Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều là hai quốc gia có vị thế đáng kể trong khu vực cũng như toàn cầu. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa hai quốc gia này có thể tác động không nhỏ tới những diễn biến trong khu vực và trên thế giới. Sự liên lạc giữa hai bên cũng luôn đáng chú ý khi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của NATO – tổ chức được coi là mối đe dọa hàng đầu đối với nước Nga ở thời điểm hiện tại. Vậy quan hệ giữa hai quốc gia này trong thời gian gần đây diễn biến như thế nào? Mối quan hệ này sẽ có những tác động gì đến khu vực và thế giới?
Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2023 và vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ
Tháng 09/2023 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có chuyến thăm và làm việc với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva. Và vào tháng 10, Tổng thống Nga đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chúc mừng kỷ niệm 100 năm tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Hai sự kiện trên có thể cho thấy phần nào quan hệ ổn định của hai quốc gia trong thời gian gần đây. Tuy vậy, đó chỉ là phần nổi của tảng băng, ẩn chứa bên dưới vẫn còn những mâu thuẫn giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên có những động thái ủng hộ Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhưng đồng thời, Ankara cũng đã cố gắng làm trung gian tổ chức đàm phán giữa hai bên, mặc dù cuộc đàm phán đã đổ bể sau khi Ukraine đã hủy bỏ thỏa thuận.
Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên của NATO – khối quân sự vốn luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng với nước Nga. Nhưng điều đặc biệt, đây là thành viên NATO hiếm hoi vừa ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga nhưng vừa giữ vững quan hệ hợp tác về ngoại giao, kinh tế với nước này. Trong thời gian gần đây, nhất là kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước châu Âu đã gần như cắt đứt hoàn toàn mọi giao thương về kinh tế với Nga. Mặc dù là một thành viên quan trọng của NATO, quan hệ kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Theo hãng tin Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga, và đã tiết kiệm được 2 tỷ USD trong năm 2023 từ việc Moskva giảm giá dầu cũng như vị trí địa lý gần nhau giữa hai quốc gia này[1].
Có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang thực thi chính sách cân bằng giữa Nga và phương Tây nhằm đảm bảo lợi ích của họ. Với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ nhập khẩu dầu mà hai bên cũng đang tiến đến thỏa thuận để đưa 1 triệu tấn ngũ cốc của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ để xử lý và xuất khẩu; hay như việc hai bên cũng đang thỏa thuận để xây dựng một trung tâm xuất khẩu khí đốt từ xứ sở bạch dương. Nhưng đồng thời, Ankara vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Kiev. Không chỉ lên tiếng ủng hộ “chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ’’ của Ukraine mà sự ủng hộ đó còn thể hiện ở việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Ví dụ, UAV Bayrakhtar TB-2 do công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã được Ukraine sử dụng cho các chiến dịch của mình. Thậm chí, công ty Baykar – công ty sản xuất máy bay không người lái Bayrakhtar TB-2 dự kiến hoàn tất việc xây dựng nhà máy của họ ở Ukraine vào cuối năm nay[2].
Trong vai trò trung gian hòa giải, Thổ Nhĩ Kỳ đang là nước tận dụng tốt nhất vị thế của mình khi cân bằng giữa hai phe đối đầu với nhau mà không ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia. Mặc dù nỗ lực đàm phán nhiều lần thất bại giữa Nga và Ukraine do những lý do chủ quan và khách quan khác nhau, song Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi dấu ấn của họ khi cùng Liên Hiệp Quốc, Nga và Ukraine xây dựng Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận này đã tạm thời giúp giải quyết vấn đề lương thực toàn cầu khi nguồn cung bị gián đoạn do các hoạt động quân sự hay các lệnh cấm vận, nhất là tại Trung Đông, châu Phi hay châu Á. Chính những đóng góp này của Thổ Nhĩ Kỳ đã được nhiều nguyên thủ quốc gia hoan nghênh và đây là tín hiệu đáng mừng với họ, nhất là khi mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây còn có những khó khăn, bất đồng, và khi Ankara vẫn chưa đặt chân được vào ngôi nhà chung Liên minh châu Âu.
Có thể ví von rằng, Ankara đang hưởng lợi từ những điểm nóng xung đột, nhà phân tích Aleksey Kushch đã nhận định với tờ Al Jazeera rằng “Tư duy địa chính trị của ông Erdogan dựa trên việc cân bằng của 3 điểm đối đầu, đó là phương Tây, Nga và Trung Quốc”. Chuyên gia này còn bình luận thêm rằng ‘”Từ nhiều phương diện, Ankara đều nhận được những lợi ích tối đa như thị trường, công nghệ, cơ hội hiện đại hóa nền kinh tế từ các nước phương Tây, nguyên nhiên liệu giá rẻ và trung tâm khí tự nhiên của Nga và đầu tư cũng như việc quá cảnh hàng hóa từ Trung Quốc”[3]. Nhưng đi cùng với hợp tác với Nga, họ cũng vẫn có những hành động làm Moskva phải ái ngại như việc thả 5 chỉ huy Azov của Ukraine, hay những động thái bật đèn xanh để Thụy Điển gia nhập NATO,…
Có lẽ việc ngả về một phe nào đó vào thời điểm này chính là tự đặt ra chướng ngại vật cho chính Ankara trong việc phát triển đất nước, khi mà thiếu đi sự ủng hộ của bất kỳ phe nào cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Sự ủng hộ của quần chúng với vị Tổng thống đương nhiệm Erdogan cũng không phải là chắc chắn, vì vậy ông luôn phải đảm bảo lợi ích quốc gia, tránh tham gia vào xung đột gây thiệt hại cho kinh tế hay vị thế của đất nước.
Lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong mối quan hệ song phương
Trong bối cảnh tình hình quốc tế luôn biến đổi từng ngày và không thể lường trước, việc hai quốc gia duy trì quan hệ với nhau nhằm đạt được những mục đích nhất định là điều hoàn toàn dễ hiểu. Vậy quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ mang lại lợi ích gì cho Nga và ngược lại?
Duy trì quan hệ tốt đẹp với Ankara không hẳn là điều bắt buộc nhưng thực tế đã mang đến rất nhiều lợi ích cho Moskva, có rất nhiều lý do dẫn đến việc Moskva lựa chọn giữ quan hệ ổn định hòa hợp giữa hai quốc gia này. Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch Cành Ô liu tại Syria nhằm phản ứng trước những cuộc tấn công pháo kích từ phía bên kia biên giới. Khi bắt đầu chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi ngược lại với mong muốn và lợi ích của Moskva, thậm chí có khả năng dấy lên một xung đột lớn khi một thành viên NATO tham chiến ủng hộ nhóm có xu hướng chống chính phủ Syria Bashar Al Assad do Nga hậu thuẫn. Nhưng sau đó, những cuộc đàm phán giữa Tổng thống Vladimir Putin và Erdogan cuối cùng đã chấm dứt căng thẳng. Hay trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như là người duy nhất nỗ lực hòa giải xung đột giữa hai bên, ít nhất là trong vấn đề trao đổi tù nhân. Ankara thậm chí đã từng đề nghị với Tổng thống Putin làm trung gian hòa giải quan hệ căng thẳng giữa hai bên trước cả khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào đầu năm 2022. Bất chấp nhiều bất đồng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn cố gắng duy trì đối thoại mang tính xây dựng và hữu nghị.
Ngoài lĩnh vực địa chính trị, hợp tác an ninh quốc phòng, thì kinh tế cũng là những lĩnh vực đầy triển vọng trong quan hệ giữa Moskva và Ankara. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng đáng kể trong thời gian vừa qua, chủ yếu do Moskva và Ankara đã cùng nhau hợp tác, tìm cách thay thế thị trường các nước phương Tây. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Mặc dù Ankara cũng đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung trong tương lai nhưng Nga vẫn luôn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một yếu tố quan trọng trong quan hệ hai nước, đây là nhà máy điện hạt nhân tại nước cộng hòa này và là dự án đầu tiên trong ngành công nghiệp hạt nhân toàn cầu được thực hiện theo hình thức đầu tư xây dựng – sở hữu – vận hành với chi phí ước tính là khoảng 20 tỉ USD. Amur Gajiyev, thành viên của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết ngoài hợp tác kinh tế, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng được mối quan hệ tin cậy và đối thoại mang tính xây dựng nhờ sự tôn trọng lẫn nhau. “Cả hai nước đều tôn trọng chính sách, lợi ích của nhau và đã phát triển cơ chế tương tác tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại giữa hai bên không ở cùng cấp độ như giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO hay các nước phương Tây khác, mà là cuộc đối thoại giữa hai cường quốc ngang nhau. Đó là bí mật đằng sau sự hợp tác song phương hiệu quả” – Gajiyev chia sẻ[5]. Ông cũng cho rằng mối quan hệ giữa cá nhân hai vị Tổng thống cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc duy trì mối quan hệ hữu hảo giữa Ankara và Moskva. Cả hai bên đều tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận ràng buộc chung, điều này được thể hiện qua các thỏa thuận về Karabakh hay khuôn khổ giải quyết vấn đề tại Syria cũng như các vấn đề khác trong bối cảnh hợp tác song phương như các vấn đề khu vực, kinh tế, thương mại, năng lượng cũng như du lịch, văn hóa,…
Tác động của mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đối với khu vực và toàn cầu
Với Ukraine, đương nhiên Kiev luôn muốn Ankara cắt đứt quan hệ với Moskva khi phong trào và suy nghĩ bài Nga ngày càng dâng cao ở quốc gia này. Nhưng bản thân Ukraine cũng đang lâm vào tình thế khó khăn trên chiến trường. Ưu tiên của họ lúc này là tận dụng triệt để sự ủng hộ của mọi quốc gia, bản thân việc Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra trung gian cũng là điều có lợi đối với chính sách của Ukraine. Nhưng nhìn vào sâu thì có thể thấy quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang phát triển và có nhiều tiềm năng nâng tầm hơn trong tương lai. Đương nhiên, đây sẽ không phải là tin vui với Kiev, nhưng họ không thể làm gì hoặc tác động gì tới mối quan hệ này bởi tính chất đặc biệt của quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt chiều dài lịch sử. Họ có thể chiến tranh hoặc hòa bình với nhau nhưng luôn có những tương tác tới nhau.
Với NATO và phương Tây, việc có một thành viên trong tổ chức hợp tác với quốc gia được coi là kẻ thù với họ sẽ luôn khiến phương Tây cảm thấy đau đầu. Trong nhiều năm qua, các quốc gia phương Tây luôn tìm cách giảm đi mối quan hệ phụ thuộc vào nhau giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, hành động này đã bị rất nhiều quốc gia trong NATO, đặc biệt là Washington phản đối. Bản thân các quốc gia phương Tây cũng hiểu rằng quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ nhu cầu của hai nước. Nhưng sự gắn kết sâu rộng giữa hai bên chắc chắn sẽ là cái gai trong mắt các nước phương Tây, và đây cũng sẽ là những viên gạch cản trở con đường của Thổ Nhĩ Kỳ trong tiến trình gia nhập ngôi nhà chung Liên minh châu Âu.
Với phần còn lại của thế giới, hợp tác Nga – Thổ Nhĩ Kỳ nhìn chung không gây ảnh hưởng tiêu cực quá lớn, chưa kể việc xây dựng Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen có thể giúp đỡ nhiều quốc gia ở Trung Đông, châu Á và châu Phi giải quyết được vấn đề lương thực. Sự hợp tác ổn định giữa hai quốc gia sẽ mang đến những lợi ích trực tiếp tới chính họ và gián tiếp tới những quốc gia khác. Như ở vấn đề Syria, sự hợp tác của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã mang đến thêm lợi ích cho chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad, vào tháng 05/2023 vừa qua, cuộc họp 4 bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iran đã nhất trí lộ trình đi đến bình thường hóa quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau hơn một thập kỷ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng lưu ý rằng quân đội của họ hiện diện ở Syria chỉ nhằm mục đích chống lại các nhóm phiến quân người Kurd tấn công vào lãnh thổ của họ[4]. Tuy nhiên, cùng với các quốc gia phương Tây, một số quốc gia có thể không được hưởng lợi từ mối quan hệ đi lên này. Ví dụ như Armenia, Armenia trước nay luôn có quan hệ căng thẳng với hai quốc gia hàng xóm là Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Hai bên cũng từng xảy ra nhiều xung đột trong suốt nhiều thập kỷ qua. Trước đây, Nga thường đóng vai trò trung gian hòa giải trong xung đột tại nơi được coi là sân sau của họ. Nhưng gần đây, khi Armenia càng ngày tiến gần hơn với phương Tây, sự hợp tác giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ, Nga – Azerbaijan, Azerbaijan – Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho Armenia gặp nhiều khó khăn hơn. Đỉnh điểm là trong cuộc giao tranh Nagorno – Karabakh vào tháng 09/2023 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev đã lên tiếng sẽ không bảo vệ Armenia và còn chỉ trích mạnh mẽ Thủ tướng Armenia Nikol Pashynian.
Qua đó, có thể thấy rằng mối quan hệ giữa Ankara và Moskva là một con mã trong bàn cờ chính trị thế giới, với những nước đi khó đoán nhưng đồng thời cũng có ảnh hưởng sâu rộng tới các quốc gia xung quanh, khu vực và thế giới. Trong tình hình quan hệ phát triển khó đoán như hiện nay, khó có thể khẳng định được các dự báo, nhưng qua các động thái ngoại giao đáng chú ý của cả hai bên, có thể nhận định rằng, khi nào Tổng thống Vladimir Putin và Tayyip Erdogan còn đang nắm quyền thì quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ được duy trì ổn định.
Thách thức ở phía trước
Như vậy, có thể thấy, mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ là một mắt xích quan trọng trong hệ thống quốc tế hiện nay. Mối quan hệ này có nhiều tác động tới khu vực, thế giới và bản thân hai quốc gia. Nhưng liệu có những yếu tố nào có thể tác động trở lại, gây gián đoạn tới mối quan hệ “đặc biệt” giữa Moskva và Ankara?
Yếu tố đó chính là quan hệ giữa Ankara và Washington cũng như với NATO, đây là yếu tố có tác động lớn nhất tới quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong suốt nhiều thập niên qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã luôn là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ và Washington luôn muốn giữ Ankara nằm trong quỹ đạo kiếm soát của họ. Chắc chắn sự nồng ấm trong mối quan hệ giữa Ankara và Moskva sẽ là cái gai trong mắt của nhà lãnh đạo xứ sở cờ hoa, có thể kể đến như khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga đã bị Washington phản đối gay gắt. Có thể thấy, trong thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có sự nhượng bộ để không làm mất mối quan hệ tới các quốc gia phương Tây. Vào đầu năm 2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã lên tiếng phản đối gay gắt khi Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập vào NATO vì ông cho rằng Stockholm chứa chấp lực lượng người Kurd mà Ankara coi là khủng bố, và thông báo sẽ chỉ đồng ý cho phép Thụy Điển gia nhập tổ chức này khi nước này có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn lực lượng mà Ankara coi là khủng bố[6]. Tính đến thời điểm hiện tại, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa bỏ phiếu về việc đồng ý cho Stockhlom gia nhập NATO, nhưng Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua thỏa thuận sơ bộ về vấn đề này, đây có thể được coi là động thái bật đèn xanh của Ankara để Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của NATO. Để nhận được sự gật đầu của các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển đã có những biện pháp tăng cường an ninh, ngăn chặn khủng bố, trục xuất một số nhân vật mà phía Ankara yêu cầu, ngoài ra theo một số hãng tin, Ankara đã yêu cầu Mỹ đồng ý bán máy bay F-16 để đổi lấy sự đồng ý từ Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể thấy, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây cũng có những mâu thuẫn nhưng vẫn không thể rời bỏ nhau, hợp tác bên đóng vai trò chiến lược trong chính sách của cả hai bên. Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từng nhắc đến tiến trình gia nhập của bản thân quốc gia này không đạt được nhiều tiến triển khi đề cập đến việc Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO. Có thể thấy, khát vọng bước chân vào ngôi nhà chung Liên minh châu Âu vẫn là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ankara. Trong tương lai, khi Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn trong lựa chọn giữa Nga và phương Tây, đồng thời, việc cố giữ vị thế trung lập hòa giải cũng sẽ không làm hài lòng các đồng minh phương Tây.
Có thể nói rằng, quan hệ giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ là một mối quan hệ với nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán, mối quan hệ này không chỉ tác động nhỏ tới quan hệ giữa bản thân lợi ích hai quốc gia mà còn tới khu vực và thế giới. Với tầm quan trọng của cả hai nước, mối quan hệ song phương này sẽ còn thu hút sự quan tâm của cộng đồng nghiên cứu địa chính trị toàn cầu./.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] РИА Новости (2023), “Турция сэкономила два миллиарда долларов благодаря российской нефти”, https://ria.ru/20231218/turtsiya-1916527241.html
[2] ТАСС (2023), “Производство Bayraktar на Украине могут начать в 2025 году”, https://tass.ru/ekonomika/18094597
[3] ALJAZEERA (2023), “Turkish neutrality: How Erdogan manages ties with Russia, Ukraine amid war”, https://www.aljazeera.com/news/2023/9/28/turkish-neutrality-how-erdogan-manages-ties-with-russia-ukraine-amid-war
[4] ИЗВЕСТИЯ (2023), “В следующих Сириях: чем закончилась четырехсторонняя встреча в Москве”, https://iz.ru/1510746/daria-labutina/v-sleduiushchikh-siriiakh-chem-zakonchilas-chetyrekhstoronniaia-vstrecha-v-moskve
[5] Ngọc Vân, LAO ĐỘNG (2023), “Lý do Nga giữ quan hệ hữu hảo với thành viên chủ chốt của NATO”, https://laodong.vn/tu-lieu/ly-do-nga-giu-quan-he-huu-hao-voi-thanh-vien-chu-chot-cua-nato-1140748.ldo
[6] REUTERS (2023), “Sweden will not get Turkey’s nod for NATO bid unless it stops sheltering ‘terrorists,’ Erdogan says”, https://www.reuters.com/world/sweden-will-not-get-turkeys-nod-nato-bid-unless-it-stops-sheltering-terrorists-2023-07-03/