Cuộc xung đột Nga - Ukraine đến nay đã trải qua hơn 800 ngày giao tranh. Trên bình diện chiến trường, Nga đang giữ lợi thế tiến công, ngược lại từ sau các chiến dịch phản công thất bại quân đội Ukraine đã bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trước tình hình như vậy, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moscow nghiêm túc ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, lộ trình hòa bình được chính quyền Zelensky vạch ra cho thấy Kiev chưa sẵn sàng đàm phán. Bên cạnh đó nguồn viện trợ, ủng hộ từ phương Tây ngày càng tăng lên đã tạo động lực cho Ukraine có một tham vọng lớn hơn đó là tấn công vào lãnh thổ Nga. Tham vọng này không hoàn toàn vô căn cứ bởi thực tế đã có một số cuộc tấn công được thực hiện. Vậy, Ukraine có những cách thức nào để gây thiệt hại cho Nga cũng như có tính khả thi đến đâu và nếu tình huống đó thành sự thật sẽ tạo ra những tác động ra sao đến diễn tiến của cuộc chiến hiện tại?
Dẫn theo tờ Kyiv Independent, tân Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine ông Oleksandr Syrskyi cho biết cuộc chiến Ukraine đã bước sang giai đoạn mới và quân đội Ukraine đã chuyển từ thế tấn công sang phòng thủ từ tháng 2/2024[1]. Cùng với đó, các lực lượng tác chiến Ukraine tăng cường tập kích, phá hủy các mục tiêu kinh tế, quân sự, nhà máy lọc dầu bên trong lãnh thổ Nga. Điều này cho thấy cuộc chiến hiện đã chuyển sang trạng thái chiến tranh tiêu hao. Kiev bắt đầu gây sức ép lên bằng loạt tín hiệu được gửi tới Moscow về khả năng mở rộng thực hiện những cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Cơ sở cho tham vọng tấn công vào lãnh thổ Nga của Ukraine
Tiềm lực hiện tại của Ukraine
Năng lực quân sự: Cuộc xung đột Nga và Ukraine được đánh giá như cuộc chiến tranh đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Cho đến hiện tại, con số thương vong của Ukraine được ông Zelensky công bố đã đạt tới 31.000 binh sĩ tử trận, một số thông tin cho rằng con số này thực chất trong khoảng từ 70.000 đến 100.000 người[2]. Mặc dù số liệu mỗi bên khác nhau và các con số đa phần là ước tính, tuy nhiên điều này cũng cho thấy quân đội Ukraine đã chịu thiệt hại về nhân lực không hề nhỏ. Nga liên tục mở các đợt tấn công mới cộng với sự chậm trễ trong các gói viện trợ từ phương Tây dẫn đến tình trạng thiếu trang bị, giới lãnh đạo Ukraine phải chịu thêm áp lực tìm kiếm thanh niên nhập ngũ.
Trong thời gian gói viện trợ quân sự 60 tỷ USD mắc kẹt tại quốc hội Mỹ, viện trợ nhỏ giọt gây ra tình trạng thiếu đạn nghiêm trọng. Trên chiến trường, binh lính Ukraine phải dùng các biện pháp tình thế để đối phó, trong đó có tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) mang thuốc nổ và tận dụng đạn pháo còn sót lại để kìm hãm đà tiến của đối phương[3]. Tuy đều chịu tổn thất, nhưng Nga được đánh giá có khả năng bù đắp thiệt hại tốt hơn Ukraine. Điều này chủ yếu do Kiev đang phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của các nước phương Tây, còn các cơ sở công nghiệp quốc phòng thì bị vây hãm bởi các cuộc tấn công của Nga.
Năng lực kinh tế: Vào năm 2021, theo World Bank, GDP của Ukraine đạt tăng trưởng dương 3,4%, tuy nhiên đến năm 2022 do ảnh hưởng nặng nề của chiến dịch quân sự đặc biệt, GDP giảm tới 29,1%[4]. Mặc dù được sự giúp đỡ của Mỹ và Phương Tây, tuy nhiên khả năng vực dậy nền kinh tế Ukraine còn thiếu khả thi. GDP của Ukraine chỉ phục hồi được 5% ít ỏi vào năm 2023, ngay cả khi dòng viện trợ nước ngoài đổ vào tương đương 20% GDP[5].
Xét về mặt tiềm lực quốc gia, Ukraine đang không có đủ những yếu tố cần thiết để duy trì cuộc chiến chứ chưa nói đến việc mở rộng tấn công trả đũa vào lãnh thổ Nga. Hi vọng lớn nhất của Kiev lúc này nằm ở viện trợ tăng cường các hệ thống vũ khí tầm xa và sát thương lớn từ phương Tây nhằm lấy lại ưu thế. Sự tin tưởng của người dân về khả năng chiến thắng rơi xuống mức thấp. Chính điều này đã gây ra những khó khăn rất lớn cho Ukraine khi quân sự – yếu tố quyết định đến thắng lợi của Ukraine thì phụ thuộc còn sự ủng hộ trong nước thì suy giảm.
Một số cuộc tấn công được thực hiện thành công của Ukraine
Dựa trên những đánh giá về tiềm lực quân sự và kinh tế trên, khó có thể xảy ra viễn cảnh có một cuộc đổ quân Ukraine vào biên giới phía Tây của Nga. Nhưng suốt từ khoảng cuối năm 2023 đến nay, Ukraine vẫn thực hiện thành công nhiều cuộc “tấn công chiến thuật” vào đất Nga gây nên thiệt hại kinh tế và đe dọa an ninh quốc gia. Các cuộc tấn công được thực hiện bằng máy bay không người lái có trang bị thuốc nổ điều khiển từ xa khó bị phát hiện hơn bởi hệ thống phòng không.
Hãng tin Verstkan cho biết diện tích lãnh thổ của Nga mà Ukraine có thể tấn công đã tăng hơn 300.000km2 kể từ tháng 9/2023. Những khu vực này bao gồm các thành phố St. Petersburg, Nizhny Novgorod và Yaroslavl. Điều này có nghĩa là hơn một triệu km2 lãnh thổ Nga nằm trong khu vực dễ bị UAV của quân đội Ukraine tấn công. Truyền thông Nga ghi nhận một máy bay không người lái cảm tử đã lần đầu tiên tấn công thành phố Sochi ở phía Nam nước Nga vào ngày 20/9/2023. Hai ngày sau, một UAV khác tấn công thị trấn Tuapse, cách khoảng 100km về phía Bắc ở vùng Krasnodar. Một UAV tấn công nhà máy lọc dầu Nevsky Mazut ngày 31/01/2024 và bị hệ thống phòng không S-400 đánh chặn. Nga cũng đánh chặn UAV nhằm vào Yaroslavl, một thành phố cách Moscow khoảng 418km[6]. Tần suất của các cuộc tấn công ngày càng tăng lên đặt lực lượng phòng không Nga phải trong trạng thái tập trung nhất.
Ngành dầu mỏ Nga trở thành mục tiêu tấn công phổ biến của UAV Ukraine, nguyên nhân có thể đến từ những thiệt hại về kinh tế. Dầu mỏ ở Nga được ví như “cỗ máy in tiền”, động lực của nền kinh tế. Kể từ khi chiến sự giữa hai nước nổ ra vấn đề năng lượng luôn đặt ra một sức ép lớn cho cả bên cung và bên cầu. Sáng 2/4/2024, một chiếc UAV của Ukraine đã tấn công đơn vị lọc dầu chính thuộc nhà máy lọc dầu Taneco thuộc Tập đoàn sản xuất dầu mỏ Tatneft của Nga ở thành phố Nizhnekamsk. Đơn vị lọc dầu bị tấn công đóng góp hơn 50% tổng công suất hàng năm của nhà máy lọc dầu Taneco. Nhà máy lọc dầu Taneco là một trong những cơ sở xử lý dầu mỏ lớn nhất và mới nhất của Nga, với công suất lên tới 340.000 thùng/ngày[7].
Kể từ tháng 1/2024, Ukraine đã tấn công ít nhất 9 nhà máy lọc dầu ở miền Tây nước Nga cùng với các kho, nhà ga và cơ sở lưu trữ. Theo Reuters, khoảng 14% công suất lọc dầu của Nga đã bị ngừng hoạt động do các cuộc tấn công bằng UAV, Drone và nước này đã cấm xuất khẩu xăng trong 6 tháng. Giá dầu đã tăng khoảng 15% trong năm nay lên 85 USD/thùng, đẩy chi phí nhiên liệu tăng cao[8].
Việc thực hiện thành công một số cuộc tấn công vào đất Nga gây thiệt hại đến kinh tế, năng lượng, nay Ukraine đã chuyển hướng tiến đến những mục tiêu quân sự. Hành động đó dấy lên nhiều tranh cãi về hiệu quả cũng như lo ngại căng thẳng leo thang xung quanh việc Ukraine cho UAV tấn công các hệ thống radar cảnh báo sớm của Nga. Trước đó, trong ngày 26/5 và 23/5, Ukraine đã tấn công vào các trạm radar Voronezh M/DM của Nga lần lượt ở Thành phố Orsk (tỉnh Orenburg) và Thành phố Armavir (tỉnh Krasnodar)[9].
Đối với Nga các hệ thống radar cảnh báo sớm này được Nga phát triển như một phần trong chiến lược phòng thủ tên lửa đề phòng trước vũ khí hạt nhân phương Tây. Giá trị quân sự đạt được khi vô hiệu hóa hệ thống radar này không lớn bởi Nga có số lượng radar lớn phân bổ trải dài dọc biên giới. Thiệt hại của trạm radar ở Orsk không được công bố nhưng cho thấy đây là một trong những cuộc tấn công sâu nhất vào lãnh thổ Nga khi UAV này đã bay ở phạm vi lên tới khoảng 1.800km chứng minh khả năng bất ngờ và nguy hiểm của phương thức tác chiến này.
Đánh giá những khả tấn công có thể xảy ra trên thực tiễn
Trong thời gian gần đây, Nga cũng đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Điều đó khiến cho giới tướng lĩnh của Kiev càng mong muốn có thể thực hiện việc trả đũa Nga bằng nhiều hình thức từ cách truyền thống thống nhất là giao tranh quân sự đến những cách phi truyền thống. Giới phân tích cho rằng Ukraine có thể tăng cường tấn công sâu vào lãnh thổ Nga với các UAV tầm xa nội địa, bên cạnh vũ khí viện trợ nếu được phương Tây cho phép.
Đối với khả năng tấn công bằng thiết bị quân sự, có thể thấy sử dụng các thiết bị bay không người lái gấp gọn Drone và UAV mang lại hiệu quả đáng kể hơn cả. Trong lịch sử chiến tranh, chưa bao giờ UAV lại được sử dụng nhiều như trong cuộc xung đột tại Ukraine. Giới quan sát nhận xét việc sử dụng thành công các loại UAV là minh chứng cho thấy loại vũ khí này mang lại năng lực quân sự lớn với chi phí tương đối thấp. So với máy bay có người lái, UAV có giá rẻ hơn và không đòi hỏi huấn luyện nhiều. Những loại UAV biên chế trong quân đội Ukraine có nguồn gốc trong nước và qua các viện trợ nước ngoài. Phổ biến như mẫu UJ-22 Airborne do công ty Ukrjet của Ukraine phát triển và sản xuất. Mẫu Tekever AR5 của Bồ Đào Nha, UAV IAI Harop của Tập đoàn Hàng không vũ trụ Israel, Switchblade 600 – một loại UAV tự sát thuộc công ty AeroVironment của Mỹ[10].
Các cuộc tập kích ngày càng mở rộng hiệu quả và phạm vi cho thấy Kiev đã tìm ra cách để vượt qua mạng lưới phòng không cùng hệ thống tác chiến điện tử phức tạp của Moscow. Những chiếc UAV mang thuốc nổ của Ukraine có độ chính xác ngày càng cao có thể phá hủy hạ tầng dầu khí của Nga, huyết mạch kinh tế. “Thời gian qua cho thấy nền kinh tế thời chiến của Nga có những lỗ hổng mà chúng tôi có thể tấn công bằng vũ khí của mình, UAV là năng lực tấn công tầm xa của chúng tôi, Ukraine sẽ luôn có lực lượng tấn công đường không” ông Zelensky tuyên bố[11]. Chiến thuật này giúp Ukraine gây thiệt hại nhiều hơn cho Nga thay vì tấn công mục tiêu ngẫu nhiên.
Một khả năng tấn công mang lại hiệu quả phạm vi phá hủy cao hơn song sẽ khó thực hiện đó là sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa vì Ukraine cần phân bổ hợp lý nguồn viện trợ có giới hạn này. Chuyên gia quân sự Valerii Riabykh, Tổng biên tập trang Defense Express cho rằng Ukraine sẽ tăng cường tấn công vào lãnh thổ Nga không chỉ với UAV mà cả tên lửa. Nhận định này của Riabykh xuất phát từ các gói viện trợ mới được Mỹ và phương Tây thông qua nửa đầu năm nay cho Ukraine. Văn phòng của Thủ tướng Sunak cho biết gói viện trợ mới cho Ukraine trị giá 500 triệu Bảng Anh (617 triệu USD) và sẽ bao gồm hơn 400 phương tiện, 60 tàu thuyền và một số tên lửa tầm xa Storm Shadow[12]. Với khoảng 19 tỷ USD cho đến nay, Đức đứng thứ hai về viện trợ quân sự cho Ukraine. Chính phủ Đức cam kết sẽ cung cấp hệ thống tên lửa Patriot thứ ba để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. Cả Storm Shadow và Patriot đều là những hệ thống tên lửa tối tân được chuyển giao với hy vọng sẽ giải quyết bài toán phòng không với mục đích phòng thủ cho Kiev. Song chính quyền Zelensky có ý định sử dụng khác hơn so với mục đích ban đầu đó nhằm tấn công các mục tiêu dân sự, kinh tế, quân sự ở lãnh thổ Nga. Việc máy bay không người lái Ukraine tấn công hệ thống radar Nga là dấu hiệu cho thấy Kiev chuẩn bị tăng cường tấn công tên lửa vào lãnh thổ Nga.
Trong hơn 2 năm chiến đấu, phương Tây đã viện trợ cho Ukraine rất nhiều loại vũ khí tối tân mà họ sở hữu từ vũ khí cầm tay cho đến khí tài hạng song chưa đủ để Kiev xoay chuyển được thế trận. Chiến trường trên mặt đất cho thấy sức mạnh của vũ khí phương Tây có nhiều điểm yếu trước các đòn đánh và khả năng phục hồi của Nga. Cuộc chiến sẽ có tính bước ngoặt lớn nếu không quân Ukraine có trong tay các dòng máy bay chiến đấu phản lực như F-16. Tuy nhiên, xét cả về mặt giá trị vật chất để chế tạo một máy bay và đào tạo một phi công sẽ tiêu tốn không ít thời gian và tiền bạc. Do vậy, sự xuất hiện của F-16 trên bầu trời Ukraine vẫn chỉ dừng ở dự kiến. Tính đến khả năng cuối cùng, thực hiện không kích bằng máy bay chiến đấu vào lãnh thổ Nga sẽ đẩy cuộc chiến leo lên nấc thang cao nhất. Trong các loại hình tấn công quân sự ở trên đều chỉ có phạm vi sát thương nhất định thì việc không kích có thể đánh thẳng vào Moscow và điện Kremlin. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo, Moscow coi F-16 của phương Tây ở Ukraine là mối đe dọa hạt nhân. Trong trường hợp Ukraine nhận được toàn bộ 24 máy bay F-16 như đã hứa và không bị đặt bất kỳ giới hạn hoạt động nào mà theo bà Kajsa Ollongren Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan từng tuyên bố[13]. Kiev đủ tự tin có thể chiến thắng trước lực lượng không quân và phòng không của Nga với F-16. Mặc dù vậy, trong nội bộ những nước đồng ý cung cấp loại khí tài giá trị này cho Kiev cũng vấp phải những bất đồng khi có nên cho phép Ukraine sử dụng chúng để tấn công đất Nga hay không. Trong đó, Anh đã bật đèn xanh từ đầu tháng 5, nhưng quan điểm chính thức của Mỹ đến lúc này vẫn là không cho phép.
Dù được đánh giá có khả năng xảy ra thấp hơn song các giả thuyết tình huống về những vụ tấn công phi quân sự được thực hiện nhắm vào quan chức Chính phủ thậm chí xả súng đám đông cũng được các lực lượng an ninh Nga tính đến. Thời điểm cuối tháng 3/2024 những tay súng mặc trang phục tác chiến và mang theo súng tự động đã thực hiện xả súng tại Nhà hát Crocus City ở Thành phố Krasnogorsk. Vụ tấn công khiến ít nhất 133 người thiệt mạng. Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng Khorasan (ISIS-K) đã tuyên bố chịu trách nhiệm. Mới đây nhất, ngày 24/5 người đứng đầu Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov cáo buộc Ukraine tham gia trực tiếp vào vụ khủng bố đẫm máu ở nhà hát Crocus City Hall ở Moscow. Tổng cục tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) bị cáo buộc đóng vai trò trực tiếp trong vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus cùng với đó các nghi phạm cũng khai nhận được chỉ điểm đến biên giới Ukraine. Hiện Ukraine và NATO chưa bình luận về các thông tin trên[14]. Trước đó, Kiev và các nước phương Tây nhiều lần phủ nhận liên quan đến vụ khủng bố ở Nga. Phía Nga đến nay vẫn đặt ra nhiều nghi vấn xoay quanh chủ mưu của vụ việc. Có thể thấy từ khi chiến tranh bùng nổ, sự xuất hiện của các lực lượng lính đánh thuê nước ngoài hỗ trợ Ukraine ngày càng gia tăng kéo theo đó là các nhóm, tổ chức khủng bố quốc tế từ Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á. Công dân Nga đang bị đe dọa nhiều hơn từ nguy cơ khủng bố tăng lên.
Tóm lại, đánh giá về khả năng Ukraine thực hiện tấn công quân sự vào lãnh thổ Nga hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện chủ yếu bằng đường hàng không. Tuy nhiên, mức độ, phạm vi và các mục tiêu được nhắm đến sẽ phụ thuộc lớn vào quyết định từ phía đồng minh. Trong cuộc chiến hiện tại, Ukraine muốn đánh lớn đều phải phụ thuộc vào nguồn viện trợ của phương Tây từ đó khó đưa ra được quyết định. Trước sức ép ngày càng lớn từ phía Nga, Ukraine cần một giải pháp gây thiệt hại đến hậu phương, nguồn lực sản xuất, cơ sở quốc phòng của Nga hơn là tiếp tục tiêu hao sinh lực trên chiến trường. Những cuộc xâm nhập không phận bằng UAV sẽ được Kiev tiếp tục triển khai trong thời gian tới bởi tính hiệu quả và cơ động của nó. Thành công của các vụ tấn công dầu khí chứng minh hiệu quả của cách tác chiến ít tốn kém và có thể tự chủ thực hiện hơn so với tương quan tiềm lực hiện tại của Ukraine.
Quan điểm và khả năng hỗ trợ của phương Tây
Quan điểm của Mỹ
Đóng vai trò là quốc gia nắm giữ mức viện trợ tài chính và quân sự lớn nhất cho Ukraine. Mọi quan điểm, tín hiệu từ Washington sẽ có sức nặng rất lớn đến chính quyền Zelensky trong thực hiện các chiến lược tiếp theo. Trong bối cảnh chuẩn bị cho thềm bầu cử Tổng thống 2024, chính quyền Joe Biden cần có những bước đi thận trọng. Trước tình hình trên, Mỹ đã kêu gọi các quan chức cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine chấm dứt các cuộc tấn công. Washington lo ngại rằng việc tấn công các cơ sở năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất dầu của nước này và đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao. Ngoài ra, Mỹ cho rằng nếu Ukraine tiếp tục tấn công cơ sở dầu mỏ của Nga khiến nước này có thể trả đũa bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng mà phương Tây phụ thuộc. Trong đó bao gồm hệ thống đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) vận chuyển dầu từ Kazakhstan qua Nga cung ứng tới thị trường toàn cầu. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) Adrienne Watson cho biết “Chúng tôi không khuyến khích hoặc kích hoạt các cuộc tấn công bên trong nước Nga”[15]. Lầu Năm Góc tuyên bố Chính phủ không thay đổi quan điểm chính thức về lệnh cấm Ukraine dùng vũ khí Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trong quan điểm của các đồng minh và các nghị sĩ Đảng Dân chủ. Mới đây, Nhà Trắng đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với Ukraine đồng thời áp giới hạn như Ukraine chỉ được phép dùng vũ khí Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga ở gần khu vực Đông Bắc Ukraine, với mục đích phòng thủ.
Quan điểm của một số thành viên EU/NATO
Thời gian qua, các nhà lãnh đạo phương Tây chia rẽ quan điểm về chuyện liệu lệnh cấm Ukraine dùng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga có nên được dỡ bỏ hay không. Các quan chức Mỹ cũng như Đức đã nhiều lần nói rằng họ không ủng hộ hay khuyến khích các cuộc tấn công như vậy của Ukraine. Tuy nhiên, các đồng minh của Ukraine ở châu Âu dường như đang thay đổi quan điểm sau khi có những lập luận cho rằng lệnh cấm của Mỹ đồng nghĩa Ukraine đã không thể tấn công quân Nga, trong lúc Nga củng cố lực lượng trước khi vượt biên giới vào tỉnh Kharkov. Đây là vùng mà Nga đã thực hiện chiến dịch đánh chiếm dồn dập trong những ngày qua.
Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết London cam kết viện trợ khoảng 600 triệu USD nâng tổng giá trị viện trợ cho Ukraine trong năm nay lên 3,74 tỷ USD, cho phép Kiev tập kích lãnh thổ Nga bằng vũ khí do London cung cấp. Đây là lần đầu tiên giới chức Anh công khai tuyên bố ủng hộ Ukraine dùng khí tài do London viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga. Trước đó Anh cũng cân nhắc rất kỹ về những rủi ro từ việc Nga đe dọa sẽ trả đũa.
Vấn đề này được thúc đẩy hơn nữa khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để làm vô hiệu hóa các địa điểm quân sự của Nga. Nhà lãnh đạo Pháp phát biểu trong cuộc họp báo chung ngày 28/5 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Meseberg (Đức). Thủ tướng Đức không nghĩ xa như vậy nhưng vẫn tỏ ra cởi mở với ý tưởng này, ông nói rằng việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây “phải luôn luôn trong khuôn khổ của luật pháp quốc tế”. Bộ Quốc phòng Đức đã yêu cầu chính phủ bổ sung 3,8 tỷ euro để mua vũ khí cho lực lượng vũ trang Ukraine[16]. Dù cho phép các cuộc tấn công được diễn ra nhưng phạm vi bị giới hạn trong các khu vực quân Nga đồn trú quanh biên giới Ukraine – Nga.
Một số quốc gia châu Âu gồm Hà Lan, Thụy Điển, các nước vùng Baltic, Phần Lan, Đan Mạch cũng đã lên tiếng ủng hộ việc nới lỏng chính sách vũ khí đối với Ukraine. Trong khi Tây Ban Nha, Italy và Bỉ thì phản đối chính sách này.
Phương Tây “bật đèn xanh” cho Ukraine tấn công Nga?
Từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, chính sách chung của NATO đó là không tham chiến và chỉ viện trợ về tài chính, vũ khí nhằm giúp quân đội Ukraine duy trì chiến đấu. Ngoài ra, gần như toàn bộ các nước thành viên NATO đều không đồng thuận cho Ukraine tấn công mở rộng đánh chiếm sang chủ quyền lãnh thổ Nga. Cũng chính vấn đề này từng tạo ra không ít chia rẽ trong nội bộ liên minh. Tổng thư ký NATO ông Jens Stoltenberg là người thường giữ thận trọng trước các phát ngôn đi ngược lại chính sách của liên minh trước truyền thông. Nhưng mới đây nhất, trong cuộc phỏng vấn với The Economist, ông bất ngờ kêu gọi các đồng minh NATO từng cung cấp vũ khí cho Ukraine chấm dứt lệnh cấm Kiev sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Theo người đứng đầu NATO, quyền tự vệ này bao gồm tấn công các “mục tiêu quân sự hợp pháp” bên ngoài Ukraine. Phát ngôn này như lời hối thúc các nước ủng hộ Ukraine tích cực hơn nữa quá trình “bật đèn xanh” để các khoản viện trợ mới phát huy hiệu quả nhất. Phản ứng trước quyết định cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga cho thấy sự rạn nứt trong chính sách đối ngoại và an ninh của EU đứng trước việc cần phải duy trì cân bằng giữa nguy cơ leo thang và nhu cầu tự vệ của Ukraine.
Những tác động xảy ra nếu Ukraine tấn công lãnh thổ Nga
Trong lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ năm của mình, ông Putin đã có một bài phát biểu mang đến nhiều cảm xúc lạc quan cho người dân Nga về hướng đi của đất nước trong bão cấm vận. Đồng thời Tổng thống Putin cũng gửi một thông điệp cứng rắn tới phương Tây. Đưa nước Nga vĩ đại trở lại và tiếp tục theo đuổi những mục tiêu đã đặt ra tại Ukraine trở thành hai mục tiêu lớn được ông xác định trong nhiệm kỳ mới. Một cánh cửa hòa bình vẫn luôn được Moscow để ngỏ cho Kiev và Brussels. Do đó, về cơ bản Nga đã tạo cơ hội cho Ukraine tránh đổ thêm máu trên chiến trường, trong trường hợp Ukraine vẫn quyết duy trì mục tiêu đánh vào lãnh thổ, chủ quyền của Nga thì tác động đến cuộc chiến hiện nay rất lớn.
Chiến sự ngày càng leo thang và thêm khắc nghiệt
Trong những tháng gần đây, Nga đã giành lại thế chủ động trên chiến trường. Sau chiến thắng tại thành phố Avdiivka, Nga đẩy mạnh tiến công ở tỉnh Donetsk và đưa quân đánh sang tỉnh Kharkiv, mở thêm mặt trận mới ở khu vực đông bắc Ukraine. Vào đêm 10/5, quân đội Nga mở chiến dịch ở phía bắc vùng Kharkiv của Ukraine. Đòn đánh vào Kharkiv được xem như trả đũa các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga trước đó thực hiện bởi Ukraine. Nga nhằm vào vùng Kharkov trong những ngày qua nhằm mục tiêu tạo ra “vùng đệm” để bảo vệ lãnh thổ trong bối cảnh Ukraine liên tiếp tập kích vào các khu dân cư ở biên giới trong đó có vùng Belgorod một trong những nơi đặt nhà máy lọc dầu quan trọng. Quân đội Ukraine nhiều lần thừa nhận tình hình đang rất khó khăn ở mặt trận Kharkov và đã huy động lực lượng từ nhiều khu vực tới vùng đông bắc để chặn đà tiến của Nga. Hệ thống phòng thủ của Kiev ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào máy bay không người lái trong khi các loại bom tân tiến FAB-250/500 có độ chính xác cao đang được Nga sử dụng tích cực để tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine.
Việc Nga gấp rút mở thêm các chiến dịch tấn công gây sức ép còn có thể xuất phát từ mong muốn sớm đạt được một lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, trong các phát biểu của mình về quan điểm hòa bình, chính quyền Zelensky vẫn khẳng định chủ trương chống Nga đến cùng. Phát biểu trước truyền thông vào cuối tháng 2/2024, ông Zelensky nêu rõ, chấm dứt xung đột bằng biện pháp ngoại giao chỉ diễn ra khi Nga chấp nhận công thức hòa bình của Kiev. Thêm việc Hội nghị hòa bình được tổ chức tại Thụy Sĩ để tìm giải pháp cho Ukraine lại không mời Nga một bên của xung đột tham dự. Điều này cho thấy phương Tây và Ukraine đang tự coi trọng giá trị bản thân và cho mình quyền quyết định đâu là giá trị chuẩn mực trong khi xem nhẹ vai trò của Nga trong quan hệ quốc tế. Do trái ngược về quan điểm giải quyết xung đột, không những vậy Ukraine đã liên tục tấn công vào lãnh thổ Nga gây ảnh hưởng đến khiến cho nấc thang chiến tranh không đi xuống mà còn đang ngày càng tăng lên và thêm khắc nghiệt. Sức ép trên nhiều mặt trận nhằm phân tán lực lượng quân đội Ukraine hạn chế các cuộc tấn công ở khu vực biên giới.
Tăng nguy cơ Nga xung đột toàn diện với NATO
Cuối tháng 2/2024, Tổng thống Pháp Macron đưa ra một đề nghị mập mờ với phương Tây không loại trừ khả năng điều quân hỗ trợ Ukraine. Thông điệp này mang tính thách thức không hề nhỏ đến không chỉ Nga mà còn cả châu Âu. Một mối lo ngại về sự đối đầu trực tiếp giữa Nga với phương Tây được cho rằng sẽ tạo ra một xung đột toàn cầu. Nga nghi ngại NATO sẽ biến Ukraine trở thành chiến trường để trực tiếp gây chiến kết thúc cuộc chiến ủy nhiệm hiện tại. Sức mạnh của NATO đến từ khả năng quân sự đồng nhất được đề cập trong điều khoản phòng vệ chung. Theo đó, NATO đã trao cho Ukraine quyền được tấn công chủ quyền biên giới đất liền Nga và Crimea. Các chuyên gia quân sự NATO cũng có mặt tại Kiev để chỉ đạo và huấn luyện tác chiến cho binh sĩ Ukraine. Đối mặt với những cáo buộc đã có sự xuất hiện của lính đánh thuê phương Tây giúp sức cho Ukraine tấn công vào nước Nga.
Tổng thống Putin không ít lần cảnh báo các lãnh đạo châu Âu nên lưu ý những vấn đề này trước khi bàn về việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, đó là vấn đề nghiêm trọng. Lãnh đạo Nga cho hay dù Ukraine là bên thực hiện những cuộc tấn công, trách nhiệm vẫn sẽ thuộc về các nhà cung cấp vũ khí phương Tây. “Đó là một bước nữa hướng tới xung đột nghiêm trọng ở châu Âu, hướng tới một cuộc xung đột toàn cầu”, ông Putin đưa ra lời cảnh cáo[17]. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các đồng minh xuyên Đại Tây Dương dỡ lệnh cấm cho phép quân đội Ukraine sử dụng các hệ thống tấn công tầm xa của phương Tây để nhắm vào các vị trí hậu phương của Nga. Các khoản viện trợ mới từ Mỹ, phương Tây không giúp Ukraine tiến nhiều hơn trên chiến trường mà khiến cho những lời kêu gọi đàm phán đi vào bế tắc.
Trong tương lai, nhằm giúp Kiev chuyển từ phòng thủ sang tấn công mở rộng, tiêm kích F-16 do phương Tây hứa viện trợ sẽ có mặt trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, lô máy bay này máy bay này sẽ không được chuyển giao hoàn toàn đến Kiev mà sẽ đồn trú tại một vài căn cứ trong NATO. Nga từng đưa cảnh báo các khí tài viện trợ cho Ukraine cũng là mục tiêu quân đội Nga được phép phá hủy. Mặc dù chưa có nhiều củng cố cho lời đe dọa này nhưng nếu Nga chủ đích tấn công hoặc “lạc đạn” vào các căn cứ trên lãnh thổ của một nước thành viên NATO sẽ kích hoạt điều khoản phòng vệ tập thể của khối, dẫn đến các hành động đáp trả quân sự. Nếu viễn cảnh này xảy ra, cuộc xung đột ở Ukraine có nguy cơ lan rộng đặt NATO và Nga vào thế đối đầu trực tiếp.
Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân
Đứng trước sự gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào lãnh thổ Nga của Ukraine đã ảnh hưởng lớn tới ngành năng lượng, an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, những tín hiệu “bật đèn xanh” của NATO gửi đến Kiev thông qua khoản viện trợ vũ khí mới và phát ngôn ủng hộ Ukraine tấn công Nga. Điều này khoét sâu hơn vào mâu thuẫn vốn có giữa Nga với một số quốc gia NATO được cho là rất tích cực tài trợ Ukraine như Pháp, Đức. Mặc cho người đại diện chính phủ Nga đã lên tiếng cảnh báo về thông tin rằng Ukraine đang có kế hoạch sử dụng hệ thống tên lửa Patriot tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. “Nước Nga biết rằng các nước phương Tây đang có động thái leo thang. Vì vậy, chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để vô hiệu hóa các mối đe dọa đi kèm với sự leo thang này”, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko tuyên bố hôm 3/6[18]. Với danh dự của một cường quốc hạt nhân Nga chắc chắn chắn sẽ không để những điều thiếu tôn trọng họ như vậy tiếp diễn và răn đe hạt nhân được tính đến như một giải pháp trả đũa.
Trong cuộc phỏng vấn Tổng thống Nga về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân, trong bối cảnh xung đột leo thang từ cuộc chiến ở Ukraine, cùng với sự hỗ trợ của phương Tây dành Kiev nhằm tấn công Nga. Ông Putin viện dẫn học thuyết hạt nhân năm 2020 làm câu trả lời của mình. Theo đó, việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể là một phản ứng nhằm đối phó với các loại vũ khí tương tự và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm vào Nga. Trước sự tấn công vào một số cơ sở quân sự mang tính chất cảnh báo sớm như Radar mà UAV từ Ukraine thực hiện đặt lực lượng hạt nhân Nga vào trạng thái sẵn sàng cho mọi tình huống. Do đó, khu vực biên giới Nga và Ukraine có thể được coi là khu vực nhạy cảm nhất thời điểm hiện tại. Trước tuyên bố Mỹ, Pháp, Đức và một số thành viên NATO khác cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ để thực hiện các cuộc tập kích xuyên biên giới vào Nga. Nếu các mục tiêu bị hướng đến là các bãi phóng tên lửa bên trong lãnh thổ Nga đặt ra các điều kiện mà tổng thống Nga sẽ cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner cho rằng, việc NATO cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga đã vượt “lằn ranh đỏ” của Moscow[19].
Ngày 24/2/2022 khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo về khả năng đáp trả cứng rắn trước hành động của kẻ thủ tạo ra mối đe dọa đối với nước Nga. Ông Putin cáo buộc các nước phương Tây đang thảo luận về khả năng được chấp nhận sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga. Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa, Moscow chắc chắn sẽ sử dụng mọi phương tiện có sẵn để bảo vệ đất nước và người dân. Nga coi vũ khí hạt nhân chỉ là một biện pháp răn đe, là biện pháp cuối cùng và bắt buộc. Ngoài ra, NATO thường xuyên đưa ra những thông điệp cảnh báo sẽ đáp trả cứng rắn đối với kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.
Cho dù chưa cần sử dụng đến vũ khí hạt nhân chiến lược với sức hủy diệt lớn, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga thường có tầm bắn không quá 5.500km. Tuy nhiên, tầm bắn đó cũng đủ để bao trùm toàn bộ châu Âu, đặt khu vực này trước một mối đe dọa lớn.
Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga bao gồm ba thành phần của lực lượng vũ trang chiến lược được trang bị vũ khí hạt nhân: trên bộ, trên biển và trên không. Tổng cộng, kho vũ khí hạt nhân của Nga lên tới gần 4,5 nghìn đầu đạn, bao gồm cả những đầu đạn được triển khai và đặt trong kho. Thành phần mặt đất bao gồm 198 bệ phóng di động và 144 bệ phóng cố định dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa[21]. Các tên lửa của Nga có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Tháng 5 vừa qua, các lực lượng của Nga đã bắt đầu giai đoạn thứ nhất của cuộc tập trận quân sự huấn luyện thực hành về chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Quân khu miền Nam. Cuộc tập trận có sự tham gia của tên lửa đạn đạo Iskander và Kinzhal cũng như của lực lượng tên lửa tại Quân khu miền Nam của Nga, nằm tiếp giáp với Ukraine./.
Tác giả: Phạm Quang Hiền
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Kateryna Denisova (2024), “Syrskyi: Ukraine shifts to defense to drain Russian troops”, Kyiv Indipendent. https://kyivindependent.com/syrskyi-ukraine-shifts-to-defensive-to-drain-russian-troops/
[2] Reuters (2024), “Zelenskiy says 31,000 Ukrainian soldiers killed since Russia invaded”. https://www.reuters.com/world/zelenskiy-says-31000-ukrainian-soldiers-killed-during-russias-invasion-2024-02-25/
[3] Thanh Hiền (2024), “Tổn thất của Nga và Ukraine sau 2 năm giao tranh”, Tuổi trẻ Online. https://tuoitre.vn/ton-that-cua-nga-va-ukraine-sau-2-nam-giao-tranh-20240224100140859.htm
[4]World Bank (2023), “GDP growth (annual %) – Ukraine”. https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?end=2022&locations=UA&start=2014&view=char%3e
[5] Vũ Thanh (2024), “Kinh tế Ukraine sẽ ra sao nếu thiếu viện trợ từ phương Tây?”, Tin Tức. https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/kinh-te-ukraine-se-ra-sao-neu-thieu-vien-tro-tu-phuong-tay-20240131155406616.htm
[6] Mai Trang (2024), “UAV Ukraine mở rộng khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga”. VOV. https://vov.vn/the-gioi/uav-ukraine-mo-rong-kha-nang-tan-cong-vao-lanh-tho-nga-post1075599.vov
[7] Thành Nam (2024), “Ngành dầu mỏ Nga đối mặt với đòn tấn công kép của Ukraine và phương Tây”, Tin Tức. https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nganh-dau-mo-nga-doi-mat-voi-don-tan-cong-kep-cua-ukraine-va-phuong-tay-20240403085553902.htm
[8] Yến Anh (2024), “Việc nhà máy lọc dầu của Nga ngừng hoạt động tác động lớn đến giá xăng của Mỹ”, Năng lượng Quốc tế. https://nangluongquocte.petrotimes.vn/viec-nha-may-loc-dau-cua-nga-ngung-hoat-dong-tac-dong-lon-den-gia-xang-cua-my-708553.html
[9] Reuters (2024), “Ukraine drone targets second Russian long-range military radar, Kyiv source says”. https://www.reuters.com/world/europe/ukraine-drone-targets-russian-early-warning-radar-record-distance-kyiv-source-2024-05-27/
[10] Defense Express (2024), “Ukraine Steadily Building Up Its Arsenal of Domestic UAVs, Missiles for Strikes Against russia”. https://en.defence-ua.com/analysis/ukraine_steadily_building_up_its_arsenal_of_domestic_uavs_missiles_for_strikes_against_russia-10004.html
[11] Vasco Cotovio, Clare Sebastian & Allegra Goodwin (2024), “Ukraine’s AI-enabled drones are trying to disrupt Russia’s energy industry. So far, it’s working”. CNN. https://edition.cnn.com/2024/04/01/energy/ukrainian-drones-disrupting-russian-energy-industry-intl-cmd/index.html
[12] Quỳnh Chi (2024), “Anh công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine”, VTV. https://vtv.vn/the-gioi/anh-cong-bo-goi-vien-tro-quan-su-lon-nhat-tu-truoc-den-nay-cho-ukraine-20240423201700588.htm
[13] Stuart Lau (2024), “Ukraine can strike Russian targets with Dutch F-16s”, Politico. https://www.politico.eu/article/ukraine-can-strike-russian-targets-dutch-f-16s-fighter/
[14] Xihua (2024), “Russian security chief links Ukraine to Crocus City Hall terror attack”. https://english.news.cn/20240524/795eaa54139c49a48e6bb084c770cdc3/c.html
[15] The White House (2024), “Statement from NSC Spokesperson Adrienne Watson on Russia’s Attacks on Ukraine’s Energy Infrastructure”. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/03/29/statement-from-nsc-spokesperson-adrienne-watson-on-russias-attacks-on-ukraines-energy-infrastructure/
[16] Reuters (2024), “Germany’s military aid for Ukraine to rise by 3.8 billion euros, source says”. https://www.reuters.com/world/europe/germanys-military-aid-ukraine-rise-by-38-billion-euros-source-2024-05-21/
[17] Vladimir Soldatkin, Guy Faulconbridge (2024), “Putin warns West not to let Ukraine use its missiles to hit Russia”, Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/putin-warns-west-not-let-ukraine-use-its-missiles-hit-russia-2024-05-28/
[18] Thành Đạt (2024), “Lãnh thổ Nga bị đe dọa tấn công, Moscow cảnh báo đanh thép”. Dân Trí. https://dantri.com.vn/the-gioi/lanh-tho-nga-bi-de-doa-tan-cong-moscow-canh-bao-danh-thep-20240604001956088.htm
[19] Jon Jackson (2024), “Putin Offers New Clues About His Red Line in Ukraine War: ISW”, Newsweek. https://www.newsweek.com/putin-offers-new-clues-about-his-red-line-ukraine-war-isw-1910107
[20] Jonathan Masters, Will Merrow (2023), “Nuclear Weapons in Europe: Mapping U.S. and Russian Deployments”, Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/in-brief/nuclear-weapons-europe-mapping-us-and-russian-deployments
[21] Guy Faulconbridge (2024), “How many nuclear weapons does Russia have and who controls them?”, Reuters. https://www.reuters.com/world/europe/russias-nuclear-arsenal-how-big-is-it-who-controls-it-2024-03-13/