Trong bối cảnh cả thế giới đang thực hiện các biện pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19, sự kiện Nga tấn công vào Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022 đã mở ra thêm một căng thẳng mới. Đến nay, xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiện thuyên giảm, ngược lại, nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu những tác động nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề. Cuộc xung đột đã gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng và trao đổi thương mại, đặc biệt là ở khu vực châu Âu, khi cả hai quốc gia này chiếm gần một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.
Từ xung đột vũ trang đến khủng hoảng kinh tế
Việc bắt đầu xung đột vũ trang với Ukraine đã khiến các quốc gia phát triển áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm ngăn cản hành động này của Nga. Hiện tại, Nga được đánh giá là quốc gia chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới khi các biện pháp trừng phạt về tài chính đã bao phủ lên ¾ tài sản ngân hàng của nước này. Không chỉ thế, các biện pháp trừng phạt đã hạn chế Nga tiếp cận đến các thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm việc khai trừ ngân hàng Nga khỏi mạng lưới Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).
Trong phân tích đầu tiên về tác động của căng thẳng Nga và Ukraine được Ban Thư ký WTO đưa ra, đã nhận định rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể làm giảm một nửa tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2022 và kéo lùi tăng trưởng GDP của thế giới. Cụ thể, dựa trên mô hình mô phỏng kinh tế toàn cầu, WTO dự báo căng thẳng Nga và Ukraine có thể khiến tăng trưởng GDP giảm 0,7% – 1,3% xuống còn 3,1%- 3,75% trong năm 2022. Theo đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay được dự báo có khả năng giảm gần một nửa từ mức 4,7% tháng 10/2021 xuống còn khoảng 2,4 – 3%.
Các biện pháp trừng phạt về tài chính đang mang đến những ảnh hưởng nặng nề đến thương mại thế giới. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu xuất phát từ nhiều nguyên nhân: các tuyến đường bộ thương mại giữa châu Âu và châu Á bị gián đoạn; đường hàng không giữa châu Âu và Nga bị cản trở nghiêm trọng khi các nước EU quyết định đóng cửa không phận đối với máy bay và hàng hóa từ Nga; các tuyến vận tải qua Biển Đen cũng bị hủy bỏ sau quyết định đóng cửa vận tải biển thương mại của Ukraine. Việc vận chuyển hàng hóa toàn cầu trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn khi các bên bắt buộc phải lựa chọn các tuyến đường dài hơn và chi nhiều tiên hơn cho nhiên liệu.
Nhu cầu thị trường toàn cầu “tăng vọt”
Nga và Ukraine đều là những quốc gia sản xuất hàng hóa lớn, việc xung đột kéo dài đã khiến cho giá cả hàng hóa tăng vọt, nhất là với khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Ngoài ra, chi phí lương thực cũng nhanh chóng leo thang khi Nga và Ukraine chiếm 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới.
Nền kinh tế của châu Âu, với vị trí địa chính trị ngay cạnh khu vực xung đột, là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ cuộc xung đột này. Các nhà nghiên cứu đánh giá xung đột giữa Nga và Ukraine mang lại nhiều thách thức lớn đối với thị trường toàn cầu.
Trước hết, các mặt hàng về lương thực và năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao, gây ra tình trạng lạm phát kéo dài và giảm giá trị thu nhập. Thứ hai, nền kinh tế của các quốc gia lân cận trong châu Âu sẽ phải đối mặt với gián đoạn về thương mại, chuỗi cung ứng và kiều hối. Nga và Ukraine là hai quốc gia có vai trò quan trọng trong thị trường lương thực toàn cầu, khi cả hai quốc gia chiếm khoảng 30% lượng, 20% lượng ngô, phân bón và khí đốt tự nhiên, cùng 11% dầu mỏ xuất khẩu trên thế giới. Các chuỗi cung ứng khác của thế giới cũng phụ thuộc vào xuất khẩu kim loại từ Nga và Ukraine. Nga là nhà cung cấp chính palađi – một kim loại được sử dụng trong sản xuất ô tô, thép và pin. Nga và Ukraine cũng là những nhà cung cấp chính các loại khí như argon và neon – được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn, và chất titan – được sử dụng trong ngành công nghiệp máy bay. Bên cạnh đó, hai quốc gia cũng có trữ lượng uranium khá lớn.
Mặt khác, Nga là quốc gia cung cấp 19% lượng khí đốt tự nhiên và 11% lượng dầu trên hế giới, giá cả năng lượng đã tăng vọt một cách báo động khi xảy ra xung đột. Châu Âu là khu vực phụ thuộc nhiều vào khí đốt và dầu mỏ của Nga; theo đó, giá khí đốt hiện tại của châu Âu đã cao gấp 10 lần so với năm trước, và giá dầu gia tăng gấp đôi trong cùng kỳ. Điều này mang đến nguy cơ tăng tỉ lệ nghèo đói và gián đoạn việc sản xuất hàng hóa, dịch vụ trên toàn thế giới.
Cuối cùng, việc gia tăng dòng người nhập cư tị nạn cũng là một vấn đề gây áp lực lên chính phủ của các quốc gia lân cận. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhập cư với hơn 4 triệu người tị nạn – ước tính một nửa trong số đó là trẻ em – rời khỏi Ukraine trong một tháng từ khi chiến sự xảy ra. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, có tới 6,5 triệu người dân Ukrane phải di tản, với khoảng một phần ba tổng dân số cần sự hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Trong nhiều thập kỷ, Nga đã cung cấp một lượng lớn khí đốt tự nhiên giá cả phải chăng cho Liên minh châu Âu, nhưng những nguồn cung cấp đó đã trở thành nạn nhân của nỗ lực khuất phục Kyiv và các quốc gia ủng hộ Liên minh này. Cho đến nay, bất chấp những bất bình sôi nổi, các chính phủ châu Âu đang giữ vững lập trường.
Tình trạng khan hiếm năng lượng…
Tại châu Âu, năng lượng khí đốt và dầu mỏ được sử dụng cho một loạt các hoạt động bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và lâm nghiệp. Trong sản xuất thực phẩm, năng lượng được sử dụng cho phân bón, thu hoạch, làm lạnh và sưởi ấm. Khi giá khí đốt và điện tăng cao, hàng triệu người ở châu Âu hiện đang phải chi số tiền kỷ lục cho năng lượng. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tại Liên minh châu Âu, các hộ gia đình tại Italia và Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất do giá khí đốt tăng cao.
Các thị trường liên quan đến ngành công nghiệp sữa và bánh mì cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì sử dụng nhiều năng lượng. Theo dữ liệu của Ủy ban Châu Âu, giá bơ tăng 80% trong năm tính đến tháng 8/2022, trong khi pho mát tăng 43%, thịt bò cao hơn 27% và sữa bột tăng hơn 50%. Không ngoại lệ, giá phân bón đã tăng 60% trong năm 2022, khiến những người nông dân gặp căng thẳng về kinh tế và làm ngừng sản xuất 70% sản lượng của khu vực.
Sự thất vọng của công chúng đối với những nhà lãnh đạo của châu Âu đã sôi khi các cuộc biểu tình nổ ra về chi phí năng lượng tăng vọt. Tại Praha, khoảng 70.000 người đã đổ ra đường vào đầu tháng 9/2022 trong cuộc biểu tình phản đối giá năng lượng tăng cũng như yêu cầu chính phủ phải có những hành động hiệu quả hơn.
Theo các chuyên gia, các quốc gia châu Âu có thể phải đối mặt với thách thức lớn về sự thống nhất chính trị nếu tình trạng bất ổn tiếp tục gia tăng.
… Và nỗ lực phục hồi
Châu Âu vẫn đang tìm kiếm thỏa thuận trong việc bảo vệ người dân khỏi giá năng lượng leo thang cũng như đề phòng tình trạng thiếu hụt năng lượng khi Nga đang dần ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu và căng thẳng với Ukraine vẫn đang rơi vào bế tắc. Các nhà chính trị trong EU cho biết các nước thành viên đều đồng lòng ủng hộ đề xuất dịch chuyển năng lượng và cố gắng không để châu Âu phụ thuộc vào Nga. Với Tuyên bố Versailles được nhất trí vào tháng 3 năm 2022, các nhà lãnh đạo EU của 27 quốc gia thành viên đã nhất trí loại bỏ sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch của Nga càng sớm càng tốt.
Nhằm giải quyết tình trạng tăng giá và khan hiếm nguồn cung, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi: đa dạng hóa hơn nữa các nguồn cung cấp năng lượng, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng xanh, cải thiện hơn nữa hiệu quả năng lượng và cải thiện kết nối giữa mạng lưới điện và khí đốt. Đồng thời, các quốc gia châu Âu đã đạt được thỏa thuận giảm nhu cầu khí đốt xuống 15% để ứng phó khi mùa đông, với ba biện pháp khẩn cấp bao gồm: hạn chế sử dụng điện; giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện; và đảm bảo sự đồng lòng đóng góp từ các doanh nghiệp về nhiên liệu hóa thạch. Ủy ban châu Âu đã đề xuất cung cấp thanh khoản khẩn cấp cho các công ty điện đang đối mặt với yêu cầu tài sản thế chấp tăng cao, một động thái được các chính phủ EU ủng hộ rộng rãi. Một số cũng ủng hộ đề xuất hạn chế nhu cầu điện năng.
Nền kinh tế Nga dường như đã thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất khi chiếm ưu thế trong cuộc chiến tranh năng lượng với châu Âu. Cho đến nay, Nga vẫn cầm cự được do giá dầu và khí đốt tăng cao và doanh thu xuất khẩu dầu của Nga vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, về lâu dài, khi châu Âu cuối cùng cũng tìm được các nhà cung cấp thay thế và Nga mất thị trường xuất khẩu lớn, liệu cán cân quyền lực có khả năng sẽ thay đổi? Liệu Nga có đủ cơ sở hạ tầng vật chất để xoay chuyển tất cả doanh số bán hàng của mình sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác?
Ảnh hưởng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Châu Âu là một thị trường có nhiều liên kết thương mại đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, việc châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột ở Ukraine, các nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đang chứng kiến một sự bất ổn về thương mại cũng như thị trường tài chính.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc địa chính trị toàn cầu. Nhiều nền kinh tế mới nổi, cũng như những mạng lưới kinh doanh mới đều đến từ châu Á.
Trong năm 2022 đã ghi nhận sự gia tăng giá cả trên diện rộng và mức độ lạm phát đã cao hơn rất nhiều ở các quốc gia châu Á. Theo đánh giá, tác động của xung đột Nga – Ukraine khiến cho giá lương thực tăng cao 37% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, do tình trạng tắc nghẽn tại các khu cảng biển, cũng như chi phí vận chuyển hàng hóa cao đã khiến cho nhiều nhà máy tại châu Á phải đóng cửa. Điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nhóm người yếu thế trong xã hội, đồng thời là nguy cơ dẫn đến khủng hoảng an ninh lương thực trong tương lai gần. Ngoài ra, nếu tình trạng căng thẳng kéo dài rất có thể gây bất ổn chính trị-xã hội.
Châu Á là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu hàng hóa của EU (theo số liệu thống kê, năm 2020 là hơn 30%). Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến châu Âu phải tiến hành điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình, trong số đó, đảm bảo các tuyến đường giao thông liên lạc trên biển là một trong những mục tiêu hàng đầu của EU.
Đối mặt trước những ảnh hưởng khó lường từ cuộc xung đột, các nhà chuyên gia đã nhận định châu Á – Thái Bình Dương cần tập trung vào việc kiểm soát thị trường và đảm bảo tỉ lệ lạm phát được ổn định. Trước tình hình đó, nhiều chính phủ đã giảm giá tiêu dùng năng lượng để bình ổn lạm phát, bên cạnh việc áp dụng chính sách đổi mới, đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Ngoài ra, việc củng cố các thể chế, chính sách nhằm duy trì ổn định, phục hồi toàn diện cũng đang được tiến hành thông qua việc thực hiện các hoạt động bảo trợ xã hội dành cho những người dễ bị tổn thương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để tiến tới phát triển bền vững.
Tác giả: Kim Anh
Tài liệu tham khảo
- The Asian front of the war in Ukraine. New Eastern Europe – A bimonthly news magazine dedicated to Central and Eastern European affairs. (2022, September 29). Retrieved October 25, 2022, from https://neweasterneurope.eu/2022/09/29/asia-war- ukraine-russia-china/
- Bloomberg. (n.d.). Russia delivers a reminder: Europe’s gas supply is still fragile. Bloomberg.com. Retrieved October 25, 2022, from https://www.bloomberg.com/graphics/europe–energy-crisis-updates/
- Hollinger, P., White, S., Speed, M., Dunai, M., & Campbell, C. (2022, October 19). Will the energy crisis crush European Industry? Financial Times. Retrieved October 25, 2022, from https://www.ft.com/content/75ed449d-e9fd-41de-96bd- c92d316651da
- Impact of Russia’s invasion of Ukraine on the markets: Eu Response. Consilium. (2022, December 22). Retrieved October 25, 2022, from https://www.consilium.europa.eu/en/policies/eu-response-ukraine-invasion/impact-of- russia-s-invasion-of-ukraine-on-the-markets-eu-response/
- The initial consequences of the Russia-Ukraine War on Asia/Pacific ICT vendors and technology buyers. IDC. (n.d.). Retrieved October 25, 2022, from https://www.idc.com/ap/supply-chain/assets/blog-detail?id=40877fdb510c9de83b4a