Môi trường an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và những lợi ích kinh tế tạo cơ hội cho sự thành lập các cơ chế hợp tác đa phương. Liệu có cơ hội nào cho một khuôn khổ ba bên giữa Mỹ, Việt Nam và Australia không? Và nếu có, ba quốc gia này sẽ hợp tác trên những lĩnh vực nào?
Cơ sở, động lực thúc đẩy hợp tác 3 bên Mỹ – Việt – Australia
Môi trường chung khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (ADD-TBD)
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Dưới sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và cả Ấn Độ, một đặc điểm đáng chú ý của những thay đổi trên toàn cầu là sự dịch chuyển của trung tâm chính trị, kinh tế sang khu vực ADD-TBD. ADD-TBD hiện đang là “điểm nóng” về bất đồng chủ quyền biển đảo, nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, các thách thức an ninh phi truyền thống và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cạnh tranh, xung đột giữa các quốc gia. Những điều này đã khiến Mỹ và Phương Tây đang cố gắng thúc đẩy các liên kết trong khu vực này. Cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng Mỹ – Trung Quốc cũng ngày càng thể hiện rõ thông qua các bước chiến lược của hai bên. Trong đó, một đặc điểm xuyên suốt quan trọng trong môi trường an ninh ADD-TBD vẫn được thể hiện rõ trong thời gian hiện tại là nhiều quốc gia trong khu vực vẫn cố gắng tránh đứng về phía nào trong cuộc đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vị thế của Trung Quốc ngày càng tăng trong thương mại quốc tế cùng với các sức mạnh khác bao gồm tài chính và sự lãnh đạo toàn cầu thông qua các thể chế như Sáng kiến Vành đai và Con đường, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á. Đối với Mỹ cùng các các đồng minh, sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa lớn đến cấu trúc, môi trường an ninh khu vực và cả thế giới. Mỹ coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất” và cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, công nghệ, vũ khí…. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc nhưng mối quan hệ giữa hai bên đang xấu đi nhanh chóng kể cả quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó, Mỹ và Australia cũng bày tỏ quan ngại của mình về vấn đề Đài Loan, hai quốc gia xem sự độc lập của bán đảo này liên quan đến an ninh, sự tự do rộng mở của khu vực ADD-TBD nói chung và an ninh của từng quốc gia nói riêng.
Tuy nhiên không giống Washington và Canberra, Hà Nội coi sự trỗi dậy của Bắc Kinh mang lại cả những cơ hội và rủi ro. Ngoài ra, mối quan tâm chính của Việt Nam đối với Trung Quốc không phải là Đài Loan mà là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc là “Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện”, đối tác thương mại lớn nhất và hàng xóm hữu nghị của Việt Nam. Song, Việt Nam cũng có nhận thức về mối đe dọa từ phía Bắc, được định hình bởi lịch sử, cách tiếp cận an ninh nguồn nước ở Sông Mê Kông và đặc biệt là chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam vẫn luôn coi Trung Quốc là “đối tác”, đồng thời cũng nhận thấy tính chất “đối tượng” ở quốc gia láng giềng này. Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Việt Nam kiên trì theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không liên kết với nước này để chống nước kia, không bị lôi kéo, không chọn phe.
Do đó, có thể nói sự trỗi dậy của Trung Quốc và ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong khu vực có thể góp phần thúc đẩy ba nước hợp tác chặt chẽ hơn để cân bằng ảnh hưởng này, nhưng đây không phải là động lực chính. Thay vào đó, một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia, trong đó bao gồm Mỹ, Việt Nam và Australia. Cả ba nước đều có lợi ích chung trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định an ninh và thịnh vượng cho khu vực này. Đây vừa là nguyên tắc cơ bản trong khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác song phương giữa ba nước, vừa là lợi ích quan trọng mà cả ba bên cùng hướng tới, sẽ là một động lực lớn hơn để thúc đẩy hợp tác giữa ba quốc gia.
Bên cạnh đó, yếu tố lợi ích kinh tế sẽ định hình mối quan hệ hợp tác của ba quốc gia. Cả ba quốc gia đều có lợi ích kinh tế đáng kể trong khu vực. Hợp tác chặt chẽ hơn có thể dẫn đến tăng cơ hội thương mại, đầu tư, giúp tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở cả ba quốc gia. Nền kinh tế của ba quốc gia có tính bổ sung cao. Australia là nhà cung cấp các dịch vụ và nguyên liệu thô mà các nhà sản xuất của Việt Nam có nhu cầu. Các sản phẩm từ Việt Nam cũng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Australia. Mỹ với công nghệ tiên tiến sẽ bổ sung cho những hạn chế của Việt Nam, và thị trường tiêu dùng rộng lớn của Mỹ là cơ hội cho Việt Nam và Australia gia tăng giá trị thương mại của mình. Việt Nam và Australia chia sẻ nỗi thấu hiểu chung về sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của hai quốc gia này. Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Australia cũng là một vấn đề căng thẳng trong những năm gần đây. Hợp tác giữa ba quốc gia có thể giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, làm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào, điều này có thể làm cho nền kinh tế của ba quốc gia trở nên kiên cường hơn trước những cú sốc.
Mối quan hệ song phương giữa 3 quốc gia đang diễn ra tốt đẹp
Giữa ba quốc gia Mỹ, Australia và Việt Nam, gần như không tồn tại những xung đột về lợi ích quốc gia trong thời điểm hiện tại. Mối quan hệ từng cặp song phương đều phát triển tốt đẹp, dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mỹ và Australia có mối quan hệ song phương đặc biệt thân thiết. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã khẳng định “liên minh Mỹ – Australia chưa bao giờ mãnh mẽ hơn lúc này”. Về mặt chính thức, Australia là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực ADD-TBD. Mối quan hệ giữa Washington và Canberra được đặc trưng bởi yếu tố an ninh và chính trị hơn là kinh tế. Hai quốc gia cùng tham gia hai cơ chế an ninh nổi bật trong khu vực là QUAD và AUKUS. Mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Australia được củng cố bởi Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước. Năm 2022, giá trị trao đổi thương mại hàng hóa song phương là 77,1 tỷ USD, tăng khoảng 26% so với năm 2021[1].
Mỹ và Việt Nam mới nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là “Đối tác Chiến lược Toàn điện”, ngang hàng với Trung Quốc và Nga trong cấp bậc ngoại giao của Việt Nam, trong chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden hồi tháng 9/2023. Trong đó, hai bên cam kết sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế – thương mại – đầu tư, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường duy nhất và đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong xuất khẩu của Việt Nam: năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia đạt trên 123 tỷ USD. Việt Nam cũng đã vươn lên vị trí đối tác thương mại lớn thứ bảy của Hoa Kỳ trên toàn thế giới từ năm 2019[2].
Australia là một trong những quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Tháng 2/2023 đã đánh dấu cột mốc 50 năm quan hệ Việt Nam – Australia hợp tác và phát triển. Tháng 6/2023, Thủ tướng Anthony Albanese đã đến thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời bày tỏ những cam kết về sự phát triển hơn nữa trong mối quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Australia trở thành Đối tác Chiến lược từ năm 2018, gần đây Australia đã bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ song phương với Việt Nam lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân dịp 2 thủ tướng tiếp tục gặp nhau tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 43 hồi tháng 9/2023[3]. Australia là một trong những quốc gia cũng cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thứ ODA hàng đầu cho Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phát triển trong nhiều lĩnh vực đa dạng, từ xây dựng kết cấu hạ tầng đến thúc đẩy phát triển nông nghiệp – nông thôn của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia tăng trưởng tốt trong những năm gần đây: năm 2022, giá trị này đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2021[4]. Hai bên cũng trở thành một trong mười đối tác thương mại lớn nhất của nhau, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Australia. Ngày 17/11/2023 vừa qua, nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Australia Anthony Albanese[5], hai nhà lãnh đạo tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác của hai quốc gia, ủng hộ tăng cường hợp tác thương mại – đầu tư, quốc phòng – an ninh, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Ngoài ra, hai nước cũng luôn ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, ASEAN, APEC…
Triển vọng hợp tác giữa ba bên Mỹ – Việt – Australia
Trong môi trường quốc tế các nhân tố tác động qua lại, có ảnh hưởng lẫn nhau, việc hợp tác đa phương nhằm giải quyết các thách thức chung và tối ưu hóa lợi ích dựa trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi, phù hợp với nguyên tắc và luật lệ quốc tế là xu thế tất yếu. Dựa trên cơ sở và động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia, trong đó một nhân tố quan trọng là chính sách cân bằng của Việt Nam, ba quốc gia có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển xa hơn về kinh tế, đặc biệt là về hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế số, công nghệ, công nghiệp năng lượng, bán dẫn và phát triển bền vững hơn là hướng đến một cơ chế hợp tác tập trung vào quốc phòng và quân sự.
Tuyên bố chung về Tham vấn cấp Bộ trưởng của Australia – Mỹ 2022 đã thể hiện cam kết của hai quốc gia về tăng cường hợp tác cả song phương và với các đối tác khác trong khu vực để đảm bảo một khu vực ADD-TBD tự do, rộng mở, ổn đinh, hòa bình, thịnh vượng và tôn trọng chủ quyền. Hai bên cam kết sẽ tăng cường cam kết với các nước ADD-TBD để thúc đẩy phát triển kinh tế, hợp tác biến đổi khí hậu, an ninh, kết nối, quản trị tốt, quản lý thiên tai, y tế và khả năng phục hồi phù hợp với các ưu tiên của khu vực.
Mỹ và Australia lưu ý rằng Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với sự ổn định khu vực và tái khẳng định cam kết của họ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu, phù hợp với tầm nhìn của Việt Nam. Việt Nam là đối tác tốt để Mỹ và Australia hợp tác nhằm đẩy mạnh chiến lược “ADD-TBD tự do và rộng mở”. Cả Washington và Canberra đều coi trọng vị trí địa – chiến lược của Hà Nội ở Đông Nam Á, và thậm chí là cả khu vực ADD-TBD. Việt Nam xử lý hài hòa mối quan hệ với Trung Quốc cũng tạo nên vai trò quan trọng của Việt Nam sự ổn định, cân bằng của khu vực. Ngược lại, Mỹ và Australia sẽ bổ sung cho những hạn chế về vốn, khoa học công nghệ cao, phương thức và quản trị điều hành để Việt Nam phát triển đất nước.
Hợp tác trong lĩnh vực kinh tế
Cuộc cách mạng công nghệ đang phát triển nhanh chóng, các ứng dụng của công nghệ có vai trò lớn trong nhiều linh vực trong đó có các lĩnh vực mà cả ba nước ưu tiên hợp tác là kinh tế, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu… Hợp tác phát triển các công nghệ mới và nhanh chóng chuyển đổi chúng thành khả năng sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định thành công trong tương lai.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những hạn chế của sự hợp tác toàn cầu trong đó nổi bật là sự gián đoán trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ phong tỏa biên giới. Do đó, Mỹ và phương Tây ngày càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi cung ứng đáng tin cậy, và phát triển các sáng kiến chiến lược nhằm giảm thiệu tình trạng dễ bị tổn thương do sự phụ thuộc vào hàng hóa từ công xưởng thế giới “Trung Quốc”. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn đang ngày càng thể hiện tầm quan trọng của mình trong sức mạnh quốc gia. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ. Gần đây, trong tuyên bố chung nâng cấp mối quan hệ hai nước Mỹ và Việt Nam lên tầm “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, đã xác định phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nội dung quan trọng nhất, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc khẳng định sẽ đưa Đài Loan về dưới tầm kiểm soát. Trong đó, Đài Loan sản xuất hơn 60% chất bán dẫn của thế giới và hơn 90% chất bán dẫn tiên tiến nhất. Trong trường hợp Trung Quốc thống nhất Đài Loan và kiểm soát ngành công nghiệp quan trọng này, sự gián đoạn chuỗi cung bán dẫn toàn cầu là chắc chắn. Mỹ và Phương Tây sẽ gặp nhiều khó khăn. Để phòng bị cho kịch bản này, Washington đang cố gắng hạn chế “để tất cả trứng vào một giỏ”, trong đó có sự lựa chọn ở Việt Nam. Do đó, ba quốc gia có thể chia sẻ hợp tác chung về ngành bán dẫn quan trọng này.
Ngoài ra, cuộc chiến Nga – Ukraine cũng đã làm mở rộng tư duy chiến lược của các quốc gia về quan niệm thương mại quốc tế và các thành phần của chuỗi cung ứng tác động đến an ninh quốc gia. Bài học khủng hoảng năng lượng của các nước châu Âu khi phụ thuộc quá mức vào Nga đã làm gia tăng mối quan tâm của các quốc gia vào các nguy cơ địa chính trị khi phụ thuộc kinh tế vào một đối tác quá nhiều. Đa dạng hóa và phân tán chuỗi cung ứng để loại bỏ các lỗ hổng và giảm sự phụ thuộc là cách tiếp cận chắc chắn sẽ được ưu tiên. Thúc đẩy thương mại giữa ba nước Mỹ – Australia – Việt cũng sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia khi giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Australia và Mỹ có thể tận dụng Việt Nam như một nguồn cung thay thế cho hàng hóa Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận nhiều hơn đến các sản phẩm chất lượng cao về công nghệ, vốn đầu tư,… từ Mỹ và Australia. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giải thích tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 hồi tháng 5/2023 rằng “không phải chúng ta đang tìm cách để tách rời Trung Quốc, chúng ta đang tìm cách để giảm thiểu rủi do và đa dạng hóa mối quan hệ với Trung Quốc”.
Mỹ đã có hai cơ chế an ninh là QUAD và AUKUS nhằm đặt ra những thách thức cho Trung Quốc tại khu vực ADD-TBD và với việc rút khỏi TPP, hiện tại là CPTPP, Washington hiện tại đứng ngoài những khuôn khổ hợp tác kinh tế lớn nhất tại khu vực này mà nổi bật là CPTPP và RCEP. Tầm ảnh hưởng an ninh – chính trị của Mỹ có thể duy trì qua QUAD, AUKUS và các mỗi quan hệ song phương với các đồng minh. Tuy nhiên, với các quốc gia trung lập khác, nếu Mỹ không tham gia vào một cơ chế hợp tác kinh tế nào, Trung Quốc sẽ chiếm lấy vị trí này bằng ảnh hưởng về thương mại của mình. Cuối cùng, mối quan hệ hợp tác nào cũng cần phải tạo ra giá trị là động lực cho các quốc gia thành viên. Một cách thực dụng, Việt Nam sẽ không sẵn sàng tham gia liên kết quân sự với bất kỳ đối tác nào, do đó mối quan hệ tạo ra giá trị kinh tế tích cực sẽ thu hút giúp Việt Nam vào cơ chế hợp tác này. Do đó, hợp tác kinh tế sẽ là một lĩnh vực được ưu tiên khi ba nước tiến đến hợp tác.
Ba nước có thể hợp tác cùng nhau để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư. Điều này có thể liên quan đến việc giảm thuế quan, hài hòa hóa các quy định và thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới giữa ba nước hoặc xúc tiến một thể chế kinh tế khu vực rộng lớn hơn. Tháng 5/2022, Mỹ đã khởi động Khuôn khổ Kinh Tế ADD-TBD (IPEF), Việt Nam và Australia là hai trong số 13 quốc gia đối tác của khuôn khổ này[6]. Đến nay, khuôn khổ đã trải qua 7 vòng đàm phán nhằm tiến tới mục tiêu tăng cường khả năng chống chịu, tính bền vững, tính bao trùm, tăng trưởng kinh tế, công bằng và khả năng cạnh tranh cho 14 nền kinh tế IPEF. Trong tương lai, IPEF sẽ là một nền tảng hợp tác kinh tế mang lại lợi ích cho cả Mỹ, Việt Nam và Australia với tư cách thành viên, cả ba cũng có thể thúc đẩy, ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ này.
Ngoài ra, trong quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng ba bên (TIP), ba nước có thể hợp tác trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Tháng 10/2022, Ban Kinh tế Trung Ương Việt Nam đã có buổi hội đàm với Đoàn công tác của nhóm đối tác cơ sở hạ tầng Ba bên về Đầy tư cơ sở hạ tầng ở ADD-TBD bao gồm Cơ quan Tài chính Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USDFC), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Cơ quan Tài trợ xuất khẩu Australia (EFA) (Australia) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC)[7]. Trong đó, nhấn mạnh sự hợp tác về phát triển công nghiệp năng lượng bao gồm cả cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Điều này là cơ sở để ba bên tiếp tục hợp tac đầu tư chung vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá, bến cảng và cơ sở hạ tầng năng lượng.
Hợp tác về phát triển bền vững
Tại Tham vấn cấp Bộ trưởng giữa Mỹ và Australia năm 2022, các bộ trưởng từ hai nước đã tuyên bố cam kết làm việc với các đối tác Đông Nam Á trong đó có Việt Nam để hỗ trợ các ưu tiên hợp tác về khí hậu, an ninh và năng lượng. Ngoài ra, tháng 5/2023, Văn phòng Thủ tướng Australia đã ra thông báo cho biết nước này và Mỹ đã quyết định thiết lập một trụ cột mới trong quan hệ đồng minh giữa hai nước là khí hậu năng lượng sạch[8]. Việc thiết lập trụ cột mới cho phép hai nước đẩy mạnh hơn trong việc phối hợp chính sách và tăng cường đầu tư trong lĩnh vực này. Việc xác định thêm trụ cột mới không chỉ cho phép hai quốc gia hợp tác trên kênh song phương mà có thể cùng phối hợp trên các diễn đàn quốc tế và cả hỗ trợ các quốc gia khác tăng cường các nỗ lực giảm thiểu, thích ứng và phục hồi biến đổi khí hậu. Ba nước có thể hợp tác cùng nhau để thúc đẩy năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ đa dạng sinh học. Điều này sẽ liên quan đến việc chia sẻ công nghệ, các phương pháp tiến bộ nhất cũng như các dự án nghiên cứu và phát triển chung.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, bà Penny Wong đã tuyên bố gói hỗ trợ mới trị giá 94,5 triệu đô la Australia cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2023-2034[9]. Đây là một ví dụ cho thấy Australia và Việt Nam đang cùng nhau giải quyết những thách thức chung trong biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.
Ba nước đã hợp tác với nhau trong Khuôn khổ Tài chính Khí hậu việt Nam (VCFF) nhằm hỗ trợ chuyển đổi năng lượng của Việt Nam để đạt được mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050[10]. Do tính chất toàn cầu của biến đổi khí hậu cùng với mục tiêu và định hướng của cả ba quốc gia về phát triển bền vững, sự hợp tác như vậy sẽ tiếp tục và chắc chắn mở rộng trong tương lai.
Hợp tác trong an ninh hàng hải
Đường lối ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam rõ ràng và nhất quán: Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và vì nhân dân. Việt Nam nhấn manh chính sách “Bốn không” của mình là “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Ngoài ra, Việt nam có vị trí địa lý đặc biệt gần Trung Quốc và kiên định với quan điểm không quân sự hóa Biển Đông. Do vậy, mối quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia có thể bao gồm hợp tác về an ninh, nhưng sẽ không tập trung vào lĩnh vực quân sự, thay vào đó, an ninh hàng hải, an ninh kinh tế sẽ được ưu tiên hơn. Một trong những lĩnh vực hợp tác tiềm năng cho cả ba quốc gia là các chương trình xây dựng năng lực trong lĩnh vực hàng hải, bao gồm phát triển khả năng của cảnh sát biển, phòng chống cướp biển…
Cả ba quốc gia đều chung quan điểm về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đây là cơ sở để ba quốc gia cùng nhau xây dựng cơ chế hợp tác nhằm nâng cao an ninh hàng hải của khu vực nói chung và với từng quốc gia nói riêng. Trong đó, Công ước UNCLOS 1982 sẽ giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền chính đáng và hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc cũng đồng thời tuyên bố chủ quyền theo đường chín đoạn.
Mặc dù nghiên cứu “Đánh giá an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2023” của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) đã nói rằng “Cuộc chiến ở Ukarine đã đưa ra một lời nhắc nhở rằng “sự chinh phục lãnh thổ” của các cường quốc vẫn là một rủi ro; cuộc xung đột cũng làm sâu sắc thêm nhận thức về mối đe dọa quân sự trong khu vực và có thể đẩy nhanh các xu hướng hiện có ở châu Á – Thái Bình Dương theo hướng chi tiêu quân sự cao hơn, hiện đại hóa quân sự nhanh hơn và nỗ lực phát triển khả năng quốc phòng.”[11] Chính sách quốc phòng tự chủ của Việt Nam giữ vai trò quyết định rằng nước này sẽ không tham gia bất kỳ liên kết quân sự nào. Nhưng hợp tác về an ninh là không thể thiếu đối với Việt Nam để nâng cao năng lực phản ứng cũng như tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Thúc đẩy hợp tác đa phương thông qua ASEAN
Trao đổi song phương với Việt Nam, cả Mỹ và Australia đều nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin thông qua các cơ chế do ASEAN chủ trì, trên cơ sở tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và tham vấn với ASEAN, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tiến sĩ Santhosh Mathew cùng chuyên gia Vivek Noble tại Trung tâm Nghiên cứu Nam Á, Đại học Pondicherry (Ấn Độ) đã viết trong một nghiên cứu của họ rằng “thế kỷ này đòi hỏi một châu Á hợp tác chứ không phải một châu Á của sự cạnh tranh”[12]. Sự cạnh tranh hiện có giữa các quốc gia và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau được tìm thấy giữa các cộng đồng khu vực là một trở ngại cho các nỗ lực hợp tác. Do đó, hợp tác đa phương chặt chẽ hơn có thể giúp giải quyết các mối quan ngại an ninh chung và thúc đẩy sự ổn định trong khu vực.
Việt Nam cũng cần cẩn trọng
Trong khi Mỹ và Australia chú trọng đến vấn đề độc lập của Đài Loan, Việt Nam luôn kiên định tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”, sự khác biệt quan điểm này đòi hỏi Việt Nam phải cẩn trọng khi tham gia hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải tại Biển Đông. Không được để các thế lực thù địch lợi dụng, gây chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác khác, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Đối với vấn đề Biển Đông, sự ủng hộ từ các quốc gia bên ngoài là cần thiết và quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải kiên trì với quan điểm, chính sách của mình, không vì cái lợi trước mắt mà đánh đổi rủi ro chủ quyền và lợi ích tối cao của đất nước. Việt Nam phải luôn nhớ rằng, độc lập, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và tối cao, không thể phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài. Thay vào đó, chỉ có sức mạnh nội lực của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại mới là sức mạnh toàn diện để bảo vệ Tổ quốc./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược (NCCL). Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và NCCL, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] Office of the United States Trade Representative, “Australia Trade & Investment Summary”, https://ustr.gov/countries-regions/southeast-asia-pacific/australia
[2] Trần Chí Trung, Vũ Thị Hoài (2023), “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ: Từ chiều sâu lịch sử đến hiện tại và tương lai”, Tạp chí Cộng Sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-hoa-ky-tu-chieu-sau-lich-su-den-hien-tai-va-tuong-lai
[3] Hà Văn (2023), “Australia muốn sớm nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức Đối tác Chiến lược toàn diện”, Báo Điện tử Chính Phủ, https://baochinhphu.vn/australia-muon-som-nang-cap-quan-he-voi-viet-nam-len-muc-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-102230907184129733.htm
[4] Nguyễn Trần Xuân Sơn (2023), Năm mươi năm quan hệ Việt Nam – Australia: Nhìn lại và hướng tới, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/828854/nam-muoi-nam-quan-he-viet-nam—australia–nhin-lai-va-huong-toi.aspx
[5] Quang Vũ (2023), Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam – Australia lên tầm cao mới, Báo Tin Tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/thoi-su/tiep-tuc-dua-quan-he-viet-nam-australia-len-tam-cao-moi-20231118055754648.htm
[6] U.S Department of Commerce, “Indo-Pacific Economic Framework”, https://www.commerce.gov/ipef
[7] Trung tâm Thông tin, “Phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương hội đàm vơi đoàn công tác của Nhóm đối tác cơ sở hạ tầng Ba bên về Đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”, Ban Kinh tế Trung ương, https://kinhtetrunguong.vn/thoi-su/hoat-dong-cua-ban/ban-kinh-te-trung-uong-hoi-dam-voi-doan-cong-tac-cua-nhom-doi-tac-co-so-ha-tang-ba-ben-ve-dau-tu-co-so-ha-tang-o-an-do-t.html
[8] Việt Nga (2023), Trụ cột mới trong quan hệ đồng minh Australia-Mỹ, Báo VOV, https://vov.vn/the-gioi/tru-cot-moi-trong-quan-he-dong-minh-australia-my-post1021817.vov
[9] Minh Châu (2023), 50 năm quan hệ Việt Nam – Australia: Hợp tác khu vực trong một thế giới thay đổi, Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/50-nam-quan-he-viet-nam-australia-hop-tac-khu-vuc-trong-mot-the-gioi-thay-doi-644758.html
[10] Australia Government | Export Finance Australia, “Commitment to cooperate on climate finance in Vietnam”, https://www.exportfinance.gov.au/newsroom/commitment-to-cooperate-on-climate-finance-in-vietnam/
[11] Tim Huxley and Lynn Kuok, Asia-Pacific Regional Security Assessment 2023: Introduction, International Institute for Strategic Studies, https://www.iiss.org/en/publications/strategic-dossiers/asia-pacific-regional-security-assessment-2023/aprsa-introduction/
[12] Santhosh Mathew and Vivek Noble, Security Issues and Strategic Challenges in the Indo-Pacific, The Diplomatist, https://diplomatist.com/2020/04/04/security-issues-and-strategic-challenges-in-the-indo-pacific/