Trong các ngày 19-23/09/2023, lần đầu tiên các nước Đông Nam Á tổ chức tập trận mà không có sự tham gia của các nước ngoài khu vực. Cuộc tập trận đoàn kết ASEAN (ASEX 01-Natuna) đã diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh Đông Nam Á, đặc biệt là an ninh trên biển đang có những diễn biến khó lường. Đây là một động thái đánh dấu một bước tiến lớn trong những nỗ lực đoàn kết khu vực, hướng tới việc cùng nhau giải quyết các thách thức tiềm tàng trong tương lai.
Các nước Đông Nam Á lần đầu tổ chức tập trận chung ASEX 01-Natuna 2023
Ngày 07/06/2023, Hội nghị Tư lệnh Lực lượng quốc phòng ASEAN lần thứ 20 tổ chức tại Bali, Indonesia đã thống nhất một cuộc huấn luyện quân sự và phối hợp tuần tra trên biển của tất cả các thành viên trong khối ASEAN, bao gồm Indonesia với vai trò là quốc gia điều phối, Malaysia, Singapore, Brunei, Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar, Việt Nam, Phillipines và cả quốc gia quan sát là Timor-Leste. “Cuộc tập trận đoàn kết ASEAN” – ASEX 01-Natuna dự kiến được diễn ra từ ngày 18-25/09/2023 tại khu vực biển Bắc Natuna thuộc Indonesia, tức cực Nam của biển Đông. Cuộc tập trận quân sự này sau đó đã được đổi địa điểm, diễn ra chính thức tại vùng biển Nam Natuna từ ngày 19-23/09/2023. Đây là lần đầu tiên các nước Đông Nam Á tổ chức tập trận mà không có sự tham gia của các nước ngoài khu vực.
Cuộc tập trận quân sự chung ASEAN lần thứ nhất có sự góp mặt của lãnh đạo các quốc gia như Tổng tư lệnh quân đội Malaysia, Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Singapore và Phó Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan… Trong cuộc tập trận lần này, lực lượng hải quân, lục quân và không quân các nước đã tham gia vào các hoạt động diễn tập trên vùng biển Nam Natuna. Các quốc gia thành viên triển khai các tàu chiến phục vụ mục đích diễn tập, như tàu KRI dr. Radjiman Wedyodiningrat-992 và KRI Jhon Lie-358 của quân đội nước chủ nhà Indonesia; tàu tuần tra KD Trengganu của Malaysia; tàu tuần tra KDB Darulehsan của Brunei; tàu khu trục RSS Vigour của Singapore[1]. Ngoài ra, cuộc tập trận cũng ghi nhận sự hiện diện của máy bay tuần tra do quân đội Indonesia vận hành. Trong khi các tàu chiến di chuyển từ đảo Batan đến khu vực quần đảo Natuna; máy bay sẽ diễn tập với khoa mục hỗ trợ từ trên không.
Hoạt động diễn tập quân sự chung của các quốc gia Đông Nam Á được công bố hướng tới các mục tiêu nhằm) phát triển khả năng phối hợp trong các hoạt động đảm bảo an ninh hàng hải và tuần tra trên biển; hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Các khoa mục tập trận được phía chủ nhà Indonesia công bố, cụ thể: hỗ trợ từ trên không, tuần tra chung trên biển, diễn tập tìm kiếm cứu nạn (SAR), diễn tập phục hồi sau thảm họa (HA/DR), các chương trình xã hội, dịch vụ y tế cho cộng đồng (MEDCAP), chương trình phát triển cơ sở hạ tầng vì cộng đồng (ENCAP), và các hoạt động thảo luận chuyên môn (Subject Matter Expert Exchange)[2].
Cuộc tập trận được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn trên bờ kéo dài từ ngày 19-21/09/2023 và giai đoạn tiến hành tập trận quân sự-dân sự từ 22-23/09/2023: Giai đoạn thứ nhất trên bờ từ ngày 11 đến 21/09/2023 gồm có các cuộc trao đổi chuyên môn, chia sẻ thông tin về chủ đề an ninh hàng hải. Khoa mục liên quan đến các dịch vụ y tế cộng đồng (MEDCAP) là một phần rất quan trọng trong lần hợp tác này của các quốc gia Đông Nam Á, thể hiện thông qua các bài thuyết trình về y tế. Các bài thuyết trình về y tế trong ASEX-01 lần này là một phần trong hoạt động trao đổi kinh nghiệm với các nước ASEAN nhằm tăng cường hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực này, nhờ đó sẽ thúc đẩy ý thức quan tâm và đoàn kết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực[3]. Giai đoạn tập trận quân sự – dân sự trên biển và trên đất liền (CIMIC) từ ngày 22-23/09/2023 thực hiện các kịch bản HADR mô phỏng. Trên biển, các tàu sẽ tham gia vào hoạt động an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, sơ tán y tế và chống cướp biển. Đối với các hoạt động dân sự, các lực lượng sẽ tham gia vào việc xây dựng cơ sở vật chất và y tế để hỗ trợ người dân địa phương trên đảo Sabang Mawang ở Indonesia[4].
Nhìn chung, các khoa mục huấn luyện của ASEX 01-Natuna xoay quanh các hoạt động tuần tra chung, sơ tán y tế, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ thiên tai tại khu vực mô phỏng bị ảnh hưởng. Cuộc diễn tập được ASEAN tuyên bố nhằm các mục đích kinh tế và nhân đạo, phi quân sự và không có ảnh hưởng đến tình hình chính trị cũng như các căng thẳng khu vực. Mặc dù vậy, có thể thấy đây là một bước tiến quan trọng của ASEAN khi lần đầu có động thái rõ rệt, rành mạch, và thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự tại Đông Nam Á.
ASEX 01-Natuna và vai trò, vị thế của ASEAN trong khu vực
Các quốc gia Đông Nam Á hướng tới nhiều mục tiêu khi tổ chức cuộc tập trận quân sự lần này. Đầu tiên, các nước này hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng tương tác giữa các thành viên ASEAN, tăng cường các hoạt động hợp tác giữa quân đội các bên. Cuộc tập trận có sự góp mặt của lực lượng hải quân, lục quân và không quân các nước cũng như có tàu chiến của các quốc gia thành viên. Ngoài ra, cuộc tập trận cũng là minh chứng cho một ASEAN đoàn kết, nhấn mạnh sự cam kết trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực của các quốc gia Đông Nam Á. Điều này thể hiện rất rõ trong tên gọi của cuộc tập trận lần đầu tiên được 10 quốc gia cùng thống nhất thực hiện – ASEAN Solidarity Exercises-1 (Diễn tập đoàn kết ASEAN lần thứ nhất).
Thứ hai, thông qua hoạt động tập trận chung, các nước ASEAN muốn gửi đến thông điệp tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của mình trong việc giải quyết vấn đề khu vực, đặt trong bối cảnh các nhóm nước lớn có các hoạt động hiện diện rõ ràng như Bộ tứ Quad hay AUKUS[5]. Theo người phát ngôn quân đội Indonesia, các nước ASEAN cho rằng cuộc diễn tập này là vô cùng cần thiết bởi nó liên quan đến “nguy cơ cao xảy ra thảm họa ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á” trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên biển Đông đang gia tăng và sự cạnh tranh chiến lược các nước lớn trong khu vực ngày càng rõ rệt, trở thành mối đe dọa có thể nhìn thấy được đối với các quốc gia ven biển Đông. Việc triển khai tập trận quân sự chung chính là câu trả lời minh bạch nhất cho các cường quốc có liên quan cũng như các quốc gia trên thế giới khác về tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề ở biển Đông, dù mới chỉ là những nỗ lực đầu tiên.
Cuối cùng, các cuộc tập trận này thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt, đặt trong bối cảnh những thách thức chuẩn mực quốc tế liên tiếp được tiến hành bởi Trung Quốc gây ra những đe dọa đối với các quốc gia ven biển Đông. Trước sự bành trướng của Trung Quốc, gần nhất là việc Trung Quốc công bố “Bản đồ tiêu chuẩn 2023” ngày 28/08/2023 chiếm tới 90% diện tích biển Đông, cuộc tập trận vẫn được đại diện phía Indonesia tuyên bố là một cuộc diễn tập mang tính chất “phi quân sự”, nhằm vào mục đích “phát triển các kỹ năng quân sự, bao gồm an ninh hàng hải và tuần tra trên biển, cũng như phân phát hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.”
Việc ASEX 01-Natuna chuyển địa điểm từ khu vực biển Bắc Natuna (tức Nam Biển Đông) sang vùng biển Nam Natuna được xem là động thái tránh đối đầu trực diện và gây gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Biển Bắc Natuna là nơi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia giao nhau với “đường đứt đoạn” của Trung Quốc và Bắc Kinh thường xuyên cử tàu tuần tra tới để khẳng định “yêu sách chủ quyền” tại khu vực này. Theo phát ngôn viên quân đội Indonesia, các quốc gia Đông Nam Á thay đổi địa điểm nhằm điều chỉnh cho phù hợp với mục đích của cuộc tập trận, hướng đến vấn đề kinh tế và nhân đạo, do vậy lựa chọn khu vực có người dân là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, có thể thấy, qua hành động này, ASEAN muốn khẳng định, họ vẫn đang tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giữ nguyên hiện trạng đối với các vùng đất tranh chấp, không làm phức tạp thêm tranh chấp theo như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982). Thông qua động thái này, các quốc gia ASEAN đã chứng minh tính chính nghĩa, ủng hộ và củng cố luật pháp quốc tế, thúc đẩy dư luận quốc tế trong vấn đề sử dụng luật pháp để giải quyết các vấn đề tranh chấp chung.
Không thể phủ nhận những ảnh hưởng tích cực và tương lai lạc quan mà cuộc tập trận chung ASEAN tạo ra. Các nước ASEAN đã khẳng định cuộc diễn tập lần này chính là điểm khởi đầu, các quốc gia trong khối cũng đã đồng ý tổ chức các cuộc diễn tập thường niên và các cuộc diễn tập sẽ ngày càng trở nên toàn diện hơn trong các lĩnh vực cũng như trong các lực lượng tham gia. Các quốc gia không có liên quan quyền lợi trực tiếp tại biển Đông như Lào vẫn sẵn sàng tham gia tập trận, đại diện quân đội nước này cũng khẳng định việc tham gia của Lào để chứng minh sự đoàn kết, thể hiện mối quan tâm về vấn đề chung, sự hợp tác thống nhất ngày càng tăng về an ninh hàng hải của khối ASEAN. Đây có thể là những bước “phá băng” trong tình huống bế tắc hiện nay tại biển Đông cũng như trong việc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ASEAN nên khẳng định vị thế của mình đối với việc giải quyết các vấn đề chung và đảm bảo an ninh khu vực, nhưng đồng thời cảnh báo nguy cơ làm gia tăng thêm căng thẳng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ hơn ý đồ bá chủ biển Đông. Tuy nhiên, có thể thấy sự chuyển mình của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề chung khu vực và đảm bảo an ninh, lợi ích cho các quốc gia Đông Nam Á trước cục diện địa chính trị ngày càng căng thẳng trên biển Đông là một tín hiệu tích cực, gửi đến cho Trung Quốc một thông điệp mạnh mẽ nhằm phản đối các chính sách bành trướng của nước này. Cụ thể, nhà nghiên cứu Muhammad Waffa Kharisma tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng cuộc diễn tập đã đem lại “luồng sinh khí mới” cho các quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh các đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông đang trong tình thế bế tắc và chính quyền Bắc Kinh cũng đang có những hành động chứng minh chủ quyền ở biển Đông. Muhammad cho rằng “Cuộc tập trận báo hiệu với các nước ngoài ASEAN là khối các nước Đông Nam Á có thể đoàn kết và có khả năng tiến hành các hoạt động mang tính chiến lược”[6].
Đoàn kết của ASEAN và hy vọng tương lai về cuộc tập trận chung của các nước ASEAN trên Biển Đông
ASEX Natuna-01 – cuộc tập trận quân sự đầu tiên được triển khai bởi các nước khu vực Đông Nam Á đã cho thấy một bước tiến và sự thống nhất trong quan điểm của các quốc gia này đối với việc giải quyết vấn đề chung khu vực, đảm bảo lợi ích dân tộc cũng như toàn khối về an ninh, kinh tế, chính trị trước một mối nguy chung là chính quyền Bắc Kinh. ASEAN cũng đã thể hiện được quan điểm và bước đầu có những động thái khẳng định sự hiện diện và tầm quan trọng của mình trong cán cân sức mạnh khu vực.
Tuy nhiên, liệu hoạt động tập trận quân sự lần này có thể đem lại các triển vọng lạc quan cho tương lai khu vực và đem lại các đảm bảo an ninh cho quốc gia trong khu vực hay không, điều này vẫn còn rất khó để đoán định, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ – Trung diễn biến phức tạp trong khu vực.
Trung Quốc – quốc gia tuyên bố chủ quyền tới gần 90% diện tích biển Đông thông qua việc công bố “Bản đồ tiêu chuẩn” tháng 8/2023 – đã có các động thái đáp trả khá rõ ràng. Cụ thể, từ ngày 20-22/09/2023, Cục An ninh Hàng hải Trung Quốc đã tuyên bố tổ chức tập trận quân sự trên biển Đông. Động thái này cho thấy phản ứng của Trung Quốc về vấn đề này là không mấy lạc quan, dù các quốc gia Đông Nam Á đã tuyên bố mục tiêu tập trận phi quân sự. Sự đoàn kết của ASEAN chỉ cho Trung Quốc thấy nước này có thêm một nhóm thế lực cần phải loại bỏ trên hành trình lấn chiếm biển Đông của mình. Đối với Bắc Kinh, việc các quốc gia ASEAN đồng lòng tập trận mà không có sự tham gia của Trung Quốc là một hành động gián tiếp khẳng định sự đối đầu của khối này với Trung Quốc. Trong tương lai, chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ có những động thái trả đũa nặng nề hơn nếu các quốc gia ASEAN có các hoạt động khác trên vùng biển Đông, nơi mà nước này khẳng định 90% diện tích lãnh thổ. Đây có thể là một bước cản và khó khăn của các quốc gia ASEAN bởi Trung Quốc có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của phần lớn các quốc gia ASEAN.
Về phía Mỹ, một bên tuy không có mối liên quan lợi ích và tranh chấp trực tiếp trên biển Đông nhưng cũng là một mắt xích quan trọng trong vấn đề xung đột khu vực này. Mỹ có cái nhìn cởi mở hơn về việc ASEAN cùng nhau tập trận mà không có sự tham gia của Washington. Tuy không có một động thái ngoại giao hay quân sự trực tiếp nào thể hiện sự ủng hộ hay phản ứng với cuộc tập trận lần này của các quốc gia ASEAN, chính quyền Mỹ chỉ có tuyên bố khuyến khích các quốc gia ASEAN sáng suốt trong việc lựa chọn đồng minh cho mình. Mỹ không phải là đối tượng chính các nước ASEAN nhắm vào, trái lại nước này còn có khả năng trở thành đối tác tiềm năng cho khối ASEAN trong việc bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền tại biển Đông do đó nước này có quyền lạc quan về việc ASEAN đang ngày càng đoàn kết hơn đối với vấn đề biển Đông. Việc khối này liên kết chặt chẽ với nhau và bắt đầu có những động thái kiên quyết, cho thấy tiềm năng về việc các quốc gia Đông Nam Á tiến hành hợp tác với các quốc gia khác để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc là rất cao. Đây là một kịch bản có lợi cho Mỹ nên có thể thấy nước này khá ủng hộ ASEAN trong việc trở thành một khối mạnh và có các hoạt động quân sự gắn bó với Mỹ.
Mặc dù cuộc tập trận đã thể hiện một quan điểm cứng rắn và mạnh mẽ hơn của khối các quốc gia Đông Nam Á về việc hợp tác đảm bảo an ninh khu vực và hỗ trợ nhau trong các vấn đề phi quân sự khác, nhưng điều này liệu có thực sự đem lại những chuyển biến trong cục diện căng thẳng tại biển Đông khi mà Trung Quốc đang ngày càng gia tăng các hoạt động gây căng thẳng đối với các nước liên quan, cũng như việc Mỹ đang có nhiều hơn sự hiện diện tại khu vực này hay không? Điều này còn phụ thuộc vào khả năng kiên định với mục tiêu hiện tại cũng như sự đồng lòng lâu dài của các thành viên ASEAN.
Trên thực tế, cuộc tập trận quân sự chung giữa các nước ASEAN đang có những sự cầm chừng nhất định cả trong mục tiêu tập trận lẫn địa điểm tập trận. ASEAN chưa có những động thái rõ ràng thể hiện quan điểm chung về việc đảm bảo an ninh cho các quốc gia trong khối, chống lại các thế lực bên ngoài. Các quan điểm, động thái được đưa ra sau các hoạt động gây căng thẳng của các quốc gia ngoài khối – chủ yếu là Trung Quốc, mới chỉ xuất phát từ các quốc gia đơn lẻ, có lợi ích liên quan trực tiếp hoặc gian tiếp đến vấn đề chủ quyền và quyền tại phán tại Biển Đông. Trong khi đó, các quốc gia còn lại chưa có nhiều động thái bày tỏ quan điểm nhất quán để hỗ trợ kể cả tư cách cá nhân hay tư cách khối hợp tác ASEAN. Ngay cả trong quan điểm về ASEX 01-Natuna, nội bộ ASEAN cũng đã khó có sự thống nhất ngay từ đầu về địa điểm diễn ra cuộc tập trận bởi ý kiến trái chiếu phải đối từ phía Campuchia. Mặc dù phía quân đội Indonesia đã khẳng định việc thay đổi địa điểm tập trận nhằm phù hợp với mục tiêu cuộc tập trận, nhưng không khó để nhìn thấy ý kiến trái chiều từ phía Campuchia khi ASEAN có động thái ảnh hưởng đến Trung Quốc. Ngoài ra, Myanmar ban đầu cũng chưa xác nhận tham gia tập trận chung khi địa điểm dự kiến được công bố là vùng biển Bắc Natuna. Đồng thời, những xung đột quân sự nội địa tại Myanmar cũng có ảnh hưởng đến tính thống nhất trong cuộc tập trận chung tại biển Nam Natuna. Cụ thể, chính quyền quân đội của nước này chỉ cử tùy viên quân sự đến cuộc tập trận ASEX 01-Natuna.
Liệu các quốc gia ASEAN có thể tiếp tục kiên định và đồng lòng trong việc giải quyết vấn đề chung khi lợi ích của các quốc gia chưa hoàn toàn đồng tâm và còn nhiều mối xung đột cần được giải quyết. Để cuộc tập trận chung lần này không chỉ hiện lên như một đốm sáng le lói và tắt dần, các quốc gia ASEAN cần có các biện pháp thống nhất cũng như kiên trì hơn nữa với mục tiêu này nếu thực sự muốn tạo ra sự thay đổi. Cục diện khu vực chỉ có thể thay đổi theo hướng tích cực khi được duy trì ổn định, củng cố và phát triển thông qua việc gắn kết lợi ích các quốc gia ASEAN với nhau; tăng cường các trao đổi hợp tác sâu trong nhiều lĩnh vực an ninh, kinh tế, chính trị,..; thực sự biến ASEAN thành một khối thống nhất.
Một số tác động tới khu vực và Việt Nam
Hoạt động tập trận quân sự chung trên biển Đông của các nước ASEAN không chỉ có ảnh hưởng tới các cường quốc liên quan mà còn có tác động trực tiếp đến khu vực cũng như các quốc gia trong khối.
Đối với các tác động khu vực, cuộc tập trận cho thấy khả năng củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia ASEAN, chứng minh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề chung của khối, không chỉ trong cục diện trên biển Đông mà còn cả các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội khác. Việc ASEAN có được vai trò trung tâm trong việc giải quyết vấn đề ở biển Đông sẽ khiến cho vị thế của các quốc gia thành viên thay đổi, sức mạnh tập thể sẽ giúp làm cân bằng cán cân quyền lực trên biển và đảm bảo an ninh, lãnh thổ cho các quốc gia thành viên. Đây là điều quan trọng nhằm góp phần cân bằng sức mạnh của các quốc gia đơn lẻ trong việc đối đầu với chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc trên vùng biển quan trọng này. Ngoài ra, các nước ASEAN tiến hành tập trận đơn lẻ cũng đã chứng minh lập trường trung lập, không nghiêng về nước lớn nào của khối này. Đây là yếu tố quan trọng duy trì vai trò và vị thể của ASEAN trong thời điểm hiện tại, đảm bảo an ninh tạm thời cho các quốc gia thành viên trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược và sự lôi kéo của các nước lớn đang diễn ra gay gắt trên biển Đông.
Tuy nhiên điều này cũng đặt ASEAN vào một thách thức mới là trực tiếp trở thành một bên cạnh tranh trong chiến lược biển Đông của Trung Quốc. Với hoạt động này và các lập trường kiên định đã được đưa ra, trong tương lai, ASEAN sẽ có thể là một đối tượng được các nước lớn lôi kéo trong chiến lược trên biển Đông của họ, hoặc cũng có thể là một mục tiêu tấn công của nước lớn. Việc các quốc gia bắt đầu hợp tác về an ninh trên biển có khả năng trở thành “cái gai” trong mắt Trung Quốc, khiến cho nước này có những động thái đáp trả không chỉ về quân sự mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, chính trị của từng quốc gia thành viên.
Đối với Việt Nam, hoạt động tập trận chung cũng có những tác động nhất định. Thứ nhất, hoạt động tập trận chung với các quốc gia ASEAN giúp Việt Nam tăng cường khả năng chuyên môn của lực lượng quân đội Việt Nam bao gồm hải quân, lục quân, không quân trong việc ứng phó với các tình huống nguy hiểm trên biển, đặc biệt về các hoạt động nhân đạo và tìm kiếm cứu nạn; nâng cao năng lực hợp tác với các quốc gia trong khu vực qua đó tăng cường mối quan hệ với các quốc gia thành viên. Hoạt động hợp tác diễn tập trên biển với mục đích “phi quân sự” lần này có thể phát triển thành các hoạt động hợp tác quân sự, kinh tế trên biển thậm chí qua đó gắn kết các hoạt động hợp tác toàn diện trên không và trong đất liền. Sự hợp tác sâu rộng này sẽ vô hình trung làm gia tăng sức mạnh quân sự, gắn kết kinh tế và vị thế của Việt Nam. Ngoài ra, việc tham gia tập trận quân sự lần này cũng cho thấy mức độ kiên quyết của Việt Nam đối với chính sách trung lập, mục tiêu cốt lõi là đảm bảo lợi ích quốc gia, không nghiêng theo nước lớn, không liên minh quân sự gây phương hại đến quốc gia khác và tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các mâu thuẫn và tranh chấp lãnh thổ. Bên cạnh việc hợp tác với ASEAN, Việt Nam cũng cần tăng cường khả năng tự chủ về quốc phòng, xây dựng tiềm lực quân sự nhằm tự vệ cho chính mình. Cần lưu ý rằng, mọi sự đảm bảo an ninh từ bên ngoài đều không phải là phương án cốt lõi và lâu dài để đảm bảo lợi ích và duy trì toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Chính vì vậy, tiềm lực quốc phòng, ý chí đoàn kết, chính sách linh hoạt được hình thành dựa trên mục tiêu lợi ích quốc gia dân tộc mới chính là yếu tố quan trọng nâng cao sức mạnh quốc gia.
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Diệp
Mọi trao đổi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Genta Tenri M, Resinta S (2023), “TNI commander opens first ASEAN military exercise ASEX-01 Natuna”, Antara News, https://en.antaranews.com/news/294006/tni-commander-opens-first-asean-military-exercise-asex-01-natuna
[2] Voice of Indonesia (2023), TNI Commander: ASEX-01 Natuna Forms Military Support For AOIP, https://voi.id/en/news/312225; CNN Indonesia (2023), TNI Respons Kabar Lokasi Latihan Bersama ASEAN Dipindah Imbas China, https://www.cnnindonesia.com/nasional/20230920094418-12-1001306/tni-respons-kabar-lokasi-latihan-bersama-asean-dipindah-imbas-china & Arief Setyadi (2023), Pertama dalam Sejarah, ASEX-01 Latihan Non-Militer Libatkan Seluruh Negara ASEAN, Okezone, https://nasional.okezone.com/read/2023/09/19/337/2886007/pertama-dalam-sejarah-asex-01-latihan-non-militer-libatkan-seluruh-negara-asean
[3] Tentara Nasional Indonesia (2023), Latihan Interoperabilitas Penanganan Bencana, ASEX -01 Tumbuhkan Soliditas ASEAN, https://tni.mil.id/view-231271-latihan-interoperabilitas-penanganan-bencana-asex-01-tumbuhkan-soliditas-asean.html
[4] Ministry of Defence Singapore (2023), SAF Participates in ASEAN Solidarity Exercise 2023, https://www.mindef.gov.sg/web/portal/mindef/news-and-events/latest-releases/article-detail/2023/September/19sep23_nr
[5] Xuân Mai (2023), “ASEAN lần đầu tập trận chung ở biển Đông”, Báo Người Lao động, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/asean-lan-dau-tap-tran-chung-o-bien-dong-20230609103303004.htm
[6] Nana Shibata (2023), “ASEAN seeks to demonstrate ‘unity’ in South China Sea drills”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/South-China-Sea/ASEAN-seeks-to-demonstrate-unity-in-South-China-Sea-drills