BBT Nghiên cứu Chiến lược – Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động đối ngoại của Campuchia đã có những biểu hiện “không trùng khớp” với lập trường của Trung Quốc. Điều đó làm dấy lên những nghi ngờ về việc Phnôm Pênh đang cố gắng tìm cách thoát khỏi sự ảnh hưởng, phụ thuộc vào Bắc Kinh – điều vốn dĩ đã được giới nghiên cứu ngầm công nhận trong thập kỷ qua. Trên thực tế, những dấu hiệu của việc “thoát Trung” đã thể hiện như thế nào, và ông Hunsen thực sự đang muốn thể hiện điều gì? Hãy cùng Nghiên cứu Chiến lược tham khảo qua bài viết dưới đây:
Liệu Campuchia có thể thực sự hình thành một chính sách đối ngoại tách biệt với Trung Quốc hay không và điều này sẽ tác động thế nào đến thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Campuchia trong tương lai?
Campuchia đã được coi là một quốc gia thân tín của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ vì lập trường thân Bắc Kinh và nền kinh tế phụ thuộc sâu sắc vào nước láng giềng khổng lồ. Campuchia đặc biệt trân trọng tình hữu nghị sắt son với Trung Quốc. Bắc Kinh đã đóng góp tới 44% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Campuchia từ năm 1994 đến năm 2021. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia với khối lượng thương mại song phương tăng đáng kể vào năm 2022, bất chấp tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và chiến tranh ở Ukraine. Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà cung cấp khoản vay ưu đãi và viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Campuchia.
Khi Campuchia đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào cuối năm 2021, nhiều người đã cho rằng, nước này sẽ lặp lại thất bại năm 2012 khi ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung về lập trường của tổ chức khu vực này đối với vấn đề Biển Đông. Campuchia chịu trách nhiệm về việc phá vỡ tuyên bố chung. Tuy nhiên, trái ngược với những kỳ vọng này, Campuchia đã thể hiện một chính sách đối ngoại có phần độc lập và tránh xa ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2022. Đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh đối với một quốc gia vừa tìm được chỗ đứng trong ngoại giao quốc tế.
Campuchia bắt đầu năm chủ tịch với chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen tới Myanmar vào tháng 1 năm 2022 để gặp chính quyền quân sự Min Aung Hlaing. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia ASEAN kể từ cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021, và nhiều người đã chỉ trích ông Hun Sen vì đã vượt quá vai trò Chủ tịch ASEAN khi chuyến thăm này đã ngầm công nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự tại Myanmar. Nhiều người nghi ngờ rằng, chuyến thăm Myanmar của Hun Sen là theo lệnh của Trung Quốc: Trung Quốc đã cố gắng vận động các quốc gia ASEAN chấp thuận để người đứng đầu chính quyền quân Myanmar tham gia tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc vào tháng 11 năm 2021.
Mặc dù là một động thái phá băng, nhưng chuyến thăm của Hun Sen không thể tạo ra bất kỳ bước tiến nào trong việc thực hiện Đồng thuận Năm điểm mà các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. Việc chính quyền quân sự Myanmar hành quyết các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ vào tháng 7 năm 2022 đã trở thành một bước ngoặt đối với Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Sự kiện này cung cấp những bài học quý giá trong việc cân bằng lợi ích trong nước, vai trò lãnh đạo khu vực và ảnh hưởng của Trung Quốc một cách cân bằng hơn. Campuchia đã nhanh chóng điều chỉnh cách tiếp cận của mình đối với Myanmar, tái can dự với các đối tác ASEAN và tiếp tục không mời chính quyền quân sự tham dự các cuộc họp của ASEAN.
Tuy nhiên, sự độc lập của Campuchia khỏi Trung Quốc thể hiện rõ ràng nhất trong việc giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine. Đáng ngạc nhiên, Campuchia liên tục lên án cuộc tấn công Ukraine của Nga và bỏ phiếu công nhận chủ quyền của Ukraine trong các Nghị quyết ES-11/1 và ES-11/4 của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần lượt vào tháng 3 và tháng 10 năm 2022. Có thể Trung Quốc đã kỳ vọng vào việc Campuchia sẽ ủng hộ Trung Quốc trong việc từ chối lên án các hành động của Nga hoặc giữ thái độ trung lập vì mối quan hệ tương đối thân thiện của Thủ tướng Hun Sen với Moscow.
Campuchia là một trong số ít quốc gia ASEAN đã viện trợ nhân đạo cho Ukraine bằng cách huấn luyện chống bom mìn. Campuchia cũng tạo điều kiện thuận lợi cho Ukraine gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC). Mặc dù mang tính tượng trưng rộng rãi, nhưng việc Ukraine gia nhập TAC đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Moscow rằng, ASEAN tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cả hai nguyên tắc cốt lõi của TAC. Bằng cách này, Campuchia củng cố kỳ vọng về sự công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, đặc biệt là khi có xung đột biên giới với hai nước láng giềng mạnh hơn là Thái Lan và Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Campuchia đã thực hiện một số quyền tự quyết để tránh xa ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc, đặc biệt là khi không phải trả giá cho những động thái này. Đây là một hướng tích cực cho chính sách đối ngoại của đất nước và là một lợi ích tiềm năng cho tính hợp pháp của Hun Sen, củng cố quyền lực trong Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và di sản cho thế hệ sau. Hun Sen đang dọn đường cho việc chuyển giao quyền lực cho con trai cả Hun Manet và tạo những yếu tố thuận lợi cho người con này chiếm được lòng tin của người dân.
“Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Campuchia cần tính hợp pháp trong nước và quốc tế để tiếp tục “đa dạng hóa” chính sách đối ngoại của Campuchia và chứng tỏ rằng, nước này sẽ không đặt tất cả trứng vào một rổ của Trung Quốc”.
Theo Khảo sát Nhà nước Đông Nam Á năm 2023 của Viện ISEAS-Yusof Ishak, hơn 90% người Campuchia được khảo sát tán thành phản ứng của chính phủ họ đối với cuộc chiến Nga-Ukraine. Đây là mức đánh giá cao nhất trong số các nước ASEAN, thậm chí cao hơn cả Indonesia – nước chủ trì tiến trình G20 năm ngoái và Tổng thống Joko Widodo đã tiến hành ngoại giao con thoi làm trung gian giữa Kiev và Moscow nhưng chỉ nhận được 51,2% đánh giá tán thành từ người dân Indonesia. Singapore, quốc gia thành viên ASEAN duy nhất áp đặt các biện pháp trừng phạt rõ ràng đối với Nga, nhận được tỷ lệ ủng hộ 68,3%. Ngược lại, Thái Lan, quốc gia bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc để lên án việc sáp nhập của Nga, chỉ nhận được 26,4% tỷ lệ ủng hộ.
Sự thay đổi quan điểm của Campuchia đối với Ukraine không phải là một quyết định vội vàng mà được thực hiện với sự tính toán chiến lược cẩn trọng nhằm thực hiện độc lập ngoại giao và lợi ích trong nước. Phương Tây ca ngợi Campuchia về bước đi bất ngờ và táo bạo này. Ban lãnh đạo Campuchia hiện nay mở đường cho các mối quan hệ được cải thiện với phương Tây là sự chuẩn bị tuyệt vời cho nội các Hun Manet sắp tới.
Nhìn chung, nỗ lực của Hun Sen nhằm giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào ảnh hưởng của Trung Quốc dường như đã cho thấy một số kết quả tích cực. Thứ nhất, khả năng lãnh đạo của ông và tính hợp pháp của CPP đã được củng cố với sự tin tưởng ngày càng tăng của người dân đối với đường lối chính sách đối ngoại của ông, như cuộc khảo sát của ISEAS cho thấy. Thứ hai, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đã hỗ trợ sự phát triển kinh tế xã hội của Campuchia trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, mong muốn phát triển của Vương quốc này không nhất thiết dẫn đến việc Campuchia phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, hiệp định thương mại tự do năm 2022 của Campuchia với Hàn Quốc và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực dự kiến sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này.
Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, hơn bao giờ hết, việc hàn gắn quan hệ với các nước phương Tây và tăng cường can dự với các cường quốc khu vực ngoài Trung Quốc để đảm bảo an ninh và kinh tế trong tương lai là thời điểm thích hợp hơn bao giờ hết đối với Campuchia. Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Campuchia cần tính hợp pháp trong nước và quốc tế để tiếp tục “đa dạng hóa” chính sách đối ngoại của mình và để chứng tỏ rằng Campuchia sẽ không đặt tất cả trứng vào một rổ của Trung Quốc.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Melinda Martinus là Trưởng nhóm nghiên cứu về các vấn đề văn hóa xã hội tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, ISEAS – Viện Yusof Ishak.
Chhay Lim là Nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chính sách Công, Đại học Hoàng gia Phnom Penh/Campuchia.