Thời gian gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm cách nâng cao năng lực vũ khí không gian của mình. Nội dung các chương trình vũ khí của Washington và Bắc Kinh dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến ngoài không gian. Như chuyên gia Mỹ đã nhận xét: “Nếu một cuộc chiến nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc, có khả năng cao nó sẽ bắt đầu trong không gian”. Điều này đã đặt ra không ít thách thức cho thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng.
Chiến lược phát triển vũ khí không gian của Mỹ và Trung Quốc
Chiến lược của Mỹ
Trong suốt nhiều thập kỷ, Mỹ vẫn là một siêu cường hàng đầu trong cuộc đua phát triển vũ khí không gian. Lực lượng Không gian Mỹ tự cho mình là ‘con mắt hùng mạnh’ canh gác cả Trái đất và không gian[1]. Tuy nhiên, những năm gần đây, vị thế đó đã bị lung lay trước sự vươn lên của các cường quốc khác mà đặc biệt là Trung Quốc. Trong báo cáo về Những mối đe doạ Không gian 2023, Trung Quốc là một trong những quốc gia được liệt kê, và được các chuyên gia Mỹ dành một chương để phân tích những mối nguy hại từ Bắc Kinh ảnh hưởng đến Washington[2]. Nước này đã và đang tiếp túc tăng cường thử nghiệm vũ khí không gian tiên tiến. Vì vậy, giới tướng lĩnh và học giả Mỹ đều kêu gọi tăng cường sức mạnh và khả năng dự báo sớm của Lực lượng Không gian nước này nhằm chuẩn bị tốt nhất cho tình huống xảy ra chiến tranh không gian. Diễn đàn an ninh Aspen năm 2023 đã nhấn mạnh những khó khăn Mỹ phải đối mặt khi chuẩn bị cho một khả năng tiềm ẩn xung đột trên quỹ đạo[3]. Salvatore ‘Tory’ Bruno, Giám đốc điều hành của United Launch Alliance cho biết:“Chúng tôi đang tập trung vào việc làm cho tài sản không gian của Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn, để không có Trân Châu Cảng trong cú đấm đầu tiên của đối thủ[4]”. Cũng tại Diễn đàn Aspen, John Plumb, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách vũ trụ, cho biết: “Mỹ dự định tiếp tục là nhà lãnh đạo có trách nhiệm của thế giới trong lĩnh vực không gian, bao gồm cả quân đội Mỹ. Vì lợi ích của tất cả các quốc gia du hành vũ trụ và các công ty tư nhân là có được một miền không gian an toàn, bảo mật và ổn định, đồng nghĩa giảm thiểu các mảnh vụn không gian như một phần trong hoạt động bình thường của chúng tôi và đảm bảo rằng chúng tôi có cách loại bỏ các mảnh vỡ nếu có sự cố xảy ra. Và bất kỳ hoạt động quân sự nào đều bao gồm sự cân nhắc đó.” Trong khi đó, Washington cũng sẽ tập trung vào triển khai các vệ tinh quân sự nhỏ hơn, từ đó tăng cường sự linh hoạt của quân đội ở trong không gian, đồng thời làm phức tạp các hành động nhắm mục tiêu của đối thủ.
Trả lời cho câu hỏi về cách Mỹ lên kế hoạch tránh một “Trân Châu Cảng trong không gian”, Phó Giám đốc Không gian Tướng tác chiến David D. Thompson cho biết lực lượng này hiện có những gì cần thiết để đáp ứng mô tả đó và tránh bất kỳ cuộc tấn công bất ngờ nào. Lực lượng Không gian Mỹ có một số khả năng mà Thompson cho rằng sẽ gây khó khăn cho đối thủ trong việc hạ gục Mỹ, bao gồm cả một bộ phận tình báo không gian có năng lực vượt trội. Thompson nói: “Không chỉ trong không gian, mà sẽ sớm có nơi nào trên thế giới mà chúng ta không thể nhìn, cảm nhận, theo dõi và thực hiện hành động theo yêu cầu”[5]. Nhấn mạnh quan điểm của Thompson, tiểu ban tình báo và hoạt động đặc biệt của Dịch vụ Vũ trang Hạ viện đề xuất thành lập Trung tâm Tình báo Vũ trụ Quốc gia với tư cách là cơ quan điều hành hiện trường của Lực lượng Không gian. Trung tâm sẽ “phân tích và đưa ra thông tin tình báo khoa học và kỹ thuật về các mối đe dọa trên không gian và đối phó không gian từ các đối thủ nước ngoài”. Các quan chức Mỹ nhấn mạnh phát triển Lực lượng Không gian không chỉ liên quan đến việc phát hiện hành vi đáng ngờ mà còn xác định bên nào chịu trách nhiệm về hành vi đó. Tướng Thompson cho rằng: “Việc chỉ ra những loại hành vi đó và đảm bảo rằng mọi người hiểu rằng chúng ta có thể và sẽ quan sát cũng như quy kết, là một phần quan trọng trong việc duy trì trật tự trong không gian. Nhưng không gian không phải là lĩnh vực duy nhất được Lực lượng Không gian để mắt tới mà nó trải rộng trên tất cả hành tinh.”[6]
Tuy nhiên, việc phát triển những khả năng này để theo kịp nhu cầu đòi hỏi phần cứng và nhân lực. Tướng về hưu Kevin Chilton, Giám đốc điều hành của Institute’s Spacepower Advantage Center of Excellence thuộc Viện Mitchell lưu ý rằng việc bổ sung cả hai thứ này sẽ trở nên khó khăn do ngân sách quốc phòng có thể phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn trong vài năm tới. Thompson cho biết Lực lượng Không gian đã “may mắn” được hưởng mức tăng trưởng ngân sách hai con số trong nhiều năm qua, nhưng ông đồng ý rằng một tương lai khó khăn có thể hạn chế khả năng của chi nhánh trong việc theo kịp sứ mệnh mở rộng của mình.
Chiến lược của Trung Quốc
Phát triển lực lượng không gian tiên tiến hơn là một khía cạnh quan trọng trong nỗ lực hiện đại hoá quân sự của Trung Quốc. Bất kỳ đánh giá nào về các mục tiêu và chương trình của Trung Quốc trong không gian phải được xem xét trong khuôn khổ rộng lớn hơn của các cải cách quân sự đáng kể khác, tất cả đều thể hiện một động thái hướng tới các cuộc chiến tranh “thông tin hóa” hiện đại. “Tin học hóa” đã được PLA tôn trọng về mặt học thuyết từ năm 1993[7]. Ngoài ra, chiến lược dường như đáp ứng khái niệm trọng tâm của Trung Quốc về sức mạnh quốc gia toàn diện để ca ngợi sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, nước này đã tập trung nhiều hơn vào năng lực quân sự tổng thể và PLA đã dành nhiều sự quan tâm hơn đến năng lực không gian và thông tin. Sách Trắng Quốc phòng gần đây nhất của Trung Quốc (2019) đã xác định không gian là “một lĩnh vực quan trọng của cạnh tranh chiến lược quốc tế”. Sách Trắng năm 2019 cũng xác định vai trò quan trọng của không gian trong việc “cải thiện khả năng của bộ chỉ huy tác chiến chung nhằm thực hiện chỉ huy đáng tin cậy và hiệu quả đối với các phản ứng khẩn cấp cũng như hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ khẩn cấp, khó khăn và nguy hiểm”. Với mục tiêu trở thành cường quốc quân sự vào năm 2027[8]. Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy sức mạnh không gian của mình, cả về tái tổ chức thể chế và phát triển năng lực không gian cũng như đối phó không gian. Việc hiện đại hóa quân đội thông qua phân chia tốt hơn được Trung Quốc thực hiện kể từ năm 2015. Nước này đã tăng tốc đáng kể các vụ phóng thử nghiệm trong những năm qua. Chính quyền Bắc Kinh cho rằng một vụ phóng chỉ trở nên hữu ích nếu nó được tiếp nối bằng cách tạo ra một cơ sở hạ tầng để đạt được cả mục đích quân sự và dân sự. Về mặt kiến trúc thể chế, bước phát triển quan trọng nhất là việc thành lập Lực lượng hỗ trợ chiến lược PLA (PLASSF), một tổ chức cấp chỉ huy chiến trường được thiết kế để kết hợp “các nhiệm vụ và năng lực chiến tranh không gian, mạng, điện tử và tâm lý chiến lược của PLA”. PLASSF là một tổ chức cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra sự phối hợp về các chức năng mà trước đây được phân tán ở một số phòng ban. Dưới sự bảo trợ của cải cách quân sự, PLASSF trực thuộc Quân ủy Trung ương và chịu trách nhiệm hỗ trợ tập trung cho PLA. Mục đích được đưa ra trong Sách trắng là “tìm cách đạt được những bước phát triển lớn trong các lĩnh vực trọng điểm và đẩy nhanh sự phát triển tổng hợp của các lực lượng chiến đấu kiểu mới, nhằm xây dựng một lực lượng hỗ trợ chiến lược mạnh mẽ và hiện đại hóa”[9]
Triển khai trong thực tiễn
Bên cạnh Nga, Mỹ và Trung Quốc đều có những tham vọng của riêng mình về chiếm lĩnh và làm chủ không gian. Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng được rút ngắn lại. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ vẫn tự tin cho rằng hiện tại khả năng phóng vệ tinh và làm chủ công nghệ không gian của Trung Quốc chỉ đang dừng lại với năng lực tương đương với Mỹ ở một thập kỷ trước[10]. Ngoài ra, Washington cũng đang thực hiện sự kết hợp giữa hệ thống chính phủ và các tập đoàn tư nhân như Starlink, Maxar của SpaceX và hàng chục công ty “Không gian mới” khác. Plumb cho biết Lầu Năm Góc đang hợp tác với hơn 130 công ty này, lợi thế Mỹ đang sở hữu mà Trung Quốc không thể sánh được[11].
Từ năm 2021, Trung Quốc đã cho thử nghiệm Hệ thống ném bom quỹ đạo phân đoạn (FOBS) một phương tiện bay siêu thanh có khả năng mang vũ khí hạt nhân, bay vòng quanh Trái Đất và cho thấy tiềm năng né tránh không chỉ hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mà còn cả khả năng cảnh báo sớm bằng vệ tinh[12]. Trong năm 2022, Trung Quốc đã tiến hành 64 vụ phóng vào vũ trụ, trong đó có hai lần thất bại. Các vụ phóng thành công đã dẫn đến hơn 150 vệ tinh được đặt thành công vào quỹ đạo và phóng một máy bay vũ trụ quỹ đạo và một máy bay vũ trụ dưới quỹ đạo[13]. Các khả năng không gian dân sự, tình báo và quân sự là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc khi nước này tiếp tục đầu tư và lên kế hoạch sử dụng và tiếp cận không gian nhiều hơn trong thập kỷ tới. Vào tháng 11/2022, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung hiện đang hoạt động[14]. Kết quả của cuộc mô phỏng tấn công trên máy tính diễn ra gần đây trong phòng thí nghiệm nghiên cứu của Trung Quốc ở Thành Đô – cuộc mô phỏng cho thấy cách thức Quân đội Giải phóng Nhân dân có thể sử dụng vũ khí không gian để tấn công nhóm tàu sân bay Mỹ[15] có thể phần nào tiết lộ sức mạnh vũ khí không gian hiện tại của Trung Quốc.
Tình huống giả định của cuộc mô phỏng gồm một nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ đang phóng hết tốc lực trên đại dương. Với máy bay chiến đấu, tầm chiến đấu của nó là 1.000km (620 dặm). Từ cách đó 1.200km (745 dặm), một loạt tên lửa chống hạm siêu thanh của Trung Quốc được phóng lên không gian. Tên lửa lên tới độ cao hơn 200km (124 dặm), sau đó hướng tới các tàu chiến Mỹ, điểm chú ý là radar của Mỹ sẽ không thể phát hiện ra tên lửa kể cả khi nó đã được phóng đi từ 10 phút. Lúc đó tên lửa chỉ còn cách 50km (30 dặm). Dẫn đầu dự án là Liu Shichang, một nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Kiểm soát Thông tin Điện tử cho biết các tên lửa không bị phát hiện vì hệ thống vũ khí điện từ trong không gian của Trung Quốc đang triệt tiêu radar của các tàu hộ tống theo cách “từ trên xuống”. Các vệ tinh tìm thấy tín hiệu radar từ các tàu chiến Mỹ sau đó bắn lại các tín hiệu tương tự, với công suất cao – do đó sẽ không có tác dụng ngay cả khi sóng radar bị tên lửa phản xạ. Họ cho biết Trung Quốc đang “tiến triển các nghiên cứu và ứng dụng liên quan” và “tác chiến điện tử ngoài vũ trụ sử dụng các chòm sao vệ tinh có quỹ đạo thấp đã trở thành một phương tiện chiến tranh thông tin quan trọng”[16].
Dựa trên nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc tin rằng hai hoặc ba vệ tinh là đủ để tấn công một nhóm tàu sân bay của Mỹ, trong khi một hệ thống chỉ gồm 28 vệ tinh đủ khả năng thực hiện một cuộc tấn công toàn cầu. Mô phỏng của nhóm Thành Đô dựa trên radar SPY-1D của quân đội Mỹ được sử dụng chủ yếu bởi các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ để phát hiện tên lửa chống hạm tầm xa. Lockheed Martin – nhà sản xuất chế tạo radar và nói với truyền thông Mỹ năm ngoái rằng nó có thể tiếp tục hoạt động cho đến năm 2060. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu của Trung Quốc, dòng SPY-1 đã đi vào hoạt động từ những năm 1970, nghĩa là PLA đã quen với khả năng của nó. Họ tin rằng hai vệ tinh có thể được sử dụng để ngăn chặn cùng một radar từ các góc khác nhau, tạo ra “cảnh báo sai trên không cho phía trước, bên hông và phía sau kẻ thù”.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng được cho là đang sở hữu những vũ khí công nghệ cao khác có khả năng gây hại lớn cho Lực lượng không gian của Mỹ như tên lửa mặt đất có khả năng bắn hạ các vệ tinh ở quỹ đạo thấp hay tia laser có khả năng làm tê liệt các vệ tinh Mỹ[17].
Mục đích của các bên khi phát triển lực lượng không gian và tác động
Mục đích của các bên
Tuyên bố của Mỹ tại diễn đàn Anspen năm ngoái nêu rõ là mục tiêu lớn nhất của Mỹ là giữ vững vai trò lãnh đạo trong không gian. Tuy rằng, Mỹ đã nhắc tới các nhiệm vụ khác như đảm bảo sự an toàn trong không gian tránh khỏi các mảnh vỡ từ các vệ tinh, nhưng dường như những nhiệm vụ đó chỉ là thứ yếu. Bằng chứng là Mỹ có nhiều dự án phát triển vũ khí tấn công. Khó để tin rằng những dự án vũ khí tấn công như vậy lại đảm bảo một không gian an toàn và xa hơn nữa là hạn chế và dọn dẹp các mảnh vỡ. Ngoài ra còn có các khả năng chống không gian tấn công không liên quan đến hành động động lực tạo ra mảnh vỡ, bao gồm gây nhiễu, laser năng lượng định hướng, tấn công mạng và nhắm mục tiêu vào Lực lượng đặc biệt của các trạm mặt đất vệ tinh và liên kết liên lạc.
Theo chuyên gia Trung Quốc, quan điểm phổ biến ở Bắc Kinh là Mỹ tìm cách vô hiệu hóa khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Trung Quốc, tự do can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc và làm suy yếu các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy Đài Loan thống nhất. Do đó, nếu kế hoạch của Mỹ không được kiểm soát, Bắc Kinh có thể cảm thấy buộc phải đáp trả bằng cách giới thiệu vũ khí không gian của riêng mình. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn tránh kết quả này. Các quan chức Trung Quốc lập luận rằng vũ khí hóa không gian không mang lại lợi ích cho quốc gia nào, trong khi việc tiếp tục khai thác một cách hòa bình sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia. Thay vì tranh giành không gian, Trung Quốc muốn các nước ban hành lệnh cấm quốc tế về vũ khí hóa không gian[18]. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang là quốc gia duy nhất trên thế giới có bộ phận không gian hoạt động trực thuộc PLA. Rõ ràng, điều này mang mục đích nhằm đảm bảo rằng các tài sản Không gian mang lại lợi ích quân sự ngay từ giai đoạn khởi đầu của bất kỳ dự án nào. Chương trình không gian của Trung Quốc, giống như chương trình hạt nhân của nước này, mở rộng từ mục đích quân sự đầu tiên, sau đó phát triển sang dân dụng.
Tác động tới cạnh tranh Mỹ – Trung và tình hình thế giới
Căng thẳng Mỹ – Trung trong vấn đề phát triển vũ khí không gian ngày càng gia tăng thông qua phát biểu của quan chức hai bên nhắm trực tiếp về phía nhau. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang dẫn đầu một nỗ lực nguy hiểm nhằm quân sự hoá không gian, và Washington là mối đe doạ lớn nhất đối với hoà bình và an ninh trong không gian vũ trụ[19]. Vũ khí không gian thuộc lĩnh vực công nghệ cao và khó có quốc gia nào có thể đơn phương phát triển một cách xuyên suốt, từ đó gia tăng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực không gian. Từ đó, có nguy cơ biến thành chạy đua vũ trang trong không gian với quy mô lớn. Cuộc cạnh tranh vũ khí không gian giữa Mỹ và Trung Quôc cũng tác động đến chính sách của các quốc gia khác, các quốc gia cũng cảm thấy lo ngại và bắt đầu thực hiện những chiến lược không gian của riêng mình (Như trường hợp của Ấn Độ). Ngoài ra, nguy cơ gia tăng cường độ các cuộc tranh cãi giữa hai bên, gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước như vụ khinh khí cầu vào hồi tháng 9 năm 2023.
Xu hướng vũ khí hóa không gian đặt ra những mối đe dọa lớn. Thứ nhất, nó đặt ra một mối đe dọa an ninh khi các hành động đơn phương của các quốc gia để vũ khí hóa không gian làm tăng sự không chắc chắn trong hệ thống quốc tế. Thứ hai, nó gây ra mối đe dọa môi trường vì các thí nghiệm với vũ khí chống vệ tinh đã dẫn đến việc tạo ra một lượng lớn mảnh vỡ không gian và làm tăng khó khăn khi tiến hành các hoạt động gần Trái đất. Nếu quá trình vũ khí hóa không gian được đẩy nhanh, không gian có thể trở nên nguy hiểm và không thể tiếp cận với những chủ thể khác[20].
Dự báo sự cạnh tranh trong tương lai
Với sự hiệu quả của vũ khí tác chiến điện tử được sử dụng trên chiến trường ở Ukraine, được Nga sử dụng sớm và xuyên suốt cuộc chiến, chủ yếu bằng cách gây nhiễu GPS và liên lạc vệ tinh. Từ những kết quả thực tế trên có thể thúc đẩy hơn nữa xu hướng tăng cường sức mạnh của vũ khí không gian trên phạm vi toàn thế giới chứ không còn riêng trong phạm vi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc chạy đua vũ khí hoá không gian kết hợp với việc thiếu lòng tin giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc càng làm xu hướng này dường như là điều không thể tránh khỏi và ngày càng trở nên nguy hiểm. Trong bản đánh giá các Mối đe doạ không gian 2023 của Mỹ, các chuyên gia của CSIS nhận định năm vừa qua là một năm khá yên ắng của Trung Quốc xét về các cuộc thử nghiệm trong không gian. Nhưng những tín hiệu đó chưa hoàn toàn làm các chuyên gia Mỹ cảm thấy yên tâm, vì có thể phía Bắc Kinh đang tập trung vào các khía cạnh khác của nỗ lực hiện đại hoá quân đội. Và phía Mỹ vẫn chỉ ra Trung Quốc là thách thức lớn nhất trong không gian[21]. Theo lo ngại từ phía Mỹ, Trung Quốc có thể đang nghiên cứu cả vũ khí hạt nhân trong không gian để chuẩn bị cho trận chiến trên quỹ đạo trong tương lai[22].
Thêm vào đó, cuộc chạy đua trong không gian có thể biến thành hình thái tập hợp lực lượng mới giữa Mỹ và Trung Quốc, không còn đơn thuần là hợp tác thám hiểm không gian giữa các quốc gia. Vào tháng 10/2023, Bắc Kinh đã đạt được thêm hai quan hệ đối tác cho dự án Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế, nhằm xây dựng một phòng thí nghiệm trên Mặt trăng vào 2030. Các quốc gia đã ký kết bao gồm Belarus, Pakistan, Nga, Nam Phi, Venezuela và Azerbaijan – không quốc gia nào trong số đó đặc biệt liên kết với Mỹ[23]. Tướng Bradley Chance Saltzman, Giám đốc Điều hành Không gian Hoa Kỳ. Kể từ khi đảm nhận chức vụ chỉ huy hoạt động không gian, Saltzman đã đến thăm nhiều chỉ huy chiến đấu và gặp gỡ các chỉ huy không gian ở Úc, Canada, Pháp, Đức, New Zealand và Vương quốc Anh. Saltzman nhấn mạnh, “Tăng cường quan hệ đối tác” là ưu tiên thứ ba của ông đối với Lực lượng Không gian. Ông cho biết: “Lực lượng Không gian sẽ cố gắng loại bỏ các rào cản đối với sự hợp tác, bao gồm cả việc phân loại quá mức, để chúng tôi có thể xây dựng lợi thế lâu dài với các đối tác của mình”, đồng thời cho biết thêm, “Cho đến nay, nhân sự từ hơn 50 quốc gia đã tham gia vào chương trình đào tạo, giáo dục và các sự kiện diễn tập do Lực lượng Không gian tổ chức. Chúng tôi cũng đang tận dụng các đồng minh và đối tác để mở rộng khả năng chiến đấu của mình”[24]. Do đó, với việc Mỹ và các đồng minh quyết tâm không đứng thứ hai sau Trung Quốc và Nga trong cuộc chạy đua không gian, việc quân sự hóa không gian là không thể ngăn cản, cho dù điều đó có thể là điều không mong muốn[25].
Hàm ý đối với Việt Nam
Cạnh tranh vũ khí không gian giữa Mỹ và Trung Quốc đặt ra cho Việt Nam không ít thách thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ đó đặt ra cho yêu cầu phải có những chính sách nhằm cân bằng lợi ích và đảm bao an ninh của Việt Nam. Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, Việt Nam với vị thế địa chiến lược quan trọng cũng như tiềm lực kinh tế, công nghệ, nhân sự v…v ngày càng gia tăng, có nguy cơ bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang, tập hợp lực lượng của các cường quốc dưới danh nghĩa là hợp tác quốc tế. Từ đó, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh của đất nước. Ngoài ra, sức mạnh vũ khí không gian của các quốc gia ngày càng tiên tiến cả về khả năng quan sát, do thám và tấn công. Điều đó có thể gây khó khăn cho Việt Nam trong việc giữ những bí mật chiến lược quốc phòng như vị trí các căn cứ, khí tài quốc phòng v…v. Trong lĩnh vực kinh tế, với vị thế vẫn đang là một quốc gia đang phát triển, nguồn lực còn hạn chế, việc phải tập trung nguồn lực để nâng cao khả năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong không gian có thể gây ra những khó khăn trong việc cân đối ngân sách. Đặc biệt, không gian thuộc lĩnh vực công nghệ cao nên đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, nếu không sẽ nhanh chóng bị tụt hậu so với thế giới. Từ đó, có thể làm giảm ngân sách của quốc gia cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Việt Nam cần tận dụng mọi thời cơ để phát triển lực lượng và hoc thuyết không gian của riêng mình. Lực lượng không gian của Việt Nam cần duy trì nguyên tắc bốn không trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam, với mục đích chính là đảm bảo an ninh cho quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác với các quốc gia khác trong lĩnh vực không gian như Ấn Độ, Nhật Bản v…v, các nghiên cứu, thử nghiệm mang tính chất lưỡng dụng, sử dụng được cho cả mục đích dân sự. Qua đó, có thể cân bằng được mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc./.
Tổng hợp và phân tích: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] David Roza (2023), “How the Space Force Will Avoid a ‘Pearl Harbor’ in Space, According to Its No. 2 Officer”, Air&Space Forces Magazines, https://www.airandspaceforces.com/space-force-pearl-harbor/
[2] Kari A.Bingen, Kaitlyn Johnson, Makena Young (2023), “Space Threat Assessment 2023”, CSIS, https://csis-website-prod.s3.amazonaws.com/s3fs-public/2023-04/230414_Bingen_Space_Assessment.pdf?VersionId=oMsUS8MupLbZi3BISPrqPCKd5jDejZnJ
[3] James C.Kitfield (2023), “Pentagon Leaders Emphasize ‘Responsible’ Options for Countering Space Weapons”, Air&Space Forces Magazine, https://www.airandspaceforces.com/pentagon-responsible-options-space-weapons/
[4] James C.Kitfield (2023), “Pentagon Leaders Emphasize ‘Responsible’ Options for Countering Space Weapons”, Air&Space Forces Magazine, https://www.airandspaceforces.com/pentagon-responsible-options-space-weapons/
[5] David Roza (2023), “How the Space Force Will Avoid a ‘Pearl Harbor’ in Space, According to Its No. 2 Officer”, Air&Space Forces Magazines, https://www.airandspaceforces.com/space-force-pearl-harbor/
[6] David Roza (2023), “How the Space Force Will Avoid a ‘Pearl Harbor’ in Space, According to Its No. 2 Officer”, Air&Space Forces Magazines, https://www.airandspaceforces.com/space-force-pearl-harbor/
[7] Anthony H.Cordesman, Joseph Kendall (2016), “Chinese Strategy and Military Mordernazation in 2016”, JSTOR, https://www.jstor.org/stable/resrep23376.15?
[8] Cao Trung (2020), “Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng quân đội “sánh ngang Mỹ” vào năm 2027”, Báo Công an Nhân dân, https://cand.com.vn/The-gioi-24h/Trung-Quoc-dat-muc-tieu-xay-dung-quan-doi-sanh-ngang-My-vao-nam-2027-i586136/
[9] Anil Kumar Lal (2023), “China’s new laser space weapons alarms the US”, Times of India, https://timesofindia.indiatimes.com/blogs/rakshakindia/chinas-new-laser-space-weapons-alarms-the-us/
[10] Courtney Kube, Dan De Luce (2023), “How China is challenging the U.S. military’s dominance in space”, NBC News, https://www.nbcnews.com/politics/national-security/china-challenging-us-militarys-dominance-space-rcna128993
[11] David Ignatius (2023), “China is serious about winning the new space race”, The Washington Post, https://www.washingtonpost.com/opinions/2023/07/20/china-united-states-space-competition/
[12] James C.Kitfield (2023), “Pentagon Leaders Emphasize ‘Responsible’ Options for Countering Space Weapons”, Air&Space Forces Magazine, https://www.airandspaceforces.com/pentagon-responsible-options-space-weapons/
[13] Jonathan McDowell (2022), “Space Activities in 2022”, Planet4589, https://csis-website-prod.s3.amazonaws.com/s3fs-public/2023-04/230414_Bingen_Space_Assessment.pdf?
[14] Andrew Jones, “China to Expand Its Space Station, International Astronaut Selection Underway,” SpaceNews, https://spacenews.com/china-to-expand-its-space-station-international-astronaut-selection-underway/
[15] Stephen Chen (2024), “China lab simulates attack on US warships using space weapons, hypersonic missiles”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/news/china/science/article/3249028/china-lab-simulates-attack-us-warships-using-space-weapons-hypersonic-missiles
[16] Stephen Chen (2024), “China lab simulates attack on US warships using space weapons, hypersonic missiles”, South China Morning Post, https://www.scmp.com/news/china/science/article/3249028/china-lab-simulates-attack-us-warships-using-space-weapons-hypersonic-missiles
[17] Matt Berg (2023), “The new space race with China”, Politico, https://www.politico.com/newsletters/digital-future-daily/2023/11/16/the-new-space-race-with-china-00127670
[18] Hui Zhang (2023), “Action/Reaction: U.S. Space Weaponization and China”, Arms Control Association, https://www.armscontrol.org/act/2005-12/features/actionreaction-us-space-weaponization-china
[19] Minh Thu (2024), “Trung Quốc nói Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh không gian vũ trụ”, Báo mới, https://baomoi.com/trung-quoc-noi-my-la-moi-de-doa-lon-nhat-doi-voi-an-ninh-khong-gian-vu-tru-c48450218.epi
[20] Zeev Shapira, Gil Baram (2019), “The Space Arms Race: Global Trends and State Interests”, INSS, https://www.inss.org.il/wp-content/uploads/2019/11/Shapira-and-Baram.pdf
[21] Kari a. Bingen, Kaitlyn Johnson Makena Young (2023), tldd
[22] Matt Berg (2023), “The new space race with China”, Politico, https://www.politico.com/newsletters/digital-future-daily/2023/11/16/the-new-space-race-with-china-00127670
[23] Matt Berg (2023), “The new space race with China”, Politico, https://www.politico.com/newsletters/digital-future-daily/2023/11/16/the-new-space-race-with-china-00127670
[25] Prakash Nanda (2023), “China Deploys Weapons Capable Of ‘Wiping’ US Space Capabilities; PLA’s Phenomenal Rise Alarms Pentagon”, The Eurasian Times, https://www.eurasiantimes.com/china-deploys-weapons-capable-of-wiping-us-space/