Bán đảo Triều Tiên là một điểm nóng chính trị thế giới trong suốt hơn 70 năm qua. Cho đến nay, tiến trình thống nhất bán đảo vẫn chưa có nhiều tiến triển thực chất bất chấp những nỗ lực đàm phán và sức ép được tạo ra theo nhiều cách thức khác nhau từ các bên liên quan. Trải qua nhiều thăng trầm trong quan hệ, việc giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình thông qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, thương lượng, đàm phán vẫn sẽ được ưu tiên trong thời gian tới. Tuy nhiên, giải pháp quân sự cũng được coi như một sự lựa chọn trong bối cảnh các diễn biến căng thẳng ngày càng khó lường. Năm 2024, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến sự chuyển dịch cán cân sức mạnh từ Tây sang Đông. Với sự vươn lên ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc, các điểm nóng chưa thể hạ nhiệt vùng Trung Cận Đông cùng những sự kiện chính trị mang tính then chốt có khả năng thay đổi tình hình thế giới nói chung và trên bán đảo Triều Tiên trong năm nay.
Các nhân tố then chốt có khả năng làm thay đổi tình hình bán đảo
Năm 2019, sự sụp đổ của cuộc “đàm phán Hà Nội” giữa Triều Tiên và Mỹ đã đẩy Triều Tiên quay trở lại “con đường song hành” vừa xây dựng kinh tế và thúc đẩy trang bị vũ khí hạt nhân. Việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đóng lại cục diện rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” về an ninh, làm cho tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nóng lên[1].
Trong năm 2024, cục diện chính trị bán đảo có khả năng thay đổi theo chiều hướng gia tăng căng thẳng, hai bên có thể đi xa hơn trong những hành động quân sự đáp trả lẫn nhau, song tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát để tránh bùng phát chiến tranh.
Nhân tố bên trong
Năm 2023, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã gia tăng lên một mức độ mới. Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều thất bại, quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên rơi vào bế tắc, trì trệ và đã đi qua giai đoạn có thể “cứu vãn” được. Mặc dù bộ đôi Tổng thống Mỹ – Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc – Moon Jae-in đều chọn biện pháp đối thoại hòa bình song không thu được kết quả khả quan. Chính quyền Triều Tiên của ông Kim Jong-un quay trở lại con đường song hành vừa xây dựng kinh tế và thúc đẩy trang bị vũ khí hạt nhân. Hội nghị nhân dân khóa 14 của Triều Tiên đã thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, đưa vĩnh viễn chính sách vũ khí hạt nhân vào luật cơ bản. Với tư cách là một quốc gia có vũ khí hạt nhân, để bảo vệ quyền sinh tồn và phát triển đất nước, ngăn chặn chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới[2]. Việc thử nghiệm hạt nhân được duy trì công khai, thường xuyên với mục tiêu hướng bắn về phía Nam hoặc gần Nhật Bản.
Theo đó, Hàn Quốc cũng đã chính thức gọi Triều Tiên là “kẻ thù” trong sách trắng quốc phòng. Nguyên nhân do Bình Nhưỡng không từ bỏ vũ khí hạt nhân và liên tục gây ra các mối đe dọa nguy hiểm. Chính quyền của ông Kim cùng quân đội Triều Tiên trở thành kẻ thù của Hàn Quốc[3]. Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo, tập trận tấn công hạt nhân chiến thuật răn đe nhằm đáp trả hành động Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận quân sự chung. Liên tục các động thái “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau cùng những tuyên bố cứng rắn giữa các bên đã đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên ngưỡng cao nhất trong nhiều năm.
Nhân tố ảnh hưởng từ bên ngoài
Năm 2024 được gọi với cái tên năm bầu cử khi có đến hơn 50 quốc gia, chiếm đến một nửa dân số hành tinh, sẽ tổ chức bầu cử. Trong đó có tác động lớn nhất đến tình hình thế giới là cuộc chạy đua để tìm ra chủ nhân Nhà Trắng và điện Kremlin. Trong cuộc thăm dò của Reuters 71% đảng viên Dân chủ cho rằng ông Biden đã già để tiếp tục làm việc, trong khi con số này đối với Trump là 53%[4]. Tại Moscow, ông Putin đã tái đắc cử một nhiệm kỳ Tổng thống mới và sẽ tiếp tục duy trì các chính sách vốn có của nước Nga. Các tính toán chiến lược của Nga cũng như những thay đổi từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ trở thành những yếu tố tác động rất lớn đối với tình hình bán đảo Triều Tiên, sở dĩ quan hệ giữa hai nhà nước liên Triều với Nga – Mỹ có những điểm trái ngược.
Quan hệ giữa Nga và Triều Tiên trở nên thắm thiết hơn sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đối với Moscow, Bình Nhưỡng đóng vai trò quan trọng như tấm khiên bảo vệ vùng Viễn Đông, hệ thống cảng biển Vladivostok. Cuối năm 2023 đã chứng kiến sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước bằng chuyến thăm của ông Kim đến vùng Primorye. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Triều, ông Putin đồng ý hỗ trợ chương trình không gian của Triều Tiên sau đó kết thúc chuyến thăm bằng việc tặng ông Kim 5 UAV cảm tử và 1 UAV trinh sát Geranium-25 cùng nhiều lời mời hợp tác[5]. Quan hệ Nga – Hàn Quốc cũng chuyển biến từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trước sức ép từ Mỹ cho việc đưa Hàn Quốc trở thành một bên cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Zinovyev nhấn mạnh “Nga sẵn sàng coi Hàn Quốc là đối tác đầy hứa hẹn miễn là không vượt qua lằn ranh đỏ mà chúng tôi đã vạch ra về việc trực tiếp cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine”[6]. Trong khi đó, Seoul từng nhiều lần chỉ trích Moscow vì hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển quân sự.
Ở chiều ngược lại, đối với Mỹ lâu nay, Triều Tiên như “cái gai” trong mắt thể hiện qua chính sách của các đời Tổng thống gần nhất. Phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên là mục tiêu xuyên suốt từ thời Obama đến nay. Song mỗi thời điểm, Mỹ sẽ có cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề này. Với Mỹ, việc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra mối đe dọa lớn cho Mỹ trên nhiều mặt. Trong giai đoạn 2008-2017, Mỹ thực hiện đối sách “Kiên nhẫn chiến lược” quan hệ hai bên đóng băng trong các lệnh trừng phạt. Thời điểm đó, Mỹ chủ động đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán nhằm giảm căng thẳng, nhưng từ năm 2022 đến nay, tính hiệu quả của phi hạt nhân hóa vẫn chưa được thể hiện[7]. Với Hàn Quốc, mối quan hệ liên minh lâu đời từ hơn 70 năm làm nền tảng gắn kết hai nước đồng minh, Seoul luôn đứng dưới ô bảo hộ quân sự của Washington từ 1953 cho đến nay.
Các điểm nóng chiến sự cũng đóng vai trò không nhỏ, gián tiếp ảnh hưởng đến tình hình bán đảo Triều Tiên. Ở châu Âu, cuộc chiến của Nga được phía Triều Tiên quan tâm hưởng ứng bởi Bình Nhưỡng là quốc gia ủng hộ công khai và nguyên tắc với chiến dịch quân sự đặc biệt. Trên thực tế quan hệ Nga – Triều chưa bao giờ tốt như trong chiến tranh ở Ukraine. Giai đoạn đầu cuộc chiến, ông Kim Jong-un từng đề nghị cung cấp 100.000 quân tình nguyện để hỗ trợ, cũng như sẵn sàng gửi lực lượng xây dựng tới để tái thiết vùng Donbass[8]. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik, Triều Tiên đã vận chuyển khoảng 6.700 container chở hàng triệu quả đạn pháo tới Nga kể từ tháng 7/2023[9].
Triều Tiên và Nga đều phủ nhận cáo buộc mua bán vũ khí. Thế nhưng có thể khẳng định sự hiện diện của lực lượng quân sự Triều Tiên hoàn toàn khả thi nếu phía Nga đồng ý. Tính ưu việt mà vũ khí Triều Tiên mang lại trước khí tài phương Tây sẽ trở thành niềm tin lớn trước khả năng áp đảo khí tài quân sự Hàn Quốc đang sử dụng có chung nguồn gốc. Sức mạnh răn đe hạt nhân từ Moscow sẽ càng nặng hơn khi có tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ từ Bình Nhưỡng, hệ thống phóng ICBM của hai nước đều có chung một mục tiêu đã định.
Cùng thời điểm tại Trung Đông chiến sự giữa Israel – Hamas ngày càng khốc liệt. Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc đã có khoảng 100.000 người chết hoặc mất tích ở Gaza[10]. Đồng thời, Biển Đỏ dậy sóng khi liên quân Anh – Mỹ thực hiện các cuộc tập kích vào lực lượng Houthi. Ukraine đi vào bế tắc mặc cho lượng viện trợ của Mỹ và phương Tây không ngừng tăng. Trong khi Thượng viện Mỹ công bố dự luật ngân sách 118 tỷ USD, trong đó hơn 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, nhưng triển vọng phê duyệt chưa rõ ràng[11]. Trước gánh nặng viện trợ, Mỹ có ý kêu gọi Hàn Quốc cùng các đồng minh châu Á tham gia như một phần của cuộc chiến ở Ukraine nhằm giảm tải cho NATO.
Xung đột khắp các điểm nóng trên thế giới không loại trừ khả năng tạo ra hiệu ứng Domino đẩy căng thẳng giữa Triều Tiên với Hàn Quốc có khả năng vượt lằn ranh đỏ. Kể từ năm 2006 khi chương trình hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên được thực hiện, quan hệ giữa hai nhà nước trên bán đảo đã chuyển từ đối đầu liên Triều thành cuộc đối đầu với Mỹ. Từ đó đến nay, mỗi lần Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, tình hình Đông Bắc Á sẽ nóng lên nhanh chóng. Chính sách răn đe mở rộng của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên sẽ kéo khu vực này vào trạng thái bên miệng hố chiến tranh. Bản thân Hàn Quốc và Nhật Bản cũng cần suy nghĩ đến việc xóa bỏ hiềm khích để cùng ngăn chặn nguy cơ chiến tranh.
Đối với Triều Tiên, Trung Quốc trong lịch sử và hiện nay là đối tác quan trọng bậc nhất. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên và cũng là một trong những quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Triều Tiên, chủ yếu là lương thực và năng lượng. Trao đổi thương mại giữa với Bắc Kinh năm 2022 đã khôi phục 37% so với trước đại dịch COVID-19[12]. Do đó một khi Trung Quốc gặp vấn đề trong quan hệ quốc tế Triều Tiên sẽ có chính sách ủng hộ rất mạnh mẽ. Đảo Đài Loan đối với Trung Quốc giống với Triều Tiên và Hàn Quốc hiện nay đều trong tình trạng đối đầu. Nếu Đài Loan quá ngả về phía Mỹ và đồng minh điều này cũng coi như đang thách thức Triều Tiên trong an ninh khu vực biển Hoa Đông.
Khả năng mở rộng của NATO sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện hữu nguy cơ gia tăng căng thẳng quân sự ở bán đảo Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022 tại Madrid có đại diện của các quốc gia châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Vấn đề là sự xích lại gần NATO của Hàn Quốc (ngoài Nhật Bản – đồng minh hàng đầu của Mỹ ở châu Á) rất đáng chú ý. Cơ quan tình báo Quốc gia Hàn Quốc đã tham gia Trung tâm hợp tác phòng thủ không gian mạng ưu việt của NATO với tư cách “bên đóng góp” sáng kiến[13]. Một liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu cùng loạt quốc gia thành viên hiếu chiến đang dần áp sát từ phía Nam và Bắc có thể khiến Triều Tiên cảm thấy bị đe dọa an ninh và thực hiện nhiều hành động đáp trả.
Một số dự báo
Như đã đề cập phía trên, có thể thấy tình hình bán đảo Triều Tiên năm 2024 được nhiều học giả nhìn nhận với chiều hướng khá tiêu cực. Bởi lẽ công việc nội bộ giữa hai quốc gia Triều Tiên và Hàn Quốc có sự ảnh hưởng không nhỏ từ bên ngoài. Tình hình tăng hoặc hạ nhiệt không chỉ xuất phát trong phạm vi biên giới hai nước, mà có sự thay đổi gắn liền với những điều chỉnh chiến lược của giác Mỹ – Trung Quốc – Nga. Tình hình châu Âu – Đại Tây Dương trong chiến sự tại Ukraine, các điểm nóng tại Trung Đông cũng như các điểm nóng căng thẳng khác giữ tác động không nhỏ. Theo đó dựa theo xu hướng thay đổi của các nhân tố ảnh hưởng đáng kể có thể đưa ra nhận định, dự báo về cục diện tình hình bán đảo Triều Tiên trong năm 2024 theo các hướng như sau.
Tình hình bán đảo chưa thể hạ nhiệt
Dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên có biến đổi theo chiều hướng nào thì yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm trong chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng cũng như Seoul hoạch định và thực hiện trong năm 2024. Khoảng thời gian từ tháng 1 đến cuối tháng 2/2024 chứng kiến sự gia tăng liên tục các hành động trả đũa hai bên bằng quân sự. Lục quân Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành tập trận bắn đạn thật gần biên giới với Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu chung. Triều Tiên đã bắn hơn 200 quả đạn pháo vào vùng biển cách các đảo Yeonpyeong và Baengnyeong 70km nhắm vào vùng biển giáp Giới tuyến phía Bắc[14]. Động thái đầu tiên châm ngòi cho hàng loạt tuyên bố thù địch sẵn sàng sử dụng vũ lực giải quyết mâu thuẫn. Bình Nhưỡng còn tiến hành thử nghiệm hệ thống Haeil-5-23, vũ khí có khả năng mang hạt nhân dưới nước, nhằm đáp trả cuộc tập trận chung ba bên của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Ở phía Bắc, trong tuyên bố đầu năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi sửa đổi hiến pháp liệt Hàn Quốc vào “kẻ thủ chính bất biến” và từ bỏ mong muốn thống nhất hai miền. Quốc gia nằm ở phía Nam thuộc ảnh hưởng của Mỹ là mối đe dọa lớn đến an ninh, phát triển. Hệ quả của việc từ bỏ mong muốn thống nhất bán đảo vô cùng rủi ro. Cách tiếp cận “thống nhất” thay đổi với phần bạo lực trong chiến lược giảm thiểu rủi ro nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong giai đoạn nhà lãnh đạo hai nước đang có sự chia rẽ rõ ràng trong định hướng quốc gia. Triều Tiên tăng cường gắn kết với Nga – Trung còn Hàn Quốc củng cố liên minh với Mỹ – Nhật – phương Tây. Dẫn theo KCNA, ông Kim cho rằng hai lãnh thổ cần tách biệt “chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng chúng tôi không có ý định tránh nó”[15].
Đáp trả từ phía Nam, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã lên tiếng chỉ trích phía Bình Nhưỡng liệt quốc gia này vào danh sách các quốc gia “thù địch nhất”, gọi đây là hành động “phi lịch sử”[16]. Đồng thời, liên quân Mỹ – Hàn công bố kế hoạch tập trận mang tên “lá chắn tự do” có tham gia của máy bay ném bom chiến lược, tàu sân bay, đánh chặn tên lửa… trước sự khiêu khích từ phía Bắc.
Sự phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ngày càng đạt được nhiều thành tựu, bên kia đường DMZ, Hàn Quốc chưa được đồng minh phổ biến vũ khí hạt nhân, cán cân quân sự tạm nghiêng về phía Bắc. Do vậy, tuyên bố cứng rắn của Bình Nhưỡng hoàn toàn có căn cứ nhất là trong khi hai nước đang có tranh chấp đường phân định biển tại khu vực đảo Yeonpyeong. Có thể khẳng định quan hệ liên Triều đang trong giai đoạn đẩy cao căng thẳng nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, liên tục đề cập chuẩn bị chiến tranh. Tình hình bán đảo khó có thể hạ nhiệt tình như thời Tổng thống Moon Jae-in với hình ảnh hai nhà lãnh đạo dìu tay nhau đi qua đường biên giới đã chia cắt dân tộc 70 năm qua trở thành biểu tượng cho quá trình thống nhất giữa hai miền.
Nhiệm kỳ của các Tổng thống
Ngày 18/3/2024, kết quả bầu cử Tổng thống Nga đã được công bố sơ bộ. Theo đó, ông Putin đã tái đắc cử, tiếp tục điều hành nước Nga trong những năm tiếp theo. Điều này có nghĩa rằng, quan hệ Nga – Triều Tiên sẽ tiếp tục duy trì như thời gian vừa qua. Nga – Triều quyết tâm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga ủng hộ tuyệt đối đường lối và quyết tâm của Triều Tiên nhằm bảo vệ nền độc lập và quyền của người dân nước này trong việc quyết định vận mệnh và lựa chọn con đường phát triển của mình[17]. Đồng thời Nga sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên về mọi mặt kinh tế và phát triển công nghệ vũ khí. Đối thủ chiến lược chung của hai đất nước sở hữu hạt nhân là Mỹ và những quốc gia có ý định đương đầu.
Bên kia bờ Thái Bình Dương, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ được ấn định kết quả vào ngày 5/11. Giai đoạn bầu cử là lúc nước Mỹ rơi vào tình trạng suy yếu trong chính sách bởi Tổng thống đương nhiệm sẽ luôn phải chứng minh được tính hiệu quả trước lời nói của mình bằng minh chứng thực tế trước đối thủ. Thực tế, nhiều lời hứa được các cựu Tổng thống Mỹ giai đoạn trước đưa ra đầy triển vọng, song kết quả đi ngược lại. Nhắm vào điểm đó, cuộc tranh đua giữa Donald Trump và Joe Biden càng trở nên hấp dẫn khi hướng tiếp cận với Triều Tiên có thể quyết định phần nhiều khả năng thắng cử. Thường lệ, mỗi khi nước Mỹ tiến hành bầu cử, Triều Tiên lại gia tăng nhiều vụ thử hạt nhân hơn, đầu năm 2021, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra Biển Nhật Bản như “nghi thức” chào đón tân Tổng thống.
Tình hình thế giới thời Trump khá bình yên ngoại trừ mâu thuẫn với Iran còn lại trong trạng thái kiểm soát được. Nếu ông Trump trở lại cương vị Tổng thống Mỹ, với sự chỉ trích gay gắt chính quyền Biden về cách sử dụng quyền lực nước Mỹ để vận hành thế giới, Trump sẽ đưa ra những cách tiếp cận an toàn, hiệu quả không làm suy chuyển lợi ích nước Mỹ trên hết. Quay trở lại nỗ lực kết nối đàm phán song phương với ông Kim Jong-un như hồi năm 2018-2019. Nếu Trump có thể nối lại đàm phán với chính quyền Kim, sẽ mở ra những cơ hội mới để tìm hiểu và đi đến những thỏa thuận dù ngắn hạn để ổn định khu vực Đông Bắc Á. Trump sẽ đứng ra như trọng tài chính phân xử Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm giảm nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân của miền Bắc xuống mức thấp nhất.
Nếu ông Biden tiếp tục là Tổng thống Mỹ trong 4 năm tới, có thể dự đoán ông vẫn sẽ duy trì cách tiếp cận như hiện tại đến bán đảo Triều Tiên là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc. Cùng với việc nâng mối quan hệ liên minh Mỹ – Hàn – Nhật Bản thúc đẩy vai trò của các nhóm liên kết an ninh vào vấn đề Triều Tiên. Để chứng kiến ông Biden và ông Kim ngồi lại với nhau tại Hà Nội như 6 năm trước là điều bất khả thi. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Biden đã đưa nước Mỹ rút khỏi Afghanistan, đi vào 2 cuộc chiến tại Ukraine và Israel khiến cho giới phân tích không có nhiều tin tưởng về khả năng hòa giải mâu thuẫn bán đảo Triều Tiên.
Diễn biến mới trên các điểm nóng
Các điểm nóng chiến sự trên thế giới đang có sự thay đổi lớn. Tại Ukraine, thế trận đang nghiêng về phía Nga sau khi Kiev liên tiếp để mất những khu vực chiến lược quan trọng. Tại Israel, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel – ông Daniel Hagari cho biết Israel dự kiến chiến sự sẽ kéo dài suốt năm nay. Ông Hagari đưa ra phát biểu này trong bối cảnh Israel bắt đầu rút một số lượng quân khỏi Gaza và chuẩn bị cho giai đoạn mới của xung đột[18]. Chiến sự khắp nơi còn tiếp diễn thì nhu cầu về hàng hóa quốc phòng càng tăng cao tạo ra cơ hội để phát triển nền công nghiệp quốc phòng của Triều Tiên và Hàn Quốc. Trước sự bất đồng trong các khoản viện trợ mới, Mỹ và châu Âu đã nghĩ đến vai trò đồng minh châu Á của Hàn Quốc để tham gia viện trợ Ukraine.
Ngành công nghiệp quân sự ở Hàn Quốc là ngành công nghiệp trụ cột quốc gia và là động lực tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn thận trọng với chiến trường Ukraine nhằm tránh đổ vỡ quan hệ với Moscow. Trái lại, Triều Tiên trở thành bên cung cấp vũ khí cho Nga khiến Mỹ phản đối mạnh mẽ và thúc giục Hàn Quốc thực hiện điều tương tự thông qua các kênh cửa sau. Mở rộng phát triển công nghiệp quốc phòng giúp cả hai thu về lợi nhuận lớn, Iran đang trở lên thân mật hơn với Triều Tiên bởi cả hai đều ủng hộ Palestine. Song quân sự hóa nền công nghiệp tạo ra kho vũ khí chất đầy sẽ khiến cho việc kiểm soát an ninh hai nước mong manh hơn vốn đã mất lòng tin chiến lược ở nhau đồng thời chính bán đảo cũng đang là nạn nhân và hiểu rõ nỗi đau của chiến tranh.
Ảnh hưởng từ tam giác Mỹ – Nga – Trung
Bộ ba Mỹ, Nga và Trung Quốc hiện đang là những cặp quan hệ tác động đến nhiều khía cạnh kinh tế, chính trị trên thế giới nhất. Trong đó, bán đảo Triều Tiên góp mặt trong tam giác quan hệ này như nhân tố kéo theo do sự phân chia lập trường trong chính sách đối ngoại. Trong cặp quan hệ cạnh tranh Mỹ – Trung, cạnh tranh Mỹ – Nga, Triều Tiên đóng vai trò như giải pháp đảm bảo an ninh cho Trung Quốc và Nga ở phía Đông. Do đó, vai trò của Nga với Trung Quốc trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo rất quan trọng. Nhưng do địa thế chiến lược, quá trình đó sẽ được làm chậm lại nhằm giữ Triều Tiên có được khả năng tự chủ răn đe riêng trước Mỹ, đồng thời giữ cho sự can thiệp của Nga – Trung ở mức độ không quá lớn.
Ngầm hiểu được rằng, hai nước đang cổ vũ từ phía sau cho Triều Tiên. Đổi lại Triều Tiên nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía hai đối tác này. Trong khi Mỹ cố gắng gây áp lực lên Bình Nhưỡng thông qua các lệnh trừng phạt về kinh tế. Một trường hợp điển hình là Trung Quốc và Nga phủ quyết một nghị quyết mới về các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an. Trục đối trọng hình thành giữa Mỹ – Nhật – Hàn với Nga – Trung – Triều đẩy bán đảo Triều Tiên trở thành “chiến trường” trong cạnh tranh nước lớn giống thời “Chiến tranh Lạnh”. Triều Tiên đang ngày càng thách thức trật tự thế giới của Mỹ, thay vào đó nước này hỗ trợ đắc lực cho Trung Quốc và Nga vươn lên xây dựng lại trật tự thế giới mới.
Triển vọng mở rộng NATO sang châu Á
Trong chuyến thăm Mỹ của Hàn Quốc, hai bên đưa ra Tuyên bố Washington, công bố một loạt biện pháp nhằm nâng cao độ tin cậy của khả năng răn đe mở rộng, bao gồm thiết lập một “Nhóm tư vấn hạt nhân”[19]. Với triển vọng mở rộng NATO sang châu Á, ông Stoltenberg xác nhận rằng NATO sẽ không mở rộng sang châu Á tuy nhiên vì an ninh toàn cầu, NATO sẽ can thiệp để kiềm chế Trung Quốc[20]. Đến hiện nay, chưa có liên minh quân sự hoặc cơ chế hợp tác quân sự chính thức nào được công bố nhằm chống lại việc phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Thế nhưng, những “tiểu NATO” như Quad hay AUKUS vẫn đang ngày càng mở rộng phạm vi và sức ảnh hưởng hướng vào các đối thủ của Mỹ tại châu Á. Với chính sách gắn kết với phương Tây của Tổng thống Yoon, Hàn Quốc được coi như quốc gia tiềm năng tăng cường liên kết với bộ tứ mở rộng (Quad Plus) mở đường cho quân đội và vũ khí phương Tây áp sát càng khiến phía Triều Tiên tăng cường đe dọa sẵn sàng cho cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực.
Tổng quan lại, tình hình bán đảo Triều Tiên trong năm 2024 tương đối khó đoán định. Yếu tố bất biến nằm ở mâu thuẫn giữa hai nhà nước suốt gần một thế kỷ, sự leo thang căng thẳng đều xuất phát chủ yếu đến từ hành động “ăn miếng trả miếng”. Yếu tố khả biến là những biến chuyển tình hình thế giới mang tính then chốt có thể hạ nhiệt căng thẳng hoặc “thêm dầu vào lửa”. Lựa chọn biện pháp chiến tranh sẽ trở thành quyết định sai lầm nhất đối với cả hai bên bởi trong quãng thời gian tạm thời hòa bình cả Seoul và Bình Nhưỡng đều đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy hai miền khác nhau về chế độ chính trị nhưng vẫn chung một dân tộc, một cuộc chiến quy mô lớn sẽ hủy diệt hết những thành quả đó. Nhưng khá khó khăn để khả thi hóa biện pháp xây dựng mô hình “một dân tộc, hai chế độ và hai chính phủ” cùng tồn tại hòa bình không đe dọa lẫn nhau được các nhà lãnh đạo hai miền khởi xướng trước đó. Vấn đề hòa bình, ổn định và thống nhất Triều Tiên là một quá trình đấu tranh lâu dài và đầy quanh co, phức tạp cần sự tham gia của cả cộng đồng quốc tế./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] (dịch)Nguyễn Phượng (2024), “Tổng quan tình hình bán đảo Triều Tiên năm 2023”, Nghiên cứu Chiến lược. https://nghiencuuchienluoc.org/tong-quan-tinh-hinh-ban-dao-trieu-tien-nam-2023/
[2] Tuấn Đạt (2023), “Triều Tiên đưa chính sách vũ khí hạt nhân vào Hiến pháp”, VOV. https://vov.vn/the-gioi/trieu-tien-dua-chinh-sach-vu-khi-hat-nhan-vao-hien-phap-post1049240.vov.
[3] Hyung – Jin Kim (2023), “South Korea defense report revives ‘enemy’ label for North”, AP news. https://apnews.com/article/politics-south-korea-government-north-united-states-aca638944fed301cb4ccbfc6dcd84113
[4] Thanh Thành (2024), “Giới truyền thông Mỹ “đau đầu” với bộ đôi Biden – Trump”, Báo Dân trí. https://dantri.com.vn/the-gioi/gioi-truyen-thong-my-dau-dau-voi-bo-doi-biden-trump-20240221081624782.htm
[5] Thanh Tâm (2023), “Ông Kim Jong-un nhận được gì từ 6 ngày thăm Nga”, VNexpress. https://vnexpress.net/ong-kim-jong-un-nhan-duoc-gi-tu-6-ngay-tham-nga-4654276.html
[6] Minh Phương (2024), “Nga vạch lằn ranh đỏ trong mối quan hệ với Hàn Quốc”, Báo Dân trí. https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-vach-lan-ranh-do-trong-moi-quan-he-voi-han-quoc-20240119200653472.htm
[7] Thi Thi (2024), “Chính sách của Mỹ đối với bán đảo Triều Tiên từ thời Tổng thống Obama đến nay – Phần I”, Nghiên cứu Chiến lược. https://nghiencuuchienluoc.org/chinh-sach-cua-my-doi-voi-ban-dao-trieu-tien-tu-thoi-tong-thong-obama-den-nay/
[8] Joshua Zitser (2022), “North Korea offering 100,000 troops to help defeat Ukraine, Russian state media says”, Business Insider. https://www.businessinsider.com/north-korea-offering-russia-100k-troops-help-beat-ukraine-reports-2022-8
[9] Hạ Phương (2024), “Hàn Quốc: Triều Tiên chuyển hàng nghìn container đạn dược cho Nga”, Vietnamnet. https://vietnamnet.vn/han-quoc-trieu-tien-chuyen-hang-nghin-container-dan-duoc-cho-nga-2253679.html
[10] Brian Osgood & Usaid Siddiqui (2024), “Israel’s war on Gaza updates: ‘Unprecedented’ destruction as deaths mount”, Aljazeera. https://www.aljazeera.com/news/liveblog/2024/2/5/israels-war-on-gaza-live-israeli-strikes-level-homes-in-deir-el-balah
[11] Kevin Freking (2024), “What’s inside the Senate’s $95 billion bill to aid Ukraine and Israel and counter China”, AP news. https://apnews.com/article/ukraine-aid-congress-senate-china-d7b4846de76a1dfe5d2207b7eb6eeead
[12] Bích Liên (2023), “Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã vượt qua nhiều thách thức”, Vietnamplus. https://www.vietnamplus.vn/moi-quan-he-giua-trung-quoc-va-trieu-tien-da-vuot-qua-nhieu-thach-thuc-post857728.vnp
[13][19] Yên Ba (2023), “NATO vươn sang châu Á”, Báo Nhân Dân. https://nhandan.vn/nato-vuon-sang-chau-a-post763958.html
[14] Nhật Đăng (2024), “Hàn Quốc sơ tán công dân, tố Triều Tiên bắn 200 quả đạn pháo gần biên giới”, Báo Tuổi trẻ. https://tuoitre.vn/han-quoc-so-tan-cong-dan-to-trieu-tien-ban-200-qua-dan-phao-gan-bien-gioi-20240105122059012.htm
[15]Ruediger Frank (2024), “North Korea’s New Unification Policy: Implications and Pitfalls”, 38 North. https://www.38north.org/2024/01/north-koreas-new-unification-policy-implications-and-pitfalls/
[16] Hyunsu Yim (2024), “North Korea’s Kim calls for South to be seen as “primary foe”, warns of war”, Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-koreas-kim-calls-change-status-south-warns-war-2024-01-15/
[17] TTXVN (2024), “Nga thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Triều Tiên”, VTV Online. https://vtv.vn/the-gioi/nga-thuc-day-quan-he-doi-tac-toan-dien-voi-trieu-tien-20240116042207699.htm
[18] Đức Hiền (2024), “Xung đột Israel-Hamas 2-1: Israel điều chỉnh chiến lược, dự kiến kéo dài chiến sự suốt năm 2024”, Pháp luật online. https://plo.vn/xung-dot-israel-hamas-2-1-israel-dieu-chinh-chien-luoc-du-kien-keo-dai-chien-su-suot-nam-2024-post769793.html
[20] Minh Đức (2024), “Tại Davos, ông Stoltenberg nói NATO sẽ không mở rộng sang châu Á”, Tạp chí Người đưa tin. https://www.nguoiduatin.vn/tai-davos-ong-stoltenberg-noi-nato-se-khong-mo-rong-sang-chau-a-a645984.html