Nhà lịch sử Michel Goya, nguyên Đại tá Hải quân Pháp, nhận định với phóng viên tờ “Les Echos” gần đây rằng Nga và Ukraine đang sa lầy trong cuộc chiến tiêu hao.
Trên thực địa, không còn các trận đánh quy mô lớn nhưng hoạt động quân sự vẫn dữ dội để gây thiệt hại về khí tài và hậu cần cho đối phương. Theo ông Goya, hiện rất khó để 2 bên tổ chức các cuộc tấn công quy mô lớn vì phải huy động đông đảo lực lượng, nhưng lại rất dễ bị lộ và dễ bị oanh kích. Thêm vào đó, cả 2 bên đều đã có thời gian củng cố lực lượng phòng thủ. Số vũ khí cấp cho chiến trường không kịp bù cho số bị thiệt hại. Sau khi chiếm được Severodonetsk và Lysychansk hồi đầu tháng 7, Nga tạm dừng tấn công để khôi phục lực lượng và tái triển khai, chủ yếu đến vùng Donbass.
Về phía Ukraine, chính quyền Kiev nóng lòng chiếm lại Kherson vì Nga không giấu ý đồ sáp nhập vùng đất này thông qua một cuộc trưng cầu ý dân, đồng thời cũng để chứng minh cho các đồng minh và người dân rằng chính quyền không chỉ bằng lòng với kháng cự. Tuy nhiên, rất khó tái chiếm vùng này vì đó là khu vực đồng bằng, với tầm nhìn rộng và nhiều làng mạc quanh các chốt phòng thủ của Ukraine. Tại khu vực này, Ukraine có ít quân và khí tài hơn Nga. Hơn nữa, Kiev không thể áp dụng chiến thuật càn quét chiếm làng mạc như quân Nga.
Trong khi đó, theo CNBC, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ giành lại Crimea, một ngày sau khi xảy ra một số vụ nổ tại căn cứ không quân của Nga trên bán đảo này khiến ít nhất 1 người thiệt mạng. Nga cho biết vụ việc không phải do phía Ukraine thực hiện, trong khi Kiev cũng chưa lên tiếng.
Theo nhận định của chuyên gia Michel Goya, các chiến dịch sẽ chậm lại với các cuộc tấn công giảm dần cho đến khi 1 trong 2 bên tham chiến có bước đột phá nhờ củng cố lực lượng tốt hơn, cải tổ trang bị, cách tổ chức và phương pháp. Đến lúc đó, các cuộc tấn công lớn có thể sẽ làm lung lay đối phương.
Cho đến nay, tên lửa HIRMAS của Mỹ hay Caesar mà Pháp cung cấp cho Kiev chưa đủ để quân đội Ukraine thay đổi cục diện. Phương Tây đã cung cấp cho Kiev hầu hết các loại vũ khí hiện có và tính đến việc cung cấp cho Kiev máy bay trực thăng đổ bộ và máy bay chiến đấu, đặc biệt là máy bay tấn công trên bộ, tuy nhiên quá trình huấn luyện phi công sẽ cần rất nhiều thời gian.
Động thái của Nga
Washington ước tính đã có 80.000 quân Nga thương vong ở Ukraine sau 6 tháng chiến sự. Ukraine cũng tổn thất nặng nề, song Bộ Quốc phòng Mỹ không nêu số liệu. Trước đó, Kiev từng thông báo ít nhất 10.000 lính Ukraine tử trận và 30.000 người bị thương. Căn cứ số lượng 170.000 binh sỹ chính quy và 100.000 lính dự bị trước khi xảy ra chiến tranh, hiện quân đội Ukraine ước tính có từ 300.000 -350.000 lính.
Theo “Le Figaro”, để bù đắp thiệt hại “quân đội Nga tăng cường chiến dịch tuyển quân kín đáo”. Theo một nghiên cứu của nhật báo Nga “Kommersant”, được “Le Figaro” trích dẫn, ít nhất 40 đơn vị, gồm từ 90-500 người dường như đã hoàn thành khoá huấn luyện và chuẩn bị được đưa sang Ukraine. Họ ký hợp đồng nhiều tháng với mức “lương khủng” tương đương với 2.000-2.500 Euro, gấp 10 lần thu nhập trung bình hàng tháng.
Những “tình nguyện viên” đến từ khắp nước Nga, được tập hợp thành các tiểu đoàn mang tên đặc biệt có liên hệ với vùng họ sống, theo mô hình các tiểu đoàn Tchechenia của Ramzan Kadyrov. “Le Figaro” cho rằng thông tin của Kommersant là xác đáng vì một đạo luật được Hạ viện Nga thông qua ngày 4/3 cho phép phạt nặng “tin giả” về quân đội Nga ở Ukraine. Nghiên cứu của nhật báo Nga chủ yếu dựa trên những tin nhắn được kín đáo đăng trên các kênh Telegram cấp vùng – chính quyền địa phương hoặc những nhà hoạt động ủng hộ Kremlin – hoặc trên VK, mạng xã hội rất phổ biến tại Nga, kêu gọi tình nguyện viên gia nhập chiến dịch. Nhiều tấm biển tuyển dụng cũng được giăng ven nhiều trục đường ở Nga.
Trang mạng thehill.com đã dẫn thông báo trên Twitter của Bộ Quốc phòng Anh ngày 10/8 nói rằng phủ Nga có thể có kế hoạch triển khai một phần lớn lực lượng từ các tiểu đoàn “tình nguyện” mới được thành lập đang được tuyển dụng trên khắp đất nước. Cũng theo bộ này, giới chức địa phương của Nga xác nhận rằng những người được tuyển dụng nhận được các khoản tiền thưởng “béo bở” khi đến Ukraine, và việc tuyển dụng được giới hạn cho nam giới từ 50 tuổi trở xuống và có trình độ trung học cơ sở.
Một quân đoàn Nga thường bao gồm 15.000-20.000 binh sĩ, nhưng Nga có thể sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì lực lượng mới ở mức này. Theo Bộ Quốc phòng Anh, mức độ nhiệt tình của tình nguyện viên chiến đấu ở Ukraine là thấp, và lực lượng mới khó có thể mang tính quyết định trong chiến dịch.
Cơn ác mộng năng lượng cho châu Âu
Hãng tin Al Jazeera dẫn thông báo từ công ty Transneft của Nga mới đây cho biết Ukraine đã khóa đường ống trung chuyển dầu từ Nga sang châu Âu đi qua nước này do không nhận được phí trung chuyển. Nga không thể thanh toán chi phí do lệnh trừng phạt của châu Âu. Kể từ ngày 10/8, Liên minh châu Âu (EU) cũng chính thức ngừng mua than của Nga. Đường ống Druzhba dẫn dầu đến 3 nước Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech qua lãnh thổ của Ukraine đã phải tạm dừng ngày 4/8. Tuy nhiên, tuyến đường trung chuyển tới Ba Lan và Đức qua Belarus vẫn hoạt động bình thường.
Transneft cho biết theo các biện pháp trừng phạt mới, các ngân hàng châu Âu phải nhận được sự chấp thuận của cơ quan chính phủ có liên quan thay vì tự quyết định xem có cho phép giao dịch hay không. Theo công ty này, các nhà quản lý châu Âu vẫn chưa quyết định về các thuật toán cho tất cả các ngân hàng, cản trở các giao dịch. Transneft đang cân nhắc các hệ thống thanh toán thay thế, dù trước đó cũng đã gửi đơn xin cấp phép giao dịch.
Trong bối cảnh đó, châu Âu thiếu năng lượng tiếp tục là chủ đề của hai nhật báo Le Figaro và Les Echos.
Các kho dự trữ khí đốt tại châu Âu vẫn không ngừng được đổ đầy nhờ nhập khí hoá lỏng. Châu Âu sẽ đạt được chỉ tiêu tích được 80% khí đốt vào ngày 1/11. Tuy nhiên, theo “Les Echos”, đó chỉ là “sự bình lặng bề ngoài trước những tháng đầy rủi ro sắp tới”, thậm chí ngay từ mùa Thu do tập đoàn Gazprom giảm mạnh khối lượng khí đốt giao cho EU. Theo Giáo sư Thierry Bros, trường Khoa học Chính trị Sciences Po, kết quả tưởng chừng là tốt này thực ra là “do nhu cầu sử dụng ít hơn so với thông thường, đặc biệt là từ lĩnh vực công nghiệp”. Thêm vào đó là sự chênh lệch về khối lượng dự trữ khí đốt giữa các nước thành viên cũng là điều nói: Ba Lan và Bồ Đào Nha đã đổ gần đầy kho, nhưng Hungary, Bulgaria và Áo mới chỉ trên 50%, các nước Italy, Pháp, Đức từ 73% đến 83%.
Một điểm khác được nhà phân tích Sindre Knutsson, làm việc tại Văn phòng Rystad Energy lưu ý, đó là khối lượng khí đốt tích trữ chỉ bảo đảm được “từ 25%-30% nhu cầu của EU trong những tháng mùa Đông lạnh nhất”. Phần còn lại, EU vẫn phải trông chờ vào các nguồn nhập khẩu. Trong khi đó viễn cảnh lại không mấy sáng sủa.
Đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 hiện chỉ giao cho châu Âu khoảng 20% khả năng vận chuyển. Từ 320 triệu m3/ngày vào đầu mùa Hè, hiện chỉ còn 80 triệu m3/ngày. Ngoài các nguồn khí hoá lỏng như nhập từ Mỹ, châu Âu phải tiết kiệm tiêu thụ ít nhất là 10%. Nhà phân tích Sindre Knutsson nhấn mạnh: “Nếu mùa Đông quá lạnh hoặc Nga cắt hoàn toàn khí đốt, thách thức sẽ ở một cấp độ khác”.
“Vì thiếu khí đốt, châu Âu đổ tìm than đá” là nhận định trên trang nhất của “Le Figaro”. Mọi nguồn năng lượng thay thế đều được tính đến, kể cả các nhà máy nhiệt điện. Bất chấp tác hại đến môi trường, nhiều nước như Pháp, Đức, Áo, Ba Lan chấp nhận chi phí đắt đỏ để tái khởi động hoặc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện. Nhu cầu tăng bất ngờ, cùng với nhu cầu của Ấn Độ và Trung Quốc, đã khiến giá than đá hiện nay cao gần gấp 3 lần so với hồi tháng 1. Than đá giờ được coi như “vàng đen”.
Bài xã luận của “Le Figaro” gọi đây là một “cơn ác mộng năng lượng”, có ý chỉ trích những năm tháng theo đuổi chuyển đổi năng lượng nhưng lại không tính toán thấu đáo để ảnh hưởng đến chủ quyền. Ví dụ tiêu biểu là Đức, trong cuộc đua chuyển đổi sinh thái đã phó mặc nguồn năng lượng cho Tổng thống Nga Putin. Hậu quả hiện giờ là quốc gia này đối mặt với nguy cơ thiếu điện, giá tăng chóng mặt, phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính… Theo bài xã luận trên “Le Figaro”, tình hình hiện nay buộc các nhà lãnh đạo phải xem xét lại hoàn toàn chiến lược của châu Âu, bắt đầu từ việc tái thúc đẩy điện hạt nhân, tiếp tục phát triển các năng lượng tái tạo, triển khai các biện pháp sử dụng điều độ và tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng về ấn định giá tại châu Âu. Nếu không có bước nhảy vọt, châu Âu “sẽ bị buộc tiêu thụ than cho đến lúc khó tiêu”./.
CNBC/Trang mạng thehill.com/aljazeera.com/Đài RFI (Ngày 10/8)
Tác giả: Đỗ Thùy Thái Bình