Trong một cuộc bầu cử được đánh giá là rất quan trọng không chỉ với Mexico mà với cả Mỹ Latinh và Caribe, nhà khoa học Claudia Sheinbaum Pardo đã áp đảo trên bình diện toàn quốc, với tỷ lệ ủng hộ 58%, trước đối đối thủ theo tư tưởng tự do mới Xoschitl Gálvez và trở thành nữ nguyên thủ đầu tiên trong lịch sử Mexico, kế tục đương kim tổng thống Andrés Manuel López Obrador (AMLO). Bên cạnh đó, liên minh tranh cử “Hãy tiếp tục làm nên lịch sử” của bà (liên minh này do đảng Phong trào Tái thiết quốc gia (Morena) dẫn đầu và liên kết với Đảng Xanh Sinh thái Mexico (PVEM) và Đảng Lao động – PT) còn giành chiến thắng quyết định tại thủ đô Mexico City, cùng 7 trong số 8 ghế thống đốc đua tranh trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Năm nay 61 tuổi, Claudia Sheinbaum là nhà khoa học danh tiếng tại Mexico và tự định nghĩa là người theo chủ nghĩa “nhân văn”. Bà từng theo học và tốt nghiệp tại Khoa Vật lý thuộc Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM) – một trong những ngôi trường uy tín nhất cả khu vực Mỹ Latinh và mang tầm cỡ quốc tế – và năm 1994 lấy bằng Thạc sĩ Vật lý năng lượng, rồi trở thành người phụ nữ đầu tiên tại Mexico theo đuổi bằng tiến sĩ chuyên ngành này.
Về sự nghiệp chính trị, vị tổng thống đắc cử Mexico trưởng thành từ phong trào đấu tranh sinh viên 1968 chống lại làn sóng tư hữu hóa mà Đảng Cách mạng Thể chế (PRI) khởi xướng, rồi sau đó phát triển sự nghiệp dưới sự dẫn dắt của AMLO trước khi trở thành nữ thị trưởng đầu tiên ủa Mexico City, trong nhiệm kỳ tổng thống của vị đương kim tổng thống theo đường lối tiến bộ này.
UNAM là một trong những cái nôi chính của phong trào đấu tranh tiến bộ – mà sau này vươn mình thành Đảng Cách mạng Dân chủ (PRD) và nhiều năm sau nữa là Phong trào Tái thiết quốc gia (Morena) – với yêu sách về mở rộng dân chủ và cải thiện kinh tế chống lại đường lối tư hữu của PRI – chính đảng ra đời như một phong trào cách mạng nhưng sau đó đã chuyển hóa thành một đảng phái thân hữu với nhiều gian lận bầu cử và đàn áp quần chúng, mà điển hình là cuộc đàn áp giới học sinh và giáo viên Tlatelolco năm 1968, trong đó chính cha mẹ bà Sheinbaum là nạn nhân.
Trong cương vị Thị trưởng Mexico City, bà Sheinbaum từng được Tổng thống AMLO giao nhiệm vụ “xây tầng hai” cho thủ đô đông đúc này, nói cách khác là phát triển hệ thống giao lộ, đường vượt và đường cao tốc trên cao, nhằm giảm bớt sức ép giao thông cho thành phố 9,2 triệu dân gần như luôn trong tình trạng tắc nghẽn mỗi ngày này. Còn trong năm tranh cử 2024, AMLO cũng ủy thác một nhiệm vụ tương tự cho Claudia (theo cách gọi thân mật) nhưng ở một góc độ khác: “xây tầng hai” cho cuộc chuyển đổi chính trị, kinh tế và xã hội tại Mexico. Và bà Sheinbaum đã làm nên lịch sử tại một đất nước mang nặng văn hóa trọng nam: trở thành nữ nguyên thủ đầu tiên đồng thời là ứng cử viên tổng thống nhận được nhiều phiếu bầu nhất (hơn 33 triệu) trong lịch sử quốc gia Mexico.
Trong quá trình tranh cử nội bộ từng đặt Sheinbaum vào vị trí ứng cử viên tổng tổng thống chính thức, trên các mạng xã hội phổ biến nhất của Mexico đã lan truyền rộng rãi tới mức sốt dẻo một bức ảnh đã ố mầu đăng trên trang bìa trên một số báo năm 1991 của nhật báo Stanford Daily trong đợt biểu tình của giới sinh viên phản đối tổng thống Mexico khi đó, Carlos Salinas de Gortari – người bảo vệ mô hình phát triển kinh tế kiểu tự do mới, với hình ảnh nổi bật của một nữ thanh niên mang biểu ngữ bằng tiếng Anh “Fair trade and democracy now” (thương mại công bằng và dân chủ tức thì). Người phụ nữ trẻ ấy chính là Claudia Sheinbaum, và thông điệp của bà khi đó nhắm thẳng vào NAFTA, hiệp định tự do thương mại mà Mexico ký kết với Mỹ và Canada mà vài năm sau lâm vào khủng hoảng với cuộc nổi dậy của Mặt trận Giải phóng dân tộc Zapatista (lấy theo tên của nhà cách mạng Emiliano Zapata) tại bang Chiapas.
Sau khi kết quả bầu cử được công bố, tân tổng thống đắc cử Sheinbaum đã đăng trên tài khoản cá nhân trên các mạng xã hội của mình: “Lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm của nền Cộng hòa, Mexico sẽ có một nữ tổng thống, và đó sẽ là một người cải tổ. Xin cảm ơn tất cả mọi người dân Mexico. Ngày hôm nay chúng ta đã chứng minh bằng phiếu bầu của mình rằng chúng ta là một dân tộc dân chủ”. Trong các phát biểu sau đó, bà khẳng định chính phủ tương lai của mình sẽ “trung thực, không mang dấu vết của chủ nghĩa ảnh hưởng cá nhân, không tham nhũng và không miễn trừ. Đó sẽ là một chính phủ với sự nghiêm khắc của nền cộng hòa, kỷ luật tài chính và ngân sách và với quyền tự chủ của Ngân hàng Mexico (ngân hàng trung ương). Sẽ không có tăng giá thực tế về nhiên liệu và điện năng, và chính phủ mới sẽ duy trì tính tách biệt giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị”.
Về nhân sự nội các mới, cho tới nay tổng thống đắc cử Sheinbaum mới xác nhận một Bộ trưởng duy nhất sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ mới – Bộ trưởng Xây dựng Rogelio Ramírez de la O hiện tại, để đảm bảo tính kế tục. Bà cũng cam kết bổ nhiệm nhân lực cho các chương trình xã hội mới, mở rộng học bổng cho đại học, một kế hoạch cải thiện tính liên thông và kết nối giữa các địa phương, các trường đại học mới và dự án rộng lớn về bảo hiểm xã hội và y tế. Để đảm bảo kinh phí cho các tham vọng xã hội này, Sheinbaym phải tạo ra được mức tăng trưởng kinh tế lớn hơn, nhiệm vụ mà tới nay Morena vẫn chưa thực sự thành công và được coi là một trong những thách thức chủ yếu đối với vị tân nguyên thủ.
Luận điệu của cánh hữu
Cánh hữu Mexico và quốc tế đã bắt đầu reo rắc ý tưởng về một “chế độ toàn trị” sắp tới, và “dự báo” bối cảnh các cuộc biểu tình và hoạt động gây bất ổn cho chính phủ mới, với sự hỗ trợ từ giới tư pháp. Tuy nhiên bà Sheinbaum sẽ nhậm chức với một nền kinh tế quốc gia được đánh giá là khá khỏe mạnh, với các chỉ số vĩ mô quan trọng nhất ở mức khả quan cùng đà giảm tỷ lệ nghèo đói khá tích cực. Kết quả tích cực này, cho dù mức tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ấn tượng, dựa trên 2 chiến lược cột trụ của chính phủ đương nhiệm: quyết tâm tăng lương tối thiểu lên mức 500 USD/tháng (mức cao gấp đôi nhiều nước trong khu vực) và các chính sách công phổ quát toàn dân.
Đồng nội tệ peso “siêu đẳng” vẫn tiếp đà tăng giá (đã tăng từ mức 23 pesos/1 USD lên mức 16 pesos/1 USD chỉ trong vòng vài tháng), trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt thành tích 20,313 tỷ USD trong quý đầu năm nay, với “kim chỉ nam” chủ chốt được tóm tắt là “nearshoring” hay chiến lược tái định vị các nhà máy sản xuất về gần các trụ sở chính, mà trong trường hợp của Mexico chủ yếu là các tập đoàn công nghiệp lớn của Mỹ, yếu tố cho thấy mối quan hệ “máu thịt” không thể tránh giữa “đất nước Aztec” với “chú Sam”.
Bên cạnh định hướng “nearshoring”, nhiều nhà phân tích kinh tế tiếp tục nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một chiến lược công nghiệp tự chủ để giảm thiểu bất bình đẳng xã hội và môi trường mà mối quan hệ kinh tế trên thực tế mang tính phụ thuộc trong khuôn khổ khu vực tự do thương mại Bắc Mỹ (trước đây chính là hiệp định NAFTA, sau đó được thương lượng lại và đổi tên thành USMCA hay Thỏa thuận Mỹ – Mexico – Canada) – mà theo dự kiến sẽ được tái thương l ượng vào năm 2026. Tuy nhiên, mục tiêu tự chủ công nghiệp đòi hỏi một cuộc cải cách tài chính và thuế khóa dần dần, nhưng tới nay chương trình nghị sự của đảng cầm quyền Morena vẫn chưa cho thấy những điểm mới hay cải cách trong khía cạnh này.
Có lẽ đề tài này được lui lại cho tới khi xác định được ai sẽ là ông chủ Nhà Trắng trong vòng 6 tháng tới, Biden hay Trump. Ngoài trao đổi thương mại (quan hệ mậu biên Mỹ – Mexico là lớn nhất thế giới với giá trị khoảng 2 tỷ USD/ngày), dòng người di cư sẽ là đề tài đánh dấu chương trình nghị sự song phương trong những tháng tới, khi các nhà quan sát đều dự báo Washington sẽ siết chặt cơ chế kiểm soát mang tính đàn áp của mình tại biên giới với Mexico, trong bối cảnh cuộc đua bầu cử tổng thống giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa bước vào giai đoạn gay cấn nhất.
Bạo lực xã hội là một vấn đề nhức nhối khác thường được cánh hữu khai thác để công kích liên minh cầm quyền do đảng Morena đứng đầu. Nhật bạo The Guardian (Anh) phiên bản tại Mexico đã tấn công trực diện với nhận định của phóng viên Thomas Graham “AMLO hứa hẹn chuyển biến Mexico, nhưng ông để lại một đất nước như cũ”, hay tờ El Hilo (Sợi chỉ) mô tả trên trang mạng của mình cuộc tổng tuyển cử vừa qua là một “Tiến trình bầu cử bạo lực nhất trong lịch sử”. Trên thực tế, hàng loạt vụ ám sát các chính trị gia từ nhiều tháng trước cuộc bầu cử đã khiến một số ứng cử viên sợ hãi và rút lui, tuy nhiên thật khó để đổ lỗi hoàn toàn cho Chính phủ trước làn sóng bạo lực mang đầy động cơ chính trị này.
Trước khi nhậm chức, Tổng thống AMLO từng đề xuất thay đổi trọng tâm “cuộc chiến chống buôn lậu ma túy” trong chính sách an ninh quốc gia, và cùng với đó là việc rút các lực lượng quân đội ra khỏi công tác an ninh nội trị. Tuy nhiên, chính quyền của ông thậm chí còn gia tăng sự hiện diện đó, với việc thành lập một lực lượng cảnh sát quân sự hóa (Vệ binh quốc gia) và huy động quân đội thực hiện một số nhiệm vụ dân sự như xây dựng cơ sở hạ tầng, haotj động kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Lập luận chủ yếu của Chính phủ Mexico cho hướng đi này là: giải pháp gốc rễ là phải tấn công vào những nguyên nhân thực sự của tình trạng tội phạm và bạo lực xã hội, tức là những nguyên nhân xã hội, và trong ngắn hạn, không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn việc ủy quyền cho quân đội, thậm chí biến lực lượng này thành đồng minh chặt chẽ. Hướng suy luận này đã vấp phải chỉ trích từ đa phần các phong trào nhân quyền, đẩy quan hệ của các nhóm này với chính quyền gần tới điểm đổ vỡ, đặc biệt là với diễn biến điều tra và xử lý gây tranh cãi vụ bắt cóc và thảm sát 43 học sinh tại Ayotzinapa (tháng 9/2014, dưới thời cựu tổng thống Enrique Peña Nieto, một trong những vụ bê bối an ninh tai tiếng nhất trong lịch sử hiện đại Mexico), một cuộc đấu tranh mà trước đó chính AMLO từng cam kết trả lại công bằng cho gia đình những người bị hại.
Một trong những xung đột chính giữa chính phủ và các tổ chức phi chính phủ là con số những người bị mất tích tại Mexico, vừa vượt ngưỡng báo động 100.000 người trong đó hơn một nửa diễn ra trong vòng 6 năm qua. Tuy nhiên, khác với thời kỳ của Học thuyết An ninh quốc gia (do Mỹ khởi xướng), tuyệt đại đa số các vụ mất tích trong giai đoạn này không phải là “tác phẩm” của các lực lượng mang quân phục mà là của các tổ chức bán nhà nước liên quan tới buôn bán ma túy, giờ đây chuyển sang “kinh doanh” tra tấn tống tiền.
Câu chuyện về mô hình
Tổng thống López Obrador từng chỉ ra trong cuốn sách “Gracias” (Cảm ơn) của mình rằng: “Mô hình hậu tự do mới của Mexico là câu trả lời cho những ai, để bào chữa cho chủ nghĩa tự do mới, từng nhất quyết rằng không còn con đường khả thi nào khác, như thể chủ nghĩa đó là một vận mệnh hiển nhiên mà ngoài ra chỉ còn cái chết”, và mô tả thêm “ngay từ khi khởi đầu, chính phủ dân chủ mới đã tiến hành một cuộc chuyển biến hòa bình và trật tự, nhưng đồng thời cũng sâu sắc và cấp tiến, bởi vì chúng tôi đề ra mục tiêu chấm dứt gốc rễ của nạn tham nhũng và tình trạng và miễn trừ hình phạt từng cản trở khát vọng tái sinh của Mexico.
Cuộc chuyển biến thứ tư (4T) – đường lối và dự án chính trị chủ chốt của AMLO và Morena – có lẽ là trải nghiệm bền vững nhất trong làn sóng chính phủ tiến bộ thứ hai tại Mỹ Latinh trong thế kỷ này. Mặc dù phải cầm quyền qua thời kỳ đại dịch và trong một khung cảnh chính trị khá thù địch, AMLO đã khép lại nhiệm kỳ với một chỉ số tín nhiệm đáng gen tị, đề xuất người kế nhiệm là một nữ chính trị gia cánh tả có phong cách rất khác biệt với ông và để lại di sản là sự ổn định kinh tế mà nhiều nước thèm muốn. Thế nhưng vẫn có cảm giác như phần rực rỡ nhất của dự án tham vọng này vẫn còn ở phía trước, mà theo ngôn từ của tổng thống đắc cử Sheinbaum, là phải xây tầng hai cho công cuộc chuyển đổi 4T.
Nhà báo Jenaro Villamil, người đứng đầu Hệ thống Phát thanh công cộng, nhận định nhiệm kỳ tổng thống của AMLO để lại 4 bài học: a) đấu tranh liên tục, bền bỉ chống nạn tham nhũng, qua đó không để ngọn cờ này rơi vào tay cánh hữu; b) không đi đường zigzag, nói cách khác là tiến thẳng bước không qua các khúc quanh hay thụt lùi, điều bao gồm việc chọn lựa đúng các “cuộc chiến” vào mỗi thời điểm; c) không nghe những “lời lẽ ngon ngọt” của giới truyền thông (đa phần trong tay tư nhân) luôn hướng một chính phủ tiến bộ phản lại lý tưởng; và d) đoạn tuyệt với “truyền thống” từ các nhà lãnh đạo uy tín và lôi cuốn trở thành các nhà độc tài.
Mexico, nơi quá gần nước Mỹ và quá xa Chúa (câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Mexico Porfirio Díaz (1830 – 1915), người tại nhiệm từ 1884 tới 1911), là một đất nước rất khó cầm quyền với tình trạng bất bình đẳng trầm trọng, trạng thái rất ít kết nối giữa các vùng miền, những đòi hỏi và nhu cầu giữa các bang rất khác nhau, dịch vụ công không đáp ứng đủ nhu cầu, tội phạm ma túy là mối đe dọa thường trực, và Mỹ luôn chú ý săm soi từ phía Bắc. Từ Cung quốc gia, nữ tổng thống đầu tiên của Mexico sẽ phải đối phó đồng thời 2 mặt trận bên trong và bên ngoài.
Khẩu hiệu nổi tiếng trong quá trình tranh cử của Morena và các đồng minh vừa qua “kế tục với thay đổi” là một sáng tạo về mặt “tiếp thị”, cho dù trong thực tiễn tại Mexico và nhiều nước khác trên thế giới, khát vọng này đã rất nhiều lần thất bại. Quyền lực thường làm hao mòn uy tín, đặc biệt là tại một quốc gia có chu kỳ chính phủ kéo dài tới 6 năm, cùng với những đợt “oanh tạc” của các phương tiện truyền thông lớn trong nước và quốc tế với hướng tuyên truyền giả dối rằng các ý tưởng hữu khuynh đang tiến bước tại mọi nơi trên thế giới.
AMLO đã chứng minh được rằng cánh tả có thể điều hành đất nước một cách hiệu quả, đấu tranh với nạn tham nhũng, đưa hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói và giữ quan hệ khả quan với giới doanh nghiệp để duy trì dòng đầu tư của họ vào nền kinh tế quốc gia; chưa kể tới việc vị nguyên thủ sắp mãn nhiệm của Mexico còn xây dựng được quan hệ tốt đẹp với cả một tổng thống Mỹ từ phe Cộng hòa là Donald Trump và người kế nhiệm từ phe Dân chủ là Joe Biden.
Mọi cuộc tranh cử tổng thống thành công đều bao gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên là giành chiến thắng bên hòm phiếu; thứ hai là thành lập nội các, trong trường hợp này Sheinbaum sẽ vừa phải chứng tỏ sự kế tục của AMLO vừa phải có dấu ấn cá nhân riêng; và thứ ba là phát triển các ý tưởng đã được trình bầy trong cuộc tranh cử, mà trong trường hợp này là tiếp nối nhưng với những luồng gió mới dự án chính trị – xã hội hiện tại để nó kéo dài thêm ít nhất là 6 năm nữa. Cho dù Tổng thống AMLO đã giảm được tỷ lệ nghèo đói, thì vẫn có tới 40% người dân Mexico, tương đương 46 triệu người, sống trong tình trạng tiêu cực này
Với một đường biên giới năng động kéo dài tới hơn 3000km, có thể hiểu được tác động qua lại khá sâu rộng của những chính sách kinh tế – chính trị tại Mexico đối với siêu cường Mỹ và ngược lại. Như đã đề cập ở trên, đại dịch COVID-19 đã góp phần thúc đẩy chính sách “nearshoring” tại Mỹ, hay tái định vị các cơ sở sản xuất của các tập đoàn lớn của Mỹ, mà rõ rệt nhất là tại Mexico. Nếu tính tới Mỹ là thiên đường của chủ nghĩa tiêu thụ, thì Mexico là lãnh địa lý tưởng để đặt các nhà máy phục vụ thị trường Mỹ do sự gần gũi về địa lý và chi phí thấp cho nhân công và thuế. Ở chiều ngược lại, vận động này mang lại cho Mexico nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp khổng lồ, cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng và tạo ra nhiều nghìn việc làm. Hiện tại, gần 80% sản xuất công nghiệp của Mexico hướng tới những điểm đến là bên kia biên giới phía Bắc.
Nhưng cho dù vận động này đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của Mexico, thì cũng chắc chắn rằng tổng thống tương lai Sheinbaum sẽ phải xử lý khía cạnh chính trị của đề tài này khi hiện tại “nearshoring” đã thu hút một lượng đáng kể các doanh nghiệp Trung Quốc tới Mexico để xuất khẩu vào Mỹ và xu hướng này đã trở thành một phần trong cuộc tranh luận bầu cử giữa Joe Biden và Donald Trump. Cả 2 ứng cử viên kỳ cựu này đều đang đua tranh thể hiện xem ai là người bảo vệ kiên quyết hơn việc làm bản địa và ngăn cản bớt các sản phẩm Mexico đang thâm nhập một cách ồ ạt vào Mỹ. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ tới Mexico.
Một vấn đề lớn khác đến từ đường biên giới then chốt với Mỹ là dòng người di cư. Hàng trăm nghìn người từ nhiều quốc gia Nam và Trung Mỹ đã rời bỏ tổ ấm để bắt đầu hành trình tới miền đất hứa tại Mỹ. Mexico là con đường họ buộc phải đi qua và bà Sheinbaum cũng sẽ phải đương đầu với một chính sách chống nhập cư khắc nghiệt từ Mỹ, điểm chung lớn giữa 2 ứng cử viên Trump và Biden. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng từ 2010 tới 2022, hơn 214.000 người bị sát hại tại Mexico bằng súng đạn, mà tuyệt đại đa số trong số chúng được sản xuất tại Mỹ. Chính phủ Mexico đã khởi động một tiến trình pháp lý chống lại 6 doanh nghiệp sản xuất vũ khí lớn của Mỹ vì cho rằng các công ty này khuyến khích hoạt động buôn bán phi pháp, với khoảng 500.000 khẩu súng mỗi năm rơi vào tay giới buôn bán ma túy, làm gia tăng tình trạng bạo lực tại Mexico.
Cuối cùng, nếu ở phương Bắc cho dù đảng nào lên cầm quyền cũng khó lòng chia sẻ với tư tưởng tiến bộ và thiên tả, thì hơn bao giờ hết, Sheinbaum giờ đây có thể hướng cái nhìn về phía các nước láng giềng phía Nam. Nếu khi AMLO nhậm chức vào tháng 12/2018, một làn sóng các chính phủ hữu khuynh dường như đang củng cố vị thế tại Mỹ Latinh, thì hiện tại 4 trong số 5 quốc gia có sức nặng chính trị và kinh tế lớn nhất khu vực này – bao gồm cả Mexico – đang có các chính phủ khá đồng điệu với liên minh cầm quyền do chính đảng Morena dẫn đầu: ngoại trừ Argentina với chiến thắng bầu cử đầy tình thế và cách cầm quyền gây nhiều tranh cãi của Javier Milei, người cầm cương chính phủ tại Brazil là Lula da Silva, tại Colombia là Gustavo Petro, trong khi Nicolas Maduro sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ mới trong cuộc bầu cử vào tháng 7 tới mà ông đang “dẫn đầu đoàn đua”; đó là chưa kể tới những chính phủ cánh tả và/hoặc theo xu hướng tiến bộ tại Bolivia, Chile, Guatemala và Honduras, cùng các “thành trì” truyền thống như Cuba hay Nicaragua.
Tóm lại, với những thuận lợi và khó khăn, con đường phía trước của Claudia Sheinbaum chắc chắn không đơn giản và bằng phẳng, nhưng với cả tư cách là một nhà nữ khoa học hay một nhà hoạt động chính trị đi từ một nữ sinh tham gia phong trào đấu tranh tiến bộ cho tới nữ nguyên thủ đầu tiên trong lịch sử Mexico, bà hẳn đã quen với những áp lực khác thường. Quan trọng hơn cả, bà thực sự là một lựa chọn nghiêm túc của cử tri Mexico và giành được niềm tin của đa số người dân đó qua những kết quả từ thực tế, từ cả người tiền nhiệm AMLO lẫn bản thân bà trong cương vị Thị trưởng Mexico City, chứ không phải từ kỳ vọng mơ hồ nào đó./.
Biên tập và chuyển ngữ: Uyển My
Về tác giả: Álvaro Verzi Rangel là nhà xã hội học và phân tích quốc tế người Venezuela, đồng Giám đốc của tổ chức Quan sát Truyền thông và Dân chủ, và nhà phân tích cao cấp của Trung tâm Phân tích chiến lược Mỹ Latinh (CLAE)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]