Ngày 24/8 vừa qua, tại cuộc họp đầu tiên của nội các Chính phủ Hoàng gia Campuchia khóa 7, tân Thủ tướng Hun Manet đã chính thức công bố triển khai thực hiện Chiến lược Ngũ giác – Giai đoạn 1 nhằm thúc đẩy phát triển các khía cạnh kinh tế-xã hội, từng bước đưa Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập được nâng cao trong những năm tới[1]. Được xây dựng dựa trên nền tảng của các Chiến lược Tam giác và Tứ giác, Chiến lược Ngũ giác được ra đời với mục đích xác định lại bối cảnh chính trị của Campuchia và thúc đẩy các khía cạnh kinh tế-xã hội của đất nước hướng tới mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2050[2]. Bài viết này góp phần làm rõ thêm những nội dung chính của Chiến lược Ngũ giác và hàm ý đối với Việt Nam.
Đánh giá về các xu hướng toàn cầu trong Chiến lược Ngũ giác – Giai đoạn 1
Về chính trị, các nhà hoạch định chiến lược của Campuchia nhận định rằng tình hình địa chính trị toàn cầu đang ngày càng căng thẳng. Sự kình địch giữa các siêu cường, sự chia rẽ và đấu tranh giữa xu hướng toàn cầu hóa đa cực và xu hướng chủ nghĩa bảo hộ đơn cực đã làm cho trật tự toàn cầu trong tương lai trở nên phức tạp và khó khăn để đánh giá. Hơn nữa, xu hướng như vậy có thể dẫn tới sự thay đổi theo hướng phi toàn cầu hóa, với việc khu vực hóa trở thành một xu hướng mới. Sự thay đổi này sẽ tác động đến các lĩnh vực kinh tế, thương mại, an ninh và quan hệ ngoại giao, từ đó dẫn đến các nước có nền kinh tế nhỏ với định hướng xuất khẩu là đối tượng chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất.
Các thể chế quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, đang phải đối mặt với sự mất niềm tin từ các quốc gia thành viên trong việc giải quyết những thách thức nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, sự cạnh tranh giữa các siêu cường còn làm suy yếu trật tự quốc tế cũng như các cơ chế đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Các siêu cường cũng gây áp lực lên bất kỳ nỗ lực nào nhằm theo đuổi một chính sách đối ngoại dựa trên nguyên tắc trung lập và không liên kết. Song song với đó, các nước đang phát triển cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại và công nghệ chính sách do ảnh hưởng của các biện pháp đơn phương, các biện pháp cưỡng chế ngoài lãnh thổ cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế, những thứ đã can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, dưới chiêu bài là các giá trị dân chủ và nhân quyền.
Về địa kinh tế, cấu trúc kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng khi trung tâm tăng trưởng toàn cầu đang chuyển dịch về phía châu Á. Các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là BRICS, đang có những đóng góp lớn cho tăng trưởng toàn cầu. Trong khi đó, các nền kinh tế do phương Tây dẫn dắt, đặc biệt là G7, có khả năng tiếp tục giảm tốc. Ngoài ra, xu hướng chủ nghĩa bảo hộ và phân mảnh địa kinh tế có thể đẩy nhanh dòng chảy phi toàn cầu hóa và thúc đẩy xu hướng khu vực hóa, từ đó sẽ tác động đến các dòng hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các chuỗi cung ứng, sản xuất khu vực và toàn cầu đang trong quá trình tái cơ cấu khi các cơ sở sản xuất ngày càng dịch chuyển về nước sở tại hoặc sang các nước đồng minh do các yếu tố địa chính trị, nhất là với các hàng hóa chiến lược. Đồng thời, hệ thống thanh toán quốc tế cũng có nguy cơ tách rời thành các khu vực khác nhau, có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả thanh toán, trong khi việc thành lập các tổ chức tài chính quốc tế mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển. Trong bối cảnh đó và trước hệ quả của các xu hướng trên, Campuchia phải xem xét lại cách tiếp cận và chiến lược phát triển mới, đặc biệt là thích ứng với các cơ cấu kinh tế, tài chính mới ngày càng phức tạp và khó dự đoán hơn trong tương lai.
Về chuyển đổi kỹ thuật số, hòa cùng đà chuyển đổi số khu vực và toàn cầu, sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa sẽ thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ số trong các hoạt động kinh tế, doanh nghiệp và quản trị. Trong hai thập kỷ qua, công nghệ số đã trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động kinh tế – xã hội. Gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, công nghệ kỹ thuật số đã tạo điều kiện thuận lợi gấp đôi cho các hoạt động kinh tế, kinh doanh và đời sống của người dân. Nhìn chung, việc áp dụng nhanh chóng công nghệ số trong các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nhân và người tiêu dùng, đã đồng thời nổi lên như một xu hướng mạnh mẽ ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, mặc dù tiến độ áp dụng là không đồng đều giữa các khu vực địa lý. Trong tương lai, các quốc gia sẽ thúc đẩy số hóa và chuyển đổi kỹ thuật số để thúc đẩy các lĩnh vực quan trọng khác của mình, thông qua việc ưu tiên xây dựng chính phủ, nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số, từ đó sẽ giúp tăng năng suất và xây dựng một nền kinh tế-xã hội vững mạnh.
Về môi trường và biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu đã trở thành một xu hướng lớn trên toàn cầu. Sự bền vững của môi trường toàn cầu đang bị đe dọa bởi ô nhiễm, sự xói mòn tài nguyên thiên nhiên, mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sự phát triển kinh tế xã hội như di cư, an ninh nguồn nước, lương thực và năng lượng, v.v. Về vấn đề này, thế giới hiện nay và trong tương lai cần tăng cường hợp tác về các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm ngăn chặn và trấn áp nạn khai thác gỗ trái phép; khuyến khích trồng cây xanh; thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch; v.v[3].
Từ những đánh giá về các xu hướng nổi bật trên thế giới, có thể thấy rằng, với những nhận định về sự chuyển dịch kinh tế cũng như xu hướng khu vực hóa dần thay thế cho toàn cầu hóa, Campuchia nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh và chú trọng hợp tác hơn với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á. Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển bền vững, Campuchia cũng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong đa dạng các lĩnh vực và nỗ lực trong việc chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu.
Năm ưu tiên cốt lõi của chiến lược
Ngoài các mục tiêu giống như trong Chiến lược Tứ giác là “Tăng trưởng, Việc làm, Công bằng và Hiệu quả”, Chiến lược Ngũ giác đã đưa thêm một mục tiêu mới là phát triển “bền vững” nhằm giải quyết các nhu cầu ngày càng tăng của quốc gia. Để hiện thực hóa được điều này, Chính phủ Campuchia đã xác định 5 ưu tiên cốt lõi cần tập trung phát triển trong giai đoạn 1 là: “con người, đường sá, nước, điện và công nghệ”. Với các mục tiêu và ưu tiên đó, yêu cầu được đặt ra cho Campuchia là cần thắt chặt hơn nữa quan hệ với các quốc gia láng giềng và các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là với Trung Quốc.
Trung Quốc là nhà tài trợ, nhà cho vay, nhà đầu tư và đối tác thương mại song phương lớn nhất của Campuchia. Kể từ đầu thế kỷ XXI, với sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, quân sự và chính trị, Trung Quốc đã triển khai các chiến lược “hướng Nam”, “Chuỗi Ngọc trai”, sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhằm gia tăng ảnh hưởng tại Châu Á – Thái Bình Dương. Campuchia, với vị trí địa chiến lược của mình, đã trở thành viên ngọc trai quan trọng trong “Chuỗi Ngọc trai” của Trung Quốc. Vì vậy, trong suốt hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Campuchia, gia tăng sự lệ thuộc của quốc gia này vào Trung Quốc, với mục đích thông qua Campuchia để hiện thực hóa các mục tiêu chính trị và chiến lược đối với khu vực Đông Nam Á[4]. Ở chiều ngược lại, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc đã giúp cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc của Campuchia vào các nước phương Tây, vốn thường viện trợ đi kèm với điều kiện phải bảo vệ nhân quyền và các thể chế dân chủ trong nước[5].
Campuchia đã tham gia đầy đủ và tích cực vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bởi các cơ hội phát triển kinh tế được mà nó mang lại. Tính đến cuối năm 2017, hơn 2.000 km đường bộ, 7 cây cầu lớn và bến container mới tại Cảng tự trị Phnom Penh đã được xây dựng với sự hỗ trợ từ Trung Quốc[6]. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng cam kết giúp Campuchia đầu tư xây dựng 400 km đường xe lửa. Vào tháng 2 năm nay, nhân dịp kỉ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung về việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc – Campuchia cùng chung vận mệnh trong kỷ nguyên mới. Một trong những nội dung của tuyên bố là Trung Quốc sẽ hỗ trợ Campuchia trong các công việc sơ bộ về quy hoạch, thiết kế và nghiên cứu tính khả thi nhằm thúc đẩy xây dựng các tuyến đường sắt và các dự án mang lại lợi ích cho sinh kế của người dân dọc tuyến đường. Hai bên cũng mong muốn sớm kết nối tuyến đường sắt của Campuchia với tuyến đường nối Trung Quốc – Lào – Thái Lan[7].
Về khía cạnh năng lượng, tính đến năm 2017, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia trên lĩnh vực năng lượng với số vốn đầu tư hơn 7,5 tỷ USD trong các dự án thủy điện và 4 tỷ USD trong các nhà máy điện than. Các công ty Trung Quốc cũng đầu tư vào 5 nhà máy nhiệt điện ở Campuchia với công suất 1.733 megawatt[8]. Tại hội trợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 14 năm 2017, Campuchia đã ký một biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân. Nguồn cung cấp điện vào thời điểm đó của Campuchia được cho không thể đáp ứng nhu cầu điện cơ bản, trong khi các lĩnh vực bao gồm y tế, nông nghiệp và công nghiệp yêu cầu “nâng cấp toàn diện”[9]. Thêm vào đó, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Khắc Cường Nhân dịp kỉ niệm 60 năm thiết lập quan hệ vào năm 2018, Chính phủ Campuchia và Tập đoàn máy móc hạng nặng quốc gia Trung Quốc đã kí kết hợp đồng Mua sắm và Xây dựng Kỹ thuật (EPC) cho Dự án Đường dây truyền tải 500 kV trục chính và tiểu vùng[10].
Về mặt công nghệ, cũng trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Lý Khắc Cường vào năm 2018, hai nước đã kí kết biên bản ghi nhớ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của Trung tâm chuyển giao công nghệ Campuchia-Trung Quốc. Bên cạnh đó, trong tuyên bố chung vào tháng 2 năm nay, hai nước nhất trí thực hiện Thỏa thuận hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới giữa hai chính phủ trên cơ sở bình đẳng, công bằng và cùng có lợi, bao gồm việc tổ chức Cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban hỗn hợp Trung Quốc-Campuchia về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong chuyển giao công nghệ và giao lưu nhân dân trong lĩnh vực này[11].
Hơn thế nữa, về khía cạnh con người, đầu tư của Trung Quốc đã tạo ra cơ hội việc làm cho gần một triệu lao động Campuchia. Trong lĩnh vực giáo dục, từ năm 2004 đến 2017, Trung Quốc đã cấp hơn 1.000 suất học bổng cho sinh viên Campuchia theo học tại Trung Quốc và hơn 700 suất học bổng đào tạo ngắn hạn. Một số chương trình trao đổi khác đã được thực hiện giữa các quan chức chính phủ, giới truyền thông, thanh niên và học giả với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Trung Quốc[12].
Với những mục tiêu trong giai đoạn 1 của Chiến lược Ngũ giác, Việt Nam cũng sẽ là một trong những đối tác quan trọng của Campuchia. Mặc dù kim ngạch thương mại Campuchia-Việt Nam tương đối thấp so với kim ngạch thương mại giữa Campuchia và Trung Quốc, Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Campuchia và là đối tác lớn nhất trong ASEAN.
Về lĩnh vực năng lượng, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Vương quốc Campuchia vào năm 2017, hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển các dự án nhà máy điện, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện. Thông qua Bản ghi nhớ, hai bên cũng thúc đẩy nghiên cứu các phương án kết nối điện giữa Việt Nam và Campuchia nhằm hỗ trợ cho việc trao đổi điện năng, vận hành ổn định lưới điện[13]. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là nhà cung cấp điện cho Thủ đô Phnom Penh bằng đường dây trung thế (35 kV, 22 kV) dọc biên giới Việt Nam – Campuchia và đường dây 220 kV Châu Đốc – Tà Keo[14].
Về hợp tác trên lĩnh vực tài nguyên nước, Việt Nam là quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong và có đường biên giới với Campuchia dài 1.137 km. Trên đường biên giới đó, có khoảng hơn 580 km với 31 sông suối biên giới từ Tây Nguyên về Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó 26 nhánh sông dài khoảng 360 km thuộc lưu vực sông Mekong và 7 sông suối biên giới thuộc khu vực Bình Phước – Tây Ninh dài khoảng 220 km. Việt Nam và Campuchia đã đưa vào chương trình nghị sự của các phiên họp liên Chính phủ những nội dung phối hợp, hợp tác sử dụng, khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan trên sông Mekong nhằm hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. Hai bên đã thực hiện các hợp tác trao đổi và hỗ trợ cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan nhằm góp phần tăng cường hợp tác khu vực. Từ năm 2001, Việt Nam và Campuchia đã thống nhất cùng nhau xây dựng một Hiệp định về quy chế sử dụng nước dọc biên giới hai nước[15].
Trên lĩnh vực chuyển đổi số, hai nước đã cam kết mở rộng hợp tác về phát triển nhân lực số, nâng cao kỹ năng số, phổ cập hiểu biết về số cho người dân. Hình thức hợp tác sẽ thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, chia sẻ các nội dung, tài liệu đào tạo, hỗ trợ phát triển các nền tảng số, đặc biệt là nền tảng MOOC (Massive Open Online Course) dành cho đào tạo trực tuyến[16].
Về khía cạnh giáo dục, Việt Nam và Campuchia đã ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giai đoạn 2021-2025[17]. Theo số liệu năm 2022, Trung bình mỗi năm Chính phủ Việt Nam dành 120 học bổng cho du học sinh Campuchia. Hiện có khoảng 1.000 sinh viên Campuchia đang học tại các trường đại học của Việt Nam[18].
Chủ trương trong chính sách đối ngoại
Trên cơ sở đánh giá các xu hướng của thế giới cũng như khu vực và để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược Ngũ giác – Giai đoạn 1 đã nêu ra chủ trương trong chính sách đối ngoại của Campuchia trong thời gian tới.
Theo đó, Campuchia sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập và dựa trên luật lệ, chống mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài, xây dựng tình hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế, đồng thời tích cực góp phần thúc đẩy sự nghiệp hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Với khu vực Đông Nam Á, Campuchia mong muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng nhằm đạt được tầm nhìn biến biên giới thành khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng[19]. Campuchia sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề biên giới với các nước láng giềng trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Về biên giới trên đất liền, hiện nay, Campuchia và Việt Nam đang nỗ lực đàm phán để giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% đường biên giới còn lại[20]. Với biên giới trên biển, Campuchia và Thái Lan đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề chủ quyền ở một số vùng biển thuộc vịnh Thái Lan[21].
Nhìn chung, chính sách đối ngoại của Campuchia vẫn trung thành với những nguyên tắc cũ, chưa có dấu hiệu hay cơ sở nào cho thấy sẽ có sự thay đổi đáng kể trong tương lai gần. Chính sách đối ngoại của Campuchia vẫn tiếp tục gắn bó mật thiết với các quốc gia trong khu vực, nhất là với Trung Quốc.
Với việc sử dụng “ngoại giao quà tặng”, “đổi viện trợ lấy sự ủng hộ về chính trị”, Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng của mình tại Campuchia, từ đó gặt hái được nhiều thành công, nhất là về vấn đề Biển Đông. Năm 2012, khi Campuchia là Chủ tịch luân phiên ASEAN, do sự tác động của Trung Quốc, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45), Campuchia đã không đồng ý đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào Tuyên bố chung của ASEAN[22]. Thêm vào đó, đối với vấn đề Đài Loan gần đây, Campuchia đã nhấn mạnh lập trường nhất quán và kiên định tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, coi các vấn đề liên quan đến Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là công việc nội bộ và thuộc quyền chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đồng thời, Campuchia cam kết “ủng hộ Trung Quốc trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình và ủng hộ việc Trung Quốc đưa ra phản ứng kiên quyết với “các hành động khiêu khích của Mỹ”[23].
Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Campuchia vào Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới khu vực ASEAN. Trung Quốc có thể tác động tới quan điểm của Phnom Penh trong các vấn đề Biển Đông hoặc thông qua Campuchia tác động đến đoàn kết nội bộ ASEAN. Thêm vào đó, việc Trung Quốc tăng cường viện trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Campuchia, cùng với sự hiện diện tăng cường trong khu vực có thể là một thách thức an ninh không nhỏ đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Với Việt Nam, sự gia tăng yếu tố Trung Quốc cũng có tác động đến quan hệ với Campuchia. Sự gia tăng các hoạt động thương mại kinh tế của Trung Quốc ở Campuchia gây ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam ở Campuchia bởi nước này đã dành cho các doanh nghiệp Trung Quốc những ưu đãi hơn các doanh nghiệp Việt Nam, khiến cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc. Bên cạnh đó, khả năng Trung Quốc có thể tác động đến nội bộ ASEAN cũng có thể ảnh hưởng tới Việt Nam trong quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là về quan điểm trong giải quyết các vấn đề gai góc liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông [24].
Hàm ý đối với Việt Nam
Với những nội dung trong giai đoạn 1 của Chiến lược Ngũ giác, Việt Nam vẫn sẽ đóng vai trò là một đối tác quan trọng của Campuchia trong ASEAN. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển mạnh về kinh tế, trong đó Trung Quốc là một đối tác quan trọng, không loại trừ Chiến lược Ngũ giác sẽ khiến Campuchia ngày càng hướng sự quan tâm nhiều hơn tới những lợi ích trong hợp tác với Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần có các biện pháp phù hợp để củng cố mối quan hệ bền chặt với Campuchia, phát huy những thế mạnh trong quan hệ hai nước và hạn chế những tác động tiêu cực có thể có đến Việt Nam. Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hợp tác với Campuchia trên đa dạng các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực thuộc ưu tiên phát triển của Campuchia, đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh biên giới chung trên đất liền và trên biển, cũng như chủ động đàm phán, thúc đẩy sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên bộ giữa hai nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần chủ động đóng góp, nâng cao chất lượng các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN. Việc tăng cường các cơ chế hợp tác chặt chẽ vì lợi ích chung sẽ góp phần tăng sự đoàn kết, thống nhất trong ASEAN trong giải quyết những vấn đề của khu vực [25].
Tác giả: Hải Hoàng
Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi tới Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Hiệp-Sơn Xinh (2023), “Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/post-768947.html
[2] Surya Narayan (2023), “The Pentagon Strategy: A New Era of National Development for Cambodia”, The Better Cambodia, https://thebettercambodia.com/the-pentagon-strategy-a-new-era-of-national-development-for-cambodia/
[3] The Royal Government of Cambodia of the Seventh Legislature of the National Assembly (2023), “Pentagonal Strategy – Phase 1 for Growth, Employment, Efficiency and Sustainability: Buiding the Foundation Towards Realizing the Cambodia Vision 2050”, Royal Government of Cambodia
[4] Bùi Nam Khánh (2019), “Yếu tố Trung Quốc tại Campuchia và tác động đối với Việt Nam”, VNU Journal of Foreign Studies, Vol.35, No.5 (2019), tr.66-81, https://en.ulis.vnu.edu.vn/files/uploads/2020/07/35-5.pdf#page=70
[5] Sokvy Rim (2022) “Why Cambodia is leaning towards China and not the US”, ThinkChina, https://www.thinkchina.sg/why-cambodia-leaning-towards-china-and-not-us
[6] H.E. Dr. Kin Phea, “Cambodia-China relations in the new decade”, Konrad-Adenauer-Stiftung, https://www.kas.de/documents/264850/8651571/Chapter%203.pdf
[7] Xinhua (2023), “Full text: Joint Statement between the People’s Republic of China and the Kingdom of Cambodia on Building a China-Cambodia Community with a Shared Future in the New Era”, The State Council Information Office The People’s Republic of China, http://english.scio.gov.cn/topnews/2023-02/13/content_85102645.htm
[8] Bùi Nam Khánh (2019), “Yếu tố Trung Quốc tại Campuchia và tác động đối với Việt Nam”, VNU Journal of Foreign Studies, Vol.35, No.5 (2019), tr.66-81, https://en.ulis.vnu.edu.vn/files/uploads/2020/07/35-5.pdf#page=70
[9] “China, Cambodia agree to nuclear energy cooperation” (2017), World Nuclear News, https://www.world-nuclear-news.org/NP-China-and-Cambodia-agree-to-nuclear-energy-cooperation-1309174.html
[10] Pamela Victor (2018), “What Does China Mean to Cambodia?”, The ASEAN Post, https://theaseanpost.com/article/what-does-china-mean-cambodia
[11] Xinhua (2023), “Full text: Joint Statement between the People’s Republic of China and the Kingdom of Cambodia on Building a China-Cambodia Community with a Shared Future in the New Era”, The State Council Information Office The People’s Republic of China, http://english.scio.gov.cn/topnews/2023-02/13/content_85102645.htm
[12] H.E. Dr. Kin Phea, “Cambodia-China relations in the new decade”, Konrad-Adenauer-Stiftung, https://www.kas.de/documents/264850/8651571/Chapter%203.pdf
[13] “Lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực điện giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia” (2017), Bộ Công Thương, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/le-ky-ban-ghi-nho-ve-hop-tac-trong-linh-vuc-dien-giua-bo-con.html
[14] “EVN and EDC discuss a plan for energy exchange between Cambodia – Vietnam” (2022), Vietnam Energy Online, https://vietnamenergy.vn/evn-and-edc-discuss-a-plan-for-energy-exchange-between-cambodia-vietnam-29716.html
[15] Minh Thái (2022), “Việt Nam – Campuchia hợp tác quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước”, Thời Đại, https://thoidai.com.vn/viet-nam-campuchia-hop-tac-quan-ly-su-dung-ben-vung-tai-nguyen-nuoc-175342.html
[16] Nguyễn Hiệp-Sơn Xinh (2023) “Việt Nam và Campuchia đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số”, Báo Nhân dân, https://nhandan.vn/post-723839.html
[17] Cục Hợp tác Quốc tế (2021), “Việt Nam và Campuchia ký Thỏa thuận hợp tác về giáo dục giai đoạn 2021-2025”, Bộ Giáo dục và Đào tạo, https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7683
[18] Hà An (2022), “Du học sinh Campuchia có môi trường học tập tốt tại Việt Nam”, Thời Đại, Thời Đại, https://thoidai.com.vn/du-hoc-sinh-campuchia-co-moi-truong-hoc-tap-tot-tai-viet-nam-171755.html.
[19] The Royal Government of Cambodia of the Seventh Legislature of the National Assembly (2023), “Pentagonal Strategy – Phase 1 for Growth, Employment, Efficiency and Sustainability: Buiding the Foundation Towards Realizing the Cambodia Vision 2050”, Royal Government of Cambodia
[20] Châu Anh (2022), “Việt Nam và Campuchia nỗ lực đàm phán phân định phần đường biên giới còn lại”, VOV, https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-va-campuchia-no-luc-dam-phan-phan-dinh-phan-duong-bien-gioi-con-lai-post946453.vov
[21] Apornrath Phoonphongphiphat (2022) “Thailand, Cambodia Maritime Border Talks Resume after Hiatus”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/Thailand-Cambodia-maritime-border-talks-resume-after-hiatus
[22] H.E. Dr. Kin Phea, “Cambodia-China relations in the new decade”, Konrad-Adenauer-Stiftung, https://www.kas.de/documents/264850/8651571/Chapter%203.pdf
[23] “Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của Campuchia về vấn đề Đài Loan” (2022), Go Daily News, https://vn.godaily.news/suc-khoe/trung-quoc-tim-kiem-su-ung-ho-cua-campuchia-ve-van-de-dai-loan.html
[24] Bùi Nam Khánh (2019), “Yếu tố Trung Quốc tại Campuchia và tác động đối với Việt Nam”, VNU Journal of Foreign Studies, Vol.35, No.5 (2019), tr.66-81, https://en.ulis.vnu.edu.vn/files/uploads/2020/07/35-5.pdf#page=70
[25] Bùi Nam Khánh (2019), tlđd
Bình Luận 1