Bằng cái nhìn mang tính hệ thống sau những gì đã diễn ra, rất khó đoán định rằng ông Donald Trump có thể an toàn hoàn thành 4 năm nhiệm kỳ hay không, nhưng phong trào chính trị và xã hội mà ông đại diện sẽ tiếp tục.
Trong năm 2014/2015, khi Trump tham gia và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên, giới học thuật và truyền thông phương Tây đã cảnh báo mọi người rằng: Chủ nghĩa Trump đại diện cho một trào lưu phổ biến đang quét qua các nước phát triển phương Tây, và trào lưu này sẽ không biến mất dù Trump có thắng hay thua vào cuối năm 2015. Xu hướng này rất giống với phong trào chính trị xã hội mạnh mẽ đã bao trùm các nước phát triển phương Tây từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nó cuối cùng đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới, khiến chủ nghĩa lạc quan toàn cầu vào cuối thế kỷ 19 bị thay thế bởi chủ nghĩa bi quan tận thế trong nửa đầu thế kỷ 20. Bởi vì, hai cuộc chiến đó đã cướp đi sinh mạng của 80 triệu người.
Chủ nghĩa dân tộc tối cao chống lại toàn cầu hóa
Mặc dù Trump có phong thái và cách nói chuyện thô lỗ, nhưng Chủ nghĩa Trump lại là một hệ tư tưởng có gốc rễ sâu xa, trực tiếp gắn liền với sự thịnh vượng của kinh tế và thương mại của châu Âu vào nửa cuối thế kỷ 19 và các xung đột xảy ra sau đó. Theo những nghiên cứu của tác giả (GS. Đinh Học Lương – Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, Trung Quốc) ở Đức và Nga, sự tương đồng giữa Chủ nghĩa Trump và phong trào chính trị xã hội ở châu Âu từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 thể hiện ở một số yếu tố then chốt, đều có liên quan chặt chẽ đến tình hình quốc tế hiện nay. Đặc biệt là các biện pháp đối phó của Mỹ đối với Trung Quốc trong gần 7 năm qua (bắt đầu từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump).
Trong phong trào của Trump, chủ nghĩa dân tộc/chủ nghĩa quốc gia được đặt lên hàng đầu. Trump và các đồng minh của ông coi quốc gia dân tộc (Nation-State) là điểm tựa cơ bản để suy nghĩ, thúc đẩy và hoạch định các chính sách và quy định chủ chốt trong nước cũng như quốc tế. Lập trường ưu tiên chủ nghĩa dân tộc/chủ nghĩa quốc gia ban đầu nhằm chống lại làn sóng chủ nghĩa quốc tế vào đầu thế kỷ 20, lúc đó được gọi là quốc tế hóa (một khái niệm được Marx đề cao), cũng tức là toàn cầu hóa mà ngày nay hay gọi.
Vào thời đó, những quốc gia phát triển nhất châu Âu, chủ yếu là Anh, sau đó là các vùng ven biển của Hà Lan và Pháp, tầng lớp tinh hoa đã mạnh mẽ thúc đẩy tự do thương mại. Họ tin rằng Tây Âu, nơi có công nghệ tiên tiến nhất và tài chính phát triển nhất có thể thông qua thương mại tự do và quốc tế hóa tài chính để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cũng như dịch vụ địa phương ra các nước láng giềng và những vùng đất xa xôi. Điều này không chỉ kích thích sự thịnh vượng của khu vực kinh tế địa phương (được phân chia theo chuỗi công nghiệp chứ không phải ranh giới quốc gia) mà còn giúp các khu vực kém phát triển trên toàn cầu thoát nghèo và tăng trưởng.
Sự hội nhập khu vực và giao thương quốc tế mang lại lợi ích đôi bên cùng có lợi này sẽ tiếp tục, đồng thời giảm thiểu nguy cơ chiến tranh giữa các quốc gia dân tộc. Bởi vì chiến tranh sẽ phá hủy thương mại xuyên quốc gia, và không có bên nào được lợi từ điều đó. Các nhà chính trị có lý trí sẽ không làm những việc ngớ ngẩn như vậy. Đối với tầng lớp tinh hoa văn hóa và trí thức châu Âu, họ tin tưởng rằng thế giới trong tương lai sẽ là một kỷ nguyên mới, nơi biên giới quốc gia sẽ biến mất, các quốc gia sẽ không còn tồn tại, các dân tộc sẽ hòa nhập, chủ nghĩa văn hóa phổ quát sẽ lên ngôi, và thế giới sẽ sống trong hòa bình.
Hai tầng lớp tinh hoa này nắm giữ một lượng lớn tài sản vật chất và tài sản văn hóa, thành thạo nhiều ngôn ngữ, tự do di chuyển giữa các quốc gia khác nhau, và có các cơ sở hoạt động tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là các thành phố cảng. Họ tự xem mình là những người theo chủ nghĩa quốc tế và không trung thành với bất kỳ quốc gia dân tộc nào. Bạn có thể so sánh hiện tượng này với những khu vực phát triển nhất trên bờ Đông và bờ Tây của Mỹ kể từ đầu thập niên 1990. Liệu bạn có thể nhận thấy sự tương đồng giữa những người theo chủ nghĩa quốc tế ở châu Âu một thế kỷ trước và những người theo chủ nghĩa toàn cầu (Globalists) ở Mỹ một thế kỷ sau không?
Nếu bạn nhìn vào những năm gần đây, đặc biệt là Trump và những người ủng hộ trung thành MAGA như Vance và Bannon, với những lời chế giễu và chỉ trích nhắm vào giới tinh hoa tài chính, văn hóa, trí thức và truyền thông Mỹ, thì tiếng vang của lịch sử dường như đang hòa quyện và vang vọng mạnh mẽ. Sự lên án mạnh mẽ nhất của họ đối với những người theo chủ nghĩa quốc tế/ toàn cầu hoá là việc họ không quan tâm đến sự tồn tại khó khăn của người dân bản địa và nền tảng kinh tế của đất nước, mà lại thúc đẩy việc di dời ngành công nghiệp ra ngoài, để lại khối tài sản khổng lồ ở các thiên đường thuế ngoài biên giới. Hơn nữa, họ còn cố gắng làm hoà tan nền tảng văn hóa tôn giáo của Mỹ, thúc đẩy chiến lược “woke”.
Nhìn lại một thế kỷ trước, hầu hết các khu vực ở Trung và Đông Âu vẫn còn trong giai đoạn sơ khai của công nghiệp hoá, thậm chí (như ở miền Đông nước Nga) còn ở trạng thái xã hội thủ công nghiệp và nông nghiệp. Chính phủ các nước Trung Đông Âu tương đối lạc hậu rất hiểu rằng các doanh nghiệp trong nước thiếu khả năng cạnh tranh và sẽ bị áp đảo hoàn toàn bởi tự do thương mại quốc tế. Nếu tình trạng này xảy ra, những quốc gia kém phát triển này sẽ không giữ được nguồn tăng trưởng kinh tế chậm và nguồn thu thuế của chính phủ, càng không có đủ tài nguyên để nuôi dưỡng một đội quân thường trực mới nổi. Vì vậy, những quốc gia kém phát triển này đã tìm đủ mọi cách để làm chậm lại hoặc thậm chí ngăn chặn sự cạnh tranh tự do từ các doanh nghiệp tiên tiến nước ngoài.
Trường hợp điển hình: Đức từng thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua bộ máy nhà nước
Vì vậy, nằm giữa khu vực Tây Âu phát triển nhất và khu vực Đông Âu lạc hậu, quốc gia lớn nhất là Đức đã đi tiên phong trong việc thực hiện chiến lược kinh tế thương mại nhằm mục đích làm giàu đất nước và củng cố sức mạnh quân sự. Đức áp dụng chính sách công nghiệp do Chính phủ giữ vai trò chủ đạo để chống lại chính sách tự do thương mại do Anh và Hà Lan dẫn đầu, và thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua bộ máy nhà nước. Mô hình cạnh tranh thương mại của Đức không dựa trên các doanh nghiệp tư nhân, mà là dựa trên quốc gia dân tộc. Thương mại quốc tế phải nhằm mục đích nâng cao sức mạnh tổng hợp của quốc gia, đặc biệt là nâng cao tiềm lực quân sự của quốc gia, chứ không phải lấy lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân làm tiêu chuẩn đánh giá sự thành bại.
Mô hình thương mại quốc tế của Đức – hay còn được gọi là chủ nghĩa trọng thương (mercantilism), không chỉ nhanh chóng thành công trong nước, mà còn truyền cảm hứng cho các quốc gia hậu phát triển khác, chủ yếu là Nga và Nhật Bản. Ba quốc gia này đều là những ví dụ điển hình của chủ nghĩa bành trướng và quân phiệt. Giáo sư kinh tế học Alexander Gerschenkron đến từ Đế quốc Nga, người được coi là một trong hai nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong gần 400 năm lịch sử của Đại học Harvard (người còn lại là Joseph Schumpeter), trong tác phẩm “Economic Backwardness in Historical Perspective” đã hệ thống hóa và giải thích rõ ràng lý thuyết về mô hình thương mại quốc tế và chính sách công nghiệp do nhà nước có chủ quyền kiểm soát.
Tăng cường xuất siêu thương mại, mở rộng quân đội, cuối cùng bùng nổ chiến tranh châu Âu.
Trong những năm gần đây, tác phẩm này đã được trích dẫn nhiều lần như một tham chiếu kinh điển để hiểu bối cảnh rộng lớn của các xung đột thương mại quốc tế ngày nay. Tác phẩm nhấn mạnh: “Giống như các ngân hàng Đức, bộ máy quan liêu của Nga chủ yếu quan tâm đến các doanh nghiệp quy mô lớn và các tập đoàn doanh nghiệp… Chính phủ quan tâm đến công nghiệp hóa chủ yếu dựa trên nền tảng chính sách quân sự của mình”. Thương mại quốc tế là một mắt xích cần thiết của nền kinh tế chiến tranh, và thặng dư thương mại của một quốc gia sẽ hỗ trợ cho việc mở rộng quân đội. Sau khoảng 30 năm phấn đấu, Đức đã trở thành cường quốc quân sự chỉ đứng sau Anh, và Nga cũng theo sau sát nút. Không lâu sau, Chiến tranh châu Âu bùng nổ, và các bên tham chiến lại là những quốc gia từng có mối quan hệ thương mại mật thiết, vốn trước đây được cho là sẽ không hành động thiếu suy nghĩ đến mức bắn phá và tàn sát lẫn nhau.
Việc hồi tưởng lại giai đoạn từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 ở châu Âu, khi các quốc gia phát triển muộn mà điển hình là Đức đã xây dựng thế mạnh toàn diện thông qua thương mại xuất khẩu và chính sách công nghiệp. Trong vài thập kỷ gần đây, các dữ liệu này đã được các nhà phân tích Mỹ và Tây Âu sử dụng làm hệ tham chiếu. Họ nhìn lại các chiến lược và chiến thuật dài hạn mà Trung Quốc đã áp dụng trong cạnh tranh quốc tế. Cốt lõi của chiến lược này – theo tổng kết của các viện nghiên cứu phương Tây, chứ không phải là lời mô tả của tác giả – là sử dụng bộ máy nhà nước để lập kế hoạch tổng thể và điều phối toàn diện, lấy các ngân hàng nhà nước làm nguồn tài chính, sử dụng đất công và nguồn nhân lực làm hệ thống cung cấp, và lấy chính sách đối ngoại làm chiếc ô bảo vệ, nhằm thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Kết quả cạnh tranh không được đánh giá dựa trên chi phí và lợi nhuận của từng doanh nghiệp đơn lẻ hay thậm chí từng ngành công nghiệp, mà là việc nâng cao sức mạnh tổng thể của Trung Quốc mới là mục tiêu cao nhất.
Đối mặt với mô hình cạnh tranh toàn diện của các quốc gia như vậy, các doanh nghiệp tư nhân phương Tây như một đám mây tan rã, dễ dàng bị đánh bại từng phần. Trong bài phát biểu tranh cử của mình, Trump đã sử dụng một từ rất gây khó chịu – “Chinarapesus!” – nhưng lại nhận được những tràng vỗ tay nhiệt liệt từ khán giả. Đại diện thương mại chính của Trump trong nhiệm kỳ đầu, Robert Lighthizer (theo dự đoán của các tổ chức nghiên cứu EU, ông sẽ là Bộ trưởng Tài chính trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump), đã nhiều lần giải thích rằng quan niệm tự do thương mại phổ biến ở phương Tây là sai lầm, “No trade is free!” (Không có giao dịch nào là miễn phí!). Nghĩa là, những ai tin vào tự do thương mại quốc tế đều quá ngây thơ, thương mại quốc tế hiện nay là cuộc đấu tranh giữa các quốc gia có chủ quyền, chứ không phải là sự cạnh tranh ai thắng ai thua giữa các doanh nghiệp tư nhân. Những tuyên bố của Trump trong chiến dịch tranh cử về các cuộc xung đột thương mại quốc tế và việc tăng thuế nhập khẩu đều dựa trên quan điểm này.
Vance, đại diện diều hâu của Đảng Cộng hòa có thể thay thế
GS. Đinh Học Lương cho rằng, ngay cả khi Trump không thể trở lại Nhà Trắng, phong trào chính trị và xã hội mà Trump đại diện sẽ không bị suy yếu. Đừng quên rằng, người phó tướng mà Trump chọn, Vance, vừa mới bước qua tuổi 40. Nếu không có gì bất ngờ, ông ấy có thể tiếp tục nỗ lực trong chính trường Mỹ thêm vài chục năm nữa. Trong Đảng Cộng hòa, thế hệ trung niên từ 45 đến 65 tuổi rất nhiều người có lập trường cứng rắn, đa phần tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng. Phần lớn họ là những luật sư có tài hùng biện và thậm chí có vài người từng phục vụ trong quân đội hoặc lực lượng Vệ binh Quốc gia, những người có phong cách chiến binh mạnh mẽ. Họ là những người kế thừa rộng rãi của Trump, ngay cả khi bản thân ông ấy không còn đủ sức chạy đua. Giờ đây, Trump đã thắng cử, tuyên thệ sẽ dùng quyền lực hành pháp để tiếp tục đẩy mạnh phong trào mà ông bắt đầu vài năm trước. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, cụm từ được ông nhắc đến nhiều nhất chính là “phong trào”.
Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ít nhất sẽ kéo dài trong vòng 20 năm tới, và chúng ta cần phải tỉnh táo theo dõi những xu thế lớn. Thuật ngữ “Phong trào chính trị xã hội xuyên thế kỷ” ám chỉ phong trào này bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, trong khi chủ nghĩa Trump và trào lưu mà ông thúc đẩy đã nối liền mạch sống mạnh mẽ với thời đại hiện nay./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Đinh Học Lương, giáo sư danh dự Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, khoa Khoa học Xã hội. Nghiên cứu viên liên kết tại Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Úc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]