Tháng 11 vừa qua, một số cuộc bầu cử quan trọng đã kết thúc. Kết quả của chúng chắc chắn sẽ có những tác động rất lớn đối với tình hình thế giới trong những năm tiếp theo. Đồng thời, tình hình tại các điểm nóng vẫn tiếp tục vận động ngày một phức tạp. Các động thái mới của các chủ thể trong hệ thống quốc tế đã và đang tạo ra những bất ngờ nhất định. Cùng điểm lại một số sự kiện tiêu biểu trong tháng vừa qua cùng Nghiên cứu Chiến lược.
Một số cuộc bầu cử và vấn đề toàn cầu
1. Bầu cử Mỹ kết thúc, chiến thắng cách biệt đối thủ (312 phiếu đại cử tri so với 226 của bà Kamala Harris), ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Sự trở lại của ông Trump được đánh giá là sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong các chính sách của Mỹ những năm tới. Điều này có tác động rất lớn đối với các vấn đề toàn cầu đương đại.
2. Kết quả một số cuộc bầu cử khác:
– Ứng cử viên trung tả thuộc liên minh Mặt trận mở rộng Yamandú Orsi đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Uruguay.
– Bầu cử vòng 1 tại Romania đang chứng kiến sự vươn lên của ứng viên Calin Georgescu. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn cần phải chờ vòng bầu cử thứ 2 sẽ diễn ra trong tháng 12 mới biết được người chiến thắng cuối cùng.
– Tổng tuyển cử sớm ở Sri Lanka kết thúc, đảng NPP của tân Tổng thống Anura Kumara Dissanayake giành chiến thắng. Kết quả này tạo ra kỳ vọng đem lại sự thay đổi mang tính bước ngoặt đối với Sri Lanka trong bối cảnh khủng hoảng.
– Khủng hoảng sau bầu cử quốc hội ở Gruzia. Đảng Giấc mơ Gruzia, đảng tìm cách thiết lập mối quan hệ thực dụng với tất cả các nước láng giềng của đất nước đã giành được 54% số phiếu bầu. Các đảng đối lập thân phương Tây đã từ chối công nhận kết quả. Tổng thống Gruzia Zourabichvili đã từ chối công nhận tính hợp pháp của quốc hội mới được bầu. Điều này khiến Gruzia đang có nguy cơ rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị trầm trọng.
3. Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc (COP 29) đã diễn ra vào trung tuần tháng 11/2024. Đây là một sự kiện quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Nhưng kết quả đạt được trong việc ràng buộc tất cả các thành viên không nhiều. Vẫn còn tồn tại những khác biệt trong cách tiếp cận các vấn đề môi trường, khí hậu của các quốc gia trên thế giới.
NHỮNG DIỄN BIẾN MỚI TẠI CÁC KHU VỰC CHIẾN LƯỢC
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
4. Việt Nam – Malaysia nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Việc nâng cấp quan hệ diễn ra nhân chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 21 đến ngày 23/11/2024. Qua đó, Malaysia trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, nâng tổng số các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam hiện nay lên con số 9: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia.
5. Nga, Malaysia tập trận chung ở Biển Đông. Ngày 26/11/2024, Hải quân Nga đã tiến hành tập trận chung PASSEX với Hải quân Malaysia ở Biển Đông. Đây là dịp Hải quân Nga có thể giới thiệu tới đối tác của họ tàu ngầm chạy bằng điện-diesel thế hệ thứ 3 thuộc lớp Kilo II.
6. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM lần thứ 18) và Hội nghị Bộ trường Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+ lần thứ 11) được tổ chức tại Lào. Loạt Hội nghị lần này nhằm thảo luận về nhiều vấn đề an ninh khu vực, bao gồm cả tình hình căng thẳng tại Biển Đông. Các nước tham gia nhấn mạnh việc duy trì đối thoại và hợp tác trong khu vực để giảm thiểu căng thẳng và thúc đẩy quản lý xung đột hiệu quả.
7. Căng thẳng Biển Đông mở rộng trên mặt trận pháp lý. Ngày 10/11/2024, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về “đường cơ sở của lãnh hải tiếp giáp bãi cạn Scarborough”. Trước đó, Tổng thống Philippines cũng đã ký ban hành đạo luật các vùng biển, đạo luật về luồng hàng hải vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo này. Liên quan đến các sự kiện này, Việt Nam tiếp tục tuyên bố khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
8. Nga – Trung Quốc tiếp tục “nắn gân” Mỹ và các đồng minh của Washington ở Đông Bắc Á. Theo đó, hai “cường quốc lục địa” đã tiến hành các hoạt động tuần tra chung trên không bằng các phương tiện chiến lược. Đáp lại, Mỹ và các đồng minh đều đưa ra các tuyên bố phản đối và chỉ trích các động thái từ Nga và Trung Quốc.
9. Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng khi các bên liên tục có những động thái tăng cường quan hệ liên minh. Đặc biệt, liên minh giữa Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc đang bày tỏ mối lo ngại về việc quan hệ Nga – Triều Tiên đã tăng tốc nhanh chóng. Cụ thể, Triều Tiên được cho là đã triển khai quân đội hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine. Ngược lại, Nga đã đẩy nhanh tiến độ các hoạt động giúp tăng cường năng lực quân sự và kinh tế của Triều Tiên. Những ngày cuối tháng 11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov đã có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng.
Châu Âu – Đại Tây Dương
10. Được Mỹ và phương Tây cho phép, Ukraine tấn công tên lửa vào lãnh thổ Nga. Theo đó, Ukraine đã phóng 7 tên lửa vào vùng Kursk của Nga trong cuộc không kích quy mô lớn vào đêm 24/11. Phía Nga sau đó đã công bố họ đã đánh chặn, phá hủy nhiều tên lửa và máy bay không người lái của Ukraine.
11. Đáp trả, Nga tấn công Ukraine bằng tên lửa đạn đạo tầm trung “Oreshnik”. Đây là một cuộc tấn công quân sự mang nhiều ý nghĩa chính trị lớn. Động thái của Nga đã khẳng định họ có năng lực răn đe đặc biệt, các đối thủ hoàn toàn không có khả năng phòng thủ trước các đòn tấn công như vậy. Tên lửa Oreshnik được cho là có tầm bắn khoảng 5.500km, tốc độ pha cuối đạt trên 10 Mach. Tên lửa này có thể mang theo nhiều đạn, và mỗi đạn mang theo 6 đầu đạn thông thường. Trong cuộc tấn công này, Nga sử dụng các đầu đạn động năng. Các đầu đạn được cho là đều đã bắn trúng đích với độ chính xác gần như tuyệt đối. Đòn đánh này có thể tạo ra một gánh nặng tâm lý lớn đối với Ukraine và các nước phương Tây.
12. EU lần đầu tiên dùng ngân sách để mua sắm vũ khí chung. Theo EC, khối này đã đầu tư khoảng 300 triệu euro để hỗ trợ các nhóm tối đa gồm chín quốc gia thành viên mua các hệ thống phòng không, xe bọc thép và đạn pháo. Tuy nhiên, một phần trong số đó sẽ được gửi đến Ukraine để giúp nước này chống lại các lực lượng của Liên bang Nga.
13. Quan chức NATO kêu gọi giới doanh nghiệp sẵn sàng cho “kịch bản thời chiến”. Tuyên bố này được nêu ra bởi Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 25/11/2024. Vị Đô đốc này cho rằng việc có thể đảm bảo mọi dịch vụ và hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống chính là một phần quan trọng trong chiến lược răn đe của NATO.
14. Tổng Thư ký NATO – ông Mark Rutte có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ngày 23/11/2024, cuộc gặp gỡ này đã diễn ra tại bang Florida để thảo luận về “các vấn đề an ninh toàn cầu mà liên minh phải đối mặt”. Động thái này có ý nghĩa quan trọng đối với việc định hình chiến lược hoạt động của NATO trong những năm tới, nhất là làm rõ nghi ngờ rằng liệu Mỹ có rút khỏi NATO như những lời đồn đoán hay không.
15. Giới chuyên gia: NATO có thể sẽ phải nâng chi phí quốc phòng lên mức 3%. Tại Hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Praha được Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức trong tháng 11/2024, các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia đã nhất trí rằng, mục tiêu 2% GDP mà NATO đặt ra từ cách đây 10 năm hiện không thể đáp ứng được các nhu cầu thực tế của NATO. Con số cần thiết trong bối cảnh hiện nay có thể phải nâng lên mức 3%.
16. NATO tập trận pháo binh quy mô lớn tại Phần Lan. Cuộc tập trận đã được diễn ra từ ngày 17/11, đây là lần đầu tiên kể từ khi NATO kết nạp Phần Lan vào tổ chức. Cuộc tập trận thu hút sự tham gia của 3.600 binh sĩ tới từ Phần Lan, Mỹ, Thụy Điển, Anh, Pháp và một số thành viên NATO khác. Đây được xem là động thái thử nghiệm khả năng hợp tác của các thành viên mới trong bối cảnh đối đầu NATO – Nga đang gia tăng.
Trung Á, Trung Đông và Châu Phi
17. Israel và Hezbollah tạm thời đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Lệnh ngừng bắn này bắt đầu có hiệu lực từ 4h00 ngày 27/11/2024 (theo giờ địa phương). Mặc dù đồng thái này tạo ra nhiều kỳ vọng cho việc giải quyết xung đột ở khu vực, nhưng con đường đi tới hòa bình ở dải Gaza và các khu vực lân cận khó có thể đạt được trong ngắn hạn.
18. Iran huy động lực lượng quân đội đông đảo tham gia tập trận. Theo đó, hơn 60.000 quân Basij thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiến hành giai đoạn cuối cùng của cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 2 ngày ở tỉnh Khuzestan, phía Tây Nam nước này, bắt đầu từ ngày 21/11/2024.
19. Iran tuyên án tử hình đối với 4 người vì tội làm gián điệp cho Israel. Hãng thông tấn Fars ngày 6/11/2024 đưa tin 3 trong số 4 người này bị cáo buộc đã tiếp tay cho Cơ quan tình báo Mossad của Israel thực hiện vụ ám sát nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh năm 2020. Và người thứ 4 bị kết án tử hình liên quan đến một vụ việc gián điệp khác.
20. Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia Turkic (The Organization of Turkic States – OTS) lần thứ 11 được tổ chức tại Kyrgyzstan. Hội nghị lần này có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và hai nước quan sát viên Hungary và Turkmenistan. Ngay trong dịp này, Kyrgyzstan và Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Châu Mỹ
21. Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2024 được tổ chức tại Lima, Peru. Sự kiện này cũng đã đánh dấu mốc kỷ niệm 35 năm xây dựng và phát triển của APEC. Các hội nghị cấp cao của Tuần lễ đã được tập trung tổ chức trong các ngày từ 14 đến 16/11/2024. Chủ đề của năm APEC 2024 được chủ nhà Peru lựa chọn là “Trao quyền – Bao trùm – Tăng trưởng”, các ưu tiên chính gồm: Thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối; Đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu; Tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường cũng đã tham dự và có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm nâng tầm vị thế của Việt Nam trong diễn đàn.
22. Hậu bầu cử, tình hình Venezuela tiếp tục phức tạp. Trong khi Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, thì Mỹ và phương Tây đã không công nhận kết quả bầu cử. Đỉnh điểm, ngày 21/11/2024, Mỹ đã công nhận ứng viên đối lập là ông Edmundo Gonzalez mới là Tổng thống của Venezuela. Các quốc gia quan tâm đến vấn đề Venezuela đã nhanh chóng bị phân hóa theo hai tuyến: ủng hộ ông Nicolas Maduro hoặc Edmundo Gonzalez. Tình thế ở Venezuela đang có nguy cơ không chỉ khiến đất nước này lâm vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, mà còn có thể làm rạn nứt mối quan hệ trong nội bộ khu vực Mỹ Latinh. Hơn nữa, các nước lớn, đặc biệt là Mỹ cũng đang có xu hướng gia tăng can thiệp vào tình hình chính trị ở quốc gia này.
23. Brazil nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu với Trung Quốc, cùng nhau xây dựng cộng đồng tương lai chung. Việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước được thực hiện nhân chuyến thăm Brazil của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên đã ký kết tới 37 thỏa thuận trong các lĩnh vực. Brazil đang trở thành một cửa ngõ quan trọng đối với tham vọng mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở khu vực Nam Mỹ.
Một số hướng nghiên cứu đề xuất
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
– Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
– Diễn biến quân sự mới tại các điểm nóng xung đột, phân tích các khía cạnh sự phát triển nghệ thuật quân sự, phương thức tổ chức chiến tranh, sự phát triển của khoa học-kỹ thuật quân sự.
– Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
– Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn (Mỹ-Trung-Nga; EU, Ấn Độ, Nhật Bản…) thời gian tới.
Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác. Hãy chia sẻ quan điểm nghiên cứu của bạn và gửi về địa chỉ mail: [email protected]
TM. Ban Biên tập