự tăng cường hỗ trợ của Mỹ dành cho Việt Nam về trang thiết bị quân sự nhằm đa dạng hóa nguồn cung ở lĩnh vực này.
Theo đó, năm 2022, do sự kiện Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, tình hình eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng, gây ảnh hưởng đến tình hình khu vực Biển Đông nói chung. Việt Nam vì vậy từ chối để tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ cập cảng Đà Nẵng, cũng không mặn mà trước lời mời tập trận chung tại Thái Bình Dương của Mỹ, khiến cho chính phủ của ông Biden càng thêm quyết tâm sớm thắt chặt và ổn định mối liên hệ hợp tác quân sự với Việt Nam thông qua việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ. Nhiều thập kỷ qua, hợp tác quân sự giữa Mỹ và Việt Nam đã có bước phát triển đáng ghi nhận từ cấm vận vũ khí đến dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận, đến gia tăng hợp tác. Cuối tháng 9, truyền thông Trung Quốc đồng loạt dẫn nguồn tin từ Reuters về việc chính phủ Biden đang tiến hành đàm phán với Việt Nam về một giao dịch vũ khí, trong đó bao gồm một lô máy bay chiến đấu F-16. Phía Trung Quốc bình luận, các động thái hợp tác quân sự sắp tới giữa Mỹ và Việt Nam là vấn đề cần được tiếp tục chú trọng quan sát và phân tích.
Mặc dù vậy, các học giả Trung Quốc đánh giá, quan hệ Việt – Mỹ thời gian tới sẽ không có nhiều thay đổi về bản chất, những diễn biến vừa qua hầu như mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn.
Giáo sư Hoàng Nhân Vỹ của Đại học Phục Đán cho rằng, Việt Nam sẽ không hình thành liên minh quân sự với Mỹ, đây chính là giới hạn của Việt Nam trong mối quan hệ này. Từ phương diện chính trị, giữa Việt Nam và Mỹ luôn tồn tại điểm khác biệt căn bản là thể chế và ý thức hệ. Đây là mâu thuẫn sẵn có và không thể bù đắp giữa hai nước, trừ phi Mỹ có động thái nhượng bộ, song điều đó rất khó xảy ra. Từ khía cạnh lịch sử, những tổn thương trầm trọng mà Mỹ đã gây ra cho đất nước và nhân dân Việt Nam trong chiến tranh đến nay vẫn khó có thể xóa nhòa. Từ góc độ kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ hiện nay chủ yếu là các ngành chuyển dịch từ xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế Việt Nam có liên quan mật thiết đến các ngành sản xuất của Trung Quốc. Các nước châu Á – Thái Bình Dương được cho rằng đang phát triển theo mô típ “kinh tế nhờ cậy vào Trung Quốc, an ninh nhờ cậy vào Mỹ”, do đó, nếu thực hiện chính sách quân sự nghiêng hẳn về Mỹ, Việt Nam khó tránh khỏi thiệt hại về kinh tế, và còn nảy sinh cách biệt với đại đa số các nước ASEAN. Ngoài ra, về vấn đề Biển Đông, Việt Nam thực chất cũng không hề muốn đối đầu trực diện với Trung Quốc. Vì vậy, giáo sư Hoàng Nhân Vỹ một lần nữa nhận định, trong tương lai, dù đẩy mạnh hợp tác với Mỹ nhưng Việt Nam sẽ không đi quá xa mà luôn giữ giới hạn của mình.
Theo giáo sư Kim Xán Vinh của Đại học Nhân dân Trung Quốc, Việt Nam là một đất nước rất thông minh, trước những lời đề nghị hấp dẫn từ phía cường quốc số một thế giới như Mỹ, Việt Nam vẫn có cách ứng xử khôn khéo, điềm tĩnh, không khoa trương. Việt Nam biết rõ chính bản thân Mỹ cũng đang gặp phải những vấn đề nan giải trong nước cần giải quyết và không còn khả năng đảm bảo mang đến nhiều lợi ích thực chất cho các nước như trước đây. Hơn nữa, mục tiêu của Việt Nam từ đầu chí cuối đều là tối đa hóa lợi ích quốc gia. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cũng đăng tải phân tích của đài truyền hình Al Jazeera (Qatar) cho rằng, phát triển quan hệ mật thiết hơn với Mỹ không đồng nghĩa với bước chuyển lớn về chiến lược của Việt Nam, bởi chỉ có chính sách ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn mới là lựa chọn phù hợp nhất cho lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Còn phía Mỹ, theo chuyên gia Đằng Kiến Quần, chính quyền Tổng thống Biden hẳn cũng hiểu rằng, chính Việt Nam cũng như đa số các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều đã tỏ thái độ muốn tăng cường hợp tác với các nước lớn nhưng không muốn phải chọn bên giữa họ mà hi vọng giữ cục diện khu vực hòa bình, ổn định. Nếu Mỹ cố tình gây chia rẽ, xung đột giữa các bên, thì hiển nhiên sẽ đi ngược lại nhu cầu phát triển của các nước trong khu vực và là điều mà Việt Nam cùng các bên không hề ủng hộ. Mặt khác, theo giáo sư Trương Gia Đống, xuất phát từ vấn đề mâu thuẫn ý thức hệ, trong nội bộ nước Mỹ, đặc biệt là nội bộ Đảng Dân chủ, có không ít luồng quan điểm không đồng tình khi Tổng thống Biden nhắc đến Việt Nam như một đối tác quan trọng hàng đầu. Vì thế, thời gian tới, phía Mỹ cũng sẽ thận trọng cân nhắc những bước đi của mình trong quan hệ với Việt Nam.
Trước thông tin về lời đề nghị giao dịch vũ khí của Mỹ với Việt Nam, theo các phân tích từ Trung Quốc, động thái này có những điểm đáng lo ngại đối với Trung Quốc, như mục tiêu của Mỹ không chỉ là tạo điều kiện để Việt Nam mua nhiều trang thiết bị quân sự của Mỹ hơn trong tương lai, mà còn là mở đường cho vũ khí của các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ tiến vào thị trường Việt Nam, dần phá bỏ thế độc tôn của Nga tại Việt Nam trong lĩnh vực này. Qua đó, Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam cùng gia nhập vào nhóm các đối tác thân cận của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời đẩy xa Việt Nam khỏi các nước có quan hệ hữu nghị truyền thống là Nga và Trung Quốc để nghiêng về phía Mỹ. Nếu thỏa thuận này được thực hiện thành công, chắc chắn sẽ là một bước tiến lớn trong quan hệ Việt – Mỹ. Trước mắt, hai bên dường như đều không thiếu động cơ để tiến hành những đàm phán liên quan. Dù vậy, theo truyền thông Trung Quốc, thỏa thuận này liệu có thể đạt được và có thể triển khai vào thực tiễn hay không, vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Cả Việt Nam và Mỹ hẳn đều không hi vọng làm cho quan hệ với Trung Quốc trở nên xấu đi vì giao dịch này. Việt Nam hiểu rõ những lợi – hại, thiệt – hơn trong quan hệ với láng giềng Trung Quốc, còn Tổng thống Mỹ Biden cũng phải xem xét kỹ càng những tác động ảnh hưởng tới ưu thế của mình trong cuộc bầu cử Tổng thống 2024 nếu gây căng thẳng với Trung Quốc vào thời điểm này.
Tác động đối với tình hình khu vực
Trung Quốc cho rằng những hành động của Mỹ đang tiếp tục gây rối cho cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và sẽ không thực sự đem lại tác dụng thay đổi cục diện địa – chính trị của khu vực theo hướng có lợi cho Mỹ.
Truyền thông Trung Quốc đồng loạt nhấn mạnh vào chi tiết ông Biden bỏ qua Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra tại Indonesia mà đáp thẳng đến Việt Nam ngay sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Ấn Độ. Các phân tích cho rằng, đây là động thái xem nhẹ vị trí của ASEAN cùng nước chủ nhà Indonesia và không nhất quán với những tuyên bố luôn coi trọng vai trò chủ đạo của ASEAN mà Mỹ không ngừng khẳng định trước đó. Thời gian gần đây, sau Philippines, Việt Nam là đối tượng tiếp theo được Mỹ “đưa vào tầm ngắm” để “gây hấn” với Trung Quốc tại Đông Nam Á, nhất là trong tranh chấp Biển Đông. Qua động thái nói trên, Mỹ cố tình làm nổi bật tầm quan trọng của Việt Nam, nhưng cũng gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN, khiến Indonesia cùng các nước thành viên ASEAN khác không khỏi cảm thấy thất vọng và bất mãn.
Chuyên gia Tô Hiểu Huy – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc đánh giá, những chuyến viếng thăm “có chọn lọc” trong lịch trình công du châu Á tháng 9 của Tổng thống Biden nói lên rằng, Ấn Độ và Việt Nam mới là đối tượng nhận được sự “ưu ái” của Mỹ tại khu vực bởi đây là hai mắt xích trọng yếu cần “gia cố” trong chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ nếu so với hiệu quả mà các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc đã mang lại cho Mỹ. Washington dường như có xu hướng coi trọng các quan hệ song phương hơn đa phương. Riêng tại Đông Nam Á, nỗ lực “tranh thủ” các nước ASEAN thời gian qua của Mỹ không thu về nhiều kết quả, các nước này đều không sẵn lòng “chọn bên” giữa Mỹ và Trung Quốc, do đó Mỹ quyết định chỉ lựa chọn một vài đối tượng cá biệt để ưu tiên là Philippines và Việt Nam – hai nước có mâu thuẫn căng thẳng nhất với Trung Quốc trên Biển Đông, mà không còn “chiều lòng” toàn bộ khối ASEAN như trước.
Tuy vậy, theo học giả Lưu Tử Kinh, thành công trong việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam sẽ thôi thúc Mỹ ngày càng tìm kiếm sức ảnh hưởng và tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực để củng cố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình. Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển quan hệ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản hay Australia.
Ngoài ra, có phân tích từ truyền thông Trung Quốc cho rằng, nếu Mỹ và Việt Nam đạt thỏa thuận về giao dịch vũ khí, có khả năng sẽ gây cản trở và đi ngược lại nỗ lực giải trừ quân bị tại khu vực Biển Đông trong bối cảnh khối ASEAN gồm các nước mới nổi, có ý thức mạnh mẽ về chủ quyền trên biển và có xu thế đẩy mạnh xây dựng lực lượng hải quân. Hiện nay, tiến trình đàm phán “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) đang bước vào giai đoạn then chốt, nếu các bên chỉ quan tâm đến việc giành lợi ích riêng bằng cách củng cố lực lượng hải quân và không quân, chắc hẳn sẽ khiến cho tiến trình đàm phán gặp phải vướng mắc, trở ngại.
Tác động đối với Trung Quốc và lựa chọn chính sách của Bắc Kinh
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 04/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, theo quan điểm của Trung Quốc, các nước khi phát triển quan hệ song phương cần đảm bảo không liên kết chống lại bên thứ ba, không phương hại đến hòa bình, ổn định và sự phát triển phồn vinh của khu vực. Tiếp đó, trước những thông tin về các động thái hợp tác sâu rộng hơn về quân sự – quốc phòng cũng như các giao dịch vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam, ngày 25/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân bày tỏ, mưu cầu ổn định, hợp tác và phát triển là nguyện vọng chung nhất của các nước châu Á. Trung Quốc hi vọng trong quá trình thúc đẩy quan hệ song phương và triển khai hợp tác quân sự, các bên liên quan luôn tuân thủ các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, loại bỏ tư duy bá quyền và “Chiến tranh Lạnh”; không kích động mâu thuẫn, đối đầu và chạy đua vũ trang; không gây tổn hại đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Chuyên gia Thành Hán Bình của Đại học Nam Kinh chỉ ra, nửa năm trở lại đây, tình hình địa – chính trị quốc tế và tình hình an ninh khu vực xung quanh Trung Quốc đều có những thay đổi. Một mặt, dưới tác động của Mỹ, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông tiếp tục nóng lên. Mặt khác, nguyên thủ ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh mang tính lịch sử ở Trại David, Mỹ, thông qua các tuyên bố chung ba bên như Tinh thần của Trại David và Các nguyên tắc Trại David mà phía Trung Quốc cho là đều có nội dung nhằm vào họ. Truyền thông Trung Quốc gọi đây là “NATO phiên bản Đông Á”. Đầu tháng 8, Mỹ cũng đã ký kết với Mông Cổ Hiệp ước “Bầu trời mở” về hàng không dân dụng. Như vậy, Mỹ đã hoàn thành thế trận bao vây Trung Quốc tại Đông Á, hiện đang tiếp tục dàn trận tại Đông Nam Á và Biển Đông với các quân cờ chính là Philippines và Việt Nam.
Tuy nhiên, không gian chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh trên vẫn rất rộng mở. Sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại – đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 20 cũng diễn ra trong tháng 9 tại Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc). Tháng 10, Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị Cấp cao Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh nhân kỷ niệm 10 năm ra đời sáng kiến này với sự tham dự của đại diện đến từ hơn 130 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế, trong đó bao gồm các nước ASEAN. Trang QQ News cho rằng, trong khi Mỹ đã phần nào gây “mất lòng” khối ASEAN và tỏ ra không quá quan tâm đến vấn đề kinh tế của khu vực thì Trung Quốc lại đang sở hữu nhiều cơ chế đa dạng, thiết thực và hữu hiệu để đẩy mạnh hợp tác kinh tế với ASEAN bất cứ lúc nào. Đây cũng sẽ là cơ hội để Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng của mình tại khu vực.
Chuyên gia Lý Đỉnh Hâm – Trung tâm Nghiên cứu Thế giới đương đại thuộc Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, qua thái độ của Việt Nam trước sự lôi kéo của Mỹ, có thể thấy các nước ASEAN vẫn sẽ kiên quyết không ngả về phía Mỹ để chống lại Trung Quốc. Lập trường không chọn bên của ASEAN sẽ là điểm then chốt phá vỡ thế trận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, bởi vị trí địa lý nằm ở ngã tư giao cắt hai đại dương của các nước này sẽ khiến cho thế bài binh bố trận của Mỹ bị đứt đoạn.
Riêng về Việt Nam, truyền thông Trung Quốc không quên nêu bật, chỉ ít ngày sau khi đón tiếp Tổng thống Biden tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hai sự kiện CAEXPO và CABIS lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh với quy mô lớn nhất ASEAN. Đó là minh chứng nói lên sự trọng thị hàng đầu mà Việt Nam dành cho Trung Quốc, cũng thể hiện tình hữu nghị sâu sắc và quan hệ hợp tác chặt chẽ không thể tách rời giữa hai nước.
Giáo sư Kim Xán Vinh đánh giá, việc Việt – Mỹ thắt chặt quan hệ không gây ảnh hưởng hay tổn hại gì đến quan hệ Việt – Trung, phía Trung Quốc chỉ cần giữ tâm thế bình thường, bởi không phải nghi ngờ, tương lai của quan hệ Việt – Trung chính là hữu nghị, hợp tác và phát triển, đôi bên đều có lợi. Giáo sư Hoàng Nhân Vỹ nhấn mạnh, tiếp sau đây, Trung Quốc cần giữ vững đường lối tổng quát, tránh phát sinh xung đột trực tiếp với các nước trong khu vực – nhất là trên vấn đề Biển Đông, tuyệt đối không tin theo hay bị định hướng bởi luận điệu của phương Tây. Còn theo giáo sư Triệu Vệ Hoa, nếu Trung Quốc tận tốt dụng ưu thế thuận tiện về liên thông, kết nối với Việt Nam, thì có thể lấy đó làm đối trọng trước ý đồ và nỗ lực gây nhiễu loạn quan hệ Việt – Trung của Mỹ, tạo nên thế cân bằng trong “quan hệ tay ba” Mỹ – Trung – Việt. Bên cạnh đó, chuyên gia Cát Hồng Lượng – Phó Viện trưởng Học viện ASEAN thuộc Đại học Dân tộc Quảng Tây cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam thông qua kênh đối ngoại Đảng để lãnh đạo các lĩnh vực hợp tác, đây là kênh riêng đặc thù giữa hai nước và cần được tiếp tục thúc đẩy, củng cố trong thời gian tới. Chuyên gia Thành Hán Bình cũng bày tỏ quan điểm, giữa Việt Nam và Trung Quốc tuy tồn tại một số ân oán lịch sử và tranh chấp ở hiện tại, nhưng không nên coi đó là toàn bộ tính chất của quan hệ Việt – Trung, càng không nên phóng đại mâu thuẫn một cách mù quáng, mà nên giải quyết mâu thuẫn bằng phương cách và đạo lý ứng xử thân tình giữa những người hàng xóm láng giềng.
Trước những diễn biến nêu trên, giới học giả và truyền thông Trung Quốc kết luận, Trung Quốc nên cảnh giác cao độ, nhưng cũng không cần phải hoang mang lo lắng, vì với Việt Nam, “Mỹ ở rất xa, còn Trung Quốc lại rất gần”.
Tổng hợp, phân tích: Hoàng Thị Hạnh Trang
Vui lòng không sao chép nội dung bài viết khi chưa được phép, mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. “对付中国的心不会变,拜登宣布访越计划,想干什么,越南看的清楚”,《腾讯网》,31-08-2023,https://new.qq.com/rain/a/20230831A01SAY00
2. 白波:“缺席东盟峰会却要专访越南,拜登唱的这是哪一出?”,《北京日报》,06-09-2023,https://baijiahao.baidu.com/s?id=1776268896553166104
3. 吴娜:“拜登访越恐成果有限,东盟态度破局‘印太战略’”,《北京日报》,09-09-2023,https://bj.bjd.com.cn/5b165687a010550e5ddc0e6a/contentShare/5b16573ae4b02a9fe2d558f9/AP64fc797be4b0a395ca4c8936.html
4. 南博一:“拜登访越南望提升两国关系,中国外交部:摒弃零和思维,不针对第三方”,《澎湃新闻》,10-09-2023,https://www.thepaper.cn/newsDetail_forward_24556238
5. “美国拜登突访越南,目标直指中国和俄罗斯,中国该如何应对?”,《网易新闻》,10-09-2023,https://www.163.com/dy/article/IEAFT5700552ZHYQ.html
6. 李瑶:“美越关系升至最高级 拜登‘拉拢之旅’得偿所愿?”,《看看新闻Knews》,11-09-2023,https://baijiahao.baidu.com/s?id=1776752824023479650
7. “美国总统乔·拜登对越南进行了历史性的访问”,《网易新闻》,12-09-2023,https://www.163.com/dy/article/IEEI9MQ10556224O.html
8. 张家栋:“为拉拢越南,拜登做出罕见让步,美越关系再进一步,就是军事同盟”,《腾讯网》,12-09-2023,https://new.qq.com/rain/a/20230912A0386F00。
9. 王慧、张菁娟:“美越关系‘连升两级’,越南会在中美之间选边站队吗?”,《观察者网》,12-09-2023,https://www.guancha.cn/internation/2023_09_12_708331_s.shtml
10. 成汉平:“越美关系全面升级 对地区和平是福是祸?”,《中国东盟报道》微信公众号,12-09-2023,https://mp.weixin.qq.com/s/W2O983rH0SJ3HxS28IQdIQ?
11. 赵骁:“拉拢中国友邻,打的什么算盘?”,《长安街知事》微信公众号,13-09-2023,https://news.bjd.com.cn/2023/09/13/10561480.shtml
12. 刘紫荆:“被‘升级’的伙伴关系,美国拉拢越南得偿所愿?”,《东南亚学人》,15-09-2023,https://mp.weixin.qq.com/s/CRuawKYkvIP7BwV1bmb2wg?
13. 于泽远:“中美竞相拉拢越南”,《联合早报》,18-09-2023, https://www.kzaobao.com/cngov/2023-09/18147074.html
14. “拜登政府被曝正与越南就一项武器交易协议谈判,外媒:可能激怒中国”,《环球网》,24-09-2023,https://baijiahao.baidu.com/s?id=1777876331748441587
15. 秋阳刀:“外媒爆料,美国要跟越南搞个让中俄‘不安’的动作”,《补壹刀》微信公众号,24-09-2023,https://mp.weixin.qq.com/s/hI_KCYr0yfT_GMA5fH2Bxg?
16. “拜登政府被曝正在与越南进行武器交易谈判,中方回应”,《环球网》,25-09-2023,https://world.huanqiu.com/article/4EgTG43jP9K
17. 丹宝星辰:“印度拒绝入场,拜登‘反华’联盟崩塌,越南8个部长与华搞好关系”,《百家号》,07-10-2023,https://baijiahao.baidu.com/s?id=1778992816075565386