Tuần qua, Nga đã chính thức kiện toàn bộ máy Chính phủ Liên bang với việc thông qua các nhân sự nội các mới. Đã có một số thay đổi quan trọng, nhưng về cơ bản, tất cả các nhân sự mới đều không nằm ngoài những cái tên mà Tổng thống Vladimir Putin cũng như Thủ tướng Mikhail Mishustin đề xuất. Với đội ngũ tinh hoa đã được lựa chọn, chính sách của Nga trong nhiệm kỳ tới được dự báo sẽ tiếp tục được duy trì ổn định trên nhiều lĩnh vực. Sự thay đổi lớn nhất được dự báo sẽ nằm ở chiến lược phát triển tổ hợp kinh tế – quốc phòng của Liên bang Nga trong những năm tiếp theo. Điều này có thể có những tác động tới cục diện quan hệ giữa Nga và thế giới phương Tây liên quan tới cuộc đối đầu địa chính trị tại Ucraina hiện nay. Trong bối cảnh như vậy, quan hệ giữa Nga với các đối tác “phi phương Tây” khác cũng sẽ có những điểm mới mẻ.
Nhân sự Nội các mới của Tổng thống Vladimir Putin
Ông Mikhail Mishustin chính thức làm Thủ tướng Nga. Ngày 10 tháng 5, một phiên họp toàn thể đã được tổ chức, tại đó các đại biểu đã biểu quyết về vấn đề phê chuẩn ứng cử người đứng đầu Chính phủ. Trước đó, Thủ tướng đương nhiệm Mikhail Mishustin đã báo cáo và trả lời các câu hỏi của những người có mặt. Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã đệ trình lên Duma Quốc gia ứng cử viên cho vị trí người đứng đầu Nội các mới. Tại Hạ viện, 375 đại biểu Duma Quốc gia đã bỏ phiếu cho Mishustin, 57 người thuộc nhóm Đảng Cộng sản bỏ phiếu trắng (họ cho rằng công việc của Nội các cần phải được điều chỉnh) và không có phiếu chống. Người đứng đầu nhóm Cộng sản, ông Gennady Zyuganov, đã cảnh báo trước rằng họ sẽ bỏ phiếu trắng cho ứng cử viên Mikhail Mishustin. Theo lãnh đạo Đảng, Chính phủ hiện tại nên điều chỉnh lộ trình tài chính và kinh tế có lợi cho những người “làm việc liên quan đến nông nghiệp, những người giải quyết các vấn đề trong các nhà máy, nơi ngày nay đang thiếu nhân sự trầm trọng”. Ông cũng đề cập rằng khối tài chính và kinh tế của chính phủ “chưa tuân thủ chỉ thị” của Tổng thống và Thủ tướng. Nghị quyết của Duma đã được gửi tới Tổng thống Putin, người đã phê chuẩn ông Mishustin cho chức vụ Thủ tướng. Theo luật, trong vòng một tuần, ông Mishustin phải cung cấp cho ông Putin các đề xuất về cơ cấu các cơ quan hành pháp liên bang, và trong vòng hai tuần đề xuất các ứng cử viên cho các chức vụ Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng. Đến cuối ngày 13/5, Duma quốc gia Nga đã chính thức phê chuẩn 10 Phó Thủ tướng mới theo đúng đề nghị của ông Mikhail Mishustin đã đệ trình. Đồng thời vị trí các Bộ trưởng cũng đã được thông qua sau đó một ngày. Phát biểu tại cuộc họp của Duma Quốc gia Nga, ông Mikhail Mishustin đã trình bày chương trình hành động của Chính phủ trong sáu năm tới. Theo ông Mishustin, cơ sở hoạt động của Chính phủ Liên bang Nga dưới sự điều hành của ông sáu năm tới chính là Thông điệp liên bang mà Tổng thống Vladimir Putin đã trình bày trước Quốc hội vào cuối tháng 2 vừa qua. Ông cũng liệt kê 6 mục tiêu chính của chính phủ mới Liên bang Nga: tăng trưởng kinh tế, tăng cường chủ quyền công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số, tăng trưởng dân số bền vững, cải thiện phúc lợi của người dân và phát triển ổn định các khu vực của Nga.
Vị trí Phó Thủ tướng. Danh sách 10 nhân sự cấp phó của ông Mishustin bao gồm: Denis Manturov (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) giữ vai trò Phó Thủ tướng thứ nhất. 9 Phó Thủ tướng còn lại bao gồm: Vitaly Savelyev (phụ trách giao thông vận tải); Dmitry Patrushev (phụ trách tổ hợp nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và sinh thái); Alexander Novak (phụ trách tổ hợp nhiên liệu, năng lượng và kinh tế); Dmitry Grigorenko (chánh văn phòng chính phủ phụ trách tài chính); Dmitry Chernyshenko (phụ trách mảng công nghệ thông tin, truyền thông, du lịch, văn hóa, thể thao); Tatyana Golikova (phụ trách các chính sách xã hội, chăm sóc xã hội); Marat Khusnullin (phụ trách xây dựng và phát triển đô thị); Alexey Overchuk (phụ trách các hoạt động hội nhập Á – Âu và các vấn đề quốc tế); Yury Trutnev (kiêm đặc phái viên toàn quyền của Tổng thống Nga tại Viễn Đông).
Đánh giá về các nhân sự Phó Thủ tướng, ông Boris Belykov, thư ký báo chí của Chủ tịch Nội các Bộ trưởng cho rằng việc đề xuất ông Denis Manturov vào vị trí Phó Thủ tướng vì tầm quan trọng của việc đảm bảo sự dẫn đầu về công nghệ, như đã được nêu trong sắc lệnh tháng 5 của Tổng thống Putin. Ông cũng cho rằng việc lựa chọn ông Valery Savelyev vào vị trí Phó Thủ tướng vì sự hiểu biết sâu sắc của ông và kinh nghiệm cần thiết để phát triển giao thông vận tải và thực hiện các dự án lớn trong lĩnh vực này[2]. Ông Alexander Novak, với tư cách là Phó Thủ tướng, sẽ giám sát không chỉ lĩnh vực năng lượng mà còn cả các vấn đề hỗ trợ kinh tế và các biện pháp chống trừng phạt. Nguyên nhân cũng là do nguyên Phó Thủ tướng liên quan Andrei Belousov được điều động sang công việc khác[3].
Những nhân sự khác trong Nội các mới. Thống đốc vùng Kaliningrad, Anton Alikhanov đã trở thành tân Bộ trưởng Bộ Công thương của Nga. Roman Starovoyt, Thống đốc Vùng Kursk, trở thành người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải. Sergei Tsivlev, phó thống đốc vùng Kemerovo, trở thành Bộ trưởng Năng lượng mới. Oksana Lut trở thành tân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp thay ông Dmitry Patrushev. Mikhail Degtyarev, Thống đốc Khabarovsk, trở thành Bộ trưởng Bộ Thể thao. Ở các bộ còn lại, nhân sự đứng đầu được giữ nguyên.
Những ứng cử viên được trực tiếp Tổng thống Putin đề xuất lên Hội đồng Liên bang. Đối với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ – ông Vladimir Kolokoltsev, cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Tình trạng Khẩn cấp và Cứu trợ Thiên tai – ông Alexander Kurenkov, cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – ông Sergey Lavrov, cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – ông Andrey Belousov, cho chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp – ông Konstantin Chuychenko, cho chức vụ Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại – ông Sergey Naryshkin, cho vị trí Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang – ông Alexander Bortnikov, cho chức vụ Giám đốc Cơ quan Vệ binh Quốc gia Liên bang – ông Zolotov Vasilievich, cho vị trí Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang – ông Dmitry Kochnev, cho chức vụ Trưởng ban Chính về các Chương trình Đặc biệt của Tổng thống – ông Alexander Linz. Đáng chú ý là vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã được thay đổi, theo đó người sẽ thay ông Sergei Shoigu nắm giữ vị trí này là ông Andrey Belousov – cựu Phó Thủ tướng thứ nhất, truyền thông cho rằng đây là một trong những quyết định thay đổi nhân sự quan trọng nhất của ông Putin kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina. Trả lời phỏng vấn về lý do có sự thay đổi với vị trí người đứng đầu Bộ Quốc phòng, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, tiền tuyến cần được quyết định bởi những người cởi mở và đổi mới hơn, sẵn sàng triển khai chúng theo cách nhanh nhất có thể. Trong khi đó, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga ông Sergei Shoigu đã được bổ nhiệm làm Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga.
Dự báo chính sách của Nga trong thời gian tới
Phát biểu tại cuộc họp của Duma Quốc gia Nga, ông Mikhail Mishustin đã trình bày chương trình hành động của Chính phủ trong sáu năm tới. Ông Mikhail Mishustin đưa ra 6 nhiệm vụ mà Chính phủ Nga nhiệm kỳ tới cần phải hoàn thành, gồm củng cố nền kinh tế, bảo đảm chủ quyền công nghệ, chuyển đổi số, tăng trưởng dân số bền vững và hỗ trợ các gia đình có trẻ em, cải thiện phúc lợi của người dân, phát triển cân bằng các vùng và cải thiện cơ sở hạ tầng. Về kinh tế, theo ông Mishustin, cần triển khai mô hình tăng trưởng kinh tế mới. Để làm được điều này, Chính phủ cần hành động bằng cách tiếp tục định hình nền kinh tế cung ứng và tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp mới. Bên cạnh đó, cần tăng khối lượng sản xuất công nghiệp lên hàng chục phần trăm, nâng cao khối lượng xuất khẩu phi nguyên liệu, hàng hóa phi năng lượng lên ít nhất 2/3 và cung cấp nông sản lên gấp 1,5 lần. Đồng thời, Chính phủ sẽ tạo cơ hội cho các công ty trong nước hoạt động ở thị trường nước ngoài, trong đó chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác với các nước thân thiện, cũng như không có bất kỳ hạn chế nào đối với các doanh nhân nước ngoài muốn tiếp tục làm việc ở Nga. Về việc bảo đảm chủ quyền công nghệ, ông Mishustin cho biết, hiện nay Chính phủ đang đầu tư kinh phí xây dựng các dự án chủ quyền công nghệ, trong đó có 9 dự án hoạt động trên các lĩnh vực như điện tử vô tuyến, chế tạo máy cơ sở, thiết bị và công nghệ y tế, hóa học quy mô nhỏ,… Về chuyển đổi số, ông Mishustin nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tập trung vào dự án quốc gia mới nhằm xây dựng nền kinh tế dữ liệu và tiếp tục tăng các khoản đầu tư vào các giải pháp công nghệ thông tin ở mức cao ít nhất gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong chương trình hành động của mình, Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ khởi động dự án quốc gia mới “Gia đình”, trong đó sẽ chú trọng cấp phí thai sản, hiện đại hóa các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, chăm sóc sức khỏe, y tế… Ông Mishustin khẳng định, Chính phủ sẽ tăng phúc lợi hỗ trợ, tạo công ăn việc làm và tăng lương, cùng với việc hình thành các cơ chế hỗ trợ các khu vực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Dù về mặt nhân sự trong Nội các Nga không có quá nhiều biến động nhằm duy trì sự ổn định, tuy nhiên, những chính sách của nước Nga dưới nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống Putin cũng được quan tâm trên nhiều lĩnh vực.
Về kinh tế, Nghị định năm 2018 đặt ra nhiệm vụ đưa nước Nga nằm trong số 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng đã bị dỡ bỏ vào năm 2020, Điện Kremlin sau đó giải thích nguyên nhân là do tình hình thị trường không thuận lợi. Bây giờ, đến năm 2030, Nga sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới tính theo PPP, đây là mục tiêu của chính quyền Tổng thống Putin trong Sắc lệnh tháng 5. Theo bản cập nhật tháng 4 của cơ sở dữ liệu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, vào cuối năm 2023, nền kinh tế Nga chiếm 2,95% tổng GDP toàn cầu, vẫn đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng thế giới. Nhưng Ngân hàng Thế giới vào giữa năm 2023 đã xếp Nga vào vị trí thứ năm nền kinh tế lớn nhất thế giới cho năm 2022. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2022 Nga chiếm 3,25% GDP toàn cầu, xếp sau Nhật Bản và đứng trước Đức. Để đạt được vị trí thứ tư, Nga sẽ cần phải vượt qua Nhật Bản. Việc tăng lên vị trí thứ tư về GDP (PPP) phụ thuộc lớn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga trên mức trung bình thế giới. Theo bà Sofya Donets, nhà kinh tế tại Tinkoff Investments, Nga là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa phải và thu nhập bình quân đầu người trung bình; GDP bình quân đầu người đã tiệm cận mức trung bình thế giới trong một thời gian khá dài, bà Donets lưu ý. “Để thoát ra khỏi quỹ đạo này, nước Nga cần mở ra một số thị trường đột phá mới hoặc các yếu tố thúc đẩy như tăng trưởng dân số, phát hiện các tài nguyên khoáng sản mới”. Bà Donets cho biết mục tiêu đảm bảo tăng trưởng bền vững về thu nhập hộ gia đình và mức lương hưu không thấp hơn tỷ lệ lạm phát đã được chuyển từ nghị định trước đó. Mục tiêu này cho thấy chính sách của chính quyền Nga thiên về ổn định hơn là tăng trưởng bằng mọi giá. Theo nghị định, mức lương tối thiểu của mỗi công dân Nga phải đạt ít nhất 35 nghìn rúp/tháng vào năm 2030, sẽ tăng hơn gấp đôi mức vào năm 2023 (16,2 nghìn/tháng). Một số mục tiêu khác mang dấu ấn trực tiếp của cuộc đối đầu với các biện pháp trừng phạt và buộc phải thay thế nhập khẩu. Vì vậy, mục tiêu là giảm tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trong cơ cấu GDP xuống còn 17% vào năm 2030. Vào cuối năm 2023, con số này lên tới 19,1% và trong giai đoạn trước lệnh trừng phạt, con số này liên tục vượt quá 20%. Ngoài ra, một số vấn đề mà chính quyền mới cần tập trung giải quyết còn bao gồm tình trạng lạm phát cao, mối đe dọa ngày càng tăng của các biện pháp trừng phạt thứ cấp, đầu tư kém hiệu quả và gánh nặng thuế tăng[5].
Về đối nội, việc Tổng thống Putin tiếp tục nắm quyền sẽ củng cố một hệ thống chính trị mà ông Putin đã theo đuổi trong suốt 20 năm qua, duy trì sự ổn định cho hệ thống này. Kết quả của cuộc bầu cử gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với ông Putin đang cao hơn bao giờ hết, trong bối cảnh ông đang không chỉ dẫn dắt nước Nga vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn chèo lái, đưa nước Nga trở lại thành một trong những cường quốc hàng đầu. Sự phản đối của người dân Nga đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina cũng đã có những thay đổi. Khi bắt đầu chiến dịch, văn phòng công tố Nga đã truy tố khoảng một nghìn người mỗi tháng với tội danh liên quan đến việc làm mất uy tín của quân đội. Ngày nay, những trường hợp như vậy ít hơn gấp năm lần. Cuộc chiến tại Ucraina cũng là cách để Tổng thống Putin có thể nhìn thấy những cộng tác viên trung thành và hoạt động hiệu quả trong bối cảnh khó khăn của đất nước. Một số Thống đốc vùng đã thể hiện tốt trong nhiệm kỳ vừa qua của Tổng thống Putin đã được đề xuất vào các vị trí Phó Thủ tướng phù hợp với lĩnh vực của họ. Vào ngày 30 tháng 3 năm nay, ông Putin đã chỉ thị cho chính phủ Nga phân bổ thêm 2,7 nghìn tỷ RUB (29,2 triệu USD) cho các mục đích xã hội như một phần trong kế hoạch phát triển 6 năm của nhà nước cho đến năm 2030[6]. Ngoài ra, với cam kết đảm bảo an toàn cho người dân Nga, Moskva sẽ phải đối mặt với việc đối phó với các cuộc tấn công của Ucraina vào khu vực biên giới, nhất là khu vực Belgorod và cơ sở hạ tầng năng lượng khác, như một số vụ tấn công của Ucraina trước đây vào lãnh thổ Nga. Việc đảm bảo an toàn còn bao gồm cả cuộc chiến chống khủng bố, vụ khủng bố hồi cuối tháng 3 tại ngoại ô Moskva đã là một hồi chuông cảnh tỉnh nước Nga và chính quyền ông Putin về việc nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu tại Nga và nước Nga sẽ cần phải tập trung để giải quyết những vấn đề này trong nhiệm kỳ tới.
Về văn hóa – xã hội, một trong những điều quan trọng được Tổng thống Putin đề cao trong nhiệm kỳ tới đó chính là tăng tỷ lệ sinh của Nga, bảo đảm dân số, hỗ trợ các hộ gia đình, giáo dục người dân về lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm với xã hội. Vấn đề dân số là một chủ đề nhức nhối lâu này đối với Moskva, khi dân số Nga đối mặt với sự suy giảm do tỷ lệ sinh giảm và nhiều người dân lựa chọn rời khỏi đất nước vì những lý do khác nhau. Nga đã trải qua 2 thập kỷ suy giảm dân số dần dần sau sự sụp đổ của Liên Xô, trầm trọng hơn bởi các vấn đề như chứng nghiện rượu kéo dài trong nhiều năm. Nga đang trải qua nhiều năm suy giảm dân số gây khó khăn cho nền kinh tế. Theo số liệu của Ủy ban Thống kê Nga, trong năm 2023, tỷ lệ sinh tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm qua, chỉ còn 1,36 trẻ/phụ nữ. Thực trạng giảm dân số dẫn đến giảm số lượng người lao động. Năm nay được chọn là Năm Gia đình tại Nga nhằm khuyến khích các gia đình sinh con. Tổng thống Putin đã từng nói rằng để người dân Nga muốn bảo vệ bản sắc của mình thì mỗi gia đình cần có ít nhất 2 con. Việc phát động nhằm tăng tỷ lệ gia tăng dân số và triển khai tốt hơn nữa các chính sách với gia đình đông con sẽ là một chìa khóa quan trọng trong các nhiệm vụ của chính quyền mới của ông Putin. Việc tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước cũng là trọng tâm chính sách văn hóa – giáo dục của ông Putin. Ông Dmitri Trenin – một nhà phân tích thân Nga, viết: “Người Nga hiện sống trong thực tế hoàn toàn mới”. Ông này cho rằng việc Nga thay đổi theo hướng chống phương Tây mang tính triệt để và tầm vóc cao hơn tất thảy những gì được dự báo khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhưng theo ông Trenin, đây cũng là một nhân tố tương đối nhỏ trong quá trình chuyển đổi rộng lớn hơn đang diễn trong nền kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, đời sống tinh thần và trí tuệ của Nga. Để thực hiện sự cải biến này, điện Kremlin đã tiến hành một số công việc nhằm nâng cao tinh thần yêu nước như cải cách giáo dục ở tất cả các cấp để xây dựng tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ, chương trình học còn bao gồm các bài học quân sự bắt buộc mang tên “Các vấn đề cơ bản về bảo vệ Tổ quốc”, trong đó có cả nội dung sử dụng súng AK, lựu đạn và UAV; khuấy động tinh thần ủng hộ hoạt động tác chiến của quân đội Nga trên chiến trường Ucraina thông qua biểu tượng Z, vốn ban đầu được sơn lên sườn xe tăng Nga tiến vào Ucraina nhưng nay biểu tượng đó đã lan ra cả các tòa nhà chính quyền, áp phích, trường học và các cuộc tuần hành; đề cao vai trò lịch sử của nguyên soái Stalin, có tới 95 tượng đài (trong tổng số 110 tượng đài Stalin) được dựng lên trong thời gian ông Putin làm lãnh đạo nước Nga.
Về đối ngoại, dự kiến Tổng thống Nga chủ trương tiếp tục tăng cường quan hệ với các nước mà Nga gọi là các quốc gia thân thiện, đẩy mạnh chính sách hướng Đông, ưu tiên quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ. Theo dự kiến, Tổng thống Nga cũng có kế hoạch thăm Trung Quốc trong thời gian tới. Ông Putin cũng khả năng sẽ không khoan nhượng trong cuộc đối đầu của Nga với phương Tây. Thực hiện theo các hướng dẫn của khái niệm chính sách đối ngoại mới nhất từ tháng 3 năm ngoái, Nga sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, tăng cường hợp tác quân sự với Triều Tiên và Iran, đồng thời làm suy yếu ảnh hưởng của các nước phương Tây ở châu Phi và Nam Mỹ. Điều quan trọng nữa là chính phủ Nga phải lấy lại vị thế đã mất ở các nước Nam Kavkaz và Trung Á, những nơi đóng vai trò then chốt giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Về an ninh, quốc phòng, Tổng thống Nga ưu tiên phát triển công nghệ quốc phòng, nhấn mạnh nhiệm vụ của Nga là phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng theo hướng nâng cao tiềm năng khoa học, công nghệ. Theo các chuyên gia, thay vì tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang, Nga sẽ tham gia vào cuộc cạnh tranh công nghệ với phương Tây. Một ưu tiên khác không kém phần quan trọng trong nhiệm kỳ tới của Tổng thống Nga là hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra đối với chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ucraina trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 3 dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài với sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây cho Ucraina. Tổng thống Putin cũng khẳng định luôn ủng hộ đàm phán hòa bình, không từ bỏ con đường đối thoại. Theo Tổng thống, trong hai năm qua, doanh nghiệp Nga đã gửi hàng tỷ rúp cho các tổ chức tình nguyện hỗ trợ các binh sĩ của chiến dịch quân sự đặc biệt và gia đình họ. Ngoài ra, những điểm chính trong chính sách quân sự của chính quyền mới của Nga trong lĩnh vực quân sự còn bao gồm hiện đại hóa quân đội, nhanh chóng đạt được những mục tiêu của chiến dịch quân sự và phát triển những loại vũ khí mới.
Nhận định, đánh giá của giới chuyên gia, học giả
Những thay đổi nhân sự trong chính phủ Liên bang Nga là nhằm đáp ứng những thách thức mà nhà nước phải đối mặt, có thể là chuyển nền kinh tế sang nền tảng quân sự hoặc thiết lập cơ chế phát triển kỹ thuật quân sự. Nhà khoa học chính trị Alexander Asafov đã chia sẻ quan điểm này với tờ Izvestia vào ngày 13/5. Theo ông, tất cả những sự bổ nhiệm trong tương lai này không phải là ngẫu nhiên, tùy thuộc vào những thách thức mà nước Nga phải đối mặt, có thể là những thách thức về việc đặt nền kinh tế trên nền tảng quân sự, thiết lập sự phát triển kỹ thuật quân sự, đạt được chủ quyền trong các lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác, những người được lựa chọn là người đã chứng minh được năng lực và tính hiệu quả của mình. Bình luận về việc ông Andrey Belousov được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chuyên gia chỉ ra sự cần thiết của Nga trong việc liên kết các tiến trình kinh tế và quốc phòng để đạt được các mục tiêu của một chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo ông, để làm được điều này, người chịu trách nhiệm quốc phòng không chỉ cần hiểu rõ về quản lý chiến lược, chiến thuật mà còn phải có kiến thức sâu sắc về các quá trình kinh tế trong nước. Ông Asafov chia sẻ về những thay đổi có thể xảy ra sau khi ông Belousov được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga rằng “Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy những thay đổi liên quan đến nền kinh tế của tổ hợp công nghiệp – quân sự, với các quyết định nhân sự, tất nhiên, ở cấp Thứ trưởng và một số chỉ huy quân đội chủ chốt. Và tất nhiên, tôi nghĩ rằng việc cung cấp các vũ khí hiện đại sẽ được thiết lập, chẳng hạn như máy bay không người lái, máy bay không người lái trên mặt đất và các giải pháp sáng tạo khác trong lĩnh vực này, mà giờ đây chúng ta sẽ chỉ thấy ở dạng thử nghiệm”[7].
Liên quan tới quyết định của Tổng thống Putin bổ nhiệm ông Andrey Belousov làm Bộ trưởng Quốc phòng, nhiều trang thông tin trên thế giới đã cập nhật và có những phản ứng trái chiều đối với quyết định quan trọng nhất trong sự thay đổi Nội các lần này. Tờ Le Figraro của Pháp viết rằng “Trong những tháng gần đây, Tổng thống Nga đã kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng nước này đổi mới và tăng năng suất để tiếp tục cuộc chiến ở Ucraina vốn rất tốn kém về trang thiết bị và con người. Từ quan điểm này, Andrei Belousov gần như là một ứng cử viên lý tưởng trong mắt người đứng đầu Điện Kremlin”. Tờ The Guardian đưa tin rằng, Mark Galeoti, giám đốc công ty tư vấn Mayak Intelligence có trụ sở tại Luân Đôn, nói với Guardian: “Có một số lợi ích thu lại khi bổ nhiệm một nhà kinh tế vì sự cần thiết phải phụ thuộc một phần lớn nền kinh tế vào nhu cầu của khu vực quốc phòng. Về bản chất, đây là công việc của một nhà quản lý tài chính và ông Belousov có thể làm được”. Tờ Reuters của Anh cũng cho rằng “Ông Belousov, cựu Bộ trưởng Kinh tế được biết đến là người rất thân thiết với Putin, chia sẻ tầm nhìn của nhà lãnh đạo Nga về việc xây dựng lại một nhà nước hùng mạnh, đồng thời cũng đã làm việc với các nhà kỹ trị hàng đầu của Putin, những người nỗ lực đạt được sự đổi mới lớn hơn và cởi mở với những ý tưởng mới. Belousov đóng vai trò quan trọng trong chương trình UAV của Nga. Cuộc cải tổ khiến giới thượng lưu bất ngờ, cho thấy Putin đã tăng gấp đôi nỗ lực trong cuộc chiến ở Ucraina và muốn sử dụng phần lớn nền kinh tế Nga để chống lại cuộc chiến sau khi phương Tây cố gắng làm suy yếu nó bằng các biện pháp trừng phạt nhưng cho đến nay vẫn không thành công”. Thời báo New York viết rằng, việc cải tổ Nội các là sự kiện hiếm hoi đối với ông Putin, người thường tránh những thay đổi vội vàng và nó có thể đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm của Nga ở Ucraina và bằng cách bổ nhiệm một nhà kinh tế học, ông ấy đã ngầm thừa nhận tầm quan trọng của sức mạnh công nghiệp đối với bất kỳ chiến thắng quân sự nào[8].
Tác động của chính sách trong thời gian tới của Nga đối với thế giới
Nhìn chung, vấn đề nhân sự Nội các mới của Tổng thống Putin không có quá nhiều biến đổi nhằm duy trì tính ổn định và liên tục, cơ bản thành phần chính phủ mới đều là những gương mặt đã chứng minh được năng lực trong lĩnh vực mình phụ trách trong khoảng thời gian khó khăn vừa qua của nước Nga. Điểm đáng chú ý là việc ông Andrey Besoulov được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là quyết định quan trọng, có thể dẫn đến nhiều sự thay đổi.
Về kinh tế, trong bối cảnh hiện tại, nước Nga sẽ tiếp tục đẩy mạnh giao thương với các quốc gia thân thiện, đồng thời, thực hiện các chính sách như giảm phụ thuộc vào nhập khẩu hay chính sách về tự chủ kinh tế – tài chính. Những chính sách này làm giảm các tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây vào nước Nga, ngăn cản phương Tây làm suy yếu nước Nga. Điều này sẽ khiến các nước phương Tây thắt chặt hoặc tăng cường hơn nữa các lệnh trừng phạt, hệ quả của những hành động này có thể là tổn thất về kinh tế cho cả hai bên. Ngược lại, đối với các quốc gia thân thiện có lẽ sẽ là cơ hội tốt để tăng cường quan hệ về kinh tế với Nga, nhất là trong các lĩnh vực tiềm năng. Thực tế đó đã được chứng minh trong hai năm qua khi kinh tế Nga vẫn phát triển và vẫn giao thương với các quốc gia khác bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, việc Moskva giảm phụ thuộc vào nhập khẩu có thể ảnh hưởng phần nào để một số quốc gia có tình trạng xuất siêu sang Nga.
Về đối ngoại, những quan điểm và hành động của Nga trên trường quốc tế dự kiến là sẽ không có quá nhiều thay đổi so với trước đây, những điểm chính hiện tại vẫn là quan hệ đối đầu phương Tây, duy trì phát triển quan hệ tốt đẹp với các đồng minh truyền thống hoặc các nước thuộc Thế giới thứ ba. Sự hợp tác của Nga với các quốc gia này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên, tăng cường khả năng của Nga trong việc mở rộng sức ảnh hưởng của nước này, ngược lại sự đối đầu với phương Tây có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng hơn giữa hai bên.
Về an ninh – quốc phòng, sự thay đổi trong vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫu có ý nghĩa quan trọng về vấn đề kinh tế, kỹ thuật; còn về tác động bên ngoài sẽ khó có những khác biệt lớn, do Tổng thống Putin đã nhấn mạnh về tính ổn định cần phải được duy trì. Về chiến dịch quân sự đặc biệt, những mục tiêu chính của chiến dịch sẽ cần sớm được thực hiện nhằm giảm thiểu những tác đông tiêu cực của chiến dịch này đối với nước Nga. Vì thế có thể tình hình chiến sự Nga – Ucraina sẽ diễn ra phức tạp và khó lường hơn.
Hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Là một quốc gia có quan hệ tốt đẹp với Nga, Việt Nam cũng sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng bởi các chính sách mới và sự thay đổi Nội các của Nga. Những ảnh hưởng tiêu cực có thể ảnh hưởng đến Việt Nam chủ yếu có thể nằm ở lĩnh vực kinh tế, khi Nga giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Dẫu vậy, ở thời điểm hiện tại quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước vẫn chưa có những biến động quá lớn do chính sách này. Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong thời gian qua vẫn có những sự tăng trưởng nhất định, trong giai đoạn từ những năm đầu thế kỷ XXI đến năm 2021, giá trị nhập khẩu hàng hóa Việt Nam từ Nga đều tăng. Năm 2022, do tác động của nhiều yếu tố, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương bị ảnh hưởng đáng kể và chỉ dần hồi phục lại trong năm 2023. Theo thống kê của Bộ Công thương, trong 10 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt hơn 2,8 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng nhẹ 1%. Liên bang Nga hiện chiếm hơn 90% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Liên bang Nga gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày. Hiện các mặt hàng này vẫn đang là những sản phẩm cần thiết đối với nền kinh tế Nga, việc giảm nhập khẩu từ Việt Nam là không cần thiết. Đồng thời, Việt Nam cũng là nước có quan hệ tốt với Nga, không nằm trong danh sách những quốc gia không thân thiện vì thế việc giảm nhập khẩu hàng hóa đối với Việt Nam ở thời điểm hiện tại chưa hẳn là hướng đi của Nga trong chính sách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Quan hệ giữa Việt Nam và Nga trong nhiệm kỳ thứ 5 của Tổng thống Putin dự kiến sẽ không có quá nhiều biến đổi và vẫn sẽ tiếp tục được tăng cường. Theo một số thông tin, Tổng thống Putin có thể sẽ đến thăm Việt Nam trong năm 2024. Nếu điều này xảy ra, quan hệ giữa hai nước có thể sẽ bước sang một chương mới. Việt Nam có thể tranh thủ tình hình quốc tế, trong bối cảnh duy trì quan hệ tốt với các nước lớn để tăng cường tiếng nói, đồng thời phát triển quan hệ với Nga nhằm duy trì những lợi ích trên các mặt hai nước có lợi thế. Nhưng để phòng tránh những hệ quả tiêu cực có thể xảy ra, như việc Nga tăng cường chính sách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thị trường, xác định nguồn cung – cầu phù hợp để tránh trường hợp phụ thuộc vào tác động của bên ngoài./.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1]. GAZETA.RU (2024), “Новый состав кабмина”, https://www.gazeta.ru/subjects/novyi_sostav_pravitelstva.shtml?updated
[2]. GAZETA.RU (2024), “Новый состав правительства внесен в Госдуму. Кто сохранит посты?” https://www.gazeta.ru/politics/2024/05/11/19061371.shtml?updated
[3]. FONTANKA.RU (2024), “Мишустин внес в Госдуму кандидатуры вице-премьеров и министров. Главам четырех регионов предложили войти в состав кабмина” https://www.fontanka.ru/2024/05/11/73565723/
[4]. GAZETA.RU (2024), “Мишустин переназначен премьером. Кто войдет в новый кабмин?” https://www.gazeta.ru/politics/2024/05/10/19057075.shtml?updated
[5]. FORBES (2024), “Какие проблемы будут главными для российской экономики в 2024 году” https://www.forbes.ru/finansy/503693-kakie-problemy-budut-glavnymi-dla-rossijskoj-ekonomiki-v-2024-godu
[6]. PISM (2024), “Putin’s Fifth Term: What will be Russia’s Domestic and Foreign Policy?” https://pism.pl/publications/putins-fifth-term-what-will-be-russias-domestic-and-foreign-policy
[7]. IZVECTIA (2024), “Эксперт указал на связь кадровой политики со стоящими перед РФ вызовами” https://iz.ru/1695522/2024-05-13/ekspert-ukazal-na-sviaz-kadrovoi-politiki-so-stoiashchimi-pered-rf-vyzovami
[8]. RBK (2024), “«Встряска застала элиту врасплох»: мировые СМИ о смене министра обороны” https://www.rbc.ru/politics/13/05/2024/6641be7f9a7947ac816e5003?from=newsfeed