Sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan đã xích lại gần hơn với Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực. Chính quyền Quân sự sau đảo chính của Thủ tướng Prayuth vẫn thường được xem là chính phủ thân Trung Quốc và đã thực hiện nhiều bước đi nhằm tăng cường, nâng cao mối quan hệ Thái Lan – Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền của ông Prayuth có nhiều khả năng sẽ không thể tồn tại quá năm nay. Cuộc bầu cử Chính phủ mới của Thái Lan đang diễn ra với tiềm năng rất lớn sẽ thành lập một chính phủ do Đảng đối thủ “Tiến bước” đứng đầu. Liệu sau khi thành lập chính phủ mới, Thái Lan còn mặn mà mối quan hệ với Trung Quốc hay không? Hay sẽ trở lại một Thái Lan thân Mỹ?
Chính sách đối ngoại của Thái Lan sau năm 2014
Sau cuộc đảo chính năm 2014, Mỹ và phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại chính quyền quân sự Thái Lan, mối quan hệ Thái Lan – Mỹ cũng xấu đi từ đó. Khi quan hệ với Mỹ và châu Âu trở nên căng thẳng, chính quyền quân sự đã tăng cường cả quan hệ chính trị và kinh tế với các quốc gia ASEAN cũng như Trung Quốc. Thái Lan đã hồi sinh Chính sách “Ngoại giao cây tre”, kết bạn với các quốc gia phi dân chủ ở châu Á để giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Thái Lan đã cố gắng đa dạng hóa các lựa chọn chính sách đối ngoại của mình.
Ngày 25 tháng 7 năm 2019, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra tuyên bố về chính sách đối ngoại của mình trước Quốc hội. Tuyên bố cho biết nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong cộng đồng quốc tế. Chính sách đối ngoại của Thái Lan nhằm mục tiêu thúc đẩy vai trò của nước này trên trường quốc tế, thông qua quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới một cách cân bằng và ổn định, trên cơ sở các nguyên tắc tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Quốc gia này tìm kiếm sự hợp tác kinh tế với tất cả các khu vực trên thế giới bao gồm châu Âu, Trung Đông và Nam Á. Thái Lan tiếp cận chính sách đối ngoại theo hướng “can dự phức tạp” bằng cách quản lý và cân bằng giữa các cường quốc đối địch nhau gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Nga, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Trong khi Chính quyền Obama đã lên án cuộc đảo chính quân sự, Trung Quốc xuôi theo dòng nước và chấp nhận chế độ quân sự dưới thời Prayuth Chan-ocha. Trung Quốc đã không đặt câu hỏi nào cho chế độ mới của Thái Lan. Thay vào đó, cùng với sự nguội lạnh của mối quan hệ giữa Mỹ và Thái Lan, Trung Quốc đã kéo Thái Lan về phía mình. Bắc Kinh bắt đầu đàm phán cho một loạt các khoản đầu tư đường sắt lớn xuyên qua Thái Lan, hai nước cũng đạt được thỏa thuận mua bán tàu ngầm quân sự để tăng cường sức mạnh hải quân cho Thái Lan. Ông Prayuth cũng đã mua hàng chục xe tăng và các phương tiện bọc thép khác của Trung Quốc.[1]
Sự thân thiết của mối quan hệ Thái – Trung đã làm các quốc gia phương Tây sửa đổi lập trường của họ vì sợ mất đi tầm ảnh hưởng tại nước này. Đến tháng 10/2017, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã bỏ qua sự trừng phạt hiện có của Chính quyền Obama để lại và mời Prayuth đến Nhà Trắng. Sau đó, Vương quốc Anh và Pháp cũng theo bước Mỹ mời Thủ tướng Thái Lan đến nước họ để đàm phán thương mại.[2]
Từ đó, Prayuth đã tuyên bố với công chúng Thái Lan rằng chế độ quân sự của ông đã được các siêu cường trên thế giới hoàn toàn công nhận. Chính sách ngoại giao cây tre đã khai thác mối quan hệ với Trung Quốc để bù đắp các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời, cũng giúp Thái Lan hòa giải với Phương Tây.
Chính sách đối ngoại của Thái Lan đối với Trung Quốc
Thái Lan đã chủ động xích lại gần hơn với Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực kể từ năm 2014. “Bangkok coi quan hệ với Bắc Kinh là vùng an toàn cho sự can dự chính trị, an ninh và kinh tế.”[3]
Ngay sau cuộc đảo chính, số lượng các chuyến viếng thăm cấp cao giữa các lãnh đạo hai nước đã tăng mạnh. Tháng 12/2014 ông Prayuth đã chào đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bangkok, trở thành nhà lãnh đạo cấp cao nước ngoài đầu tiên tới thăm Thái Lan kể từ cuộc đảo chính. Ngay sau đó, Thủ tướng Prayuth đã có chuyến công du đến Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời chứng kiến việc gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 11,25 tỷ USD.
Thái Lan tuyên bố mối quan hệ với Trung Quốc dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau và tin tưởng lẫn nhau. Thái Lan tôn trọng và tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, và công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã đề cập rõ ràng với tạp chí Time rằng Trung Quốc là “đối tác số một” của Thái Lan. Tướng Narongphan cho rằng Thái Lan và Trung Quốc là bạn bè, đối tác và láng giềng tốt, thân thích như họ hàng. Thái Lan đánh giá cao và ủng hộ vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực. Ông khẳng định Thái Lan sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương phát triển toàn diện.
Cùng với đó, giới tinh hoa Thái Lan cũng nhận thấy nước này cần phải khai thác sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều dự án hợp tác giữa hai quốc gia được thúc đẩy, chẳng hạn như Hành lang Kinh tế Phía Đông và các đường tàu cao tốc đã được kết nối với Sáng kiến Vành Đai và Con đường (BRI). Thái Lan đã tích cực tham gia vào Sáng kiến BRI nhằm tận dụng cơ hội để phát triển cơ sở hạ tầng gồm các tuyến đường sắt cao tốc và cảng. Tháng 9/2017, hai nước đã ký “Biên bản ghi về việc cùng thúc đẩy xây dựng Vành đai và Con đường”.
Ở cấp độ khu vực, Thái Lan tìm cách tăng cường kết nối chiến lược giữa BRI và khuôn khổ tiểu vùng, chẳng hạn như Chiến lược Hợp tác Kinh tế Sông Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong và Hợp tác Lan Thương – Mekong. Ngoài ra, đối với vấn đề biển Đông, Thái Lan với tư cách là một quốc gia không có yêu sách chủ quyền trên biển Đông, ủng hộ các nguyên tắc tự do hàng hải và giải quyết bất đồng bằng đàm phán hòa bình. Thái Lan tiếp cận thận trọng tới vấn đề này vì Thái Lan có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, đồng thời cũng là láng giềng thân thiên của các nước ASEAN.
Quan hệ Thái Lan – Trung Quốc trong những năm gần đây
Trung Quốc và Thái Lan là Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện kể từ năm 2012. Mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng phát triển thân thiết, đặc biệt là từ sau 2014.
Hai nước Thái – Trung duy trì trao đổi cấp cao chặt chẽ. Ngay sau khi thành lập chính phủ quân sự năm 2014, Thái Lan đã đón tiếp Thủ tướng Lý Khắc Cường tại Bangkok, sau đó người đồng cấp Thái Lan – ông Prayuth cũng đã có chuyến thăm đáp lễ đến Trung Quốc. Ngày 19/11/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Thái Lan, gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và bày tỏ “Trung Quốc và Thái Lan gần gũi như một gia đình”. Tháng 2/2023, Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cũng đã tới thăm Trung Quốc.
Bên cạnh tiếp xúc cấp cao, Thái Lan và Trung Quốc cũng chủ động thúc đẩy các cuộc gặp gỡ mang tính cụ thể, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai quốc gia. Ngày 25/6/2023 vừa qua, khoảng 4.000 doanh nhân Trung Quốc đã tập trung tại Bangkok để chia sẻ và trao đổi ý tưởng thương mại trong Hội nghị Doanh nhân Trung Quốc Thế giới từ ngày 24-26/6, được tổ chức bởi Phòng Thương mại Thái Lan – Trung Quốc.
Hợp tác kinh tế Thái Lan – Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng đi đôi với đó, nền kinh tế Thái Lan ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan kể từ năm 2013, khối lượng thương mại hai chiều là 61 tỷ USD trong năm đó tăng lên 135 tỷ USD vào năm 2022[4]. Ngoại thương với Trung Quốc chiếm khoảng 18% tổng khối lượng ngoại thương của Thái Lan.[5] Năm 2020, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Thái Lan. Năm 2022, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót 2,3 tỷ USD vào các ngành công nghiệp chủ chốt của vương quốc này như điện tử, ô tô và trung tâm dữ liệu, theo Hội đồng Đầu tư Thái Lan.[6] Trước đại dịch, ngành du dịch đóng góp khoảng 20% GDP cho nền kinh tế Thái Lan. Trong đó, khách du lịch từ Trung Quốc – gần 11 triệu người – chiếm hơn 25% tổng số lượt khách của Thái Lan (năm 2019). Tuy nhiên, theo chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lượt khách từ Trung Quốc đến Thái Lan chỉ còn khoảng 13.000 lượt, khiến nền kinh tế Thái Lan chịu một đòn nặng nề do mất đi khách du lịch quốc tế[7].
Về hợp tác an ninh – quốc phòng, Thái Lan đã tăng cường thắt chặt quan hệ hợp tác về quân sự, bao gồm nhiều hợp đồng vũ khí “lớn”, những thỏa thuận về tàu ngầm, và cả những cuộc tập trận quân sự chung. Trong những năm qua, Thái Lan đã mua nhiều đơn hàng vũ khí có giá trị lớn từ Trung Quốc. Năm 2015, Thái Lan đã đặt mua ba tàu ngầm diesel – điện từ Trung Quốc với giá 1,03 tỷ USD[8]. Đây là quyết định mua sắm quốc phòng quan trọng và tốn kém nhất trong lịch sử nước này. Năm 2016, tờ Bangkok Post đưa tin Thái Lan đã đặt mua 28 xe tăng hạng hạng VT4 của Trung Quốc với trị giá khoảng 140 triệu USD. Năm 2017, Thái Lan đã đặt mua tàu ngầm lớp Nguyên với giá 395 triệu USD. Năm 2019, Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã đặt mua tàu đổ bộ cỡ lớn HTMS Chang với giá khoảng 130 triệu USD, đến tháng 4/2023 vừa qua, Thái Lan đã chính thức tiếp nhận tàu này từ Trung Quốc.[9] Ngày 10/6/2023, Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thường Phúc đã có cuộc gặp với tướng Narongphan Jitkaewtae, Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Thái Lan, tại Bắc Kinh. Tướng Narongphan đã bày tỏ sự ủng hộ đối với “vai trò quan trọng” của Bắc Kinh trong việc duy trì an ninh và ổn định khu vực, đồng thời cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và quân đội hai nước. Lực lượng không quân Trung Quốc và Thái Lan đã tổ chức các cuộc tập trận chung hàng năm kể từ năm 2015 nhưng đã bị gián đoạn trong các năm 2020 và 2021 do đại dịch Covid-19, sau đó được nối lại vào tháng 8/2022. Lực lượng vũ trang Thái Lan là quân đội Đông Nam Á duy nhất tổ chức tập trận hàng năm với tất cả 3 nhánh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải quan hệ Trung – Thái luôn tốt đẹp. Cũng như các quốc gia hạ lưu Sông Mekong khác, Thái Lan chịu ảnh hưởng từ 11 con đập của Trung Quốc được xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong, mà có thể gây ra hạn hán ở hạ nguồn. Mặc dù có một số hoạt động từ phía Thái Lan, đã không có cuộc thảo luận nào đáng kể từ Chính phủ Thái Lan để gây áp lực buộc đối tác Trung Quốc giải quyết vấn đề này.
Đánh giá chính sách đối ngoại của Thái Lan đối với Trung Quốc
Thứ nhất, chính phủ Thái Lan đã dành sự ưu tiên của mình trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc. Chính quyền của ông Prayuth sau đảo chính vẫn luôn bị xem là một chính quyền quân sự độc tài. Do đó, Prayuth đã nỗ lực tìm kiếm sự công nhận quốc tế và tính hợp pháp của chính phủ mới sau cuộc đảo chính. Việc Trung Quốc không lên tiếng chỉ trích chính quyền của ông đã mở ra con đường cho quan hệ hai nước ngày càng tiến xa. Trung Quốc là một cường quốc lớn, việc giành được sự ủng hộ và công nhận từ Bắc Kinh sẽ giúp Thái Lan củng cố vị thế của mình trên trưởng quốc tế. Thực tế, điều này đã hiệu quả, với vị trí quan trọng tại Đông Nam Á của mình, khi mối quan hệ với Trung Quốc ngày càng trở nên thân thiết, Mỹ và Phương Tây đã buộc phải thay đổi quan điểm của mình. Mỹ và Phương Tây đã chỉ trích chính quyền quân sự của ông Prayuth và tiến hành áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Thái Lan vào năm 2014. Tuy nhiên, đến năm 2017, Thủ tướng Prayuth đã được mời tới thăm Nhà Trắng và nhiều nước châu Âu khác. Có thể nói nhờ sự thân thiết với Trung Quốc mà Thái Lan đã khôi phục lại mối quan hệ với Mỹ.
Thứ hai, chính sách đối ngoại của Thái Lan đối với Trung Quốc chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực chính: kinh tế và quân sự. Thái Lan coi Trung Quốc là một cường quốc kinh tế với nguồn vốn dồi dào mà Thái Lan có thể dễ dàng tận dụng thông qua Sáng kiến BRI: “Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc là yếu tố chính trong việc lôi cuốn Thái Lan”[10]. Tuy nhiên, vốn đầu tư từ Trung Quốc thường đến từ khuôn khổ BRI và tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng hơn là đầu tư vào các ngành kinh tế tại Thái Lan. Thái Lan cũng bắt đầu có những quan ngại về việc mắc nợ Trung Quốc và chậm tiến độ thi công đường sắt cao tốc. Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng đã bắt đầu tạo áp lực đối với Thái Lan trong những năm gần đây. Thậm chí, Bắc Kinh đã không mời lãnh đạo Thái Lan tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến BRI vào năm 2017.
Đối với hợp tác quân sự, có 4 lý do chính thúc đẩy sự phát triển hợp tác của hai quốc gia trong lĩnh vực này: (1) là phản ứng tiêu cực của Mỹ đối với cuộc đảo chính, Mỹ đã cắt giảm tài trợ quân sự, thu hẹp hợp tác quốc phòng với Thái Lan. Chính quyền của ông Prayuth dựa trên nền tảng là quân sự đã chủ động tiếp cận Trung Quốc để tăng cường sức mạnh của mình. (2) Thái Lan không có xung đột quân sự nào với Trung Quốc. (3) Thái Lan đã gặp đúng thời điểm sự bùng nổ các hoạt động ngoại giao quốc phòng của Trung Quốc kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012. (4) là sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Thái Lan kể từ năm 2014, Chính quyền Prayuth đã chi nhiều tiền hơn cho khí tài quân sự nói riêng và các chi tiêu quân sự nói chung kể từ sau khi cầm quyền.
Chính quyền Quân sự của Thủ tướng Prayuth vẫn thường được xem là chính phủ thân Trung Quốc và đã thực hiện nhiều bước đi nhằm tăng cường, nâng cao mối quan hệ Thái Lan – Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền quân sự kể từ 2014 của ông Prayuth có nhiều khả năng sẽ không thể tồn tại quá năm nay. Ngày 20/3/2023, Thủ tướng Prayuth đã giải tán Quốc Hội, mở đường cho cuộc bầu cử thứ 2 của nước này kể từ 2014. Ngày 29/6, ông Prayuth cũng đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử vị trí thủ tướng[11].
Kết quả của cuộc bầu cử ngày 14/5 cho thấy Đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất của ông Prayut chỉ giành được 36 ghế, một Đảng khác được quân đội hậu thuẫn là Palang Pracharat, do cựu chỉ huy quân đội Prawit Wongsuwan lãnh đạo, cũng chỉ nhận được 40 ghế. Trong khi đó Đảng Tiến bước giành được 151 ghế và Đảng Dân túy Pheu Thái ở vị trí thứ 2 với 141 ghế, vượt xa Đảng của Thủ tướng đương nhiệm. Tuy nhiên để trở thành Thủ tướng, Pita sẽ cần nhận được tối thiểu 376/750 nghị sĩ lưỡng viện. 8 Đảng gồm đảng Tiến bước, Vì nước Thái (Pheu Thai), Thai Sang Thai, Thai Liberal, Prachachart, Fair, Plung Sungkom Mai và Peu Thai Ruamphalang đã thành lập một liên minh ủng hộ ông Pita trở thành Thủ Tướng.
Dự báo quan điểm đối ngoại của Thái Lan đối với Trung Quốc sau bầu cử 2023
Ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí Thủ tướng Thái Lan trong cuộc bầu cử năm 2023, Chủ tịch Đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat cho biết ưu tiên chính sách của ông trong 4 năm tới sẽ là “phi quân sự hóa, phi độc quyền và phi tập trung hóa Thái Lan. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Thái Lan hồi đầu năm 2023, ông Pita đã nói rằng quan hệ quốc tế ít liên quan đến việc chọn bên hơn việc chọn nguyên tắc, bởi vì “trật tự thế giới mới là không có trật tự nào cả”[12]. Ông nhấn mạnh rằng điều quan trọng là các quốc gia nhỏ phải tuân thủ các nguyên tắc của mình để có uy tín hơn và được coi là một đối tác tin cậy trong các vấn đề toàn cầu. Cố vấn cấp cao của Đảng Pheu Thái và ứng cử viên Thủ Tướng ông Srettha Thavisin đã nói rằng “gần 9 năm dưới thời Prayuth đã khiến Thái Lan biến mất khỏi vũ đài thế giới”. Do vậy cả hai nhà lãnh đạo của Đảng Pheu Thái và Tiến bước đều hứa sẽ cải thiện vị trí toàn cầu của Thái Lan nếu được bầu. Ông Srettha nói rằng nếu chính phủ Pheu Thái lên nắm quyền, ông sẽ hỗ trợ thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài cho các nhà lãnh đạo để thu hút đầu tư.[13]
Về đối ngoại, 8 Đảng trong liên minh ủng hộ thực hiện các chính sách nhằm khôi phục vai trò lãnh đạo của Thái Lan trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và duy trì quan hệ quốc tế cân bằng giữa Thái Lan với các cường quốc khác. Dưới thời Prayuth, chính sách đối ngoại không phải ưu tiên của chính phủ[14]. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nào về việc chính phủ mới sẽ thay đổi và điều chỉnh các chiến lược ngoại giao đối với Trung Quốc, sự xuất hiện của một chính phủ do bầu cử với sự lãnh đạo của một nhà lãnh đạo trẻ – ông Pita chỉ mới 42 tuổi, ông sẽ là Thủ tướng trẻ tuổi nhất Thái Lan từ trước tới nay nếu đắc cử, có khả năng mở ra một kỷ nguyên tiến bộ, dân chủ mới trong chính trị Thái Lan. Theo một nghiên cứu được đăng tại Chương trình Đông Nam Á của CSIS, việc có các nhà lãnh đạo như Pita (cựu sinh viên MIT và Harvard) hoặc Srettha (tốt nghiêp MBA từ Đại học Claremont Graduate) trong một chính phủ mới chắc chắn sẽ là một thay đổi mới với Thái Lan và “có khả năng cho phép hợp tác song phương lớn hơn về các vấn đề như nhân quyền, biến đổi khí hậu, và chống lại các công ty Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp tại Thái Lan.”[15]
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính phủ mới sẽ tái cân bằng lại mối quan hệ ngoại giao của Thái Lan đối với Mỹ và Phương Tây. Gregory B Poling – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng sự chấm dứt của chế độ quân sự và sự xuất hiện của một Chính phủ Thái Lan được bầu cử dân chủ sẽ tạo ra nhiều khác biệt chiến lược. Ông cho rằng, mặc dù Thái Lan vẫn khó có thể công khai liên kết với Mỹ trong nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc, nhưng có khả năng Thái Lan sẽ giảm bớt việc ngày càng xích lại gần Trung Quốc. Ông Poling cho rằng hầu hết những người ủng hộ và nghị sĩ sẽ nghiêng về phía thân Mỹ, hoặc ít nhất là hoài nghi Trung Quốc. Tyrell Haberkorn, Giáo sư nghiên cứu Đông nam Á tại Đại Học Wisconsin-Madison cũng cho rằng: “Một chính phủ mới do Đảng Pheu Thai Lãnh đạo có thể mang lại cho Thái Lan cơ hội để thân Mỹ”[16]. Thitinan Pongsudhirakan, Phó Giáo sư ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Chulalongkorn, Thái Lan cũng từng đưa ra quan điểm rằng “Thái Lan ngả về Trung Quốc dưới chính quyền quân sự hậu đảo chính 2014, song xu hướng này có thể bị đảo ngược nếu một hệ thống dân chủ thực sự”[17].
Ở chiều ngược lại, cũng có những ý kiến cho rằng quan hệ Trung – Thái sẽ không quá bị ảnh hưởng bởi kết quả tổng tuyển cử. Xu Liping, nhà nghiên cứu tại viện Chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng chính phủ mới của Thái Lan khó có thể có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại, nhưng sẽ có những điều chỉnh nhỏ. Về cơ bản, Thái Lan sẽ duy trì quan điểm trung lập trong nhiều vấn đề quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng “Bất kể chính phủ nào nắm quyền, xu hướng chung của hợp tác hữu nghị Trung Quốc – Thái Lan sẽ không thay đổi.”[18] Kavi Chongkittavorn, một chuyên gia của tờ Bangkok Post cũng cho rằng có khả năng chính sách đối ngoại hiện tại, được vạch ra trong Chiến lược quốc gia 20 năm, sẽ tiếp tục được triển khai vì nó đã phục vụ tốt lợi ích quốc gia trong bối cảnh vừa qua.
Thực tế, Thái Lan mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á (sau Indonesia), nhưng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội của nước này giảm 6,1%, là mức suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Năm 2022, tỷ lệ lạm phát của Thái Lan đạt mức 6,8%, cao nhất trong vòng 24 năm.[19] Do vậy, bất kể Đảng nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, sẽ đều sẽ tập trung vào phát triển kinh tế. Trong khi đó, hợp tác đường sắt Trung Quốc – Thái Lan sau khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của Thái Lan. Theo tờ Bangkok Post, tuyến đường sắt này sẽ giúp vận chuyển hàng hóa nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho ngành du lịch, đồng thời giúp thúc đẩy thương mại giữa Thái Lan và Trung Quốc. Zhou Shi Xin, Giám đốc Phòng Ngoại giao lân cận cũng cho rằng Trung Quốc và Thái Lan chia sẻ lợi ích chung về nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế, có không gian rộng lớn và sẽ ngày càng phát triển trong tương lai[20]. Bên cạnh đó, Đảng Pheu Thái và Đảng Tiến bước đều hứa sẽ thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G của Thái Lan, thúc đẩy viêc áp dụng kỹ thuật số và công nghệ trong chính phủ, đồng thời giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng lợi thế của nền kinh tế kỹ thuật số. Dưới thời ông Prayuth, Thái Lan đã chứng kiến mối quan hệ ngày càng thân thiết với Huawei Technologies của Trung Quốc. Do vậy, chính phủ mới nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế nói riêng và tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc nói chung.
Hiện tại, vẫn chưa chắc chắn về khả năng thành lập chính phủ dân chủ mới. Chủ tịch Hạ viện mới của Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha hôm 4/7/2023 đã đề cập rằng tiến trình thành lập Chính phủ mới của ứng cử viên Pita Limjaroenrat có thể vẫn còn nhiều chông gai. Để trở thành Thủ tướng, Pita sẽ cần nhận được tối thiểu 376/750 nghị sĩ lưỡng viện, trong khi liên minh 8 Đảng ủng hộ ông hiện tại chỉ có 312 phiếu. Trong trường hợp này, Pita cần lôi kéo và nhận được sự ủng hộ từ 64 hạ nghị sĩ đối thủ. Pita đã thất bại trong việc giành chức thủ tướng trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 13/7. Điều này có nghĩa là trong cuộc bầu cử tiếp theo, ông Pita sẽ cần nhiều nỗ lực hơn để chiến thắng. Ngoài ra, sẽ mất thêm 60 ngày để Ủy ban Bầu cử xác nhận kết quả bầu cử.
Trước khi đó, ông Prayuth vẫn sẽ tiếp tục giữ vị trí Thủ tướng Thái Lan. Mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc vẫn tiếp tục. Theo một thông báo được đưa ra ngày 2/7/2023, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này và Thái Lan sẽ tổ chức một cuộc tập trận không quân chung mang tên “Eagle Strike – 2023”. Cuộc tập trận sẽ được tổ chức tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Udon của Thái Lan trong tháng 7. Ngoài ra, trong năm nay, hai nước cũng dự kiến tổ chức các cuộc tập trận chung khác, như huấn luyện lục quân chung mang tên “Đột kích 2023”, tập trận chung đa quốc gia “Hòa bình và Hữu nghị 2023”.[21]
Quan điểm của chính phủ mới sẽ có tác động như thế nào?
Quân đội Thái Lan từng tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ vào năm 2006 và năm 2014, sau đó là các cuộc biểu tình phản đối đã dẫn đến nhiều biến động và bất ổn ở nước này. Trước hết, việc thành công xây dựng một chính phủ mới dựa trên bầu cử sẽ là cơ hội để ổn định Thái Lan nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Ông Pita – lãnh đạo Đảng Tiến bước, đang có cơ hội lớn nhất để trở thành Thủ tướng mới của Thái Lan, sẽ có nhiều ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Thái Lan.
Nếu một chính phủ “ít thân Trung” được thành lập, Thái Lan – một thành viên của ASEAN được kỳ vọng sẽ trở thành một mắt xích để thúc đẩy giải quyết một cách trung lập hơn vấn đề tranh chấp giữa các nước láng giềng ASEAN và Trung Quốc. Thái Lan là thành viên sáng lập của ASEAN, luôn muốn nước này trở thành động lực chủ trì và tăng cường đoàn kết ASEAN trên tất cả các phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, phát triển hợp tác cụ thể giữa các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác đối thoại. Bằng cách thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN, Thái Lan có thể tìm cách cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Sự tham gia tích cực hơn của Thái Lan sẽ góp phần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong việc hỗ trợ hòa bình và tiến bộ bền vững của khu vực.
Chính phủ mới cũng có khả năng sẽ đứng về phía Mỹ và phương Tây trong vấn đề Ukraine, vì Đảng Pheu Thái đã lên án Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine với những ngôn từ mạnh mẽ hơn so với chính phủ của ông Prayuth.[22] Ông Pita Limjaroenrat cũng từng liên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine và thậm chí còn kêu gọi Nga “rút quân khỏi Ukraine ngay lập tức” trên một tweet. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng Thái Lan có thể lên tiếng về lập trường kiên định chống lại chiến tranh và các mối đe dọa đối với hòa bình toàn cầu, nhưng Thái Lan sẽ không chọn phe. Như vậy, nếu ông Pita trở thành thủ tướng, chính quyền mới chắc chắn sẽ tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, trong đó có Biển Đông.
Ông cũng cho biết một trong những ưu tiên của ông là thiết lập hành lang nhân đạo giữa Thái Lan và Myanmar và hỗ trợ thực hiện đạo luận Burma của Mỹ. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau cuộc bầu cử, ông Pita đã công nhận vai trò của Thái Lan trong việc đảm bảo tuân thủ kế hoạch hòa bình Đồng thuận Năm điểm do ASEAN làm trung gian, mà quân đội Myanmar đã hoàn toàn phớt lờ kể từ khi thành lập vào năm 2021.
Đối với Việt Nam, khi chính phủ của Thái Lan mới ưu tiên về mối quan hệ với ASEAN trong chính sách đối ngoại cùng với ưu tiên phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác với Thái Lan về các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mekong và kiến nghị giải pháp cho tình trạng xây các đập thủy điện ở thượng nguồn ảnh hưởng đến hạ nguồn sông Mekong. Đồng thời, Thái Lan là nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, nếu một chính phủ dân chủ, yêu chuông hòa bình và ưu tiên cân bằng các nước lớn được thành lập, việc phối hợp với các bên liên quan đặc biệt là Trung Quốc nhằm thúc đẩy tham vấn thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) chắc chắn sẽ được chính phủ quan tâm./.
Tác giả: Thi Thi
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và nghiencuuchienluoc.org, vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] Brian Klaas (2023), In America’s Competition With China, Democracy Could Lose, The Atlantic, https://www.theatlantic.com/international/archive/2023/05/thailand-election-military-government-fraud/674034/
[2] Pavin Chachavalpongpun (2018), Thailand’s post-coup foreign policy, East Asia Forum, https://www.eastasiaforum.org/2018/10/30/thailands-post-coup-foreign-policy/
[3] Supalak Ganjanakhundee (2020), ‘Complex Engagement’: Thailand’s balancing act in foreign policy. Think China, https://www.thinkchina.sg/complex-engagement-thailands-balancing-act-foreign-policy (Accessed: 9 July 2023).
[4] 中华人民共和国外交部, “中国同泰国的关系”, https://www.mfa.gov.cn/web/gjhdq_676201/gj_676203/yz_676205/1206_676932/sbgx_676936/
[5] Yang Wanli (2023), Sino-Thai trade relations make fruitful gains, China Daily, https://global.chinadaily.com.cn/a/202306/26/WS6498e73ca310bf8a75d6b923.html
[6] Yang Wanli (2023), Sino-Thai trade relations make fruitful gains, China Daily, https://global.chinadaily.com.cn/a/202306/26/WS6498e73ca310bf8a75d6b923.html
[7] Richard Maude And Dominique Fraser (2022), Thailand: Chinese Influence Despite Pandemic Inattention And Quiet Hedging, Asia Society, https://www.jstor.org/stable/resrep48544.11
[8] Lan Storey (2019), Thailand’s Military Relations with China: Moving from Strength to Strength, Researchers At Iseas – Yusof Ishak Institute Analyse Current Events, ISSUE: 2019 No. 43
[9] Phát Tiến (2023), Những cú ‘bắt tay’ quân sự Trung Quốc – Thái Lan, Báo điện tử Thanh Niên, https://thanhnien.vn/nhung-cu-bat-tayquan-su-trung-quoc-thai-lan-185230613010126314.htm#
[10] Pongphisoot Busbarat (2022), Thailand’s Perspective of the United States and China: A SWOT Analysis, Asan Institute for Policy Studies, https://www.jstor.org/stable/resrep47431.9
[11] Đỗ Sinh (2023), Bầu cử Thái Lan: Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố sẽ không tái tranh cử, Báo Tin Tức (TTXVN), https://baotintuc.vn/the-gioi/bau-cu-thai-lan-thu-tuong-prayut-chanocha-tuyen-bo-se-khong-tai-tranh-cu-20230630062137969.htm
[12] TODAY – สำนักข่าวทูเดย์, “จากโมเดลเศรษฐกิจไต้หวัน สู่แนวคิดปฏิรูปเศรษฐกิจไทยกับ “ทิม พิธา””, https://www.youtube.com/watch?v=wMFyxftgjyw
[13] New Perspectives on Asia | CSIS, “Thai Election Look-Ahead: How the Kingdom’s Foreign Policy May Change”, https://www.csis.org/blogs/new-perspectives-asia/thai-election-look-ahead-how-kingdoms-foreign-policy-may-change..
[14] New Perspectives on Asia | CSIS, “Thai Election Look-Ahead: How the Kingdom’s Foreign Policy May Change”, https://www.csis.org/blogs/new-perspectives-asia/thai-election-look-ahead-how-kingdoms-foreign-policy-may-change..
[15] New Perspectives on Asia | CSIS, “Thai Election Look-Ahead: How the Kingdom’s Foreign Policy May Change”, https://www.csis.org/blogs/new-perspectives-asia/thai-election-look-ahead-how-kingdoms-foreign-policy-may-change..
[16] Jack Detsch (2022), Washington Worries China Is Winning Over Thailand, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/2022/06/17/china-thailand-submarines-military-influence/
[17] Thitinan Pongsudhirak (2023), China-US rivalry on Mekong mainland, The Bangkok Post, https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/2026215/china-us-rivalry-on-mekong-mainland
[18] 凤凰WEEKLY, 皮塔高票赢下泰国大选,但联合组阁仍存变数,学者:中泰友好合作不会变, Tencent, https://new.qq.com/rain/a/20230517A04YNY00
[19] 凤凰WEEKLY, 皮塔高票赢下泰国大选,但联合组阁仍存变数,学者:中泰友好合作不会变, Tencent, https://new.qq.com/rain/a/20230517A04YNY00
[20] 周士新 (2023), 视点|巴育宣布将退出政坛,皮塔上议院闯关失败,泰国政治转型正朝更复杂方向演进
[21] Bích Thuận (2023), Trung Quốc và Thái Lan sắp tổ chức tập trận không quân chung, Báo điện tử VOV, https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/trung-quoc-va-thai-lan-sap-to-chuc-tap-tran-khong-quan-chung-post1030153.vov
[22] Karen Lee and Gregory B. Poling (2023), 2023 Thai Election Results: An Opposition Win but Unclear Path Ahead, CSIS, https://www.csis.org/analysis/2023-thai-election-results-opposition-win-unclear-path-ahead