Hiện nay, chiến sự tại khu vực Trung Đông đang tiếp tục thu hút sự quan tâm từ dư luận quốc tế. Sự kiện mở màn cho những cuộc xung đột tại khu vực này được bắt đầu vào ngày 7/10/2023, khi lực lượng Hamas sử dụng hàng nghìn quả rocket tấn công vào lãnh thổ Israel từ phía Nam dải Gaza và sau đó là một cuộc tấn công 3 mũi từ trên bộ, trên không, trên biển nhắm vào lãnh thổ của quốc gia này trong một dịp lễ lớn của người Do Thái. Được biết cuộc tấn công vào Israel là “bước đi cần thiết” và là phản ứng bình thường để đối đầu với mọi âm mưu chống lại người Palestine của quốc gia Do Thái này[1]. Suốt nhiều tháng vừa qua, giao tranh giữa Israel và các lực lượng vũ trang hồi giáo đã làm cho hàng nghìn người thiệt mạng, đồng thời cũng tạo ra nhiều khó khăn cho các hoạt động viện trợ nhân đạo cũng như giao thương quốc tế. Và cuộc giao tranh giữa Israel với lực lượng vũ trang hồi giáo hiện nay đã lan rộng ra khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon. Ngày 15/6/2024, hai quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về một cuộc xung đột xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah.[2]
Israel gia tăng các hoạt động quân sự gần biên giới Lebanon
Đầu tháng 6 năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) đã chính thức công bố phiên bản phóng từ trên không của LORA-một loại pháo binh tầm xa. Loại vũ khí mới được “gia nhập” vào kho vũ khí của Israel được biết đến với cái tên Air LORA, theo thông tin từ nhà sản xuất, Air Lora được mô tả là một loại tên lửa đối đất tầm xa. Với mục đích chủ yếu như là một phương thức để tấn công các mục tiêu chiến lược cứng rắn, các tính năng của loại vũ khí này có thể đảm bảo cho nó được sử dụng cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết, đồng thời nhà sản xuất cũng tuyên bố hệ thống dẫn đường của Air Lora có thể chống lại mọi sự gây nhiễu của kẻ thù. Những thông tin về loại vũ khí mới này được đưa ra chưa đầy hai tháng sau khi một tên lửa có hình dạng tương tự được Israel sử dụng để tấn công hệ thống phòng không trên mặt đất của Iran.[3]
Bên cạnh đó, Israel cũng tăng cường sử dụng các loại bom mới, các hệ thống chiến lược tầm ngắn bao gồm tên lửa Popeye, Extra, Gabriel và các tên lửa tầm xa jericho 2, Jericho 3 với tầm bắn lần lượt là 1.500-3.500km và 4.800-6.500km. Trong đó, bom phốt pho trắng đang được Israel thường xuyên sử dụng tại miền nam Lebanon. Tổ chức Theo dõi nhân quyền xác minh rằng, Israel đã sử dụng phốt pho trắng tại ít nhất 17 thành phố trên khắp miền nam Lebanon kể từ tháng 10/2013. Việc Israel sử dụng loại bom này tại mặt trận phía Bắc của mình đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề khủng hoảng nhân đạo tại khu vực này.
Các loại máy bay chiến đấu F-16, F-15 cũng được Israel sử dụng trên chiến trường nhằm tạo ra ưu thế quân sự của mình. F-16 có thể tấn công chính xác mục tiêu từ độ cao hơn 7km trong khi năng lực phòng không của các lực lượng vũ trang hồi giáo tại khu vực biên giới Lebanon tỏ ra tương đối hạn chế. Một chiến binh thuộc lực lượng Hezbollah-đang chiến đấu tại khu vực này cho biết cho biết, F-16 có thể xác định vị trí chính xác của họ khi họ sử dụng mạng không dây và chiến binh này cũng cho biết thêm họ phải trú vào các tòa nhà để đảm bảo an toàn khi nhiều loại bom khác nhau được Israel “trút” xuống cùng một lúc. [4]
Và vào ngày 13/6/2024, một số hình ảnh cho thấy quân đội Israel đang sử dụng máy bắn đá-một loại vũ khí phổ biến thời trung cổ gần biên giới Lebanon. Theo đó, Quân đội Israel tuyên bố đây là sáng kiến mang tính chất cục bộ chứ không được áp dụng rộng rãi và cũng cho biết thêm: “khu vực biên giới Lebanon có đặc điểm là địa hình đất đá, bụi rậm và thảm thực vật có gai rậm rạp. Điều này đặt ra thách thức cho IDF để triển khai phòng thủ”. Giới quan sát cho rằng Israel sử dụng loại vũ khí trung cổ này để dọn dẹp các khu vực rậm rạp ở biên giới Lebanon, nhằm phát hiện các mối đe dọa từ lực lượng Hezbollah. [5]
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà lực lượng Hezbollah đang tăng cường tấn công vào khu vực biên giới Israel-Lebanon, vừa qua, vào hồi đầu tháng 6, Thủ tướng Israel B.Natanyahu đã đưa ra những lời cảnh báo với lực lượng này và nhấn mạnh rằng “quân đội Israel đã chuẩn bị cho một hành đông cực kỳ mạnh mẽ” để chống lại Lebanon và ông cũng đã gặp chỉ huy lữ đoàn 769 của quân đội Israel để thảo luận về tình hình dọc biên giới Lebanon-Israel. Bên cạnh đó, Đài phát thanh quân đội Israel cho biết, Chính phủ Israel đã phê duyệt việc điều động thêm 50.000 binh sĩ dự bị để chuẩn bị cho tình trạng leo thang có thể xảy ra trên mặt trận Lebanon. [6].
Hoạt động của Hezbollah và các nhóm nổi dậy đồng minh
Mâu thuẫn giữa chính quyền Israel với nhóm các lực lượng vũ trang Hồi giáo đã âm ỉ tồn tại qua nhiều thập kỷ. Thực tế, hơn bảy thập niên qua, xung đột giữa cộng đồng Hồi giáo tại khu vực Trung Đông này với nhà nước Israel luôn là vấn đề gây nhức nhối cho cộng đồng quốc tế. Mặc dù, trong những năm qua, Israel đã cho thấy sự “điều chỉnh” trong chính sách đối ngoại của mình-từ “đối đầu’ sang “đối thoại” với các nước Arab, nhưng điều ấy không những không thể cải thiện được tình hình mà còn làm sâu sắc hơn sự mâu thuẫn giữa Israel với các lực lượng Hồi giáo. Cuộc tấn công của Israel nhắm vào nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem ngày 1/10/2023 như là “giọt nước tràn ly”, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc tấn công của Hamas và gần đây nhất là những cuộc tấn công với cường độ ngày càng mạnh mẽ hơn của lực lượng Hezbollah ở khu vực biên giới Lebanon-Israel. [7]
Một tuần sau khi lực lượng Hamas mở cuộc tấn công vào Israel ở Dải Gaza, những cuộc giao tranh nhỏ cũng gia tăng tại khu vực biên giới Israel và Lebanon-nơi có lực lượng Hezbollah đang phát triển mạnh. Hezbollah là một nhóm chính trị và chiến binh Hồi giáo dòng Shite có trụ sở ở Lebanon. Lực lượng này có mối liên hệ với Hamas ở Dải Gaza – cả hai nhóm này đều được Iran hậu thuẫn. Mặc dù đều là những lực lượng Hồi giáo được Iran “bảo trợ” và đều có những bất đồng với Israel nhưng hai nhóm này, trước khi cuộc chiến Hamas-Israel nổ ra, vẫn còn tồn tại một số bất đồng. Tuy nhiên, trong cuộc chiến với Israel hiện nay, Hezbollah đang là “đồng minh” đáng tin cậy của Hamas. Ông Nasrallah -Thủ lĩnh Hezbollah tuyên bố: mục tiêu của Hezbollah trong trận chiến này là chấm dứt hành vi gây hấn ở Gaza và đảm bảo rằng Hamas sẽ giành chiến thắng trước Israel. [8]
Những đợt tấn công của Hezbollah diễn ra ngày càng mạnh mẽ kể từ khi Israel mở chiến dịch vào Thành phố Rafah phía nam Dải Gaza. Lực lượng Hezbollah đã thường xuyên bắn tên lửa qua vùng biên giới giữa Lebanon và Israel, nhưng vào giữa tháng 5 vừa qua một cuộc không kích được cho là thành công đầu tiên mà nhóm này thực hiện ngay từ bên trong không phận Israel. Nhà phân tích chính trị Lebannon Faisal Abdul-Sater cho biết: “Hezbollah muốn phô diễn sức mạnh thông qua các đợt tấn công vào Israel thậm chí họ có thể làm nhiều hơn thế nếu Tel Aviv không ngừng các cuộc tấn công vào Rafah”. Cuộc tấn công lần này của Hezbollah vào Israel đã sử dụng nhiều loại vũ khí tiên tiến hơn và kèm theo đó là một chiến thuật mới nhằm hạn chế thương vong. Theo một số nguồn tin, Hezbollah đã giảm lực lượng máy bay chiến đấu dọc khu vực biên giới nhằm hạn chế tổn thất. Lực lượng này đang thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa chống tăng Kornet do Nga sản xuất từ khu vực biên giới, cũng như chuyển sang sử dụng máy bay không người lái và các tên lửa tiên tiến khác như tên lửa Almas, Falaq và Burkan. [9]
Những cuộc giao tranh giữa Hezbollah và Israel gần đây đang trong tình trạng leo thang và có thể đẩy tính chất cuộc xung đột giữa hai lực lượng này lên thành một cuộc chiến toàn diện. Vừa qua, ngày 14/6/2024, nhóm chiến binh Hezbollah ở Lebanon cho biết, họ đã phóng hàng trăm tên lửa và UAV vào 9 căn cứ quân sự của Israel tại khu vực biên giới. Cuộc tấn công này là “đòn đáp trả” của Hezbollah giành cho Israel khi chính quyền nước này mở cuộc không kích khiến cho một chỉ huy hiện trường cấp cao của Hezbollah thiệt mạng và đây cũng là cuộc tấn công lớn nhất của Hezbollah vào Israel kể từ tháng 10 năm ngoái.
Cuộc tấn công vừa qua của Hezbollah vào Israel đã làm trầm trọng thêm tính chất cuộc chiến tại Dải Gaza và không loại trừ khả năng Hezbollah sẽ tiếp tục mở các đợt tấn công mới để tạo lợi thế cho lực lượng Hamas, vốn đang trong quá trình đàm phán với Israel. Với năng lực quân sự của mình, Hezbollah hoàn toàn có thể làm cho Israel “bị phân tâm” trong cuộc chiến lần này. Theo Trung tâm Nghiên cứu và Quốc tế, Hezbollah có kho vũ khí khổng lồ gồm hầu hết là tên lửa, đạn pháo đất đối đất, di động và không có điều khiển. Mỹ và Israel ước tính Hezbollah và các nhóm chiến binh khác ở Lebanon có khoảng 150.000 tên lửa và rocket. Hezbollah cũng đang nghiên cứu chế tạo tên lửa chính xác.[10] Với tiềm lực quân sự của mình, cùng với những bất đồng đang ngày càng gia tăng, hy vọng về một đàm phán hòa bình vẫn còn vô cùng mơ hồ tại vùng chiến sự này.
Phản ứng của công luận quốc tế
Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng vũ trang Hồi giáo đã vấp phải nhiều sự chỉ trích từ các tổ chức, quốc gia, khu vực trên thế giới. Nhưng thực tế, hoàn toàn không có một hành động nào của cộng đồng quốc tế có thể làm “giảm nhiệt” cuộc chiến này. Những diễn biến ngày càng căng thẳng tại khu vực này khi cả hai lực lượng đều tiến hành những cuộc tấn công đáp trả lẫn nhau bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế.
Phản ứng của Trung Quốc
Trong bối cảnh, những diễn biến đang ngày càng leo thang giữa lực lượng Hezbollah và Israel tại khu vực biên giới Lebanon-Israel, Trung Quốc đã không công khai ủng hộ bất cứ bên nào trong cuộc chiến này mà thay vào đó, họ cố gắng phát huy vai trò “đại sứ hòa bình” của mình. Theo trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đặc phái viên của Chính phủ Trung Quốc về vấn đề Trung Đông Zhai Jun sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Palestine ở Cario, và chính quyền Bắc Kinh cho biết, họ sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để xoa dịu tình hình căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông.[11]
Để củng cố vai trò “đại sứ hòa bình” của mình, Trung Quốc cũng đã cử lộ quân gìn giữ hòa bình thứ 22 đến Lebanon nhằm thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp ở các khu vực nhạy cảm dọc biên giới tạm thời Lebanon-Israel. Kể từ cuộc chiến tranh tại Lebanon-Israel nổ ra năm 2006, Trung Quốc đã nhiều lần triển khai lực lượng hòa bình của mình đến khu vực này nhằm đảm bảo an toàn cho người dân địa phương. [12]
Phản ứng của Nga
Bày tỏ quan điểm về tình hình ở biên giới Lebanon-Israel, tại cuộc tranh luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Trung Đông, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Tình hình ở biên giới Lebanon-Israel rất bùng nổ. Rõ ràng là các hành động quân sự đơn phương chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn trong khu vực, một tình huống không hề nảy sinh ngày nay và phản ánh nhiều năm lịch sử”. [13]
Tiếp đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn về những vấn đề tại Trung Đông, đại diện của phái đoàn thường trực Liên bang Nga tại Liên Hợp Quốc cho biết, tình hình tại khu vực biên giới Israel-Lebanon vô cùng bất ổn, cơ quan này cũng cho biết thêm, tình hình bất ổn xảy ra tại khu vực biên giới này xuất phát từ nhưng sai lầm của phương Tây, cụ thể là Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Phái đoàn thường trực của Nga cũng cảnh báo về một cuộc chiến tranh lớn tại khu vực Trung Đông nếu tình hình tại biên giới Lebanon và Israel tiếp tục gia tăng. [14]
Trong bối cảnh hiện nay, nếu một chiến dịch toàn diện được mở ra tại khu vực biên giới Lebanon-Israel thì mặt trận này có thể tác động mạnh đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trước khi cuộc chiến ở Trung Đông nổ ra, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là tâm điểm của dư luận quốc tế, nhưng giờ đây sự tập trung đó không còn đặt hoàn toàn vào Nga, mà thay vào đó là sự quan tâm đến những cuộc đáp trả lẫn nhau giữa Israel và lực lượng vũ trang Hồi giáo.
Phản ứng của Mỹ
Cuộc xung đột giữa Hezbollah và Israel tại khu vực biên giới Lebanon-Israel đang trong giai đoạn nhạy cảm nhất, chỉ cần một hành động sai lầm của bất cứ bên nào đều có thể mở ra một cuộc xung đột toàn diện, Trong bối cảnh như vậy, Hoa Kỳ-đồng minh tin cậy của Israel đang cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện có thể xảy ra. Đặc phái viên Hoa kỳ Amos Hochstein đã được cử tới Lebanon để có gắng xoa dịu căng thẳng sau khi hỏa lực xuyên biên giới gia tăng dọc khu vực biên giới phía nam Lebanon.
Một cuộc xung đột diện rộng là điều mà Mỹ hoàn toàn không mong muốn, họ đã không thể ngăn cản được Israel tấn công vào Rafah, và lần này, chính quyền Nhà Trắng muốn khẳng định vị thế của mình tại khu vực Trung Đông thông qua việc nỗ lực ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah tại biên giới phía Nam Lebanon.
Phản ứng của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC)[15]
Trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới Lebanon-Israel, Tổng Thư ký GCC, Jassem Al-Budaiwi, bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang quân sự ở Lebanon. Trong một tuyên bố, Al-Budaiwi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện sự kiềm chế tối đa để đảm bảo an toàn cho người dân và toàn khu vực. Tổng Thư ký cũng khẳng định lập trường vững chắc của GCC với Lebanon và đồng thời ủng hộ chủ quyền, an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Lebanon.
Phản ứng của Liên Hợp Quốc (UN)[16]
Hai quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Lebanon đã cảnh báo về cuộc chiến tranh rộng hơn khi giao tranh xuyên biên giới giữa lực lượng Hezbollah và Israel diễn ra ngày càng ác liệt. Hồi đầu tháng, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng đã gia hạn lời kêu gọi ngừng bắn dọc biên giới Lebanon, ông kêu gọi các bên tái cam kết thực hiện đầy đủ nghị quyết 1701 (2006) của Hội đồng Bảo an và ngay lập tức quay trở lại chấm dứt chiến sự.
Một số đánh giá về sự leo thang xung đột ở biên giới Israel – Lebanon
Cuộc chiến giữa Hezbollah và Israel đang ở giai đoạn vô cùng căng thẳng và làm trầm trọng thêm những thảm họa nhân đạo đang “tồn tại” dọc biên giới Israel với các nước láng giềng. Về tiềm lực quân sự, cả Hezbollah và Israel đều sử dụng những loại vũ khí trang bị hiện đại, có sức sát thương cao, giới quan sát nhận định, nếu cuộc xung đột toàn diện giữa hai lực lượng này nổ ra thì sức tàn phá còn trầm trọng hơn so với cuộc chiến giữa Israel-Hamas.
Thể hiện sự thất bại chiến lược của Israel
Căng thẳng leo thang ở khu vực biên giới phía nam của Lebanon cho thấy mục tiêu ban đầu của Israel đã thất bại hoàn toàn. Sau khi Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel, IDF đã phát động chiến dịch quy mô lớn vào Dải Gaza với biệt danh “Thanh kiếm sắt”. Thủ tướng Israel B.Natanyahu tuyên bố, mục tiêu chiến dịch là tiêu diệt toàn bộ Hamas và giải phóng con tin trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với với bối cảnh hiện nay, Israel đang cho thấy sự bất lực của mình trong việc chống lại những phong trào Hồi giáo. Sự tấn công mạnh mẽ của Hezbollah trong thời gian gần đây chỉ ra rằng, Israel rất khó để có thể đánh bại Hezbollah và đồng minh Hamas của họ trên chiến trường.
Tình trạng leo thang căng thẳng làm trầm trọng thêm sự mâu thuẫn về ý thức hệ.
Cả Hamas và Hezbollah đều có những sự mâu thuẫn về ý thức hệ với Israel. Hai lực lượng này đều hướng tới việc chống nhà nước Israel và phản đối bất kỳ hành động bình thường hóa quan hệ nào của các quốc gia Arab hoặc Hồi giáo với Nhà nước Do Thái này. Việc Israel “chiếm lĩnh” Jerusalem-một nơi linh thiêng đối với cộng đồng người Hồi giáo đã làm cho sự mâu thuẫn về ý thức hệ trở lên rõ ràng hơn. Cuộc tấn công lần này của Hezbollah một mặt là đáp trả những hành động tấn công của Israel vào lực lượng này, một mặt khác là hỗ trợ Hamas trong việc chống lại những hành động áp bức người Hồi giáo của Israel.
Dự báo tình hình
Các cuộc xung đột giữa Israel và các lực lượng vũ trang Hồi giáo là những cuộc xung đột âm ỉ mà rất khó để hòa giải. Khả năng leo thang giữa Hezbollah và Israel tại biên giới Israel-Lebanon là điều có thể bùng nổ. Lực lượng Hezbollah đã có cuộc đáp trả mạnh mẽ vào Israel, khi nước này tấn công vào ngôi làng Jouya phía Nam Lebanon, lên tiếng về vấn đề này, người phát ngôn quân đội Israel cho biết: “Thái độ ngày càng cứng rắn của Hezbollah đang đẩy chúng ta đến bờ vực của tình trạng leo thang có thể lan rộng hơn, gây ra hậu quả cho toàn bộ khu vực”. Bên cạnh đó, Hezbollah tuyên bố sẽ không ngừng tấn công nếu Israel không chấm dứt chiến dịch tấn công tại Gaza. Gần đây nhất, Hezbollah cũng cảnh báo về một cuộc chiến toàn diện với Israel trong đó bao gồm cả đảo Síp, các cuộc tấn công của Hezbollah đang diễn ra ngày càng ác liệt hơn với quy mô lớn hơn. Để đáp trả những hành động đó của Hezbollah, IDF đã ra thông báo về một kế hoạch tác chiến nhằm đảm bảo mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân nhân tại khu vực biên giới.
Các động thái này của hai bên khả năng sẽ đẩy tính chất của cuộc chiến lên thành cuộc chiến toàn diện, tuy nhiên, hiện nay, cộng đồng quốc tế và đặc biệt là Mỹ đang cố gắng, làm mọi cách để ngăn cản viễn cảnh đó có thể xảy ra.
Tác động của cuộc chiến
Tác động trong phạm vi khu vực
Với tính chất ngày càng leo thang của cuộc xung đột, điều này đã làm trầm trọng thêm những sự mâu thuẫn vốn đã tồn tại âm ỉ ở Dải Gaza. Hoạt động tăng cường quân sự của Hezbollah có thể đẩy cuộc chiến này lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông và đẩy khu vực này vào vòng xoáy xung đột. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, nếu cuộc xung đột giữa các lực lượng ngày càng trở nên sâu sắc hơn, rất có thể sẽ có sự can thiệp trực tiếp của các nước lớn.
Sự leo thang căng thẳng giữa Hezbollah và Israel cũng làm cho quá trình phát triển kinh tế của Trung Đông trở nên khó khăn hơn. Tại khu vực Biển Đỏ-một trong những dòng chảy thương mại quan trọng của thế giới, Houthi-lực lượng nằm trong trục kháng chiến của phong trào Hồi giáo lần này đã tấn công vào tàu hàng của các nước, trong đó đặc biệt là các nước phương Tây, gây ra tình trạng mất ổn định tại khu vực đồng thời làm cho lượng Container qua Biển Đỏ giảm khoảng 90% từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024. [19]
Tác động đến thế giới. [20]
Những xung đột đang ngày càng leo thang tại biên giới phía Nam của Lebanon có thể sẽ tác động không nhỏ đến tình hình chiến sự tại Ukraine. Hiện nay, Ukraine đang phải chuyển từ thế phản công trở về thế phòng thủ, đồng thời phải phụ thuộc lớn vào nguồn viện trợ từ Mỹ và phương Tây. Những hành động mới của Hezbollah và Israel sẽ làm cho Mỹ và phương Tây phải dành sự quan tâm và những sự hỗ trợ cho cả Israel lẫn các mục đích nhân đạo tại Gaza. Nguồn cung vũ khí, và viện trợ cho Ukraine thời gian tới được dự báo sẽ càng khó khăn, thậm chí suy giảm, đặt nước này vào thế khó trong nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch phản công. Nga có thể tận dụng tình hình gia tăng tấn công, buộc Ukraine phải nhượng bộ, tiến tới đàm phán.
Cuộc xung đột đồng thời tác động sâu sắc đến đời sống xã hội các nước trên thế giới, nơi có cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo sinh sống. Diễn biến căng thẳng của cuộc xung đột Israel – Hezbollah đã làm những mâu thuẫn xã hội trong lòng châu Âu giữa cộng đồng người Do Thái và Hồi giáo; giữa cộng đồng người Do Thái, Hồi giáo với người dân các nước sở tại. Các quốc gia phương Tây cũng đang lo ngại về chủ nghĩa bài Do Thái sẽ “quay lại” dưới những tác động từ các đợt tấn công của Israel./.
Tác giả: Hoàng Trần Minh Trí
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Thanh Hiền (2024): “Hamas chính thức lên tiếng về lý do chủ động tấn công Israel” Tuổi Trẻ Online https://tuoitre.vn/hamas-chinh-thuc-len-tieng-ve-ly-do-chu-dong-tan-cong-israel-20240121230432059.htm
2. “UN officials warn of “miscalcultion” along Israel-Lenbanon border” ALJAZEERA https://www.aljazeera.com/news/2024/6/15/un-officials-warn-of-miscalculation-along-israel-lebanon-border
3. “Air LORA, Israel’s Biggest Air-Launched Ballistic Missile, Emerges From The Shadows” The War Zone https://www.twz.com/air/air-lora-israels-biggest-air-launched-ballistic-missile-emerges-from-the-shadows
4. “US and Israeli Weapons in Lebanon” Merip https://merip.org/1982/09/us-and-israeli-weapons-in-lebanon/
5. La Vi-Bảo Hoàng (2024) “ Israel dùng vũ khí thười Trung cổ tấn công Hezbollah?” Thanh Niên https://thanhnien.vn/israel-dung-vu-khi-thoi-trung-co-tan-cong-hezbollah-185240614131603417.htm
6. “Israel’s perpared for an extremely powerful action in north’s against Lebanon”. AA, https://www.aa.com.tr/en/middle-east/israel-prepared-for-an-extremely-powerful-action-in-north-against-lebanon-netanyahu/3240803
7. Minh Đức-Đức Mạnh(2024) “Tác động đa chiều từ cuộc xung đột Hamas-Israel tới an ninh khu vực và quốc tế” Tạp chí Quốc Phòng toàn dân http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/tac-dong-da-chieu-tu-cuoc-xung-dot-hamas-israel-toi-an-ninh-khu-vuc-va-quoc-te/21490.html
8. Hoàng Bách (2023): “Hezbollah “đã tham chiến” 1 ngày sau khi Hamas tấn công Israel” Báo Nghệ An https://baonghean.vn/hezbollah-da-tham-chien-1-ngay-sau-khi-hamas-tan-co…69.html
9. Tùng Lâm (2024): “Hezbollah thay đổi phương thức tấn công Israel” Kinh Tế Đô Thị https://kinhtedothi.vn/hezbollah-thay-doi-phuong-thuc-tan-cong-israel.html
10. Vũ Thanh (2024): “So sánh sức mạnh quân sự giữa Israel và Hezbollah” Báo Tin Tức https://baotintuc.vn/the-gioi/so-sanh-suc-manh-quan-su-giua-israel-va-hezbollah-20240220170012527.htm
11. “黎以边境小镇响起防空警报!以色列公布加沙作战计划,原油、黄金全线上涨!谢克尔兑美元十余年首次跌穿” Baidu https://baijiahao.baidu.com/s?id=1780291690332052157&wfr=spider&for=pc
12. “冲突升级!中国维和部队现身黎以边境,关键时刻守护和平”SOHU https://www.sohu.com/a/759366854_121838268
13. “Лавров назвал взрывоопасной ситуацию на границе Ливана и Израиля” TACC https://tass.ru/politika/19799497
14. “Statement by Permanent Representative Vassily Nebenzia at UNSC debate on the situation in the Middle East, including the Palestinian question” PERMANENT MISSION OF THE RUSSIAN FEDERATION TO THE UNITED NATIONS https://russiaun.ru/en/news/180424
15. “”التعاون الخليجي” يدين خطة الهجوم على لبنان: لضرورة تطبيق الـ1701” https://anbaaonline.com/news/248110
16. “Secretary-General Renews Call for Ceasefire along Lebanon, Israel Border” United Nations https://press.un.org/en/2024/sgsm22260.doc.htm
17. An Hoàng (2024): “65 quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ” Dân Trí https://dantri.com.vn/the-gioi/65-quoc-gia-bi-anh-huong-boi-cac-cuoc-tan-cong-cua-houthi-o-bien-do-20240614135932014.htm
18. Trung tâm Thông tin công tác tuyên giảo, Ban Tuyên giáo Trung ương; “Tài liệu Hỏi-Đáp về tình hình cuộc xung đột giữa Israel-Lực lượng Hamas” Thông tin tuyên giáo tỉnh Gia Lai https://thongtintuyengiao.gialai.org.vn/DancingGoat/files/88/889f4502-d04e-4cc9-9378-d895db76e468.pdf