Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng nêu những định hướng chính của Trung Quốc với các quốc gia Nam bán cầu. Điều đó không có nghĩa rằng, đến bây giờ Trung Quốc mới quan tâm đến khu vực đang phát triển này. Bằng những sáng kiến toàn cầu của mình Trung Quốc đã tạo ra được những ảnh hưởng đáng kể tới Nam bán cầu, từ đó đã tác động không nhỏ tới các khu vực và cục diện cạnh tranh Mỹ – Trung trên toàn thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung đang bước vào giai đoạn cao trào mới hiện nay, Nam bán cầu có thể là chìa khóa quan trọng đối với Trung Quốc trong cuộc chiến mới.
Cơ sở hoạch định của chính sách
Trong cục diện cạnh tranh nước lớn đang diễn ra căng thẳng, trên phương diện cạnh tranh tầm ảnh hưởng, Mỹ đã có những vượt trội rõ ràng hơn so với Trung Quốc về tầm ảnh hưởng ở các nước Bắc bán cầu. Và thậm chí với nguồn lực dồi dào như hiện tại của Trung Quốc, việc có thể giành được tầm ảnh hưởng tại những khu vực truyền thống của Mỹ là điều không dễ dàng. Vì vậy, Nam bán cầu là mảnh đất “màu mỡ” hơn cho chiến lược của Trung Quốc. Đặc biệt có những khu vực trong suốt nhiều thập kỷ vừa qua đã không nhận được nhiều sự chú ý của Mỹ. Tiếp theo, hợp tác với các nước Nam Bán cầu sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng năng lực hành hải của mình. Trong bối cảnh Mỹ hiện vẫn “phong tỏa” các lối ra biển của Trung Quốc bằng chiến lược chuỗi đảo. Chính vì thế, Trung Quốc cần tìm một lối thoát khác để vươn ra đại dương.
Ngoài ra, nhiều quốc gia ở Nam bán cầu, đặc biệt là châu Phi và Mỹ Latinh giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản (đồng, lithium, coban) và đất hiếm. Những tài nguyên phục vụ cho những ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt quan trọng với Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang phải chịu những lệnh cấm vận khắc nghiệt của Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hợp tác với các nước Nam Bán cầu, Trung Quốc sẽ đảm bảo dòng cung ứng ổn định cho nền công nghiệp của mình. Các quốc gia Nam Bán cầu cũng là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho hàng hóa và công nghệ Trung Quốc, từ sản phẩm tiêu dùng đến cơ sở hạ tầng. Đầu tư cơ sở hạ tầng: Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) là một ví dụ điển hình trong việc đầu tư vào đường bộ, đường sắt, cảng biển và năng lượng để thúc đẩy thương mại và kết nối khu vực.
Những nội dung chính của chính sách
Trong bài phát biểu của mình tại thượng đỉnh G20 ở Brazil năm ngoái, ông Tập khẳng định Trung Quốc sẽ luôn là thành viên của Nam bán cầu, là đối tác lâu dài đáng tin cậy của các nước đang phát triển khác, và là người hành động và người đi đầu vì sự nghiệp phát triển toàn cầu. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trung Quốc đưa ra tám định hướng chính của Trung Quốc với Nam bán cầu, bao gồm:
Một, Trung Quốc cam kết theo đuổi hợp tác BRI chất lượng cao. Tuyên bố khoản đầu tư bổ sung 80 tỷ nhân dân tệ vào Quỹ Con đường tơ lụa, Trung Quốc phát triển mạng lưới kết nối Vành đai và Con đường đa chiều, mạng lưới này được dẫn dắt bởi việc xây dựng Con đường tơ lụa xanh và sẽ trao quyền cho Con đường tơ lụa kỹ thuật số.
Hai, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy Sáng kiến Phát triển Toàn cầu. Trên cơ sở hơn 1.100 dự án phát triển đã và đang triển khai, Trung Quốc đảm bảo trung tâm nghiên cứu Nam Bán cầu đang được xây dựng sẽ phù hợp với mục đích và 20 tỷ đô la Mỹ tiền quỹ phát triển sẽ tiếp tục được sử dụng hiệu quả để hỗ trợ các nước đang phát triển và tăng cường hợp tác thực tế trong các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và nền kinh tế số.
Ba, Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ phát triển ở Châu Phi. Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-Châu Phi được tổ chức vào tháng 9 năm nay, Trung Quốc đã công bố mười hành động hợp tác chung tay với Châu Phi để thúc đẩy hiện đại hóa trong ba năm tới và cam kết hỗ trợ tài chính 360 tỷ nhân dân tệ.
Bốn, Trung Quốc ủng hộ hợp tác quốc tế về xóa đói giảm nghèo và an ninh lương thực. Trung Quốc đã quyết định tham gia Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, tiếp tục ủng hộ G20 triệu tập Hội nghị Bộ trưởng Phát triển và là nước chủ nhà cam kết của Hội nghị quốc tế về mất mát và lãng phí lương thực.
Năm, Trung Quốc, cùng với Brazil, Nam Phi và Liên minh Châu Phi đang đề xuất Sáng kiến Hợp tác Quốc tế về Khoa học Mở để giúp các nước Nam Bán cầu tiếp cận tốt hơn với những tiến bộ toàn cầu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sáu, Trung Quốc hỗ trợ G20 trong việc thực hiện hợp tác thiết thực vì lợi ích của Nam Bán cầu và tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch ở các nước đang phát triển và kinh tế sinh học. Trung Quốc hỗ trợ công việc của Trung tâm nghiên cứu khởi nghiệp về các nền kinh tế G20 có trụ sở tại Bắc Kinh và hỗ trợ hợp tác về giáo dục kỹ thuật số và số hóa các bảo tàng và kho lưu trữ cổ.
Bảy, Trung Quốc cam kết thực hiện Kế hoạch hành động chống tham nhũng của G20. Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển khác trong việc hồi hương người bỏ trốn và thu hồi tài sản, từ chối nơi trú ẩn an toàn và xây dựng năng lực chống tham nhũng.
Tám, Trung Quốc đang theo đuổi mở cửa tiêu chuẩn cao, và đơn phương mở rộng cửa hơn cho các nước kém phát triển nhất (LDC). Chúng tôi đã công bố quyết định cho tất cả các nước kém phát triển nhất có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc được hưởng chế độ thuế quan bằng 0 đối với 100% các dòng thuế. Từ nay đến năm 2030, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước đang phát triển khác có thể lên tới 8 nghìn tỷ Nhân dân tệ.
Những tuyên bố trên của ông Tập là sự tiếp nối của một chiến lược xuyên suốt nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nam bán cầu đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước. Cụ thể như ở khu vực Châu Phi từ sau Chiến tranh Lạnh đã không còn là khu vực nhận được sự ưu tiên của cả Mỹ và Nga, tận dụng cơ hội đó, Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong việc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực này. Ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã công bố bản đầu tiên của Chính sách của Trung Quốc tại Châu Phi[1]. Chính sách của Trung Quốc tại Châu Phi tập trung vào hợp tác kinh tế với những dự án đầu từ ở nhiều lĩnh vực của Bắc Kinh vào khu vực này. Ngoài ra Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm của họ đối với sự khu vực Nam Mỹ với Sách trắng Chính sách Trung Quốc-Mỹ Latinh năm 2008 và 2016. Các khu vực Nam bán cầu ở Châu Á cũng nhận được sự quan tâm của Trung Quốc bởi đây là khu vực ảnh hưởng truyền thống của nước này như Đông Nam Á. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông thông qua các hoạt động ngoại giao và hợp tác kinh tế.
Thông qua các cơ chế hợp tác kinh tế, Bắc Kinh thúc đẩy các giá trị của Trung Quốc ở các nước Nam Bán Cầu, nước này cũng nỗ lực thể chế hóa các cơ chế đa phương và song phương với vai trò lãnh đạo của Trung Quốc; thúc đẩy ‘Giải pháp Trung Quốc’ như một mô hình phát triển thay thế cho mô hình phát triển của Bắc bán cầu. Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc (CIDCA) là cơ quan được thành lập vào năm 2018 trực thuộc Hội đồng Nhà nước. Cơ quan này được Bắc Kinh ca ngợi là “một động thái quan trọng để bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy phát triển chung” cũng như “một cột mốc quan trọng trong hành trình viện trợ nước ngoài của Trung Quốc”. CIDCA được thành lập nhằm mục đích xây dựng các hướng dẫn, kế hoạch và chính sách chiến lược về viện trợ nước ngoài, phối hợp và đưa ra lời khuyên về các vấn đề chính cho các vấn đề viện trợ phù hợp, thúc đẩy cải cách của đất nước trong các lĩnh vực liên quan đến viện trợ nước ngoài, xác định các chương trình trọng điểm và giám sát, đánh giá việc thực hiện”.
Thực tiễn triển khai chính sách
Ở từng lĩnh vực khác nhau, Trung Quốc có những công cụ khác nhau để thực hiện hợp tác với các nước Nam bán cầu. Đó là Sáng kiến Vành đai và Con Đường (BRI), Sáng kiến Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR) và bộ ba sáng kiến chiến lược gồm: Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến An tinh Toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI).
Kinh tế:
Trung Quốc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng như đường sắt, cảng, và nhà máy điện ở các nước Nam bán cầu thông qua BRI. BRI tạo điều kiện cho Trung Quốc tiếp cận tài nguyên và thị trường mới, đồng thời giúp các nước đối tác phát triển kinh tế. Với tư cách là quốc gia lớn nhất ở Nam bán cầu, trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã tạo ra dấu ấn kinh tế đáng kể không chỉ trên thế giới mà còn với các nước đang phát triển khác, một động lực chính đằng sau sự tham gia đa tầng của Trung Quốc kể từ khi BRI ra mắt vào năm 2013. Sách trắng “Hợp tác phát triển quốc tế của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” nhấn mạnh BRI là “hàng hóa công quan trọng mà Trung Quốc cung cấp cho toàn thế giới và là nền tảng chính cho hoạt động hợp tác phát triển quốc tế”
Theo IMF, tỷ trọng của Trung Quốc trong GDP toàn cầu theo sức mua tương đương (PPP) đã tăng từ 13,71% năm 2010 lên 18,78% vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên 20,37% vào năm 2026. Ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc và các kết nối đa tầng với các nước đang phát triển đã định hình sự tham gia của nước này với Nam bán cầu. Thương mại của Trung Quốc với ASEAN tăng hơn 30% mỗi năm vào đầu thế kỷ 21. Năm 2011, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc và đã vượt qua Mỹ vào năm 2019. Kể từ đầu năm 2020, ASEAN đã thay thế EU trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Sự hình thành của Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN vào năm 2010 đã tạo ra một thực thể kinh tế với tổng GDP là 6,6 nghìn tỷ USD, 1,9 tỷ người và tổng thương mại là 4,3 nghìn tỷ USD. FDI của Trung Quốc vào các nước ASEAN đã tăng gấp đôi từ năm 2013 đến năm 2018, lên 14 tỷ USD. Quan hệ kinh tế của Trung Quốc với châu Phi cũng tăng lên. Năm 2009, Trung Quốc nổi lên là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi và vượt qua Ngân hàng Thế giới để trở thành nhà cho vay hàng đầu của châu Phi. Thương mại giữa châu Phi và Trung Quốc tăng từ 1 tỷ USD năm 2000 lên 182,5 tỷ USD năm 2018. Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành hai đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi. Điều này cho thấy mối liên kết kinh tế ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á/Châu Phi là một phần của sự trỗi dậy của Nam bán cầu.
Thương mại ở Nam bán cầu năm 2018 ước chừng khoảng 4,28 nghìn tỷ USD, tương đương 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nền kinh tế[2]. Năm 2017, tại Davos, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đóng góp 80% tăng trưởng kinh tế toàn cầu[3]. Đầu tư của Trung Quốc vào các nước Nam bán cầu vào năm 2015 so với 1990 đã có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Mức tăng phần trăm lớn nhất là ở Tây Á (524%), Đông Phi (297%) và Nam Phi (126%). Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là khai thác khoáng sản và đầu tư cơ sở hạ tầng. Thương mại hai chiều phần nhiều là ở chiều nhập khẩu nguyên liệu thô (như dầu mỏ, quặng, và nông sản) và xuất khẩu hàng hóa công nghiệp, điện tử của Trung Quốc tới các quốc gia này .
Chính trị:
Về mặt chính trị, Trung Quốc quảng bá tầm nhìn “thế giới đa cực” nhằm đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Thông qua thúc đẩy hợp tác trong các tổ chức quốc tế như BRICS, G77, và Liên Hợp Quốc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ được coi là một thách thức toàn diện đối với quyền bá chủ của Mỹ, mà sự liên kết ngày càng tăng của Bắc Kinh với Nam bán cầu cũng nhanh chóng được coi là ngang hàng tiềm năng với G-7. Mặc dù bảy nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã đồng ý xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai” với Trung Quốc. Các quốc gia này phần lớn được thúc đẩy bởi lợi ích kinh tế của sự hợp tác chung với Trung Quốc hơn là hoàn toàn tán thành tầm nhìn của Bắc Kinh về một trật tự đa phương do Bắc Kinh đứng đầu. Ở những khu vực xa xôi hơn, Trung Quốc nâng cao uy tín chính trị bằng các hoạt động trung gian hòa giải giữa Iran và Ả rập xê út ở khu vực Trung Đông.
Ở cấp độ đa phương, Trung Quốc đang sử dụng BRICS là công cụ chính để tập hợp các nước đang phát triển ở Nam Bán cầu vào một cơ chế do mình dẫn dắt. Và nó đã đạt được những thành quả nhất định, khi BRICS đã chính thức mở rộng thành viên và nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nước đang phát triển khác trong hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra ở Nga. Ngoài ra, những động thái gần đây của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tăng cường hợp tác với Brazil không chỉ có ý nghĩa về mặt củng cố khối BRICS mà đó còn là những động thái chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại mới với Mỹ khi tổng thống Trump lên nắm quyền.
Văn hóa – xã hội
Ở trong lĩnh vực hợp tác giáo dục, Trung Quốc đã có nhiều hành động nhằm hỗ trợ các nước Nam bán cầu.
Đầu tiên có thể kể tới việc thành lập Viện Hợp tác và Phát triển Nam-Nam thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong việc đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc tuyên bố mục tiêu của Viện này là chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc với các nước khác. Qua đó, Trung Quốc thúc đẩy các nghiên cứu và đào tạo về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, và quản trị bền vững, vốn là những lĩnh vực quan trọng với các quốc gia Nam bán cầu.
Thứ hai, chương trình học bổng quốc tế của Trung Quốc không chỉ là một chính sách giáo dục mà còn là một công cụ ngoại giao quan trọng. Chương trình này nhằm thu hút nhân tài trẻ từ các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi, Đông Nam Á, và Nam Mỹ, đến học tập tại các trường đại học của Trung Quốc. Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi năm ngoái ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ trao 50.000 suất học bổng và 50.000 cơ hội đào tạo cho người dân châu Phi trong ba năm tới, nhiều hơn 66% so với năm 2015[4]. Các lĩnh vực như y học, kỹ thuật, và công nghệ thường là những ngành được ưu tiên trong các chương trình này. Nhiều cựu sinh viên từ châu Phi và Đông Nam Á sau này giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ và doanh nghiệp, giúp thắt chặt mối quan hệ hai bên.
Thứ ba, Viện Khổng Tử đóng vai trò then chốt trong chiến lược “sức mạnh mềm” của Trung Quốc. Tính đến năm 2023, Trung Quốc đã thành lập hơn 500 Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, trong đó có nhiều viện tại các quốc gia Nam bán cầu như Kenya, Thái Lan, và Brazil[5]. Ở Kenya, Viện Khổng Tử tại Đại học Nairobi không chỉ dạy tiếng Trung mà còn tổ chức các sự kiện văn hóa, chẳng hạn như lễ hội Trung Thu hay các lớp học nghệ thuật truyền thống. Số lượng người học tiếng Trung đã vượt 40 triệu người trên toàn cầu[6], nhờ một phần không nhỏ vào mạng lưới các Viện Khổng Tử. Những công cụ trên sẽ giúp Trung Quốc xây dựng mạng lưới “cựu sinh viên” thân thiết với nước này, qua đó tạo ảnh hưởng lâu dài, một tầng lớp tinh hoa sau này có thể đảm nhận các chức vụ trong bộ máy chính quyền các nước. Trung Quốc đã đào tạo hàng trăm quan chức cấp cao từ châu Phi và Đông Nam Á thông qua các chương trình này. Ngoài ra nó cũng giúp tăng cường vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong hợp tác Nam-Nam. Không chỉ vậy, các công cụ hợp tác giáo dục còn giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu thiết lập một giá trị chung của nhân loại– như trung quốc tuyên bố trong Sáng kiến văn minh toàn cầu.
An ninh – Quốc phòng
Trung Quốc đã có những bước đi chiến lược trong việc hỗ trợ quốc phòng, tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, đặc biệt tại các quốc gia Nam bán cầu. Về hỗ trợ quốc phòng, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới, tập trung vào các nước đang phát triển tại châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Ví dụ năm 2015, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới, với việc bán các hệ thống tên lửa, xe bọc thép và máy bay chiến đấu cho các quốc gia như Nigeria, Pakistan và Venezuela[7]. Những giao dịch này không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn tạo điều kiện để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng chính trị, đồng thời xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài.
Trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, Trung Quốc là một trong những quốc gia đóng góp quân số lớn nhất trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Nước này đã gửi quân nhân, nhân viên y tế và chuyên gia hậu cần đến các khu vực xung đột tại châu Phi, như Nam Sudan, Mali, và Cộng hòa Dân chủ Congo. Ví dụ, Trung Quốc đã triển khai hơn 1.000 nhân viên gìn giữ hòa bình đến Nam Sudan[8] để hỗ trợ ổn định khu vực, một phần thể hiện trách nhiệm quốc tế của nước này, đồng thời bảo vệ lợi ích kinh tế của mình trong các dự án dầu mỏ tại đây. Trung Quốc hiện đang nắm giữ 41% cổ phần của Dar Petroleum Operating Co, công ty có hoạt động lớn nhất tại Nam Sudan[9].
Về an ninh phi truyền thống, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam bán cầu trong việc chống khủng bố, cướp biển, và tội phạm xuyên quốc gia. Một ví dụ điển hình là các hoạt động tuần tra chung tại Vịnh Aden, nơi Trung Quốc đã triển khai tàu chiến để bảo vệ các tuyến đường thương mại trước mối đe dọa từ cướp biển Somalia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thúc đẩy các sáng kiến hợp tác với ASEAN trong việc chống lại tội phạm mạng và buôn bán ma túy xuyên quốc gia.
Hợp tác trong lĩnh vực không gian. Gần đây, Trung Quốc đã nhắc lại mối quan tâm của mình đối với hợp tác không gian với khu vực trong Kế hoạch hành động chung Trung Quốc-CELAC giai đoạn 2022-2024. Tại đây, Bắc Kinh nhấn mạnh sự quan tâm đến việc hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Mỹ Latinh và Caribe, được thành lập tại Mexico vào tháng 9/2021, đồng thời ủng hộ việc khu vực mở rộng sử dụng chòm sao vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc. Ngôn ngữ về hợp tác không gian cũng xuất hiện trong Sáng kiến An ninh Toàn cầu năm 2023 của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với Mỹ Latinh thông qua Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) và BRICS.
Có thể thấy, hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia Nam bán cầu là đa dạng trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Những lĩnh vực hợp tác của Trung Quốc thường đi kèm với những mục tiêu lưỡng dụng. Ví dụ như xây dựng các cơ sở hạ tầng nhưng có thể chuyển đổi mục đích khi cần thiết như các bến cảng. Hay hợp tác trong lĩnh vực không gian cũng là lĩnh vực mà nước này đang cạnh tranh gay gắt với Mỹ. Thêm vào đó, những hợp tác của Trung Quốc cũng đã gây ra không ít hệ lụy cho các quốc gia đang phát triển.
Các tác động
Phản ứng của Mỹ
Tướng Lục quân Laura J. Richardson phát biểu tại diễn đàn an ninh Aspen: “Tôi lo ngại về bản chất sử dụng kép của điều đó. Đây là các doanh nghiệp nhà nước do chính phủ cộng sản sở hữu. Tôi lo ngại về việc chuyển đổi điều đó thành ứng dụng quân sự”[10]. Lo lắng của Mỹ là hoàn toàn có cơ sở về những động thái của Trung Quốc khi nhiều trong số các dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung vào các dự án lưỡng dụng như cảng nước sâu, an ninh mạng, năng lượng và không gian.
Các nhà bình luận Mỹ cũng đưa ra một loạt các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn mà họ thấy việc BRI mang lại lợi ích vượt xa lợi ích kinh tế. Các học giả phương Tây có quan điểm về các sáng kiến của Trung Quốc, tiêu biểu, BRI là một trường hợp thực tiễn của ngoại giao bẫy nợ. Họ cho rằng các dự án của Trung Quốc phần lớn không quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận. Các nước đi vay sẽ không bị xiết nợ bằng cách tịch thu tài sản mà bị đẩy vào các cuộc đàm phán song phương nhằm phục vụ lợi ích chính trị của Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng nêu bật những nỗi lo ngại về an ninh của các nước đi vay khi các dự án Thành phố thông minh tại các quốc gia này dựa trên mô hình giám sát của Trung Quốc. Các công nghệ dựa trên nhận dạng khuôn mặt và AI xâm lấn để giám sát các hoạt động an ninh và tiền tệ công cộng. Các sáng kiến này đôi khi được nhìn qua lăng kính về sự tiến triển được nhận thức trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc hướng tới việc sử dụng ảnh hưởng quốc gia một cách chủ động hơn và theo đuổi lợi ích toàn diện hơn. Tầm nhìn của Bắc Kinh buộc các nước trong khu vực phải tôn trọng “lợi ích cốt lõi quốc gia” của mình và hạn chế sự can dự của họ với các cường quốc “ngoài khu vực”.
Các tác động
Xuất phát từ những lo ngại về ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc, nhiều quốc gia ở khu vực Nam Bán Cầu đang cẩn trọng trước các sáng kiến của Bắc Kinh, niềm tin vào Trung Quốc vẫn ở mức trung bình. Ở Đông Nam Á, tỉ lệ những người thuộc giới tinh hoa không có niềm tin vào Trung Quốc đã tăng lên 63% vào năm 2021[11]. Nhưng ở những khu vực khác Trung Quốc lại đang nhận được những thái độ trái ngược. Dựa trên các cuộc thăm dò dư luận từ năm 2005 đến năm 2018 đã cho ra kết quả rằng thái độ của công chúng đối với Trung Quốc ở các nước đang phát triển hoặc kém phát triển khá tích cực, khi những khoản đầu tư của Trung Quốc đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt kinh tế địa phương của nước họ[12]. Tương tự, ở một nghiên cứu khác cũng cho rằng Trung Quốc có “sự nổi tiếng đáng kể ở Trung Đông và Châu Phi, không chỉ trong giới tinh hoa mà còn ở cấp đường phố” và rằng “Trung Quốc có thành tích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cung cấp một sự thay thế đáng hoan nghênh cho cái gọi là đồng thuận Washington“[13].
Trong lĩnh vực chính trị – ngoại giao Trung Quốc đã tạo ra các mối liên kết sâu rộng giữa các quốc gia với Nam bán cầu. Một cuộc khảo sát của Viện Lowy cho thấy các chuyến thăm trung bình hàng năm tới Trung Quốc và Mỹ của các nhà lãnh đạo thế giới đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nhiều nhà lãnh đạo Hàn Quốc đến thăm Trung Quốc hơn Mỹ từ năm 2010 đến 2019: các nhà lãnh đạo châu Phi đã đến thăm Trung Quốc 172 lần (83 lần đến Mỹ), các nhà lãnh đạo châu Á đã đến thăm Trung Quốc 287 lần (so với 90 lần đến Mỹ) và các nhà lãnh đạo Nam Mỹ đã đến thăm Trung Quốc 30 lần (so với 25 lần đến Mỹ). Điều này, báo cáo của Lowry kết luận, “vừa là hệ quá của sức mạnh ngày càng tăng của [Trung Quốc] vừa là một trong những nguyên nhân của nó”[14].
Những động thái của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm gia tăng ảnh hưởng khu vực ảnh hưởng của nước này trên thế giới. Ngoài ra nó còn giúp làm giảm thiệt hại cho hàng hóa Trung Quốc khi chiến tranh thương mại diễn ra với Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump với các động thái ngoại giao gần đây của Bắc Kinh với các nước Mỹ La tinh. Ở mức độ khu vực, chiến lược của Trung Quốc cũng có những tác động đáng kể. Ở từng khu vực cụ thể như ở Nam Á, hợp tác chặt chẽ của Trung Quốc với Pakistan còn mang mục đích để kiềm chế Ấn Độ tại khu vực này. Bên cạnh mục đích mở một con đường ra biển Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Ở khu vực Nam Mỹ vốn là “sân sau” của Mỹ hay Châu Phi là vùng ảnh hưởng của châu Âu suốt từ sau thời kỳ thuộc địa, ảnh hưởng mạnh mẽ với nguồn lực dồi dào của Trung Quốc đã làm phương Tây lo lắng. Một làn sóng “bài phương Tây” đang diễn ra mạnh mẽ ở Châu Phi với những cuộc đảo chính ở Niger hay một số quốc gia khác. Trong khi đó, Trung Quốc đang dần lấy được lòng tin của người dân Châu Phi bằng những cơ sở hạ tầng giúp cải thiện đời sống của họ. Còn ở Đông Nam Á đang là khu vực cạnh tranh khốc liệt nhất giữa Mỹ và Trung Quốc khi khu vực này đang chứa đựng những lợi ích cốt lõi của tất cả các bên. Tuy nhiên, với vai trò tích cực của ASEAN nên khu vực này về cơ bản vẫn giữ được sự ổn định về an ninh và chính trị nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Ở mức độ toàn cầu, chiến lược của Trung Quốc cũng làm đẩy nhanh tốc độ và quy mô của xu hướng tập hợp lực lượng, Trung Quốc đã và đang lôi kéo các nước Nam bán cầu vào nhóm BRICS. Và với một tổng thống như Trump thì căng thẳng giữa hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc sẽ rất khó lường và nhiều nước sẽ bị lôi vào vòng xoáy cạnh tranh này.
Hàm ý đối với Việt Nam
Chiến lược của Trung Quốc đối với Nam Bán cầu đem lại cho Việt Nam nhiều thời cơ cũng như thách thức. Về thách thức, Việt Nam cần cẩn trọng trước các cơ chế đa phương mang mục đích tập hợp lực lượng của Trung Quốc để tránh nhận phải những phản ứng từ phía Mỹ và các quốc gia phương Tây. Những hợp tác của Trung Quốc thường đi kèm với những mục tiêu chính trị và cả quân sự đằng sau. Vì vậy, trước hết Việt Nam cần kiên trì với đường lối quốc phòng “bốn không” trong quan hệ quốc tế: Không tham gia liên minh quân sự; Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại các nước khác; Không liên kết với nước này để chống nước kia; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Những chính sách này đã thể hiện rõ phương châm ngoại giao độc lập, tự chủ và trung lập của Việt Nam.
Về cơ hội, Việt Nam cũng có thể tận dụng sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc tại các nước Nam bán cầu để mở rộng quan hệ kinh tế và tìm kiếm thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại tự do như RCEP. Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang coi Đông Nam Á là khu vực ảnh hưởng truyền thống và cạnh tranh tầm ảnh hưởng quyết liệt với Mỹ, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác trong các cơ chế của ASEAN để duy trì vai trò trung tâm trong khu vực. Từ đó, vừa tận dụng được các cơ hội đầu tư vừa đảm bảo giữ vững được ổn định chính trị. Không chỉ vậy còn nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần bám sát với tuyên bố chung của hai quốc gia trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc tới Việt Nam để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước. Tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì các kênh đối thoại, những chuyến thăm của lãnh đạo các cấp của cả hai nước. Thúc đẩy giao lưu nhân dân qua các hoạt động hợp tác văn hóa, giáo dục v…v. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần chủ động xây dựng một lực lượng sản xuất trong nước đủ mạnh để là đối trọng với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh hợp tác – hội nhập ngày càng sâu rộng giữa nền kinh tế hai nước nói riêng và hội nhập khu vực nói chung.[15]
Tác giả: Phạm Quang Phúc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1] Sheng Ding (2008), “To Build A “Harmonious World”: China’s Soft Power Wielding in the Global South”, Springer Link, https://link.springer.com/article/10.1007/s11366-008-9023-9
[2] WTO (2019), “World Trade Statistical Review”, https://www.wto.org/english/res_e/statis_e/wts2019_e/wts2019_e.pdf
[3] Fuchs, A. & Rudyak, M. (2019) The motives of China’s foreign aid. In: Zeng, K.A. (Ed.) Handbook on the international political econ omy of China. Edward Elgar Publishing, pp. 392– 410.
[4] Vũ Hoàng (2019), “Học bổng – vũ khí ‘quyền lực mềm’ của Trung Quốc ở châu Phi”, Vnexpress, https://vnexpress.net/hoc-bong-vu-khi-quyen-luc-mem-cua-trung-quoc-o-chau-phi-3991364.html
[5] Dominika Urhoava (2024), “The Demise of Confucius Institutes: Retreating or Rebranding?”, China Observers in Central and Eastern Europe, https://chinaobservers.eu/the-demise-of-confucius-institutes-retreating-or-rebranding/
[6] “How Many Foreigners Are Learning Chinese?” (2021), Free Chinese Lessons, https://www.freechineselessons.com/blog/how-many-foreigners-are-learning-chinese/
[7] Ngọc Quý (2015), “Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu vũ khí thứ 3 thế giới”, Thanh Niên, https://thanhnien.vn/trung-quoc-tro-thanh-nuoc-xuat-khau-vu-khi-thu-3-the-gioi-185455031.htm
[8] Enoch Wong (2024), “Safeguarding Peace: China’s Strategic Role in South Sudan’s Stability”, The Diplomatic Insight, https://thediplomaticinsight.com/safeguarding-peace-chinas-strategic-role-in-south-sudans-stability/
[9] “Chinese oil operator mulls alternative pipeline with South Sudan” (2024), Radio Tamazuj, https://www.radiotamazuj.org/en/news/article/chinese-oil-operator-mulls-alternative-pipeline-with-south-sudan
[10] David Vergun (2024), “Russia, China Vying for Influence in Southern Hemisphere With U.S.”, U.S Department of Defense, https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/3843634/russia-china-vying-for-influence-in-southern-hemisphere-with-us/
[11] Sharon Seah, Hoang Thi Ha, Melinda Martinus, Pham Thi Phương Thao (2021), “The State of Southeast Asia 2021”, ISEAS, https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2021/01/The-State-of-SEA-2021-v2.pdf
[12] Yu Xie, Yongai Jin (2021), “Global Attitudes toward China: Trends and Correlates”, Journal of contemporary China, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/10670564.2021.1926088
[13] Jorg Friedrichs (2019), “Explaining China’s popularity in the Middle East and Africa”, Third World Quarterly, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/01436597.2019.1592670
[14] Hong Liu (2021), “China engages the Global South: From Bandung to the Belt and Road Initiative”, Wiley Library, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/1758-5899.13034